Trình diễn những bộ sưu tập độc đáo của các nhà thiết kế sinh viên

VHO – Tối 30.7, chương trình Fashion Creation 2022 của sinh viên ngành Thiết kế thời trang, Trường ĐH Hoa Sen (HSU) đã mang đến những màn trình diễn mãn nhãn đến từ 21 nhà thiết kế trẻ với hơn 60 bộ trang phục.

Fashion Creation là một trong những sự kiện lớn nhất năm của sinh viên Hoa Sen, được đầu tư hoành tráng, dành riêng cho sinh viên ngành Thiết kế thời trang, thuộc khoa Thiết kế – Nghệ thuật. Qua từng mùa Fashion Creation, các bạn sinh viên đều để lại những bộ sưu tập (BST) đầy sáng tạo, được đánh giá cao bởi giới chuyên môn. Đây còn được xem là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của các nhà thiết kế trẻ, bước đầu tạo dựng thương hiệu bản thân và khẳng định thực lực trong ngành công nghiệp thời trang tại Việt Nam.

Ban giám khảo là những chuyên gia đầu ngành thời trang như: Ông Lâm Gia Khang – Nhà sáng lập, Nhà thiết kế Gia Studio; bà Nguyễn Quỳnh Như (Quynh Paris) – Người sáng lập, Nhà thiết kế thương hiệu QUYNH PARIS; bà Nguyễn Thị Kim Trúc – Trưởng bộ phận Thiết kế thương hiệu THE31; bà Trần Nguyễn Thiên Hương – Tổng biên tập Tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam; ông Cheng Chou Phukan – Giám đốc Design & Visual Merchandising Công ty Sơn Kim Mode; bà Nguyễn Thị Thùy Trang – Biên tập viên Thời trang – Tạp chí Elle; bà Võ Ngọc Thùy Anh (Anna Võ) – Giám đốc sáng tạo PNJ/Nhà sáng lập – Thiết kế thương hiệu ANNA VO;…

Hội đồng chuyên môn chấm thi các mẫu thiết kế

Tại Fashion Creation, các sinh viên đã trình bày báo cáo tốt nghiệp trước hội đồng chuyên môn. Bên cạnh các mẫu trang phục, các bạn phải chuẩn bị hồ sơ đồ án tốt nghiệp bao gồm 3 loại. Hồ sơ thiết kế với thể hiện rõ ràng ý tưởng; bản cảm hứng sáng tạo với các định hướng rõ ràng về xu hướng, câu chuyện cũng như khối hình, màu sắc của BST; các mẫu vải, kỹ thuật sáng tạo bề mặt chất liệu; mẫu phác thảo. Hồ sơ kỹ thuật gồm bản vẽ kỹ thuật của từng mẫu trang phục trong toàn BST; bản phát triển mẫu, bản mô tả kỹ thuật của từng mẫu trang phục, mẫu nháp thực hiện trên vải thật. Hồ sơ xây dựng thương hiệu gồm kế hoạch và chiến lược phát triển thương hiệu cá nhân dựa trên BST mà các bạn đang thiết kế. Bên cạnh đó, các sinh viên cũng giới thiệu các hình ảnh shooting hoặc video shooting của các thiết kế được sử dụng trong kế hoạch marketing – truyền thông đến với công chúng.

Thiết kế lấy cảm hứng từ chất liệu dân tộc của các bạn trẻ đã tạo nhiều thiện cảm nơi người xem

Tại buổi báo cáo Đề án tốt nghiệp, các sinh viên Thiết kế Thời trang có cơ hội thể hiện kiến thức kỹ năng toàn diện của một nhà thiết kế thời trang. Các bạn không chỉ thiết kế ra trang phục mà còn xây dựng được Bộ sưu tập hoàn chỉnh chuyên nghiệp từ khâu lên ý tưởng, đến quy trình sản xuất bài bản và cuối cùng là xây dựng được chiến lược truyền thông- marketing cho thương hiệu thời trang của mình.

Sau phần báo cáo và nhận xét từ các chuyên gia, các bộ sưu tập được trình diễn như một show thời trang chuyên nghiệp tại Khách sạn Majestic – một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng bậc nhất tại TP.HCM, nhằm lan tỏa thêm giá trị của các mẫu thiết kế. Năm nay, có 21 BST với hơn 60 bộ trang phục đến từ 21 nhà thiết kế trẻ được trình diễn. Với những ý tưởng độc đáo từ nhiều chủ đề khác nhau như: Hiện thực cuộc sống bình dị, các nhân vật, bộ phim kinh điển, thiên nhiên, đại dương, khoa học viễn tưởng… những thiết kế đã gây ấn tượng cho giới chuyên môn và khán giả tại đêm diễn. Đặc biệt, vẻ đẹp của người phụ nữ qua các thời kỳ, nữ quyền vẫn là đề tài quen thuộc được thể hiện qua các BST của các nhà thiết kế trẻ. Song, với góc nhìn mới mẻ, sáng tạo, những thiết kế này vẫn mang đến màu sắc tươi mới, đan xen giữa nét hiện đại và nét truyền thống của người phụ nữ Việt. Đặc biệt, 6 bộ trang phục của các bạn sinh viên HSU tham dự Cuộc thi “Tuyển chọn Thiết kế Trang phục dân tộc” Miss Universe 2022 cũng được trình diễn tại đêm Fashion show.

Một trong các thiết kế của sinh viên HSU tham dự Cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc” Miss Universe 2022

Tại đêm diễn, ban giám khảo cũng đã chọn ra những BST xuất sắc nhất để trao giải: Giải Nhất thuộc về bạn Vũ Nhật Đăng Khoa với BST FUNDAMENTAL; giải Nhì trao cho Nguyễn Thị Minh Thư với BST Dear Hụm; BST SAIGON 2049 của Đặng Lê Duy và BST Lost in the Wild của Vũ Đỗ Quỳnh Hương đồng giải Ba. Chia sẻ về BST của mình, Nguyễn Thị Minh Thư cho biết, BST của cô lấy cảm hứng từ những câu chuyện kể của bà. “Dear Hụm khai thác hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, những cô gái giao liên, những người mẹ, người bà vô cùng mạnh mẽ và bản lĩnh”, Minh Thư bày tỏ.

Thiết kế của Nguyễn Thị Minh Thư lấy cảm hứng từ những câu chuyện kể của bà

Fashion Creation với hành trình xây dựng thương hiệu hơn 10 năm tại Việt Nam đã luôn giới thiệu đến công chúng những nhà thiết kế thời trang tương lai đến từ HSU. Với tư duy sáng tạo hoà cùng bản sắc cá nhân một cách độc đáo, show diễn là nơi mang thiết kế của sinh viên đến gần hơn với công chúng, nơi mở ra nhiều cơ hội, những bước ngoặt trong hành trình nghề nghiệp của các nhà thiết kế thời trang trẻ.

