Giấc mơ liêu trai của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh

VHO- Bước qua thềm năm mới, bộ phim được chờ đợi nhất có lẽ là Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Tác phẩm được thực hiện nhằm kỷ niệm 20 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi nhân gian.

Chuyện tình Sơn – Ánh

Ngoài yếu tố được “nương tựa” tên tuổi của vị nhạc sĩ tài hoa thì bộ phim cũng phải đối diện với không ít thách thức khi công chúng có sự so sánh giữa huyền thoại trong âm nhạc và thần tượng trên màn ảnh.

Hình tượng hóa những mối tình sâu đậm

Được sự hỗ trợ của gia đình cố nhạc sĩ, những thước phim của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh hứa hẹn sẽ mang lại cho công chúng một góc nhìn mới mẻ và trẻ trung về một huyền thoại âm nhạc Việt. Sau nhiều lần chỉnh sửa, kịch bản Em và Trịnh chọn điểm nhấn là câu chuyện tình lãng mạn, cuộc gặp gỡ định mệnh giữa người phụ nữ Nhật và chàng nhạc sĩ họ Trịnh tại Paris, rồi nàng theo tiếng gọi trái tim đến Việt Nam để tìm hiểu về sự nghiệp và cuộc đời của thần tượng.

Vai nữ chính mô phỏng nhân vật Michiko có thật ngoài đời. Michiko tốt nghiệp Đại học Kyoto trước khi sang Pháp làm nghiên cứu sinh tại Đại học Paris 7. Luận án mà Michiko thực hiện là ngôn ngữ Việt Nam qua ca khúc Trịnh Công Sơn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng thổ lộ về cô: “Có thể nói, Michiko là người sưu tập đầy đủ nhất, từ băng đĩa đến các tập bài hát của tôi. Lúc ở Paris, tôi có đến thăm nhà cô ở Ivry và được cô cho xem nguyên bộ sưu tập gồm có 100 băng nhạc được biểu diễn với nhiều loại hình và nhiều ca sĩ khác nhau. Riêng về ca khúc, cô sắp xếp thành mười mấy album, khoảng trên 200 bài. Phải nói rằng đây là một thư viện đầy đủ nhất, mà chắc chắn bản thân tôi cũng không thể có được!”.

Hiện tại, Michiko Yoshii đã là một GS và có mái ấm hạnh phúc ở Nhật. Thỉnh thoảng bà vẫn sang Việt Nam để thực hiện các chương trình từ thiện và không quên ghé tới thắp nhang tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bước qua thềm năm mới, bộ phim được chờ đợi nhất có lẽ là Em và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Tác phẩm được thực hiện nhằm kỷ niệm 20 năm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời cõi nhân gian. Theo gia đình nhạc sĩ họ Trịnh, trong di cảo của ông có nhiều ca khúc và bài thơ viết tặng cho Michiko Yoshii chưa từng được công bố. Tuy nhiên, Michiko có phải là mối tình sâu đậm nhất của Trịnh Công Sơn để hình tượng hóa trên phim hay không lại là câu chuyện khác. Trong đoạn nhật ký tuổi 30 được viết tại Huế vào năm 1969, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại thể hiện sự day dứt cao độ với một duyên nợ hư ảo: “Thời gian mơ ước được làm người lớn, cũng là thời gian của mối tình đầu tiên. Cũng là thời gian đã được yêu và được nhìn người yêu mình đi lấy chồng. Cuộc tình duyên này không cân xứng về tuổi tác nhưng cân xứng về danh vọng và nhan sắc. Điều này đã trở thành cổ điển và không gây thêm được một chút ngạc nhiên nào trong xã hội nho nhỏ của thành phố. Tuy thế, riêng tôi là một thất vọng lớn không lường được. Sau đó là những mối tình khác, nhưng tôi vẫn khó xóa được mặc cảm (tuy càng ngày càng mỏng dần trong tôi) với thành phố này”.

Trần Lực vào vai Trịnh Công Sơn
Diễn viên 22 tuổi Phạm Nguyễn Lan Thy vào vai Bích Diễm (ảnh bên). Ảnh: laodong.vn

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh tỏ ra rất phấn khích khi tìm được gương mặt đóng vai Bích Diễm, tức nhân vật “Diễm của ngày xưa” trong lòng chàng Trịnh. Làm phim về người thật luôn có yếu tố thử thách về sự tin cậy. Người trong nhạc và người trong đời đã khác nhau, thì người trong phim phải làm sao cho thuyết phục? Ca khúc Diễm xưa được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết vào năm 1960 ở Huế, nhân vật Diễm đã trở thành huyền thoại trong lòng người hâm mộ. Mỗi khán giả có một cách mường tượng riêng về Diễm xưa, đôi khi khác hẳn bóng hồng có thật. Dự án điện ảnh Em và Trịnh quyết định chọn diễn viên 22 tuổi Phạm Nguyễn Lan Thy, một nhan sắc khá mong manh vào chất của Diễm xưa thuở đó hay không? Lan Thy cho biết, cô khá rụt rè, lúng túng và hồi hộp, vì mọi thứ đều mới mẻ.  Việc được chọn cho vai Bích Diễm là một bất ngờ và niềm vui rất lớn đối với cô gái trẻ tuổi xinh đẹp này.

Cuộc sống không thể thiếu tình yêu!

Thuở ấy, Trịnh Công Sơn sống trên gác hai của ngôi nhà 11/3 Nguyễn Trường Tộ, mỗi ngày đều đợi cái phút giây “thiêng liêng” được len lén ngắm nhìn Diễm, tên thật là Ngô Vũ Bích Diễm, từ bên kia sông đi qua cầu Phú Cam đến trường. Khi ca khúc Diễm xưa xuất hiện, nhiều người đoán định, nhiều người hồ nghi, nhiều người háo hức, riêng người con gái Ngô Vũ Bích Diễm thì lại tỏ ra bình thản. Sau nửa thế kỷ ca khúc Diễm xưa đến với đời sống âm nhạc, bà Bích Diễm mới chia sẻ: “Nếu mọi người để ý kĩ thì sẽ thấy thì dường như anh Trịnh Công Sơn viết về vẻ đẹp của Huế nhiều hơn là về tôi.

Chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Bóng dáng của Thành nội cổ xưa, của dòng Hương giang xanh mát và huyền hoặc, không khí lãng đãng của thơ, của nhạc… và anh Trịnh Công Sơn đã truyền đạt tất cả mọi thứ trong bài hát”. Trong những ghi chép của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hơn một lần đề cập đến ca khúc Diễm xưa, nhưng tế nhị không nêu rõ người đẹp nào đã tạo cảm hứng cho mình. Ông hồi ức: “Thuở ấy, có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường đại học Văn khoa ở Huế. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhòa nhạt trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt. Nhà cô ấy ở bên kia sông, mỗi ngày phải băng qua một cây cầu rồi mới gặp hàng long não để đến trường…

Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy, hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi”. Bà Ngô Vũ Bích Diễm có người em gái là Ngô Vũ Dao Ánh cũng là một cảm hứng âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Từ nhớ nhung dành cho Ngô Vũ Dao Ánh, khi Trịnh Công Sơn rời Huế đi học ở Quy Nhơn và dạy học ở Bảo Lộc, ông đã viết những ca khúc như Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Lời buồn thánh… Dự án điện ảnh Em và Trịnh đã chọn diễn viên Hoàng Hà vào vai Dao Ánh, như một trong những “hồn vía” của bộ phim. Khi Trịnh Công Sơn qua đời, người ta đã gom hết những lá thư trao gửi giữa chàng Trịnh và Dao Ánh để in thành tập Thư tình gửi một người. Dẫu nhân vật “Diễm của ngày xưa” và nhân vật Dao Ánh là có thật, thì đưa họ lên màn ảnh cũng không dễ tạo ấn tượng cho đám đông. Bởi lẽ, chuyện tình của Trịnh Công Sơn luôn mơ màng như chính ông tự thú: “Hàng nghìn năm nay, con người đã sống và đã yêu, yêu thật lòng chứ không phải giả. Thế mà đã có không biết bao nhiêu là tình yêu giả. Cái giả mà rất thật trong đời…”.

Vai chính Trịnh Công Sơn được giao cho diễn viên Trần Lực, khiến công chúng một phen háo hức xen lẫn ngỡ ngàng, bởi gần đây anh chủ yếu xuất hiện với vai trò đạo diễn. Trần Lực hào hứng: “Tôi đã chờ đợi trong 10 năm để rồi tái xuất với vai diễn mình hằng mơ ước. Nhân vật Trịnh Công Sơn đúng là bước ngoặt khiến tôi hào hứng trở lại với điện ảnh. Tất cả những công việc mới không làm tôi mất đi tình yêu với môn nghệ thuật thứ 7, mà ngược lại tôi càng nhớ nghề, yêu nghề, khao khát có vai diễn hay để chìm đắm, để sáng tạo và… Trịnh Công Sơn đã đến, nghiệp diễn đã trở lại với tôi”. Em và Trịnh được đầu tư khoảng 40 tỉ đồng, không hề giấu giếm tham vọng sẽ tạo ra “bom tấn” trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Thế nhưng, kịch bản ôm đồm cả một giai đoạn mấy thập niên để mô tả nhân vật từ trẻ đến già thật sự quá mạo hiểm vì đây là phim chiếu rạp chứ không phải phim truyền hình để dông dài kể lể buồn thương, nhung nhớ.

