Cần thử nghiệm yếu tố huyền thoại và những mảnh trò “Hiện thực giả định” trong Chèo hiện đại

untitled-311

Như chúng ta đã biết, yếu tố huyền thoại và những miếng trò hiện thực giả định (theo cách nói của giáo sư Hà Văn Cầu) đã góp phần quan trọng tạo nên đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật và phong vị của Chèo truyền thống. Hầu hết những mảnh trò hay nhất của Chèo đều hàm chứa yếu tố huyền thoại hoặc là những miếng trò chiếm lĩnh hiện thực bằng một hiện thực giả định như giáo sư Hà Văn Cầu đã phát hiện trong cuốn Mấy vấn đề trong kịch bản Chèo.

Đã từ lâu, chúng tôi nghĩ rằng, Chèo hiện đại muốn giữ được đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật và phong vị của nó, hay nói một cách khác là giữ được bản sắc Chèo thì nhất thiết phải tạo dựng trong các vở diễn yếu tố huyền thoại và những miếng trò hiện thực giả định.

Kể từ khi chập chững vào nghề cho đến lúc trưởng thành, tôi đã trải qua 43 năm cầm bút viết Chèo và trong đó có 36 năm (1969 – 205) đã có chủ tâm thử nghiệm những kịch bản Chèo mới có yếu tố huyền thoại hoặc những miếng trò hiện thực giả định.

Bắt đầu từ năm 1969 với kịch bản Chèo Tiếng sáo quê hương, tôi đã phỏng theo mô hình của vở Trương Viên để đưa yếu tố huyền thoại vào một vở diễn đề tại hiện đại, ca ngợi một cô gái hậu phương đảm đang chung thuỷ, mặc dù bị mảnh bom Mỹ làm hỏng đôi mắt vẫn chăn tằm dệt lụa giúp đỡ mẹ già của người chồng chưa cưới để anh yên lòng đi đánh Mỹ. Đến ngày anh thắng trận được phép về thăm nhà, nghe tiếng sáo thiết tha đằm thắm của người thương, đôi mắt cô gái quê hương đã bừng sáng lên sau bao ngày tăm tối. Kịch bản đã được Đài Tiếng nói Việt Nam dàn dựng truyền thanh, được Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tặng giải Ba cũng là giải cao nhất (bởi không có giải Nhất, giải Nhì) của cuộc thi kịch bản do Hội tổ chức năm 1970. Trường VHNT Hải Phòng đã dàn dựng làm bài thi tốt nghiệp cho một khoá diễn viên Chèo và vở diễn cũng được hoan nghênh.

Bước thành công ban đầu tuy còn rất khiêm tốn, song đã giúp tôi tin tưởng và tiếp tục thử nghiệm nhiều hơn, mạnh dạn hơn, không còn là mô phỏng Chèo cổ, mà cố gắng sáng tạo ra những miếng trò hiện thực giả định hoặc những tình tiết mang tính chất huyền thoại trong nhiều kịch bản của mình.

– Yếu tố huyền thoại được thử nghiệm trong các vở: Người trong giai thoại viết về một trung đoàn bộ đội tham gia xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại, đã được in trên tạp chí Sân khấu năm 1983 và Đoàn văn công Quân khu 3 dàn dựng, đạo diễn NSƯT Hoàng Hải, và vở Huyền thoại bên sông Đà, viết về việc xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (chưa được dàn dựng). Yếu tố huyền thoại cũng đã được vận dụng vào vở Đêm trăng huyền thoại, viết về Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, do Đoàn Chèo Thái Nguyên dàn dựng, đạo diễn Đoàn Văn Hiệp, tức Trần Đình Ngôn, kịch bản được giải Ba cuộc vận động sáng tác về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng, đồng thời được tặng giải Ba cuộc thi sáng tác kịch bản năm 1998 của Bộ VHTT do quỹ Pho tài trợ. Vở diễn được tặng giải thưởng riêng ở liên hoan SK Chèo đầu năm 2000.

– Về các miếng trò hiện thực giả định, chúng tôi đã thử nghiệm trong nhiều vở đề tài lịch sử và đề tài hiện đại.

