Nghệ thuật biểu diễn trước “ Cơn bão Covid-19”: Sẽ có gói hỗ trợ kích cầu

VHO- Điêu đứng nửa năm trời vì Covid-19, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn đang nỗ lực khắc phục khó khăn để kéo khán giả quay lại rạp hát, thì vào thời điểm này, họ lại lao đao khi nhận hàng loạt những thông báo dừng hợp đồng bởi dịch bệnh tiếp tục bùng phát…

Khán giả hào hứng đến xem chương trình “Biển đảo là quê hương” của Liên đoàn Xiếc VN

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) đã kịp thời đưa ra gói kích cầu để trợ lực cho nghệ thuật vượt “bão Covid-19”…

Hợp đồng biểu diễn đổ liểng xiểng…

Thời gian vừa qua, mười hai Nhà hát, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ VHTTDL đồng loạt triển khai các chương trình nghệ thuật chất lượng cao để phục vụ khán giả sau Covid-19, nhưng diễn biến phức tạp của dịch trong những ngày này đã khiến không khí hào hứng ấy bị ngưng lại. 150 nghệ sĩ, cán bộ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đang dốc sức để thực hiện tour diễn vở ballet Hồ thiên nga với lịch trình đã lên sẵn: 23.8 diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, 26.8 diễn một tuần tại Festival Huế 2020, 29 và 30.8 diễn tại Đà Nẵng, tiếp đến sẽ là TP.HCM… NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN chia sẻ: “Hồ thiên nga có sự tham gia của 80 nghệ sĩ và 60 nhạc công, chưa kể các bộ phận kỹ thuật đi kèm từ âm thanh, ánh sáng, phục trang, hậu đài… 2 tháng nay các nghệ sĩ của Nhà hát đã liên tục tập luyện và mong chờ được biểu diễn theo kế hoạch của Bộ. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh diễn biến như thế này thì chắc chắn sẽ bị đình lại không biết đến bao giờ, như vậy đồng nghĩa với việc chúng tôi đang phải nhờ cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ kinh phí như các đơn vị nghệ thuật khác… ”.

Tương tự, Giám đốc Nhà hát Tuồng VN Phạm Ngọc Tuấn cũng lo lắng cho biết: “Mới nghe thông tin Đà Nẵng có các trường hợp dương tính với Covid-19 lập tức các đối tác hủy hết các show vì sợ bị ảnh hưởng”. Còn Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, NSƯT Chí Trung cho biết Nhà hát cũng phải dừng gói truyền thông và kích hoạt cho Tháng kỷ niệm 32 năm ngày mất của tác giả Lưu Quang Vũ vào tháng 8 này; buổi diễn ngày 1.8 đã bán hết vé thì khách liên tiếp điện thoại đòi hoãn. Nhà hát Chèo VN vừa nhận hợp đồng biểu diễn tại Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình… giờ đang hồi hộp chờ đợi tình hình dịch bệnh diễn biến ra sao mới được đối tác cho tổ chức. Ngay cả các hoạt động do Cục Nghệ thuật biểu diễn dự định sẽ tổ chức như Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Tuồng, Dân ca toàn quốc tại Bình Định dự định vào 14.8 và một số chương trình nghệ thuật của Bộ cũng đã đình lại.

Nhà hát Ca múa nhạc VN thì “éo le” hơn cả, chiều 29.7, đội quân của Nhà hát đổ bộ xuống Hải Phòng để dựng sân khấu phục vụ chương trình biểu diễn theo hợp đồng với Quân chủng Hải không vào tối 30.7 thì nhận được thông báo ngừng lại. Nhà hát là đơn vị tự chủ về ngân sách, vừa “gỡ gạc” được vài buổi biểu diễn sau 4 tháng liên tục “tối đèn” thì giờ lại đang ở thế không biết làm sao để trụ nổi với đủ các khoản tiền bảo hiểm, lương, thuế thu nhập… của gần 150 con người.

Khán giả là thước đo quan trọng cho tác phẩm nghệ thuật (Chương trình biểu diễn phục vụ thiếu nhi của Nhà hát Tuổi Trẻ nhân dịp Quốc tế thiếu nhi 1.6.2020

Áp dụng công nghệ điện tử cho nghệ thuật biểu diễn

Trao đổi với Văn Hóa, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp là một hoạt động mang tính chất đông người, cơ quan quản lý nhà nước rất thấu hiểu tình cảnh mà các nhà hát đang gặp phải và sẽ có các biện pháp hỗ trợ. Vừa qua, gói kích cầu các chương trình nghệ thuật chất lượng cao để phục vụ khán giả sau đại dịch Covid-19 đã triển khai rất hiệu quả, Cục sẽ khởi động kế hoạch áp dụng công nghệ điện tử nếu tổ chức biểu diễn nghệ thuật không thể diễn ra tại rạp hát bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Việc này mang tính toàn cầu nhưng không có nguồn thu ngay nên sẽ có gói hỗ trợ kích cầu từ Nhà nước”.

Cũng theo quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, khi đã áp dụng và đầu tư công nghệ thì khán giả sẽ được xem đi xem lại những sản phẩm nghệ thuật mà mình yêu thích. Chính vì thế, các chương trình nghệ thuật sẽ phải làm thật kỹ lưỡng, công phu và chất lượng. Giá trị nghệ thuật cũng sẽ được đo bằng tính hấp dẫn khán giả. Nếu nghệ thuật không chịu thay đổi tư duy, cứ làm theo lối mòn cũ kỹ thì vô hình trung sẽ đưa tới tác dụng ngược lại. Cục sẽ cùng các đơn vị nghệ thuật thẩm định sản phẩm trước khi giới thiệu công khai trên mạng xã hội và các kênh truyền thông.

Chưa bao giờ thị trường biểu diễn lại bất an như bây giờ. Các chương trình đều phải hủy hoặc lùi vô thời hạn, đời sống của nghệ sĩ lao đao, nhưng các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ vẫn quyết tâm “thai nghén”, sáng tạo những tác phẩm và hình thức biểu diễn mới… Việc tạm dừng, hoãn các chương trình nghệ thuật biểu diễn cũng là trách nhiệm công dân của những người làm nghệ thuật. Tuy nhiên, việc “buông rèm” ngủ đông bất đắc dĩ khiến họ phải đối diện với vấn đề hóc búa, đó là giải quyết thu nhập cho người lao động, mà hầu hết các đơn vị đều chưa có giải pháp khả thi…

 Nguồn: THÚY HIỀN – Báo Điện tử Văn hóa

Quảng Ninh hè này có gì hot?

VHO- Quảng Ninh hè này đang hot rần rần với hàng loạt trải nghiệm mới mẻ, sôi động, vui quên lối về mà có đi vài ngày cũng chưa khám phá hết. Cùng điểm danh top những trải nghiệm đáng thử nhất khi đến với “thiên đường giải trí số 1 miền Bắc” nào!

Những bãi biển đẹp thần sầu

Không chỉ nổi danh với di sản Vịnh Hạ Long nức tiếng, Quảng Ninh còn có những bãi biển đẹp như mộng. Trong đó, biển Quan Lạn nổi danh là bãi biển đẹp và hoang sơ nhất với màu nước xanh lam và bờ cát trắng mịn không thua kém bất cứ bãi biển thơ mộng nào ở miền Trung hay miền Nam. Biển Minh Châu lại quyến rũ bởi vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình, cùng màu nước trong như ngọc, lấp lánh mê hồn.

