Sân khấu ca múa nhạc đương đại kết hợp với múa rối nước hút khán giả, du khách

VHO- Ngày 26.2, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam đã khai màn sân khấu biểu diễn Múa rối nước Bông Sen. Chương trình là sự kết hợp độc đáo giữa ca múa nhạc đương đại với múa rối nước mang đậm nét văn hoá dân gian truyền thống nhằm mang đến cho khán giả những cảm xúc mới lạ, hấp dẫn. Đây là buổi biểu diễn đầu tiên phục vụ khán giả của nhà hát sau thời gian dài phải tạm nghỉ bởi dịch Covid-19, mở màn cho chuỗi hoạt động thường nhật và mở cửa chào đón du khách quốc tế. 

Theo NSƯT Quỳnh Trang, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, sau một thời gian phải dùng hoạt động bởi dịch Covid-19, đến thời điểm này, với tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam với tinh thần quyết tâm cao vừa đảm bảo an toàn cho các diễn viên, nhạc công tập luyện, vừa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống sân khấu, trang thiết bị và đưa ra những kịch mục hấp dẫn, kết hợp giữa nghệ thuật múa rối nước và ca múa nhạc đương đại với mầu sắc mới, vui nhộn nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống để nâng cao chất lượng phục vụ để trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khán giả, du khách nhằm phát triển du lịch.

Để thu hút khách du lịch, Nhà hát đã kết hợp với các công ty du lịch lữ hành đưa du khách tới thưởng thức nét văn hóa truyền thống. Hiện tại đã có một số công ty đặt vé cho khách của mình sau ngày 15.3. Đây là niềm hi vọng lớn và khích lệ tinh thần cho các nghệ sĩ nhà hát quyết tâm mở lại sân khấu biểu diễn này vào thứ Bảy hằng tuần và hằng ngày sau ngày 15.3 khi thị trường khách quốc tế mở của trở lại.

Khán giả trong và ngoài nước đến mua vé và xem chương trình nghệ thuật độc đáo của Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam 
Sự kết hợp giữa ca múa nhạc đương đại với múa rối nước mang lại sự hấp dẫn mới lạ cho khán giả 
Những tiết mục biểu diễn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả 

Nguồn: TRẦN HUẤN (Báo Điện tử Văn Hóa)

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: Trao 31 giải thưởng cho nghệ sĩ, tác phẩm xuất sắc năm 2021

VHO – Ngày 21.2  tại Nhà hát lớn Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam  tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2022  và trao giải thưởng cho các nghệ sĩ, tác phẩm sân khấu xuất sắc năm 2021. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự và trao giải thưởng cho các nghệ sĩ và tác phẩm xuất sắc nhất.

Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, là thời điểm nhiều thử thách, khó khăn đối với ngành sân khấu. Với nhiều nỗ lực, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động có hiệu quả như: Tổ chức thành công  trại sáng tác Nhà Trang và đi thực tế tại Ninh Thuận cho các tác giả cả nước tham gia; Tổ chức Cuộc thi online cho các tác phẩm nghệ thuật về chủ đề phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Tổ chức Lễ Kỷ niệm “100 năm Sân khấu Kịch Nói Việt Nam (1921 – 2021) tại Hà Nội; Xét và tặng giải thưởng nghệ thuật năm 2021; Tổ chức Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ XII… Hội đã phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ VHTTDL tổ chức thành công các cuộc thi, liên hoan sân khấu : Cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc 2021, Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi trao quà cho các hội viên cao tuổi

Tiết mục chào mừng Hội nghị của Nhà hát Múa rối Việt Nam

Tại Hội  nghị, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã trao 31 giải thưởng cho các nghệ sĩ, tác phẩm xuất sắc. Trong đó, Giải A Giải thưởng Vở diễn Sân khấu năm 2021 được trao cho các tác phẩm: Làng Song sinh (Tác giả nhà văn Xuân Đức, Đạo diễn NSND Trung Hiếu) của Nhà hát Kịch Hà Nội, Làm vua (Tác giả: Nguyễn Đăng Chương, Đạo diễn: NSND Hoài Huệ) của Nhà hát Tuồng Việt Nam, Truân chuyên dải yếm đào (Tác giả: Lê Chí Trung, Đạo diễn: NSND Hoàng Quỳnh Mai) của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Giải A kịch bản – sách nghiên cứu lý luận, phê bình được trao cho tác giả Chu Lai với Mưa đỏ, PGS.TS Đoàn Thị Tình với Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam. Giải cá nhân nghệ sĩ xuất sắc năm 2021 được trao cho các nghệ sĩ : NSƯT Tạ Tuấn Minh vai diễn Trần Thủ Độ trong vở Thiên mệnh của Nhà hát Kịch Việt Nam, NSƯT Trần Hoàng Khanh vai Phan Văn Trị trong vở Tiếng gọi non sông, nghệ sĩ Thùy Dương vai Thỏn trong Làng Song sinh của Nhà hát Kịch Hà Nội,, Minh Hải vai Chử Đồng Tử trong Cây gậy thần của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Vũ Mạnh Linh vai Đinh Tiên Hoàng trong Làm vua của Nhà hát Tuồng Việt Nam, Thế Quỳnh vai Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong Nguyễn Văn Cừ – Tuổi trẻ chí lớn của Nhà hát Chèo Quân đội, Nguyễn Phương Phú vai Nguyễn Mại trong Thanh gươm công lý của Đoàn Ca kịch Bài chòi Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định…

