Tiết lộ về bức tượng mất đầu trong bảo tàng Louvre

Tượng thần chiến thắng Samothrace dù thiếu phần đầu vẫn là một kiệt tác đá cẩm thạch thu hút sự chú ý đặc biệt của khách tham quan khi tới thăm bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp.

Bảo tàng Louvre bên bờ sông Seine ở Paris, Pháp là một trong những viện bảo tàng nổi tiếng và thu hút du khách nhất thế giới. Louvre là điểm tham quan thu phí được viếng thăm nhiều nhất Paris. Nơi đây trưng bày những tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của lịch sử nghệ thuật ví như tượng thần Vệ Nữ, bức tranh Mona Lisa, bức tranh nữ thần tự do dẫn dắt nhân dân, các hiện vật giá trị về những nền văn minh cổ như phiến đá ghi bộ luật Hammurabi, tấm bia Mesha…. Tại bảo tàng nổi tiếng này, tượng thần chiến thắng Samothrace cũng là một trong những kiệt tác nghệ thuật thu hút lượng người xem đông đảo.

Tượng thần chiến thắng Samothrace là một trong những tác phẩm điêu khắc cổ nổi tiếng nhất hiện nay nhưng nhiều người có thể không biết về lịch sử của nó – bao gồm nguồn gốc cổ xưa và ảnh hưởng sâu rộng của nó đến nghệ thuật hiện đại và đương đại.

Theo Louvre, bức tượng này có thể được người dân Rhodes, một hòn đảo của Hy Lạp chế tác vào đầu thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Bức tượng được sáng tạo trong thời kỳ Hy Lạp hóa. Phong trào nghệ thuật khi đó đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm điêu khắc diễn tả biểu cảm của các chủ thể thần thoại đang chuyển động, đó là lý do bức tượng này có đôi cánh tuyệt đẹp.

Tiết lộ về bức tượng mất đầu trong bảo tàng Louvre - 1
Tượng thần chiến thắng Samothrace đặt tại bảo tàng Louvre ở Pháp. (Ảnh: Shutterstock)

Tác phẩm điêu khắc tượng thần chiến thắng Samothrace cao khoảng 5,5 m mô tả Nike, nữ thần chiến thắng của Hy Lạp. Bức tượng “mặc” bộ đồ xếp nếp bị ướt và bị gió thổi bộ đồ bám chặt vào cơ thể cô. Bức tượng có đôi cánh tuyệt đẹp đứng trước mũi một con tàu. Vì thế các nhà sử học kết luận rằng bức tượng được tạo ra để kỷ niệm một trận thủy chiến thành công trên biển.

Tượng thần chiến thắng Samothrace là một trong nhiều tác phẩm đá cẩm thạch trang trí cho Thánh địa của các vị thần vĩ đại, một khu phức hợp đền cổ trên đảo Samothrace, Hy Lạp. Ngôi đền bên bờ biển này được dành riêng cho tôn giáo mang tên Bí ẩn, hay còn gọi là Mẹ vĩ đại.

Với sự phổ biến của các trận hải chiến trong thời kỳ này và sự gần gũi với các tuyến đường hàng hải được sử dụng rộng rãi trên biển Aegea, ngôi đền có một số di tích lấy cảm hứng từ biển. Chúng bao gồm những cột đá chuyên dụng đặc biệt, những con tàu đặc biệt quan trọng và tượng thần chiến thắng Samothrace – được đặt trong một hốc đá (có thể là một hang động) nhìn ra nhà hát của ngôi đền.

Tiết lộ về bức tượng mất đầu trong bảo tàng Louvre - 2
Bức tượng mất đầu thu hút đông đảo khách tham quan (Ảnh: Shutterstock)

Nhà ngoại giao kiêm nhà khảo cổ nghiệp dư người Pháp Charles Champoiseau đã khai quật được bức tượng tuyệt đẹp này vào tháng 4 năm 1863. Trong khi tập hợp 23 khối đá để tạo nên con tàu, ông đã gửi bức tượng thần chiến thắng trở lại Paris gồm ba mảnh với phần đế, thân, chân và cánh trái. Sau khi tới bảo tàng Louvre, bức tượng được lắp ráp lại trong phòng cổ vật cổ điển Carytid. Bảo tàng đã thêm vào cho bức tượng một cánh thạch cao nhưng không tái tạo phần đầu bị biến mất hoặc cánh tay.

Gần 90 năm sau khi Champoiseau tìm thấy tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp này, các nhà khảo cổ học từ Austria đã phát hiện ra những mảnh khác của bức tượng bao gồm cả bàn tay phải của Nike. Thật không may, không có cách nào có thể gắn lại bàn tay vào tác phẩm điêu khắc, vì bức tượng không có phần cánh tay. Tuy nhiên, việc khai quật được bàn tay của bức tượng là cực kỳ quan trọng, vì bàn tay này đã bác bỏ giả thuyết ban đầu rằng bức tượng sẽ có bàn tay đang nắm lấy một vật thể.

Bảo tàng Louvre giải thích: “Có ý kiến cho rằng bức tượng có thể đã cầm một chiếc kèn, một vòng hoa hoặc một dải lụa trên tay phải của mình. Tuy nhiên, bàn tay được tìm thấy ở Samothrace năm 1950 có lòng bàn tay mở và hai ngón tay xòe ra, cho thấy rằng bức tượng không cầm bất cứ thứ gì và chỉ đơn thuần đang giơ tay lên để chào hỏi”.

Ngày nay, phần bàn tay bị rời ra khỏi bức tượng được trưng bày ở trên cùng của cầu thang Daru của bảo tàng Louvre, nơi tượng thần chiến thắng Samothrace có cánh đã được trưng bày từ năm 1883.

Giống như các tác phẩm điêu khắc Hy Lạp khác, tượng thần chiến thắng Samothrace được ngưỡng mộ vì nó là một bức tượng hoàn mĩ, mô tả chân thực về chuyển động. Để gợi ý một cơ thể đang chuyển động, nghệ sĩ điêu khắc đã định vị Nike ở tư thế không đối xứng, tư thế này ngụ ý chuyển động thông qua việc sử dụng phân bổ trọng lượng thực tế và cơ thể hình chữ S. Các tác phẩm điêu khắc nổi tiếng khác thể hiện cách tiếp cận cổ điển này để truyền tải vẻ đẹp của cơ thể con người là The Walking Man của Rodin và David của Michelangelo.

Một yếu tố khác giúp bức tượng như đang chuyển động là lớp vải phủ khắp cơ thể của nhân vật. Khi Nike tiến về phía trước, chiếc áo có vẻ trong mờ xoắn quanh eo và quấn quanh chân cô. Theo bảo tàng Louvre: ” bức tượng mang tính trình diễn đỉnh cao và rất sống động khi kết hợp vẻ hoàn hảo của nữ thần, sải cánh rộng và sức sống của một cơ thể đang tiến về phía trước”.

Ngày nay, tượng thần chiến thắng Samothrace luôn là một trong những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng nhất trên thế giới. Kể từ khi ra mắt lần đầu tiên tại Louvre vào thế kỷ 19, nó đã truyền cảm hứng cho vô số nghệ sĩ ví như nghệ sĩ theo chủ nghĩa siêu thực Salvador Dalí, nhà tương lai học Umberto Boccioni. Mặc dù đã có một số tác phẩm hiện đại nắm bắt được tinh thần của tượng thần chiến thắng nhưng chắc chắn không có tác phẩm nào có thể khiến người xem mê mẩn như khi chiêm ngưỡng tận mắt vẻ đẹp của tượng thần chiến thắng Samothrace nguyên bản.

