Khép lại vòng chung kết Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang với nhiều cung bậc

VHO – Vòng chung kết Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 diễn ra tại TP.HCM vừa khép lại. Kết quả cuộc thi sẽ được công bố trong đêm Gala tổng kết và trao giải vào ra tối 3.11 tại Nhà hát Thành phố. 

Trải qua 4 đêm thi từ ngày 26-29.10 với sự tham gia tranh tài của 31 thí sinh có thể nói, các nghệ sĩ đã mang đến cho công chúng nhiều cung bậc cảm xúc, đầy ắp những tiếng cười nhưng cũng không ít những lần khán giả đã rơi nước mắt cùng nhân vật.

Nghệ sĩ Thanh Toàn – Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang với trích đoạn Người ven đô đã lấy nhiều nước mắt khán giả bởi sự lao động nghệ thuật của một nghệ sĩ trẻ

Qua các đêm thi có thể thấy, các nghệ sĩ đã lao động nghệ thuật hết mình, để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả mộ điệu. Những tiết mục được đầu tư tròn trịa qua sự dàn dựng chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, thật sự là bữa tiệc sân khấu có ý nghĩa mà đã từ lâu rồi khán giả mới có dịp được thưởng thức đầy đủ như vậy.

Nghệ sĩ Trần Kim Phính (Kim Phụng) – Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang diễn tròn vai đào mụ trong trích đoạn Một thời để nhớ

So với Giải thưởng Trần Hữu Trang trước đây (do Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức từ năm 1991 đến năm 2014), sự trở lại lần này của Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang năm 2020 với sự mở rộng quy mô tổ chức ra toàn quốc, theo định hướng nâng tầm quốc gia đã tạo ra một sân chơi nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp mà ở đó, khán giả mộ điệu có dịp thỏa lòng với những giọng ca đặc sắc nhất, nhiều năng lượng nhất của nghệ sĩ ở cả ba miền, tạo được sự lan tỏa, gắn kết hoạt động sân khấu cải lương trên khắp mọi miền đất nước.

Trần Minh Châu (Khánh Tuấn), Đoàn Cải lương Thanh Nga là nghệ sĩ đã thành danh trên sân khấu cải lương

Có thể thấy, với sự tham gia nhiệt tình của đông đảo nghệ sĩ tại các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp tại các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó nhiều nghệ sĩ đã thành danh trên sân khấu cải lương hàng chục năm, đã và đang được đông đảo khán giả mến mộ, nhiều nghệ sĩ trẻ đã đạt các thành tích xuất sắc tại các cuộc thi tài năng diễn viên trên sân khấu chuyên nghiệp, cuộc thi Chuông vàng vọng cổ và cả những nghệ sĩ ưu tú… đã cho thấy sức hút và uy tín của một giải thưởng sân khấu cải lương chuyên nghiệp, từ đó, một lần nữa khẳng định sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật cải lương vẫn luôn đồng hành với nhịp sống thời đại… Tuy nhiên, có lẽ lên trên hết đó chính là sự yêu nghề, mong ước được đứng trên sân khấu để cống hiến tài năng đến khán giả của các nghệ sĩ là động lực lớn nhất giúp cho sân chơi càng được nâng giá trị.

Nghệ sĩ Lệ Hằng – Nhà hát Cải lương Việt Nam duyên dáng trong vai bà mẹ chồng cay nghiệt

Cũng như nhiều cuộc thi nghệ thuật khác, đâu đó vẫn còn những điều chưa vừa lòng cho hết thảy mọi người, kiểu như cuộc thi còn mang yếu tố ‘an toàn’, câu hỏi vấn đáp cho thí sinh còn mang tính lý thuyết, chưa đa dạng, thiếu sáng tạo để thí sinh có thể trải lòng về chuyện nghề, bởi đây hầu hết đều là nghệ sĩ chuyên nghiệp, đã làm nghề ít nhất từ 5 năm đến vài chục năm. Tương tự vậy, một vài kịch bản chưa có tính mới, đột phá và mang hơi thở thời đại, phần lớn là những tuồng tích, nhân vật đã được thể hiện nhiều trên sân khấu,… điều đó phần nào giảm đi sự thú vị đối với công chúng, nhất là những khán gải trẻ.

Nghệ sĩ Thanh Sơn – Sân khấu Sen Việt gây ấn tượng với vai kép độc trong Thanh gươm nữ tướng

Được biết, cuộc thi sẽ trao 10 huy chương vàng và 20 huy chương bạc cho các thể loại vai: Kép mùi, đào mùi; kép lão, đào mụ; kép độc, đào lẳng; kép hài và đào hài.