Còn ngay tại thành phố Hạ Long náo nhiệt, nhất định không thể bỏ qua Bãi Cháy – bãi tắm nằm sát bên Vịnh Hạ Long, nổi tiếng với cát trắng mịn, những rặng dừa xanh mát, xa xa là cây cầu Bãi Cháy ấn tượng. Điểm cộng cực cool là khu vực này trang bị rất nhiều dịch vụ tiện ích như: mạng wifi miễn phí, hệ thống tắm tráng tiện nghi. Bên cạnh đó còn có Ocean Bar phục vụ đồ ăn nhanh và đồ uống… tạo nên một tổ hợp du lịch sôi động đầy hứng khởi.
Ngoài ra, bãi Titop trong Vịnh Hạ Long, biển Cô Tô với bãi Hồng Vàn, Vàn Chảy cát trắng phau, nước biển trong vắt, êm ả tựa mặt hồ hay biển Trà Cổ – Móng Cái cũng là những bãi biển đẹp lãng mạn nổi tiếng, mỗi bãi biển lại được thiên nhiên ban tặng những ưu ái đặc biệt riêng mà bạn cần lên danh sách để đi cho kỳ hết.

Những làng chài đẹp như tranh vẽ 

Giữa cảnh sắc thiên nhiên huyền ảo kỳ vĩ của miền đất di sản, trên mặt nước xanh ngắt bồng bềnh, các làng chài truyền thống Quảng Ninh hiện ra như một bức tranh đơn sơ mà tuyệt đẹp. Sẽ là những trải nghiệm khó quên khi được chèo thuyền, giăng lưới, thả câu bắt tôm cá như dân miền biển thứ thiệt… Vậy nên, các làng chài truyền thống đã trở thành một trong những trải nghiệm đặc sắc đáng thử nhất trên hành trình khám phá Quảng Ninh đầy màu sắc.

Phá đảo thiên đường giải trí Sun World Ha Long Complex

Từ khi ra đời, khu vui chơi rộng tới 214 ha nằm ngay sát vịnh Hạ Long đã thu hút hàng triệu du khách mỗi năm, mở ra một thế giới giải trí hoành tráng và đặc sắc.

Sau chuyến du ngoạn trên cao, ngắm Vịnh Hạ Long thơ mộng từ cabin có sức chứa lớn nhất thế giới, tới 230 người/cabin của cáp treo Nữ hoàng, bạn sẽ đặt chân tới khu vui chơi Sun World Ha Long Complex. Hãy sắp xếp thời gian thật hợp lý để trải nghiệm hết những trò chơi độc đáo nhất của tổ hợp giải trí khủng này với hai công viên hoành tráng: Công viên chủ đề lớn nhất Đông Nam Á Dragon Park và công viên nước lớn nhất Đông Nam Á Typhoon Water Park.

Đây cũng là thời điểm tuyệt hơn bao giờ để trải nghiệm thiên đường giải trí này, khi Sun World Halong Complex đang chào hè bằng hai combo cực hấp dẫn: combo Dragon Park và Typhoon Water Park giá 500k (giảm 150k so với mua vé lẻ từng công viên), và combo All-in-one trải nghiệm cáp treo Nữ hoàng – Dragon Park – Typhoon Water Park giá 600k (giảm tới 400k so với mua vé lẻ từng công viên), áp dụng từ 12.6.2020 đến 31.8.2020.

Thưởng thức hải sản tươi ngon quên lối về

Quảng Ninh vốn nổi tiếng với hải sản tươi ngon và phong phú. Hãy dắt túi những quán hải sản được “tín nhiệm” nhất để được thưởng thức muôn vàn món ngon vùng biển nhé. Quán bình dân thì bạn có thể ghé Thành Thúy ở khu chợ Vườn Đào, Quảng Sam tại Vân Đồn, Hồng Hạnh tại Hạ Long,… Sang hơn thì có nhà hàng Cua Vàng, Phương Nam Hạ Long…

Nói đến đặc sản ốc, thì Ốc gật gù, ốc cô Lưu, ốc Sơn béo, ốc Nàng dâu… là những quán chuẩn ngon bổ rẻ cho các tín đồ của ẩm thực Quảng Ninh.

Nghỉ dưỡng sang chảnh tại loạt resort mới siêu hot

Đất mỏ giờ đây hội tụ một loạt khu nghỉ dưỡng đẳng cấp mới cực kỳ đáng trải nghiệm. Ngay sát Vịnh Hạ Long huyền thoại là Premier Village Ha Long Bay Resort, khu villa với hồ bơi lớn nhất khu vực. Khu nghỉ dưỡng có gam màu trắng tinh tế, thanh lịch cùng tiện ích đẳng cấp này đặc biệt thích hợp cho các gia đình và nhóm bạn nghỉ dưỡng cuối tuần.

Và không thể không nhắc đến điểm đến đang gây sốt trong giới dịch chuyển – Yoko Onsen Quang Hanh, khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng chuẩn Nhật tại Cẩm Phả. Thư giãn trong bầu không gian kiến trúc đậm chất Phù Tang và tận hưởng nguồn suối khoáng quý giá trời ban cho vùng núi Quang Hanh, mọi mỏi mệt căng thẳng dường như tan biến. Tắm khoáng onsen rất có lợi cho sức khỏe, giúp thư giãn thần kinh, phục hồi nhanh các chức năng cơ, khớp, bởi vậy đặc biệt tốt cho phụ nữ, người già, đặc biệt là người lao động căng thẳng.

Một điểm cộng của Yoko Onsen Quang Hanh đó là thích hợp trải nghiệm cả hè lẫn đông. Các gia đình và nhóm bạn có thể thường xuyên đến tắm khoáng và trải nghiệm dịch vụ onsen chuẩn Nhật để được hưởng những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe.

Giao thông hiện nay cũng rất thuận lợi để bạn trải nghiệm một tour vui chơi hết mình tại Quảng Ninh. Nếu đi từ Hà Nội, bạn chỉ mất 2 tiếng đi ô tô. Còn du khách từ các tỉnh tỉnh miền Trung, miền Nam có thể đi bằng máy bay qua sân bay Vân Đồn. Đây là thời điểm tuyệt vời hơn bao giờ hết để khám phá nghìn trải nghiệm tại Quảng Ninh, bởi giá vé các hãng qua sân bay Vân Đồn đang ưu đãi cũng vô cùng hấp dẫn: chỉ 18.000 đồng/ chặng đối với hãng Vietjet Air và 199.000 đồng/ chặng với Vietnam Airlines (chưa bao gồm thuế phí). Thêm vào đó, hành khách bay đi và đến qua sân bay Vân Đồn sẽ được giảm 50% vé tham quan Sun World Halong Complex, giảm giá vé trải nghiệm khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh… cùng nhiều ưu đãi đặc quyền khác.

Cả ngàn trải nghiệm siêu hấp dẫn, mới mẻ và nhiều ưu đãi hơn bao giờ hết, quá nhiều lý do để Quảng Ninh trở thành điểm đến siêu hot hè này.

54936anh-2-Du-lịch-Hạ-Long

“Những lá thư ba mẹ dành cho con – Bao giờ cho hết yêu thương?”