Ngoài đòi hỏi về nội dung, dự án điện ảnh Em và Trịnh còn một trở ngại tương đối nữa là lời thoại của nhân vật chính. Vốn là người điềm đạm và từ tốn, nhưng văn phong của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại rất bay bổng và uyển chuyển. Làm phim về Trịnh Công Sơn mà diễn viên không phô diễn được kỹ năng ngôn ngữ của nhạc sĩ tài hoa thì sẽ là một khiếm khuyết lớn. Ngay cả nói về đề tài tình yêu mà dự án điện ảnh Em và Trịnh đang mong muốn khai thác, thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng có cách cảm nhận rất độc đáo: “Đời sống vốn không bất công. Trong tình yêu, người giả thế nào cũng thật, người thật thế nào cũng được đền bù. Tình yêu thời nào cũng có. Nhưng có tình yêu kết thúc bi thảm đến độ có khi con người không dám yêu. Yêu mà khổ quá thì yêu làm gì, có người đã nói như vậy. Tôi đã có dịp đứng trên hai mặt của tình yêu, và dù sao chăng nữa, tôi vẫn muốn giữ lại trong lòng một ý nghĩ bền vững: Cuộc sống không thể thiếu tình yêu!”

Nguồn: LÊ THIẾU NHƠN

Điện ảnh Việt vẫn giữ được “phong độ”

VHO- Năm 2020 trôi đi theo những đợt sóng Covid-19 khiến cho ai cũng dường như mang một tâm trạng khó tả: Nuối tiếc thời gian cuốn đi những dự định không thành; cảm thấy may mắn vì cuộc sống của chúng ta vẫn cơ bản an toàn trong khi thế giới xáo trộn và phải gánh chịu quá nhiều mất mát vì đại dịch.

Một cảnh trong phim Truyền thuyết về Quán Tiên

Với Điện ảnh, 2020 cũng là năm “đặc biệt”, với những diễn biến chưa từng xảy ra trong lịch sử hơn một thế kỷ kể từ khi ngành nghệ thuật thứ bảy ra đời: Vô số các dự án “bom tấn” của nhiều cường quốc điện ảnh buộc phải hoãn quay, hoãn ngày ra rạp; các nền điện ảnh lớn nhỏ ở tất cả các châu lục đều trì trệ hoặc lao đao vì Covid; hầu hết các liên hoan phim lớn nhỏ trên thế giới đều hoãn hoặc chuyển sang tổ chức online; thảm đỏ và các bữa tiệc điện ảnh hình như chỉ còn là dĩ vãng, là sự “xa xỉ” của quá khứ. Ngành công nghiệp điện ảnh lâm vào tình trạng vô vàn khó khăn.

Những điểm sáng phim Việt

Điện ảnh Việt năm qua cũng trải qua những ngày trầm lắng, thậm chí đã có lúc cực kỳ ảm đạm khi các dự án phim lớn thi nhau lùi ngày quay, hủy lịch ra rạp; toàn bộ hệ thống rạp chiếu phải đóng cửa hàng tháng trời vì cách ly xã hội; Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF) lẽ ra tổ chức và tháng 11 cũng phải hủy, 2 năm nữa mới quay trở lại (không biết lúc đó còn ai nhớ đến HANIFF nữa không?). Khó khăn chồng chất khó khăn. Tuy thế, điện ảnh Việt cũng có những điểm sáng. Những ngày tháng đầu năm 2020, cuộc ra rạp thu về hơn 160 tỉ đồng của Gái già lắm chiêu 3 đem đến niềm vui, niềm hy vọng về sức hút của những bộ phim “sạch sẽ và đẹp mắt”, hài mà không nhảm, “giải trí” mà vẫn gửi gắm ít nhiều thông điệp cuộc đời.

Ngay sau thời gian dài giãn cách xã hội, cuối tháng 5, phim chiến tranh Truyền thuyết về Quán Tiên ra rạp và theo trang web độc lập boxofficevietnam.com, phim đứng trong top 5 suốt 2 tuần công chiếu. Đây là điều hiếm hoi đối với các phim được Nhà nước đặt hàng và do các hãng phim tư nhân góp vốn thực hiện. Truyền thuyết về Quán Tiên được truyền thông khen vì những nét mới mẻ khi diễn tả sự tàn khốc của chiến tranh không phải bằng bom rơi đạn nổ mà qua số phận của những người phụ nữ bị giằng xé, khổ đau vì khát vọng yêu – được yêu và nỗi cô đơn, nhưng họ vẫn sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho Tổ quốc. Một bộ phim từng làm dậy sóng dư luận năm 2019 là Ròm, sau một vài lần hoãn ra rạp vì sợ “dính đòn” Covid, cuối cùng cũng được công chiếu vào cuối tháng 9. Đây là bộ phim được làm theo dạng độc lập, vì vậy, khi thu về trên dưới 60 tỉ đồng sau 2 tuần công chiếu thì Ròm đã lập kỷ lục doanh thu của một thể loại vẫn bị cho là khó xem.

Nguyên nhân thắng lợi của Ròm thì có nhiều, nằm cả ở “trong phim” và “ngoài phim”. Nhiều người cho rằng, sóng dư luận khi bộ phim vướng những lùm xùm về thủ tục duyệt cấp phép với “tin đồn” bị cấm, rồi phim được giải lớn tại Liên hoan phim Busan đã gây tò mò nên kéo người xem đến rạp đông chưa từng thấy ngay từ những ngày đầu tiên (phim thu được 30 tỉ sau 3 ngày đầu công chiếu). Dù sao thành công của Ròm ở rạp chiếu cũng mở đường cho phim độc lập đến với khán giả và đem lại nhiều hy vọng cho các nhà làm phim trẻ.

Bỏ lại đằng sau sự ảm đạm của rạp chiếu phim, bộ phim Tiệc trăng máu ra rạp dịp 20.10, trở thành bom tấn tại Việt Nam sau hơn một tháng, với doanh thu 175 tỉ đồng và lọt vào top 3 phim Việt Nam doanh thu cao nhất! Có thể nói, đây là bộ phim “remake” thành công nhất tính đến thời điểm này cả về doanh thu lẫn phản ứng tích cực của khán giả. Phim được làm theo kịch bản gốc Perfect Strangers của Italia, một kịch bản được làm lại ở 19 nước! Năm 2019, phiên bản phim Hàn ra mắt ở Việt Nam với nhan đề Người quen xa lạ. Nhưng có lẽ phim Tiệc trăng máu là bản phim làm lại ưng ý nhất đối với khán giả Việt. Phim hấp dẫn trước hết bởi cốt truyện kịch tính với nhiều tình huống bất ngờ, dàn diễn viên “tung hứng” ăn ý, tạo sức hút cho mạch phim, nhưng điều khiến phim giữ được khán giả suốt hơn 1 tháng và luôn ở top đầu có lẽ bởi thông điệp thú vị: Cuộc sống sẽ như thế nào nếu mỗi người đều bị phanh phui tất cả những điều họ muốn che giấu, bởi mỗi con người có ba cuộc sống – công khai, riêng tư và bí mật? Từ thành công của Tiệc trăng máu, có thể hy vọng vào một tương lai khả quan của điện ảnh Việt, khi có những sản phẩm chất lượng thì không sợ khán giả quay lưng.

Và những điều trăn trở

Trước tiên có lẽ là đội ngũ của các hãng phim nhà nước ngày càng mai một, dẫn đến dường như ngày càng không bắt kịp nhịp sống điện ảnh, ngày càng bị “guồng quay” điện ảnh bỏ lại phía sau. Việc cổ phần hóa các hãng phim nhà nước thất bại ở nơi này, không phát huy được hiệu quả ở nơi kia là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng rệu rã hiện nay, nhưng nếu nhìn ở một khía cạnh ngược lại thì thấy trách nhiệm không chỉ của nhà quản lý và sự vận hành của các cơ sở điện ảnh vốn được sinh ra và trưởng thành trong bao cấp mà còn của những người làm nghề.

Những trang vàng trong lịch sử còn đó, công lao của nhiều thế hệ xây đắp nên kho báu điện ảnh cách mạng còn đó, nhưng làm sao có thể “trở lại quá khứ”? Một khi anh không tự đổi mới tư duy sáng tác, không ngày đêm vật vã với nghề thì làm sao có thể theo kịp nhịp sống đang thay đổi như vũ bão? Một vấn đề cụ thể hơn, đó là kịch bản, chất bột ban đầu để gột nên hồ, từ bao năm nay vẫn rất thiếu và rất yếu. Đành rằng khi thiếu kịch bản, có thể mua kịch bản nước ngoài để làm lại phim, nhưng có mấy phim thành công được như Tiệc trăng máu? Vậy phải chăng có thể tìm giải pháp trong kho tàng văn học Việt Nam, bởi chúng ta đã có biết bao phim chuyển thể thành công, trở thành những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt? Trong lĩnh vực phát hành, phổ biến phim cũng tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Hơn 60% phòng chiếu phim do các công ty nước ngoài nắm giữ, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong phát hành phim. Thực trạng này một phần là hệ lụy từ quy định trong Luật Điện ảnh: Doanh nghiệp phải có rạp chiếu mới được nhập khẩu phim. Thị trường điện ảnh phát triển chủ yếu từ doanh thu phim nhập (chiếm khoảng hơn 70% tổng doanh số), theo đó, nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh. Phim nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần chiếu phim tại Việt Nam có nguyên nhân sâu xa là khi ký kết Hiệp định Thương mại WTO, Việt Nam đã cam kết không quy định hạn ngạch phim nhập. Rất nhiều khó khăn và bất cập trong hoạt động điện ảnh là hệ quả của những bất hợp lý và lạc hậu của Luật Điện ảnh hiện hành.

Luật Điện ảnh 2006 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh 2009 được ban hành khi điện ảnh đang tồn tại ở dạng “truyền thống”, nghĩa là điện ảnh phim nhựa – như khi điện ảnh ra đời năm 1895, còn gần chục năm trở lại đây điện ảnh hoàn toàn chuyển sang phim kỹ thuật số, kéo theo toàn bộ những thay đổi trong quy trình sản xuất, phổ biến, phát hành, lưu trữ phim. Mặt khác, Luật Điện ảnh hiện hành xây dựng chủ yếu trên quan niệm điện ảnh là ngành nghệ thuật, các điều luật chủ yếu để điều chỉnh các hoạt động sáng tác – phát hành – phổ biến tác phẩm điện ảnh mà chưa quan tâm đến khía cạnh bộ phim là loại hàng hóa đặc biệt của công nghiệp điện ảnh. Vì vậy, Luật Điện ảnh sửa đổi dự kiến trình Quốc hội vào năm 2021 nếu không có thêm những quy định điều chỉnh hoạt động của nền công nghiệp điện ảnh trong môi trường số hóa và khuyến khích phát triển thị trường điện ảnh thì sẽ khó tạo hành lang pháp lý phù hợp để thúc đẩy điện ảnh phát triển.