Nguồn: THÙY TRANG – Báo Điện tử Văn hóa

Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc: Quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung

VHO- Tối ngày 22.10 tại Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã khai mạc Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2020.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Bình Định hoan nghênh các nghệ sĩ trẻ của nghệ thuật Tuồng và Dân ca kịch trong toàn quốc đã không quản ngại thời tiết mưa lũ khắc nghiệt để đến tham gia Cuộc thi tại thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp. Ông cũng hy vọng các nghệ sĩ trẻ sẽ cháy hết mình trên sân khấu để có kết quả tốt nhất, góp phần vào thành công chung của Cuộc thi.

Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc – 2020 là dịp để các nghệ sĩ trẻ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm; nâng cao chất lượng biểu diễn nghệ thuật sân khấu, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong thời kì mới; cuộc thi nhằm phát hiện những tài năng sân khấu Tuồng và Dân ca kịch; khuyến khích động viên các nghệ sĩ trẻ có những đóng góp cho sự nghiệp sân khấu Tuồng và Dân ca kịch trong những năm qua. Đây cũng là dịp để các nhà quản lý, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đánh giá thực trạng đội ngũ diễn viên trẻ sân khấu Tuồng và Dân ca kịch hiện nay, từ đó có những giải pháp thúc đẩy, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ sỹ trẻ trong thời gian tới.

Đại biểu, nghệ sĩ và khán giả đồng lòng quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai, lũ lụt ngay khai mạc

Cuộc thi năm nay thu hút sự tham gia của 44 diễn viên đến từ 6 đoàn nghệ thuật trong cả nước bao gồm: Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa; Đoàn Ca kịch Quảng Nam; Nhà hát Tuồng Việt Nam; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa; Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM.

Cuộc thi được diễn ra vào dịp miền Trung đang chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. Trong phát biểu khai mạc, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh đã chia sẻ: “Ngay trong lúc này, khi mà tất cả chúng ta có mặt tại đây để thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm của người nghệ sĩ thì đất nước chúng ta, dải đất miền Trung hay còn gọi là khúc ruột miền Trung lại đang phải hứng chịu đợt càn quét của mưa lũ gây thiệt hại nặng nề . Với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, tôi xin thay mặt Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức kêu gọi tất cả các nghệ sĩ tham gia cuộc thi, tất cả chúng ta những người đang có mặt tại đây hãy thể hiện tấm lòng, thể hiện sự sẻ chia với đồng bào miền Trung ruột thịt…

Một số tiết mục dự thi ngay sau Lễ khai mạc

Ngay trong đêm khai mạc, khán giả thành phố Quy Nhơn đã thưởng thức những tiết mục biểu diễn đặc sắc, được dàn dựng công phu của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, khác với nhiều cuộc thi, liên hoan… từng được tổ chức luôn khuyến khích khán gia tới rạp nhưng cuộc thi lần này chỉ có một số lượng khán giả hạn chế để bảo đảm công tác phòng, chống dịch và được livestrem trực tiếp trên fanpace Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ VHTTDL.

Nguồn: HIỀN LƯƠNG; ảnh : THUỲ DƯƠNG – Báo Điện tử Văn hóa

Công chiếu phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa

VHO- Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng Điện ảnh TPD và Dự án phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa sẽ tổ chức buổi công chiếu tại Trung tâm Văn hóa Pháp, (Hà Nội) vào tối 18.10. Đây là  dự án phim nằm trong khuôn khổ của Dự án VTV đặc biệt, được  tài trợ sản xuất bởi Quỹ FAMLAB, nằm trong Hợp phần 2 của Dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh.

Hơn 100 giờ quay, 18 tháng đồng hành cùng nhân vật trên sân khấu đam mê và cả trong những mảnh ghép cuộc đời để gói trọn trong 50 phút phim là những khoảnh khắc trần trụi, xúc cảm và đáng trân trọng.

Bộ phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa được xây dựng theo tinh thần hướng tới phong cách tài liệu điện ảnh trực tiếp, là hành trình theo chân một gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại rong ruổi qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây. Những ông hoàng bà chúa trên sân khấu nhưng cũng là những người lao động chân lấm tay bùn, chật vật với đời sống mưu sinh khi bức màn sân khấu hạ xuống. Biến cố ập tới khi sóng gió xảy ra với những trụ cột của gánh hát. Tương lai nào cho gánh hát nhỏ của những con người miền Tây chất phác?

Bộ phim nằm trong khuôn khổ Dự án VTV Đặc biệt – một trong những dự án trọng điểm của Đài Truyền hình Việt Nam được sắp xếp vào khung giờ vàng trên VTV1 với tần suất mỗi tháng 1 số. Phim do Ban Sản xuất các Chương trình Giải trí (VTV3) thực hiện trong thời gian hơn 1 năm từ lần khảo sát bối cảnh đầu tiên cho đến khi hoàn thiện sản phẩm phim cuối cùng (tháng 03.2019 – tháng 8.2020).