VHO – Trong khuôn khổ “Hội sách thiếu nhi TP.HCM lần II năm 2020” chủ đề “Mở trang sách – Vẽ ước mơ” diễn ra từ ngày 17-26.7, NXB Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM vừa tổ chức buổi gặp gỡ và trò chuyện cùng bác sĩ – nhạc sĩ Vũ Minh Đức với chủ đề: “Những lá thư ba mẹ dành cho con – Bao giờ cho hết yêu thương?” tại Đường Sách TP.HCM.

Tâm sự cùng con qua những lá thư cũng là phương cách giáo dục tuy mềm mỏng và tình cảm nhưng cũng đầy ý nhị. Yêu thương không đo lường bằng sự chiều chuộng vô điều kiện, bởi có rất nhiều cách để bày tỏ yêu thương như nhẹ nhàng mềm mỏng hoặc ẩn nấp sau sự nghiêm khắc, khó tính. Yêu thương là phải hướng nhau đến điều tốt đẹp. Lời yêu thương không thể thiếu mỗi lần kết thư dành cho con từ anh Vũ Minh Đức: “Thiên nhiên có bốn mùa. Cha con mình có một mùa – Mùa yêu thương. Yêu con lắm – khối tài sản đã biến ba thành người giàu có”.

Nói về trường hợp một người cha thi thoảng viết thư con mình. Anh cũng chỉ là một người cha bình thường như biết bao người cha – người mẹ trên trái đất này luôn dành hết yêu thương và dành cả cuộc đời cho con mình. Đằng sau những bức thư là những kỷ niệm trải qua cùng con, những lời khuyên chân thành, những quan sát đời thực, bài học rút ra từ cuộc sống… để đồng hành cùng tâm tư, câu hỏi của những bạn tuổi sắp lớn và đang lớn đầy đa cảm, hiếu kỳ.
Quyển sách Thư gửi con – Bao giờ cho hết yêu thương? là tập hợp những lá thư mà tác giả Vũ Minh Đức gửi cho con gái của mình và tác giả Trần Thị Hồng An gửi cho con trai. Chúng ta có thể bắt gặp trong đó hình ảnh gia đình của chính mình. Đây có thể được gọi là chiếc hộp ký ức giữ gìn những tâm sự trong gia đình mỗi người. Lời yêu thương vốn không dễ nói, còn lời khó nghe lại khiến chúng ta dễ đau lòng. Có những việc làm tuy rất nhỏ, nhưng chứa đựng tình yêu thương vô cùng to lớn của ba mẹ dành cho các con. Đôi khi, chúng ta cảm thấy không vui (hay khó chịu) khi ba mẹ cứ nhắc hoài, hoặc cãi lời ba mẹ khi mà mong muốn của mình không được ba mẹ đồng ý. Thông qua buổi trò chuyện này, biết đâu giữa cha mẹ và con cái có sự đồng cảm nhiều hơn, thấu hiểu nhau hơn.

Tác giả Vũ Minh Đức giao lưu cùng các phụ huynh

Bên cạnh đó, bác sĩ Vũ Minh Đức cũng chia sẻ về lợi ích việc đọc sách cũng như cách thức mà các con có thể chia sẻ cảm xúc với ba mẹ để thấu hiểu nỗi lòng của ba mẹ thông qua việc viết thư cho nhau. Khi viết thư, cảm xúc sẽ được cân bằng hơn khi nói, bởi khi bực mình thì lời nói có thể tổn thương nhau. Hai thế hệ vốn có những khoảng cách trong suy nghĩ nhất định, chuyện tìm ra phương án cân bằng để giao tiếp và thấu hiểu nhau. Hãy quan tâm nhau khi còn có thể, để không phải hối tiếc về sau.
Bác sĩ Vũ Minh Đức tốt nghiệp Đại học Y khoa năm 1995, giành học bổng y khoa tại Paris (Pháp) năm 2000. Anh là một trong những người tiên phong về kỹ thuật chụp và nong động mạch vành tại Việt Nam. Anh còn là cái tên quen thuộc trong làng nhạc qua những bài hát về tình yêu, quê hương, lòng nhân ái, thiếu nhi và là tác giả cuốn sách Sài Gòn chữ vội trên vai, Thư gửi con – bao giờ cho hết yêu thương?… Bên cạnh đó, Vũ Minh Đức cũng là người sáng lập và điều hành Quỹ “Heart to heart – Chắp cánh ước mơ” giúp trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn học giỏi.

Nguồn: T.TRANG – Báo Điện tử Văn hóa

Quảng Ninh đón nhận giải thưởng du lịch bền vững thành thị ASEAN

VHO- Tỉnh Quảng Ninh vừa long trọng tổ chức lễ đón nhận giải thưởng Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ (thành phố Móng Cái) là “Sản phẩm du lịch bền vững thành thị ASEAN 2020”.

Ngày 16.1.2020, trong khuôn khổ Diễn đàn du lịch Đông Nam Á-FTA 2020 được tổ chức tại Vương quốc Brunei, Cụm thông tin Cổ động biên giới Sa Vĩ đã vinh dự được trao giải thưởng “Sản phẩm du lịch bền vững thành thị ASEAN 2020”. Đây là giải thưởng cao quý, góp phần tôn vinh và phát triển thương hiệu của sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng cao, nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh nói chung và thành phố Móng Cái – địa đầu biên cương Tổ quốc nói riêng và thương hiệu điểm đến quốc gia “Vietnam Timeless Charm”.

Công trình Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ của thành phố Móng Cái được xây dựng trong khuôn viên quy hoạch 16.000m2, khởi công từ năm 2009, hoàn thành vào tháng 10.2013. Công trình gồm quảng trường, cụm công trình chính và khu dịch vụ, được xây dựng bằng nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện theo phương thức “đầu tư công – quản trị tư” do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trí Lực quản lý, khai thác và phát huy hiệu quả.

Nguồn: T.BÌNH – Báo Điện tử Văn hóa

Sân khấu hóa diễn xướng Hầu đồng

VHO- Vừa qua, chương trình Quan Tuần giá ngự đã được các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam công diễn tại 71 Kim Mã, Hà Nội. Sân khấu hóa nghi lễ Hầu đồng, các nghệ sĩ đã đưa khán giả tiếp cận gần hơn với Đạo Mẫu Tứ phủ, một trong những tín ngưỡng bản địa của văn hóa dân gian Việt Nam.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh tặng hoa động viên các nghệ sĩ sau đêm diễn

Những màn trình diễn thăng hoa là sự tổng hoà từ âm nhạc, diễn xướng, ca hát, đã mang đến cho khán giả một đêm thưởng thức nghệ thuật đầy hưng phấn và xúc cảm.

Sân khấu hóa tín ngưỡng dân gian

Quan Tuần giá ngự là công sức và tâm huyết của đạo diễn, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan cùng sự tham gia của các thanh đồng, cung văn nổi tiếng trong Nhà hát Chèo Việt Nam như: NSƯT An Chinh, NSƯT Kim Liên, nghệ sĩ tài năng trẻ Thục Hiền, NSƯT Lê Chử Long, Hoàng Điệp, Thái Sơn, Văn Phương, Thành Lê, Mẫn Đức Kiên cùng hơn 70 nghệ sĩ, cán bộ và những người làm kỹ thuật tham gia.