Trong đề tài lịch sử có:

+ Miếng trò vua nhỏ hỷ mũi chưa sạch trong vở Tấm áo bào hoàng đế – Đoàn Chèo Ninh Bình dàn dựng năm 1991, NSƯT Bùi Đắc Sừđạo diễn.

+ Miếng trò các quan tham nhũng ăn mùn thớt và miếng vua Mạc, vua Chèo trong vở Lời sấm truyền từ quán Trung Tân, Đoàn Chèo Hải Phòng, đạo diễn NSƯT Lê Hùng, HCB Hội diễn SKTQ đợt 4 – 1995.

Với đề tài hiện đại, hiện thực giả định được thử nghiệm trong các vở:

+ Vở Chuyện lạ của người quen (tức Cơn mê ác quái) do Đoàn Chèo Hải Phòng dàn dựng 1975, đạo diễn Lộng Chương với sự kiện cải tiến máy cày công nông thành xe com-măng-ca chở cán bộ xã đi họp. Đây là sự việc có thật ở một xã thuộc huyện An Lão Hải Phòng, nhưng nó khá kỳ quặc nên khi đưa vào vở diễn, người xem mặc nhiên coi như là tác giả hoàn toàn bịa ra, vì vậy chúng tôi cũng coi đó là hiện thực giả định.

+ Vở Những tiếng đàn bầu do Đoàn Chèo Hải Phòng, Đoàn Chèo Quảng Ninh và Đoàn Chèo Hà Bắc dựng, đạo diễn Trần Đình Ngôn với miếng trò đám cưới giả.

+ Vở Của hồi môn do Đài Truyền hình Việt Nam dàn dựng, HCV liên hoan nghệ thuật truyền hình năm 1993 với sự cộng tác của đạo diễn, NSƯT Bùi Đắc Sừ và các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam, trong vở có miếng trò cô Hương mở cuộc kén chồng là hiện thực giả định.

+ Và vở Thung lũng cô đơn, với miếng trò Triều đình lưu manh. Vở do Đoàn Chèo Hải Phòng dàn dựng năm 1985, đạo diễn Trần Đình Ngôn. Sau đêm tổng duyệt, vở không được công diễn do Giám đốc Sở không chấp nhận một số vấn đề tư tưởng đặt ra trong tác phẩm. Kịch bản này đã được NXBSK cho in năm 1993 trong tập Chiếc nón bài thơ.

Nhìn chung, trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi đã được các nghệ sĩ Chèo ở các Đoàn hết sức nhiệt tình ủng hộ, các đạo diễn tâm đắc với tôi đã góp phần quan trọng có ý nghĩa quyết định tạo nên những thành công đó. Nhân đây, cho tôi được trân trọng cảm ơn đạo diễn Bùi Đắc Sừ và đạo diễn Lê Hùng cùng các vị cố vấn Trần Bảng, Dương Ngọc Đức, Đình Quang, Ngọc Phương cùng các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam, Đoàn Chèo Hải Phòng, Đoàn Chèo Quảng Ninh, Đoàn Chèo Hà Bắc cũ và Đoàn Chèo Thái Nguyên xưa đã giúp đỡ tôi trong những bước đường thử nghiệm nghệ thuật.

Những thử nghiệm bước đầu của tôi về yếu tố huyền thoại và những miếng trò hiện thực giả định đã được các nhà lý luận phê bình khuyến khích động viên, được các Hội đồng giám khảo ghi nhận và được công chúng khán giả sẵn sàng tiếp nhận, trong đó có nhiều người tỏ ý hoan nghênh. Những giải thưởng mà chúng tôi vừa nhắc tới không dám nhằm mục đích tự khoe chút thành tích nhỏ nhoi mà chỉ là để chứng minh rằng các thử nghiệm đó đã được đại đa số đồng nghiệp cùng công chúng tán đồng và tiếp nhận.