Là một dự án phim liên quan đến đề tài văn hoá truyền thống nên bộ phim cũng nhận được tài trợ sản xuất bởi Quỹ FAMLAB (Phim, Nhạc và Lưu trữ) nằm trong Hợp phần 2 của Dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh dành cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững và lâu dài cho các cộng đồng di sản văn hóa cũng như nghệ thuật.

Bối cảnh của Đoạn trường vinh hoa như một cuộc rong ruổi của những người nghệ sĩ mang lời ca, tiếng hát của mình đến với khán giả là người dân vùng quê các tỉnh miền Tây. Vào mỗi dịp lễ Kỳ Yên, các thành viên trong gánh hát Phương Ánh, mỗi người một nơi, người ở Cần Thơ, người ở Sóc Trăng, người ở Bạc Liêu lại gói ghém đồ đạc, phục trang biểu diễn tụ họp về các Đình thần, vừa là để biểu diễn phục vụ người dân, vừa là để trả lễ cho ông tổ nghề, cầu mong sự bình an, đủ đầy và hạnh phúc. Cũng từ những hành trình này, con người miền Tây Nam Bộ hiện lên qua những phút phim nhiều khó khăn, vất vả nhưng không vì thế mà làm mất đi bản chất tốt đẹp, chất phóng khoáng vốn có.

Bằng việc lựa chọn hình thức thể hiện hướng tới phong cách phim tài liệu điện ảnh trực tiếp, nhóm làm phim đã đồng hành cùng gánh hát Phương Ánh như một phần trong công việc và cuộc sống của họ. Được ăn ngủ cùng họ, chứng kiến những gì diễn ra xung quanh niềm đam mê của họ một cách gần gũi, bộc lộ tính cách nhân vật một cách chân thực là niềm hạnh phúc đặc biệt mà những người làm phim có được.

 Đạo diễn Lê Mỹ Cường chia sẻ: “Phim ghi lại diễn biến cuộc sống như những mảnh ghép. Chúng tôi tìm đến họ với tâm thế tò mò, muốn ghi nhận cuộc sống của họ, không hề có định kiến về sự khổ sở. Chỉ có sự chân thành và cầu thị mới giúp chúng tôi bỏ sang một bên những định kiến của bản thân, để hiểu và trân trọng những nhân vật của mình, và sau cùng là có thể kể lại câu chuyện về cuộc đời của họ gần nhất với cách mà họ đã sống.”

Phim được công chiếu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ  vào tháng 10-11.2020. Vé được phát miễn phí trong toàn bộ thời gian của sự kiện. Phát sóng trên khung giờ vàng của VTV1 (20h) trong khuôn khổ chương trình VTV Đặc biệt tháng 11.2020. Bộ phim cũng nằm trong kế hoạch gửi đi một số LHP tài liệu trong nước, trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là những LHP về đa dạng văn hoá, thúc đẩy sự gìn giữ và phát triển văn hoá bản địa.

Bộ phim hướng tới các nhóm đối tượng đa dạng khác nhau. Với người trong cuộc – những nghệ sĩ, đây là cơ hội để họ chia sẻ tiếng nói, tâm tư của mình sau ánh đèn sân khấu. Với những khán giả trẻ, nhóm thực hiện mong muốn đưa Cải lương Tuồng cổ – loại hình nghệ thuật truyền thống quay trở lại dưới một góc nhìn mới gần gũi, sâu sắc, giàu tính nhân văn, kích thích người xem tìm hiểu về môn nghệ thuật này sau khi bộ phim được công chiếu. Chính họ sẽ là những người tiếp tục truyền tải thông điệp và ý nghĩa của bộ phim qua các phương tiện thông tin đại chúng, chia sẻ trên mạng xã hội. Với những khán giả lớn tuổi, chắc chắn đây sẽ là cơ hội để họ nhìn lại những hồi ức đẹp về văn hóa truyền thống. Phim cũng là cơ hội để bạn bè thế giới tìm hiểu về văn hoá nghệ thuật của Việt Nam.

Nguồn: HOÀNG VY – Báo Điện tử Văn hóa

Tài năng biểu diễn Múa – 2020: Hơi thở cuộc sống đầy ắp qua ngôn ngữ Múa

VHO- Đó là nhận xét của NSND Phạm Anh Phương, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo của “Tài năng biểu diễn Múa – 2020” vừa có hai đêm tranh tài sôi nổi tại Nhà hát Quân đội, TP.HCM. Cuộc thi năm nay thu hút hơn 100 thí sinh đến từ các cơ sở đào tạo, đơn vị nghệ thuật và thí sinh tự do cả nước tham dự.