Nguồn: DANTRI.VN

Chùm chương trình đặc biệt đón giao thừa trên VTV: Nỗ lực, lạc quan, vui tươi và khát vọng

VHO- Mong muốn cùng khán giả đón khoảnh khắc giao thời năm cũ – năm mới trọn vẹn cảm xúc, Đài THVN đã dày công chuẩn bị một “mâm cỗ Tết” đặc sắc.

Gặp nhau cuối năm Xuân Nhâm Dần (20h02 – 29 Tết): Táo Mạng, vũ điệu ngoáy mũi, bán chui chứng khoán và bỏ cọc bất động sản

Là điểm hẹn được khán giả mong chờ nhất mỗi đêm giao thừa, Gặp nhau cuối năm Xuân Nhâm Dần mang đến nhiều màn báo cáo sáng tạo của các Táo Kinh tế, Xã hội, Giao thông, Mạng, Giáo dục, Y tế, Nông nghiệp… Táo Mạng – nhân vật mới của năm nay do NSND Tự Long đảm nhiệm, mang tới màn báo cáo “đặc sản” kết hợp giữa âm nhạc hiện đại và truyền thống.

Trong khi đó, Táo Kinh tế và Y tế (NSƯT Quang Thắng và nghệ sỹ Vân Dung) tiếp tục thể hiện sự ăn ý trong vũ đạo ‘ngoáy mũi’ đặc sắc, ấn tượng. Lần đầu đảm nhiệm hai vai quan trọng – Nam Tào, Bắc Đẩu, Đỗ Duy Nam và Trung Ruồi kẻ tung người hứng cùng Ngọc Hoàng – Quốc Khánh lần lượt chỉ ra những điểm yếu của các Táo – cũng chính là những vấn đề được nhắc đến nhiều trong suốt năm qua: sự trục lợi từ dịch bệnh, tham nhũng, hối lộ quan chức đến các bất cập về giấy đi đường, quy định vùng dịch, bất ổn của thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền điện tử… Giữ nét hài hước, dí dỏm, nhưng bao trùm Gặp nhau cuối năm Xuân Nhâm Dần vẫn là thông điệp tích cực, lạc quan, niềm tin vào những điều tốt đẹp được lan toả trong xã hội. Đáng chú ý, năm nay VTV sẽ có xêri 4 tập phim Táo quân tiền truyện, bắt đầu đưa lên VTVgo từ 27.01 (25 Tết) và 2 tập hậu truyện ngay sau khi Gặp nhau cuối năm kết thúc trên sóng.

Bừng sáng Việt Nam (22h – 29 Tết): Dạ tiệc âm thanh, ánh sáng và công nghệ

Lần đầu tiên xuất hiện trong đêm Giao thừa Bừng sáng Việt Nam được đầu tư kỹ lưỡng từ khâu lên ý tưởng kịch bản cho tới cách thức dàn dựng sân khấu, công nghệ trình diễn, hiệu ứng kỹ xảo mới lạ… nhằm mang tới một “dạ tiệc âm thanh, ánh sáng và công nghệ”. Xuyên suốt khoảng 20 phút, chương trình mang đến các màn trình diễn lấy cảm hứng theo dòng chảy văn hoá từ truyền thống đến hiện đại, quá khứ đến tương lai, với sự tham gia của những gương mặt nổi tiếng như: Hoa hậu Lương Thuỳ Linh và cổ phục Nhật Bình, áo dài ngũ thân trong không gian Huế cổ xưa được tái hiện nhờ công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) kết hợp 3D Mapping; ca sĩ Hà Anh Tuấn với bản mashup về Hà Nội (Em ơi Hà Nội phố – Chuyện của mùa đông – Xuân thì – Nhớ về Hà Nội) trên một sân khấu hiện đại gợi nhớ không gian phố cổ; hay Rapper Binz cùng loạt ca khúc hit ở không gian của siêu vũ trụ Metaverse ngập tràn màu sắc kỳ ảo của kỷ nguyên số. Tối ưu công nghệ hiện đại, tôn vinh tinh hoa di sản, tri ân nguồn cội để từ đó “bừng sáng” một Việt Nam bản lĩnh, kiên cường, chương trình là lời chúc mừng năm mới đầy ý nghĩa dành tặng tới khán giả cả nước trước thềm xuân năm mới.

Tự hào thể thao Việt Nam (22h20 – 29 Tết): Câu chuyện ý nghĩa về hành trình ước mơ của các VĐV xuất sắc

Mang đến màu sắc riêng, Tự hào Thể thao Việt Nam do Ban Sản xuất các chương trình Thể thao thực hiện có sự góp mặt của các gương mặt xuất sắc thuộc 5 môn Điền kinh, Bắn cung, Thể dục dụng cụ, Futsal và Boxing Việt Nam. Ghi hình công phu tại Lào Cai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Tự hào Thể thao Việt Nam mang tới câu chuyện ý nghĩa về hành trình ước mơ của các vận động viên từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Trên nền nhạc ca khúc chủ đề Tự hào thể thao Việt  Nam – I’m gonna win myself do Rapper Phong Windy và Nhạc sĩ, ca sĩ Hà Lê đồng sáng tác, hành trình trưởng thành của các VĐV nổi bật không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho các VĐV chinh phục đỉnh cao mới trước thềm nhiều giải đấu quan trọng, đặc biệt là kỳ SEAgame 31, mà còn toát lên tinh thần tự hào trước những nỗ lực vượt khó của ngành thể thao trong năm qua.

Lịch vạn xuân – những năm Dần đặc biệt (22h29 – 29 Tết): Chương trình đặc biệt điểm lại những sự kiện nổi bật gần 2000 năm qua

Mang tinh thần tự hào, lạc quan, Lịch Vạn Xuân – Những năm Dần đặc biệt do Ban Sản xuất các chương trình Giải trí thực hiện nhìn lại các sự kiện có ý nghĩa trong lịch sử qua góc nhìn dí dỏm, hiện đại của nhà báo Tạ Bích Loan và nhà báo Phan Đăng.

Đó là năm Canh Dần 990 khi vua Lê Đại Hành khéo léo từ chối nghi lễ quỳ lạy sách phong của chính quyền nhà Tống; là năm Mậu Dần 1038 khi người đứng đầu một nước là vua Lý Thái Tông cũng đích thân xuống đồng cày; năm Mậu Dần 1158, chính sách “Hòm thư ý kiến” được Vua Lý Anh Tông ban bố; năm Canh Dần 1410 mở đầu thời kỳ Hồng Đức Thịnh Thế; hai năm Canh Dần 1890-1950 cách nhau đúng 60 năm với hai sự kiện trọng đại: năm sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiến thắng Biên giới Thu đông; năm Bính Dần 1986 với việc chấm dứt thời kỳ bao cấp…

Thể hiện sinh động sáng tạo, ê kíp gửi gắm thông điệp: Nhìn lại những sự kiện quan trọng trong những năm Dần bản lề của lịch sử – là cách để chúng ta có thêm niềm tin vào quy luật của tự nhiên: Hết cơn bĩ cực đến ngày thái lai, giống như sự tuần hoàn của vòng quay trái đất, niềm tin vào sức mạnh của khát vọng và sự tử tế của con người là điều giúp cho xã hội ổn định, lòng người bình an và hướng đến tương lai.