Qua 35 năm suy nghĩ tìm tòi và thử nghiệm trong vở 2 Chèo đề tài lịch sử và 8 vở Chèo đề tài hiện đại, chúng tôi rút ra được một số điều như sau:

  1. Chèo hiện đại hoàn toàn có thể tạo dựng nên yếu tố huyền thoại và những miếng trò hiện thực giả định. Nghệ sĩ Chèo ngày nay có đủ khả năng sáng tạo như các nghệ sĩ Chèo dân gian ngày xưa. Vấn đề chỉ còn là: Chúng ta có tiếp tục làm Chèo theo phương pháp nghệ thuật của Chèo truyền thống hay không?
  2. Hầu hết công chúng khán giả đều sẵn sàng tiếp nhận và hoan nghênh những vở Chèo hiện đại đề tài hiện đại có yếu tố huyền thoại và các miếng trò hiện thực giả định nếu các vở diễn ấy đạt được chất lượng nghệ thuật từ mức trung bình trở lên.
  3. Hầu hết các nhà lý luận phê bình và bạn đồng nghiệp khuyến khích sự tìm tòi thử nghiệm này.
  4. Những người chưa tán đồng thường là những người có khuynh hướng phát triển Chèo theo các nguyên tắc của Kịch nói dòng hiện thực tả chân.

Những thành công bước đầu tuy còn nhỏ bé, nhưng đã củng cố lòng tin cho chúng tôi về một hướng đi của Chèo hiện đại.

Nhìn sang các nghệ thuật khác như sân khấu và điện ảnh nước ngoài, chúng tôi thấy người ta đã đưa yếu tố huyền thoại và những miếng trò mà ta gọi là hiện thực giả định vào tác phẩm điện ảnh và vở diễn sân khấu đề tài hiện đại từ lâu.

Năm 1984 nhà viết kịch Tất Đạt cùng tôi được Hội NSSKVN cử sang dự Liên hoan sân khấu toàn quốc của Bungari. Chúng tôi đã thấy người ta đưa yếu tố huyền thoại và hiện thực giả định vào 4 trong 12 vở mà chúng tôi được xem. Những vở này đều đã được chấm đạt HCV và các khán giả Bungari rất hoan nghênh.

Hiện nay, Đài Truyền hình Hà Nội đang chiếu bộ phim Mỹ Nữ chúa rừng xanh về đề tài hiện đại với chủ đề bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Yếu tố huyền thoại đã chiếm một tỉ lệ khá nhiều trong mỗi tập phim. Những phim như thế này trong điện ảnh thế giới không phải là ít. Đó là chưa kể đến loại phim  khoa học viễn tưởng.

Ngày nay, khái niệm “tính chân thực” đã được mở rộng, càng thoát xa quan niệm chân thực một cách máy móc cực đoan đến tự nhiên chủ nghĩa. Việc tạo dựng yếu tố huyền thoại và các miếng trò hiện thực giả định chẳng có gì mới mẻ bởi cha ông ta đã từng làm và nhờ đó mà Chèo có phong vị riêng có những tinh hoa độc đáo. Đây chính là sự trở về với truyền thống, kế thừa và phát huy truyền thống để đậm đà bản sắc Chèo hơn trong Chèo hiện đại, bởi cần phải bảo vệ và phát triển Chèo, không để Chèo biến dạng thành một hình thức sân khấu lai tạp.

Đây không phải là một hướng đi duy nhất của Chèo hiện đại, nhưng nó có nhiều ưu thế trong việc kế thừa và phát triển Chèo theo các nguyên tắc cơ bản trong phương pháp nghệ thuật của Chèo truyền thống. Vì vậy chúng tôi rất mong được các nhà lý luận phê bình và công chúng tiếp tục ủng hộ, động viên, rất mong được các bạn đồng nghiệp thiết tha yêu Chèo cùng tiếp tục thử nghiệm. Chúng tôi tin tưởng rằng, nhiều nghệ sĩ Chèo, nhiều Đoàn Chèo sẽ có những thành công rực rỡ, vượt xa những cố gắng bước đầu của chúng tôi.

Tham luận của TS Trần Đình Ngôn tại Hội thảo do Nhà hát Chèo VN tổ chức

Hà Nội, ngày 25/3/2005