Sự kiện do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Sở VHTT TP Hà Nội, Sở VHTT TP.HCM và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức.

Sức lan tỏa lớn

Trong hai đêm tranh tài ở TP.HCM (dành cho các thí sinh khu vực phía Nam), khán giả có dịp thưởng thức hơn 30 tiết mục biểu diễn của các thí sinh đến từ các đơn vị: Trường Trung cấp Múa TP.HCM, Nhà hát Giao hưởng, nhạc, vũ kịch TP.HCM, Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp tỉnh Bình Phước, Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, Nhà hát Ca múa nhạc Đam San (Gia Lai), Trường Năng khiếu nghệ thuật – TDTT tỉnh Vĩnh Long cùng nhiều thí sinh tự do và thí sinh ở đơn vị nghệ thuật ngoài công lập, cùng nhau mang đến cuộc thi những tiết mục đặc sắc, mới lạ.

Theo NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng BTC cuộc thi, nghệ thuật Múa đã trở thành nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần và cũng là bộ môn nghệ thuật đang thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Cuộc thi lần này đã mở rộng phạm vi đối tượng tham gia và tất cả các đêm thi đều được phát trực tiếp trên kênh Youtube “Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam”, điều này vừa tạo thuận lợi cho khán giả yêu thích nghệ thuật Múa có thể theo dõi tại nhà, vừa là để quảng bá hình ảnh nghệ thuật Múa Việt Nam ra thế giới một cách nhanh chóng, đồng thời cũng nhằm hạn chế tập trung đông người để phòng, chống dịch. “Chúng tôi mong rằng thông qua cuộc thi, mỗi thí sinh sẽ có cơ hội thể hiện đam mê, bùng cháy hết mình để tỏa sáng, đây cũng là một trong những thử thách trên con đường chinh phục nghệ thuật mà các nghệ sĩ biểu diễn múa sẽ vượt qua, tích lũy thêm kinh nghiệm nghề nghiệp và gặt gái những thành công trong tương lai, để cùng nhau ghi thêm những trang sử mới cho nghệ thuật Múa Việt Nam”, NSND Nguyễn Quang Vinh bày tỏ.

Ở “Tài năng biểu diễn Múa – 2020”, bên cạnh những giám khảo là chuyên gia, nghệ sĩ Múa trong nước như NSND Phạm Anh Phương (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam), NGND Vũ Dương Dũng, NSND Nguyễn Minh Thông, NSƯT Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát vũ kịch Việt Nam), ThS Đoàn Phúc Linh Tâm (Trưởng khoa Múa Dân gian dân tộc Trường Trung cấp Múa TP.HCM), BTC đã mời thành phần giám khảo là người nước ngoài như Đạo diễn sân khấu, biên đạo múa người Hà Lan Arthur Kuggeleyn, Biên đạo múa Alexander Tú (Giám đốc nghệ thuật trình diễn Học viện Âm nhạc và trình diễn nghệ thuật SOUL)…

Thí sinh Ngô Thị Quỳnh Giao, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (Gia Lai) với tiết mục múa “Mnham” (Dệt)

Thể hiện được những thông điệp của cuộc sống

Đánh giá ban đầu về các tiết mục dự thi khu vực phía Nam, Chủ tịch Hội đồng giám khảo NSND Phạm Anh Phương chia sẻ, hơn 100 thí sinh tham gia đều là những bạn trẻ có đam mê cháy bỏng với nghệ thuật Múa, mong muốn được bộc lộ và thể hiện chính mình, muốn tìm hiểu giới hạn của bản thân qua bộ môn nghệ thuật mà họ đã lựa chọn… Đây cũng là lần đầu tiên cuộc thi chia thành nhiều bảng theo các dòng ngôn ngữ Múa, điều này là một tiến bộ rất lớn, thể hiện tính chuyên nghiệp cao hơn so với các cuộc thi trước đây. Về chất lượng cuộc thi, theo NSND Phạm Anh Phương, tuy chưa thể nói được hết nhưng các tiết mục ban đầu ở khu vực phía Nam đã cho thấy có sự đa dạng về đề tài và nội dung tiết mục thể hiện được những thông điệp của cuộc sống. “Không chỉ là những trích đoạn của múa cổ điển châu Âu, thuộc thể loại khó, mang tính hàn lâm, mà còn có cả những đề tài về cách mạng, văn hóa dân tộc sâu sắc, cũng có những đề tài mang tính tự sự đi vào đời sống, những màn biểu diễn theo phong cách hiện đại rất sinh động, làm mãn nhãn người xem… Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao các bạn trẻ đã biết khai thác những chất liệu gần gũi với hiện thực đời sống, đưa hơi thở đương đại vào cuộc thi một cách có đầu tư, có chiều sâu. Chúng tôi cũng đã phát hiện được những nhân tố thực sự tài năng… Sau khi cuộc thi diễn ra khu vực phía Bắc nữa mới có được cái nhìn tổng quan hơn, nhưng trước mắt chúng tôi thấy hài lòng”, NSND Phạm Anh Phương chia sẻ.