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng tặng trao Giải A cho các tác giả
Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Giang Mạnh Hà trao Giải B cho các tác giả
Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Bạch Đằng trao bằng khen cho tập thể Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam 

Xác định  năm 2022 khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dự kiến phối hợp với Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn và các địa phương, các đơn vị nghệ thuật sân khấu cả nước sẽ tổ chức nhiều hoạt động như : Trại sáng tác và tập huấn nghiệp vụ  tại Tam Đảo (Tháng 5), Tập huấn cho các tác giả trẻ tại đồng bằng sông Cửu Long, Tập huấn cho Đạo diễn trẻ (Tháng 12), Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc tại Nghệ An (Tháng 5), chức Liên hoan Chèo toàn quốc (Tháng 9), Liên hoan xiếc quốc tế tại Hà Nội (Tháng 10), Liên hoan Cải lương toàn quốc tại TP.HCM (Tháng 11), Cuộc thi tài năng Múa rối toàn quốc tại TP.HCM (Tháng 8), Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang (Tháng 9), Liên hoan sân khấu về đề tài thiếu nhi  (Tháng 6), Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 5 tại Hà Nội (Tháng 10), Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm (Tháng 11)…

Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật VN, NSND Vương Duy Biên, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, NSND Trịnh Thúy Mùi trao giải A tác phẩm sân khấu xuất sắc năm 2021
Nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tỊch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, NSND Lê Tiến Thọ trao Giải B cho các tác phẩm xuất sắc

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết từ năm 2022, Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Lãnh đạo Hội chỉ đạo các đơn vị : Văn phòng Trung ương Hội, tổ chức Cơ sở (3 Liên chi hội và 90 Chi hội trên cả nước) cần chủ động, tích cực, sáng tạo và quyết tâm tạo ra những hoạt động có tính nghề nghiệp sâu rộng, xây dựng các công trình nghệ thuật vở diễn có chất lượng cao. Hội sẽ xây dựng Đề án và các hội thảo hướng tới những giải pháp chiến lược cho ngành sân khấu như: Xây dựng đề án tổ chức Cuộc thi đàn giỏi hát hay Tuồng, Dân ca; Chèo; Cải lương toàn quốc năm 2023;  Xây dựng đề án tổ chức Liên hoan sân khấu xã hội hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023; Xây dựng đề án về chiến lược phát triển khán giả cho sân khấu 2023-2030;  Hội thảo khoa học về thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW của Đảng về quy hoạch và kiện toàn xã hội hóa các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp; Tọa đàm  về Sân khấu quốc tế thể nghiệm; Hội thảo khoa học về  chiến lược phát triển khán giả cho nghệ thuật  sân khấu; Phối hợp với Hội nhà văn, Hội Mỹ thuật tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm  công tác sáng tác; Gặp gỡ trao đổi về công tác  nghiên cứu lý luận phê bình nghệ thuật sân khấu của Lãnh đạo Hội, Hội đồng nghệ thuật với các nhà Nghiên cứu lý luận phê bình nghệ thuật sân khấu.  Hội sẽ kỷ niệm “65 năm ngày thành lập Hội” (1957 – 2022) và Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ 13, tổ chức ngày hội sân khấu Việt Nam tại 3 điểm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

Nguồn: THÚY HIỀN, Ảnh : KIÊN TRUNG

(Báo Điện tử Văn hóa)

Những cặp đôi đẹp nhất Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022

TTXVN- Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 không chỉ có băng, có tuyết, có những cuộc tranh tài, mà ở đó còn có những mối tình nồng thắm.

Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 không chỉ có băng, có tuyết, có những cuộc tranh tài, mà ở đó còn có những mối tình nồng thắm. Dưới đây là 9 cặp vận động viên (vận động viên) đẹp đôi nhất tại đại hội năm nay.

1. Mikaela Shiffrin và Aleksander Aamodt Kilde

“Chúng tôi đã chia sẻ cùng nhau cả thành công và thất bại,” nữ vận động viên trượt tuyết Mikaela Shiffrin (người Mỹ) đã chia sẻ như vậy về mối quan hệ giữa cô và vận động viên Aleksander Aamodt (người Na Uy).

Họ đã biết nhau trong nhiều năm, nhưng mới chỉ bắt đầu hẹn hò từ năm 2020. Đó là thời điểm cha của Shiffrin qua đời. Kilde đã liên tục an ủi và dành cho cô sự quan tâm đặc biệt.

Shiffrin tâm sự: “Anh ấy luôn tốt bụng, thân thiện và cũng rất tôn trọng tôi. Lúc ấy tôi đang trong một mối quan hệ khác và anh ấy cũng vậy. Năm ngoái, anh lại liên hệ với tôi và gia đình, ủng hộ tôi khi tôi thi đấu trở lại sau tai nạn của cha. Từ đó, chúng tôi không ngừng nói chuyện với nhau.”

Nhung cap doi dep nhat Olympic mua Dong Bac Kinh 2022 hinh anh 2
Misato Komatsubara và Tim Koleto. Nguồn: goldenskate.com

2. Misato Komatsubara và Tim Koleto

Misato Komatsubara và Tim Koleto là thành viên của đoàn thể thao Nhật Bản. Họ gặp nhau và kết hôn năm 2017 và vừa mang về tấm Huy chương Đồng ở nội dung khiêu vũ tự do của môn trượt băng nghệ thuật.