Mùa đoàn tụ 2022 (22h35 – 29 Tết): Thiêng liêng, tự hào, ấm áp và tràn đầy hy vọng

Mùa đoàn tụ 2022 do Ban Thanh thiếu niên thực hiện mang tới một không gian ấm áp, gắn kết qua ba chương: Sức mạnh tình người, Khát vọng vươn lên và Ước mong đoàn tụ. Đan xen các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng phối khí sáng tạo kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại, cùng sự góp mặt của các nghệ sĩ được nhiều khán giả yêu mến như NSƯT Thanh Lam, ca sĩ Hà Trần, Uyên Linh, Đoan Trang, Ngô Hồng Quang, Phạm Thu Hà,  Khánh Linh, Phạm Anh Khoa, Trọng Hiếu, Trang Trịnh, Mazuz, Tuấn Hùng, Mỹ Anh, Hà Myo… là những câu chuyện giàu cảm xúc của nhiều khách mời nổi tiếng đã có nhiều dấu ấn ở các lĩnh vực trong năm 2021 như Thiếu tướng PGS.TS.BS Nguyễn Hồng Sơn, PGS.TS Trần Đắc Phu, TS Nguyễn Quân, TS. Lê Văn Tri, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, chuyên gia Nguyễn Lân Hùng, nhà báo Hoàng Long, bác sĩ Thiên Đỗ. Nhiều khách mời nổi tiếng cũng góp mặt trong chương trình như NSND Lê Khanh, NSND Trung Hiếu, NSƯT Đức Trung, Hồng Diễm, Thu Quỳnh, nhà báo Trần Mai Anh, MC Quỳnh Hoa, người mẫu Xuân Lan, Hoa hậu Thùy Tiên. Ghi hình công phu ở nhiều bối cảnh, set sân khấu giàu ý nghĩa biểu tượng, Mùa đoàn tụ 2022 cùng khán giả cảm nhận tình yêu thương, sự chia sẻ, gắn kết cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách qua đó, thể hiện thông điệp về sự đoàn kết, khát vọng vươn lên, chinh phục đỉnh cao mới của người Việt.

Cảm hứng bất tận (1h00 – mùng 1 Tết): Khám phá “Những vùng đất diệu kỳ” và trải nghiệm đón Tết

Là chương trình đầu tiên của năm mới Nhâm Dần, Cảm hứng bất tận do êkíp của Ban Văn nghệ thực hiện đưa người xem đến với những vùng đất diệu kỳ gợi cảm hứng xê dịch của năm mới. Lấy ý tưởng từ sức hút của những vùng đất giàu tiềm năng, ê kíp sản xuất cùng các nhân vật khách mời nổi tiếng như NSND Lan Hương, NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Quyền Linh, diễn viên Đỗ Duy Nam…, những vlogger du lịch hàng đầu Chan la cà, Fahoka xê dịch, Hoàng Nam, Trung Quân idol khám phá các địa danh văn hóa du lịch ấn tượng của đất nước: Hà Giang, Điện Biên, Hà Nam, Quảng Nam, Kontum, Ninh Thuận, Đồng Tháp. Ở mỗi điểm đến sẽ có các tiết mục nghệ thuật lấy chất liệu từ chính vùng đất đó, được Giám đốc âm nhạc Hồ Hoài Anh hòa âm phối khí độc đáo, mới lạ. Sức hút của chương trình không chỉ là sự góp mặt của các ca sĩ Tùng Dương, Đông Nhi, Erik, Văn Mai Hương, Đức Phúc, Hòa Minzy, Lưu Hương Giang, Hương Ly, Uni5, Bảo Trâm, Hải Yến, Đông Hùng… mà còn ở sự kết hợp sân khấu thực tế và công nghệ ảo trong các phần biểu diễn.

Được đầu tư chuẩn bị công phu trong suốt một thời gian dài, khai thác thế mạnh cùng lúc của nhiều đơn vị sản xuất thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, loạt chương trình đón giao thừa với phần dẫn dắt của BTV Quốc Khánh và Thụy Vân, là lời cảm ơn chân thành của những người làm truyền hình VTV, cũng là lời chúc bình an, hạnh phúc trong năm mới Nhâm Dần 2022 gửi tới khán giả cả nước.

Nguồn: VŨ MỪNG (Báo Điện tử Văn Hóa)

Việt Nam: Đi để yêu – Xuân đoàn viên

VHO- Ngày 22.1, Tổng cục Du lịch đã chính thức ra mắt video clip “Việt Nam: Đi để yêu – Xuân đoàn viên”, đưa tới người xem và du khách những hình ảnh vui tươi, hạnh phúc, ấm áp của mùa xuân mới.

Clip này https://www.youtube.com/watch?v=TYO-hB-uO20&t=4s nằm trong chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube do Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) thực hiện, có sự đồng hành của Vinpearl và Google.

Cảnh sắc mùa xuân vừa trong trẻo, thuần khiết, vừa ấm áp và dịu dàng

Xuyên suốt video clip “Việt Nam: Đi để yêu! – Xuân đoàn viên”, du khách có thể cảm nhận sắc xuân ngọt ngào, thuần khiết trên khắp mọi miền đất nước, là trăm hoa đua nở nơi núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, những cánh mai anh đào rực rỡ, nên thơ của cao nguyên Lâm Đồng hay một chuyến du xuân đầy ý nghĩa cùng gia đình ở một vùng đất mới, cùng tận hưởng những dịch vụ hấp dẫn với trải nghiệm trọn vẹn tại các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp.

Tết đến, xuân về không thể thiếu hương vị của bánh chưng xanh, câu đối đỏ và những phong tục vốn trở thành nét đẹp trong văn hóa người Việt như chúc Tết gia đình, chiêm bái cầu an, xin chữ đầu năm… Tất cả tạo nên cảnh sắc mùa xuân căng tràn nhựa sống, đầy tươi mới và đem lại cho du khách những trải nghiệm du xuân ấn tượng.

Video clip mang tới những thước phim sống động và cảm xúc về sự đoàn viên ấm áp khi Tết đến, xuân về

Theo bước chân các nhà sáng tạo nội dung YouTube như Trần Thiện, Sunny Vietnam, Hà Giang Trẻ Travel, Những Mùa Sương… du khách cũng có thể khám phá phong vị Tết cổ truyền trong cung đình Huế xưa thông qua các hoạt động phục dựng kỳ công tìm về với cội nguồn, ngỡ ngàng trước bức tranh thủy mặc khổng lồ với đường nét tuyệt mỹ của Chùa Tam Chúc – nơi được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất thế giới hay xao xuyến trước vẻ đẹp mong manh đầy cuốn hút của hoa đào rừng đang độ khoe sắc.

Khi trên mọi nẻo đường, con phố đều ngập tràn sắc xuân cũng là dịp mọi người tìm về sự bình yên trong lòng, để tinh thần thư thái, tích tụ năng lượng, dành thời gian đoàn viên bên gia đình và tận hưởng những khoảnh khắc đáng nhớ. Đây cũng điều mong mỏi của những người con xa nhà, hay những người lâu chưa có điều kiện sum họp với gia đình do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Du khách có thể tìm hiểu các hoạt động phục dựng kỳ công tìm về với cội nguồn tại Kinh thành Huế

Chương trình truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube “Việt Nam: Đi Để Yêu!” được triển khai từ đầu năm 2021, đến nay đã ra mắt 07 video clip với các chủ đề phù hợp từng mùa du lịch. Chương trình có sự tham gia tích cực của nhiều nhà sáng tạo nội dung YouTube nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong giới trẻ và lượng theo dõi lớn như H’Hen Niê, Chan La Cà, Khoai Lang Thang, Helly Tống, Fly Around Vietnam…

Mỗi video clip trong chương trình “Việt Nam: Đi để yêu!” đều được lan tỏa mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm của cộng đồng, qua đó quảng bá rộng rãi vẻ đẹp du lịch Việt Nam, duy trì cảm hứng và kích cầu du lịch.