Chia sẻ lý do đưa tín ngưỡng nghi lễ Hầu đồng lên sân khấu chèo, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam cho biết: “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Nhà hát Chèo Việt Nam đã sân khấu hoá không gian diễn xướng sinh động này để khán giả trong và ngoài nước có cơ hội thưởng lãm những nét độc đáo từ văn hoá tâm linh và nghệ thuật dân gian. Trước đây, rất nhiều người lầm tưởng nghi lễ Hầu đồng mang màu sắc “mê tín dị đoan”. Thực ra, các nhân vật trong mỗi “giá đồng” đều có những huyền tích về sự xuất hiện của họ, thường có liên hệ mật thiết với các nhân vật lịch sử, danh tướng có công đánh dẹp giặc hay những người khai sáng, mở mang bờ cõi nơi họ hiển linh. Vì vậy, việc tôn vinh tín ngưỡng Hầu đồng là việc rất nên làm”.

Quả thực khi xem Quan Tuần giá ngự, khán giả sẽ có thêm những hiểu biết về loại hình văn hoá dân tộc đặc sắc trong tín ngưỡng này. Qua lăng kính nghệ thuật, các nghi thức diễn xướng Hầu đồng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Một sân khấu rực rỡ, sôi động, nhiều cung bậc sống động đã tái hiện trọn vẹn đời sống tâm linh, văn hoá nghệ thuật dân gian truyền thống của người Việt. Khán giả sẽ thấy bàn tay dàn dựng “có nghề” mang thương hiệu riêng của Nhà hát bởi sự công phu, kỹ lưỡng từ trang trí sân khấu cho tới trang phục biểu diễn của thanh đồng, cung văn và những người “hầu dâng”, tấu nhạc phụ họa. Những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng của thương hiệu Chèo trung ương đã thỏa sức đua tài khi thay nhau nhập vai từng nhân vật trong các giá đồng như các vị Thánh Mẫu, Chúa Bà, Quan Lớn, Chầu Bà, Quan Hoàng, Tiên Cô, Thánh Cậu với những cử chỉ, ánh mắt đầy chất “nhập đồng” đến mê hoặc.

Một giá hầu trong chương trình “Quan Tuần giá ngự”

Cả khán phòng Nhà hát Chèo Việt Nam rộn rã những tràng pháo tay tán thưởng không ngớt suốt chương trình, hơn thế, rất nhiều khán giả đã “live stream” để “khoe” với bạn bè trên mạng xã hội về lĩnh vực nghệ thuật độc đáo mà mình đang được thưởng thức. Trong số những người trẻ có Vũ Thị Hồng Hảo, hiện đang làm cho một công ty nước ngoài, bạn chia sẻ: “Em sinh ra và lớn lên ở Nam Định nên ngay từ bé đã được nghe Chầu văn và Chèo. Ở dưới quê em, nghi lễ Hầu đồng được thực hiện ở nhiều địa điểm như nhà thờ tổ, đền, phủ và trong các dịp lễ hội. Em thường xuyên theo dõi fanpage của Nhà hát Chèo Việt Nam và biết tới sự kiện này nên đã rủ bạn trai cùng đi xem. Bạn em lần đầu được thưởng thức và đã rất ngỡ ngàng vì không ngờ chương trình lại hay, hấp dẫn đến thế”. Được biết, Hảo và bạn cô đã mua 300.000 đồng cho một đôi vé theo hình thức mua 1 tặng 1 mà Nhà hát đang áp dụng, nhằm thu hút khán giả trở lại sau đại dịch Covid-19. Nhà hát đã dành tặng những ghế trống còn lại cho người thân, bạn bè để tạo sự hưng phấn cộng hưởng cho nghệ sĩ và cả khán giả khi xem.

Sẽ có “đầu ra” cho nghệ thuật Chèo

Tới thưởng thức Quan Tuần giá ngự có rất nhiều đối tượng khán giả, nhưng phần đông là những người lớn tuổi. Anh Thanh Sơn, một cán bộ nhà nước chia sẻ: “Đây là một chương trình nghệ thuật rất hay, hấp dẫn và nếu được quảng bá tốt sẽ có đất sống lâu dài. Khán giả đến xem đa phần là những người đã nghỉ hưu nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi những lo toan về kinh tế hay chuyện cơm áo gạo tiền. Họ đến để được thư giãn và chiêm ngưỡng một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của dân tộc. Tôi cho rằng khi con người ta đã nhẹ bớt gánh nặng đời thường thì việc trở về nguồn như thế này sẽ trở thành một nhu cầu thiết yếu”.

Với khán giả là vậy, còn các nghệ sĩ cũng cảm thấy vô cùng hào hứng. NSƯT Kim Liên chia sẻ: “Khi tham gia diễn chương trình này, chúng tôi đều rất phấn khởi. Nghi thức Hầu đồng là một di sản văn hoá phi vật thể gần gũi với nghệ thuật Chèo. Nghệ sĩ được diễn đa dạng về tính cách qua từng giá đồng. Thông qua chương trình, Nhà hát chúng tôi có cơ hội khoe với khán giả những giọng ca và những nghệ sĩ tài năng của mình”.

Quan Tuần giá ngự là sự tổng hoà của ca hát – diễn xướng – múa dân gian vô cùng đặc sắc và chắc chắn sẽ là một sản phẩm độc đáo để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Vấn đề là làm thế nào để những sản phẩm như thế này được lựa chọn diễn phục vụ khán giả trong các tour du lịch. Trao đổi với Văn Hóa, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định: “Chắc chắn sẽ phải có sự kết hợp giữa ngành du lịch và ngành nghệ thuật biểu diễn để tạo nên sự gắn kết chặt chẽ hơn. Cuối tháng 7 này, Bộ VHTTDL sẽ mời một số nhà hát trong đó có Nhà hát Chèo Việt Nam để cùng bàn bạc, xây dựng các chương trình nghệ thuật kết hợp với du lịch. Đã đến lúc nghĩ tới việc cần phải lựa chọn một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống đưa vào chương trình mang tính bắt buộc để tạo nên tính chuyên nghiệp trong một tour du lịch Việt Nam. Chúng ta cần những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc như Quan Tuần giá ngự với những giọng ca và nhạc công Chèo hàng đầu của cả nước để giới thiệu với du khách chứ không thể lựa chọn những chương trình thiếu tính chuyên nghiệp, đơn giản chỉ để đỡ tốn kinh phí đi tour như hiện nay”.

Cũng theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông thì việc trước mắt là các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam cũng như các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên toàn quốc cần phải có những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao để có thể sẵn sàng “tác chiến” phục vụ khách du lịch vào bất kì địa điểm cũng như thời gian nào. Đây cũng làmột trong những giải pháp nhằm góp phần bảo tồn và phát triển nghệ thuật Chèo nói riêng và nghệ thuật truyền thống nói chung.

 Nguồn: THUÝ HIỀN – Báo Điện tử Văn hóa

Chờ đón những bộ phim đình đám sắp ra rạp cuối tháng 7.2020

VHO – Tháng 7 trong năm là thời điểm các hãng phim sẽ cho ra mắt hàng loạt những phim mới để chào đón mùa hè. Đặc biệt tháng 7 năm nay được coi là thời điểm vàng để ra mắt phim sau thời gian khán giả “khát” điện ảnh kể từ mùa dịch Covid-19 đến nay. Cùng tìm hiểu những bộ phim đình đám sắp được ra rạp trong vài ngày tới.