Chia sẻ với ánh mắt tràn đầy hạnh phúc, Koleto cho biết: “Ngày Misato và tôi gặp nhau, đó là một giao lộ định mệnh đối với cuộc đời của cả hai chúng tôi. Mọi thứ cứ diễn ra êm đẹp như thế và chúng tôi đã trở thành một cặp đôi hạnh phúc ở cả trong và ngoài sân băng. Chúng tôi cùng có chung rất nhiều sở thích. Việc có nhiều trải nghiệm ở những nơi tương tự nhau khiến chúng tôi dễ dàng kết nối, dần dần phát triển từ mối quan hệ trên sân băng thành mối quan hệ ngoài đời thực.”

Nhung cap doi dep nhat Olympic mua Dong Bac Kinh 2022 hinh anh 3
Hailey Langland và Red Gerard. Nguồn: nbcchicago.com

3. Hailey Langland và Red Gerard

Hai vận động viên trượt ván trên tuyết (snowboarder) Hailey Langland và Red Gerard đã hẹn hò với nhau từ trước Olympic mùa Đông 2018. Olympic Bắc Kinh 2022 là kỳ thế vận hội thứ hai cặp đôi này cùng thi đấu.

Cả hai gặp nhau lần đầu tiên năm 12 tuổi và bắt đầu hẹn hò từ năm 17 tuổi, vài tuần trước khi bay tới  Pyeongchang (Hàn Quốc).

Langland cho biết: “Tôi luôn nói với mọi người rằng chúng tôi còn quá trẻ, chúng tôi là những người bạn tốt. Nhưng sự thực là dù ngày nào cũng ở bên nhau, chúng tôi không hề thấy mệt mỏi hay nhàm chán. Anh ấy là người mà tôi muốn gắn bó nhất.”

Nhung cap doi dep nhat Olympic mua Dong Bac Kinh 2022 hinh anh 4
Madison Chock và Evan Bates. Nguồn: nbcchicago.com

4. Madison Chock và Evan Bates

Madison Chock và Evan Bates có nhiều năm quen biết trước khi chính thức hẹn hò vào năm 2017. Đây là kỳ thế vận hội thứ 3 liên tiếp họ thi đấu cùng nhau và là kỳ thế vận hội thứ hai họ thi đấu với tư cách một cặp đôi.

Bates chia sẻ: “Chúng tôi luôn vui vẻ, sảng khoái và tận hưởng quãng thời gian bên nhau. Tôi nghĩ rằng đó là kết quả của việc phát triển tình yêu từ nền tảng là tình bạn.”

Ngày 6.2 vừa qua, Chock và Bates đã giúp đội tuyển Mỹ giành Huy chương Bạc với bài nhảy tự do trên nền nhạc của Daft Punk – một ban nhạc điện tử của Pháp được thành lập từ năm 1993.

Nhung cap doi dep nhat Olympic mua Dong Bac Kinh 2022 hinh anh 5
 Emily Sweeney và Dominik Fischnaller. Nguồn: Instagram

5. Emily Sweeney và Dominik Fischnaller

Emily Sweeney là vận động viên trượt băng nằm ngửa người Mỹ, trong khi bạn trai của cô là Dominik Fischnaller – một “đồng nghiệp” người Italy.

Cả hai vận động viên sinh năm 1993 này đã ở bên nhau nhiều năm và chia sẻ rất nhiều hình ảnh ngọt ngào trên mạng xã hội Instagram.

Sau khi Sweeney không thể giành quyền dự Olympic 2014, Fischnaller đã mang cho cô một… cốc kem với vị mà cô ưa thích nhất để an ủi.

Tại Thế vận hội mùa Đông lần này, Fischnaller đã giành được một Huy chương Đồng ở nội dung trượt băng nằm ngửa đơn nam.

Nhung cap doi dep nhat Olympic mua Dong Bac Kinh 2022 hinh anh 6
Evgenia Tarasova và Vladimir Morozov. Nguồn: Goldskate.com

6. Evgenia Tarasova và Vladimir Morozov

Evgenia Tarasova và Vladimir Morozov là cặp vận động viên trượt băng nghệ thuật thuộc đoàn thể thao Nga.

Họ bắt đầu tập luyện cùng nhau từ năm 2012 và từ đó nảy sinh tình cảm. Cặp đôi đã cùng đem về Huy chương Bạc đồng đội tại Thế vận hội mùa Đông năm 2018.

Trong một cuộc phỏng vấn với Golden Skate, Morozov nhận xét Tarasova là “cô gái tuyệt vời nhất, dễ gần nhất, tốt bụng nhất, ngọt ngào nhất và thân thiện nhất.”

Nhung cap doi dep nhat Olympic mua Dong Bac Kinh 2022 hinh anh 7
Miriam Ziegler và Severin Kiefer. Nguồn: (hawtcelebs.com

7. Miriam Ziegler và Severin Kiefer

Cặp vận động viên trượt băng nghệ thuật người Áo Ziegler và Severin Kiefer là bạn đồng hành cả trên sân băng và ngoài đời thực. Đây cũng là kỳ Olympic mùa Đông thứ ba họ gắn bó với nhau trong màu áo đoàn thể thao Thụy Điển.