Tại khu vực phía Bắc, các thí sinh sẽ có ba đêm tranh tài, từ ngày 13 đến 15.10, tại Nhà hát Âu Cơ. Theo quy chế, Cuộc thi tổ chức 1 vòng trực tiếp và chia 4 bảng với 4 phong cách múa. Bảng A: Ballet cổ điển châu Âu và Ballet hiện đại (dành cho cá nhân); Bảng B: Đương đại (dành cho cá nhân); Bảng C: Dân gian dân tộc, Dân gian đương đại và truyền thống (dành cho cá nhân, tập thể) và Bảng D: Phong cách múa sử dụng các ngôn ngữ, kỹ thuật, kỹ xảo của các thể loại nhảy múa đương đại như: Hiphop, Popping, Breakdance, Loocking, Wacking…(dành cho cá nhân và tập thể). Thí sinh được sử dụng các tác phẩm đã công bố, không sử dụng tác phẩm đã biểu diễn và đoạt giải trong các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật do Bộ VHTTDL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức; khuyến khích các thí sinh đăng ký dự thi các tác phẩm múa mới sáng tác.

“Tài năng biểu diễn Múa – 2020” nhằm phát hiện, khuyến khích, động viên các tài năng trẻ đã dành nhiều tâm huyết, đóng góp cho sự nghiệp phát triển của nghệ thuật Múa trong những năm qua tiếp tục được thể hiện tài năng; là dịp để các diễn viên múa giao lưu, trao đổi nghề nghiệp, học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ về kỹ thuật, kỹ xảo và nghệ thuật biểu diễn nhằm đáp ứng các tiêu chí của các cuộc thi Múa khu vực và quốc tế. BTC sẽ trao giải Nhất, Nhì, Ba và giải Khuyến khích cho các thí sinh xuất sắc ở các bảng thi. Lễ Tổng kết và trao giải vào ngày 17.10 tại Nhà hát Lớn, Hà Nội.

 Nguồn: THÙY TRANG – Báo Điện tử Văn hóa

Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang: Sân chơi không chỉ dành cho đào, kép chính

VHO- Vừa qua, tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã diễn ra vòng sơ tuyển (khu vực TP.HCM) cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang năm 2020. Có thể nói, đây là cuộc tranh tài khá đặc biệt vì tạo sân chơi cho tất cả các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không phân biệt độ tuổi. Bên cạnh đó, hạng mục dự thi cũng không chỉ ưu tiên cho đào, kép chính mà mở rộng cho nhiều dạng vai. Cuộc thi do Sở VHTT TP.HCM phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) và Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức.

Nhiều đổi mới tạo nên sức hấp dẫn

Tham gia cuộc tranh tài là các thí sinh hầu hết đều đã thành danh trên sân khấu Cải lương và được khán giả mến mộ; nhiều nghệ sĩ đã đạt những thành tích xuất sắc tại các cuộc thi tài năng trên sân khấu chuyên nghiệp. Vòng sơ tuyển cuộc thi diễn ra tại ba địa điểm là TP.HCM từ ngày 3-5.10 (dành cho thí sinh khu vực từ Đà Nẵng trở vào TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ); tại TP Hà Nội vào ngày 8.10 (dành cho thí sinh từ Thừa Thiên Huế trở ra các tỉnh thành phía Bắc) và TP Cần Thơ từ 12-14.10 (dành cho thí sinh khu vực miền Tây Nam Bộ). Vòng chung kết sẽ diễn ra ở TP.HCM từ 26-30.10 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Lễ công bố, trao giải thưởng và công diễn dự kiến vào ngày 3.11.

Tại vòng sơ tuyển, Hội đồng giám khảo gồm có NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Giang Mạnh Hà, NSND Thoại Miêu; ngoài ra còn có Hội đồng tư vấn chuyên môn góp ý, gồm: NGƯT Diệu Đức, NSƯT Phượng Loan và NSƯT Lê Tứ. BTC sẽ trao 30 huy chương (10 HCV và 20 HCB) cho các thể loại vai: Kép mùi, đào mùi; kép độc, đào lẳng; kép lão, đào mụ; kép hài, đào hài… “Việc xác lập giải thưởng đa dạng thể loại là một đổi mới nhằm tạo điều kiện cho các nghệ sĩ thường đảm nhiệm những vai phụ có điều kiện phát huy tài năng và khẳng định sự đóng góp của cá nhân trong sáng tạo nghệ thuật”, đại diện BTC cho biết.