Bí mật thiên đường là dự án phim kết hợp Việt – Hàn được khán giả Việt Nam và Hàn Quốc nóng lòng trông đợi. Đáng kỳ vọng bậc nhất là màn kết hợp giữa nam diễn viên ‘vạn người mê’ của Giày thủy tinh Han Jae Suk và người đẹp Việt Nam – Lý Nhã Kỳ.

Khán giả chờ đợi màn kết hợp giữa Han Jae Suk và Lý Nhã Kỳ

Phim mở đầu bằng vụ tai nạn xe hơi thảm khốc dẫn đến cái chết của Thiên Di (Lý Nhã Kỳ). Cái chết này có rất nhiều điều bất thường khi sau đó nguời chồng Quang Kha (Han Jae Suk) bất ngờ liên lạc được với cô qua laptop. Sau đó là sự xuất hiện của hàng loạt nhân vật bí ẩn và hành trình quay ngược thời gian của Quang Kha để thay đổi cái kết đẫm máu. Đây là thể loại phim rất được ưa chuộng trên màn ảnh Hàn những năm gần đây. Bí mật thiên đường là tác phẩm đánh dấu sự hợp tác Hàn – Việt, do Park Hee Jun đạo diễn, khiến khán giả trông đợi về một phong cách làm phim hấp dẫn, chỉn chu của Hàn mà vẫn gần gũi văn hóa Việt Nam. Bộ phim với nhiều cảnh quay lãng mạn tại bối cảnh Đà Lạt hứa hẹn sẽ là một món ăn mới mẻ, độc đáo khi ra rạp vào ngày 24.7.

Bán đảo Peninsula – Bom tấn giải trí mang dáng dấp siêu anh hùng? Phim lấy bối cảnh hậu tận thế. Bốn năm sau thảm họa xác sống trong Train to Busan (Chuyến tàu sinh tử, đều là phim của đạo diễn Yeon Sang Ho), bán đảo – địa danh gợi nhớ Hàn Quốc – trở thành vùng đất chết.
Những người trốn thoát trên biển năm xưa giờ trở thành di dân không giấy tờ, sống vất vưởng, bị kỳ thị trên đất liền (Hong Kong). Lợi dụng sự dễ tổn thương của nhóm yếu thế này, một băng đảng thuê họ trở lại bán đảo lấy 20 triệu USD bị bỏ quên trong một chiếc xe tải.

Cảnh trong phim Bán đảo Peninsula

Bộ phim nói về sự xuất hiện của thiên tài diễn xuất Kang Dong Won, anh vào vai cựu quân nhân Jung Seok, chấp nhận lao đầu vào bán đảo vì món tiền hậu hĩnh, nhưng anh không ngờ đón chờ mình cùng đồng đội là một cuộc chiến đẫm máu. Trong ranh giới giữa sự sống, cái chết và âm mưu Jung Seok được gia đình Min Jung giải cứu, cô cũng trở thành người đồng hành cùng anh thực hiện cuộc đào thoát khỏi nơi ngập tràn zombie khát máu trước khi quá trễ.
Phim của đạo diễn Yeon Sang-ho, với các diễn viên: Gang Dong-won, Lee Jung-hyun, Lee Re,… Bán đảo Peninsula chính thức ra rạp ngày 24.7.

Cậu bé người gỗ Pinocchio
Chuyển thể từ cuốn sách Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio của nhà văn người Ý Carlo Collodi từng làm say mê bao thế hệ độc giả khắp thế giới, phim kể về Pinocchio – chú bé người gỗ do bác thợ mộc Gepetto tạo nên, khao khát trở thành một câu bé đích thực bằng xương bằng thịt.

Cậu bé người gỗ Pinocchio với chiếc mũi dài ra mỗi khi nói dối đã trở thành một trong những biểu tượng hoạt hình nổi tiếng và kinh điển nhất

Bộ phim ngoài sự chỉ đạo của đạo diễn tài ba Matteo, Cậu bé người gỗ Pinocchio còn có sự góp mặt của nam diễn viên từng đoạt giải Oscar – Roberto Benigni vào vai Geppetto – một người thợ mộc già đang làm một con rối bằng gỗ. Bỗng dưng một ngày nọ phép màu xảy ra, con rối bằng gỗ do ông tạo ra bắt đầu nói chuyện và đi đứng như một cậu bé. Thế là Geppetto gọi cậu là Pinocchio và nhận cậu làm con trai ông. Nhưng với tính khí của mình, Pinocchio khó mà trở thành một cậu bé ngoan. Cậu dễ dàng bị lạc lối, vướng vào những rắc rối và bị truy đuổi bởi một tên cướp trong một thế giới giả tưởng như trong bụng của một con cá khổng lồ, cho đến Vùng Đất Của Đồ Chơi, hay Cánh Đồng Phép Lạ. Người bạn trung thành của cậu là cô tiên luôn cố gắng để giúp đỡ cậu, nhưng liệu cậu có thể thay đổi bản thân và sống cuộc đời hạnh phúc vui vẻ bên người cha của mình?
Bộ phim đã nhận được 12 giải thưởng và 15 đề cử tại các liên hoan phim của nước Ý trong năm 2020 như David di Donatello Awards, Golden Globes và Italian National Syndicate of Film Journalists. Cậu bé người gỗ Pinocchio chính thức khởi chiếu tại các rạp từ 24.7.

Ròm có thể nói là bộ phim được chờ đợi nhất trong thời điểm này, đặc biệt là sau những “biến cố” xung quanh thân phận của bộ phim. Ròm khai thác chủ đề người lao động nghèo, đặc biệt các thiếu niên đường phố. Ròm cũng là tên nhân vật chính (Trần Anh Khoa đóng), cậu bé làm “cò đề” để kiếm sống qua ngày. Ròm chuyên tư vấn cho người dân những con số may mắn để họ có cơ may trúng đề. Tuy nhiên, Ròm phải cạnh tranh sống còn với Phúc, một tay cò đề giang hồ cùng khu. Có cuộc sống vất vả nhưng Ròm vẫn rất lạc quan. Cậu mong kiếm được nhiều tiền để đi tìm cha mẹ đã thất lạc.

Ròm do Trần Anh Khoa đóng

Phim lấy bối cảnh một khu chung cư cũ đang chờ giải tỏa tại Sài Gòn, kể về cuộc sống của những người dân nơi đây. Họ đều chơi số đề với hi vọng kiếm được một khoản tiền lớn để đổi đời. Trong Ròm – các thân phận bấu víu vào ước mơ đổi đời nhờ trò số đề may rủi. Những trò đỏ đen vốn thân thuộc với tầng lớp lao động nghèo ở Việt Nam nhưng chưa từng trở thành đề tài chính cho một tác phẩm điện ảnh, càng làm cho bộ phim trở nên tò mò cho khán giả.
Chia sẻ về quyết định lựa chọn câu chuyện số đề cho tác phẩm đầu tay của mình, đạo diễn Trần Thanh Huy tâm sự: “Tôi được sinh ra trong một gia đình lao động. Ba làm nghề sửa xe, mẹ buôn bán và tôi được sống gần gũi với những đứa trẻ bụi đời, những đứa trẻ đường phố. Tôi lang thang đi chơi với họ rất lâu nên phần nào hiểu được đời sống của họ. Câu chuyện về số đề và những đứa trẻ như Ròm xuất phát từ một phần tuổi thơ của tôi”.