Kiefer chia sẻ: “Miriam và tôi dành gần như 24 giờ mỗi ngày cho nhau và thành thật mà nói, tôi cũng chẳng muốn điều gì khác.”

Nhung cap doi dep nhat Olympic mua Dong Bac Kinh 2022 hinh anh 8
Brett Gallant và Jocelyn Peterman. Nguồn: Olympic.ca

8. Brett Gallant và Jocelyn Peterman

Brett Gallant và Jocelyn Peterman đều là thành viên của đội tuyển bi đá trên băng Canada. Cả hai gặp nhau ở giải vô địch quốc gia bi đá trên băng nội dung đôi nam nữ năm 2016 và giờ họ đã đính hôn cùng nhau.

Gallant cho biết: “Từ dạo ấy, chúng tôi trở thành những người bạn tốt của nhau và rồi bắt đầu hẹn hò. Môn thể thao này đã đưa chúng tôi đến với nhau.”

9. Blayre Turnbull và Ryan Sommer

Tại lễ khai mạc Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022, tuyển thủ hockey trên băng Blayre Turnbull và vị hôn thê – tuyển thủ xe trượt lòng máng – Ryan Sommer đã tái ngộ nhau sau 3 tháng chia cách.

Turnbull và Sommer đã đính hôn với nhau hồi tháng 4/2021, nhưng rồi những biện pháp hạn chế để phòng dịch Covid-19 và lịch trình luyện tập đã khiến họ phải xa nhau suốt giai đoạn chuẩn bị cho Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022.

“Đố bạn tìm được một nơi mát mẻ hơn để tái hợp với vị hôn thê của mình sau 3 tháng xa cách… Tôi sẽ đợi,” Turnbull đã chú thích như vậy trong một tấm ảnh của cô và Sommer trên Instagram.

TTXVN

Hà Nội lọt Top 25 điểm đến hàng đầu thế giới dành cho người yêu ẩm thực

VHO- Từ những nhà hàng Michelin đến những nhà hàng mới nổi, đồ ăn ở những điểm đến được bình chọn ngon đến mức luôn thôi thúc khách du lịch quay trở lại. Danh sách 25 địa điểm du lịch tốt nhất thế giới dành cho những người đam mê ẩm thực do độc giả Tripadvisor bình chọn nhằm chọn ra các điểm đến mang lại trải nghiệm toàn diện tốt nhất cho khách du lịch.

Hà Nội đứng thứ 22 trong danh sách này và là một trong bốn đại diện châu Á lọt vào danh sách cùng với Bangkok (thứ 9), Singapore (thứ 10) và Hồng Kông (thứ 10) trong Giải thưởng Travellers Choice Awards năm 2022 của Tripadvisor. Danh sách dựa trên chất lượng và số lượng đánh giá nhận được từ ngày 1.1.2020 đến ngày 31.10.2021.

Theo thực khách trên khắp thế giới, Thủ đô duyên dáng của Việt Nam đã trường tồn nghìn năm, bên cạnh việc bảo tồn các di tích như phố cổ, các tượng đài và kiến trúc thời Pháp, Hà Nội vẫn đang từng ngày phát triể̀n hiện đại hơn. Thành phố đã không còn giữ tên cũ Thăng Long nhưng nó chưa bao giờ quên quá khứ của mình với những địa điểm nổi tiếng như: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà tù Hỏa Lò. Những hồ nước, công viên, con đường rợp bóng mát và hơn 600 ngôi đền, chùa càng làm tăng thêm sức hấp dẫn cho thành phố này, nơi có thể dễ dàng khám phá bằng taxi.

Hà Nội có nhiều món ăn phổ biến nhất của Việt Nam như: phở, bún chả, bánh mì, cà phê trứng… Một chiếc bánh mì ở đây thường chứa đầy thịt lợn nướng, thịt viên hoặc thịt nguội, dưa chuột, ngò, cà rốt ngâm chua, pate gan và sốt mayonnaise. Món cơm tấm được làm với thịt heo nướng, da heo, trứng và nước mắm….

Rome (Ý) đứng đầu danh sách điểm đến dành cho người yêu ẩm thực thế giới

Đứng đầu danh sách này, Rome (Ý) được mô tả không phải được xây dựng trong một ngày và du khách cũng không thể tham quan Rome chỉ trong một ngày. Thành phố này giống như các gian triển lãm của một bảo tàng ngoài trời khổng lồ, một tác phẩm sắp xếp các quảng trường ngoài đời thực, các khu chợ ngoài trời và những di tích lịch sử đáng kinh ngạc.

Du khách có thể tung một đồng xu vào Đài phun nước Trevi để hẹn ngày trở lại, chiêm ngưỡng Đấu trường La Mã và Điện Pantheon hay nếm thử một ly cà phê espresso hoặc gelato hoàn hảo trước khi dành một buổi chiều mua sắm tại Campo de’Fiori hoặc Via Veneto. Ngoài ra, du khách còn được khuyên thưởng thức một số bữa ăn đáng nhớ nhất trong cuộc đời của bạn, từ mì ống tươi đến atiso chiên mọng nước hay món đuôi bò hầm mềm.

