Xây dựng sức mạnh lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam

VHO- Dự án Không gian văn hóa và sáng tạo Việt Nam (KGVHSTVN) đã hỗ trợ nâng cao năng lực về thực hành và kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo; bước đầu kết nối các KGVHSTVN với các cơ quan, ban, ngành quản lý, góp phần tích cực vào thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) đã nhận định như vậy sau 3 năm phối hợp thực hiện dự án (2018-2021). Theo Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, dự án KGVHSTVN là một trong nhiều ví dụ về cam kết của Liên minh châu Âu trong việc thực hiện chương trình nghị sự về văn hóa trên toàn cầu. “Trong đại dịch Covid-19, chúng ta đã thấy văn hóa và nghệ thuật đóng một vai trò thiết yếu như thế nào trong việc kết nối và xây dựng khả năng phục hồi và đoàn kết ở các dân tộc. Dự án cũng thể hiện cam kết của Phái đoàn Liên minh châu Âu trong việc hỗ trợ phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua việc tăng cường mối quan hệ toàn diện của chúng ta trong thương mại và kinh tế, nhân quyền, biến đổi khí hậu, giáo dục đại học cũng như văn hóa”, Đại sứ Giorgio Aliberti bày tỏ và cho biết ông rất vui khi biết rằng trong 3 năm, dự án đã đóng góp đáng kể trong việc xây dựng năng lực, quan hệ đối tác công tư và kết nối giữa các cá nhân, tổ chức và cơ sở trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Một không gian sáng tạo của các nghệ sĩ trong triển lãm gốm sứ diễn ra tại Sàn Art TP.HCM

Theo đó, dự án đã tiếp cận hơn 6.000 nghệ sĩ, nhà sáng tạo, người quản lý nghệ thuật, sinh viên và nhiều đối tượng khác thông qua các hoạt động được tổ chức tại các địa phương trên khắp cả nước, trong đó có Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột và TP.HCM. Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh Việt Nam Donna McGowan cho hay, trong 3 năm gần đây, Hội đồng Anh tại Việt Nam được vinh dự hợp tác với Liên minh châu Âu và VICAS thiết kế và triển khai dự án KGVHSTVN. “Dự án đặc biệt này mang nhiều tình cảm của chúng tôi. Không chỉ kết nối cộng đồng nghệ sĩ, nhà sáng tạo và khán giả trên khắp Việt Nam với một số không gian văn hóa sáng tạo tại châu Âu để tôn vinh tự do biểu đạt nghệ thuật và sự đa dạng của nền văn hóa của chúng ta, mà dự án còn giúp xây dựng sức mạnh và giá trị nội tại của lĩnh vực văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam”, bà nói. Theo bà Donna McGowan, tại Việt Nam, hầu hết các không gian là không gian nghệ thuật độc lập, studio thiết kế hoặc không gian chế tạo, và thường do các nghệ sĩ và những người thực hành sáng tạo lãnh đạo và quản lý. “Trong năm 2018, chúng tôi đã ghi nhận sự hiện diện của khoảng 140 không gian tại Việt Nam trong nghiên cứu lập bản đồ về các không gian sáng tạo và văn hóa đầu tiên của chúng tôi. Sau 3 năm thực hiện dự án, chúng tôi tự hào đã hợp tác với hơn 300 không gian không chỉ ở các khu vực đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP.HCM mà ở những nơi mới như Hải Phòng, Đắk Lắk, Đà Lạt, Gia Lai và Tiền Giang. Chúng tôi thực sự cảm nhận được rằng những không gian này đang tạo ra sự thay đổi tích cực”, Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh Việt Nam chia sẻ.

Là đối tác thực hiện dự án, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng VICAS đánh giá cao những hiệu quả mà dự án đã thực hiện được. Dự án KGVHSTVN đã hỗ trợ nâng cao năng lực về thực hành và kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo thông qua các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ chuyên môn. Đồng thời, dự án cũng đã hỗ trợ thiết lập được một mạng lưới chính thức của các không gian văn hóa sáng tạo hoạt động tích cực trên khắp Việt Nam là Viet Nam Creative Hubs Initiative (ViCHI) với mục tiêu gắn kết nhiều không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam trong một hệ sinh thái bền vững hơn. “Đặc biệt, dự án cũng đã bước đầu kết nối được các KGVHSTVN với các cơ quan, ban ngành quản lý của Nhà nước để tạo điều kiện nâng cao hiểu biết, nhận thức và chia sẻ kết nối giữa hai khu vực này với nhau, góp phần tích cực vào thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Về phía VICAS, năng lực của các cán bộ nghiên cứu và tư vấn chính sách của chúng tôi đã được nâng cao rõ rệt sau ba năm trực tiếp tham gia thực hiện dự án”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.

Một không gian văn hóa và sáng tạo là một địa điểm thực hoặc trực tuyến, là nơi đem những con người sáng tạo đến với nhau để đưa ra những ý tưởng nghệ thuật và sáng tạo trong một môi trường cởi mở và lần lượt chia sẻ những thành quả nghệ thuật với cộng đồng. Tại Việt Nam, phần lớn các không gian sáng tạo là những không gian nghệ thuật độc lập, các trung tâm văn hóa, các studio về thiết kế và kiến trúc, studio về nhiếp ảnh, điện ảnh và âm nhạc,… Dự án KGVHSTVN đã triển khai một loạt các hoạt động hỗ trợ cho các không gian văn hóa sáng tạo – những nơi có vai trò trợ giúp và kết nối giữa nghệ sĩ, người thực hành và công chúng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo. Dự án vì vậy tập trung hỗ trợ cho các không gian văn hóa sáng tạo đạt được sự phát triển toàn diện thông qua việc tăng cường năng lực cho đội ngũ quản lý cũng như các nghệ sĩ, người thực hành, và tăng cường khả năng kết nối với công chúng cũng như đối thoại với phía quản lý nhà nước…

Nguồn: ANH HUY – Báo Điện tử Văn hóa

Nghệ sĩ- Anh là ai?: Một phút thành sao

VHO-  Ngày nay, không khó để tìm kiếm những MV triệu view, những gương mặt “hot” sở hữu lượng fan hùng hậu…, tuy nhiên, điều nghịch lý là vòng hào quang dễ dàng hình thành xung quanh những người không hề có tài năng cũng như sự cống hiến, khiến ai cũng có thể một phút thành “sao” trong thời đại này.

Đã đến lúc câu chuyện định danh nghệ sĩ cần được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc, không thể để sự lộn xộn, tạp nham ảnh hưởng đến danh xưng đích thực của những người đã lựa chọn cống hiến cho nghệ thuật là niềm tin và lẽ sống.

Nghệ sĩ, anh là ai?

Công chúng hẳn chưa quên một Lệ Rơi từng “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội nhiều năm trước. Năm 2014, anh này bất ngờ nổi lên thành hiện tượng với những bản cover thảm họa và phát ngôn ngô nghê. Tại thời điểm đó, fanpage của Lệ Rơi thu hút tới hơn 120.000 lượt thích, mỗi clip trên YouTube đạt hàng chục ngàn lượt xem. Thừa thắng xông lên, anh chàng quyết dấn thân vào showbiz, nào là quay MV, nào là đóng phim rồi làm mẫu ảnh… Thế nhưng, vì không có thực tài, con đường “nghệ thuật” của Lệ Rơi nhanh chóng lụi tàn và rơi vào quên lãng. Không riêng Lệ Rơi, nhiều hiện tượng tự xưng nghệ sĩ với giấc mộng showbiz không thành đã phút chốc “lặn mất tăm” trên “đấu trường” khắc nghiệt vốn không dành cho họ.

Xung quanh câu chuyện danh xưng, hầu hết các nghệ sĩ tên tuổi đều cho rằng không thể cứ mãi tùy tiện gán cho cái “nồi lẩu thập cẩm” danh hiệu cao quý này. Không ít bậc tiền bối đã lên tiếng, nghệ sĩ không phải cứ vỗ ngực tự xưng mà thành. “Thời gian qua, có một số người “tự phong” mình là nghệ sĩ dù là tài năng và cả nhân cách đều chưa đạt. Điều này vô hình trung đã làm cho hình ảnh và giá trị của nghệ sĩ bị ảnh hưởng tiêu cực…”, nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ.

Sự xuất hiện của ngày càng nhiều gameshow truyền hình, những chương trình giải trí trên mạng xã hội đang tạo thành sân khấu thu hút nhiều gương mặt “hot” tham gia. Dễ nhận thấy là trong các chương trình này, nhiều người vốn chưa hề có cống hiến gì cho nghệ thuật đích thực lại “ngang nhiên” nhận mình là nghệ sĩ. Điều này khiến cho khái niệm nghệ sĩ bị đánh đồng, bị cào bằng các giá trị. Bởi, nghệ sĩ không chỉ là những người tham gia hoạt động mang tính nghệ thuật mà phải được định danh bằng nền tảng văn hóa và vị thế trong lòng công chúng.

Ca sĩ Tùng Dương, một nghệ sĩ thành danh từ rất sớm, năm 1995 khi mới 12 tuổi, anh đã đoạt huy chương Bạc Giọng hát hay phát thanh truyền hình toàn quốc và được đông đảo công chúng biết đến sau giải thưởng do Hội đồng nghệ thuật bình chọn tại cuộc thi Sao Mai điểm hẹn 2004, nhưng Tùng Dương lại không chọn con đường âm nhạc đại chúng để nhanh chóng nổi danh mà đi theo con đường riêng với cái tôi đầy sáng tạo trong nghệ thuật. Mới đây nhất, trả lời phỏng vấn của một tờ báo, Tùng Dương chia sẻ: “Nghệ sĩ chân chính là dùng năng lực của mình để sáng tạo nghệ thuật và hướng tới giá trị trường tồn với thời gian chứ không phải dùng chiêu trò của bản thân để giữ mình được nhớ lâu với khán giả”.

Ca sĩ Tùng Dương thành danh từ rất sớm nhưng lại chọn đi con đường riêng với cái tôi đầy sáng tạo trong nghệ thuật

Không có thực tài sẽ bị đào thải

NSƯT Trần Ly Ly từng đề cập đến việc tầm thường hóa các tác phẩm nghệ thuật sẽ kéo theo hệ lụy có những nghệ sĩ nhưng không phải là nghệ sĩ. Và như thế, thế giới nghệ thuật sẽ sản sinh ra những thứ dễ dãi, tầm thường. Theo cách nhìn này, công chúng có thể nhận thấy có quá nhiều thảm họa được ra đời từ chính sự dễ dãi tiếp nhận và tung hô của một bộ phận khán giả. Thị trường âm nhạc Việt không thiếu những hot girl, người mẫu, MC, diễn viên hài… lấn sân với mong muốn trở thành ca sĩ nổi tiếng. Sự bùng nổ của ngành giải trí mang tính thị trường cũng mở rộng hơn và thu hút những gương mặt có thanh, sắc, nhưng không phải ai trong cuộc lấn sân này cũng có giọng ca nội lực, được thừa nhận bằng những sản phẩm âm nhạc chất lượng. Trường hợp Chi Pu, một hot girl lấn sân ca hát là một ví dụ. Cô này đã nhiều lần bị lên án gay gắt khi tự phong bản thân là ca sĩ, với những sản phẩm âm nhạc bị liệt vào hàng… thảm họa.

Không chỉ là những cuộc chơi tay ngang, việc định danh nghệ sĩ ở những thứ bậc khác cũng là đề tài gây nhiều tranh cãi. Những danh hiệu Diva, Ông hoàng, Bà chúa, Giáo sư âm nhạc… cũng khiến vấn nạn “loạn danh xưng” trong giới nghệ sĩ một lần nữa cần nghiêm túc đặt ra. Những danh xưng tung hô từ chốn hậu trường dần trở nên phổ biến trong đời sống, thậm chí chiếm lĩnh sân khấu và cả các phương tiện truyền thông. Theo giới nghề, cách gọi thiếu cơ sở đó cũng góp phần làm nhiễu loạn đời sống văn hóa, rối loạn định danh và xưng danh.

Có thể thấy, sự bùng nổ của mạng xã hội là môi trường thuận lợi để một số cá nhân tận dụng, nhiều người được cư dân mạng tung hô và trở thành nhân vật đình đám, được mời tham dự các sự kiện và phát ngôn trên truyền thông như một nghệ sĩ thực thụ. Sự dễ dãi từ nhiều phía khiến họ bất chấp những nguyên tắc đạo đức, làm vấy bẩn danh xưng nghệ sĩ như phát ngôn tục tĩu, văng mạng, ứng xử vô văn hóa, quảng cáo sai sự thật… Gần đây, sau hàng loạt những ồn ào, khán giả đã bày tỏ bức xúc trước sự tùy tiện trong văn hóa ứng xử của những người tự xưng là nghệ sĩ trước công chúng. Hơn khi nào hết, những người đang đứng trước khán giả, dù ngoài đời hay trên mạng ảo đều cần ý thức được rằng, giá trị của nghệ sĩ không phải là những phát ngôn đao to búa lớn, những livestream khoe khoang của cải, cuộc sống riêng tư…, mà là ở tài năng thực thụ, ở đạo đức nghề nghiệp và sự cống hiến trong từng bài hát, vai diễn.

Cần phân định rõ danh xưng

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam cho rằng, giải trí giờ đây đã trở thành một ngành công nghiệp sáng tạo, chi phối nghệ sĩ. Thị trường giải trí cạnh tranh rất “khốc liệt”, nếu không biết sáng tạo và liên tục làm mới thì sẽ khó có thể tồn tại. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông mới, các trang mạng xã hội lại chính là cách hữu hiệu để nhiều người thể hiện bản thân, kết nối cộng đồng. Tuy nhiên, trên nền tảng này, nhiều nghệ sĩ được tôn vinh, nhưng cũng có một số người dính lỗi hành vi khiến dư luận phản ứng dữ dội và bị cơ quan quản lý “tuýt còi”.

Nhà báo Nguyễn Trường Sơn, TBT Tạp chí Tiếp thị và Gia đình chia sẻ, danh xưng nghệ sĩ trước đây rất rõ ràng, đó là những ca sĩ, đạo diễn, biên kịch… nằm trong biên chế của các nhà hát, tham gia chương trình truyền hình, hoạt động trong các đơn vị nghệ thuật, các đoàn ca múa… Với những đóng góp và giải thưởng được tôn vinh, họ được Nhà nước công nhận và phong tặng các danh hiệu cao quý như NSƯT, NSND. Nhiều gương mặt tuy chưa được phong tặng danh hiệu nhưng với sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật, họ vẫn là những nghệ sĩ in dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Nhưng ngày nay, khi sống trong một thế giới phẳng, mỗi người đều dễ dàng thể hiện, phô bày bản thân trên các nền tảng mạng xã hội, YouTube, Facebook…, trăm hoa đua nở khiến loạn danh xưng một phần cũng bắt nguồn từ đó.

Hiện tượng Lệ Rơi từng”làm mưa làm gió” trên mạng xã hội

Ông Sơn cho rằng, bối cảnh này buộc tư duy quản lý phải thay đổi. Ở câu chuyện danh xưng, phải phân định rõ nghệ sĩ chuyên nghiệp được Nhà nước công nhận, phong tặng danh hiệu và những tài năng tự do, xuất hiện trên nền tảng mạng, thu hút nhiều người theo dõi… Trên cơ sở đó, nên khuyến khích mỗi người thể hiện tài năng, đặc biệt là những tài năng xuất chúng, làm đúng, làm hay và hợp thuần phong mỹ tục. “Điều quan trọng là cần tuyên truyền, định hướng để công luận biết rõ đâu là nghệ sĩ chuyên nghiệp, đâu là những người tự phong. Những danh xưng tự phong chúng ta không cấm được, nhưng phải thấy rằng, danh xưng nào cũng phải được xã hội, công chúng công nhận thì mới bền vững, đáng được trân trọng. Việc lạm dụng những danh xưng tùy tiện để làm việc tiêu cực, trục lợi, hoặc không có tài mà muốn có danh thì sớm muộn cũng sẽ bị công chúng quay lưng, bị nền nghệ thuật chân chính đào thải”, nhà báo Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Còn với ca sĩ Tùng Dương, sau gần 20 năm làm nghệ thuật, khi trải qua thực tế và rất nhiều trải nghiệm, anh luôn tâm niệm, mỗi người nghệ sĩ hãy luôn hướng mình như một nhà văn hóa để khơi dậy sự truyền cảm hứng tích cực cho công chúng. Một nghệ sĩ đúng nghĩa thì sẽ luôn coi trọng những điều bình dị nhất với giá trị cốt lõi của chính họ chứ không phải ồn ào thị phi. Nghệ sĩ chân chính là dùng năng lực của mình để sáng tạo nghệ thuật và hướng tới giá trị trường tồn với thời gian chứ không phải dùng chiêu trò của bản thân để giữ mình được nhớ lâu với khán giả.

 Với những đóng góp và những giải thưởng được tôn vinh, họ được Nhà nước công nhận và phong tặng các danh hiệu cao quý như NSƯT, NSND. Nhiều gương mặt tuy chưa được phong tặng danh hiệu nhưng với sự cống hiến hết mình cho nghệ thuật, họ vẫn là những nghệ sĩ in dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Nhưng ngày nay, khi sống trong một thế giới phẳng, mỗi người đều dễ dàng thể hiện, phô bày bản thân trên các nền tảng mạng xã hội, YouTube, Facebook…, trăm hoa đua nở khiến loạn danh xưng một phần cũng bắt nguồn từ đó.

(Nhà báo NGUYỄN TRƯỜNG SƠN)

 

 Nghệ sĩ chân chính là dùng năng lực của mình để sáng tạo nghệ thuật và hướng tới giá trị trường tồn với thời gian chứ không phải dùng chiêu trò của bản thân để giữ mình được nhớ lâu với khán giả.

(Ca sĩ TÙNG DƯƠNG)

Nguồn: BẢO ANH – THÙY TRANG (Báo Điện tử Văn hóa)

Người phụ nữ có biệt tài “biến” giấy thành những tác phẩm nghệ thuật

VHO- Với biệt tài “hô biến” giấy thành những tác phẩm nghệ thuật, chị Thương từng gây sốt cộng đồng mạng với tạo hình huấn luyện viên Park Hang Seo và 24 cầu thủ của Đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Là nhân viên văn phòng, nhưng vì yêu thích những búp bê làm từ giấy, chị Thương đã quyết định nghỉ việc để dành toàn bộ thời gian cho đam mê của mình. Dù sản phẩm cũng được mọi người đón nhận nhưng chưa bao giờ chị nghĩ bản thân sẽ trở nên nổi tiếng sau khi hoàn thành các tác phẩm về HLV Park Hang Seo và 24 cầu thủ của Đội tuyển bóng đá Việt Nam.

Cách đây 4 năm, chị Trần Thanh Thương, 39 tuổi, ở quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) được một người bạn tặng con búp bê được xếp bằng giấy lượng sóng rất lạ. Vì quá thích thú, chị đã dành thời gian tìm tòi về nghệ thuật gấp giấy này, tuy nhiên có rất ít thông tin.

Sau quá trình tự tìm hiểu, chị Thương đặt tên cho kỹ thuật gấp giấy này là Kami, những quy tắc gấp được chị đúc rút ra từ chính trải nghiệm của bản thân chứ không học ở bất cứ ai khác.

Người phụ nữ có biệt tài biến giấy thành tác phẩm tiền triệu - 1
Người phụ nữ Sài Thành mong muốn là người tiên phong cho loại hình nghệ thuật handmade này tại Việt Nam

Chị Thương bắt đầu tìm mua giấy về thử, nhưng loại giấy có thể làm búp bê trong nước không có nên phải nhập khẩu từ Nhật Bản và Đài Loan. Tuy nhiên, việc nhập nguyên liệu đầu vào này gặp rất nhiều khó khăn, chị Thương nói: “Nếu nhập nhiều quá thì khâu bảo quản rất khó. Nhưng nếu nhập ít, lại sợ bị động về nguồn giấy. Mỗi lần đặt giấy, phải 3-4 tháng sau chị mới lấy được”.

Không ai hướng dẫn, chị tự lên Internet mày mò cả tháng, cứ gấp rồi tháo ra gấp lại đến cả chục lần. Sau nhiều đêm thức tự nghiên cứu và thực hành, chị Thương đã tạo ra quy luật riêng của mình.

Đầu tiên là chọn hình mẫu, chị thường nghiên cứu rất kỹ từng chi tiết của vật mẫu và hình dung luôn trong đầu chi tiết đó nên gấp theo cách nào. Bước thứ hai là chọn giấy và chọn màu. Bước 3 là cuộn, xếp, đẩy giấy và cuối cùng là dán giấy, sau đó trang trí. Tuy nhiên mình cũng phải lưu ý tùy kích thước, cuộn tròn giấy hay cuộn dài, đẩy nhọn hay đẩy vuông.

“Những sản phẩm ban đầu của tôi cũng xấu xí lắm chứ không tinh xảo như bây giờ, làm nhiều thì tay nghề sẽ tăng cao”, chị Thương cười nói.

Nghe thì có vẻ dễ, nhưng mỗi sản phẩm dù đơn giản nhất chị cũng mất tới 4 giờ để hoàn thiện, còn những sản phẩm cầu kỳ hơn, đòi hỏi kỹ thuật cao và nhiều chi tiết phải bỏ công từ 2-3 ngày.

Người phụ nữ có biệt tài biến giấy thành tác phẩm tiền triệu - 3
Chị Thương chia sẻ: “Những chiếc Vespa đen này tôi mất 3 ngày để hoàn thiện. Vì vậy giá của nó cũng cao, hơn 2 triệu/1 chiếc”

Nhắc về một kỷ niệm đáng nhớ nhất trong suốt hơn 4 năm bỏ công việc ổn định để làm handmade, chị kể: “Tháng 12.2018, đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu với đội tuyển Malaysia tại AFF Cup, tôi đã xếp hình 4 cầu thủ cùng với huấn luyện viên Park Hang Seo, giới thiệu lên cộng đồng những người yêu đồ thủ công.

Không ngờ, sản phẩm được rất nhiều người thích thú và đặt hàng, trong đó có một nhân viên hãng hàng không. Họ liên hệ với tôi để đặt hàng tạo ra tất cả 24 cầu thủ trong đội”.

Khi nhận được lời đề nghị này, ban đầu chị Thương từ chối vì chị nghĩ không làm kịp. Tuy nhiên, khách hàng thuyết phục và yêu thích đội tuyển nên chị nhận lời và cùng chồng thức trắng đêm để hoàn thiện đơn hàng, kịp thời gian mang sang Malaysia tặng các cầu thủ trên máy bay, cổ vũ tinh thần thi đấu.

Người phụ nữ có biệt tài biến giấy thành tác phẩm tiền triệu - 4
Mô hình huấn luyện viên Park Hang Seo và một số cầu thủ của đội tuyển Việt Nam trong giải AFF Cup 2018 từng gây sốt cộng đồng mạng
Người phụ nữ có biệt tài biến giấy thành tác phẩm tiền triệu - 5
Nhiều người hâm mộ bóng đã đặt mua mô hình búp bê này để cổ vũ đội tuyển Việt Nam

Các sản phẩm chị Thương làm ra đều tinh xảo, độc lạ nên được nhiều người đặt mua làm quà lưu niệm. Không chỉ làm các hình thù quen thuộc, chị còn nhận đặt hàng từ mọi người. Theo chị Thương, tạo hình chân dung người là khó nhất đối với chị, bởi phải đặt tả sao cho giống với biểu cảm, vẻ bề ngoài của mỗi người.

Người phụ nữ có biệt tài biến giấy thành tác phẩm tiền triệu - 6
Đến đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, chị Thương cũng đã làm những mô hình y, bác sĩ, chiến sĩ và cán bộ phòng dịch

Đây cũng là cách mà chị thể hiện tấm lòng trân trọng đối với những cống hiến, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Hiện tại giá của đồ chơi xếp giấy Kami dao động từ 250.000 đồng đến cả triệu đồng một sản phẩm, tùy kích cỡ, độ khó dễ. Hiện chị đã tạo được hơn 300 mẫu khác nhau, trong đó, đắt hàng nhất là hình các con vật, xe máy, xe đạp, ông Thần tài, cho đến những cầu thủ bóng đá, những y, bác sĩ chống dịch Covid-19…

Người phụ nữ có biệt tài biến giấy thành tác phẩm tiền triệu - 7
Chị Thương hy vọng sản phẩm của mình sẽ đến được tay các bạn bè quốc tế

Những đồ chơi từ giấy này có ưu điểm là bền màu, không hóa chất độc hại. Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là phải tránh nước nên sản phẩm thường được dùng để trưng bày và làm quà tặng trong những dịp đặc biệt.

Trong thời gian tới, chị sẽ đẩy mạnh tạo hình những di tích, thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam bằng giấy và khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, chị sẽ quảng bá loại hình này nhiều hơn nữa bằng các buổi workshop hướng dẫn học viên khắp mọi miền đất nước.

DANTRI.VN

‘Bắc kim thang’ mở màn ‘Ngày Việt Nam’ tại LHP châu Á của Italia 2021

VHO- “Bắc kim thang,” “Bố già” cùng hai vị cứu tinh của điện ảnh năm 2020 gồm “Tiệc trăng máu” và “Ròm” sẽ xuất hiện trong ngày chiếu phim Việt cho khán giả của Liên hoan phim châu Á của Italia năm nay.

Ngày 22.6, Đại sứ quán Việt Nam tại Italia phối hợp với Liên hoan phim châu Á lần thứ 18 tổ chức “Ngày Việt Nam,” thuộc khuôn khổ Liên hoan phim diễn ra từ 17 đến 23.6 tại rạp Farnese, Thủ đô Roma.

Sự kiện lần lượt mang đến bốn bộ phim “Bắc kim thang” (tựa Anh: “Home sweet home,” 2019), “Tiệc trăng máu” (“Blood moon party,” 2020), “Ròm” (“Rom,” 2019) và “Bố già,” (“Dad, I’m sorry,” 2021).

Trong số các phim kể trên, “Bắc kim thang” của đạo diễn Trần Hữu Tấn thuộc số ít các phim kinh dị trong nước. Bộ phim xoay quanh câu chuyện gia đình không mấy hạnh phúc, ở đó, người cháu “đích tôn” được yêu chiều hơn hẳn nên đã sinh ra nhiều mâu thuẫn. Tiêu đề “Home sweet home” với đại ý nhà là nơi hạnh phúc, thực chất là sự mỉa mai khi thông điệp phim lại là: Gia đình không phải luôn là nơi để trở về.

Trong khi “Tiệc trăng máu” và “Ròm” đều là đại diện nổi bật của điện ảnh Việt năm 2020 thì “hiện tượng 400 tỷ đồng” “Bố già” vừa lập thành tích “triệu đô” mới trên đất Mỹ. Theo thông tin từ nhà sản xuất, phim đã xuất hiện tại 47 rạp của nhiều bang, thu hút khán giả Việt và mang về thêm 1,08 triệu USD, trở thành kỳ tích mới của phim Việt tại quốc gia châu Mỹ này.

Liên hoan phim châu Á tại Italia là sự kiện do Quỹ điện ảnh Robert Bresson tổ chức, chuyên tuyển chọn những tác phẩm điện ảnh hay nhất Đông Á về nghệ thuật và thể loại, đặc biệt chú ý đến những đạo diễn trẻ và mới mẻ.

Năm nay sẽ có tổng cộng 28 phim truyện và hai phim ngắn của 11 quốc gia Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Singapore. Các phim này sẽ xuất hiện hỗn hợp trong những ngày còn lại của chuỗi sự kiện chiếu phim sáu ngày này. Bên cạnh “Ngày Việt Nam,” Liên hoan phim châu Á tại Italia năm nay còn có “Ngày Hàn Quốc” (19.6).

Chủ đề các phim năm nay xoay quanh vấn đề lạm dụng, bắt nạt người ở tuổi vị thành niên, các mối quan hệ gia đình phức tạp, hậu quả từ các vấn đề kinh tế và sự phát triển bền vững, biến đổi khí hậu tại nhiều khu vực Đông Á, trong đó có sông Mekong.

Năm 2020, “Vợ ba” (“The third wife,” 2018, cổ trang) của nữ đạo diễn trẻ Việt Nam Ash Mayfair từng xuất hiện trong Liên hoan phim châu Á tai Italia lần thứ 17, nhận về giải thưởng dành cho phim hay nhất.

TTXVN

Giành vé vào vòng loại thứ ba World Cup 2022: Tầm vóc của bóng đá Việt Nam

VHO- Các “chiến binh sao vàng” đã giành vé vào Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á đầy thuyết phục với tư cách là đội nhì bảng có thành tích tốt. Đây có thể xem là dấu mốc mới của bóng đá Việt Nam và chúng ta có thể tự hào vì các cầu thủ đã chiến đấu hết mình, qua đó làm nên tầm vóc mới của bóng đá Việt Nam để trở thành đội bóng duy nhất của khu vực Đông Nam Á giành vé đi tiếp.

Dù không thể giành chiến thắng trước đối thủ hơn về đẳng cấp nhưng đội tuyển Việt Nam đã khiến cho hàng triệu trái tim người hâm mộ xúc động về ý chí, nghị lực kiên cường, nỗ lực đến những giây phút cuối cùng của trận đấu. Chỉ trong mấy phút, những chiến binh của chúng ta suýt nữa san bằng tỉ số.

Biến ước mơ thành hiện thực

Bước vào trận đấu trước đối thủ có thứ hạng hơn hẳn trên bảng xếp hạng FIFA tháng 5.2021 (UAE xếp ở vị trí thứ 73, đội tuyển Việt Nam xếp thứ 92) lại phải thi đấu trong thời tiết khắc nghiệt, nóng bức nhưng các cầu thủ Việt Nam đã đầy nỗ lực, thi đấu tự tin trong 30 phút đầu tiên của trận đấu. Tuy nhiên, ở những trận đấu lớn, đẳng cấp đã lên tiếng khi UAE, dù thế trận không vượt trội nhưng đã tận dụng được cơ hội, ghi tới 2 bàn thắng ngay trong hiệp 1, ở phút 32 và 40 của trận đấu. Sang hiệp 2, đẳng cấp của UAE tiếp tục được khẳng định bằng bàn thắng nâng tỉ số lên 3-0 ở phút thứ 51.

Trong một trận đấu đầy khó nhọc với những chiếc áo đấu ướt đẫm mồ hôi, lại bị dẫn trước tới 3-0 nhưng các cầu thủ Việt Nam đã không buông xuôi, ngay cả trong những phút cuối cùng của trận đấu. Sau nhiều nỗ lực, bàn thắng đẹp mắt của tuyển Việt Nam đã được ghi ở phút 84, do công của Tiến Linh. Và bàn thắng khơi thông của Tiến Linh cũng là nguồn cảm hứng để Minh Vương đem lại niềm vui vô bờ bến khi ghi bàn ở phút bù giờ thứ 3 của trận đấu, rút ngắn tỉ số xuống còn 2-3 trước UAE. Những phút cuối trận đầy kịch tính đã nói lên tất cả nỗ lực của các “chiến binh sao vàng” với ý chí, nghị lực kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để đưa bóng đá Việt Nam vào Vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á đầy thuyết phục.

Bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng việc đội tuyển Việt Nam lọt vào Vòng 3 World Cup 2022 được xem là dấu mốc lịch sử mới của bóng đá Việt Nam. Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo đã đưa bóng đá Việt Nam nhiều lần chạm hết cột mốc này đến cột mốc khác, đã dần hiện thực hóa các giấc mơ còn dang dở của bóng đá Việt Nam. Và việc đội tuyển Việt Nam lọt vào Vòng 3 không chỉ được xem là niềm vui riêng của bóng đá Việt Nam mà còn là niềm tự hào của bóng đá khu vực Đông Nam Á. Bởi chúng ta là đội duy nhất của khu vực được ngẩng cao đầu đi tiếp vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Nhiều cổ động viên trong khu vực đã thúc giục: “Việt Nam hãy làm ASEAN tự hào”. Và đêm qua điều đó đã trở thành sự thật.

Dù số lượng rất nhỏ nhưng cổ động viên nước nhà đã cổ vũ nhiệt tình trên sân, góp phần làm nên tinh thần cống hiến Ảnh: ANH TUẤN

Còn nhiều cầu thủ là “của để dành”

Lý giải về thành công của đội tuyển trong những trận đấu vừa qua, bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng ngoài sự nỗ lực của thầy trò ông Park, đó còn là sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của cả một nền bóng đá trong một quá trình dài không chỉ 2-3 năm gần đây mà còn là 7-10 năm trước. “Nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự cố gắng của các cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao trong đó có bóng đá, VFF, các địa phương và sự ủng hộ của các doanh nghiệp, chúng ta đã có được một giải đấu ngày càng có chất lượng là V.League – nơi trui rèn cho các cầu thủ đang thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia. Chúng ta cũng đã có hệ thống đào tạo trẻ có chất lượng cao, đào tạo nên những cầu thủ đang đá chính trong màu áo đội tuyển hiện nay như Quang Hải, Duy Mạnh, Tiến Dũng…”, bình luận viên Ngô Quang Tùng đúc kết.

Cũng theo bình luận viên này thì trong 3 năm vừa qua, đội quân của ông Park đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trên mọi mặt trận, có chiến lược, đối sách cụ thể cho từng giai đoạn, từng trận đấu, các cầu thủ cũng trưởng thành hơn rất nhiều. Đội tuyển đã không chỉ có một đội hình mà còn có thêm nhiều phương án thay thế, chúng ta đã có được con người, có được chất liệu để làm nên thành công. Bình luận viên Ngô Quang Tùng phân tích: “Người ta sẽ nói đến yếu tố may mắn trong các chiến thắng của thầy trò ông Park. Tất nhiên may mắn luôn đồng hành với các chiến thắng của thể thao nhưng chúng ta nên nhớ rằng may mắn chỉ thực sự đến với những ai có thực lực, có sự sẵn sàng để chớp lấy thời cơ ấy. Và những trận đấu vừa qua của đội tuyển cho thấy chúng ta luôn có được tâm thế sẵn sàng để chớp lấy cơ hội, bởi chúng ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đã dần dày dạn kinh nghiệm và nâng cao hơn nữa về trình độ, bản lĩnh. Điểm đáng mừng là có khá nhiều cầu thủ trong đội hình ngày hôm nay từng có mặt trong đội hình vào U20 World Cup trước đây. Giờ họ vẫn còn trẻ và có khả năng tiến xa, sẽ “chín” hơn trong 4-5 năm nữa”.

Là sự tích luỹ cần thiết cho tương lai

Trong 3 trận vừa qua, UAE chính là đối thủ mạnh nhất nên trận đấu vừa kết thúc được xem là thuốc thử cho tuyển Việt Nam trong hành trình tiếp theo. Tuy chưa nằm trong tốp đầu châu lục, nhưng theo đánh giá của bình luận viên Ngô Quang Tùng, UAE cùng với Trung Quốc, Syria, hiện đang nằm trong nhóm mạnh thứ 3 của châu lục và vào tới vòng 3, đội tuyển Việt Nam cũng sẽ có mặt trong nhóm này. Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta có phần “đuối” hơn về đẳng cấp, kinh nghiệm và trình độ nên sẽ phải dần khắc phục các điểm yếu này.

“Vào đến Vòng 3 là chúng ta đang tiếp cận với đỉnh cao World Cup, có cơ hội đối đầu với các đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc. Cũng may là sau vài năm thì thể hình của cầu thủ Việt Nam đang dần được cải thiện. Tuy nhiên, những cầu thủ như Văn Toàn, dù rất nhanh ở đấu trường khu vực nhưng khi phải cạnh tranh trước những đối thủ có thể hình cao lớn, sải chân dài, thể lực tốt như các cầu thủ Uzbekistan, sẽ là khá mệt mỏi. Vì thế việc trước tiên sau chiến dịch này là đội tuyển Việt Nam phải tiếp tục củng cố nâng cao thể lực, sức chịu đựng, sự bền bỉ, dẻo dai để chuẩn bị cho những trận đấu với cường độ cao, trước các đối thủ vượt trội về thể hình, thể lực”.

Tiếp đến chúng ta phải có sự tính toán hợp lý trong lối chơi, sơ đồ chiến thuật để hạn chế được lối chơi bóng bổng, phòng ngự chặt nhưng lại có nhiều mũi tấn công sắc bén và có thêm nhiều miếng đánh mới. Điểm nữa, đội quân của thầy Park cũng cần được chuẩn bị kỹ lưỡng về tâm lý để vững vàng khi đối đầu trước các đối thủ lớn. “Rất may là đội tuyển ngày nay đã khắc phục được sự tự ti nên đó sẽ là nền tảng tốt để rèn giũa họ vững vàng hơn trước các đối thủ lớn. Dù kết quả tại Vòng loại thứ ba có thế nào thì việc được có mặt tại đây cũng là bước tiến lớn của bóng đá Việt Nam.

Điểm đáng mừng là trong số các cầu thủ đang thi đấu hôm nay có nhiều người còn tuổi để “chín muồi” tại các trận đấu của Vòng loại World Cup 2026. Khi đó nhiều khả năng châu Á sẽ có thêm suất dự World Cup và đó là cơ hội lớn cho đội tuyển. Việc được tham gia các trận đấu tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 sẽ là sự tích luỹ cần thiết để bóng đá Việt Nam nối tiếp giấc mơ của mình tại Giải bóng đá danh giá, hấp dẫn nhất châu lục”, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhấn mạnh.

 Trận này, UAE chơi rất tốt. Trái lại, Việt Nam nhập cuộc không được thanh thoát vì vấn đề thể lực. Thế nhưng các cầu thủ của chúng ta đã thi đấu với tinh thần cao nhất, tinh thần Việt Nam và ghi được hai bàn. Tôi rất hài lòng với tinh thần thi đấu của các cầu thủ ở trận này.

(Trợ lý HLV LƯ ĐÌNH TUẤN)

 UAE rất tôn trọng đối thủ nên đã cố gắng chơi bằng thứ bóng đá tốt nhất, với quyết tâm cao nhất… Nếu có gì đó tôi không hài lòng ở trận cầu này, thì đó là thời gian cuối trận. Chúng tôi đã mắc hai lỗi và dẫn đến hai lần thủng lưới.

(HLV UAE VAN MARWIJK)

Nguồn: THU SÂM – Báo Điện tử Văn hóa

Như cơn mưa giữa mùa hạ

VHO- Vì đại dịch, hoạt động biểu diễn nghệ thuật vốn đã ngưng trệ nay càng rơi vào “khủng hoảng”. Việc xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn phát online và trên truyền hình, tạo cầu nối giữa nghệ thuật và khán giả được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) tiếp tục triển khai là tin tốt lành đối với những người làm nghệ thuật biểu diễn.

Họ vui mừng hân hoan như đón cơn mưa sau hạn hán. Hy vọng giải pháp kịp thời này sẽ phần nào tháo gỡ những khó khăn mà các nhà hát đang phải đối diện.

Sẽ được khai thác với nhiều góc độ

Năm ngoái, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã xây dựng kênh Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam trên YouTube và Facebook để phát trực tuyến một số cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, giúp nghệ sĩ và khán giả cập nhật thông tin hoạt động của đời sống nghệ thuật nước nhà mà không cần phải tới xem trực tiếp.

Thấy được tín hiệu tích cực từ cách làm này, Bộ VHTTDL vừa mới tiếp tục chỉ đạo triển khai các chương trình nghệ thuật đặc sắc để phát online và trên nhiều kênh truyền hình. Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi thông báo đến các nhà hát trực thuộc Bộ lựa chọn những tác phẩm nghệ thuật chất lượng để ghi hình phát sóng trên truyền hình.

Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết: “Bộ VHTTDL đã có những cuộc trao đổi, làm việc và gửi công văn đề nghị một số đơn vị như Đài TH Việt Nam, VOV, Đài PTTH Hải Phòng… phối hợp và nhận được sự đồng tình ủng hộ. Cơ quan quản lý ngành sẽ chịu trách nhiệm về phần lựa chọn cung cấp những chương trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng; phía các đài truyền hình sẽ chịu trách nhiệm biên tập, dàn dựng”. Cũng theo ông Dương, việc đưa các chương trình lên sóng sẽ được thực hiện từ tháng 7 tới. Kể cả khi điều kiện cho phép các hoạt động biểu diễn trực tiếp trở lại, việc tổ chức phát sóng chương trình trên truyền hình vẫn được duy trì. Các nhà hát sẽ làm chương trình song song cả online lẫn trực tiếp, trong đó, diễn trực tiếp các chương trình mới, còn lại thì đưa online. Việc quảng bá giới thiệu không chỉ dừng lại ở việc diễn trọn vẹn một tác phẩm nghệ thuật mà có thể sẽ được khai thác với nhiều góc độ như làm talk show, giới thiệu các trích đoạn đặc sắc, kinh điển…

Trao đổi với phóng viên Văn Hóa, lãnh đạo các nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL đều tỏ ra hào hứng với kế hoạch này, bởi đây là cách duy trì hoạt động và cảm giác được biểu diễn, tiếp tục công việc sáng tạo nghệ thuật, nỗ lực phục vụ khán giả trong bối cảnh dịch bệnh. Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam Nguyễn Hải Linh cho rằng, việc triển khai xây dựng nhà hát trực tuyến là một ý tưởng trong thời điểm các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp không thể biểu diễn trực tiếp phục vụ khán giả, và e rằng đến khi Covid-19 được ngăn ngừa thì cũng rất vất vả để có thể kéo khán giả trở lại thói quen đến nhà hát, khi mà ai cũng có cảm giác ngại những địa điểm tập trung đông người.

Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, NSƯT Trần Ly Ly cho biết, đơn vị đã sẵn sàng cho việc ghi hình theo phương thức trực tuyến. 45 phút đầu của chương trình tổng hợp với các trích đoạn và tác phẩm nổi tiếng về giao hưởng, opera, múa ballet, phần sau sẽ là trích đoạn màn 2 của vở ballet kinh điển Hồ Thiên Nga. “Chúng tôi mong muốn giới thiệu nghệ thuật hàn lâm với khán giả truyền hình qua những chương trình có kết cấu linh hoạt hơn, đến gần với số đông công chúng hơn là một vở diễn dài”, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ. Về phía Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Phó giám đốc, NSND Tống Toàn Thắng cho biết đơn vị đang luyện tập chương trình xiếc truyền thống với nhiều thể loại tổng hợp như đu nón, patin, thang lắc, xiếc thú… và vở diễn Thế giới hoạt hình trong khu vườn Thần tiên được dàn dựng theo khuynh hướng xiếc mới đang được khán giả yêu thích, đón nhận.

Cần những giải pháp dài hơi mang tính “căn cơ”

Qua trao đổi, nhiều đạo diễn sân khấu tỏ ra lo lắng vì việc phát sóng một chương trình nghệ thuật dài trên truyền hình là không dễ, nhất là với những loại hình như xiếc hay sân khấu cho thiếu nhi rất cần sự tương tác giữa nghệ sĩ với khán giả. Cục Nghệ thuật biểu diễn, các đơn vị nghệ thuật, các đài truyền hình cần “ngồi lại” để lựa chọn chương trình, vở diễn hay trích đoạn, tiết mục cho phù hợp. Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng mô hình đưa chương trình nghệ thuật biểu diễn lên truyền hình chỉ là một giải pháp tình thế trong thời điểm hiện nay.

Cảnh trong vở  Thế giới hoạt hình trong khu rừng Thần tiên 

Ở góc độ khác, NSƯT Trần Ly Ly cho biết, lý do mà Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam không chọn diễn một vở dài lên truyền hình là bởi lẽ mỗi tác phẩm nhạc vũ kịch được đầu tư dàn dựng có khi cả năm trời, nếu phát trên truyền hình thì tác phẩm sau đó sẽ khó có thể bán vé kinh doanh. Chưa nói tới không gian ghi hình của truyền hình cũng rất khó có thể đáp ứng đối với một số tác phẩm lớn như Hồ Thiên Nga, Những người khốn khổ… “Một tác phẩm nghệ thuật biểu diễn mà được quay trước và phát lại thì hiệu quả sẽ không thể bằng việc diễn trực tiếp trước khán giả. Vì vậy, chúng tôi lựa chọn quảng bá giới thiệu những trích đoạn nhỏ, lẻ để phù hợp với thời lượng phát sóng của truyền hình. Có những tác phẩm nghệ thuật kinh điển thế giới hay sân khấu truyền thống Việt Nam như Quan Âm Thị Kính, Phạm Công Cúc Hoa… khán giả đều đã biết rất rõ nội dung nhưng họ vẫn tới rạp hát để được thưởng thức cách nghệ sĩ sáng tạo, làm mới tác phẩm cũ”, NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ.

Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, NSND Tống Toàn Thắng thì cho rằng, xiếc cũng như múa rối và các loại hình nghệ thuật dành cho thiếu nhi rất cần có sự tương tác giữa người xem và nghệ sĩ. Việc đưa xiếc lên nhà hát truyền hình cũng sẽ giảm đi phần nào sự hứng thú đối với khán giả. Và chắc chắn việc diễn xiếc ở một sân khấu vuông hoặc không phải mô hình rạp xiếc sẽ là khó khăn ngay cả với nghệ sĩ biểu diễn và cho cả việc ghi hình, nhất là với những tiết mục nhào lộn, đu bay… “Nên chăng các đài truyền hình có thể trực tiếp ghi hình ngay tại Rạp xiếc Trung ương với những tiêu chuẩn phù hợp để mang lại hiệu quả cao hơn. Đã là chương trình nghệ thuật thì phải có xiếc thú, việc đưa các con thú vào trường quay để ghi hình không cũng là bài toán không dễ”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Có thể thấu hiểu cảm giác “hụt hẫng” của nhiều nghệ sĩ trong thời gian gần đây khi bỗng nhiên bị “mất nghề”, mất những khoảnh khắc thăng hoa cũng như sự tán thưởng từ người xem. Thế nên, việc xây dựng nhà hát trực tuyến trên truyền hình và online là cơ hội để nghệ thuật biểu diễn được tiếp cận rộng rãi tới mọi đối tượng khán giả. Tuy nhiên, để các chương trình được “nên vóc nên hình”, nhà đài cũng cần cân nhắc xem có thể ưu tiên khung giờ đẹp để các chương trình nghệ thuật được lựa chọn phát thực sự tiếp cận được với đông đảo công chúng. Các tác phẩm được lựa chọn phát sóng chắc chắn sẽ được phía cơ quan quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn tính toán, lựa chọn rất kỹ càng.

Tại buổi làm việc mới đây với các đơn vị nghệ thuật của Bộ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh, điều quan trọng hơn cả là các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn phải chuẩn bị sẵn sàng dàn kịch mục phong phú, chất lượng cao để khi dịch bệnh chấm dứt, sẽ tích cực tổ chức biểu diễn không chỉ ngay tại rạp hát của từng đơn vị mà còn cần phải tổ chức được những đợt lưu diễn ở các địa phương, phục vụ mọi đối tượng khán giả. Bộ trưởng cũng yêu cầu từ năm 2022, Cục Nghệ thuật biểu diễn phải xây dựng cho được kế hoạch đưa các đơn vị nghệ thuật lưu diễn phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của từng vùng, miền khác nhau; chuẩn bị đề án để lãnh đạo Bộ làm việc với các địa phương triển khai thực hiện việc đưa nghệ thuật về địa phương, về các điểm du lịch quốc gia theo cơ chế đặt hàng, hỗ trợ.

Điều quan trọng hơn cả là các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn phải chuẩn bị sẵn sàng dàn kịch mục phong phú, chất lượng cao để khi dịch bệnh chấm dứt, sẽ tích cực tổ chức biểu diễn không chỉ ngay tại rạp hát của từng đơn vị mà còn cần phải tổ chức được những đợt lưu diễn ở các địa phương, phục vụ mọi đối tượng khán giả…

(Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG)

Nguồn: THÚY HIỀN – Báo Điện tử Văn hóa

Nhân lên sức mạnh mềm của văn hóa: Cần sự chung tay của ba nhóm yếu tố

VHO- Trong bối cảnh này, bất cứ một bộ phim, bài hát, chương trình biểu diễn thời trang, cuộc thi người đẹp nào cũng đều có thể trở thành sản phẩm công nghiệp văn hóa, và mang lại lợi nhuận một cách đĩnh đạc. Nhân lên sức mạnh mềm của văn hóa, giới chuyên gia nhận định, có rất nhiều cách để có thể gia tăng giá trị của những sản phẩm văn hóa, để văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Công nghiệp văn hóa trên thế giới không phải là một khái niệm mới, nhưng ở Việt Nam thì đâu đó vẫn được hiểu một cách rất mơ hồ. Lẩn khuất ở mọi lĩnh vực trong đời sống đều có bóng dáng của công nghiệp văn hóa, nhưng để thực sự trở thành hình hài, từ đó có thể khai thác lợi thế và biến thành sức mạnh mềm của các ngành văn hóa, giải trí thì ở ta vẫn còn hạn chế.

Để công nghiệp văn hóa thành hình hài

Những năm trước, khi đời sống còn nhiều khó khăn, việc kiếm tiền từ những tác phẩm âm nhạc, phim ảnh… chưa nhiều. Nhưng hiện nay, những bom tấn điện ảnh, bản nhạc hit, tranh vẽ triệu đô… đều có thể tạo nên những cơn bão trong làng giải trí và mang về rất nhiều tiền cho tác giả, nhà sản xuất.

Từ năm 1988, khi đời sống vật chất còn eo hẹp, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã ra đời và kể từ đó đến nay, cuộc thi dần trở thành một thương hiệu uy tín, đưa nhiều gương mặt đại diện cho nhan sắc Việt ra đấu trường quốc tế, trở thành địa chỉ thu hút sự tham gia của nhiều thành phần sáng tạo. “Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến một ngày sẽ có cuộc thi Hoa hậu Thế giới được tổ chức tại Việt Nam? Tại sao không nghĩ đến việc sẽ sở hữu những CLB bóng đá, cầu thủ, golf thủ… nổi tiếng thế giới, không chỉ tự hào mà còn mang lại nguồn thu không nhỏ…”, nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ.

Cho đến nay, công nghiệp văn hóa vẫn là lĩnh vực chứa đựng nhiều tò mò, phấn khích. Nhìn về thế mạnh của điện ảnh, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, có rất nhiều cụm rạp hiện đại trên địa bàn Hà Nội như cụm rạp của CGV, Lotte, Galaxy, BHD… Theo con số thống kê của ngành điện ảnh, trong số này doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới 85% thị phần. Doanh nghiệp Việt Nam như Galaxy và BHD chiếm 25%. Trên cả nước có hơn 200 rạp chiếu phim hiện đại, mỗi năm nhập khoảng 500 bộ phim nước ngoài. Phim Việt đa phần là phim giải trí của các hãng tư nhân ở TP.HCM, mỗi năm sản xuất khoảng 30-35 bộ, lại không được ưu ái chiếu vào giờ vàng và ăn chia cũng bị lép vế nên doanh nghiệp điện ảnh trong nước hoạt động vô cùng chật vật. “Nhiều năm nay việc sản xuất phim của ngành điện ảnh trông chờ và hy vọng vào hơn 500 hãng phim tư nhân. Con số thì nhiều nhưng thực lực sản xuất được ra phim thì ít. Đa phần là phim giải trí. Hầu hết là thua lỗ…”, bà Ngát cho hay. Nhà biên kịch này nhìn nhận, để phát triển ngành điện ảnh toàn diện theo những mục tiêu tốt đẹp như trong Chiến lược phát triển ngành điện ảnh đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đề ra vẫn còn khó khăn về nhiều mặt.

“Nhất là lĩnh vực sản xuất phim, lĩnh vực cốt yếu, sống còn để xây dựng nền điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các tác phẩm điện ảnh chính là tấm gương phản chiếu sống động nhất đời sống của xã hội. Tấm gương này đến với khán giả trong nước và quốc tế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Bao năm rồi, thật là tiếc, khi chúng ta đã bỏ quên vũ khí sắc bén này…”, nhà biên kịch Hồng Ngát tiếc nuối. Nhìn sang các quốc gia có nền điện ảnh phát triển, nhà biên kịch Hồng Ngát cũng cho rằng, tại Việt Nam, điện ảnh chưa được nhìn thấy là thị trường tiềm năng có thể mang lại lợi nhuận cao, lĩnh vực này cũng chưa thực sự được phát huy như một sức mạnh mềm để có chiến lược phủ sóng toàn cầu, quảng bá hình ảnh đất nước như nhiều quốc gia khác.

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam trở thành một thương hiệu uy tín thu hút nhiều thành phần tham gia sáng tạo

Từ tiềm năng thành thế mạnh

Phân tích thực trạng ở lĩnh vực dồi dào tiềm năng là nghệ thuật biểu diễn, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam Trần Ly Ly nhấn mạnh, trong tầm nhìn chiến lược, chúng ta đang có một số thành phố có thể trở thành các trung tâm về nghệ thuật biểu diễn trong công nghiệp văn hóa và kinh tế sáng tạo của khu vực cũng như châu lục. Điều này sẽ giúp các thành phố nhỏ hơn và các khu vực nông thôn hưởng lợi từ các mạng lưới chuyên môn trong công nghiệp văn hóa, ví dụ như tạo dựng du lịch văn hóa, sáng tạo nghệ thuật thực cảnh, các chương trình nghệ thuật gắn liền với lễ hội…

Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo nhiều cơ hội cho công nghiệp văn hóa nói chung và nghệ thuật biểu diễn nói riêng. Song ở chiều ngược lại, công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ. NSƯT Trần Ly Ly chỉ rõ, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo vẫn đang loay hoay gặp khó do thiếu các quy định pháp luật phù hợp, đặc biệt để bảo vệ họ trước nạn xâm phạm, ăn cắp bản quyền: “Trong xu hướng toàn cầu hóa, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng đã và đang phải đối chọi với sự xâm nhập của các sản phẩm ngoại lai. Những nỗ lực hướng đến không chỉ là cạnh tranh thị trường mà còn phải giữ gìn bản sắc, vốn liếng bản địa mà Việt Nam vốn dĩ có phần lép vế so với các quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ…”.

Nghệ sĩ này cũng cho rằng, cần xây dựng các cuộc khảo sát về thực trạng mang tính toàn diện và cụ thể cho từng lĩnh vực để đề xuất các giải pháp mang tính thực tiễn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cần có sự phát triển đồng bộ, từ yếu tố con người đến cơ sở hạ tầng và đặc biệt là các sản phẩm nghệ thuật. “Các thành phố lớn có nhiều tiềm năng trong việc đầu tư, phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn nhưng chưa được khai thác một cách tối đa. Vì vậy, cần có sự chung tay của 3 nhóm yếu tố như ngân sách công, nguồn thu trực tiếp từ show diễn và bảo trợ mới tạo nên được giải pháp lâu dài, bền vững…”, NSƯT Trần Ly Ly đề nghị.

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam lại nhìn trực diện vào phát triển công nghiệp văn hóa trong nghệ thuật biểu diễn tại Hà Nội. Thực trạng là các nhà hát chuyên nghiệp, nhiều cá nhân, tổ chức đã nhạy bén đưa các loại hình nghệ thuật biểu diễn sân khấu đến gần hơn với khán giả, thu về nhiều giá trị tinh thần lẫn vật chất. Tuy nhiên, trong sự phát triển này cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề. Nghệ thuật sân khấu là loại hình nghệ thuật đặc thù về sự sáng tạo. “Tư duy sáng tạo đến từ từng cá nhân nhưng thành quả lại mang tính tập thể. Sân khấu đang gặp nhiều khó khăn trong thu hút khán giả. Hiện tượng thưa vắng và thậm chí đứt gãy phân khúc khán giả trẻ kéo dài nhiều năm qua chưa có bài toán và kinh phí giải quyết. Khán giả quyết định thành công hay thất bại của nghệ thuật sân khấu nhưng khán giả hiện đại phần đông chưa bao giờ đến rạp hát, chưa bao giờ xem sân khấu. Đây là thách thức không nhỏ trong vấn đề khán giả đối với sân khấu hôm nay”, NSND Thúy Mùi nêu.

Trong khi đó, một số chương trình mang tính giải trí thương mại cao như âm nhạc, hài và các chương trình văn hóa nghệ thuật quảng trường lại phát triển rất mạnh mẽ, nhưng cũng khó minh định được những giá trị đích thực của nó. “Cuộc cách mạng lần thứ tư tạo ra thế giới ảo, nhiều cái khó lường. Một số ca sĩ, nghệ sĩ nghiệp dư cùng nhiều nghệ sĩ nhờ vào công nghệ lăng xê trở thành thần tượng hot “làm mưa, làm gió”, hốt bạc trong giới trẻ. Nhiều người gọi là “thảm họa”, nhưng phải sau nhiều thời gian dài mới có thể nhận ra được giá trị ảo. Đã có không ít những chương trình nội dung sơ sài, rẻ tiền, thiếu tính giáo dục, thậm chí hết sức phản cảm thì lại đem đến giá trị thương mại rất cao…”, bà Mùi lưu ý.

Biến tiềm năng thành thế mạnh, khai thác những giá trị của văn hóa trở thành sức mạnh mềm là mục tiêu đang hướng đến của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong khoanh vùng phát triển công nghiệp văn hóa. Nhưng rõ ràng, thực tế đang đặt ra quá nhiều thách thức.

 Các thành phố lớn có nhiều tiềm năng trong việc đầu tư, phát triển ngành nghệ thuật biểu diễn nhưng chưa được khai thác một cách tối đa. Vì vậy, cần có sự chung tay của 3 nhóm yếu tố như ngân sách công, nguồn thu trực tiếp từ show diễn và bảo trợ mới tạo nên được giải pháp lâu dài, bền vững…

(NSƯT TRẦN LY LY)

 Nguồn: BẢO ANH – Báo Điện tử Văn hóa

Nghệ sĩ sân khấu​​​​​​​: Trong dịch bệnh vẫn đong đầy cảm xúc

VHO- Thay vì án binh bất động trước đại dịch, thời gian qua, giới nghệ sĩ sân khấu đã và đang nỗ lực cố gắng thích nghi với trạng thái “bình thường mới” để mang lời ca, tiếng hát, nụ cười… đến với khán giả. Đặc biệt, tích cực sáng tác nhiều tác phẩm nghệ thuật nhằm động viên, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay, góp sức đẩy lùi “giặc Covid”.

Thông điệp của các vở diễn được truyền tải gần gũi, giản dị, nêu bật tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” trong những thời khắc khó khăn của đất nước. Và trên hết là sự tôn vinh, biết ơn, trân trọng lực lượng tuyến đầu đã không quản nguy hiểm, khó khăn, vất vả vì sự bình yên của Tổ quốc.

Sức mạnh của nghệ thuật sân khấu

Người trong mắt bão của Đoàn kịch nói Hải Phòng (kịch bản Trần Tuấn Tiến, đạo diễn Trần Thị Hoàng Mai) là một trong những tác phẩm sân khấu đầu tiên thể hiện lời tri ân sâu sắc tới những “chiến binh” dũng cảm và tình người trong cuộc chiến cam go này. Nổi bật trong vở kịch là hình ảnh một nữ bác sĩ dù đã gần đến ngày sinh nhưng vẫn hăng hái tham gia công tác tại khu cách ly; là đồng chí công an nghe tin cha mất nhưng vẫn nén nỗi đau ở lại đơn vị làm nhiệm vụ; hay hình ảnh các cụ già tằn tiện chắt bóp đồng lương hưu ít ỏi để đóng góp vào quỹ phòng, chống dịch… Cùng với đó, Người trong mắt bão cũng khéo léo phê phán những đối tượng lợi dụng dịch bệnh để buôn bán vật tư y tế không đạt chuẩn, đội giá nhiều lần hoặc một số người dân còn thiếu ý thức khi đăng tin tức giả mạo trên mạng xã hội để câu view bán hàng, không chấp hành thực hiện thông điệp 5K…

Tiếp đó, khán giả yêu sân khấu đã được thưởng thức vở kịch Cuộc chiến Covid do đạo diễn, NSND Lê Hùng dàn dựng dựa trên kịch bản của tác giả Minh Nguyệt. Đúng như tên gọi, vở diễn cho thấy hình ảnh những người lãnh đạo đã sát sao trong công tác phòng dịch, đưa ra chỉ thị quyết liệt và đúng đắn để khoanh vùng, chặn đứng nguy cơ lây lan, để “không một ai bị bỏ lại phía sau”. Vở kịch cũng tái hiện hình ảnh đội ngũ y bác sĩ quên ăn quên ngủ, cắt cả mái tóc dài, hy sinh hạnh phúc riêng vì bệnh nhân, xung phong lên tuyến đầu mà không ngần ngại nguy cơ chính mình cũng bị lây nhiễm. Với sự đầu tư bài bản và dàn dựng sân khấu hoành tráng, nhiều tình tiết thắt nút hợp lý, Cuộc chiến Covid đã mang tới những cảm xúc khó quên cho khán giả. Đáng chú ý, vở kịch tạo ấn tượng bởi diễn xuất của dàn diễn viên tài năng cùng kỹ thuật công nghệ hiện đại đã mang tới hiệu ứng âm thanh, ánh sáng mới lạ. Khán giả thực sự “sởn da gà” trước cảnh tượng đại dịch nguy hiểm càn quét khắp mọi nơi, nín thở khi các bác sĩ giành giật mạng sống bệnh nhân ở ranh giới sinh tử.

Lan tỏa những hiệu ứng tích cực

Dịch bệnh bùng phát mạnh, sân khấu đành phải đóng cửa tắt đèn, nhưng thay vì ngồi đó “than trời trách đất” nhiều nghệ sĩ vẫn miệt mài sáng tạo và tìm cách để tiếp cận khán giả. Từ đó, những dự án nghệ thuật online đã ra đời với sức hấp dẫn mới, lạ. Điển hình, đội ngũ nghệ sĩ Nhà hát Trần Hữu Trang nhanh chóng thể hiện tinh thần xung phong qua MV cải lương Niềm tin và Chúng con là chiến sĩ. Cả hai MV đã mang lại hiệu ứng tích cực, làm thỏa mãn nhu cầu giải trí của nhiều khán giả yêu mến cải lương ngay tại nhà. “Bằng chuyên môn của mình, chúng tôi xem đây là dịp viết tiếp khúc quân hành ca cùng đội ngũ y bác sĩ, lực lượng bộ đội, tình nguyện viên để tiếp thêm sức mạnh xông pha trong cuộc chiến không khoan nhượng này”, soạn giả Hoàng Song Việt cho biết.

Trước đó, khán giả đã hết sức bất ngờ khi ở tuổi ngoài 70, NSND Bạch Tuyết vừa đeo khẩu trang, vừa trình bày sáng tác ca cổ Ông bà anh thời Covid-19 với một phong cách trẻ trung, tươi mới. Bài vọng cổ mang tinh thần lạc quan với những ca từ dí dỏm như “ông tặng cho bà không phải là một đóa hoa mà tặng chai nước rửa tay”, “ông bà thường đi dạo quanh, cả hai đều đeo chiếc khẩu trang xanh”… NSND Bạch Tuyết tâm sự: “Đọc tin tức hằng ngày, chứng kiến cả nước, toàn dân căng mình chống dịch mà nước mắt cứ chảy ràn rụa. Xúc cảm trong tôi dâng trào và chỉ trong 15 phút tôi đã viết xong lời ca cổ cảm tác từ bài Ông bà anh”.

Hay kịch cổ động theo kiểu “đặc sệt” sân khấu Hoàng Thái Thanh cũng khiến khán giả thích thú dù mỗi clip chỉ vỏn vẹn vài phút. Trong Chuyện cách ly nhà bà Hai, nghệ sĩ Ái Như hóa thân thành nhân vật bà Hai (vở Nửa đời ngơ ngác). Bà nằm trên bộ ván xung quanh chất đủ thứ mì gói, bánh tráng, dầu ăn, su hào, giấy vệ sinh… Suốt clip, bà Hai phàn nàn cô Út mua nhiều đồ tích trữ quá xá, cái gì cũng có sẵn đâu cần rinh về chật nhà, ăn không hết hư hao. Bà còn cằn nhằn: “Ở trong nhà, ở trong nhà giùm tui 2 tuần cái đi!”. Với Phòng dịch mùa Covid cùng cô Uyên, Ái Như trong hình dáng ngộ nghĩnh của cô Uyên khùng (vở Người điên trong ngôi nhà cổ) vừa tự làm khẩu trang bằng miếng vải và sợi nilông, vừa mắng Tư Thẹo bảo mình đeo khẩu trang là không lây bệnh. Dựa trên những vở kịch làm nên tên tuổi của sân khấu Hoàng Thái Thanh, các nghệ sĩ đã mang đến cho khán giả những tình huống, câu chuyện “dở khóc dở cười” nhưng lại rất thật và có sức lan tỏa, động viên tinh thần mạnh mẽ trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay.

HỒNG HẠNH

Quảng Ninh mở cửa trở lại nhiều hoạt động dịch vụ, du lịch nội địa

VHO- UBND tỉnh Quảng Ninh vừa có công văn số 3531/UBND-DL1 về việc mở dịch vụ trong trạng thái bình thường mới. Bắt đầu từ ngày 8.6, các điểm du lịch, di tích, danh thắng, các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mở cửa trở lại.

Trên cơ sở chủ động kiểm soát, tầm soát tốt dịch bệnh, kể từ 12h ngày 8.6, các khu, điểm du lịch, di tích, danh thắng, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, cơ sở dịch vụ mở cửa trở lại, tổ chức đón du khách nội tỉnh.

Các quán cà phê, giải khát, nhà hàng, quán ăn, quán nước, xổ số; các dịch vụ văn hóa, thể thao, phòng tập gym, fitness, yoga, câu lạc bộ bi-a được hoạt động trở lại (trừ karaoke, vũ trường, mát xa, bar, pub, club, trò chơi điện tử); Các sân golf được hoạt động đón khách nội tỉnh.

Công văn cũng chỉ rõ, các cơ sở dịch vụ, du lịch phải tổ chức các hoạt động nêu trên một cách có kiểm soát, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, thực hiện đúng phương án phòng, chống dịch (có kết quả đánh giá an toàn được UBND các địa phương phê duyệt, cơ chế tầm soát chủ động, thử hiện các xét nghiệm định kỳ, xác suất, luân phiên đối với người lao động, các bên cung ứng dịch vụ theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Văn bản số 4352/BYT-MT ngày 28.5.2021; có cam kết và ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở sản xuất kinh doanh).

UBND tỉnh cũng yêu cầu, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố xin ý kiến cấp ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương để quyết định cụ thể về việc cho phép các dịch vụ, hoạt động nêu trên trên địa bàn hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới; chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các hoạt động của các cơ sở trên địa bàn; quyết định dừng ngay các hoạt động, dịch vụ nếu không đáp ứng được các yêu cầu về an toàn phòng, chống dịch.

Ngành du lịch Quảng Ninh sẽ phối hợp, đề xuất triển khai phương án mở rộng đón khách du lịch từ các địa bàn an toàn, từ các du khách mạnh khỏe trong cả nước để khôi phục nhanh, mạnh mẽ hoạt động du lịch dịch vụ trong dịp hè 2021 và thời gian tiếp sau; đồng thời xây dựng các chương trình kích cầu du lịch, các sản phẩm du lịch đặc sắc, an toàn, hiệu quả, khuyến khích tối đa các tour du lịch cung cấp các dịch vụ trọn gói (bao gồm cả dịch vụ xét nghiệm mẫu gộp SARS-CoV-2 nhằm giảm chi phí, tạo thuận lợi tối đa cho du khách kiểm tra sức khỏe, đảm bảo an toàn cho cộng đồng); công bố rộng rãi các tour, tuyến, các chương trình du lịch an toàn trong toàn quốc trước 11.6.

UBND tỉnh cũng giao Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan chủ trì làm việc với cơ quan đồng cấp các tỉnh, thành phố an toàn (trên cơ sở đánh giá an toàn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19) rà soát việc tổ chức hoạt động vận tải đưa người Quảng Ninh đi, đến các địa bàn, vùng đang có dịch, nhưng đã “khóa chặt” được mầm bệnh và những người từ các địa phương này đến Quảng Ninh.

UBND tỉnh cũng giao Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần phát huy các kinh nghiệm đã có trong việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2021- 2022, tiếp tục chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các điều kiện đảm bảo tổ chức thành công, an toàn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Q.VY

Trà sen Tây Hồ: Thức uống thanh tao của người Hà Nội

VHO- Khi những búp sen hồng bắt đầu nở rộ thì những người dân sinh sống tại phường Quảng An, quận Tây Hồ lại tất bật với nghề ướp trà. Chắc hẳn cách mà người Hà thành làm và thưởng thức trà sen đã “để thương, để nhớ” trong lòng của không ít tao nhân, mặc khách.

Gạo sen và nhụy sen sau khi được ủ đủ lâu và sấy khô được mang đi ướp cùng trà

Trà sen Tây Hồ từ lâu được mệnh danh là “thiên cổ đệ nhất trà”, không chỉ bởi hương vị thanh tao khác biệt, mà đó còn là sự tỉ mỉ trong từng công đoạn tạo ra chúng. Sen dùng ướp trà là sen Bách Diệp, là loại sen nhiều cảnh nhỏ, màu hồng phớt, chúm chím nụ. Sen được hái từ sáng sớm, khi mặt nước còn hơi sương để đảm bảo độ tươi và giữ trọn vẹn được hương vị của hoa.

Trà sen Tây Hồ là sự hòa quyện giữa hương vị đậm đà của chè Tân Cương với hương thơm ngát rất riêng của gạo sen Bách Diệp. Qua bàn tay khéo léo cùng sự tỉ mỉ của người thợ tạo ra thức uống thơm ngon, đậm đà, mang hương vị đặc trưng của đất Hà thành.

Từng vốc chè sực mùi thơm hòa quyện với gạo sen được bọc bởi nhiều lớp cánh sen Bách Diệp

Từ cuối tháng 5 đến khoảng đầu tháng 9 hằng năm, nhiều nhà làm trà truyền thống ở phường Quảng An lại tất bật trong từng công đoạn để làm trà sen. Công việc ướp trà sen đòi hỏi sự cầu kỳ, người thợ phải đặt hết tâm huyết và tình cảm vào từng hạt gạo sen, búp trà. Từng bông hoa được hái mang về tách lấy gạo – thứ được ví như túi hương của bông sen rồi mới đem ướp. Việc lấy gạo sen đòi hỏi cao ở người thợ sự cẩn thận, tỉ mỉ, làm sao để gạo sen vẫn giữ nguyên được hương vị cũng như không bị nát thì không phải ai cũng có thể làm được. Dưới bàn tay khéo léo của những người thợ làm nghề, cánh hoa, nhụy hoa và gạo sen được tách rời.

Bông sen sau khi bọc chè sẽ được lá sen bọc chặt bên ngoài và cắm một đêm để hương sen thấm đều vào chè

Chị Bách Diệp (40 tuổi, phường Quảng An, Tây Hồ) chia sẻ: “Để thu được 100g gạo sen sẽ cần khoảng 900 – 1000 bông hoa. Việc tách gạo sen là công đoạn khó nhất đòi hỏi phải nhanh tay, khéo léo để gạo sen trắng, không nát và lưu giữ được mùi hương.”

Gạo sen và nhụy sen sau khi được ủ đủ lâu và sấy khô sẽ được bỏ vào bông sen cùng với trà Tân Cương cánh nhỏ, thẩm hương vừa độ, sau đó dùng lá sen bọc chặt bên ngoài. Bông sen sau khi bọc chè sẽ được cắm một đêm để hương sen thấm đều vào chè, từng vốc chè sực mùi thơm hòa quyện với sen. Loại trà sen này được làm nhiều vào chính vụ sen, giá bán giao động 40.000 đồng/bông.

Làm trà sen không chỉ vì cuộc sống mưu sinh mà còn là cách người dân ở đây lưu giữ nét văn hóa truyền thống

Ông Ngô Văn Xiêm (12 Đặng Thai Mai, Quảng An, Tây Hồ), truyền nhân đời thứ tư của gia đình có truyền thống làm nghề trà sen chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở Quảng An, trưởng thành trong một gia đình có nhiều đời làm nghề trà ướp hương sen, được cha mẹ truyền nghề và cứ thế đến nay tôi đã gắn bó với nghề gần 60 mùa sen nơi đây”.

Nói về bí quyết để tạo ra những tách trà sen mang hương vị đặc biệt của người Quảng An, ông Xiêm bộc bạch: “Để làm ra thức uống này không quá khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì, hương vị tinh túy của chén trà sen thực chất đã qua 7 lần ủ gạo và sấy. Càng ướp nhiều lần thì hương sen càng quyện, trà càng thơm lâu. Một mẻ trà sen đạt chuẩn thì nước trà phải xanh, uống ban đầu có vị chát, sau có vị ngọt đượm và hương sen thơm dịu, thoang thoảng trong miệng.”

Không chỉ là thức uống đơn thuần, trà sen còn mang đậm nét văn hóa, tinh tế của người Hà thành

Chính vì cách chế biến cầu kỳ và phức tạp như thế mà trà sen Tây Hồ thường có giá cao hơn so với các loại trà khác trên thị trường nhưng không vì thế mà trà sen Tây Hồ không có chỗ đứng trên thị trường. Dù tình hình dịch bệnh Covid – 19 trên đang có nhiều diễn biến phức tạp, khiến trà sen Tây Hồ ít có dịp được quảng bá tại các hội chợ, gian hàng ẩm thực của thành phố, thế nhưng nhờ có sự phát triển của công nghệ thông tin đã kết nối người làm trà và khách hàng ở mọi miền đất nước.

Không chỉ là thức uống đơn thuần trà sen Tây Hồ còn mang đậm nét văn hóa, tinh tế của người Hà thành, là món quà quý cho những người đi xa nhớ về miền đất kinh kỳ.

Nguồn: Bài, ảnh: HÀN THỦY – Báo Điện tử Văn hóa