Nguồn: THỦY TRÚC (Báo Điện tử Văn Hóa)

Những “thủ lĩnh” của ngành nghệ thuật biểu diễn: Ước vọng mùa xuân

VHO- Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng năm 2021 vừa qua, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn vẫn để lại nhiều dấu ấn và thành tựu đáng ghi nhận. Phía sau thành tích và kết quả đạt được, phải kể tới vai trò quan trọng của những vị “thủ lĩnh” đứng đầu các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp.

Tại Hội nghị tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 của Cục Nghệ thuật biểu diễn, một số “nhà cầm quân” đã chia sẻ những suy nghĩ, ý kiến tâm huyết khi đối diện với một năm mới cũng sẽ vô cùng khó khăn và thách thức.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG
Chương trình nghệ thuật giới thiệu các gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu năm 2021 do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức

Cần kinh phí để quảng bá tác phẩm nghệ thuật

Cho tới thời điểm này, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đã quen và chấp nhận với những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhờ vào sự chỉ đạo đúng hướng của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn, lãnh đạo của 12 Nhà hát thuộc Bộ VHTTDL đã đoàn kết và tạo ra những sản phẩm nghệ thuật chung, thích ứng với tình hình mới. Hiện nay, các nhà hát đã có được nhiều sản phẩm nghệ thuật được đặt hàng đạt chất lượng cao, là tâm huyết sáng tạo của cả tập thể nghệ sĩ. Điều chúng tôi cần nhất bây giờ là những đề án quảng bá, tiếp cận khán giả phù hợp để đối diện với thực tế nếu như dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp.

(Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND TẠ DUY ÁNH)

 Mong thu hút nguồn nhân lực cao cho sân khấu truyền thống

Ai cũng có thể nhìn thấy, đối với một số loại hình nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là với Tuồng thì việc đào tạo sẽ phải từ nhỏ. Với cách thức như hiện nay thì diễn viên khi ra trường về đơn vị sẽ ở trình độ Trung cấp; có cố gắng mấy, đạt danh hiệu NSƯT, thậm chí cả NSND thì đa phần vẫn chỉ dừng ở ngạch diễn viên hạng IV. Muốn thu hút nguồn nhân lực cao, thu hút tài năng trẻ đến với Tuồng, chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý cần tính toán để có chính sách, chế độ đào tạo đặc thù riêng như nâng trình độ đào tạo, nâng ngạch bậc, làm sao để diễn viên Tuồng được đứng ngang hàng với các ngành nghề khác trong xã hội, có vậy mới mong bảo tồn và phát huy tốt nghệ thuật truyền thống trong đời sống hôm nay.

(Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, PHẠM NGỌC TUẤN)

Cái đích hiện nay đó là tìm lại khán giả nên đừng sợ đánh mất bản quyền

Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã trở thành động lực khơi dậy khát vọng sáng tạo cho những người làm văn hóa nghệ thuật. Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đều khẳng định cần phải đầu tư cho các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như Tuồng, Chèo, Cải lương… Chúng tôi ý thức rằng nếu cứ bo bo sợ mất bản quyền tác phẩm mà không tìm cách giới thiệu cho công chúng biết và đến với Chèo thì rồi nghệ thuật Chèo sẽ bị mai một khi đánh mất một thế hệ khán giả. Đó là lý do chúng tôi đã tìm đủ mọi cách để quảng bá Chèo với nhiều hình thức trên YouTube và Fanpage của Nhà hát. Chưa tính tới doanh thu ở thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, bài toán chúng tôi tự đặt ra cho mình đó là làm sao thu hút khán giả.

(Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND THANH NGOAN)

 Mỗi nhà hát cần có một chiến lược truyền thông

Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam luôn chú trọng tới khâu truyền thông các sản phẩm nghệ thuật. Bên cạnh việc giữ vững truyền thông cổ điển trên báo chí thì có một cách tiếp cận mới đó là trên mạng xã hội Facebook, Instagram… Theo tôi, đã tới lúc mỗi nhà hát cần xây dựng một ban truyền thông và phải có người chuyên trách để cập nhật liên tục các thông tin của từng đơn vị. Truyền thông là cách để nghệ thuật biểu diễn khẳng định chúng ta đang sống, đang tồn tại, chia sẻ những thành công và cả những khó khăn mà chúng ta đối diện… Dĩ nhiên, mỗi nhà hát cũng phải xác định được đặc trưng loại hình nghệ thuật của mình để tìm ra chiến lược riêng phù hợp.

(Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, NSƯT TRẦN LY LY)

Phải “kiên cường” làm mới nghệ thuật

Khi công chúng của thời đại 4.0 đứng trước nhiều sự lựa chọn loại hình giải trí, thì kịch hát dân tộc chịu số phận thua thiệt hơn. Song theo tôi, mỗi loài hoa có sức hút riêng và khán giả cũng cần đổi món. Những năm gần đây, khán giả sẽ thấy Nhà hát Cải lương Việt Nam thử nghiệm kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác như Xiếc, Chèo, nhạc Jazz… Tất cả là những nỗ lực đi tìm ngôn ngữ và hình thức sân khấu mới, để mở rộng hơn các đối tượng khán giả đến với nghệ thuật Cải lương. Từ đánh giá của những người làm nghệ thuật, của báo chí và đặc biệt là sự hào hứng của khán giả, tôi và các cộng sự của mình đã có thêm nhiều tự tin. Bởi mọi nỗ lực sáng tạo nghệ thuật thì cái đích cuối cùng vẫn là được khán giả chấp nhận. Còn khán giả là còn sân khấu và còn sân khấu bởi còn khán giả.

(Giám đốc Nhà hát Cải lương VN, NSND TRIỆU TRUNG KIÊN)

 Vai trò của các “thủ lĩnh” nghệ thuật là rất quan trọng

Lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục Nghệ thuật biểu diễn luôn đồng hành với các đơn vị nghệ thuật biểu diễn nói chung, với các nhà hát của Bộ nói riêng. Trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Cục Nghệ thuật biểu diễn có rất nhiều những nội dung quan trọng, ngoài việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan thì sẽ có rất nhiều lớp bồi dưỡng diễn viên và nhạc công Cải lương, diễn viên kịch nói, múa…

Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ phải gấp rút, khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng để xây dựng, hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các đề án làm cơ sở triển khai thực hiện nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy sự nghiệp phát triển nghệ thuật biểu diễn lên một bước mới; Tiếp tục xây dựng Đề án sắp xếp lại, nâng cao năng lực các đơn vị nghệ thuật biểu diễn của Trung ương; Xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Sân khấu học đường; Đề án đầu tư quảng bá các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu của Việt Nam và thế giới; Đề án xây dựng một số chương trình nghệ thuật đỉnh cao; Đề án giới thiệu các đơn vị nghệ thuật và chương trình nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu Việt Nam trên sóng truyền hình; Lập đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách cho văn nghệ sĩ…

Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tập trung vào những vấn đề nóng, then chốt để ưu tiên giải quyết trước. Vai trò của các “thủ lĩnh” nghệ thuật là rất quan trọng, mong rằng lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật biểu diễn sẽ chủ động xây dựng các đề án nâng cao năng lực và hoạt động của mình, tìm ra những hình thức sân khấu mới, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật có giá trị, phản ánh chân thực những vấn đề nóng của xã hội. (Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG)

  Nguồn: THUÝ HIỀN (Báo Điện tử Văn hóa)

Làng hoa Sa Đéc hút khách dịp giáp Tết

Nhiều năm qua, Sa Đéc (Đồng Tháp) nổi tiếng khắp cả nước với nghề trồng hoa, cây cảnh truyền thống. Đây cũng là điểm đến thu hút rất đông du khách, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán hàng năm.