London (Vương quốc Anh) đứng ở vị trí thứ 2

London (Vương quốc Anh) đứng ở vị trí thứ 2 với phong cách ấn tượng của Shoreditch đến không gian náo nhiệt của Camden và đường Portobello sang trọng. London là điểm đến hội tụ bao điều thú vị như một thế giới thu nhỏ. Thành phố sôi động này mang lại những trải nghiệm khác nhau mỗi ngày. Khám phá những di tích hoàng gia hay đánh dấu các địa danh trong danh sách chuyến đi của bạn, ăn và uống trong các nhà hàng độc quyền được gắn sao Michelin, thưởng thức một ly trong quán rượu truyền thống hoặc lạc xuống những con phố rải sỏi quanh co và xem những gì bạn tình cờ gặp – khi nói đến London, khả năng này là vô tận.

Paris (Pháp) ở vị trí thứ 3 là nơi được cho là tuyệt vời để nhâm nhi món bánh chocolat

Paris (Pháp) ở vị trí thứ 3 là nơi được cho là tuyệt vời để nhâm nhi món bánh chocolat tại một quán cà phê vỉa hè, thư giãn sau một ngày đi dạo dọc sông Seine và chiêm ngưỡng các công trình biểu tượng như: Tháp Eiffel và Khải Hoàn Môn… một trải nghiệm Paris hoàn hảo kết hợp sự thư thái và sôi động với đủ thời gian để thưởng thức cả một bữa ăn tinh tế và các cuộc triển lãm tại Louvre. Đánh thức tinh thần của bạn tại Notre Dame, săn hàng hiệu tại Marché aux Puces de Montreuil hoặc tìm những món ngon tại Marché Biologique Raspail, sau đó kết thúc bằng một buổi trình diễn mạo hiểm tại Moulin Rouge.

Các địa điểm tiếp theo trong danh sách là: Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (4); Barcelona, Tây Ban Nha (5); Madrid, Tây Ban Nha (6); Sao Paulo, Brazil (7); Thành phố New York, Mỹ (8); Bangkok, Thái Lan (9); Singapore (10); Florence, Ý (11); Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ (12); Lisbon, Bồ Đào Nha (13); Valencia, Tây Ban Nha (14); Naples, Ý (15); Cairo, Ai Cập (16); Bordeaux, Pháp (17); Cartagena, Colombia (18); Lyon, Pháp (19); New Orleans, Louisiana (20); Thành phố Mexico, Mexico (21); Hà Nội, Việt Nam (22); Charleston, Nam Carolina (23); Marrakech, Ma Rốc (24); Hồng Kông, Trung Quốc (25).

Nguồn: ANH VŨ (Báo điện tử Văn hóa)

Sân khấu hồi sinh với nhịp sống mới

VHO- Bắt nhịp từ Tết Nguyên đán và đến nay, các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại TP.HCM đang trên đà trở lại vô cùng mãnh liệt. Show diễn nào cũng đầy ắp khán giả, sân khấu sáng đèn liên tục khiến giới nghệ thuật hào hứng và càng khao khát được cống hiến, được làm nghề…

Xiếc, rối thiếu nhi làm mãn nhãn khán giả nhí

Khi thực đơn giải trí dành cho thiếu nhi trong thời gian dịch bệnh chỉ gói gọn trên “màn ảnh nhỏ” thì mùa Tết này, các em đã được trải nghiệm trực tiếp loại hình nghệ thuật truyền thống xiếc rối. Trong đó, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam gần như chiếm lĩnh thị trường sân khấu dành cho khán giả nhí. Vở kịch xiếc đặc sắc Ba Tư huyền bí của Nhà hát đã biểu diễn liên tục tại công viên Gia Định từ Mùng 1 Tết đến nay, được khán giả đón nhận nồng nhiệt với mỗi suất diễn có từ 400-500 khách, ngày diễn 2 suất. Đại diện Nhà hát cho biết, sẽ tiếp tục duy trì lịch diễn Ba Tư huyền bí đến hết ngày 13 tháng Giêng (mỗi ngày 1 suất vào 19h). Bên cạnh đó, vở múa rối nước Cá chép hóa rồng và các trò rối cổ cũng được tổ chức bên trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, chào đón hàng trăm khán giả mỗi ngày, đã mang lại không khí thật sự rộn ràng trong những ngày qua. Cá chép hóa rồng và các trò rối cổ cũng sẽ biểu diễn đến ngày 13.2, mỗi ngày 1 suất, riêng thứ Bảy và Chủ nhật là 2 suất/ngày.

Điểm mới của sân khấu này trong mùa Tết năm nay là việc đưa vào hoạt động khu trải nghiệm xiếc rối, đã tạo thêm không gian giải trí bổ ích dành cho thiếu nhi. Được biết, khuôn viên khu trải nghiệm được cải tạo từ bãi đất trống trước rạp xiếc tại công viên Gia Định. Các em nhỏ ngoài việc được xem nghệ sĩ biểu diễn, còn được học một số kỹ năng xiếc, rối cơ bản như: Múa rối tay, điều khiển rối nước, giữ thăng bằng đĩa trên đũa… Hiện có 9 trò chơi để các em có thể trải nghiệm, với thời gian kéo dài khoảng 45 phút. Mỗi khu vực sẽ có một nghệ sĩ đảm nhận để hướng dẫn các em. Ngoài ra, các em còn được chơi một số trò chơi dân gian. Trong thời gian đầu hoạt động, khu trải nghiệm thu hút 50-70 thiếu nhi mỗi suất.