THÙY TRANG (Báo Điện tử Văn Hóa)

Thuận “củi lũ” làm triển lãm Con giống

VHO- Triển lãm điêu khắc Con giống diễn ra tại TP Hội An (Quảng Nam) vào trung tuần tháng 7 vừa qua không chỉ đơn thuần là một sân chơi nghệ thuật của những nghệ sĩ đương đại, mà còn là lời tri ân mà Thuận “củi lũ” dành cho vùng đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mình, với tâm nguyện góp thêm một sản phẩm cho du lịch Hội An, truyền cảm hứng sáng tạo để phục dựng lại làng nghề.

Con giống là thương hiệu của một chuỗi triển lãm nổi tiếng, trưng bày, giới thiệu những tác phẩm nghệ thuật được khai sinh từ ý tưởng phác họa nét đẹp các loài vật thân thuộc với nhà nông của bốn nghệ sĩ: Lê Thiết Cương, Lê Ngọc Thuận, Lê Minh Trí và Vũ Hữu Nhung.

Việc đưa triển lãm này về Hội An là một câu chuyện thú vị về hành trình hội họa, điêu khắc mỹ thuật và ra mắt công chúng của một người con Hội An: Nghệ sĩ, đầu bếp, doanh nhân, kiến trúc sư không chuyên Lê Ngọc Thuận. Anh từng là đầu bếp, một doanh nhân khá thành công và còn là một kiến trúc sư không chuyên. Năm 2012, khi bắt tay vào làm homestay ở làng chài An Bàng (Hội An), Thuận có ý tưởng làm đồ nghệ thuật từ rác tái chế, bắt đầu từ việc tái sử dụng những ngôi nhà ba gian cũ mang hồn quê của làng chài và vật liệu địa phương.

Năm 2020, thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh doanh du lịch – dịch vụ gần như đứng im. Khoảng thời gian đó, Thuận không để mình bị chững lại mà dành thời gian ấy để tìm hiểu về làng nghề mộc Kim Bồng nổi tiếng. “Thật tình cờ, tôi có dịp chứng kiến những bè, thân gỗ trôi từ thượng nguồn về vùng cửa sông Thu Bồn sau những đợt mưa lũ, tôi đã vớt những khúc gỗ ấy đem về đẽo gọt, trau chuốt thành các hình hài con vật khác nhau, lấy ý tưởng từ những tác phẩm điêu khắc của đồng bào Cơ Tu ở vùng núi Tây Giang, Quảng Nam. Những tác phẩm này bất ngờ được khách du lịch đón nhận, mua với giá cao”, anh Thuận kể. Cái tên “Thuận củi lũ” cũng ra đời từ đó!

Câu chuyện của Thuận được nghệ sĩ Lê Thiết Cương biết tới và ông đã hỗ trợ để Thuận đến với triển lãm Con giống tổ chức đầu tiên tại Hà Nội. Tại đây, những tác phẩm của Lê Ngọc Thuận đã thu hút công chúng, được khách sưu tầm đặt mua với số lượng lớn. Với sự hỗ trợ của nghệ sĩ Lê Thiết Cương và các nghệ sĩ khác, Thuận đã đưa triển lãm về Hội An với tâm nguyện góp thêm một sản phẩm để tri ân vùng đất đã nuôi dưỡng tâm hồn mình. Sau triển lãm ở Hội An, Thuận tiếp tục tổ chức trưng bày, triển lãm tại TP Đà Nẵng. Ở mỗi triển lãm, công chúng đều thích thú khi chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc tinh tế và càng bất ngờ hơn khi nghe câu chuyện “tái sinh” của những chất liệu gỗ, củi làm nên các tác phẩm ấy.

Lê Ngọc Thuận cho biết, dự án bước đầu đã cho ra nhiều sản phẩm như mong muốn, đồng thời truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường, tái sử dụng gỗ lũ, gỗ trồng để bà con Quảng Nam thay đổi dần suy nghĩ, tạo ra công ăn việc làm, lưu giữ được văn hoá làng nghề, giáo dục cộng đồng về sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, khoa học. Song song đó, mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho các bạn trẻ ở miền núi, sau đó đưa các bạn trở lại quê hương để tận dụng nguồn nguyên liệu và gia công cho dự án.

Trong tương lai, Lê Ngọc Thuận dự tính sẽ mở khu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật tái chế kể câu chuyện về văn hoá Cơ Tu, văn hóa Hội An qua từng thời kì lịch sử; để khách du lịch tham quan và trải nghiệm làng nghề mộc tái sinh cùng với thợ điêu khắc.

 KHÁNH CHI (Báo Điện tử Văn Hóa)

Thị trường phim chiếu rạp: Thấp thỏm trước những “ẩn số”

VHO- Trong bối cảnh thị trường điện ảnh Việt 6 tháng đầu năm khá ảm đạm, doanh số phòng vé mà Em và Trịnh đạt được thực sự là một điểm sáng đầy hy vọng, dù cũng có không ít nhiều sự tranh cãi. Đây là động lực để các nhà làm phim mạnh dạn hơn trong việc mang những “đứa con tinh thần” của mình ra rạp trong thời gian tới.

Thị trường liệu đã ổn?

Hai năm gần đây, điện ảnh Việt chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch bệnh, nhưng theo thống kê, đã có đến 5 bộ phim đạt doanh thu trăm tỉ. Nhìn vào danh sách phim có doanh thu khủng thì thấy đề tài phản ánh khá đa dạng, từ tâm lý – tình cảm, hài hước đến võ thuật…, điều đó cho thấy, các đạo diễn đã không ngừng nỗ lực sáng tạo để mang đến cho khán giả những bộ phim hấp dẫn, chất lượng. Tuy nhiên, so với nửa đầu năm 2022 sôi động với hơn 20 phim ra mắt, thị trường điện ảnh Việt nửa cuối năm có phần chững lại. Hiện chỉ có số ít phim lên lịch phát hành, còn lại đều đang tính toán để có điểm rơi hợp lý nhất.

Không tính 3 phim Việt ra mắt trong tháng 7 gồm: Kẻ đào mồ (khởi chiếu từ 1.7), Là mây trên bầu trời của ai đó (22.7) và Dân chơi không sợ con rơi (29.7), thì tính đến thời điểm này, các phim lên lịch ra rạp từ nay đến hết năm số lượng còn rất ít. Hiện chỉ có Vô diện sát nhân (26.8), Mười: Lời nguyền trở lại (30.9), Cô gái từ quá khứ (18.11)… Một số dự án phim trước đó từng công bố sẽ phát hành trong năm 2022 như Thanh sói – Cúc dại trong đêmTử mẫu thiên linh cái: Đảo độc đắc, Quỳnh Hoa nhất dạ… hiện vẫn im hơi lặng tiếng.