Tuy còn rất nhiều khó khăn nhưng điều đáng mừng là điện ảnh Việt Nam vẫn giữ được “phong độ” trong một năm mà mọi ngành công nghiệp giải trí đều rã rời và khủng hoảng vì Covid. Số lượng phim Việt vẫn đạt trên 30 so với gần 40 phim vào năm trước. Chất lượng phim nhìn chung có chiều hướng đi lên. Khán giả quan tâm và yêu thích phim Việt, miễn là phim hay. Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đang phối hợp với “VTV Digital” làm sống lại những tác phẩm điện ảnh trong quá khứ qua các Tuần phim Việt đặc biệt trên “VTV go” và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả. Điện ảnh không của riêng ai, các tổ chức, cá nhân sẵn sàng chung tay xây dựng ngành nghệ thuật – công nghiệp điện ảnh đầy sức hút này, chỉ mong muốn được Nhà nước khuyến khích, tạo cơ chế phù hợp và điều Poster phim Tiệc trăng máu kiện thuận lợi.

Nguồn: TS NGÔ PHƯƠNG LAN

Táo quân 2021: Nhiều điểm mới nhưng thiếu điểm nhấn

VHO- Sau một năm ngắt quãng, chương trình trình Gặp nhau cuối năm – Táo quân 2021 đã trở lại trên sóng VTV vào lúc 20h tối 11.2 (30 Tết) trong sự trông đợi của nhiều khán giả.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Táo Giáo dục trang bị hẳn bộ đồ bảo hộ và đeo găng tay y tế lên chầu

Năm 2020 đi qua với nhiều biến động, những sự thay đổi mà buộc chúng ta phải thích nghi với một môi trường “bình thường mới”. Bên cạnh những tiếng cười, những giây phút thư giãn cùng gia đình trong ngày cuối năm là những câu chuyện từ đại dịch Covid-19 cho đến những hiện tượng thời tiết cực đoan, gây sạt lở, lũ lụt nghiêm trọng ở miền Trung. “Táo quân 2021” cũng điểm lại những vấn đề xã hội nổi cộm như bộ sách giáo khoa lớp 1 bị phản ứng, thói “rót mật vào tai” xu nịnh cấp trên, tham nhũng, nâng khống thiết bị y tế, tín dụng đen. Tất cả những mặt tích cực, tiêu cực đã được thể hiện khéo léo qua từng lời nói, diễn xuất của dàn nghệ sĩ Táo quân.

Dàn diễn viên trẻ có nhiều đất diễn hơn hẳn so với những năm trước đây

Cùng với dàn nhân vật quen thuộc Ngọc Hoàng (NSƯT Quốc Khánh), Táo Giáo dục (NSƯT Chí Trung), Táo Kinh tế (NSƯT Quang Thắng), Bắc Đẩu (NSND Công Lý), Táo Xã hội (NSND Tự Long), Nam Tào (NSƯT Xuân Bắc), Táo Y tế (NS Vân Dung), chương trình còn có sự góp mặt các Tinh tú trẻ thông qua sự diễn suất của ba diễn viên Duy Nam, Trung ruồi, Mạnh Dũng. Đáng chú ý là sự tham gia của Lâm Vỹ Dạ, gương mặt hài nổi tiếng phía Nam trong vai robot ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Theo dõi chương trình khán giả có thể nhận thấy, ở Táo Quân 2021 bộ ba Ngọc Hoàng-Nam Tào-Bắc Đẩu không phải ba nhân vật trung tâm như thường thấy. Phần nhiều thời lượng chương trình đã được dành cho các Táo với màn “tranh công” trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Lâm Vỹ Dạ được xem là một nhân tố mới của Táo quân năm nay

Sau một năm ngắt quãng, khán giả chờ đợi nhiều hơn ở sự bùng nổ của “Táo quân” khi trở lại. Tuy nhiên các màn “ghen ăn tức ở” chơi xấu nhau trong dàn Táo cũng là một trong những lối mòn của kịch bản Táo quân suốt nhiều năm qua. Tính châm biếm, đả kích của “Táo quân 2021” có phần mờ nhạt hơn. Những vấn đề đáng mong đợi về các vụ trốn cách ly, chuyện nhân sự và một số vụ việc trong năm thiếu điểm nhấn, qua loa, sơ sài; phần đối đáp của các Táo đôi lúc còn vụng về. Mặc dù năm nay không còn tình trạng Táo Quân lạm dụng hình thức quảng cáo trá hình như điện thoại hay hãng hàng không được “lẩn” trong những câu thoại nhưng việc các clip quảng cáo liên tục xuất hiện đã ảnh hưởng không ít tới các khán giả đang háo hức chờ đợi chương trình.

Nguồn: VŨ MỪNG – Báo Điện tử Văn hóa

Rồng – phượng trên bảo vật hoàng cung

VHO- Bảo vật ấy là của triều Nguyễn, được Hoàng gia chuyển giao cho chính quyền nước Việt Nam mới, khi Cách mạng Tháng Tám thành công cùng với ấn, kiếm của vị vua cuối cùng thời quân chủ – Bảo Đại, mà sử sách ghi chép lại như một dấu ấn khó phai trong tâm thức của người dân đất Việt, sau hơn 80 năm đấu tranh giành độc lập từ tay thực dân, phong kiến.

Hình rồng trên mũ thiết triều

Tuy nhiên, có một câu chuyện ít người biết tới, đó là sưu tập hoàng cung đã chìm nổi bao phen trong những kho tạm thời kháng chiến 9 năm, nhưng ngay cả khi đất nước khó khăn nhất, Bác Hồ và Nhà nước vẫn kiên trì chủ trương lưu giữ bằng bất cứ giá nào, để đến hôm nay, chúng trở thành di sản, biểu trưng nổi bật nhất cho đồ dùng hoàng gia trong tất cả triều đại phong kiến Việt Nam.

Một đặc điểm riêng có của bảo vật hoàng cung

Bảo vật hoàng cung ở bộ sưu tập này có từ vị vua đầu triều – Gia Long đến vị vua cuối cùng – Bảo Đại, được biểu đạt trên mọi chất liệu quý, hiếm, mang đậm chất cao sang, quyền quý của vua và hoàng gia, đó là vàng, bạc, ngọc ngà, đồi mồi, kim sa, pha lê, được trang trí hoa văn tinh xảo, thể hiện trình độ tuyệt mỹ của thợ thủ công ngự xưởng. Thế nhưng, nổi bật trên đó vẫn là đề tài rồng – phượng, mang đậm ý nghĩa vương quyền và thần quyền, khi chúng là đồ dùng của vua, của hoàng hậu, hoàng thái hậu, hay chúng là đồ thờ tự trong các quốc tự hoàng cung. Rồng trên kim ngọc, bảo tỷ được diễn tả bằng những khối tượng tròn gắn ở nơi trang trọng nhất, bằng kỹ thuật đúc và gia công cầu kỳ, công phu.

Thế nhưng, ngay cả trên đối tượng này, dõi theo thời gian xuyên suốt từ thời Gia Long đến Bảo Đại, chúng không hoàn toàn giống nhau về tư thế và dáng hình. Kim ấn Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành thời Gia Long mảnh mai, gầy guộc trong tư thế uốn khúc như thắt túi, phảng phất rồng của thời Lê sơ và Lê Trung – Hưng. Thời Tự Đức, kim ấn Tự Đức thần hàn lại là một phiên bản khác, kế thừa nghệ thuật linh vật nghê chầu đầu thế kỷ 18, mà chúng ta đã thấy trên ấn truyền quốc Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo và Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 5, 1709.

Hộp vàng trang trí phượng (ảnh trên) Ấm vàng hình chim phượng (ảnh dưới)

Đây là hai kim ấn Lê Trung – Hưng, nhưng được các vị vua triều Nguyễn truyền đời lưu giữ, không chỉ thể hiện sự trung thành với một vương triều chính thống mà còn là sự lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Rồng trên kim sách lại được dập chạm với những đường nét tinh xảo, gồ nổi như những bức phù điêu. Rồng ẩn trong mây lành với những đường nét mềm mại, uyển chuyển, dẫu toát lộ đầy đủ đặc trưng nghệ thuật thời đại, nhưng đâu đó vẫn ẩn giấu con vật linh truyền thống ở các thời đại trước đó mà những kim sách triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Thành Thái đã cho phép nhận ra. Sự chuyển biến thấy rõ nhất trên kim sách và một số vật dụng của hoàng gia, đó là mặt rồng đã biến thành mặt hổ với vẻ oai phong lẫm liệt của đế vương.

Thế nhưng, chúng không giống như mặt hổ phù trong nghệ thuật cung đình Trung Hoa, với sự dữ dằn mang tính áp chế, đè nặng lên tâm tưởng của bách tích và quần thần, mỗi khi đứng trước biểu tượng này. Trên mũ thiết triều, rồng lại được sử dụng kỹ thuật chế tác kim hoàn điêu luyện để tạo nên những tác phẩm nhỏ nhắn, xinh xắn, chi tiết tới từng đường nét, khiến cho các nghệ nhân kim hoàn thời nay phải thán phục, bó tay, khi phải phục hồi những chi tiết ấy.