Làng hoa Sa Đéc cách trung tâm thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp chừng 3km, có diện tích hơn 300 ha. Dịp giáp Tết, làng hoa Sa Đéc nhộn nhịp người mua bán và du khách từ TP.HCM hoặc các tỉnh lân cận về check-in, chụp ảnh hoặc đơn giản là ngắm cảnh tất bật của người dân nơi đây.

Thời gian đẹp nhất để chụp ảnh làng hoa Sa Đéc là sáng sớm hoặc cuối chiều, cụ thể từ 5h - 8h hoặc 16h - 17h30. Ảnh: Vinh Gấu
Thời gian đẹp nhất để chụp ảnh làng hoa Sa Đéc là sáng sớm hoặc cuối chiều, cụ thể từ 5h – 8h hoặc 16h – 17h30. Ảnh: Vinh Gấu

Theo blogger Vinh Gấu, thời gian đẹp nhất để chụp ảnh làng hoa Sa Đéc là sáng sớm hoặc cuối chiều, cụ thể từ 5h – 8h hoặc 16h – 17h30. Đây là thời điểm ánh nắng rất đẹp, dễ chụp và cũng là thời gian người dân ra vườn nhiều để chăm sóc các loại cây, hoa.

Có 2 địa điểm du khách có thể chiêm ngưỡng phong cảnh và ghi lại những bức ảnh tuyệt đẹp dịp giáp Tết tại Sa Đéc. Đầu tiên là làng hoa ở Tân Quy Đông, là nơi thường tổ chức lễ hội hoa xuân hàng năm tại Sa Đéc. Tại đây có nhiều khu du lịch với những vườn hoa được bài trí sẵn các góc “sống ảo”, đa dạng các loài hoa và màu sắc khác nhau để du khách tha hồ tạo dáng. Giá vé tham quan và chụp hình dao động từ khoảng 30.000 đồng – 50.000 đồng mỗi lượt.

Người dân chèo xuồng ra chăm sóc hoa. Ảnh: Vinh Gấu
Người dân chèo xuồng ra chăm sóc hoa. Ảnh: Vinh Gấu

Ngoài ra, làng hoa ở Tân Khánh Đông cũng được nhiều du khách yêu thích. Blogger Vinh Gấu chia sẻ: “Khi đến đây, mình có thể tiếp xúc gần hơn với những người dân đang chèo xuồng ra chăm sóc từng chậu hoa trên giàn, chọn những chậu đạt chất lượng để chở vào bờ. Mình được trò chuyện cùng người dân đang bọc giấy cho hoa, rồi buộc lại chờ xe của thương lái đến vận chuyển đi khắp cả nước. Nếu muốn, du khách có thể được hướng dẫn và tham gia gói hoa cùng người dân”.

Đến Sa Đéc, du khách có thể được hướng dẫn và tham gia gói hoa cùng người dân. Ảnh: Vinh Gấu
Đến Sa Đéc, du khách có thể được hướng dẫn và tham gia gói hoa cùng người dân. Ảnh: Vinh Gấu

Có dịp đến làng hoa Sa Đéc nhiều lần, blogger quê Buôn Ma Thuột cho biết năm nay cúc mâm xôi tại làng hoa Sa Đéc được giá hơn mọi năm, vì nhiều nơi chuyển đổi cây trồng nên nguồn cung ít hơn, cũng là tin vui cho các hộ dân trồng hoa. Đến thời điểm này, đa số lượng cây, hoa tại làng hoa Tân Khánh Đông đã có người đặt mua hết, chỉ còn một số ít bán lẻ cho khách tham quan, chụp ảnh tại vườn.

Đến thời điểm này, đa số lượng cây, hoa tại làng hoa Tân Khánh Đông đã có người đặt mua hết. Ảnh: Vinh Gấu
Đến thời điểm này, đa số lượng cây, hoa tại làng hoa Tân Khánh Đông đã có người đặt mua hết. Ảnh: Vinh Gấu

Ông Lê Hòa Hiệp – Giám đốc công ty lữ hành Hi Travel cho biết lâu nay làng hoa Sa Đéc đã trở thành điểm đến quen thuộc của khách du lịch. Hàng năm, du khách từ TP.HCM thường đến làng hoa Sa Đéc để mua hoa, ngắm cảnh, chụp ảnh vào dịp trước Tết Nguyên đán, chứ ít khi tới đây ngắm hoa trong những ngày Tết. Năm nay nhu cầu du lịch dịp Tết của người dân TP.HCM tăng cao; mọi người có xu hướng rời khỏi trung tâm thành phố để tham quan, nghỉ dưỡng.

Đến làng hoa Sa Đéc dịp này, du khách như được đắm mình trong thế giới của muôn hoa rực rỡ và vô vàn hương thơm quyến rũ, bao nhiêu mệt mỏi tan biến chỉ còn lại cảm giác nhẹ nhõm, yên bình. Blogger Vinh Gấu cho biết năm nay làng hoa Sa Đéc dự kiến mở đón khách tới Tết, còn một số vườn hoa của người dân sẽ đóng cửa trong khoảng từ 23 – 25 tháng Chạp.

Nguồn: VOV.VN

10 nghệ sĩ âm nhạc được trả lương cao nhất năm 2021

Những nhạc sĩ được trả lương cao nhất năm 2021 được tiết lộ và thật không may, chỉ có một phụ nữ xuất hiện trên bảng xếp hạng cho năm 2021 và đó là Taylor Swift.

Bruce Springsteen – người được trả lương cáo nhất năm 2021. (Ảnh: Just Jared)

Bảng xếp hạng có nhiều nghệ sĩ đã bán danh mục âm nhạc của họ và chỉ một số ít trong số họ lọt vào danh sách này do doanh số bán album thực tế vào năm 2021. Bảng xếp hạng có thu nhập trước thuế và không tính phí cho các đại lý, người quản lý, luật sư…

Và dưới đây là danh sách 10 nhạc sĩ được trả lương cao nhất trong năm 2021:

10. Taylor Swift: 80 triệu USD

Taylor Swift đã mang về 80 triệu USD trong năm 2021 nhờ doanh thu từ các album như Red (Taylor’s Version) và Fearless (Taylor’s Version), cộng với hai album trước đó của cô là Evermore và Folklore. Cô cũng có quan hệ đối tác với các thương hiệu như Starbucks và Peloton.

9. Blake Shelton: 83 triệu USD

Blake Shelton đã giành được vị trí trong Top 10 nhờ việc bán cuốn catalogue của mình, được báo cáo đã thu về 50 triệu USD. Anh cũng kiếm được số lương lớn nhờ công việc của mình trong chương trình The Voice, Blake đã bán được nhiều bản sao của album mới Body Language và anh đã tham gia một chuyến lưu diễn kiếm được 14,5 triệu USD vào năm 2021.

8. Motley Crue: 95 triệu USD

Motley Crue đã bán các bản thu âm chính của họ cho BMG vào năm 2021 và có thông tin cho rằng họ kiếm được 90 triệu USD từ việc bán.

7. Lindsey Buckingham: 100 triệu USD

Lindsey Buckingham của Fleetwood Mac đã bán bản quyền danh mục xuất bản của mình, trong đó có hơn 160 bài hát.

6. Red Hot Chili Peppers: 145 triệu USD

Red Hot Chili Peppers đã bán được danh mục xuất bản của họ vào năm 2021. Ban nhạc đã thu về 140 triệu USD cho các bài hát của họ.