Thực tế cho thấy, việc chọn ngày phát hành phim ở thời điểm hiện tại đang là bài toán khó đối với các đơn vị sản xuất phim Việt. Bởi lẽ, suốt hai quý đầu năm, dù phim ra rạp rất nhiều nhưng chỉ có duy nhất Em và Trịnh đạt được doanh thu trên 100 tỉ. Một số tác phẩm được đánh giá tạm ổn nhưng doanh thu chỉ đạt mức lưng chừng và nhiều phim bị đánh giá là kém chất lượng, PR quá lố. Điểm sáng hiếm hoi của điện ảnh Việt nửa đầu năm 2022 phải kể đến Đêm tối rực rỡ, Maika cô bé đến từ hành tinh khác…, tuy nhiên lại không thể “hút” được khán giả bỏ tiền mua vé. Qua đó, rất nhiều nhà làm phim thừa nhận rằng, thành công của một bộ phim ngoài câu chuyện chất lượng, thì việc chọn đúng thời điểm phát hành có tác động không nhỏ. Chính vì thế, hiện nhà rạp lẫn nhà sản xuất đều đang trong tâm lý hồi hộp, thấp thỏm vì sợ những “đứa con tinh thần” của mình có nguy cơ “chết yểu” như những bộ phim đi trước.

Với đề tài gia đình, “Dân chơi không sợ con rơi” đang được công chúng mong chờ

Vẫn là những “ẩn số”…

Doanh thu cao của phim Việt đến từ nhiều yếu tố khác nhau, tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia thì muốn chinh phục khán giả thì trước tiên phim phải đậm chất Việt. Đề tài không cần quá cao siêu hay đao to búa lớn mà hãy gần gũi như tình cảm gia đình, cha con, anh em, bạn bè… Phim phải “đời” nhất có thể, từ tính cách nhân vật, lời thoại không rườm rà mà ngắn gọn, giản dị hợp tình hợp lý. Chính vì thế, những bộ phim chuẩn bị ra rạp vẫn còn là những “ẩn số”, khi mỗi bộ phim mang đến một màu sắc khác nhau, cũng như thể loại, câu chuyện khác nhau.

Sau thành công liên tiếp của những tác phẩm điện ảnh từ đầu năm 2022 đến nay như Chìa khóa trăm tỉ (68 tỉ), Nghề siêu dễ (70 tỉ), cặp đôi “mát tay” Thu Trang – Tiến Luật tiếp tục gia nhập “đường đua” với tác phẩm hài – tình cảm gia đình Dân chơi không sợ con rơi vào cuối tháng 7 này. Sau video first-look, teaser đầu tiên của bộ phim vừa được “trình làng”, gợi mở thêm cho khán giả về hành trình nhận con đầy éo le của anh chàng “sát gái” Quân (Tiến Luật). Không những gây ấn tượng bởi nhiều tình huống hài hước cười ra nước mắt, Dân chơi không sợ con rơi còn khiến người xem bất ngờ khi khắc họa câu chuyện gia đình trên nền bối cảnh miền Tây sông nước độc đáo.

Phòng vé Việt tháng 8 sẽ đầy hứa hẹn khi chào đón một tác phẩm kinh dị táo bạo, khiến những khán giả hâm mộ thể loại này “đứng ngồi không yên”. Phim điện ảnh Vô diện sát nhân do Đinh Công Hiếu đạo diễn, thuộc thể loại kinh dị – giật gân theo hướng “slasher” – phong cách kinh dị mang đậm dấu ấn Hollywood. Ghê rợn với những pha hành động, tấn công táo bạo là đặc trưng của dòng phim này. Đồng thời, tác phẩm của Đinh Công Hiếu cũng kỳ vọng mang đến cho khán giả trải nghiệm về những cơn ác mộng kinh hoàng nhất khi bộ phim chính thức được ra mắt. Phim ấn định ra rạp vào ngày 26.8, trở thành phim Việt duy nhất đã “chốt đơn” khởi chiếu vào dịp này. Còn những dự án cuối năm, hiện vẫn chưa được tung trailer và vẫn còn là những “ẩn số” đầy thấp thỏm.

Bên cạnh đó, những dự án còn đang “án binh bất động” cũng được công chúng rất mong chờ. Như Quỳnh Hoa nhất dạ – dự án dã sử, cổ trang có sự đầu tư lớn của điện ảnh Việt, xoay quanh cuộc đời Thái hậu Dương Vân Nga do Lý Minh Thắng đạo diễn, siêu mẫu Thanh Hằng vừa là nhà sản xuất vừa đóng chính; hay Thanh Sói, ngay từ khi xuất hiện những thông tin và hình ảnh chính thức đã tạo cơn sốt với giới mộ điệu khi quy tụ dàn diễn viên trẻ trung, tươi mới được chính Ngô Thanh Vân tuyển chọn, nhào nặn kỹ lưỡng để tìm ra thế hệ đả nữ kế cận.

 THẢO MY (Báo Điện tử Văn Hóa)

Vùng trời bình yên: Nghệ thuật xiếc kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ

VHO-Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2022), Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã dàn dựng chương trình mang tên Vùng trời bình yên. Đây là một chương trình được đầu tư dàn dựng công phu, hấp dẫn, đạt chất lượng cao. Đặc biệt, với chủ đề hướng về cội nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ngôn ngữ của nghệ thuật xiếc sẽ giúp cho thế hệ trẻ cảm nhận sâu sắc tinh thần hi sinh, chấp nhận gian khổ của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và các chiến sĩ binh chủng phòng không, không quân nói riêng trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Vùng trời bình yên là sự tiếp nối của một loạt các chương trình đã được tổ chức vào dịp 27.7 với tên gọi chung Đi cùng năm tháng, đã trở thành thương hiệu thường hằng năm của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Mỗi năm Đi cùng năm tháng lại mang tới một chủ đề khác nhau như: Sống mãi với Điện BiênKý ức Trường SơnBiển đảo là quê hương… Mỗi chương trình để lại nhiều cảm xúc và ý nghĩa sâu sắc cho đông đảo khán giả. Đi cùng năm tháng cũng là dịp để các nhà hảo tâm, các nhà doanh nghiệp ủng hộ, đóng góp và trực tiếp trao tặng các phần quà tới tận tay các cựu chiến binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các thương bệnh binh, các nạn nhân chất độc màu da cam…Đây cũng là dịp để tiếp tục giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay, các nghệ sĩ xiếc trẻ về truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất của cha anh. Cũng giống như ”Uống nước phải biết nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây”, đó chính là đạo lý cao đẹp mà biết bao thế hệ đã vun đắp.