Bối cảnh phim là một khu chung cư cũ tại Sài Gòn

Ý tưởng về đề tài này được Trần Thanh Huy nuôi dưỡng từ phim ngắn tốt nghiệp mang tên 16:30, từng được trình chiếu tại Liên hoan phim Cannes năm 2013 và tiếp tục đeo đuổi đạo diễn trẻ tới phim dài đầu tay. Một đề tài gần gũi, đặc biệt và rất đậm chất Sài Gòn đã thôi thúc Trần Thanh Huy trong nhiều năm, cho tới khi Ròm ra đời.
Mất 8 năm để hoàn thành, Ròm đã trải qua một hành trình đi từ trải nghiệm tuổi thơ đến đỉnh cao vinh danh tại nước ngoài, để rồi lại trở về với quê nhà. Hồi hộp chờ ngày bộ phim ra rạp, đạo diễn Trần Thanh Huy đã xúc động tâm sự rằng: “Câu chuyện cổ tích của Ròm, tôi và ekip đã viết xong”. Đối với Trần Thanh Huy, việc đưa được Ròm đến với khán giả quê nhà chính là mảnh ghép cuối trong bức tranh thực hiện ước mơ tuổi trẻ của mình. Đồng thời, Trần Thanh Huy cũng hy vọng rằng qua Ròm, anh có thể góp một giọng kể câu chuyện về những đứa trẻ đường phố đầy khát khao chạm đến ước mơ.
Ròm dự kiến ra rạp ngày 31.7, với các diễn viên: Trần Anh Khoa, Nguyễn Phan Anh Tú, Cát Phượng, Mai Trần, Wowy,…

Nguồn: THÙY TRANG – Báo Điện tử Văn hóa

Khai mạc “Tuần phim ASEAN 2020”: Vì một ASEAN gắn kết, thịnh vượng

VHO- Tối 18.7 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội), Bộ VHTTDL đã tổ chức lễ khai mạc Tuần phim ASEAN 2020 tại Việt Nam với bộ phim trình chiếu mở màn Hạnh phúc của mẹ. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông đã tới dự lễ khai mạc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định: “Tuần phim nhằm hướng đến mục tiêu giới thiệu văn hóa, cuộc sống, con người của các quốc gia thành viên ASEAN, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa người dân các nước trong khu vực, góp phần mở rộng hợp tác kinh tế, đầu tư, phát triển du lịch…”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu khai mạc Tuần phim ASEAN 2020

“Mặc dù dịch COVID-19 còn phức tạp, song các quốc gia thành viên ASEAN đã tích cực gửi phim tham gia sự kiện văn hóa quan trọng của ASEAN do Việt Nam tổ chức. Các tác phẩm điện ảnh mới của các nước ASEAN sẽ tạo nên không gian văn hóa hấp dẫn để mỗi người dân ASEAN, bạn bè quốc tế biết đến bản sắc ASEAN”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết.

Buổi khai mạc Tuần phim còn có sự tham dự của nhiều Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam

Được biết, tuần phim lần này mang khẩu hiểu ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, trùng với chủ để của năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN. Tuần phim ASEAN 2020 sẽ góp phần thực hiện mục tiêu chính trị, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm 2020; khẳng định Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ tiếp tục mục tiêu duy trì, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông tặng hoa lưu niệm cho các Đại sứ

Bên cạnh đó, sự kiện thể hiện hình ảnh một Việt Nam hòa bình, ổn định, thân thiện, đổi mới và giàu tiềm năng; quảng bá đất nước, con người, danh lam thắng cảnh và truyền thống văn hóa tốt đẹp, giàu tính nhân văn của dải đất hình chữ S. Qua đó, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm 2020.

Tuần phim ASEAN 2020 thu hút sụ quan tâm của đông đảo công chúng

Để tạo sức lan tỏa, tuần phim sẽ được tổ chức tại 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và nhấn mạnh tuyên truyền, định hướng xã hội, thúc đẩy các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam “hiếu khách, nhã nhặn, thuận hòa, tình nghĩa”. Tại Hà Nội, các buổi chiếu phim bắt đầu lúc 18 giờ và 20 giờ các ngày từ 18 – 22.7, tại phòng chiếu số 3, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (87 Láng Hạ, Ba Đình). Tại Đà Nẵng, các buổi chiếu phim bắt đầu lúc 17 giờ từ 19 – 26.7 tại rạp Lê Độ (46 Trần Phú). Với TP. HCM là từ 18 giờ và 20 giờ ngày 22 – 26.7 tại phòng chiếu số 2 Cụm rạp CineStar (135 Hai Bà Trưng, Q.1). Các phim trong khuôn khổ Tuần phim ASEAN 2020 được chiếu miễn phí một lần tại cả 3 điểm. Vé mời xem phim cũng được phát trước đó tại các rạp.

Tuần phim sẽ giới thiệu đến khán giả 9 bộ phim đặc sắc đến từ 9 thành viên quốc gia thành viên ASEAN, trong đó có 8 phim truyện và 1 phim hoạt hình bao gồm: Nghìn lần hóa thân của Ranggau (Brunei), Tình yêu non dại (Campuchia), Aruna và khẩu vị yêu thích (Indonesia), Hết đát (Lào), Bộ phim về Ejen Ali (Malaysia), Những người phụ nữ của dòng sông khóc than (Philippines), Những đứa trẻ kinh kịch (Singapore), Tình yêu hay tiền tỉ (Thái Lan) và Hạnh phúc của mẹ (Việt Nam). Các bộ phim được trình chiếu đều là những tác phẩm đặc sắc, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, vẻ đẹp con người, thiên nhiên của mỗi nước.

Ngay sau lễ khai mạc, khán giả đã có cơ hội theo dõi bộ phim Hạnh phúc của mẹ của điện ảnh Việt Nam. Đây là bộ phim kể câu chuyện về nhân vật mẹ Tuệ và Tim sống nương tựa vào nhau ở một làng chài nhỏ. Tim không may bị bệnh tự kỷ và từ duy nhất cậu bé có thể gọi là tên mẹ mình. Rất may mắn, xung quanh hai mẹ con còn có những người hàng xóm tốt bụng. Khi phát hiện mình mắc bệnh nan y, mẹ Tuệ đã chuẩn bị chu đáo cho tương lai của con, còn nỗi đau chỉ giữ lại cho riêng mình. Bộ phim đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả đến rạp về một câu chuyện cảm động, tình yêu thương và sự hy sinh của người mẹ dành cho con của mình.

Nguồn: ĐÌNH TOÁN; ảnh: TRẦN HUẤN – Báo Điện tử Văn hóa

Chương trình “Màu hoa đỏ”: Nhịp cầu nối những tấm lòng tri ân

VHO – Tối 17.7 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức chương trình “Màu hoa đỏ” lần thứ 13 năm 2020. Chương trình kết hợp trao tặng nhà, sổ tiết kiệm tình nghĩa cho các gia đình thương binh, liệt sĩ gia đình có công với cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng có hoàn cảnh khó khăn tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 – 27.7.2020). 