5. Ryan Tedder: 200 triệu USD

Trong khi Ryan Tedder đã bán lại danh mục của mình vào năm 2017 với giá 60 triệu USD, anh đã bán bản quyền xuất bản còn lại của mình vào năm 2021 với con số được cho là chỉ dưới 200 triệu USD. Anh cũng kiếm được tiền từ công việc của mình với OneRepublic, người đã phát hành một album mới vào năm ngoái.

4. Kanye West: 250 triệu USD

Kanye West đã phát hành album mới Donda vào tháng 8 nhưng phần lớn tiền của anh đến từ đế chế Yeezy của anh. Kanye cũng có thỏa thuận mới với Gap.

3. Paul Simon: 260 triệu USD

Paul Simon đã bán quyền xuất bản vào năm 2021. Anh đã bán toàn bộ danh mục của mình cho Sony Music Publishing vào năm ngoái. Công ty cũng sở hữu các bản thu âm chính của anh.

2. Jay-Z: 470 triệu USD

Jay-Z đã mang về một số tiền khổng lồ vào năm 2021 nhờ việc bán một nửa công ty rượu sâm banh Armand de Brignac của mình. Nó được bán cho LVMH với giá 300 triệu USD. Anh cũng bán bớt 80% cổ phần của Tidal cho Square với giá 302 triệu USD. Các đối tác khác của anh bao gồm Tiffany & Co. và Puma.

1. Bruce Springsteen: 590 triệu USD

Bruce Springsteen chắc chắn kiếm được hợp đồng xuất bản lớn nhất trong năm. Anh đã bán danh mục cá nhân của mình cho Sony với giá 550 triệu USD. Thêm vào thu nhập của anh là tiền từ buổi biểu diễn Broadway, podcast Spotify của anh ấy với Barack Obama và cuốn sách của Bruce với cựu tổng thống.

Nguồn: VTV.VN

Chờn vờn mây trắng Thung Mây

Bao bọc bởi các ngọn núi Trâu, núi Pó, núi Tiên, Lũng Vân có khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và nguyên sơ cùng nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Mường đã trở thành địa điểm hấp dẫn du khách.

Nằm cách trung tâm TP. Hòa Bình chừng 40km, xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc (còn gọi là Mường Chậm) được ví như là “nóc nhà của đất Mường Bi”, do nằm trên những ngọn núi cao trùng điệp thấp thoáng trong mây và cũng là cái nôi văn hóa lớn và cổ xưa nhất ở xứ Mường Hòa Bình.

Lũng Vân nằm ở độ cao 1.200 mét so với mực nước biển và quanh năm mây mù bao phủ nên còn được gọi là Thung Mây. Ngoài ra, còn chứa đựng những câu chuyện truyền miệng mà các du khách luôn muốn khám phá.

Vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của Lũng Vân.
Vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của Lũng Vân

Theo truyền thuyết được ghi lại trong áng mo “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường thì từ xa xưa đã xảy ra một cơn đại hồng thuỷ. Dòng nước cuộn xiết đã cuốn trôi hết nhà cửa, trâu bò, con người và cả núi rừng. Giữa lúc nguy nan ấy, có đôi vợ chồng may mắn bấu víu được vào một chiếc bè. Chiếc bè cứ thế chìm nổi trong sóng dữ hết ngày này sang này khác cho đến khi vướng vào một cây cổ thụ khổng lồ có tên là Bi. Rễ cây này ăn xuyên qua “chín sông, mười núi” bền chắc đến nỗi cơn đại hồng thuỷ kia không thể làm bật gốc. Khi cơn hồng thuỷ rút đi, đôi vợ chồng nọ cũng không biết quê xứ của mình ở đâu để trở về. Không biết đi đâu, họ ở lại dựng nhà dưới gốc cây Bi, sinh con đẻ cái, phát rừng làm nương, cày cuốc sườn đồi thành ruộng bậc thang, làm cọn lấy nước, thuần phục muông thú thành vật nuôi, lập bản, lập mường.

Những nếp nhà sàn cổ kính ở Lũng Vân.
Những nếp nhà sàn cổ kính ở Lũng Vân

Với những du khách ưa thích dịch chuyển, Lũng Vân được coi là “vùng đất của sương mù” và nhanh chóng trở thành điểm đến cuốn hút bởi những mái nhà sàn dốc có kiến trúc hình con rùa cổ kính cùng bản sắc văn hóa độc đáo, mang nét riêng biệt của đồng bào Mường.

Để đến được Lũng Vân, du khách phải vượt qua những cung đèo ngoằn ngoèo, sau đó trườn ngược lên những sườn núi dốc đứng. Ở trên cao, nơi những ngọn núi chìm trong biển mây chính là nóc nhà của xứ Mường Bi, và cũng là Lũng Vân, bản cao nhất của toàn xứ Mường Hòa Bình.

Bên dưới lòng chảo, Lũng Vân hiện ra trước mắt du khách bởi những mái nhà sàn như treo trên lưng chừng sườn núi, lúc ẩn lúc hiện trong mây. Ở đây, những nếp nhà sàn được bảo tồn khá nguyên vẹn bất chấp dòng chảy của thời gian. “Nếu muốn nghỉ lại, du khách có thể trực tiếp đăng ký với người dân”, ông Hà Văn Minh, một người dân Lũng Vân cho biết.

So với những nơi khác, văn hóa Mường truyền thống ở Lũng Vân được bảo tồn khá nguyên vẹn trong cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, như những lễ hội: Nạ Mụ, nhóm lửa, xuống đồng, rửa lá lúa, khai hạ, cơm mới… và còn nhiều thứ khác nữa: “Tất cả những giá trị văn hóa của dân tộc cũng như phong tục tập quán chúng tôi đều còn giữ lại được. Khi đến đây, du khách sẽ được đi thăm xung quanh bản, trực tiếp xem chị em phụ nữ làm thổ cẩm và ngắm nhìn cảnh quan núi rừng tuyệt đẹp” – chị Đinh Thị Ngoan, thành viên đội văn nghệ Lũng Vân cho biết.

Trong cái lạnh se se nơi miền sơn cước, tiếng cồng chiêng dưới nếp nhà sàn như vang động cả núi rừng. Sự thanh bình và mến khách của những người dân Lũng Vân hiền lành, chất phác dễ khiến du khách mở lòng, tạm gác mọi lo toan thường nhật để hòa mình vào phong tục văn hóa của Mường Bi.

“Những đứa trẻ khi sinh ra và đầy cữ, gia đình đều mời đội chiêng đến để động viên hoặc khi có đám cưới cũng mời đội chiêng đến để chia vui, động viên. Khi có người quá cố, nhất là các cụ cao niên tuổi từ 80 trở lên chúng tôi cũng có những tiếng chiêng để đưa hồn các cụ về nơi an nghỉ cuối cùng. Tiếng chiêng này nó gắn bó với dân tộc Mường của chúng tôi từ xa xưa đến bây giờ” – bà Nguyễn Thị Lâm, người cao tuổi của Lũng Vân chia sẻ.

Màu trắng của mây, màu vàng của nắng hòa vào làm một tạo nên bức tranh tuyệt diệu giữa miền sơn cước.
Màu trắng của mây, màu vàng của nắng hòa vào làm một tạo nên bức tranh tuyệt diệu giữa miền sơn cước

Thiên nhiên thật ưu ái khi ban cho Lũng Vân một cảnh sắc vẹn toàn. Có ý kiến cho rằng, mùa đẹp nhất của Lũng Vân phải là sau Tết Nguyên đán khi mà trời đất tràn ngập sắc xuân và vạn vật khoác lên mình tấm áo mới. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Văn Thành, du khách Hà Nội thì dù đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng sẽ cảm nhận được một vùng đất xinh đẹp, đáng sống: “Ở đây đang còn rất sơ khai, chưa có nhiều người đến khám phá. Sự hoang sơ của phong cảnh thiên nhiên, sự chân phác hồn hậu tự nhiên của người dân khiến du khách thực sự thích thú”.