Đạo diễn Nguyễn Phi Sơn – Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam chia sẻ: “Tín hiệu khá tốt trong những suất diễn vừa qua đã thật sự làm cho các diễn viên thấy ấm lòng sau thời gian dài ngưng diễn vì dịch Covid-19. Nhịp sống mới này cho thấy thị trường nghệ thuật giải trí đang hồi sinh từng ngày. Trong thời gian tới, Nhà hát sẽ thiết kế các show học đường để tìm đến trường học phục vụ các bạn nhỏ”. Theo ông Sơn, để có thể duy trì sân khấu truyền thống, việc hình thành thế hệ khán giả trẻ là vô cùng quan trọng. Ngoài việc xem múa rối, trẻ con còn rất thích được tìm hiểu, thực hành. Nắm bắt tâm lý đó, mô hình trải nghiệm xiếc rối ra đời. “Chúng tôi vẫn đang thăm dò thị hiếu khán giả nhí cũng như phụ huynh, từ đó sẽ cải tiến thêm cho phù hợp, với mong muốn hình thành thêm không gian giải trí bổ ích cho thiếu nhi”, đạo diễn Nguyễn Phi Sơn bày tỏ.

Nhà hát “full” ghế

Trong hai ngày 8 – 9.2, Đoàn Cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long trở lại với vở Mạnh Lệ Quân kỳ án tại Sân khấu Trịnh Kim Chi (Quận 6)Mặc dù không diễn ngay Tết và cũng không phải là cuối tuần nhưng cả hai đêm diễn đều “cháy” vé từ rất sớm. Vở có sự tham gia của NSƯT Vũ Linh sau thời gian dài rời xa ánh đèn sân khấu. Ngoài ra, Mạnh Lệ Quân kỳ án còn có sự góp mặt của NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Thoại Mỹ, Bình Tinh, Thái Vinh, Hoàng Đăng Khoa và nhiều nghệ sĩ trẻ. Nghệ sĩ Bình Tinh bày tỏ niềm vui và xúc động cho biết, cô vô cùng hạnh phúc khi được khán giả thương, ủng hộ cho vở diễn, đồng thời hứa sẽ “cháy” hết mình để không phụ lòng yêu thương của công chúng. Ê kíp cũng cho biết dự kiến đoàn sẽ tăng cường thêm 1 suất để đáp lại sự yêu mến của khán giả mộ điệu.

Đầu tháng 1 vừa qua, chương trình nghệ thuật À Ố Show có ba suất diễn mở màn ấn tượng chào năm mới tại Nhà hát TP.HCM sau thời gian dài ngưng diễn vì dịch Covid-19. Tiếp nối thành công này, ba suất tiếp theo vào ngày 9 – 11.2 cũng đã lấp đầy Nhà hát. Đạo diễn – nhà sáng tạo Tuấn Lê chia sẻ: “Trước thời điểm dịch Covid-19, À Ố Show được biết đến với những chuyến lưu diễn ở nước ngoài, còn khi biểu diễn trong nước, khán phòng của Nhà hát Thành phố chủ yếu là khán giả quốc tế… Bắt đầu đợt dịch, lúc này đã rất ít du khách nước ngoài rồi, nhưng khán phòng vẫn đông, các suất diễn đều “full” ghế. Điều thú vị là hầu hết khán giả là người Việt Nam, điều đó khiến chúng tôi rất hạnh phúc khi biết nhu cầu thưởng thức nghệ thuật – giải trí của người Việt rất lớn. Đặc biệt, khi quan sát, tôi nhận thấy cách phản ứng của khán giả Việt rất thoải mái, họ như được cuốn vào chương trình biểu diễn và xem rất nghiêm túc. Nếu như ngày xưa, gần cuối vở thì người Việt mình thường ra trước để tranh thủ lấy xe chẳng hạn, còn bây giờ họ ngồi đến phút cuối cùng, khi đèn sáng mới đứng lên, đây là những dấu hiệu cho thấy nếu chương trình nghệ thuật đầu tư nghiêm túc, hấp dẫn thì không lo chuyện thiếu khán giả”.

Ngay sau Tết Nguyên đán, lịch sáng đèn của hầu hết các nhà hát, sân khấu đã được ấn định đến hết tháng 2. Theo đó, Sân khấu Kịch Idecaf trở lại với 4 vở Cậu đồng, Tía ơi má dìa, Ngũ quý kỳ phùng và Mưu Bà Tú vào các ngày 10 – 13.2, sau đó, Idecaf sẽ trở lại vào các đêm từ 17 – 20.2. Sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng công bố lịch diễn các ngày tiếp theo trong tháng 2 với sự trở lại của các vở Bao giờ sông cạn, 29 anh về, Bạch Hải Đường, Chờ thêm chút nữa vào các ngày 11 – 13.2 cùng những ngày cuối tuần trong tháng 2. Đây có thể nói là sân khấu biểu diễn nhiều vở nhất trong lần sáng đèn trở lại này.

Sân khấu Sen Việt có hai suất diễn vào đêm 12 và 14.2 (LễTình nhân) với vở Chuyện nhÔng Hổ(tên trước đó là Mảnh vỡ). Vở cósựtham gia của NSƯT Hữu Quốc, Bình Tinh, Thái Kim Tùng, Hồng Thắm, Ngọc Vàng, Thu Cúc, Lan Anh… Sân khấu Thế giới Trẻ sẽ tiếp tục với loạt vở diễn ăn khách trước đây, như: Bật công tắc là yêu, Xóm nghèo bá đạo, Hồn ma cô đào hát và Ngược gió, liên tục từ ngày 8 – 13.2. Sau đó, các vở sẽ biểu diễn vào cuối tuần trong tháng 2.