Một nét mới nữa của cuộc thi là BTC không khống chế độ tuổi thí sinh nhằm thu hút các nghệ sĩ có thời gian dài đóng góp cho sân khấu Cải lương, nhưng vì nhiều nguyên nhân mà chưa từng được khẳng định tài năng trong các cuộc thi, liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp. Cho nên, trong danh sách thí sinh có những gương mặt lão thành như Thanh Sơn, Linh Trung, Khánh Tuấn và có những diễn viên tuy ngày thường hay đóng vai mùi nhưng đã chọn thi vai lẳng độc như Kim Ngân, Hà Như, Tô Tấn Loan, Kim Nhuận Phát, Thanh Toàn, Thúy My…

Theo BTC, cuộc thi ghi nhận sự tham gia nhiệt tình của nhiều nghệ sĩ, với sự đầu tư nghiêm túc, kỹ lưỡng về chuyên môn đã bước đầu tạo nên tín hiệu đáng mừng. Nhiều nghệ sĩ đã thành danh trên sân khấu cải lương, được đông đảo khán giả mến mộ và nhiều nghệ sĩ trẻ đã đạt những thành tích xuất sắc tại các cuộc thi cũng đăng ký tham gia. Trong số thí sinh còn có những nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Điều này cho thấy sức thu hút, hấp dẫn của cuộc thi là rất lớn.

Gắn kết hoạt động sân khấu Cải lương trên cả nước

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết, cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang” theo định hướng nâng tầm quốc gia, mở rộng quy mô tổ chức ra toàn quốc nhằm góp phần phát triển lĩnh vực nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật Cải lương nói riêng. Từ đó, một lần nữa khẳng định sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật Cải lương vẫn luôn đồng hành với nhịp sống thời đại. Đây còn là một trong những hoạt động trọng tâm trong Kế hoạch thực hiện chủ đề năm 2020 của TP.HCM “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.

BTC thông tin, ngoài mục đích tìm kiếm các tài năng, tăng cường cho lực lượng nghệ sĩ kế thừa, cuộc thi còn tạo điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cho các nghệ sĩ, khơi gợi ý thức tự rèn luyện, tôn trọng nghề nghiệp, tôn trọng khán giả. Cuộc thi tôn vinh và ghi nhận lòng yêu nghề, sức sáng tạo của nghệ sĩ, khuyến khích sự phấn đấu đối với các nghệ sĩ trong sáng tạo, biểu diễn, qua đó, xây dựng đội ngũ kế thừa… Thành tích của các nghệ sĩ, diễn viên đạt được từ cuộc thi sẽ được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chứng nhận, là cơ sở đề xuất xem xét, bổ sung thành tích nghệ thuật của cá nhân trong các đợt xét danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” do Nhà nước phong tặng.

Tại sân chơi chuyên nghiệp này, công chúng sẽ một lần nữa được thưởng thức những trích đoạn kinh điển như Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Bên cầu dệt lụa, Bức ngôn đồ Đại Việt, Tô Ánh Nguyệt, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Câu thơ yên ngựa, Rạng ngọc Côn Sơn, Bến nước Ngũ Bồ… Đây là những trích đoạn nổi tiếng từng được nhiều nghệ sĩ diễn và để lại dấu ấn trong lòng khán giả, cho nên thí sinh càng bị thử thách, phải tìm ra cái mới để vượt lên những “cái bóng” trước đây.

Ghi nhận sau những tiết mục tham gia dự thi, khán giả đã thật sự được thỏa mãn, đắm mình trong không gian nghệ thuật truyền thống với các tiết mục đặc sắc. NSND Trọng Hữu cho biết, chưa thể có được đánh giá toàn diện, tuy nhiên, sau các tiết mục đầu, cho thấy các nghệ sĩ đã thể hiện quá tuyệt vời. “Các bạn có sự đầu tư nghiêm túc trong ca, diễn xuất, kịch bản cũng được dàn dựng hấp dẫn. Hy vọng sân chơi chuyên nghiệp này sẽ là bệ phóng để các nghệ sĩ phát triển tài năng và tạo sức lan tỏa, gắn kết hoạt động sân khấu Cải lương trên khắp mọi miền đất nước”, NSND Trọng Hữu bày tỏ.

Nguồn: THÙY TRANG – Báo Điện tử Văn hóa

Bế mạc cuộc thi Độc tấu và Hoà tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020

VHO- Sau khi diễn ra sôi nổi tại các tỉnh, thành phố, Cuộc thi Độc tấu và Hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020 do Bộ VHTTDL tổ chức đã bế mạc tối 5.10 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự, phát biểu và trao giải. 276 tiết mục của 35 đoàn nghệ thuật với lực lượng hùng hậu gần 700 thí sinh tham gia đã cho thấy âm nhạc dân tộc đang được gìn giữ, bảo tồn và phát triển mạnh mẽ ở khắp các vùng, miền trên cả nước.

Phát biểu tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: “Cuộc thi thực sự là một ngày hội của các nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc trên cả nước và đã diễn ra một cách an toàn tuyệt đối, đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp thêm động lực sáng tạo với các nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn nói chung, nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc nói riêng”. Thứ trưởng cũng ghi nhận và biểu dương sáng kiến của Cục Nghệ thuật biểu diễn khi tổ chức thực hiện được việc ghi hình phát trực tiếp trên kênh Youtube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam để đông đảo nghệ sĩ và khán giả cùng thưởng thức.

Theo đánh giá của NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng ban giám khảo, Cuộc thi đã ghi dấu ấn những thành quả lao động miệt mài và tài năng của cá nhân các nghệ sĩ cũng như từng thương hiệu đơn vị nghệ thuật tiêu biểu. Hàng trăm tiết mục được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau đã tạo nên một bức tranh toàn cảnh về âm nhạc dân tộc Việt Nam. Cuộc thi cũng đã phát hiện, ghi nhận và tôn vinh những cá nhân, tập thể xuất sắc trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống. Thông qua cuộc thi, các nghệ sĩ đã phô diễn những tinh hoa của âm nhạc dân tộc được tiếp nối từ lớp lớp các thế hệ. Mỗi đoàn mang đến một sắc vẻ riêng độc đáo của địa phương mình.

NSƯT Hạnh Nhân, thành viên Ban giám khảo chia sẻ: “Dù nhiều đoàn nghệ thuật địa phương buộc phải sáp nhập, nhiều nghệ sĩ, diễn viên từ chuyên nghiệp phải chuyển sang nghiệp dư, thật sự rất buồn, nhưng ngọn lửa tình yêu nghệ thuật của họ vẫn luôn bùng cháy. Vượt qua mọi khó khăn, họ đã đến với cuộc thi để thể hiện khát khao cống hiến, lan tỏa cái đẹp của những thanh âm, giai điệu quý giá của dân tộc. Cuộc thi còn có ý nghĩa như một đợt “tổng kiểm kê” vốn tài sản âm nhạc dân tộc, đánh giá kết quả công tác bảo tồn, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và phát huy dòng nhạc truyền thống của các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc”.

Kết quả, Ban tổ chức đã trao các giải Nhất, Nhì, Ba và nhiều giải thưởng khác cho các tiết mục xuất sắc. Không chỉ đơn thuần để dự thi, các tiết mục sẽ được các đoàn tiếp tục mang đi biểu diễn phục vụ khán giả trong và ngoài nước. Những thanh âm thấm đẫm hồn dân tộc của các nhạc cụ truyền thống qua sự thể hiện đầy thăng hoa của nghệ sĩ sẽ tạo nên những dấu ấn đẹp đối với công chúng.

Nguồn: HIỀN LƯƠNG – Báo Điện tử Văn hóa

Bế mạc Liên hoan sân khấu Thủ đô

VHO-Tối 3.10, tại Rạp Công Nhân, số 42 Tràng Tiền (Hà Nội) đã diễn ra Lễ bế mạc “Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV -2020” với sự tham dự của đông đảo các diễn viên thuộc các đoàn nghệ thuật trong và ngoài Hà Nội.   

Liên hoan do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội tổ chức, hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô, diễn ra từ ngày 26.9 đến ngày 3.10, với sự tham gia của 13 đơn vị nghệ thuật ở Thủ đô và một số tỉnh, thành như Bắc Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu.

Trao Giải vàng vở diễn cho vở Bạch đàn liễu của Sân khấu LucTeam và Người tốt nhà số 5 của Nhà hát Kịch VN 

Tổng kết Liên hoan, NSND Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo nhận xét, với 13 đơn vị nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương khác, cùng hơn 700 nghệ sĩ, diễn viên tham gia, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV đã có sức lan tỏa và thu hút được nhiều tác phẩm phản ánh chân thực, hấp dẫn cuộc sống, cuộc đấu tranh của người Hà Nội xưa và nay. Nhiều kịch bản cũ được dàn dựng với tư duy mới, nhiều đạo diễn trẻ tiềm năng xuất hiện và có thể thấy một lớp diễn viên trẻ tài năng đã sẵn sàng thay thế lớp trước… Tuy nhiên, sân khấu đề tài về Hà Nội nói riêng và sân khấu nói chung vẫn thiếu vắng kịch bản mới, hay; thiếu những vở diễn phản ánh cuộc sống hôm nay một cách chân thực và sâu sắc. Những yếu tố như âm nhạc, thiết kế sân khấu còn chưa hài hòa, ít sáng tạo đóng góp vào thành công của vở diễn…

Phát biểu tại Lễ bế mạc, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan, NSND Trịnh Thúy Mùi nhận định: Trải qua 8 ngày diễn ra Liên hoan, công chúng đã được thưởng thức 13 tác phẩm sân khấu thuộc các loại hình nghệ thuật: Chèo, Cải lương, Kịch nói với các nội dung, những câu chuyện về đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, hiện đại. Trong đó, có nhiều tác phẩm đề cao tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và xây dựng nhân cách, phẩm chất con người Việt Nam trong chiến lược đổi mới phát triển bền vững đất nước, sự thay đổi nhanh chóng, sâu sắc trong mọi mặt đời sống xã hội tác động trực tiếp đến chính quá trình sáng tạo, tiếp nhận văn học, nghệ thuật. Mặt khác qua công cuộc đổi mới này cũng bộc lộ những vấn đề mà xã hội quan tâm như trong Nghị quyết của Đảng đã cảnh báo về vấn đề suy thoái đạo đức, lối sống, một số vấn đề về tệ nạn xã hội…

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá cao những tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật có hiệu quả của tác giả, đạo diễn, diễn viên và những thành phần sáng tạo, tạo nên sức truyền cảm và ấn tượng sâu sắc, mang đến cho công chúng những tác phẩm sân khấu có giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ cao. Hy vọng các đơn vị, cá nhân tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, nghiêm túc khắc phục những hạn chế yếu kém để phấn đấu xây dựng nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, các nghệ sỹ biểu diễn không ngừng trau dồi nghề nghiệp có nhiều vai diễn xuất sắc để phục vụ nhân dân. “Sự tham gia nghiêm túc của các đoàn nghệ thuật, sự hưởng ứng nhiệt thành của khán giả đã góp phần làm cho sức sống nghệ thuật sân khấu được lan tỏa tích cực, góp phần tạo nên không khí sôi động, chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội và nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô”, NSND Trịnh Thúy Mùi nhấn mạnh.

Cảnh trong vở Bạch đằng liễu, vở diễn được trao Giải Vàng tại Liên hoan
Cảnh trong vở Người tốt nhà số 5 được trao Giải Vàng tại Liên hoan
Cảnh trong vở Tình sử Thăng Long của Nhà hát Chèo Hà Nội được trao Giải Bạc 

Tại Lễ Bế mạc, Ban tổ chức đã trao nhiều giải thưởng có giá trị cho các tác phẩm, tác giả và cá nhân xuất sắc. Cụ thể: 2 Giải Vàng của Liên hoan được trao cho vở Bạch đàn liễu (Sân khấu LUCTEAM) và vở Người tốt nhà số 5 của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Ba Giải Bạc  được trao cho các vở: Tình sử Thăng Long” Nhà hát Chèo Hà Nội; Truyền tích Cổ Loa xưa của Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh; Trương Chi – Mị Nương của Nhà hát Kịch Hà Nội.

Giải thưởng Đạo diễn xuất sắc được trao cho Đạo diễn, NSƯT Trần Lực (vở Bạch đàn liễu, sân khấu Luc Team) và đạo diễn, NSƯT Tạ Tuấn Minh (vở Người tốt nhà số 5 của Nhà hát Kịch Việt Nam). Giải thưởng Họa sĩ xuất sắc được trao cho NSƯT Doãn Bằng vở Người tốt nhà số 5 của Nhà hát Kịch Việt Nam. Giải Biên đạo múa xuất sắc được trao cho Hoài Anh, vở Tình sử Thăng Long của Nhà hát Chèo Hà Nội.

Trao HCV cho các nghệ sĩ
Trưởng ban giám khảo, NSND Hoàng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu, NSND Vương Duy Biên trao HCB cho các nghệ sĩ

Ban tổ chức cũng trao tặng Bằng khen cho các đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong xây dựng và sáng tạo nghệ thuật về đề tài Hà Nội, gồm: Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội  với vở Những người ở lại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội với vở Huyền thoại Hà Nội và Hội Sân khấu tỉnh Bạc Liêu với vở Cánh chim trắng trong đêm. 

Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao tặng 21 Huy chương Vàng và 31 Huy chương Bạc cho các cá nhân, là các nghệ sỹ có thành tích xuất sắc tạ Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ IV – 2020.

Nguồn: THUÝ HIỀN; ảnh : QUANG VINH, ĐÀO ANH – Báo Điện tử Văn hóa