Buổi sáng ở Lũng Vân gió mát và nắng nhẹ, những áng mây trắng chờn vờn trên khắp các đỉnh núi, bản làng… Buổi trưa mặt trời lên cao, nắng xuyên qua lớp mây mù dày đặc tràn xuống thung lũng là thời điểm lý tưởng dành cho du khách.

Được bao bọc bởi các ngọn núi Trâu, núi Pó, núi Tiên, Lũng Vân có khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ và nguyên sơ cùng nhiều nét sinh hoạt văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào Mường đã trở thành địa điểm hấp dẫn cho những bước chân muốn chinh phục xứ mây mù quanh năm bao phủ.

VOV.VN

Hết vé tour “Chinh phục Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới” năm 2022

VHO – Tour du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới” do Oxalis Adventure (Quảng Bình) khai thác đã bán hết toàn bộ số chỗ trong năm 2022 (1.000 vé) cho khách du lịch nội địa.

Ngày 12.1, thông tin từ Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, tour “Chinh phục Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới” đã kín chỗ năm 2022. Đây là dấu hiệu khởi sắc và thể hiện sự phục hồi bước đầu của ngành du lịch, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng trở lại du lịch của Quảng Bình năm nay.

Theo đó, tour du lịch “Chinh phục Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới” do Oxalis Adventure (Quảng Bình) khai thác đã bán hết toàn bộ số chỗ trong năm 2022 (1.000 vé) cho khách du lịch nội địa. Đồng thời, đơn vị khai thác mở bán tour chinh phục Sơn Đoòng năm 2023 và đến nay đã có gần 100 khách đầu tiên đặt chỗ, trong đó 80% là khách nước ngoài.

Du khách trải nghiệm, khám phá hang Sơn Đoòng

Cũng theo Sở Du lịch Quảng Bình, các tour du lịch mạo hiểm như khám phá thiên nhiên Rào Thương-hang Én; hang Va-hang Nước Nứt những trải nghiệm khác biệt; khám phá hệ thống hang động Tú Làn, hang Tiên cũng có số lượng khách đăng ký tour nhiều.

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch khám phá mạo hiểm khác, các khu điểm tham quan du lịch sinh thái thiên nhiên tại Phong Nha-Kẻ Bàng; khu bảo tồn thiên nhiên động Châu-khe Nước Trong; khu vực Ngân Thủy cũng được du khách tìm hiểu qua các nền tảng số với số lượng lớn và cũng đã có nhiều người đặt chỗ.

Thạch nhủ “khổng lồ” trong hang động Sơn Đoòng

Thực hiện chương trình kích cầu du lịch năm 2022, Quảng Bình giảm sâu phí tham quan các danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Khi đến với Quảng Bình, khách du lịch được trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất và an toàn dịch bệnh. Hiện nay, hằng ngày có 4-5 chuyến bay khứ hồi Đồng Hới-TP Hồ Chí Minh và 2 chuyến bay khứ hồi Đồng Hới-Thủ đô Hà Nội và các tuyến xe giường nằm liên tỉnh giúp khách du lịch thuận lợi khi đến du lịch Quảng Bình.

Các điểm tham quan du lịch ở Quảng Bình cũng đã mở cửa hoàn toàn và chuẩn bị các điều kiện để đón khách với số lượng lớn trong dịp Tết Nguyên đán 2022 trong điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong thời kỳ bình thường mới.

Nguồn: PHẠM PHÚ (Báo Điện tử Văn Hóa)

Sức bật trong trạng thái bình thường mới của đảo Ngọc Phú Quốc

VHO- Ngày 12.1, Hiệp hội Du lịch Kiên Giang tổ chức Hội thảo trực tuyến chủ đề “Phú Quốc- Sức bật trong trạng thái bình thường mới” để giới thiệu các tour tuyến, sản phẩm dịp Tết Nhâm Dần và cả năm 2022.

Theo bà Quảng Xuân Lụa, Phó Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, Hội thảo này là dịp để kết nối đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch tại địa phương với doanh nghiệp cả nước, tạo cơ hội liên kết hợp tác và quảng bá du lịch đến du khách. Thời gian qua, dù dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành Du lịch nhưng được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các Bộ, ngành, tỉnh Kiên Giang đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, kiểm soát dịch bệnh và du lịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đúng theo tinh thần Nghị quyết 128, từng bước phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới.

Phú Quốc là 1 trong 5 điểm đến được lựa chọn thí điểm đón khách quốc tế trở lại Việt Nam đợt đầu. Kết thúc giai đoạn 1, đã có gần 1.000 khách du lịch đến Phú Quốc với nhiều quốc tịch. Cùng với đó, năm 2021 lần đầu tiên Phú Quốc được lựa chọn vào Top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới do tạp chí TIME (Mỹ) bình chọn.

Hội thảo trực tuyến chủ đề “Phú Quốc- Sức bật trong trạng thái bình thường mới”

Dù dịch bệnh khó khăn nhưng Phú Quốc đã biến nguy thành cơ, biến khó khăn thành hành động, không ngừng hoàn thiện, ghi dấu ấn tượng với du khách trong và ngoài nước… Trong đó, vai trò của Hiệp hội Du lịch tỉnh Kiên Giang, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh rất quan trọng, đặc biệt trong việc kết nối với các doanh nghiệp cả nước, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng sản phẩm mới.

Khách quốc tế đến Phú Quốc chưa nhiều nhưng cũng là tín hiệu khả quan cho việc hồi phục thị trường quốc tế

“Năm 2022, toàn tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu đón 5,6 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, trong đó có 200.000 lượt khách quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc thu hút đầu tư, xúc tiến quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch của tỉnh… để thu hút khách du lịch tới địa phương”, bà Quảng Xuân Lụa nói.

Các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh liên kết để phục hồi thị trường, đưa khách tới Phú Quốc

Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch: “Phú Quốc đang có những điều kiện vô cùng thuận lợi để phục hồi và phát triển du lịch. Tổng cục Du lịch sẽ luôn đồng hành với Kiên Giang, Phú Quốc trong hành trình này. Du lịch Kiên Giang cần tiếp tục việc kết nối từ Trung ương tới địa phương, giữa doanh nghiệp với  doanh nghiệp, với các nhà đầu tư, với các cơ quan truyền thông để tăng cường xúc tiến quảng bá điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm…. nhằm khôi phục hoạt động du lịch và thu hút khách”.

Hiện nay hoạt động du lịch tại Phú Quốc (Kiên Giang) gần như trở lại bình thường, hầu hết các đơn vị đã mở cửa và duy trì đón khách trong dịp Tết Nhâm Dần.

Theo thông tin từ Hiệp hội Du lịch Kiên Giang, thời điểm này, mỗi ngày Phú Quốc đón khoảng 30 chuyến bay, chưa kể du khách đến bằng phương tiện tàu, phà. Khách đến bằng máy bay chỉ cần đáp ứng các điều kiện của hãng hàng không như chứng nhận tiêm đủ vắc xin hoặc chứng nhận khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, với trẻ em thì yêu cầu xét nghiệm nhanh âm tính và một số điều kiện đơn giản khác.

Phú Quốc đang đẩy mạnh quảng bá chương trình “Sống trọn vẹn tại Phú Quốc- Live fully in Phu Quoc”

Ông Trần Văn Thọ, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin (TP. Phú Quốc) cho biết địa phương đã sẵn sàng đón khách và hướng tới một năm 2022 đầy lạc quan. Hiện Phú Quốc có khoảng 55 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 25 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; có 25.000 phòng lưu trú, với hơn 10.000 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao. Toàn bộ người dân, người lao động tại Phú Quốc đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin và đang triển khai tiêm mũi tăng cường. Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tại địa phương. Cộng đồng doanh nghiệp đang triển khai nhiều gói kích cầu để thu hút khách.

Trước dịch, Phú Quốc thu hút 3 triệu lượt khách du lịch/ năm, doanh thu du lịch chiếm tỉ trọng cao, là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lượng khách tới Phú Quốc sụt giảm nghiêm trọng. Có những tháng không đón được khách du lịch nào. Lượng khách cả năm 2021 chỉ đạt 30% so với năm 2019.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Kiên Giang Nguyễn Vũ Khắc Huy dự báo nhu cầu tham quan, du lịch tại Phú Quốc dịp Tết Nhâm Dần 2022 là rất lớn, vì vậy hầu hết các đơn vị đã hoạt động trở lại và duy trì đón khách xuyên Tết. Các cơ sở lưu trú tiêu chuẩn 4-5 sao thu hút sự quan tâm lớn nên du khách cần đặt sớm, vì một số khách sạn trong phân khúc này đã kín phòng dịp Tết.

Có khách sạn trong phân khúc 5 sao ở Phú Quốc đã kín phòng dịp Tết

Để chuẩn bị cho sự hồi phục du lịch của đảo Ngọc, đặc biệt là đón đầu xu hướng dịp Tết Nguyên đán 2022, đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại Phú Quốc cũng sẵn sàng phục vụ du khách. Chủ tịch Hội HDV du lịch Phú Quốc Trương Công Tâm cho biết 80% hội viên là người dân địa phương nên vẫn bám trụ được với nghề và duy trì kiến thức, kỹ năng trong giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid-19. Hội HDV du lịch Phú Quốc cũng đứng ra đảm bảo số lượng và chất lượng hướng dẫn viên, đáp ứng nhu cầu của du khách và doanh nghiệp.

Tại Hội thảo, nhiều sản phẩm hấp dẫn dịp Tết đã được giới thiệu, như tour nghỉ dưỡng 5 sao Tết Nhâm Dần của Vina Phú Quốc Travel, tour ẩm thực “Mâm cơm ngày Tết” tại Sunset Beach Bar hay tour trekking Vườn quốc gia Phú Quốc…

Theo ông Trương Công Tâm, tour trekking Vườn quốc gia Phú Quốc là sản phẩm mới nhất tại Phú Quốc, bổ trợ cho các loại hình đã khá quen thuộc như nghỉ dưỡng biển hay vui chơi giải trí. Theo đó, du khách ưa khám phá, yêu thiên nhiên có thể lựa chọn tuyến leo núi, xuyên rừng dài 3,5 km hoặc tuyến trekking Rạch Vẹm – mũi Hàm Rồng dài 8 km, tùy theo nhu cầu và điều kiện thể lực.

Phú Quốc là điểm đến phù hợp với xu hướng du lịch nghỉ dưỡng, được nhiều du khách lựa chọn hiện nay

Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam đánh giá: Khách quốc tế đến Phú Quốc giai đoạn 1 thí điểm dù không nhiều nhưng đây là những tín hiệu vui không chỉ cho Phú Quốc mà của ngành Du lịch cả nước. Để khôi phục thị trường trong nước, Hiệp hội Du lịch Kiên Giang và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch trên địa bàn cũng đã chủ động, đi đầu trong việc kết nối giữa du lịch địa phương và cả nước. Phú Quốc là điểm đến phù hợp với xu hướng mới của khách sau đại dịch là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển. Bên cạnh đó, sau một thời gian dài bức bối vì hạn chế đi lại, không có nhiều lựa chọn, Phú Quốc sẽ là điểm đến phù hợp nhất với hạ tầng khá hoàn thiện với cảng hàng không quốc tế, hệ thống khách sạn với nhiều phân khúc, nhiều điểm mua sắm, vui chơi giải trí…

Thời gian tới, sẽ là cơ hội lớn của Phú Quốc. Việc xúc tiến du lịch cần làm thường xuyên, có thể làm hàng tháng với từng địa phương hoặc cụm địa phương; cả với hình thức trực tuyến và trực tiếp để tăng cường hiệu quả truyền thông cho điểm đến.

Nguồn: HẢI QUỲNH, ảnh QUẢNG HÀ, ĐỨC HOÀNG

(Báo Điện tử Văn Hóa)

“Cổng địa ngục”- bộ phim đầu tiên tại châu Á được quay hoàn toàn ở độ phân giải 8K

VHO- Cổng địa ngục (tựa tiếng Anh: Guimoon: The lightless door) là bộ phim kinh dị Hàn được đầu tư kĩ lưỡng về mặt nội dung, hình ảnh và âm thanh và được công chiếu tại rạp Việt dưới hai dạng 2D và ScreenX. Đây là bộ phim đầu tiên tại châu Á và một trong những bộ phim tiên phong trên thế giới có tất cả các cảnh được quay ở độ phân giải 8K.

Cổng địa ngục có bối cảnh chính là một tòa nhà bị ám. Năm 1990, vụ thảm sát đẫm máu diễn ra tại đây đã khiến tòa nhà trở nên hoang phế và dần rơi vào quên lãng. Nhiều năm sau, một bà đồng được mời đến tòa nhà để trừ tà, nhưng không may bà đã bị giết bởi những hồn ma nơi đây. Do-jin (Kim Kang-woo thủ vai), con trai của bà đồng, đồng thời cũng là một chuyên gia về các hiện tượng bí ẩn, đã quyết định đi vào bên trong tòa nhà để tìm hiểu và thay mẹ hoàn thành công việc còn dang dở. Liệu Do-jin sẽ khám phá ra điều gì kinh hoàng? Bí mật ghê rợn nào đang được che giấu tại đây?

Lựa chọn quay phim tại một tòa nhà bỏ hoang có thật tại thành phố Pocheon (Hàn Quốc), ê kíp sản xuất Cổng địa ngục muốn đem những cảnh quay chân thực nhất đến với khán giả. Đạo diễn Sim Deok-geun chia sẻ: “Tòa nhà ở Pocheon trên thực tế cũng rất đáng sợ. Bạn có thể cảm nhận được sự lạnh gáy khi đi ngang qua hành lang tại đây một mình. Chúng tôi hi vọng có thể truyền tải nỗi ám ảnh đó đến khán giả qua những thước phim”.

Đặc biệt, với rạp chiếu ScreenX gồm màn hình chính giữa và màn hình phụ ở hai bên, Cổng địa ngục sẽ mang lại cảm xúc chân thực đến ngưỡng tối đa cho khán giả. Người xem dường như cảm nhận được chính mình đang ở bên trong tòa nhà, đang sát cánh cùng các nhân vật từng bước khám phá nơi đây và không thể nào chạy trốn.

Sau thành công của những bộ phim kinh dị Hàn đi trước, Cổng địa ngục được kì vọng sẽ là cú hit tiếp theo bứt phá tại phòng vé Việt. Với màu phim u ám, âm thanh sống động và những cú jump scare không lường trước, Cổng địa ngục hứa hẹn sẽ mang đến những phút giây kinh dị ấn tượng và khó quên cho khán giả.

Phim chính thức khởi chiếu từ ngày 14.01.2022 tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc.

Nguồn: THẢO MY (Báo Điện tử Văn Hóa)