 Nguồn: THÙY TRANG (Báo Điện tử Văn hóa)

Ca kịch Khát vọng Đam San: Khát vọng từ đại ngàn

VHO- Sau hơn 30 năm ấp ủ, nghiền ngẫm sáng tác, đã hai lần tưởng như dừng lại vì kịch bản không thành, kể cả việc hợp tác với nhà biên kịch Lưu Quang Vũ, nhưng với tình yêu và duyên phận với Tây Nguyên, năm 2021, trong bối cảnh phức tạp của đại dịch Covid-19, nhạc sĩ Nguyễn Cường vẫn hoàn thành được vở ca kịch Khát vọng Đam San do ông là tác giả kiêm tổng đạo diễn.

Từ một sử thi huyền thoại…

Sử thi Đam San (Dam Săn, Dăm Săn…, chúng tôi dùng Đam San, phiên âm tiếng Việt cho dễ đọc) do nhà dân tộc học người Pháp Sabatier sưu tầm được ở Đắk Lắk và công bố bằng song ngữ Ê Đê – Pháp tại Paris năm 1927. Họ xếp Sử thi Đam San cùng loại hình với các tác phẩm anh hùng ca nổi tiếng của châu Âu như Iliat, Ôđixê của Hy Lạp. Năm 1959, sử thi này được giới thiệu trên tạp chí Văn nghệ quân đội và được nhà xuất bản Văn hóa in song ngữ Việt – Ê Đê (bản dịch của Đào Tử Chí) với tên gọi Bài ca chàng Đam San. Năm 1988, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã công bố văn bản sưu tầm và dịch Sử thi Đam San rất công phu của Nguyễn  Hữu Thấu. Trong nền văn học Việt Nam, Sử thi Đam San là một trong những tác phẩm tiêu biểu, là thể loại văn học được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, bay bổng của người Ê Đê xưa với hình ảnh người tù trưởng anh hùng, đã cùng buôn làng của mình chiến đấu, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên vì sự ổn định và phát triển phồn vinh của bộ tộc.

…đến vở ca kịch Khát vọng Đam San

Trên cơ sở tâm nguyện của nhạc sĩ Nguyễn Cường, đề xuất của Công ty TNHH Sông Thương Garden và tham mưu của Sở VHTTDL, ngày 14.4.2021, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định số 843/QĐ-UBND phê duyệt đề án ca kịch Khát vọng Đam San. Đây dự kiến sẽ là một tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, ca ngợi khát vọng và vẻ đẹp lãng mạn nhưng cũng đầy kiêu hùng của người Ê Đê ở Tây Nguyên. Theo lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh Đắk Lắk, tác phẩm sẽ góp phần phục dựng, trình diễn lịch sử văn hóa người Ê Đê qua sân khấu âm nhạc độc đáo, bán thực cảnh, được kỳ vọng trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, độc đáo, sẽ được biểu diễn thường kỳ phục vụ nhân dân và du khách trong và ngoài nước trong thời gian tới. Vở ca kịch gồm 5 chương: Chương 1: Đam San và H’Nhí. Mở màn, đám cưới của H’Nhí và Đam San. Chương 2: Xử tội Mtao Msei. Đam San chiến thắng Mtao Msei và mở rộng buôn làng, trở thành một người tù trưởng hùng mạnh nhất vùng. Chương 3: Buôn sang trông cậy. Nữ thần Mặt trời khao khát có Đam San, làm cho buôn làng chìm trong đêm tối. Chương 4: Nơi miền sáng. Trước nguy cơ hủy diệt của buôn làng, Đam San đã vượt qua hiểm nguy quyết tìm cưới Nữ thần Mặt trời. Đam San đã cảm hóa được Nữ thần Mặt trời. Nữ thần Mặt trời tặng ánh sáng màu nhiệm cho Đam San. Đam San mang ánh sáng trở lại cho buôn làng. Từ đây ánh sáng màu nhiệm làm cho trái đất sinh sôi ra hoa kết trái. Chương 5: Mặt trời lên trên cao nguyên bao la. Kết: Đam San đã mang ánh sáng về cho buôn làng, khát vọng của chàng cũng là ngọn lửa thắp lên tình yêu và sức sống nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Những con người nơi đây đã luôn mang trong mình khát vọng cao đẹp: “Khát vọng Đam San”.