Những hình ảnh rồng đuổi, rồng chầu, rồng bay trong mây, rồng thăng, rồng giáng… được bố trí dày đặc trên những mũ thiết triều, mũ tế giao, tưởng như vô cùng rối rắm và không theo quy luật, nhưng sự tài khéo của người thiết kế và thợ thủ công bố cục vô cùng hợp lý, khiến không thấy sự đơn điệu, tĩnh lặng, ngược lại, sống động và quyền uy, dùng để mỗi khi nhà vua thiết triều giải quyết những vấn đề của Nhà nước, hoặc tiếp các sứ giả hay thực hành các nghi lễ tôn miếu, tổ tông.

Hình rồng trên kim ấn “Tự Đức thần hàn” và Hình rồng trên kim ấn “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành”

Có thể khẳng định, đề tài chủ đạo trong sưu tập bảo vật hoàng cung triều Nguyễn là rồng, và dường như hình ảnh ấy, đề tài ấy, dù là biểu tượng của đế quyền, nhưng chưa bao giờ chúng chỉ mang một thông điệp. Ở bộ sưu tập này, đồ dùng văn phòng tứ bảo được ngự xưởng chế tác dùng cho quân vương, nhưng lại được kết hợp giữa phong cảnh sơn thủy với rồng, mây, được thể hiện trên chiếc quản bút bằng ngọc. Cùng chất liệu ngọc, nghiên mực lại diễn đạt hình ảnh ngư long hý thủy. Trên ống bút bằng vàng, đề tài tứ linh được khai thác giống như bao mảng chạm long – ly – quy – phụng đã từng thấy ở nhiều di tích, dẫu rằng, chất liệu và sự gia công tinh túy, khẳng định đẳng cấp có một không hai của những bảo vật này.

Rõ ràng, những đề tài tôn giáo đã được phát huy. Những đề tài ấy không chỉ có Nho giáo, mà cả Phật giáo, cùng nhiều điển tích, điển cố và phong cảnh giang sơn đất nước, khiến cho bộ bảo vật làm nên sự đa sắc màu, gần gụi và thân quen với không chỉ hoàng gia. Đây có lẽ cũng là một đặc điểm riêng có của bảo vật hoàng cung triều Nguyễn.

“Đặc sản” trên đất Thần Kinh

Hình rồng trên kim sách niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 17 (1836)

Có thể nói, ngoài những quy định về số móng và đâu đó, trong điển chế, còn có quy định về vẩy dương – âm, số khúc cuộn của rồng khi là biểu tượng của hoàng đế. Thế nhưng, rồng năm móng được tuân thủ như một quy định bắt buộc, thì ở bộ sưu tập, ngoài điều đó, rồng được diễn tả vô cùng phóng khoáng, cởi mở với tất cả những cảm hứng của nghệ nhân, khi những quy định không quá ngặt nghèo, cho dù, triều Nguyễn, điển chế được xây dựng là đầy đủ nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Có lẽ, cũng chính vì điều này, nghệ thuật cung đình Nguyễn, trong đó có đề tài rồng, luôn gần gũi với tôn giáo, tín ngưỡng dân gian. Đó phải chăng là một hằng số, không chỉ của triều Nguyễn, mà xuyên suốt các triều đại phong kiến Việt Nam, để đến hôm nay dân tộc vẫn giữ được sự vẹn nguyên bản sắc văn hóa, dẫu phải trải qua hàng nghìn năm đô hộ của phong kiến phương Bắc và cả trăm năm nô lệ của tư bản phương Tây. Phượng là một loại đề tài phổ biển thứ hai trong bộ sưu tập này. Phượng không chỉ là biểu tượng hoàng hậu, hoàng thái hậu, thái hoàng thái hậu. Phượng còn là vật linh, tượng trưng cho những gì tốt đẹp và hạnh phúc, để rồi, khi đi vào tôn giáo phương Đông, nó trở thành một trong bốn vật linh. Phượng trong bộ sưu tập chủ yếu là những mảng chạm khắc trên kim sách, trên đồ thờ, trên đồ dùng thường nhật. Những hình ảnh phượng đơn, phượng đôi, phượng ba và đôi khi là rồng – phượng, để diễn đạt những thông điệp đa chiều, nhưng tất cả đều phản ánh sự quyền quý cao sang.

Hình rồng trên ống bút bằng vàng

Hình ảnh phượng trên kim sách không nhiều, nhưng với hai tiêu bản thời Minh Mạng và Tự Đức đã có sự khác nhau trong không gian vận động và tư thế vận hành, dựa trên một nét chung, đó là tính gần gũi với một loài chim có thật trong tự nhiên, công hoặc trĩ, qua một bút pháp cách điệu thực – hư vô cùng phóng khoáng, không bị kiềm tỏa bởi những khuôn hình có sẵn. Phượng trên một ống bút bằng bạc được diễn tả như đang bay, có sải đuôi dài, cách điệu thành cành hoa lá, dường như để khỏa lấp vào khoảng trống mênh mông của khối hình trụ ống bút, tạo sự mềm mại, hài hòa cho bảo vật này. Trong khi ấy, trên một hộp bạc, phượng dường như đang đi trong mây, đầu ngoái lại phía sau, được bố cục trong một băng hoa chanh hẹp, khiến liên tưởng tới loài chim mỏ dài, chân cao, trang trí theo lối băng, dải trên những thạp gốm hoa nâu thời Trần, trước đó gần 7 thế kỷ. Phượng trên chiếc đài thờ bằng vàng thời Minh Mệnh năm thứ 20, 1839, lại cho thấy một hình mẫu khác, khuôn trong hình lá đề, chẳng những phản ánh chức năng đồ thờ, mà lại một lần nữa motip trên ngói thời Lý – Trần – Lê được tái hiện qua một chất liệu đẳng cấp, sang trọng hơn.

Có thể khẳng định rằng, sự tiếp thu, kế thừa nghệ thuật truyền thống như hai ví dụ trên và cho tất cả những bảo vật trang trí loại đề tài này, tưởng như quá xa để có thể kết nối và xâu chuỗi, nhưng thực tế cho hay, Lý – Trần ảnh hưởng hoa văn Đông Sơn, trước đó hàng nghìn năm, thì nghệ thuật cung đình Nguyễn, ảnh hưởng nghệ thuật Lý – Trần – Lê chắc không có gì lạ lẫm. Phượng trên bảo vật triều Nguyễn còn biết bao đề tài, khiến một bài viết ngắn không thể nào chuyển tải. Tuy nhiên, có một hình ảnh phượng gây ấn tượng không thể nào quên trong ký ức của người dân cố đô, đó là cặp ngô đồng và chim phượng. Đây là biểu tượng của hòa bình, thịnh vượng, quốc thái, dân an. Đây cũng là sự hiện hữu của những cây ngô đồng được vua Minh Mệnh cho trồng trong Đại Nội hơn 200 năm trước để chim phượng đậu đón điềm lành, do đó, đề tài này được khai thác như một “đặc sản” trên đất Thần Kinh. Hình tượng rồng – phượng dẫu là phổ biến và nổi bật, nhưng cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong gia tài đồ sộ của triều Nguyễn để lại cho chúng ta hôm nay. Người viết bài này hẹn một dịp khác giới thiệu, để bạn đọc được chiêm ngắm đầy đủ hơn bộ sưu tập này trong thời gian không xa.

TS PHẠM QUỐC QUÂN

Nghĩa “đồng bào” trong văn hóa Việt Nam

VHO- Năm 2020 là dấu ấn thời gian vô cùng đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Những khó khăn trong phòng, chống dịch Covid-19 và đợt lũ lụt lịch sử ở miền Trung thực sự là một thử thách rất lớn đối với sự phát triển đất nước.

Vượt qua khó khăn này không chỉ chứng minh một sức mạnh Việt Nam từ quyết tâm chính trị, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, khoa học đất nước mà còn thể hiện sức mạnh nội sinh của văn hóa dân tộc, những yếu tố tinh tuý nhất của con người Việt Nam, đã dẫn dắt đất nước vượt qua ngàn gian khó, chiến thắng mọi kẻ thù để có một đất nước ta “chưa đẹp thế bao giờ”.

Lễ hội đền Hùng
Lễ hội đền Hùng

1. Sức mạnh Việt Nam đến từ lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, chia sẻ ngọt bùi trong cả khó khăn, hoạn nạn hay những lúc thanh bình. Cội nguồn sức mạnh ấy đến từ hai từ hết mực thiêng liêng, hết sức gần gũi: ĐỒNG BÀO. Có lẽ, hiếm có một quốc gia, dân tộc nào có truyền thuyết sinh thành dân tộc mình đậm chất lãng mạn và truyền thông điệp yêu thương về tình mẫu tử, phụ tử như người Việt. Truyền thuyết Lạc Long Quân, cha Rồng (người đến từ miền biển) lấy Âu Cơ, mẹ Tiên (người đến từ vùng rừng núi) sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con không chỉ là câu chuyện về sự hình thành dân tộc từ việc kết hợp các yếu tố thiêng liêng của biển cả và núi rừng, từ sự vuông tròn của trời đất qua ẩn ý của con số phiếm chỉ một trăm (rất nhiều) mà còn ngầm ý về một tổ tiên chung được sinh ra từ BỌC TRĂM TRỨNG.

Từ “đồng bào” được sinh ra từ đó. Đồng bào vừa là Nhân dân, vừa là Tổ quốc, song khi ta nói từ “đồng bào”, nó dường như chỉ dành cho người Việt Nam, của riêng người Việt Nam, và thực sự chạm đến trái tim của mỗi người Việt Nam. Hai tiếng “đồng bào” ấy đồng hành cùng lịch sử thăng trầm của dân tộc để trở thành thiêng liêng và gần gũi. Từ ý nghĩa của từ “đồng bào”, chúng ta có thể thấy được rất nhiều sự sẻ chia của người dân để cùng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Ca dao, tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu nói hay về sự chia sẻ này như: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Lá lành đùm lá rách”; “Máu chảy ruột mềm”… Từ nghĩa đồng bào, đúc kết qua thời gian, tất cả trở thành những đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam.

May-Phat-Gao-Mien-Ph-042. Một trong những giây phút thiêng liêng của từ “đồng bào” là lúc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, ngừng lại giây lát, Bác hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Một nốt lặng trong giờ phút đặc biệt của lịch sử được nhấn vào hai chữ “Đồng Bào” để thấy hai chữ đó thiêng liêng và gần gũi đến nhường nào! Ngay trong bản Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã ba lần nhắc đến từ “đồng bào”. Không những thế, trong các lá thư và trong các lần nói chuyện, Bác Hồ đều dùng “đồng bào”, như: Đồng bào Công giáo, đồng bào Mán, đồng bào hậu phương, đồng bào tản cư, đồng bào Nam Bộ… như thể hiện sự thân tình, gắn bó một nhà. Khi chúng ta nói đến từ “đồng bào”, chúng ta hiểu rằng mình cùng nhau chia sẻ một tổ tiên chung, một niềm vinh dự chung và một trách nhiệm chung với vận mệnh đất nước. Chính từ một ý thức như vậy về tình đoàn kết, dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn để có được cơ đồ như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng viết: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Những biểu hiện cụ thể, khác nhau và sinh động của tình đoàn kết, yêu nước cũng được thể hiện qua từ “đồng bào”. Phong trào Tôi hát cho đồng bào tôi nghe và nghe đồng bào tôi hát, bắt đầu từ đêm Giáng sinh năm 1969 tại Sài Gòn rồi lan rộng ra cả miền Nam, chính là tiếng nói phản đối chiến tranh của các nghệ sĩ lấy cảm hứng từ nghĩa “đồng bào”. Rất nhiều bài hát, bài thơ lấy cảm hứng từ chữ “đồng bào” như một cách thể hiện tình yêu nước. Dậy mà đi, một trong những bài hát truyền cảm hứng nhất trong giai đoạn này, cũng lấy điểm nhấn bằng câu hát: Dậy mà đi hỡi đồng bào ơi!

covid-193. Trong mỗi thời kỳ lịch sử, bối cảnh xã hội, nghĩa “đồng bào” được biểu hiện bằng những hành động hết sức cụ thể. Cuộc chiến chống Covid-19 và nỗ lực vượt qua thiên tai lũ lụt vừa qua một lần nữa lại chứng minh ý nghĩa thiêng liêng của hai chữ “đồng bào”. Trong bài phát biểu tại Chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” vào tối ngày 17 tháng 10 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định tinh thần ấy như sau: “Ở đâu có người nghèo là ở đó có sự hỗ trợ, sẻ chia, có những tấm lòng yêu thương, đùm bọc”, và “Chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau không phải là lời hô hào suông, đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta”. Chúng ta thấy biểu hiện của nghĩa “đồng bào” ấy qua nghĩa cử của cụ bà Đỗ Thị Mơ (83 tuổi) ở Thanh Hóa trả lại sổ hộ nghèo để nhường cho những người khác còn nghèo hơn mình; qua hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên lặn lội cứu trợ bà con vùng lũ; qua tấm gương em Nguyễn Ngọc Trinh, học sinh lớp 4 ở Hà Nội tặng toàn bộ tiền lì xì để mua khẩu trang và nước rửa tay cho mọi người; qua sáng kiến về cây ATM gạo hỗ trợ đồng bào khi đối phó với dịch bệnh Covid-19,… và vô vàn những ví dụ không thể kể hết khác đã minh chứng cho nghĩa “đồng bào” có ý nghĩa thiêng liêng thế nào trong cuộc sống của mỗi người và cả dân tộc!

Bác Hồ đã từng dạy: “Mỗi một đồng bào phải sẵn lòng bác ái, phải cư xử cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên”1 và “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tôi vẫn luôn tin rằng, một dân tộc trường tồn chính là nhờ sức mạnh của văn hóa. Chính từ nghĩa “đồng bào” thiêng liêng tạo nên sự chia sẻ, đoàn kết, thương yêu đã hun đúc nên một sự tự hào, tinh thần và sức mạnh văn hóa Việt Nam, tạo ra một hành trang giá trị đạo đức cho người Việt Nam vững bước tiến ra thế giới!

 Bác Hồ đã từng dạy: “Mỗi một đồng bào phải sẵn lòng bác ái, phải cư xử cho xứng đáng là con Rồng cháu Tiên” và “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN

Những bộ phim hoạt hình ăn khách lấy cảm hứng từ thiên nhiên

VHO-Đối với các nhà làm phim hoạt hình, thiên nhiên chính là chủ đề được ưu tiên số 1. Từ việc được lồng ghép khéo léo vào các tình tiết cho đến trở thành chủ đề chính xuyên suốt bộ phim, thiên nhiên vẫn luôn mang đến những chất liệu sáng tạo tuyệt vời dành cho bất cứ nhà nghệ thuật nào. Cùng điểm qua những tác phẩm được các nhà làm phim “dành trọn tâm huyết” để tôn vinh thiên nhiên.

Wall-E: Thông điệp gửi đến Trái Đất yêu thương

Cho đến thời điểm này, Wall-E (tựa Việt: Rô-bốt biết yêu) vẫn được đánh giá là một  trong những tác phẩm hoạt hình xuất sắc nhất của thế kỷ 21. Bối cảnh thiên nhiên trong Wall-E không phải một yếu tố tự nhiên nào cụ thể, mà chính là toàn bộ Trái Đất nói chung đã trở nên hoang tàn sau nhiều thập kỷ sống theo chủ nghĩa hàng hóa.

Thay vì cách tiếp cận mô tả một Trái Đất trù phú, xinh đẹp, Wall-E cho khán giả thấy khung cảnh khi Trái Đất trở nên cằn cỗi vì máy móc, vì sự vô tâm của con người. Để có thể khắc họa được một thế giới tiêu điều, ngột ngạt vì khói bụi như thế, đội ngũ thực hiện Wall-E đã phải đến nhiều khu vực là điểm nóng về môi trường, ví dụ như khu vực nhà máy hạt nhân Chernobyl, nơi đã diễn ra thảm họa Chernobyl vào những năm 80 của thế kỷ trước. Không cố gắng truyền bá một thông điệp quá dễ đoán, Wall-E khiến con người tự nhận ra sự quý giá của Trái Đất và môi trường sống quanh ta, giống như ta vui mừng khi thấy một mầm cây đang nhú lên từ chiếc ủng trong Wall-E vậy.

Moana: Thấy biển xanh vẫy gọi

Đến với bộ phim Moana (tựa Việt: Hành Trình Của Moana), khán giả sẽ cùng cô bé Moana phiêu lưu khắp hòn đảo Polynesian nhỏ bé với bãi cát trắng muốt, với cỏ cây trù phú, và đặc biệt, với những đỉnh núi cao cùng tầm nhìn bao trọn cả một vùng biển xanh bao la, rộng lớn.

Đại dương trong Moana được mô tả cả vào những ngày nắng đẹp rực rỡ hay những đêm lấp lánh ánh sao, trên cả mặt nước rộng lớn hay dưới mặt nước bí ẩn. Không thể phủ nhận rằng, đại dương đóng vai trò quan trọng trong cả mạch truyện của Moana cũng như giúp mê hoặc khán giả nhờ vào bối cảnh đẹp như mơ đó. Cô bé Moana luôn ấp ủ được “bước ra khỏi vạch giới hạn” là những rặng san hô để xem thế giới bên ngoài kia rực rỡ thế nào, và khung cảnh đại dương ngoài xa được các họa sĩ của “nhà Chuột” khắc họa ấy quả thực đã không khiến cả Moana và khán giả thất vọng.

Ainbo – Rừng xanh hùng vĩ và bí ẩn

Những ngày đầu năm mới này, khán giả sẽ có dịp “chu du” vào thế giới rừng xanh hùng vĩ nhưng cũng đầy bí ẩn của vùng Amazon trong Ainbo (tựa Việt: Ainbo: Nữ Chiến Binh Amazon). Bộ phim xoay quanh hành trình của cô bé Ainbo giải cứu ngôi làng Candamo của mình khỏi sự đe dọa đến từ những kẻ đào vàng trái phép cũng như những thế lực đen tối khác.

Những góc máy của Ainbo sẽ ghé qua từng góc trong cánh rừng sâu nhất Amazon nơi cả bộ lạc Candamo sinh sống, với những loài thực vật vô cùng đa dạng, muôn vạn loài động vật lớn nhỏ với hình thù có phần kỳ lạ nhưng cũng rất đỗi dễ thương. Từ những rạch nước nhỏ cho tới thác nước rộng lớn, từ không gian cây cối bao trùm cho đến cả một vùng trời rộng lớn và khoáng đạt, khung cảnh thiên nhiên đầy màu sắc của Ainbo sẽ là một “chất xúc tác” cho chuyến hành trình của Ainbo càng thêm đáng nhớ.

Ainbo với tựa Việt Ainbo: Nữ chiến binh Amazon được phát hành trên toàn quốc từ ngày 12.2.2021 (Mùng 1 Tết).

Phim tài liệu độc lập: Những khuôn hình đậm chất đời

VHO- Tiếp cận và khai thác các đề tài nóng hổi về xã hội đương đại thông qua góc nhìn cá nhân, phim tài liệu độc lập được nhiều nhà làm phim quan tâm thực hiện và thu hút sự chú ý của công chúng những năm gần đây.

Điều này cũng tạo nên kỳ vọng về sự phát triển của dòng phim khiến khán giả suy tư, trăn trở để đi tìm những câu trả lời cho cuộc sống…

Khi phim tài liệu sánh vai cùng “bom tấn”

Từng đoàn người xếp hàng mua vé để vào rạp xem những thước phim chân thực, cảm động về “chú lính chì dũng cảm” Thiện Nhân trong bộ phim Lửa Thiện Nhân (2015) của đạo diễn Đặng Hồng Giang là một trong số ấn tượng đậm nét của phim tài liệu Việt Nam thời gian gần đây. Bộ phim nói về hành trình của Thiện Nhân, cậu bé bị bỏ rơi trong rừng Núi Thành (Quảng Nam), thể trạng yếu ớt, thương tật khắp người, rồi được nhận nuôi, được yêu thương, được chữa trị… đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả với hàng trăm suất chiếu tại rạp.

Trước đó, phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng (đạo diễn Nguyễn Thị Thắm) cũng từng gây tiếng vang vào cuối năm 2014 với các suất chiếu liên tiếp “cháy vé” ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam và lượt người xem lên tới 35.000, cho thấy sự quan tâm của khán giả với những câu chuyện đời, chuyện người của Bích Phụng, một người chuyển giới làm bà bầu của gánh hát lô tô (một loại hình hát rong phổ biến ở vùng nông thôn Nam Bộ, thường di chuyển từ vùng này qua vùng khác để biểu diễn tạp kỹ). Hay bộ phim tài liệu Đi tìm Phong, cuốn nhật ký bằng hình ảnh về hành trình chuyển giới của chàng trai 27 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thành phố Quảng Ngãi cũng được nhiều khán giả quan tâm. Phim đã giành được một số giải thưởng quốc tế, trong đó có giải Grand Prix tại LHP quốc tế Jean Rouch 2015 (Paris, Pháp), giải Khán giả bình chọn ở Viet Film Fest 2016 (Los Angeles, Mỹ), giải Phim xuất sắc ở LHP LGBT quốc tế 2016 (Hy Lạp)… trước khi được phát hành tại phòng vé Việt Nam năm 2018.

Sự xuất hiện của những bộ phim tài liệu ăn khách tại rạp làm nhiều người nhớ tới không khí xếp hàng nườm nượp đi xem phim tài liệu của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy từ những năm 1980. Nhưng sau đó, điều này gần như “tuyệt chủng”. Khoảng 10 năm trở lại đây, với sự xuất hiện của dòng phim tài liệu độc lập, bên cạnh dòng phim của nhà nước và VTV thực hiện, điện ảnh tài liệu đã ra rạp, tự tin sánh vai cùng phim “bom tấn”.

So với phim tài liệu truyền thống, phim tài liệu độc lập có được thế mạnh là đa dạng về đề tài. Những người làm phim đã mạnh dạn dùng ngôn ngữ điện ảnh đặc thù để nói lên những nỗi niềm của một số cộng đồng vốn được xem là khác biệt, chịu nhiều thiệt thòi bởi sự đánh giá chưa khách quan của xã hội. Là tấm gương phản chiếu hiện thực một cách trung thực, quyết liệt, thẳng thắn, người làm phim đã đi đến tận cùng bản năng sáng tạo nghệ thuật. Điều đáng mừng đó đều là những bộ phim nhân văn, kể về những số phận éo le, khuất lẫn trong cuộc sống xô bồ, từ đó lan tỏa tình yêu thương giữa con người với con người…

“Đi tìm Phong” thu hút sự quan tâm của khán giả với những câu chuyện về “góc khuất” của người chuyển giới

Hòa cùng hiện thực xã hội

Bên cạnh các nhà làm phim và khán giả, nhiều tổ chức xã hội cũng rất quan tâm tới những thước phim đậm chất đời sống, bộc lộ các vấn đề xã hội và thân phận con người. Tại buổi trò chuyện Phim tài liệu “cùng nhau” độc lập? diễn ra mới đây tại Hà Nội, theo bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI): “Phim tài liệu rất có giá trị, có những phim làm cho mọi người hiểu biết nhiều hơn, tác động tới tâm tư tình cảm và truyền cảm hứng cho họ. Thời gian vừa rồi, chúng tôi có đặt hàng các phim tài liệu ngắn tập trung vào một số chủ đề, thông qua phim tài liệu để thay đổi nhận thức của công chúng. Chúng tôi rất hạnh phúc khi có các nhà làm phim độc lập cùng chung mối quan tâm về các vấn đề xã hội”.

Các tổ chức xã hội và nhà làm phim cũng có thể hợp tác, trợ giúp nhau để phim được thực hiện, ra mắt công chúng. Chẳng hạn, sau khi bộ phim Đi tìm Phong được quay, Viện Nghiên cứu kinh tế, xã hội và môi trường (iSEE) cũng đang vận động cho Quy định về quyền chuyển đổi giới tính theo Bộ luật Dân sự 2015. Ông Lương Thế Huy, Viện trưởng iSEE cho biết: “Chúng tôi xem bản nháp và thấy rất phù hợp với công việc mình đang làm. Do đó, iSEE hỗ trợ hậu kỳ, đoàn làm phim cũng tạo các đoạn phim ngắn phù hợp với iSEE…”

Đạo diễn, giảng viên Hà Lệ Diễm chia sẻ, quá trình làm phim tài liệu độc lập cũng có nhiều khó khăn, không chỉ về kinh phí, mà còn về thông tin hoặc tiếp cận đối tượng quan tâm. Chẳng hạn, mong muốn làm phim ở Sa Pa, Lào Cai, nhưng không thể tiếp cận với nhân vật, nhờ có sự trợ giúp của iSEE mới có thể hoàn thành bộ phim… Thực tế, nhiều nhà làm phim muốn thực hiện các tác phẩm về một số đối tượng đặc biệt như người nhiễm HIV, bán dâm, vô gia cư… nhưng việc tiếp cận không hề dễ dàng. Trong khi đó, đây lại là công việc nằm trong tầm tay của các tổ chức xã hội. Bà Khuất Thị Hải Oanh cho biết: “Chúng tôi thường làm việc cùng các nhóm “vô hình”, bị xã hội định kiến như người nghiện ma túy, nhiễm HIV, những đứa trẻ không có giấy khai sinh… Thông qua phim tài liệu, những đối tượng này đã được biết đến và được quan tâm. Chúng tôi rất tin tưởng sức mạnh của phim tài liệu!”.

Từng tham gia hỗ trợ nhà làm phim tiếp cận với người bán dâm, bệnh nhân HIV, những người sống ở khu ổ chuột, người đi tù về, người vô gia cư… bà Khuất Thị Hải Oanh nói thêm: “Chúng tôi có thể hợp tác cùng nhà làm phim tài liệu, thậm chí có thể cùng nhau đi tìm nguồn hỗ trợ kinh phí. Để hai bên hiểu nhau hơn, tìm được mối quan tâm chung, nên chăng có những buổi giao lưu, trao đổi. Chẳng hạn, chúng tôi đang thực hiện dự án Chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhà làm phim có mối quan tâm người già có thể gặp nhau ở chỗ chăm sóc sức khỏe cho người già… Nhà làm phim phải làm cho mọi người quan tâm đến chủ đề của mình, còn chúng tôi muốn các nhà làm phim chú ý tới các vấn đề xã hội, nhằm tăng tính hiện diện và thay đổi nhận thức của công chúng…”.

Hy vọng với sự hợp tác này, công chúng sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm tài liệu không chỉ giàu chất nghệ thuật mà còn đậm hơi thở đời sống, tác động sâu sắc tới cảm xúc và nhận thức khán giả.

Nguồn: HỒNG NHẬT – Báo Điện tử Văn hóa

Cảnh sắc rực rỡ trong thủ phủ đào lớn nhất miền Bắc

VHO- Còn 1 tuần nữa là Tết Nguyên đán, một số vườn đào Nhật Tân đã bắt đầu nở khoe sắc xuân.

Cảnh sắc rực rỡ trong thủ phủ đào lớn nhất miền Bắc - 1

Hơn 1 tuần nữa mới đến Tết cổ truyền song thời tiết năm nay không ủng hộ nên một số vườn đào đã rợp màu hoa. Một số chủ vườn cho hay dù hoa bung nở sớm song những gốc đào to, thế đẹp, nhiều nụ vẫn hút khách.

Cảnh sắc rực rỡ trong thủ phủ đào lớn nhất miền Bắc - 2

Đào bích có cánh hoa kép, nở rộ chi chít, đỏ rực thân cành. Đào phai có năm cánh, cánh hồng phơn phớt, e ấp lại cùng lúc có nhiều lộc và hoa mơn mởn nên được nhiều người chọn mua với mong muốn một năm nhiều tài lộc, làm ăn suôn sẻ.

Cảnh sắc rực rỡ trong thủ phủ đào lớn nhất miền Bắc - 3

Một số vườn đào cành đã nở hoa, loại đào này sẽ được người dân bán sớm hơn phục vụ nhu cầu “chơi” của người Hà Nội.

Cảnh sắc rực rỡ trong thủ phủ đào lớn nhất miền Bắc - 4

Những cành đào nở sớm được người dân cắt bán ở chợ hoa Quảng Bá và chợ hoa Hàng Lược.

Cảnh sắc rực rỡ trong thủ phủ đào lớn nhất miền Bắc - 5

Giá một cành đào nhỏ từ 80.000 đến 100.000 đồng, các cành cỡ vừa từ 250.000 đến 300.000 đồng, còn các cành đào to khoảng 2 đến 4 triệu đồng.

Cảnh sắc rực rỡ trong thủ phủ đào lớn nhất miền Bắc - 6

Bà Trần Ngọc Dung (Tây Hồ, hà Nội) là một tiểu thương chuyên thu mua đào tại các vườn đem bán lại cho các chợ như Quảng Bá, Hàng Lược chia sẻ: ” Một số vườn đào năm nay đã bắt đầu nở, thị trường năm nay cũng chậm hơn mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19″.

Cảnh sắc rực rỡ trong thủ phủ đào lớn nhất miền Bắc - 7

Dịp này một số chủ vườn có thêm nguồn thu từ những người đến chụp hình lưu niệm cùng hoa đào.

Cảnh sắc rực rỡ trong thủ phủ đào lớn nhất miền Bắc - 8

Vườn nhà ông Ngọc có hơn 200 gốc đào chia sẻ: “Mấy ngày vừa qua thời tiết ấm lên, đào nở nhanh hơn so với dự kiến. Khách mua đào tại vườn cũng giảm nên năm nay có một cái Tết khó khăn “.

Cảnh sắc rực rỡ trong thủ phủ đào lớn nhất miền Bắc - 9

Kỹ thuật trồng đào của người Nhật Tân nay đã đạt trình độ cao, nhưng người nông dân còn phải chờ thời tiết mới có thể nói mùa đào được hay mất.

Cảnh sắc rực rỡ trong thủ phủ đào lớn nhất miền Bắc - 10

Các giống đào được trồng ở Nhật Tân chủ yếu là đào bông tự, đào bích, đào ta, đào thế, cá biệt có cả loại đào thất thốn ở xứ lạnh khó nuôi trồng.

Cảnh sắc rực rỡ trong thủ phủ đào lớn nhất miền Bắc - 11

Những xe đầy ắp cành đào nở sớm được người dân đưa đi tiêu thụ.

 

Độc đáo Xẩm kết hợp Rap và EDM: Mối giao duyên “có duyên”

VHO- Thời gian gần đây, trước sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai, việc thu hút người trẻ đến với nghệ thuật truyền thống là một “bài toán” không dễ. Thế nhưng, MV Xẩm Hà Nội của ca sĩ Hà Myo vừa ra mắt lại khiến khán giả trẻ mê mẩn, bởi sự kết hợp độc đáo, mới lạ giữa hát Xẩm, Rap và EDM.

Nếu như trước đây, những video Xẩm trên mạng xã hội chỉ dừng lại ở con số trung bình khoảng chục nghìn lượt xem, thì nay MV Xẩm Hà Nội đã gần cán mốc triệu “view”. Đây không phải là con số quá lớn, nhưng đối với xẩm thì lại là “hiện tượng” đáng ngưỡng mộ. Văn Hóa đã có buổi trò chuyện với cô ca sĩ 9X xinh đẹp nhưng rất cá tính này.

 P.V: Được biết, vừa qua Hà Myo đã rất thành công với sự kết hợp táo bạo giữa hát Xẩm, Rap và EDM trong MV “Xẩm Hà Nội”, “Xẩm Xuân xanh”, vậy cơ duyên nào đã đưa bạn đến với ý tưởng táo bạo này?

– Ca sĩ Hà Myo: Sau khi cuộc thi “Giọng hát hay Hà Nội” kết thúc, bài hát Xẩm Hà Nội may mắn đoạt giải “Bài hát về Hà Nội hay nhất”, ngay sau đó Hà đã ra mắt MV và nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các nhà chuyên môn cũng như khán giả cả nước. Xẩm Hà Nội là sản phẩm đầu tiên, tiếp đến là Xẩm Xuân xanh được ra mắt vào đúng thời điểm giáp Tết Nguyên đán, vì vậy Hà nhận được rất nhiều lời mời tham gia các chương trình biểu diễn phục vụ cho dịp năm mới.

Trước đó, một số nghệ sĩ đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi kết hợp âm nhạc truyền thống với âm nhạc hiện đại, Hà có lo lắng là mình sẽ đi theo vết xe đổ đó không và bạn làm thế nào để đan xen một cách hài hòa giữa cái cũ và cái mới, để vừa hợp thị hiếu mà vẫn tôn vinh được giá trị của âm nhạc dân tộc?

– Để có được một sản phẩm trọn vẹn nhất, chỉn chu nhất, Hà đã dành rất nhiều thời gian, công sức và tất cả tâm huyết cho sản phẩm của mình. Hà tìm tới sự giúp đỡ của anh Nguyễn Quang Long, nhà lý luận phê bình âm nhạc, một nghệ sĩ hát Xẩm nhiều năm và nhà sản xuất âm nhạc Thế Phương, một người có nhiều kinh nghiệm và sự “nổi loạn” trong giới Produce. Về phần hát, Hà luôn cố gắng chuyển tải làm sao để vẫn giữ được những nét đặc trưng của nghệ thuật Xẩm, sự dí dỏm trong từng giai điệu, sự bình dị, đời thường trong từng câu hát. Về phần nhạc, anh Thế Phương cũng rất cố gắng làm sao để sự máu lửa sôi động của nhạc điện tử không làm mất đi sự réo rắt của tiếng đàn nhị hay át đi tiếng hát của Hà. Qua đó, đảm bảo không làm mất đi nét đặc trưng của Xẩm, tránh sự giao duyên thành vô duyên.

Có thể thấy bạn đã thật sự liều lĩnh khi chọn Xẩm, một loại hình âm nhạc truyền thống đang có dấu hiệu mai một. Phải chăng, bạn đang hướng “hơi thở” của âm nhạc xưa đến với người trẻ?

– Ban đầu Hà Myo cũng giống như rất nhiều bạn trẻ chưa có sự hiểu biết nhiều về nghệ thuật Xẩm cho đến khi Hà bắt đầu học hát những câu hát đầu tiên và Hà thực sự cảm thấy “say” nó vô cùng. Nó khiến mình không chỉ say mê mà còn mong muốn nhiều hơn thế nữa. Với mục tiêu lan tỏa nghệ thuật Xẩm nói riêng và nghệ thuật truyền thống dân gian của Việt Nam nói chung đến được với đông đảo khán giả, đặc biệt là người trẻ, Hà nhìn thấy sự khao khát được truyền đạt kiến thức, truyền đạt tình yêu với nghệ thuật Xẩm của những nghệ nhân, những thầy cô và đặc biệt là anh Nguyễn Quang Long. Hà nghĩ rằng, nếu có thể mang Xẩm đến gần với khán giả nhiều hơn thì các bạn sẽ có thêm một niềm đam mê mới, một tình yêu mới đối với cuộc đời của mình.

Được biết, khi Hà Myo ra mắt MV “Xẩm Hà Nội” thì đa phần khán giả ủng hộ là người Hà Nội và các tỉnh thành lân cận, bởi lẽ Xẩm được sinh ra ở đây. Thế nhưng, vừa qua bạn đã có show diễn ở TP Hồ Chí Minh trong Lễ hội Tết Việt và một tín hiệu đáng mừng là khán giả nơi đây đã ủng hộ nhiệt tình. Vậy Hà có nghĩ sẽ mang những ca khúc của mình đi xa hơn nữa?

– Trước đây, Hà đã mong muốn được mang nghệ thuật truyền thống lên thật nhiều sân khấu quốc tế. Mọi người biết rằng Xẩm là một môn nghệ thuật Hát nói ở miền Bắc và thường được biểu diễn ở đường phố, ở các góc chợ. Chính vì lẽ đó, Xẩm không có nhiều cơ hội để đến với khán giả và với sân khấu quốc tế thì lại càng khó khăn hơn. Hà Myo mong muốn xóa bỏ những ranh giới tưởng như không thể thay đổi đó. Có thể ước mơ đó đối với Hà Myo của hiện tại rất khó để thực hiện, nhưng đó là mục đích để Hà luôn cố gắng phấn đấu và nắm bắt mọi cơ hội.

Được biểu diễn tại Lễ hội Tết Việt là may mắn rất lớn đối với Hà Myo và cả ê kíp khi lần đầu tiên nghệ thuật Xẩm được đến với khán giả miền Nam một cách trang trọng nhất, bất ngờ nhất, ấn tượng nhất. Biểu diễn xong Hà đã nhận được rất nhiều tràng vỗ tay từ khán giả miền Nam, và đặc biệt có rất nhiều khách mời ngoại quốc. Hà thấy họ say mê không rời mắt khi nhìn mình biểu diễn trên sân khấu, những ánh mắt đầy sự ngạc nhiên và hào hứng, cảm giác lúc đó “thiêng liêng” giống như mình vừa làm được một điều gì rất cao cả. Hà thực sự trân trọng và tự hứa sẽ nỗ lực hết mình.

 Nối tiếp những thành công, trong tương lai Hà Myo sẽ có những kế hoạch, dự án gì mới để phục vụ công chúng?

– Con đường sự nghiệp tương lai của Hà đang rõ ràng hơn bao giờ hết. Hà đã mất nhiều năm để tìm cho mình một mục tiêu. Và ngày hôm nay, trước sự thành công của Xẩm Hà Nội, Xẩm Xuân xanh, Hà chắc chắn sẽ là cánh tay nối dài cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, các anh chị đi trước phát triển nghệ thuật truyền thống, tiếp tục thực hiện ước mơ mang nghệ thuật truyền thống dân gian của Việt Nam đến với mọi vùng miền, quốc gia trên thế giới.

Cảm ơn Hà Myo! 

Nguồn: HỒNG HẠNH – Báo Điện tử Văn hóa

Chương trình nghệ thuật “Khát vọng- Tỏa sáng”: Rạng rỡ hồn thiêng sông núi

VHO-Một sân khấu quy mô với sự tham gia của hơn 1.800 nghệ sĩ, diễn viên; một dòng chảy âm nhạc bất tận được khơi nguồn từ niềm tự hào, niềm tin sắt son với Đảng, Bác Hồ và tình yêu Tổ quốc…, Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Khát vọng- Tỏa sáng” chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã diễn ra tối 2.2 tại Sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) với thật nhiều cung bậc cảm xúc. Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, UBND TP. Hà Nội phối hợp tổ chức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính phát biểu tại chương trình

Dự chương trình có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV TP. Hà Nội Vương Đình Huệ; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Dân Vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận TƯ Nguyễn Xuân Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự chương trình

Dự chương trình còn có có Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cùng các Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng; lãnh đạo Bộ VHTTDL, các Ban, Bộ, ngành TƯ và Hà Nội…

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Hùng, Tạ Quang Đông với Ban tổ chức và ê kíp thực hiện chương trình

Khát vọng tỏa sáng của đất nước

Lấy cảm hứng từ chủ đề xuyên suốt của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chương trình nghệ thuật “Khát vọng – Toả sáng” đã mang đến cho người nghe dòng chảy cảm xúc thiêng liêng. Những xúc cảm ấy càng trở nên đặc biệt hơn trong những tháng ngày khó quên của dân tộc. Hơn 1.800 diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên đã tập luyện hết mình trong những ngày qua để cùng làm nên một sân khấu đặc biệt, nơi hội tụ niềm tin son sắt của triệu triệu con tim Việt Nam, nơi nghệ thuật tổng hòa để phác nên khát vọng tỏa sáng của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc.

PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu đề dẫn và chỉ đạo nghệ thuật chương trình

Phát biểu đề dẫn Chương trình, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, Chương trình là tiếng hát ngợi ca Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu và dân tộc Việt Nam anh hùng; Thể hiện niềm tin sắt son của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – nơi hội tụ tinh hoa dân tộc. “Chương trình là tấm lòng của các văn nghệ sỹ và nhân dân cả nước hướng về Đảng, dâng lên Đảng những giai điệu ngợi ca Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, nhân dân Việt Nam anh hùng”.

Chương trình là tiếng hát ngợi ca Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu và dân tộc Việt Nam anh hùng

Phát biểu khai mạc Chương trình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công tốt đẹp, là sự kiện chính trị trọng đại, có ý nghĩa to lớn và sâu sắc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Tại thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng- Thành phố vì hòa bình, đại diện các tầng lớp nhân dân Thủ đô cùng nhiều đoàn nghệ thuật tiêu biểu trong cả nước tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng thành công của Đại hội Đảng. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn thể đại biểu tham dự Đại hội lần thứ XIII, Trưởng Ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn sâu sắc tới toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tới đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè trên thế giới đã quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, quý báu, gửi thư, điện chúc mừng Đại hội, thể hiện tình cảm, niềm tin son sắt vào Đại hội XIII, vào sự nghiệp của Đảng và nhân dân Việt Nam.

“Thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một mốc son mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đại hội không chỉ tổng kết nhiệm kỳ 5 năm khóa XII mà còn nhìn lại 35 năm đổi mới, không chỉ xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp 5 năm tới mà còn định hướng phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương khẳng định.

Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Một mùa xuân mới, một năm mới đang về. Vào thời điểm giàu cảm xúc thiêng liêng này, chúng ta tưởng nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại muôn vàn kính yêu, Người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong niềm tôn kính và biết ơn vô hạn của triệu triệu con dân nước Việt, chúng ta càng ghi lòng tạc dạ công lao trời bể của Bác. Đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh anh dũng vì sự phát triển phồn thịnh của đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc. Chúng ta cùng tâm nguyện khắc sâu và quyết tâm làm theo lời Bác: Phải giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Phải làm cho Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh. Để lãnh đạo nhân dân ta kiên định trên con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn…”.

“Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư mong muốn và tin tưởng các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân đoàn kết một lòng, tập trung lãnh đạo, động viên cán bộ, Đảng viên, các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước; gắn hoạt động mừng Đảng mừng Xuân với việc tuyên truyền thành công Đại hội XIII của Đảng, kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng quang vinh, 80 năm ngày Bác Hồ kính yêu từ nước ngoài về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thực hiện tốt việc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII, nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống, phấn đấu sớm đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN”, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh và cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lúc này là vừa phòng chống đại dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, vừa đẩy mạnh sản xuất, công tác, phát triển kinh tế xã hội năm 2021 ngay từ những tháng đầu, quý đầu; chăm lo đời sống nhân dân cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở biên giới, biển đảo bảo vệ Tổ quốc; chăm lo Tết cho các gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng miền núi, dân tộc; tăng cường quản lý thị trường, đảm bảo giao thông và an toàn giao thông trong dịp tết, các ngày lễ lớn, đảm bảo để nhân dân ta trên khắp mọi miền Tổ quốc đón tết đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm.

Mùa xuân đất nước

Chương trình nghệ thuật “Khát vọng- Tỏa sáng” do PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL chỉ đạo nghệ thuật, Tổng đạo diễn: NSND Quang Vinh. Hội tụ trong chương trình có nhiều gương mặt nghệ sĩ tên tuổi như NSND Tạ Minh Tâm, NSND Quốc Hưng, NSND Thúy Hường, NSƯT Ngọc Khang, NSƯT Việt Hoàn, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Lương Huy, NSƯT Vũ Tiến Lâm, NSƯT Thanh Lam, NSƯT Trường Bắc, NSƯT Ploong Thiết… cùng nhiều ca sĩ trẻ.

Tổng đạo diễn chương trình, NSND Quang Vinh chia sẻ, “Khát vọng- Tỏa sáng” được tạo nên từ những nỗ lực, tâm huyết của hơn 1.800 diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên. Với quy mô lớn, đêm nghệ thuật đặc biệt đã khắc họa chủ đề tư tưởng là ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu với Tổ quốc; ca ngợi thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước, kết hợp với mừng Xuân 2021. Qua đó, tạo nên không khí tươi vui, phấn khởi của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Được xây dựng với hình thức nghệ thuật tổng hợp, chương trình “Khát vọng- Tỏa sáng” diễn ra trên một sân khấu lớn, được thiết kế hoành tráng bằng những hình tượng nghệ thuật có tính khái quát cao. Sân khấu được phác họa lấy ý tưởng từ lá Cờ đỏ sao vàng là biểu tượng. Quốc kỳ Việt Nam với nền cờ đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết cách mạng, biểu tượng cho sự chiến đấu và chiến thắng. Màu vàng của ngôi sao tượng trưng cho linh hồn dân tộc, năm cánh sao vàng tượng trưng cho các tầng lớp nhân dân cùng đoàn kết trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Lá Cờ đỏ sao vàng cũng là biểu tượng, là niềm tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam.

Mở màn đêm nghệ thuật là màn trống hội Hào khí non sông với sự tham gia trình diễn của trên 500 nghệ sĩ, diễn viên đến từ Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an. Chương trình nghệ thuật dẫn dắt khán giả đi qua nhiều cung bậc cảm xúc qua ba phần kết cấu nội dung: Dưới cờ Đảng quang vinh; Những mùa xuân dâng Đảng và Thênh thang đường mới. Niềm tự hào, niềm tin sắt son dâng Đảng; tình yêu quê hương đất nước; những yêu thương và kỳ vọng vào một mùa xuân mới của dân tộc, một đất nước Việt Nam phát triển và hội nhập…, những cung bậc cảm xúc ấy đã được khắc họa thông qua những tác phẩm âm nhạc đi cùng năm tháng, từ chủ đề đầu tiên Dưới cờ Đảng quang vinh: Đảng đã cho ta cả mùa xuân; Niềm tin dâng Đảng; Nhớ ơn Hồ Chủ tịch; Đường chúng ta đi, Tổ quốc yêu thương…

Khán giả cũng ấn tượng với hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa các vùng miền, với tinh thần đoàn kết, thống nhất của 54 dân tộc anh em dưới sự lãnh đạo của Đảng được khắc họa qua những ca khúc với chủ đề: Những mùa xuân dâng Đảng. Những bản nhạc tươi mới trẻ trung, khắc họa một hình ảnh đất nước trên con đường hội nhập ở phần ba: Thênh thang đường mới tiếp tục mang đến cho khán giả xúc cảm tươi mới, trẻ trung, qua các ca khúc: Hát vang lý tưởng tuổi trẻ, Việt Nam ngày mới, Ta dâng Đảng ngàn tiếng ca… Chương trình khép lại với liên khúc tổng hợp Thênh thang đường mới được dàn dựng công phu, khẳng định niềm tin lạc quan của mỗi trái tim Việt Nam vào một mùa Xuân mới của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Xúc động và tự hào

Xúc động và tự hào là chia sẻ của nhiều nghệ sĩ khi tham gia Chương trình “Khát vọng-Toả sáng”. NSND Quang Vinh, Tổng đạo diễn Chương trình chia sẻ, để có được một chương trình có tầm vóc, mang ý nghĩa sâu sắc, mỗi nghệ sĩ tham gia chương trình đều nỗ lực hết mình. Họ đến với chương trình không chỉ bằng tài năng mà hơn hết, bằng trái tim và niềm tin yêu với Đảng, với quê hương, đất nước.

 “Tôi đã từng tham gia biên đạo múa nhiều chương trình nghệ thuật, nhưng được góp sức mình vào chương trình nghệ thuật lớn chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là một cơ hội khiến bản thân tôi vô cùng xúc động và tự hào”, NSƯT Phạm Quỳnh Dương, Biên đạo múa của Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam chia sẻ. Mong muốn những thông điệp ý nghĩa sẽ được chuyển tải đến người xem thông qua những “phác thảo” bằng âm nhạc một cách chân thực, gần gũi, NSƯT Phạm Quỳnh Dương cho biết, rất nhiều tiết mục nghệ thuật đã được dàn dựng, thiết kế công phu, tập trung phản ánh nét văn hóa truyền thống qua những màn biểu diễn dân ca, dân vũ, trang phục, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

NSND Ngô Thị Liên, Nhà hát Quan họ tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay khi hay tin Nhà hát Quan họ tỉnh Bắc Ninh sẽ tham gia biểu diễn trong Chương trình nghệ thuật “Khát vọng-Toả sáng”, các thành viên của đoàn đã tập trung luyện tập với tinh thần cao nhất. Trong số các nghệ sĩ tham gia chương trình lần này, nhiều người lần đầu được tham dự một chương trình nghệ thuật lớn, nên bên cạnh sự hào hứng, mọi người đều mong muốn tập luyện thật kỹ để thể hiện tốt nhất tiết mục của mình.

Là hai gương mặt của Học viện Cảnh sát Nhân dân tham gia vào tiết mục mở màn, hai chiến sĩ trẻ Nguyễn Thành Nam và Ngô Văn Chung bày tỏ: “Suốt thời gian luyện tập, chúng em đã cố gắng hết sức. Bởi được tham dự vào chương trình không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là cách để chúng em hiểu hơn về truyền thống yêu nước của dân tộc”.

Nguồn: PHƯƠNG ANH, VŨ MỪNG; ảnh: TRẦN HUẤN (Báo Điện tử Văn hóa)