Phát huy ý nghĩa cao đẹp đó, Ban lãnh đạo Liên đoàn xiếc Việt Nam đã đưa ra kế hoạch xây dựng kịch bản tổ chức chương trình nghệ thuật tổng hợp Đi cùng năm tháng lần thứ 4 nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương, binh liệt sĩ với tên gọi: Vùng trời bình yên. Chương trình do NSND Tống Toàn Thắng viết kịch bản và dàn dựng với sự tham gia của các nghệ sĩ thuộc cả 3 đoàn biểu diễn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chỉ đạo nghệ thuật. Chương trình có nội dung và được dàn dựng cụ thể cho từng tiết mục mang màu sắc riêng. Các hoạt cảnh xiếc được lồng ghép có nội dung theo giai điệu bài hát, với những tiết mục xiếc khắc họa người chiến sĩ phòng công, phi công anh hùng bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Trong chương trình có sự phối hợp cùng ca sĩ với các bài hát ca ngợi tình yêu đất nước…

Khán giả vừa được xem những tiết mục xiếc độc đáo như đu dây, cầu bật, dây lụa, đế vòng, nhào sào, nhào lộn… vô cùng hấp dẫn, vừa được gặp lại những tiết mục xiếc thú như xiếc lợn, xiếc dê… được lồng ghép vào các hoạt cảnh và các tiết mục màn múa hát… vô cùng hấp dẫn. Các chương trình trong Đi cùng năm tháng vào dịp Ngày Thương binh, liệt sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn thu hút được sự tham gia hào hứng của nhiều lứa tuổi khán giả từ các cựu chiến binh cho tới các cháu học trò nhỏ. Góp tiếng nói cho một cách làm mới những chương trình nghệ thuật mang đề tài cách mạng. Chương trình xiếc đặc biệt Vùng trời bình yên sẽ diễn ra vào các suất diễn trong các ngày: 23.7 (20h00), 24.7 (09h30), 27.7 (20h00).

ĐÀO ANH; ảnh: HOÀNG ANH (Báo Điện tử Văn Hóa)

Phim hoạt hình Việt: “Miền đất hứa” rục rịch trỗi dậy

VHO- Nếu như từ lâu, phim hoạt hình đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới, thì ở Việt Nam, dòng phim này vẫn đang dò dẫm tìm đường, loay hoay định vị thương hiệu. Tại phòng vé, các “siêu phẩm” hoạt hình ngoại gần như “một mình một ngựa” trong khi sản phẩm trong nước chỉ có thể tiếp cận khán giả qua truyền hình hoặc nền tảng mạng xã hội. Hoạt hình Việt chỉ bắt đầu gây chú ý trong một vài năm gần đây.

“Bắt bệnh” để kê đơn

Việt Nam có tỷ lệ dân sốtrẻ đáng mơ ước cho những nhà làm phim hoạt hình bởi giới trẻ luôn là nguồn khán giả giá trị. Tuy nhiên, dù được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng thị trường hoạt hình Việt lại không có chỗđứng ngay trên sân nhà. Thực tế chứng minh, vô sốtác phẩm hoạt hình ngoại như Kẻ cắp mặt trăngPokemonBí kíp luyện rồngNữ hoàng băng giá… đều có doanh sốngất ngưởng tại Việt Nam. Mới đây nhất, Minions: Sự trỗi dậy của Gru nhanh chóng chiếm lĩnh top 1 phòng vé Việt ngày đầu ra rạp và chỉ sau 10 ngày chiếu chính thức đã cán mốc 100 tỉ và trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất từ trước đến nay, áp đảo cả các phim hành động và siêu anh hùng có kinh phí lớn. Rõ ràng, “cuộc chơi” trong lĩnh vực này hoàn toàn thuộc về đối thủ ngoại quốc.

Có thể thấy, hoạt hình Việt dường như vẫn “mắc kẹt” trong tư duy, cách làm, cách xử lý nội dung không hề có sự đột phá. Kịch bản theo lối mòn, hình ảnh thiếu tính sáng tạo, nhân vật loanh quanh với những truyền thuyết, cổ tích, truyện cười… đã quá quen thuộc. Nhân vật cũng thiếu sự đa dạng về tính cách, cá tính, nội dung đơn điệu, quá nhiều lời thoại, ít khơi gợi cảm xúc của người xem. Và dường như các nhà làm phim quá xem trọng mục tiêu giáo dục nên coi nhẹ tính giải trí, dẫn đến hoạt hình Việt mới chỉ dừng lại ở mức độ làm sao cho dễ hiểu mà thiếu sự sâu sắc, lôi cuốn, hấp dẫn. Đầu ra cho thể loại này hiện nay khá hẹp, gần như chỉ có chuyển tải qua kênh truyền hình hay YouTube, vì thế tộc độ lan tỏa và quảng bá vẫn còn nhiều hạn chế.

Kinh phí đầu tư cũng là điều khiến các nhà đài, xưởng phim hoạt hình “đau đầu”, bởi chi phí của nhiều tác phẩm hoạt hình thế giới có thể lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm triệu USD, không hề thua kém sốtiền đầu tư cho thể loại “bom tấn” hành động. Ở Việt Nam, con sốđầu tư cũng không phải là ít, trong khi đầu ra lại rất bấp bênh. Bên cạnh chi phí đầu tư cao, đòi hỏi công nghệ, kỹ xảo tiên tiến thì một khó khăn lớn mà nhà sản xuất phim hoạt hình phải đối mặt là nguồn nhân lực cực kỳ khan hiếm. Hiện Việt Nam chưa có trường lớp hoặc khóa đào tạo chuyên ngành về biên kịch hoạt hình. Chính vì vậy, nguồn nhân lực này chủ yếu là từ phương thức truyền nghề. Điều đáng buồn hơn, nhà sản xuất nội địa luôn bị hãng ngoại quốc hớt tay các biên kịch tài năng bởi chính sách đãi ngộ của họ quá hấp dẫn.

Hy vọng sẽ bứt phá

Để có bước đi dài hơi, phim hoạt hình Việt cần phải thay đổi mạnh mẽ. Việc đầu tư cho nguồn nhân lực đang là yêu cầu vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược. Chúng ta cần sự “lột xác” để có những kịch bản hay, nội dung sâu sắc, mang hơi thở cuộc sống và thời đại. Bên cạnh đó, cũng rất cần đến vai trò “bà đỡ” của Nhà nước và các cơ quan liên quan, hỗ trợ từ chính sách đào tạo đến tài chính, bảo hộ để phim đủ điều kiện tiếp cận rộng rãi khán giả trong và ngoài nước.

Trên thực tế, thời gian gần đây, hoạt hình trong nước đã có nhiều tiến bộ. Các họa viên bắt đầu định hình được cách làm, có sự tìm tòi để cho ra đời những tác phẩm chất lượng. Có thể thấy, tại LHP Việt Nam 2021 và giải Cánh Diều 2021, các tác phẩm tham dự đã có chất lượng đồng đều hơn. Cũng trong năm 2021, kênh của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam trên trang YouTube có gần 200 triệu lượt theo dõi mới. Càng bất ngờ hơn, sê-ri Wolfoo – sản phẩm của ê kíp sáng tạo người Việt – được dịch ra 10 thứ tiếng đã thu hút tới hơn 2 tỉ người xem. Cuối tháng 5 vừa qua, nữ đạo diễn Mai Vũ với phim hoạt hình ngắn Giấc mơ gỏi cuốn (Spring roll dream) đã gây chú ý khi vượt qua 1.500 đối thủ, trở thành một trong 16 phim ngắn được chiếu và tranh giải trực tiếp tại La Cinef – hạng mục dành cho tác phẩm đến từ các trường đào tạo về phim ảnh. Trong tháng 7 này, ba phim hoạt hình ngắn gồm Giấc mơ gỏi cuốnU linh tích ký: Bột thần kỳTàn thể: Tiền truyện sẽ cùng được chiếu và đưa ra thảo luận trong sự kiện Giấc mơ hoạt họa do Công ty Xine House tổ chức. Đây được coi là cơ hội tốt để các nhà làm phim trẻ nói riêng hoặc người yêu phim, yêu hoạt hình nói chung giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, hiểu biết với những đạo diễn tài năng, có kinh nghiệm. Các hoạt động này cho thấy đã có rất nhiều nỗlực để góp phần bù lấp lỗ hổng kịch bản đang được tiến hành, tạo dựng tiền đề quan trọng cho chiến lược lâu dài để sản xuất phim hoạt hình.

“Vạn sự khởi đầu nan”, hoạt hình Việt muốn bứt phá phải hội đủ yếu tố, quan trọng nhất là đột phá về tư duy sáng tạo, đáp ứng được thị hiếu và sự quan tâm của khán giả, có như vậy mới có thể định vị được thương hiệu để bước ra thế giới.

 BÁ TRƯỜNG (Báo Điện tử Văn Hóa)

“Minions: Sự trỗi dậy của Gru” lập kỷ lục doanh thu

VHO- Minions: Sự trỗi dậy của Gru đang thiết lập nhiều kỷ lục ấn tượng tại phòng vé Việt Nam. Bộ phim đã chiếm lĩnh Top 1 phòng vé Việt trong 5 ngày đầu ra rạp và vẫn tiếp tục giữ vững vị trí xuất sắc này ở cuối tuần thứ 2. Và chỉ sau 10 ngày chiếu chính thức, bom tấn Minions đã cán mốc 100 tỉ doanh thu và trở thành bộ phim hoạt hình có doanh thu cao nhất từ trước đến nay.

Bộ phim hoạt hình cán mốc 100 tỷ nhanh nhất

Cơn sốt Minions không hề giảm nhiệt tại các phòng vé trên toàn thế giới khi đã gặt hái gần 400 triệu đô la. Cuối tuần vừa rồi,  bộ phim khởi chiếu Pháp đã thu về tới 7,1 triệu đô, trở thành doanh thu mở màn cuối tuần lớn nhất của đất nước này năm 2022.

Đạo diễn đứng sau những phần phim “tỷ đô”

Hai phần gần đây nhất của Despicable Me do Kyle Balda và Pierre Coffin đạo diễn đều có doanh thu vượt ngưỡng 1 tỷ đô. Tiếp tục trở lại với vai trò “tổng chỉ huy của Minions: Sự trỗi dậy của Gru, Kyle Balda tiếp tục cho thấy sự “mát tay” khi giúp phim “làm mưa, làm gió” tại phòng vé ở nhiều thị trường trên thế giới. Balda bày tỏ: “Với Minions: Sự trỗi dậy của Gru , chúng tôi sẽ tiến thêm một bước để kể cho khán giả về lần đầu mà các Minion gặp gỡ Gru, cũng như hé lộ về quãng đời khi ác nhân bá đạo này mới chỉ là một cậu nhóc 12 tuổi ấp ủ tham vọng trở thành bá chủ thế giới. Chúng ta sẽ được thấy các Minion đã ủng hộ Gru cùng những mơ ước của gã như thế nào. Thoạt đầu, Gru có phần dè chừng các Minion. Đội quân nhí nhố này vì thế còn rất nhiều việc phải làm để nhận được sự tin tưởng từ phía cậu chủ nhỏ.”

Về việc lựa chọn bối cảnh thập niên 70, Balda cho biết đây là giai đoạn gắn bó mật thiết với quá trình lớn lên của anh, từ TV, âm nhạc kiểu tóc đến quần ống loe, những thứ rực rỡ sắc màu, ánh đèn disco,… Thậm chí khi ấy Balda cũng trạc tuổi Gru trong phim!

Nhóm nhà sản xuất lừng lẫy

Hậu thuẫn cho Kyle Balda lần này còn có bộ ba nhà sản xuất lừng lẫy và quen thuộc Chris Meledandri (CEO của Illumination), Janet Healy (nhà sản xuất của loạt phim Despicable Me) và Chris Renaud (đạo diễn 2 phần đầu của Despicable Me).

Cùng nhau, tất cả làm nên một ê-kíp sáng tạo. Ngay cả nữ diễn viên Tajari P. Henson cũng đánh giá cao về phần phim lần này: “Sau khi được làm việc với Illumination, tôi đã hiểu được tại sao các phim của họ lại thành công tới như vậy. Kyle, Chris và toàn bộ nhóm làm phim tại đây đều cực kỳ sáng tạo và bắt tay nhau tạo thành một cỗ máy hoạt động trơn tru. Họ đã tính toán kỹ lưỡng những gì sẽ xuất hiện trong một phân cảnh nào đó và cân nhắc điều gì sẽ tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ nhất trong lòng khán giả.”

Ngoài ra, Chris Meledandri tin rằng âm nhạc là một trong những yếu tố đóng vai trò then chốt trong nghệ thuật kể chuyện của Minions: Sự trỗi dậy của Gru lần này. Ông nói: “Tôi ti phim ảnh là sự kết hợp của lời thoại, diễn xuất và âm nhạc. Nếu có thể kết hợp thành công 3 thứ đó, bạn sẽ tạo ra một trải nghiệm cực kỳ độc đáo dành tặng cho khán giả thưởng thức bộ phim.” Vì lẽ đó, ê-kip tin tưởng giao khâu nhạc phim cho nhà sản xuất âm nhạc từng giành giải thưởng Grammy 2022 cho Nhà sản xuất của năm, Jack Antonoff.

 Dàn diễn viên lồng tiếng hàng đầu Hollywood

Nhắc đến thành công vang dội của Minions: Sự trỗi dậy của Gru, không thể không nhắc đến dàn diễn viên lồng tiếng “toàn sao”. Trước hết là Steve Carell (trong vai Gru nhí) và Pierre Coffin (trong vai các Minions).

Đây là lần thứ 5 mà nam diễn viên Steve Carell lồng tiếng cho Gru. Về lý do khiến cho nhân vật của mình lại chiếm được cảm tình của đông đảo khán giả ở đủ mọi độ tuổi, Carell lý giải: “Tôi cho rằng mọi người rất hứng thú theo dõi những đặc điểm khiến cho một nhân vật phản diện trở nên nổi bật. Những nhận thức của trẻ em về một ác nhân có thể sẽ rất khác biệt so với quan điểm của một người trưởng thành. Trong những phần phim này, tuy là một gã siêu xấu xa, ở Gru vẫn có điều gì đó vô cùng ngọt ngào. Thật tuyệt khi được vào vai một siêu ác nhân nhưng lại có một trái tim giàu lòng trắc ẩn”.

Ngoài ra như thường lệ, Pierre Coffin đã thổi linh hồn vào bộ ba Minions Bob – Stuart – Kevin và cả thành viên mới Otto. Mỗi Minion đều có một tính cách, giọng điệu riêng biệt.

Tiếp đến là Wild Knuckles – cựu thủ lĩnh của băng Vicious 6 do chủ nhân giải thưởng Oscar Alan Arkin đảm nhận. Alan Arkin chia sẻ: “Điều khiến tôi háo hức với vai diễn này là cơ hội được tái hợp với Steve Carell. Đây là lần thứ 4 chúng tôi cùng nhau tham gia trong một bộ phim, và là lần thứ 3 tôi thủ vai thầy dạy của cậu ấy”.

Vicious 6 còn có dàn nhân vật ác nhân toàn những cái tên độc đáo gồm Belle Bottom (do sao nữ từng được đề cử Oscar Taraji P. Henson lồng tiếng), Jean-Clawed (do tượng đài dòng phim hành động Jean-Claude Van Damme lồng tiếng), Svengance (nam diễn viên – vận động viên võ thuật người Thụy Điển Dolph Lundgren lồng tiếng), Stronghold (do nam diễn viên Danny Trejo từng tham gia PredatorsOnce Upon a Time in Mexico,… lồng tiếng), và Nun-Chuck (do nữ diễn viên Lucy Lawless của series ăn khách Warrior Princess đảm nhận lồng tiếng).

Phim còn gây bất ngờ lớn với khán giả bằng sự góp mặt của siêu sao Dương Tử Quỳnh trong vai Master Chow (Dì Châu) – một võ sư kung fu đã giải nghệ và đang làm chủ  phòng khám đông y tại khu Chinatown của San Francisco. Dương Tử Quỳnh cho hay: “Đối với tôi, sẽ dễ dàng hơn để thủ vai một nhân vật nào đó bằng cách thực hiện các cảnh quay hành động hơn là sử dụng giọng nói. Vì thế, tôi đã phải đi đi lại lại trong phòng thu khá nhiều.”

QUỲNH CHI (Báo Điện tử Văn Hóa)

Khởi động Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang – 2022

VHO- Sở VHTT TP.HCM chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Hội Sân khấu TP.HCM chính thức khởi động Cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang – Năm 2022”.

Là một trong những hoạt động trọng tâm thực hiện “Đề án tổ chức Lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu TP.HCM, giai đoạn 2020-2030”; kế thừa thành quả đã đạt được của “Giải thưởng Trần Hữu Trang” (từ năm 1991-2014) và Cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang – 2020”, sự kiện một lần nữa khẳng định sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật Cải lương vẫn luôn đồng hành với nhịp sống thời đại. Ngoài mục đích tìm kiếm các tài năng, tăng cường cho lực lượng nghệ sĩ kế thừa, cuộc thi còn tạo điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cho các nghệ sĩ, khơi gợi ý thức tự rèn luyện, tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng khán giả; tôn vinh và ghi nhận lòng yêu nghề, sức sáng tạo của nghệ sĩ, khuyến khích sự phấn đấu đối với các nghệ sĩ trong sáng tạo, biểu diễn. Thành tích của các nghệ sĩ, diễn viên đạt được từ cuộc thi sẽ được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chứng nhận, là cơ sở đề xuất xem xét, bổ sung thành tích nghệ thuật của cá nhân trong các đợt xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” do Nhà nước phong tặng.

Cuộc thi được triển khai tổ chức thành 2 vòng trên phạm vi toàn quốc. Cụ thể, Vòng 1 – Sơ tuyển tổ chức ở ba khu vực: Tại TP.HCM dành cho các thí sinh khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng trở vào TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ), thời gian từ ngày 9-12.9; tại TP Hà Nội dành cho các thí sinh khu vực phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra các tỉnh thành phía Bắc), từ ngày 14-15.9; và tại TP Cần Thơ dành cho thí sinh thuộc khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ, từ ngày 17-20.9. Vòng 2 – Chung kết diễn ra từ ngày 14-18.10, dự thi tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, TP.HCM. Chương trình công bố, trao giải thưởng vào ngày 22.10, tại Nhà hát Thành phố.

Thí sinh đăng ký tham gia cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang – 2020” là những nghệ sĩ đang hoạt động nghệ thuật sân khấu Cải lương trên phạm vi toàn quốc tại các đơn vị nghệ thuật công lập và các nghệ sĩ ngoài công lập. Đối với thí sinh đã đạt HCV của Giải thưởng Trần Hữu Trang những năm trước và HCB tại Cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang 2020” được miễn tham gia vòng Sơ tuyển.

Năm nay, BTC dự kiến trao 30 huy chương, trong đó có 10 HCV, 20 HCB cho các thể loại vai: Kép mùi, đào mùi; kép độc, đào lẳng; kép lão, đào mụ; kép hài, đào hài. Việc xác lập các giải thưởng đa dạng thể loại vai diễn là một đổi mới có tính nhân văn nhằm tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thường đảm nhiệm những vai phụ trong vở diễn có điều kiện phát huy tài năng và ghi nhận sự đóng góp của cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật. Một nét mới nữa cũng được kế thừa từ Cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang – 2020” là BTC Cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang – 2022” sẽ không khống chế độ tuổi của thí sinh tham gia nhằm thu hút các nghệ sĩ có thời gian dài đóng góp cho sự phát triển của sân khấu Cải lương mà vì nhiều nguyên nhân chưa từng được khẳng định tài năng của bản thân trong các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp trước đây.

 THÙY TRANG – Báo Điện tử Văn hóa

Web drama Việt: Ngày càng khẳng định sức hút

VHO- Những năm gần đây, “mảnh đất màu mỡ” web drama luôn được các nhà làm phim Việt khai thác một cách triệt để và ngày càng được đầu tư bài bản, công phu về mọi mặt. “Sân chơi” này giờ không còn dành cho giới nghiệp dư “làm cho vui” nữa, mà đã hòa vào dòng chảy chính thống với cách làm phim chuyên nghiệp, chỉn chu và chất lượng cao…

Mạnh tay chi tiền tỉ

Trong khoảng thời gian phim truyền hình, điện ảnh Việt lao đao vì dịch bệnh, thì mảng phim chiếu mạng lại “ăn nên làm ra” khi đánh trúng vào tâm lý người xem. Những tưởng, khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới cũng là lúc nhiều loại hình giải trí gia nhập “đường đua” thì dòng phim này sẽ “hạ nhiệt”, nhưng không, web drama vẫn duy trì được sức hút và có chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả. Để đáp lại tình cảm ấy, các nhà làm phim đã nhanh chóng “trình làng” nhiều dự án mới với những “gam màu” mới lạ, hấp dẫn.

Mới đây nhất, phải kể đến web drama Xóm chùa của nữ nghệ sĩ đa tài Việt Hương sau thời gian dài ấp ủ. Việt Hương chia sẻ, Xóm chùa là phần tiếp theo của Trật tự mới, tác phẩm từng nhận được rất nhiều sự yêu mến, ủng hộ của khán giả. Với Xóm chùa, Việt Hương đặt mục tiêu hướng tới những giá trị nhân văn, những câu chuyện có thật ngoài xã hội, nhưng không phải dạng “mì ăn liền”, qua đó sẽ giữ chân khán giả ở lại lâu hơn, ý nghĩa của bộ phim sẽ “sống” được ở nhiều thời điểm. Nữ nghệ sĩ cũng hy vọng, dù chỉ là web drama nhưng đây sẽ là một “món ăn tinh thần” chất lượng về cả hình thức lẫn nội dung. Bên cạnh đó, Việt Hương cũng tiết lộ đã đầu tư gần 4 tỉ đồng cho sản phẩm lần này, để mang lại những cảnh quay chất lượng nhất cho người xem. Nữ nghệ sĩ chia sẻ: “Chất lượng tốt thì khán giả sẽ thích xem, rồi từ đó mình có thể lấy lại được một chút xíu “vốn liếng”. Thay vì mua một cái túi hiệu, thì tôi muốn đầu tư để có một sản phẩm thật chỉn chu”. Đặc biệt, dự án có sự tham gia của dàn diễn viên tên tuổi như NSƯT Công Ninh, Thái Hòa, Quách Ngọc Tuyên… Và không nằm ngoài dự đoán, chỉ sau 5 ngày phát hành, tập 1 của Xóm Chùa đạt gần 4 triệu lượt view và hiện đang đứng ở vị trí thứ 9 trên Top Trending YouTube Việt Nam.

Có thể nói, nếu trước kia web drama chỉ là một cuộc “dạo chơi” của các nhà làm phim trẻ để làm tiền đề cho các dự án lớn, thì hiện tại dòng phim này đã bước sang ngã rẽ mới, khi hàng loạt phim được các nhà sản xuất mạnh tay chi tiền tỉ và mang về thành công bất ngờ! Có thể kể đến Kẻ săn tin của nhà sản xuất, diễn viên Minh Hằng (6 tỉ); Ai chết giơ tay của Huỳnh Lập (3 tỉ); Thập tứ cô nương của Nam Thư (2 tỉ)…

… nhưng vàng – thau vẫn lẫn lộn

Trên thực tế, web drama ngày càng được đầu tư bài bản, công phu, đề tài mở rộng theo hướng đa dạng và gần gũi. Những câu chuyện về gia đình, tình bạn, tình yêu, tình làng nghĩa xóm… được khai thác có chiều sâu, chạm tới cảm xúc của người xem và đặc biệt được thể hiện rất “đời”. Khán giả còn có thể bắt gặp bản thân mình đâu đó ở những bộ phim, hay có thể rút ra những bài học, kinh nghiệm sống giá trị. Bên cạnh nội dung phim, các yếu tố khác như bối cảnh, đạo cụ, trang phục, kỹ thuật dựng cũng được chú trọng theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì web drama cũng là nơi mà “vàng thau lẫn lộn”. Bởi, trên mạng xã hội hiệu ứng thành công không hẳn xuất phát từ chất lượng tác phẩm, đôi khi những tác phẩm được đầu tư bài bản, nghiêm túc, chỉn chu lại không bắt được “gu”, “trend” của cư dân mạng nên bị “ngó lơ”. Thế nên, các pha gây cười vẫn được các nhà sản xuất “cài cắm” để mang lại những giây phút thư giãn cho khán giả. Nhưng ranh giới giữa hài hước và kém duyên, phản cảm cũng thật gần. Ngay cả web drama được yêu thích như Gia đình cục súc cũng có không ít “sạn” khi chọc cười bằng yếu tố giả gái, chuyện phòng the nhạy cảm… Chiều theo thị hiếu của khán giả vẫn đang là cách làm phổ biến và điều này chính là rào cản khiến web drama “lợn cợn” bởi định kiến là sản phẩm giải trí đơn thuần. Là một trong những người trẻ tiên phong và thành công trong lĩnh vực web drama, Huỳnh Lập cho biết, thông thường khi bắt tay vào làm sản phẩm nào anh cũng đều cân nhắc và lựa chọn kỹ lưỡng về mặt hình ảnh, ý đồ, làm sao để mọi thứ luôn giữ ở mức vừa phải, hài hòa, táo bạo nhưng vẫn cần giữ chuẩn mực và đặc biệt là không cổ xúy cho những yếu tố bạo lực hoặc khiêu khích, tiêu cực khiến khán giả khó chịu.

Nhìn ở góc độ khác, web drama cũng là “phép thử” độ hấp dẫn của phim điện ảnh. Thực tế cho thấy, đã có tác phẩm từ web drama bước ra rạp và đạt được thành công vang dội, trong đó Bố già (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, Trấn Thành) là một ví dụ điển hình. Web drama, xét cho cùng là một sản phẩm nghệ thuật và để trở thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị thì tất yếu người làm phim phải lao động nghệ thuật một cách chân chính thì mới khẳng định được giá trị và sức sống lâu bền…

 HỒNG HẠNH (Báo Điện tử Văn Hóa)

Sân khấu Tài năng Trẻ với vở Cải lương: Ươm mầm, chắp cánh cho những tài năng trẻ

VHO- Cuối tuần qua, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã chính thức ra mắt Sân khấu Tài năng Trẻ với vở Cải lương Lụy tình Vương nữ tại rạp Hưng Đạo. Dự án sẽ kéo dài đến tháng 7.2023 với mong muốn tạo sân chơi và cơ hội cho đội ngũ nghệ sĩ trẻ được sáng tạo, trải nghiệm qua từng tác phẩm.

Ông Phan Quốc Kiệt, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cho biết, Sân khấu Tài năng Trẻ là nơi quy tụ tất cả nghệ sĩ trẻ tại TP.HCM có cùng mơ ước, khao khát học tập, trau dồi nghề nghiệp, thỏa sức với đam mê nghệ thuật của mình. Từ nhu cầu thực tiễn và thực trạng, đây được coi là giải pháp hữu hiệu góp phần vào việc đào tạo, chuẩn bị cho lực lượng nghệ sĩ kế thừa trong tương lai, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ được hoạt động một cách chuyên nghiệp nhất, đồng thời sàng lọc và chọn lựa những nhân tố mới thật sự có tiềm năng, có đam mê và tâm huyết với nghề. “Việc đào tạo không chỉ về chuyên môn mà còn bồi dưỡng kiến thức chính trị, đạo đức nghề nghiệp… và những yếu tố cần thiết trang bị cho một nghệ sĩ trong thời kỳ mới, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp, độc đáo của sân khấu Cải lương”, ông Kiệt bày tỏ.

Sân khấu Tài năng Trẻ sẽ dàn dựng những vở Cải lương mới, với mục tiêu chọn lựa hoặc đặt hàng sáng tác những kịch bản phù hợp với khả năng, sở trường của từng nghệ sĩ, tạo điều kiện cho họ có cơ hội thử sức ở những vai diễn “nặng ký”, để từ đó ngày càng trưởng thành hơn…

Khởi động cho Sân khấu Tài năng Trẻ là tác phẩm Lụy tình Vương nữ (bản dựng cũ có tên Sắc xuân gửi lại) của tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc, chuyển thể Cải lương Hoàng Song Việt, đạo diễn NSƯT Lê Trung Thảo. Đây là vở Cải lương dã sử đầy kịch tính, nội dung xoay quanh câu chuyện tình yêu và quyền lực với nhiều tình tiết lôi cuốn, hấp dẫn, tạo nên xung đột giữa các nhân vật cũng như xung đột ngay chính nội tâm của mỗi người. Tham gia diễn xuất có các nghệ sĩ trẻ, tài năng của Nhà hát như: Nhã Thy, Nhật Nguyên, Phùng Ngọc Bảy, Võ Hoài Long, Kim Thùy, Nguyễn Văn Hợp, Diễm Kiều, Kim Tiến, Trọng Hiếu, Trúc Phương, Tấn Lộc…, đặc biệt là sự góp mặt của ngôi sao sân khấu, NSƯT Vân Hà.

Trong vai trò khách mời và đảm nhận một vai khá “nặng ký” (Nữ vương Hoàng Mai), đồng thời cũng là người hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ trong suốt quá trình tập vở, NSƯT Vân Hà xúc động cho biết: “Được tham gia Sân khấu Tài năng Trẻ, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Muốn bộ môn Cải lương lưu truyền mãi thì các em trẻ phải có sân chơi để rèn luyện thường xuyên, do đó, tôi mong chương trình này duy trì lâu dài để các em có cơ hội trau dồi nghề nghiệp, được tiến thân, phát triển và khẳng định vị trí của mình…”.

NSƯT Vân Hà cũng cho biết, với trách nhiệm của người đi trước, chị luôn sẵn sàng truyền thụ kinh nghiệm và đồng hành cùng các nghệ sĩ. “Quá trình tập dượt với các em, tối thấy họ rất đam mê, nhiệt huyết, có bữa tập đến 2 giờ sáng nhưng các bạn vẫn không ngại khó để cho vai diễn được hoàn chỉnh. Điều này làm tôi rất mừng và xúc động, tin rằng trong một tương lai không xa, sân khấu sẽ có lực lượng nghệ sĩ tài năng để kế cận”.

Kịch bản Lụy tình Vương nữ ra đời vào năm 2006, được Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đầu tư dàn dựng và biểu diễn phục vụ khán giả từ năm 2007-2010. Hoàng Mai là Vương nữ xứ Vạn Hoa, người phụ nữ quyền lực nhưng vẫn đau đáu một nỗi niềm bởi không có Hoàng nam nối dõi. Bà đặt vận mệnh của cả xứ sở lên đôi vai người con gái là Công chúa Tuyết Mai. Để tìm chỗ dựa vững chắc cho con gái sau ngày lên ngôi, Vương nữ Hoàng Mai đã toan tính một cuộc hôn nhân chính trị, chọn Thái tử Cổ Trúc của xứ Thiên Mộc để kết duyên với Tuyết Mai công chúa. Thế nhưng sau đó, liên tiếp những bi kịch đã xảy ra…

Vở diễn kéo dài gần 3 giờ đồng hồ nhưng vẫn giữ được sức hút đối với khán giả. Các nghệ sĩ trẻ ca và diễn tốt, trang phục đẹp, chỉn chu, sân khấu được dàn dựng đẹp mắt, chất lượng âm thanh chuẩn… là những yếu tố khiến buổi ra mắt ghi điểm trong lòng người mộ điệu. Đây thực sự là tín hiệu tích cực cho con đường khá dài và còn nhiều chông gai phía trước của Sân khấu Tài năng Trẻ.

“Buổi biểu diễn hôm nay coi như cuộc sàng lọc, ra mắt những gương mặt mới và cùng những dự án tiếp theo. Trong tương lai, Nhà hát sẽ tạo thêm cho các bạn cơ hội để tiếp cận, giao lưu, học hỏi trên nhiều phương diện, để các bạn được nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng biểu diễn cũng như ứng xử xã hội. Và hơn nữa, chúng tôi rất cần những lời động viên, chia sẻ và góp ý của khán giả”, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang bày tỏ.

Có thể khẳng định, với kế hoạch sáng đèn theo định kỳ, Sân khấu Tài năng Trẻ sẽ góp phần tạo nên không khí sinh động cho môi trường nghệ thuật sau khoảng thời gian dài đóng cửa vì đại dịch. Đồng thời, với nội dung các vở diễn hướng đến nhu cầu thưởng thức của hầu hết các thành phần khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, hy vọng sẽ có được một đội ngũ khán giả tiềm năng, có hiểu biết, có nhận thức sâu sắc về giá trị của nghệ thuật truyền thống và sân khấu Cải lương trong tương lai.

 THÙY TRANG