Trên nền Sử thi Đam San của dân tộc Ê Đê, nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhà biên kịch Hồng Hoa đã xây dựng thêm những tình tiết mới như: Tình yêu của Nữ thần Mặt trời với Đam San, nguy cơ bị huỷ diệt của buôn làng khi chìm trong đêm tối, H’Nhí (vợ Đam San) trong giây phút thiêng liêng đón ánh sáng về với buôn làng, phút giây của ngày gặp lại Đam San, cũng là lúc chàng ra đi mãi mãi, H’Nhí đã cắn tay mình mong cứu Đam San và từ bàn tay ấy, tuôn trào dòng thác đỏ, thác của núi rừng Tây Nguyên muôn đời hùng vĩ, tất cả đã làm nên một khúc ca ân tình, ngợi ca về vẻ đẹp tình yêu của con người giao hòa với thiên nhiên, cũng là thông điệp của ca kịch này. Đây là món quà mà nhạc sĩ Nguyễn Cường muốn tri ân người dân Đắk Lắk qua 40 năm miệt mài sáng tác về Tây Nguyên, và cũng đồng thời là món quà để người dân Đắk Lắk tri ân nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Dù trải qua gần hai năm hoàn thiện kịch bản, sản xuất tác phẩm trong mùa đại dịch Covid 19, nhưng với quyết tâm và khát vọng dâng hiến cho nghệ thuật, hàng trăm nghệ sĩ của Đoàn Ca múa Dân tộc Đắk Lắk và cộng tác viên đã miệt mài tập luyện, vượt lên chính mình để chinh phục một vai diễn mà chưa bao giờ họ được trải nghiệm. Ê kíp sáng tạo và thực hiện chương trình đã hoàn thành tác phẩm để báo cáo trong năm 2021 và sẵn sàng biểu diễn từ năm 2022. NSƯT Y Joel Knul, người đóng vai chàng Đam San, cùng vợ là ca sĩ H’Lueng Niê, người đóng vai nàng H’Nhí, đều đang công tác tại Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, thì đều rất tự hào vì đã được tham gia những nội dung quan trọng của vở ca kịch và được phân vai rất phù hợp. Mỗi lần diễn, dù là luyện tập, họ đều dâng lên những cung bậc cảm xúc vì như được tắm mình trong không gian văn hóa Ê Đê của cha ông. Từ nhỏ, Y Joel Knul đã được nghe ông bà hát kể sử thi nên anh ngưỡng mộ anh hùng Đam San bởi tinh thần dũng cảm, hy sinh vì buôn làng.

…và kỳ vọng

Theo nhạc sĩ Cát Vận (Hà Nội), ông đã được nghe một số phân đoạn và cho rằng, ngoài vở nhạc kịch Bên bờ Krông Pa (1968) của nhạc sĩ Nhật Lai, Người tạc tượng (1971) của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, thì sau nửa thế kỷ, Khát vọng Đam San (2021) của nhạc sĩ Nguyễn Cường là vở nhạc kịch thứ ba viết về đề tài Tây Nguyên, “Đúng dịp Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa diễn ra, nếu vở ca kịch này sớm được đưa lên sân khấu hoành tráng thì sẽ rực rỡ hơn bao giờ hết. Tôi rất tự hào vì đây sẽ là một dấu ấn cho sự phát triển của âm nhạc Việt Nam. Xin chúc mừng âm nhạc Đắk Lắk, chúc mừng cuộc tổng kết, cuộc trở về đầy ý nghĩa sau 40 năm đến với Đắk Lắk của nhạc sĩ Nguyễn Cường”, nhạc sĩ Cát Vận chia sẻ.

NSND Y San Alio, nguyên Trưởng đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, tổng biên đạo của vở ca kịch cho biết, từ năm 1976 đến nay, Đoàn Ca múa dân tộc mới luyện tập và biểu diễn một tác phẩm đồ sộ đến vậy. Ông rất mừng vì toàn bộ ê kíp biểu diễn đều là con em các dân tộc ở Đắk Lắk. Tác phẩm này khơi dậy vẻ đẹp của văn hóa Ê Đê, văn hóa Đắk Lắk. Hy vọng ngoài việc được biểu diễn hoành tráng tại các Nhà hát, sân khấu lớn, vở ca kịch sẽ được biên tập gọn lại để có thể biểu diễn ở các buôn làng để đồng bào các dân tộc Đắk Lắk có thể được thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật biểu diễn đỉnh cao bắt nguồn từ chính họ.

Nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ Y Kô Niê, Phó Trưởng đoàn Ca múa dân tộc cho rằng đây là một tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ quốc gia, đã toát lên được tinh thần Đam San với những nét đậm đặc của văn hóa dân gian Ê Đê nói riêng, Tây Nguyên nói chung. Ông rất vui và tự hào vì được là thành viên trong ê kíp sáng tạo của tác phẩm với các vai trò cố vấn dân tộc học, dịch tiếng Ê Đê, họa sĩ, tác giả kịch bản ánh sáng kiêm nghệ sĩ biểu diễn. Về trang phục, cơ bản ê kíp sáng tạo sử dụng trang phục gốc của người Ê Đê; đạo cụ cũng phục dựng khiên, mác, đều từ mẫu xưa được trưng bày tại Bảo tàng Đắk Lắk.

Tới đây, vở ca kịch Khát vọng Đam San sẽ không chỉ được biểu diễn ở thành phố Buôn Ma Thuột hay các Nhà hát, các sân khấu lớn trong cả nước, mà còn được xây dựng trở thành một sản phẩm văn hóa – du lịch đặc sắc của tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là sẽ có phiên bản tiếng Ê Đê để biểu diễn phục vụ ở các buôn làng như tâm nguyện của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Ngày Xuân, nghĩ về người anh hùng Đam San, nghĩ về khát vọng đại ngàn, hy vọng rằng, vở ca kịch sẽ là nguồn cảm hứng cho tinh thần yêu quê hương, đất nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc và khát vọng vươn lên.

ĐẶNG GIA DUẨN

Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk