Nghị lực phi thường ở những “trường học sau song sắt”

VHO- Kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9; 75 năm ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam (5.9.1945 – 5.9.2020); 75 năm ngày Bình dân học vụ (8.9.1945 – 8.9.2020), tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) sẽ khai mạc trưng bày mang tên Chắp cánh ước mơ, vào ngày 28.8.

Ký ức mùa khai trườngBiến nhà tù thành trường học cách mạng và Xây đắp những ước mơ là kết cấu của cuộc trưng bày. Ngày 5.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên. Để diệt “giặc dốt”, ngày 8.9.1945, Người ban hành các sắc lệnh về phát triển Bình dân học vụ. Phong trào học tập diễn ra sôi nổi, sau 1 năm đã tổ chức được 74.957 lớp học với 95.665 giáo viên, xóa mù chữ cho hơn 2,5 triệu người. Hưởng niềm vui độc lập chưa được bao lâu, cả dân tộc lại bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Vượt qua gian khó, nhiều trường lớp vẫn được mở ở Chiến khu Việt Bắc; vượt qua mưa bom hủy diệt, các thầy cô giáo vẫn say sưa giảng dạy cho học sinh ở nơi sơ tán.

Trung tâm của trưng bày là nội dung “Biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Từ những ngày đầu xâm lược, thực dân Pháp đã thi hành những chính sách văn hóa lạc hậu để phục vụ cho việc khai thác thuộc địa. Nhà tù được xây dựng nhiều hơn trường học, thẳng tay đàn áp các phong trào cách mạng. Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng nghìn thanh niên đã “xếp bút nghiên lên đường ra trận”. Nhiều chiến sĩ đã bị địch bắt, giam cầm tại các nhà tù. Và điều đặc biệt là ngay trong chốn “địa ngục trần gian”, các lớp học đã được mở ra, đó là những “Trường học sau song sắt” tại Nhà tù Hỏa Lò, “Trường học giữa núi rừng” ở Nhà tù Sơn La, “Trường học giữa biển khơi” ở Nhà tù Côn Đảo, “Trường học trên cát” tại Trại giam tù binh Phú Quốc…

Biến nhà tù thành trường học, những lớp học này đã trở thành nơi tôi luyện lý tưởng về nghị lực sống, chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng. Không gian trưng bày sẽ tái hiện những quãng thời gian không thể quên trong lịch sử dân tộc. Tại Nhà tù Hỏa Lò, các lớp học được mở ra sau những chấn song lạnh lẽo. Học trong bí mật, học trong thiếu thốn, nhưng tù nhân vẫn nhanh trí, sáng tạo ra đồ dùng dạy và học. Vào buổi tối, khi các cửa sắt đã khóa chặt, là thời gian tù chính trị cùng nhau tổ chức các lớp học văn hóa, viết báo sôi nổi trong trại giam. Tài liệu giấu ở chân tường, thậm chí để trong hộp sắt, bọc nilon, dòng dây thả xuống thùng phân được kéo lên để phục vụ việc học.

 Những hình ảnh sẽ được trưng bày

Gọi là lớp học nhưng không bảng đen, không bàn ghế, không giấy, không vở. Các tù nhân dùng mặt trong của bao thuốc lá, bì thư làm giấy viết. Ngòi bút được làm từ nụ hoa ăngtigon nhặt trong sân nhà lao và được cất giấu một cách cẩn thận; quản bút làm bằng cành bàng; phấn là gạch non, than củi; bảng là nền xi măng…

Cùng với những lớp học sau song sắt tại Nhà tù Hỏa Lò, ở nơi “rừng thiêng nước độc”, Nhà tù Sơn La được ví như “chiếc quan tài nắp mở, chỉ chờ tù nhân tắt thở đem chôn”. Nhưng chính tại nơi chết chóc này, các lớp học được Chi bộ nhà tù mở ra trong không khí sôi nổi và sự hưởng ứng nhiệt tình của tất cả tù nhân. Việc học tập giúp trình độ của người tù được nâng cao, góp phần thắp sáng ngọn lửa đấu tranh nơi núi rừng Tây Bắc.

Một phần trưng bày cũng khiến người xem không thể ngăn rơi nước mắt, đó là những trường học giữa biển khơi. Tại nơi đảo xa nghìn trùng biệt lập, kẻ địch tưởng rằng có thể giết dần, giết mòn tù nhân bằng nhục hình, khổ sai, đói khát, bệnh tật…, nhưng với niềm tin mạnh mẽ, người chiến sĩ đã vượt qua muôn vàn gian khổ để biến Côn Đảo thành “đại học đường”, thành vườn ươm của cách mạng. Ở hồi ký Trường học trong nhà tù, đồng chí Nguyễn Thiệu đã viết: “Giấy học là những mảnh báo còn chừa trắng, hoặc có thể viết chồng lên chữ in. Còn một nguồn giấy nữa là “giấy vệ sinh”. Có lúc chúng tôi vờ đau kiết lỵ để được mua nhiều giấy. Còn cái khoản mực nho tìm được không phải dễ. Có khi nhắn người nhà gửi quần áo và quà bánh vào kèm theo một thoi mực, hoặc dát mỏng mực nhét vào tà áo, hoặc cắt mực ra thành từng viên nhỏ nhét vào ruột bánh. Lắm lúc thiếu nước, phải nhổ nước bọt, thậm chí phải dùng nước giải mài mực ra, rồi lấy que vót nhọn làm bút để viết”.

Sống trong cảnh kìm kẹp, giữa bốn bề thép gai, những lớp học vẫn được tổ chức ở các phân khu Trại giam tù binh Phú Quốc (1967 – 1973). Trên sân cát, người thầy ngồi giữa, học trò vây quanh. Từ những lớp học này, các chủ trương, chỉ thị của Đảng bộ các phân khu được truyền đạt đến anh em. Hơn 5 thập kỷ đã trôi qua, câu chuyện về những lớp học trên cát vẫn vẹn nguyên trong ký ức của người tù Phú Quốc năm xưa. Bài thơ Từ trang sách cát đồng chí Nguyễn Quốc Việt viết tặng đồng chí Nguyễn Văn Chiển, tháng 11.1977, đã ghi lại những ký ức này: Lớp học mở ra trên mảnh sân tù/ Và trang sách mở ra trên cát/Đế dép xoa trên mặt cát/Mịn như trang giấy bây giờ/Thầy giáo là anh/ Chúng em là trò nhỏ/Cây bút anh cầm – một mẩu thép gai/ Chúng em ghi bài trên manh mụn vá…

Phần cuối của trưng bày: Xây đắp những ước mơ chuyển tải thông điệp tiếp thêm niềm khát khao và nỗ lực học tập suốt đời, góp phần lan tỏa trong cộng đồng những tấm lòng biết sẻ chia và giàu lòng nhân ái.

BẢO NGÂN (Báo Điện tử Văn hóa); Ảnh: Di tích Nhà tù Hỏa Lò cung cấp

Ẩm thực chay- xu hướng sống khỏe

VHO- Ẩm thực chay đang trở thành xu hướng thịnh hành, được nhiều người lựa chọn để sống khỏe, sống đẹp trong thời hiện đại, thực phẩm thường có chất bảo quản, hóa chất, thuốc tăng trưởng, tăng trọng.

Theo các nghiên cứu khoa học, chế độ dinh dưỡng chay sẽ giúp cho việc phòng ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch, tăng huyết áp. Đồ ăn chay có ít cholesterol, ít axit béo, nhiều vitamin, có tác dụng chống ôxy hóa nên các món chay rất thích hợp cho những người muốn có vóc dáng thon gọn. Việc ăn chay vì thế được nhiều quốc gia trên thế giới khuyến khích để phòng chống các bệnh mãn tính, sống khỏe, sống đẹp.

Mùa Vu Lan báo hiếu năm nay, khách sạn Rex Sài Gòn- một thành viên của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn đã đưa vào phục vụ thực khách (gọi món hoặc theo set menu) các món chay đặc sắc.

Trong set An Nhiên, có tổng cộng 7 món, bao gồm: Ổi trộn hạt hawa, Súp sâm yến tiềm, Cảo tú hỷ nấm, Cà tím hồng xíu ớt chỉ thiên, Tri trúc bạch ngọc, Mì xào giòn La Hán và chè sen. Set Thanh Tịnh gồm các món: Cẩm lảo tứ quý, Súp rong tiên tiềm sâm, Hồ đào ngư bản lúc lắc xào, Đậu hoa bí hầm bát trân, Tam sen xào thượng đỉnh, Cơm hồng ngọc và trái cây tươi.

Nấu món chay thực sự là cả một nghệ thuật, bởi chỉ từ những nguyên liệu đơn sơ, giản dị mà các đầu bếp có thể sáng tạo ra những món ăn hấp dẫn, hương vị tuyệt hảo và cách bày trí cũng tinh tế, bắt mắt. Chính vì thế, để làm được một bữa ăn chay, người đầu bếp phải bỏ ra thời gian nhiều gấp đôi so với bữa ăn mặn. Các món chay tuy dùng những nguyên liệu tương tự nhau, nhưng sẽ có những hương vị khác biệt, không gây nhàm chán, đây chính là sự tài tình của đầu bếp.

Tất cả các món chay nói trên đều được chế biến từ các nguyên liệu rau, củ, quả, hạt… đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, kết hợp cùng các nguyên liệu chay cao cấp. Các món ăn trong set chay An Nhiên và Thanh Tịnh đều được chế biến, trình bày tinh tế, đẹp mắt với những tên gọi thật mĩ miều. Cách trang trí nhẹ nhàng, hài hoà giữa các màu sắc trung tính, khiến các món ăn trong 2 set menu có thể đem lại cảm giác như đúng tên của chúng: An Nhiên và Thanh Tịnh.

Sự kết hợp giữa các nguyên liệu đem đến sự cân bằng về dinh dưỡng. Tuy không sử dụng thịt hay hải sản, nhưng các thực phẩm chay có thể cung cấp cho con người đủ các dinh dưỡng cơ bản nhất bao gồm: chất bột, chất béo, chất đạm, chất xơ cũng như các muối khoáng. Thực tế đã cho thấy, người Eskimo hoàn toàn ăn thịt thì tuổi thọ trung bình của họ chỉ 36, còn người Kogi (bộ tộc ở Peru, Nam Mỹ) ăn chay trường thì tuổi thọ của họ lên tới 100.

Văn hoá ẩm thực chay là một khía cạnh đặc biệt của nền ẩm thực Việt. Ăn chay là một tập tục tín ngưỡng, văn hoá truyền thống lâu đời của người Việt, không chỉ dành cho người tu hành mà giờ đây đã trở thành xu hướng của xã hội hiện đại. Thực khách thưởng thức các món chay có thể vì tín ngưỡng, cũng có thể vì món chay đem lại cảm giác thanh tịnh và bình yên.

Nguồn: BẢO AN – Báo Điện tử Văn hóa

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Rap Việt

VHO- Sau một thời gian bị “bỏ quên”, mảnh đất “rực lửa” mang tên Rap – Hiphop đã “hồi sinh” trở lại, khi hai chương trình truyền hình thực tế mang tên Rap Việt và King of Rap đồng loạt trình làng. Tưởng chừng như đây là game show kén khán giả, thế nhưng vừa lên sóng cả hai đã nhanh chóng “leo top” trendding Youtube.

Bên cạnh format thú vị, kết hợp giữa yếu tố giải trí và tính chuyên môn nghệ thuật cao, chương trình còn mang đến những trải nghiệm thiết thực, gần gũi cho chính thí sinh tham gia và khán giả theo dõi.

Chiếm sóng giờ vàng

Trong những năm qua, hầu hết các show truyền hình âm nhạc đều thu hút sự quan tâm rất lớn từ khán giả. Tuy nhiên, hầu hết các chương trình chỉ tập trung khai thác những thể loại được “ưa chuộng” như Pop, Ballad, R&B hay “nổi lên” gần đây là Bolero, mà vô tình “quên đi” Hip hop – Rap. Trên thực tế, thể loại này đã và đang thu hút một lượng lớn khán giả Việt nhưng vẫn chưa có nhiều sân chơi đủ tầm. Chính vì vậy, sự xuất hiện của King of Rap và Rap Việt đã mang đến một màu sắc hoàn toàn mới mẻ cho sân chơi truyền hình thực tế về âm nhạc.

Thú vị hơn, cả Rap Việt và King of Rap đều “chào sân” vào tháng 8, trong khung giờ vàng của hai kênh truyền hình lớn là HTV và VTV. Điều này đã tạo nên cuộc đua rating sinh động và quyết liệt hơn bao giờ hết. Đây là hai cuộc thi đầu tiên về tìm kiếm tài năng Rap và Hip hop chuyên nghiệp lên sóng truyền hình, dù trước đó cũng có không ít chương trình rap, nhưng cũng chỉ dừng ở mức thử nghiệm, chưa thật sự bùng nổ.

Rap Việt được mua bản quyền từ chương trình The Rapper đình đám tại Thái Lan, còn King of Rap mua bản quyền từ Show me the money của Hàn Quốc, cả hai cùng chung mục đích tìm kiếm những tài năng nhạc Rap và Hip Hop. Chính vì format được mua từ các chương trình nổi tiếng nước ngoài, nên Rap Việt và King of Rap đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của khán giả. Không nằm ngoài dự đoán, khi vừa lên sóng, Rap Việt và King of Rap đã lập tức chiếm lĩnh Top thịnh hành Youtube và lan tỏa mạnh mẽ đến khán giả, người hâm mộ trên khắp các diễn đàn và các trang mạng xã hội.

Bên cạnh đó, chương trình còn thu hút khán giả bởi dàn nghệ sĩ, huấn luyện viên tên tuổi, có chuyên môn trong giới nhạc Rap với lượng fan đông đảo, đồng nghĩa sẽ mang đến một chương trình có chất lượng cao, không chỉ đơn thuần mang tính giải trí. So với những game show về âm nhạc gần đây, thì Rap Việt và King of Rap có phần nhỉnh hơn, được lên sóng vào khung giờ vàng là hoàn toàn phù hợp.

Dàn thí sinh tiềm năng của King of Rap

Cuộc đua “một chín một mười”

Sau một thời gian lên sóng, cả Rap Việt và King of Rap đều mang về những thành tích đáng nể, tuy nhiên, Rap Việt có phần nhỉnh hơn khi tạo được hiệu ứng mạnh mẽ trên báo chí, mạng xã hội và đứng vững ở top 1 thịnh hành Youtube.

Điểm danh dàn huấn luyện viên của cả hai chương trình, khán giả sẽ phải “xuýt xoa” với những tên tuổi “lão làng”: Rap Việt có sự tham gia của bốn rapper trên ghế huấn luyện, bao gồm: Binz, Suboi, Wowy và Karik. Trong đó, Binz đặc biệt thành công với ca khúc BigCityBoi mới đây; Karik được biết đến với bản hit Cạn cả nước mắt và ca khúc đình đám Người lạ ơiRap Việt còn có Wowy thuộc thế hệ rapper F1, vốn được mệnh danh là “Lão Đại của rap Việt” và Suboi – nữ rapper đầu tiên, người từng được ví von là “Queen of hip-hop Vietnam”. King of Rap cũng có bộ tứ tương tự với LK, Lil Shady, BigDaddy và Đạt Maniac. Trong đó, LK là rapper góp phần kiến tạo rap Việt, thành công với ca khúc Im lặng. Lil Shady cũng là rapper thuộc lứa cùng thời với LK, còn BigDaddy và Đạt Maniac thuộc thế hệ sau.

Ngoài yếu tố huấn luyện viên, Rap Việt cũng cho thấy một format hoàn toàn mới mẻ và hấp dẫn. Trong khi King of Rap bị đánh giá là theo đuổi hình thức nhàm chán với quy trình: Thí sinh xuất hiện (có thể kể cuộc đời), dự thi, sau đó giám khảo lần lượt nói có đồng ý cho vào vòng trong hay không, một format bị đánh giá là rập khuôn, phổ biến ở nhiều cuộc thi âm nhạc từng lên sóng. Rap Việt còn ấn tượng hơn nữa khi có Trấn Thành trong vai trò người “cầm trịch”, còn ở King of Rap MC vẫn là một ẩn danh.

Song, xét về chất lượng thí sinh, hai cuộc thi được đánh giá là “chưa biết mèo nào cắn mỉu nào”. King of Rap có phần nhỉnh hơn với sự góp mặt của HIEUTHUHAI, Billy, Ngắn, Nhật Hoàng, Sóc Nâu, Dablo… đều là những gương mặt đã được một bộ phận khán giả yêu Rap biết đến. Còn ở Rap Việt đa số là những gương mặt mới, chưa có nhiều kinh nghiệm. Với những gì diễn ra ở tập 1 của cả hai chương trình, có thể thấy King of Rap có dàn thí sinh chất lượng đồng đều và tốt hơn mặt bằng chung của Rap Việt.

Tuy nhiên, “30 chưa phải là tết”, chính vì thế cuộc so tài giữa Rap Việt và King of Rap vẫn còn lâu dài và bất phân thắng bại khi “kẻ chín lạng, người nửa cân”. Hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những màn trình diễn bùng nổ và đỉnh cao nhất, khi những tài năng của làng Rap được thỏa sức đắm chìm trong thế giới âm nhạc đầy quyền lực.

Trên thực tế, để duy trì được sức hút, yếu tố người tham gia, chất lượng các tiết mục vẫn là quan trọng hơn cả. Xét trên mặt bằng chung, hai chương trình đều làm tốt vai trò của mình khi mang đến một “món ăn” mới cho khán giả giữa một “rừng” gameshow giải trí đơn thuần như hiện nay. Đây được xem là sự trỗi dậy mạnh mẽ của nhạc Rap trước thị trường âm nhạc đa dạng hiện nay.

 Nguồn: HỒNG HẠNH – Báo Điện tử Văn hóa

Khen – chê​​​​​​​ với “Ballet Kiều”

VHO- Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM vừa có buổi công diễn Ballet Kiều tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Vở diễn đã tạo được tiếng vang và sự sôi động trong bối cảnh sân khấu đang ở những nốt trầm khi nhận được nhiều luồng ý kiến phản hồi của khán giả và giới nghề. Khen biên đạo đã thổi được luồng sinh khí hiện đại vào ngôn ngữ văn học kinh điển, khen ê kíp đã công phu dàn dựng với nhiều đột phá mới mẻ, nhưng cũng có cả những tiếc nuối khi mong muốn cần có chiều sâu hơn khi đưa một phần “hồn cốt” dân tộc lên sân khấu ballet hiện đại.

 Đây là lần đầu Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du được thể hiện bằng hình thức múa ballet, kịch bản được chuyển thể bởi biên đạo múa Tuyết Minh; biên đạo toàn bộ vở diễn được thực hiện bởi hai nghệ sĩ nổi tiếng của Hà Nội và TP.HCM là Tuyết Minh và Nguyễn Phúc Hùng.

Khen…

Ghi nhận chung từ người làm nghệ thuật, Ballet Kiều thực sự là một vở diễn có nhiều tìm tòi sáng tạo và bứt phá ngoạn mục, đặc biệt trong công tác biên đạo. Sự hòa trộn giữa các thủ pháp, kỹ thuật của múa ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống của Việt Nam, cùng những hiệu ứng từ trang phục, đạo cụ, sân khấu và đặc biệt là nghệ thuật thị giác hiện đại đã tạo nên một tác phẩm múa ấn tượng. Một trong những xử lý thành công và tạo được dấu ấn trong Ballet Kiều đó là sự kết hợp hiệu ứng kỹ thuật trình chiếu nổi 3 chiều ở những phân cảnh múa ballet dưới nước được ghi hình và xử lý rất kỳ công.

Yếu tố nữa khiến Ballet Kiều hấp dẫn chính là nhờ một phần vào sự thể hiện đầy chuyên nghiệp của dàn nghệ sĩ trẻ tài năng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM. Họ đã làm chủ kỹ thuật múa ballet trên giày mũi cứng và thể hiện tốt thần thái cảm xúc của nhân vật. NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã đánh giá cao các nghệ sĩ tham gia, họ đều đang đạt độ chín trong nghề, nhất là với hai nhân vật Tú Bà (Sùng A Lùng) và Đạm Tiên (Kim Tuyền). Nổi bật và tạo được nhiều cảm xúc với khán giả là nhân vật nàng Kiều do NSƯT Trần Hoàng Yến đảm nhận. Có mặt ở hầu hết các trường đoạn, Hoàng Yến đã sử dụng nhiều ngôn ngữ múa khác nhau và thay đổi sắc thái liên tục để thể hiện khá thành công nàng Kiều của sân khấu ballet.

Phần trang trí sân khấu và thiết kế ánh sáng được đầu tư công phu, ê kíp đã tạo hình mỹ thuật và đánh khối bằng ánh sáng để tạo nên không gian cho cảnh diễn, tất cả đều chuyên chở ý đồ sáng tạo chứ không dừng lại ở trang trí cho đẹp và bắt mắt. Bên cạnh đó, khâu thiết kế trang phục cũng là một “điểm cộng” cho vở diễn. NTK Khánh Diệp đã vượt qua được những thách thức về thời gian và văn hóa để lấy cảm hứng từ trang phục áo tứ thân, áo the truyền thống của người Việt nhưng vẫn phải tôn lên được đường nét cơ thể cho vũ công ballet. Xuyên suốt cả vở nhạc kịch là những lớp diễn cực kỳ ấn tượng làm mãn nhãn khán giả như các màn trình diễn đầy thăng hoa trong các cảnh Kiều vào lầu xanh gặp Tú Bà; Kiều với vợ chồng Thúc Sinh; Kiều hạnh phúc với Từ Hải… Chỉ một chiếc chiếu nhưng ba nghệ sĩ trong vai Kiều, Hoạn Thư và Thúc Sinh thỏa sức “tung tẩy” để diễn tả cảnh chồng chung đầy ám ảnh.

… và chê

Tuy nhiên, vẫn có chút tiếc nuối đối với Ballet Kiều. Một đạo diễn sân khấu chia sẻ: “Ghi nhận những sáng tạo về dàn dựng và biên đạo trong Ballet Kiều nhưng chúng tôi đặt ra nhiều kỳ vọng hơn về “chiều sâu” đối với ê kíp sáng tạo khi can đảm dựng một tuyệt tác văn học là Truyện Kiều. Tôi cho rằng, tính thơ và văn chương trong vở kịch múa đã bị mờ nhạt bởi vai trò và ý đồ của biên đạo. Các nhân vật trong Truyện Kiều đều có số phận và tính cách rất điển hình, nhưng Ballet Kiều chưa làm rõ nét được điều này. Thật đáng tiếc khi một trong những nhân vật tiêu biểu của tác phẩm là Hồ Tôn Hiến không được xuất hiện. Từ Hải trong Ballet Kiều cũng không nổi bật được số phận và tính cách. Ai cũng kỳ vọng biên đạo sẽ xử lý cái “chết đứng” của Từ Hải trong múa ballet một cách ấn tượng, nhưng ngược lại, biên đạo đã để Từ Hải chết đầy tính “chiến đấu” trên đống giáo mác”. Hình tượng Từ Hải ăn sâu trong tâm thức và trở thành một phần văn hóa của người Việt, với “râu hùm, hàm én, mày ngài, vai năm tấc rộng thân mười thước cao”, tiếc rằng trong vở kịch múa này, nhân vật chưa tạo ra được khí chất hào kiệt, ngang tàng của vị tướng quân trượng nghĩa.

Một khán giả lớn tuổi sau khi xem Ballet Kiều đã chia sẻ, nếu đứng về góc độ văn học thì theo cá nhân tôi vở Ballet Kiều không mấy liên quan đến Truyện Kiều. Tác phẩm văn học chỉ là cái cớ để cho ê kíp sáng tạo thể hiện quan điểm nghệ thuật và cách dàn dựng của họ. Bước ra khỏi buổi diễn, tôi không thấy cảm thương “nàng Kiều ballet” nhiều như với “nàng Kiều trên giấy”…

“Ở đây không phải chỉ là vấn đề kể lại câu chuyện cuộc đời nàng Kiều mà những người làm nghệ thuật cần khai thác được cái đẹp và cái đau đớn của nàng Kiều để tạo nên sự rung cảm, đồng cảm của khán giả với nhân vật. Bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào thì cách xây dựng hình tượng nhân vật cũng là điều quan trọng nhất, tuy nhiên, với tôi Ballet Kiều chưa làm được điều này như những vở diễn trước đây đã dựng Kiều. Người xem chưa thấy thương Kiều bởi những trầm luân, những trường đoạn khổ ải mà Kiều phải trải qua như trong tác phẩm văn học. Tôi cũng thấy ngôn ngữ múa và âm nhạc vẫn còn đâu đó những chi tiết xử lý chưa nhất quán, nhất là cách xử lý một số lớp mang tính lễ hội không phù hợp lắm với kịch múa”, một nghệ sĩ lâu năm trong ngành múa nhận định.

Những băn khoăn từ khán giả và chính những người làm nghệ thuật đã phần nào lý giải sự thành công và chưa thành công của một vở nhạc kịch được đầu tư kỳ công như Ballet Kiều. Mong rằng, qua những ý kiến phản hồi này, ê kíp sáng tạo sẽ có sự nghiên cứu tìm tòi sâu hơn nữa, tạo nên sự thống nhất hài hòa giữa giá trị tư tưởng và nghệ thuật để có thể “mã hóa” thành công tác phẩm văn chương nổi tiếng như Truyện Kiều. Bởi lẽ ai cũng biết, với ngôn ngữ ballet, thể hiện những chương hồi, số phận và tính cách của các nhân vật trong các tác phẩm văn học kinh điển đã trở thành một phần “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc là điều không hề dễ dàng.

Nguồn: THÚY HIỀN – Báo Điện tử Văn hóa

Phát động Giải báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam”

VHO-Lễ phát động Giải báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam” vừa được tổ chức vào chiều 21.8, tại Nhà Quốc hội, Hà Nội. Đến dự có đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, TTK Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban chỉ đạo Giải; đồng chí Thuận Hữu – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, đồng Trưởng ban chỉ đạo Giải…

Đây là giải báo chí được tổ chức nhằm hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6.1.1946-6.1.2021).

Phát biểu tại lễ phát động, ông Hồ Quang Lợi  – Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam, đồng Trưởng BTC Giải cho biết, Giải báo chí được tổ chức nhằm góp phần nâng cao chất lượng và số lượng tác phẩm báo chí tuyên truyền về đề tài Quốc hội, lồng ghép với việc tuyên truyền thực hiện Hiến pháp năm 2013, ghi nhận thành tựu và rút ra những bài học kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam đạt được trong 75 năm qua. Từ đó khẳng định vị trí, vai trò của Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam.

Lễ phát động Giải báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam”, tổ chức vào chiều 21.8, tại Hà Nội

Cũng theo Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam, giải nhằm ghi nhận, động viên, khen thưởng các nhà báo, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương có tác phẩm báo chí chất lượng tốt về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội…

Về nội dung, các tác phẩm dự Giải báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam” cần phản ánh chính xác, kịp thời, hiệu quả các nội dung như phản ánh, phân tích về quá trình hình thành, phát triển và đổi mới hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và bộ máy giúp việc của Quốc hội.

Nội dung của tác phẩm dự giải cũng phải phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của cử tri và nhân dân tới Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước…

Loại hình báo chí dự Giải gồm báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, ảnh báo chí. Các tác phẩm báo chí đã đăng tải, phát sóng trong thời gian từ 1.1.2016 đến 31.10.2020 trên các báo, đài được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động báo chí.

Đối tượng dự giải là tất cả các nhà báo chuyên nghiệp hoặc không chuyên, các cộng tác viên, thông tin viên của các cơ quan thông tấn, báo chí là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài có tác phẩm báo chí (viết bằng tiếng Việt) phù hợp với nội dung nêu trên và đáp ứng các điều kiện đều có thể gửi bài dự Giải.

Về cơ cấu giải thưởng, giải gồm 5 giải A, mỗi giải trị giá 40 triệu đồng; 10 giải B, mỗi giải trị giá 30 triệu đồng; 15 giải C, mỗi giải 10 triệu đồng và 20 giải khuyến khích, mỗi giải 5 triệu đồng.

TTK Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Giải báo chí nhằm ghi nhận sự đồng hành của báo chí với Quốc hội trong 75 năm qua

Theo TTK – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, đây là Giải báo chí nhằm ghi nhận sự đồng hành của báo chí với Quốc hội trong 75 năm qua. Văn phòng Quốc hội phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam lần thứ 2 tổ chức Giải báo chí, nhằm góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí viết về Quốc hội, phản ánh nguyện vọng, ý chí của cử tri và nhân dân cả nước đến với Quốc hội; ghi nhận và tôn vinh các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về đề tài Quốc hội…

Đồng chí Thuận Hữu – đồng Trưởng Ban chỉ đạo Giải báo chí “75 năm Quốc hội Việt Nam” cho biết, đây là hoạt động ý nghĩa, là đợt sinh hoạt chính trị của báo chí cả nước. Hội nhà báo Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội tổ chức tốt Giải báo chí, đảm bảo giải đạt mục tiêu về chuyên môn, thiết thực, hiệu quả và thực hành tiết kiệm…

Nguồn: THU SÂM; ảnh: XUÂN TRẦN – Báo Điện tử Văn hóa

Chương trình “Sao Độc lập” kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám

VHO – Tối 18.8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra chương trình giao lưu, nghệ thuật đặc biệt “Sao Độc lập” năm 2020. Chương trình do Tạp chí Cộng sản, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9.

Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng các lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương, các bậc lão thành cách mạng.

Chương trình “Sao Độc lập” là hoạt động thường niên có ý nghĩa chính trị tiêu biểu, thể hiện sự tri ân sâu sắc và niềm tự hào về lớp lớp người Việt Nam đã anh dũng hy sinh để giành, giữ nền độc lập cho nước nhà. Tư tưởng và thông điệp xuyên suốt qua nhiều năm của chương trình là tôn vinh Tổ quốc, dân tộc, cùng những giá trị trường tồn, bất diệt của Việt Nam độc lập, tự chủ, đang kiêu hãnh vươn lên trong vị thế và tiềm lực mới.

75 năm đã qua, nhưng cảm xúc về những ngày tháng Tám lịch sử vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Mỗi năm, ngày Tết Độc lập đến như nhắc nhở tất cả thế hệ người Việt Nam nhớ về những giá trị cao đẹp một giai đoạn lịch sử đã góp phần hun đúc thêm truyền thống của một dân tộc ngàn năm văn hiến dựng nước và giữ nước.

Chương trình gồm hai phần: Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta; Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam với những phóng sự phản ánh câu chuyện về nhiều địa phương tiêu biểu trong Cách mạng Tháng Tám; những địa danh có ý nghĩa lịch sử quan trọng, gắn liền với Cách mạng Tháng Tám và ký ức của những cán bộ lão thành cách mạng từng tham gia khởi nghĩa ở các địa bàn đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam; cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội cùng 4 ATK (an toàn khu) của Hà Nội…

Những giai điệu hùng tráng của bài hát Tiến quân ca kết hợp với sự sâu lắng, thành kính của bài hát Ca ngợi Hồ Chủ tịch qua sự thể hiện của nghệ sĩ ưu tú Đăng Dương và hợp ca nam nữ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cùng tốp múa đã mở đầu cho chương trình “Sao Độc lập”.

Giao lưu với các nhân chứng lịch sử tại chương trình

Nhiều tiết mục được dàn dựng công phu, đặc sắc, thể hiện bởi Nghệ sĩ ưu tú Đăng Dương và các ca sĩ: Trọng Tấn, Lan Anh, Tiến Hưng, Thu Thủy, Cát Tiên… đã để lại ấn tượng sâu sắc cho khán giả, như: Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Bắc Sơn, Phất cờ Nam tiến, Cảm tử quân, Du kích sông Thao, Mười chín tháng Tám, Tự nguyện, Đất nước, Tổ quốc, Việt Nam tôi, Rạng rỡ Việt Nam…

Điểm nhấn trong chương trình là phần giao lưu xúc động với các nhân chứng lịch sử, lão thành cách mạng, giúp người xem hiểu sâu sắc hơn về mùa thu cách mạng 75 năm trước cả dân tộc sát cánh vùng lên giành chính quyền.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tặng quà tri ân cho các lão thành cách mạng

Nhân dịp này, Ban tổ chức cũng trao tặng nhiều phần quà tri ân tới đồng chí các lão thành cách mạng đã dành trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, cùng dân tộc làm nên Cách mạng Tháng Tám vẻ vang.

Nguồn: MẠNH TRUNG; ảnh: MINH THÀNH – Báo Điện tử Văn hóa

Hài hại não: Series hài độc lạ trên truyền hình

VHO- Từ tháng 9 tới, series Hài hại não, dự án phim hài do VTVcab đầu tư sản xuất sẽ chính thức ra mắt khán giả trên ứng dụng Onme, VTVcab ON và các kênh truyền hình của VTVcab.

Hài hại não là series phim hài 100 tập được xây dựng trên ý tưởng phản ánh những vấn đề của đời sống hiện đại, dưới góc nhìn hài hước qua lăng kính dân gian, giàu bản sắc dân tộc Việt.

Đoàn làm phim Hài hại não quy tụ nhiều diễn viên gạo cội làng hài phía Bắc

Khác biệt với phim hài khác, Hài hại não lấy bối cảnh nông thôn Việt Nam xưa, đưa khán giả trở về với những câu chuyện dân gian, gặp lại những nhân vật như Phú Ông, Thằng Bờm, Thị Hến, Thầy Xã, Thầy Huyện, Thằng Nô…. Bức tranh xã hội sinh động ấy trở nên độc đáo bởi sự xuất hiện của các chi tiết hiện đại như Phú Ông công nghệ, Thằng Bờm sử dụng smartphone, shipper thời phi ngựa… tạo nên “món ăn” vừa lạ, vừa quen, khiến khán giả cảm thấy thích thú và luôn chờ đợi.

Đạo diễn Nguyễn Lớp cho biết nhận được sự hỗ trợ tích cực từ những nghệ sĩ gạo cội, nhất là trong mảng hài dân gian

Mỗi tập phim là một câu chuyện, một tình huống hài hước xoay quanh các mối quan hệ trong xã hội như cha mẹ và con cái, vợ chồng, thầy trò, láng giềng… Thời lượng 10 phút cho một tập phim đủ để khán giả có quãng thời gian thư giãn thú vị với các tình tiết cô đọng, kết cấu chặt chẽ và kết thúc bất ngờ đến “hại não”. Từ đó, người xem cũng như nhân vật phải suy ngẫm và tìm ra câu trả lời cho từng tình huống. Hài hại não không phải là tiếng cười cơ học lướt qua, đọng lại thoáng chốc mà là tiếng cười sâu sắc. Ở đó tiếng cười là phương tiện chính thực hiện chức năng châm biếm, đả kích những hiện tượng đáng phê phá. Tiếng cười đem lại sự sảng khoái, lạc quan giúp tránh xa thói hư tật xấu, hướng tới những điều tốt đẹp trong xã hội.

NSƯT Tiến Quang sẽ góp mặt trong series hài lần này
Diễn viên Thanh Hương là gương mặt được khán giả truyền hình yêu thích trong suốt thời gian qua

Hài hại não quy tụ dàn diễn viên gạo cội của làng hài miền Bắc như NSND Quốc Anh, NSND Minh Hằng, NSƯT Tiến Quang, NSƯT Đới Quân, nghệ sĩ Giang Còi, nghệ sĩ Trà My, diễn viên Mạnh Quân, Anh Đức, Mai Long, Thanh Hương cùng nhiều gương mặt trẻ đang được khán giả mến mộ. Giữ vai trò đạo diễn series Hài hại não là đạo diễn Nguyễn Lớp , đạo diễn trẻ có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất phim hài đặc sắc.

Nguồn: ĐÌNH TOÁN – Báo Điện tử Văn hóa

75 năm CM Tháng 8: Ký ức những ngày Hà Nội sục sôi

VHO- Mùa thu lịch sử 75 năm trước, Thành phố Hà Nội sục sôi khí thế cách mạng tiến lên giành chính quyền sau hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật.

Ngày 19.8.1945, sau cuộc mít tinh tại Quảng trường Nhà hát lớn, quần chúng nhân dân Thủ đô đã đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của chính quyền tay sai Pháp ở Bắc Bộ. Ảnh: TTXVN

Mùa thu lịch sử 75 năm trước, Thành phố Hà Nội sục sôi khí thế cách mạng tiến lên giành chính quyền sau hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Để có ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong bình yên không đổ máu, Đảng ta đã có 15 năm gây dựng, chuẩn bị lực lượng, bí mật, kiên trì đấu tranh không khoan nhượng.

Thời gian đó, đã có 4 lãnh tụ của Đảng cùng biết bao chiến sỹ cách mạng bị bắt, bị tra tấn, tù đày, hy sinh để dồn lực cho hơn 10 ngày toàn dân đứng dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Đến nay, ký ức hào hùng về một mùa thu lịch sử, vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm của những người trong cuộc dù tuổi đã rất cao.

Đã xấp xỉ 100 tuổi, nhưng Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, nguyên Phó Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô chưa khi nào quên câu chuyện 75 năm trước. Theo ông, để có được thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa mùa thu 1945, Đảng ta đã chuẩn bị lực lượng vũ trang từ rất sớm. Bản thân là người gia nhập Đội danh dự tiễu trừ gian của Việt Minh thành Hoàng Diệu từ những ngày đầu thành lập, ông đã nhiều lần thực hiện thành công nhiệm vụ tiễu trừ tay sai, thực dân nguy hiểm. Trong đó không thể không nhắc tới vụ tiễu trừ viên quan năm ác ôn của Nhật năm 1944.

Cùng với việc thành lập các lực lượng vũ trang cách mạng, năm 1944, Đảng ta đã thành lập đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Đội đã thu hút đông đảo thanh, thiếu niên Hà Nội tham gia. Dù phải hoạt động tuyên truyền bí mật, nhưng được nhân dân ủng hộ, bao bọc nên việc tuyên truyền, vận động có nhiều thuận lợi.

Vợ chồng Đại tá Nguyễn Trọng Hàm thời trẻ. Ảnh: Báo QĐND

Cụ Nguyễn Thị Thành Nhân, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, cựu thành viên Đội thanh niên cứu quốc Thành Hoàng Diệu nhớ lại, lúc đó cụ được vào Đội tuyên truyền, đi phát tờ rơi, truyền đơn, vận động đồng bào.

“Tôi đến đưa đồng bào từ Phú Thượng sang sông, ra các vùng ngoài. Tối đến, cho truyền đơn vào trong chai, đục thủng đáy chai ra, ném vào chỗ tòa báo Nhân dân bây giờ chỗ Hàng Trống. Các chị lớn tuổi hơn thì bắc loa lên gác nói tiếng Pháp, vận động binh lính Pháp đầu hàng”- cụ Nguyễn Thị Thành Nhân nói.

Khí thế cách mạng giành chính quyền càng mạnh mẽ hơn lúc nào hết khi Nhật đầu hàng đồng minh, Ủy ban khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh nhanh chóng được thành lập giữa tháng Tám. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa, ngày 17 tháng 8, các đội viên Đội Tuyên truyền Giải phóng quân đã cướp diễn đàn cuộc mitting của Tổng hội viên chức tại Nhà hát lớn, hạ cờ Chính phủ bù nhìn, giơ cao cờ đỏ sao vàng và hô to khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”.

Nắm chắc thời cơ, ngay tối hôm đó, Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội họp khẩn. Đại tướng Nguyễn Quyết khi đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội, ủy viên Ủy ban quân sự cách mạng Hà Nội kể lại, cuộc họp khẩn với những phân tích nảy lửa giữa một bên quan điểm làm cách mạng vũ trang, một bên quan điểm làm cách mạng chính trị. Với những phân tích khoa học, xác đáng về tình hình suy yếu và tinh thần rệu rã của địch, tới gần sáng ngày 19.8 cuộc họp mới đạt được sự nhất trí về biện pháp. Đó là tiến hành khởi nghĩa phi vũ trang, dùng lực lượng quần chúng hùng mạnh để đàn áp địch.

Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết, làm cách mạng tháng 8 ở Hà Nội, cái khó nhất là đấu tranh nội bộ. Cả tối ngày 17.8, cuộc họp bàn rất căng thẳng, cách mạng có đường lối đúng, nhưng cách mạng phải có tổ chức thực hiện đúng.

“Theo Trung ương nói bây giờ phải đổi mới, sáng tạo phải táo bạo. Và Hà Nội thực hiện sáng tạo về xây dựng lực lượng, sáng tạo về hình thức đấu tranh, không theo phương thức cũ, phải theo phương thức chính trị, dùng chính trị dùng chính trị ngoại giao để giải quyết”- Đại tướng Nguyễn Quyết chia sẻ thêm.

Đại tướng Nguyễn Quyết. Ảnh: Báo Nhân Dân

Với tinh thần khẩn trương, từ sáng sớm ngày 19/8 khắp các khu vực tại Hà Nội, các lực lượng cách mạng lãnh đạo nhân dân biểu dương lực lượng giành chính quyền. Hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận với cờ đỏ sao vàng theo các ngả đường đổ về Nhà hát Lớn.

Ông Vũ Gia Hanh, quận Thanh Xuân, Hà Nội khi đó được giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn biểu tình làng Giáp Nhất với khí thế cách mạng sục sôi bồi hồi nhớ lại: “Lúc bấy giờ dân chúng đã tụ họp đông đảo, hô khẩu hiệu vang trời: “đả đảo chính quyền tay sai”, “ủng hộ Việt Minh” , đi ra cướp chính quyền ở làng Quan Nhân, làng Chính Kinh, rồi ra đến Thượng đình thì họp lại với đoàn biểu tình ở làng Thượng Đình đến, kéo ra Ngã Tư Sở và đi ra để cướp chính quyền ở huyện Hoàn Long. Đi đường chúng tôi hát: “Anh em trong đoàn quân du kích cùng vác súng lên nào. Đi lên, xung phong, ta hiệp cùng dân chúng, cướp lấy phần chiến thắng giải phóng giống nòi.”

Các đoàn biểu tình hợp lại tại Nhà hát lớn và tại đây đã diễn ra cuộc Mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng và lệnh Tổng khởi nghĩa được phát đi từ đây. Ngay sau đó rừng cờ đỏ sao vàng cuộn sóng, đi tới đâu bộ máy chính quyền thực dân tay sai tan rã tới đó. Khởi nghĩa tháng 8 ở Hà Nội thành công đã mở đường cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra đồng loạt ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Cách mạng tháng 8 thành công đã đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến thành một nước độc lập, đưa Đảng ta từ hoạt động bí mật ra hoạt động công khai, mở ra bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc, đánh đuổi đế quốc xâm lược giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Còn với những nhân chứng lịch sử hiếm hoi còn lại, đây còn là những tháng ngày vinh quang, phá bỏ xiềng xích trong cả cuộc đời làm cách mạng đầy gian khó.

VOV.VN

Làng nhạc Việt lại lao đao

VHO- Hàng loạt show bị hủy ngay trước thời điểm biểu diễn khi khâu tổ chức đã sẵn sàng; một số đơn vị lùi thời gian tổ chức hoặc chuyển sang hình thức biểu diễn trực tuyến; nhiều nghệ sĩ chung tay thực hiện chương trình mang ý nghĩa cộng đồng… là những diễn biến mới nhất của showbiz Việt trong đợt tái bùng phát dịch Covid-19.

Hủy, hoãn show đồng nghĩa với thiệt hại về tiền bạc, công sức nhưng những đơn vị tổ chức sự kiện cùng các nghệ sĩ đều thống nhất phương án đảm bảo sức khoẻ cũng như sự an toàn tuyệt đối cho khán giả và khách mời tham dự.

Hủy show vào phút chót

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng thông báo hủy buổi gặp gỡ người hâm mộ tại miền Trung. Anh viết trên trang cá nhân: “Tình hình Covid-19 tại Đà Nẵng đang là vấn đề của toàn xã hội. Vì vậy, chúng ta phải làm gương trước. Hưng và các fan đồng lòng hủy buổi họp tại miền Trung, hẹn một dịp khác tái ngộ. Hưng cũng tự xin hủy hai sự kiện ở đó luôn”.

Noo Phước Thịnh cũng phải hủy nhiều show ở Đà Nẵng, những sự kiện và các show diễn ở quán bar đều ngừng vô thời hạn. Ca sĩ Lê Hiếu huỷ 3 show tại Đà Nẵng và một show tại Hội An. Ca sĩ Thái Trinh hủy minishow quảng bá album Trinh Acoustic tại Đà Nẵng. Châu Khải Phong cũng phải hủy 5 show diễn tại miền Trung. Dự định tổ chức sự kiện lớn tại TP.HCM biểu diễn live ca khúc mới Chắc có yêu là đây, song ca sĩ Sơn Tùng M-TP phải chuyển đổi chương trình sang hình thức trực tuyến vì sự an toàn của khán giả.

Show ca nhạc V-heartbeat trước đó cũng quyết định tổ chức trình diễn qua các phương tiện mạng xã hội. “Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thực hiện theo công văn số 2869 của UBND TP.HCM, chương trình V-Heartbeat July Music Show sẽ diễn ra mà không có sự tham gia của fan. Vlive rất tiếc phải thông báo điều này và hy vọng nhận được sự thông cảm của các bạn V-Fans”, đơn vị tổ chức thông tin.

Buổi giới thiệu ca sĩ Phùng Khánh Linh chính thức trở thành nghệ sĩ độc quyền đầu tiên của Universal Music Vietnam và Hãng đĩa Thời Đại cũng phải hủy vì Covid-19. Theo đó, MV Thế giới không anh của nữ ca sĩ cũng không được giới thiệu với người hâm mộ đúng hẹn. Đại diện Hãng đĩa Thời Đại cho hay, đơn vị tổ chức đã tính đến phương án họp báo giãn cách như một số nước trên thế giới nhưng sau đó cũng không thể thực hiện được.

Tại Hà Nội, các nhà tổ chức cũng tính toán phương án hoãn các sự kiện ca nhạc dự kiến diễn ra vào tháng 8 và tháng 9 như: Liveshow Mùa thu cho em (Nhà hát Galaxy 87 Láng Hạ), đêm nhạc Áo lụa Hà Đông (ngày 16.8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội), Liveconcert Tình ca 19.9 cũng tại Nhà hát Lớn Hà Nội…

Thích nghi và lạc quan tiếp sức vùng tâm dịch

Gác lại những sự kiện và dự định trước đó, đông đảo nghệ sĩ Việt đã lập tức lên kế hoạch thực hiện những việc làm có ý nghĩa tích cực, tiếp sức cho người dân vượt qua dịch Covid-19.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã kêu gọi các nghệ sĩ cùng thực hiện một chương trình âm nhạc trực tuyến để gây quỹ ủng hộ Quảng Nam – Đà Nẵng trong công tác chống dịch. Anh chia sẻ: “Dịch Covid-19 đang gây ra nhiều khó khăn, mất mát cho quê hương Quảng Nam – Đà Nẵng trong những ngày qua, hơn bao giờ hết, những người con xa xứ luôn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn, trăn trở với niềm canh cánh mình sẽ làm được gì cho người dân và đồng bào mình. Từ những anh chị em nghệ sĩ mang trong mình dòng máu xứ Quảng, Đà Nẵng, chúng tôi xin được cùng nắm chặt tay nhau để hội tụ trong một show livestream xuyên biên giới, từ Nam ra Bắc, về Đà Nẵng, Quảng Nam, kết nối với người con phương xa ở nước ngoài. Các nghệ sĩ sẽ ở nhà của mình ở hai đầu đất nước nhưng vẫn góp mặt bằng công nghệ hình ảnh, kết nối thông tin, lan tỏa tiếng nói của mình…”.

Sự kiện của đạo diễn Hoàng Nhật Nam đã nhận được sự hưởng ứng chung tay của hơn 40 nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, hoa hậu như: Bằng Kiều, Đàm Vĩnh Hưng, Trần Quang Hào, Nam Cường, Kasim Hoàng Vũ, Dương Triệu Vũ, Công Trí, Trần Tiểu Vy, Tố My, Thanh Hà, Trương Diệu Ngọc… “Tôi mong danh sách sẽ kéo dài thêm để vòng tay được nối rộng, sức mạnh thêm vững chắc, lan tỏa một tiếng nói, một sức ảnh hưởng, một hơi ấm từ trái tim để cuối cùng kêu gọi được nhiều và thật nhiều sự đóng góp tài lực, vật lực, tinh thần lực cho Đà Nẵng, Quảng Nam thân yêu”, đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ.

Các nhạc sĩ – ca sĩ cũng sáng tác và thực hiện nhiều ca khúc để ủng hộ về mặt tinh thần tri ân đội ngũ y bác sĩ và lực lượng vũ trang đang trực tiếp đương đầu với dịch bệnh, như: Khả Ngân viết lại lời ca khúc Nhịp tim (Châu Nguyễn sáng tác), đặt tên mới là 97 triệu; ca sĩ Phương Thanh cũng đã bắt tay vào thu âm ca khúc Đà Nẵng ngày bão giông; Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường viết lời mới cho Hoa nở không màu, bản hit của Hoài Lâm, để tuyên truyền phòng chống Covid-19…

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng đã có một dự án âm nhạc thiết thực bày tỏ sự tri ân đến đội ngũ y bác sĩ, đó là ca khúc Ngày mai lại tươi sáng dành cho cộng đồng, lồng ghép vào đó là tinh thần quyết thắng hướng về miền Trung. Thông qua ca khúc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung kêu gọi sự quyên góp từ các nghệ sĩ trên khắp mọi miền đất nước. Khi đến thu âm, mỗi nghệ sĩ sẽ đóng góp ít nhất 500.000 đồng (tương đương với 11 bộ quần áo bảo hộ y tế) dành tặng cho các y bác sĩ sử dụng.

Trong lúc này, sự chung tay góp sức của các nghệ sĩ có ý nghĩa rất lớn để lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa những thông điệp về phòng, chống dịch và tình người ấm áp để cùng nhau chung sức vượt qua dịch bệnh.

Nguồn: HẠNH AN – Báo Điện tử Văn hóa

24 Tháng Tám 2020 Mẫu nhí chào sân với bộ ảnh Sắc màu rẻo cao

VHO- Bộ ảnh mới mang tên Sắc màu rẻo cao như một lời “chào sân” đầy ấn tượng của mẫu nhí Trần Linda.

Trần Linda nhanh chóng gây chú ý  khi bước chân vào làng thời trang. Mẫu nhí đến từ xứ Nghệ có sắc vóc xinh đẹp với những đường nét thanh tú. Hoạt động người mẫu một thời gian, Linda để lại ấn tượng với nhiều nhà mốt bởi khả năng catwalk điêu luyện cùng phong thái chụp hình chuẩn sao.

Mới đây, nàng mẫu 11 tuổi xuất sắc trở thành gương mặt đại diện của thương hiệu thời trang trẻ em Đắc Ngọc Designer House. Trở thành hình ảnh đại diện, mẫu nhí Trần Linda thể hiện sự chuyên nghiệp trong cách làm việc để mang đến những sản phẩm tốt nhất.

Bộ ảnh Sắc màu rẻo cao là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của “mỹ nhân nhí”. Linda khoác lên mình bộ áo dài cách tân được cắt may tỉ mỉ, độc đáo. Lựa chọn 2 tone màu hồng – trắng làm chủ đạo cùng chất vải đũi cao cấp, bộ áo dài được thiết kế với form dáng đẹp, lạ mắt.

Ngoài điểm nhấn với phần vai kết cấu, cổ tay áo cách điệu, bộ áo dài còn mix với chiếc quần nhiều tầng lạ mắt. Sự kết hợp phá cách này mang đến màu sắc hiện đại nhưng không làm mất đi bản sắc vốn có của tà áo dài truyền thống.

Khoác lên mình bộ sưu tập mới nhất của Đắc Ngọc Designer House, mẫu nhí Linda tự tin, khoe vẻ rạng ngời thu hút mọi ánh nhìn. Mọi biểu cảm từ gương mặt, ánh mắt đến đôi môi của “thiên thần nhí” đều ấn tượng và chuyên nghiệp không thua kém gì những người mẫu đàn chị.

Bên cạnh sự nổi bật trong cách tạo dáng chụp hình, mẫu nhí 11 tuổi còn tạo ấn tượng với loạt thành tích khi hoạt động nghệ thuật: lọt top 29 Siêu sao mẫu nhí Việt Nam – cup Siêu mẫu nhí Quốc tế tài năng 2019 và góp mặt trong nhiều show lớn nhỏ: Giấc mộng đêm hè (tổ chức tại Vinh), Việt Nam Kid Fashion Tour cả năm 2019, Tuần lễ thời trang ở Hải Phòng, Ninh Bình, show Pink Jouney 2 (Vinh)…

Mẫu nhí xinh đẹp, tài năng này được kì vọng sẽ là gương mặt sáng giá của làng thời trang tương lai. Hiện tại, Trần Linda vẫn ngày một trau dồi, hoàn thiện mọi kỹ năng để theo đuổi đam mê người mẫu của mình.

Nguồn: MINH NGỌC – Báo Điện tử Văn hóa