Đến dự chương trình có các Uỷ viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng; Bí Thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ. Cùng dự có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Hồng Diên; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Lê Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Lê Quân; Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài; đại diện lãnh đạo Ban, bộ, ngành Trung ương, TP Hà Nội, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng cùng đông đảo khán giả.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho đại diện gia đình các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm qua, bom đạn cũng đã nằm yên trong quá khứ, nhưng những nỗi đau do chiến tranh để lại có lẽ không thể nào xóa đi được. Vì độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến dâng tuổi thanh xuân, cuộc sống của mình cho đất nước; trong số đó có những người đã ra đi mãi mãi, có những người may mắn trở về lại mang trong mình những vết tích của chiến tranh nhưng họ đã vượt lên thương tật, đau thương mất mát, không ngừng nỗ lực phấn đấu trong lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng trao tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa cho đại diện gia đình các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng

Trong những năm qua, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến chế độ, chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng nhằm phần nào xóa dịu những nỗi đau, mất mát mà chiến tranh để lại.

Chương trình “Màu hoa đỏ” là hoạt động thường niên (2008 – 2020) do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, ổn định cuộc sống và tuyên truyền phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” và tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc.

Chương trình gồm 3 phần: Dòng máu Lạc Hồng; Đời mình là một khúc quân hành; Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bào giờ. Chương trình là sự đan xen giữa các tác phẩm ca múa nhạc với những phóng sự truyền hình, qua đó giúp cho khán giả được hòa mình vào không gian âm nhạc, nghệ thuật đặc sắc và thêm trân trọng, tự hào về công ơn to lớn của các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình có công với cách mạng.

Ca khúc Dòng máu Lạc Hồng sáng tác Lê Quang qua phần biểu diễn của Hợp xướng và nhóm múa đã mở đầu chương trình nghệ thuật  “Màu Hoa đỏ” lần thứ 13 năm 2020. Tiếp đến là rất nhiều ca khúc đi cùng năm tháng được vang lên khiến khán giả cả nước xúc động như: Màu hoa đỏ, Chiều biên giới, Tình ca, Cỏ non thành cổ, Bác Hồ một tình yêu bao la, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Mùa xuân bên cửa sổ, Miền xa thẳm,  Bài ca không quên, Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ, Bài ca Thống nhất, Tổ quốc gọi tên mình… qua phần thể hiện của các nghệ sĩ: NSND Quốc Hưng, Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh, Hồng Nhung, Đức Tuấn, Bích Hồng,…

Trong chương trình, ngoài các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng công phu và đặc sắc, còn có phóng sự ghi lại hành trình của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cùng các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tới thăm hỏi, động viên và trao tặng nhà, sổ tiết kiệm tình nghĩa của chương trình “Màu hoa đỏ”. Đặc biệt, cũng tại chương trình này, Ban Tổ chức đã trao tặng 60 sổ tiết kiệm tình nghĩa với hình thức trao tiền mặt (5 triệu đồng/sổ) cho đại diện 60 gia đình các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng tại một số tỉnh: huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh (20 sổ); huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang (20 sổ) huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (10 sổ); huyện Chương Mỹ, Hà Nội (10 sổ).

Được tổ chức lần đầu tiên năm 2008, trong 12 năm (2008-2019), chương trình đã huy động từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân trong cả nước được gần 60 tỉ đồng gồm: 610 nhà tình nghĩa, hơn 11.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa và hơn 5.500 suất học bổng và nhiều phần quà tới các gia đình thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước.

Nguồn: HÀ MINH; ảnh: ĐÌNH THÀNH – Báo Điện tử Văn hóa

Khai mạc Liên hoan Sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”

VHO – Tối 16.7, Bộ Công an phối hợp với Bộ VHTTDL, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức khai mạc Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần IV năm 2020 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội. 

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Tổ chức Liên hoan, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Bùi Văn Nam; Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thiếu tướng Trần Quốc Tỏ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, NSND Trịnh Thuý Mùi.

Phát biểu khai mạc Liên hoan, Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành khẳng định: “Nhận thức rõ vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ đối với công tác xây dựng lực lượng CAND, trong những năm qua, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức hoạt động sáng tác, liên hoan, hội diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài CAND. Các hoạt động đã vận động, khuyến khích đông đảo tác giả ở trong và ngoài lực lượng CAND tham gia, có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng nghệ thuật, phản ánh sâu sắc thực tế công tác, chiến đấu, cuộc sống bình dị thường ngày của người chiến sĩ CAND”.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành cũng biểu dương các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên tham gia Liên hoan. Đây chính là sự yêu quý, tình cảm tốt đẹp nhất mà các nghệ sĩ đã dành cho lực lượng CAND và là yếu tố quan trọng góp phần thành công chung của Liên hoan lần này. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn, các tác giả, đạo diễn, diễn viên chia sẻ sâu sắc với đặc thù nghề nghiệp, những khó khăn vất vả, những tấm gương tận tụy trong công việc, mưu trí, dũng cảm của người chiến sĩ CAND trong đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân qua các tác phẩm, vai diễn. Các đơn vị nghệ thuật thường xuyên biểu diễn các vở diễn về đề tài CAND trên sân khấu kịch, góp phần quảng bá sâu đậm hơn hình ảnh đẹp của người chiến sĩ CAND, tác động tích cực đến đời sống xã hội, để nhân dân ngày càng tin yêu, đùm bọc và giúp đỡ CAND nhiều hơn nữa.

Từ năm 2005 đến nay, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ VHTTDL, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức thành công 3 kỳ Liên hoan sân khấu về hình tượng người chiến sĩ CAND, với định kỳ 5 năm/lần. Liên hoan đã tuyên truyền, khắc họa đậm nét hình ảnh người chiến sĩ CAND qua hình thức nghệ thuật sân khấu, làm cho nhân dân hiểu hơn, tin tưởng hơn, gần gũi hơn với lực lượng CAND. Từ đó, nhân dân tham gia tích cực cùng lực lượng Công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Liên hoan lần thứ IV là hoạt động văn hóa nghệ thuật có ý nghĩa thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống CAND Việt Nam (19.8.1945 – 19.8.2020), 15 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19.8.2005 – 19.8.2020), kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước năm 2020.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Thứ trưởng Nguyễn Văn Thành tặng Bằng khen của Bộ Công an cho đại diện của 27 đoàn tham dự Liên hoan
Thứ trưởng Bùi Văn Nam và Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Nguyễn Trọng Nghĩa  tặng hoa Hội đồng giám khảo Liên hoan

Liên hoan nhằm khắc họa đậm nét hình tượng người chiến sĩ Công an trên sân khấu, khắc họa hình ảnh Bác Hồ với CAND và CAND làm theo lời Bác; ca ngợi bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của CAND qua 75 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành; ca ngợi hình ảnh cao đẹp, tấm gương của người cán bộ, chiến sĩ CAND mưu trí, dũng cảm, không quản hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh, khắc phục mọi khó khăn, lập nhiều chiến công, thành tích trong thực hiện nhiệm vụ; cổ vũ các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Liên hoan còn có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục, góp phần xây dựng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ CAND trung thành với Đảng, với Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Liên hoan cũng là dịp để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thể hiện tài năng, phát hiện, tìm tòi sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật về đề tài người chiến sĩ CAND. Qua Liên hoan, các đơn vị rút ra những kinh nghiệm về công tác quản lý, chỉ đạo nghệ thuật và phương thức hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền về truyền thống cách mạng vẻ vang của lực lượng CAND.

Nhà hát CAND là đơn vị dự thi đầu tiên ngay sau lễ khai mạc với vở Vẫn sống

Liên hoan Nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV năm 2020 diễn ra từ ngày 16.7 đến 2.8 tại Hà Nội. Tham gia Liên hoan có 27 nhà hát, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước, với 33 vở diễn thuộc 4 thể loại: Kịch nói, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch. Trong đó, có những vở diễn khai thác những đề tài khó như công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Có những vở diễn đi vào các vụ án đã được bóc gỡ, xây dựng, ca ngợi những chiến công của lực lượng CAND trong cuộc đấu tranh “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đặc biệt, tại Liên hoan lần này có sự tham gia của Đoàn nghệ thuật Quân đội nhân dân với 2 vở Chèo của Nhà hát Chèo Quân đội, đem đến cho Liên hoan hình ảnh “Anh Bộ đội Cụ Hồ”, là sự thể hiện sinh động trong mối quan hệ, gắn bó sâu sắc giữa Quân đội nhân dân với CAND trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự của đất nước.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và các đại biểu tặng hoa các nghệ sĩ sau kết thúc đêm diễn 

Động viên, ghi nhận những đóng góp của các đơn vị, tại lễ khai mạc, Bộ Công an đã tặng Bằng khen cho các đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan. Ngay sau lễ khai mạc là phần thi diễn của Nhà hát CAND với vở Kịch nói Vẫn sống. Đây là tác phẩm ngợi ca người chiến sĩ CAND trên mặt trận phòng chống ma túy, do NSND Lê Hùng đạo diễn; Trung tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND chỉ đạo nghệ thuật. 32 vở diễn còn lại tham gia Liên hoan  được công diễn 2 vở/ngày, vào 9h đến 11h và 20h đến 23h, từ ngày 17.7 đến 1.8. Các suất diễn đều mở cửa phục vụ miễn phí. Ngoài ra, trong khuôn khổ Liên hoan còn có một số hoạt động khác như tọa đàm, trao đổi về “Hình tượng người chiến sĩ CAND”, tham quan Bảo tàng CAND… Lễ tổng kết, bế mạc và trao giải Liên hoan sẽ diễn ra vào 20h ngày 2.8 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.

Nguồn: THÚY HIỀN; ảnh: THANH HÀ – Báo Điện tử Văn hóa

Nhận diện nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể

VHO-  Để thực hiện tốt hơn những quy định của Nghị định 62/2014/NĐ-CP góp phần vào việc đề xuất các chính sách liên quan tới nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong tương lai, những câu chuyện thực tế đang đặt ra vấn đề cần sự nhận diện rõ về những nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể.

 Sau 2 đợt xét tặng danh hiệu  “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể (năm 2015 và năm 2019) theo  Nghị định 62/2014/NĐ-CP năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, đã có tổng số 1.253 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu, gồm 66 Nghệ nhân nhân dân và 1.187 Nghệ nhân ưu tú.

Cố NSƯT Hà Thị Cầu

Thực hiện Nghị định 62/2014/NĐ-CP, ngày 9.10.2019, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 3470/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba – 2021. Theo đó, tiến độ thực hiện của các cấp Hội đồng được thực hiện từ tháng 8. 2019 đến tháng 3. 2021. Sau cấp Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ thực hiện từ 16.10.2020 đến  01.02.2021, Hội đồng cấp Nhà nước thực hiện từ 15.02.2021 đến 15.03.2021. Bộ VHTTDL sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba trước ngày 30.3.2021.

Nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể là người nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những hiểu biết, kỹ năng, kỹ thuật về di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài những yếu tố này, nghệ nhân còn là người được cộng đồng thừa nhận. Với môi trường có trình độ cao về năng lực đánh giá, cảm thụ, hiểu biết về di sản văn hóa phi vật thể thì người được cộng đồng gọi là nghệ nhân thường có trình độ rất cao về kỹ năng, kỹ thuật, hiểu biết về di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ; có đạo đức tốt  trong lối sống, thực hành di sản.

Đa số các nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể sinh ra, lớn lên trong môi trường các di sản được thực hành qua nhiều thế hệ. Đó có thể là gia đình, dòng tộc, làng hoặc cộng đồng thực hành di sản văn hóa phi vật thể chung. Họ được tiếp cận với di sản văn hóa phi vật thể khá sớm và tiếp cận với nhiều khía cạnh của di sản văn hóa phi thật thể, từ kỹ năng, kỹ thuật, tri thức về di sản văn hóa phi vật thể  cho đến các sinh hoạt văn hóa, ứng xử giữa các cá nhân, nhóm và cộng đồng thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Họ được tiếp cận tự nhiên (chiếm đa số) với di sản văn hóa phi vật thể , có trường hợp là tiếp cận có sự định hướng, dẫn dắt của người thân và trong một số trường hợp khác là do nhu cầu, mong muốn hoặc đam mê tự thân.

Để trở thành nghệ nhân, người thực hành cần có thời gian tích lũy, trau dồi và thực hành các kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật,… Tuy nhiên, không phải người thực hành nào cũng trở thành nghệ nhân. Giới hạn về năng lực, trình độ, điều kiện, sự đánh giá của cộng đồng của người thực hành sẽ quyết định họ có trở thành nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể  hay không.

Cố NNND Nguyễn Phú Đẹ

Hầu hết nghệ nhân là tuổi cao. Mặc dù có những người sinh ra đã có những năng lực, tố chất “trời phú”, nhưng kỹ năng, kỹ thuật, sự hiểu biết của các nghệ nhân đều không phải “từ trên trời rơi xuống”. Những vốn quý đó cần có quá trình tiếp nhận, thực hành, tích lũy,… Trong nhiều trường hợp còn phụ thuộc vào quá trình trưởng thành về sinh học của cơ thể con người. Quá trình này thường kéo dài nhiều năm và hoàn thiện thành nghệ nhân khi tuổi của họ đã cao. Một số trường hợp hãn hữu, quá trình này có thể rút ngắn để có những người đạt mức nghệ nhân khi tuổi còn trẻ, tầm 40-50 tuổi, nhưng số này chiếm không nhiều.

Do tính chất, đặc thù của di sản văn hóa phi vật thể, khi xác định, nhận diện nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể  có thể căn cứ vào tài năng, kỹ năng, kỹ thuật trong việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể mà nghệ nhân đó đang nắm giữ; căn cứ vào các di sản văn hóa phi vật thể mà nghệ nhân đó đang nắm giữ; vào sự đóng góp của cá nhân đó đối với cộng đồng trong việc thực hành di sản văn hóa phi vật thể; khả năng truyền dạy, số lượng các học trò mà nghệ nhân đó đã trao truyền.

 Trong thực tế, tỉ lệ các nội dung này trong mỗi nghệ nhân cũng như giữa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể  là khác nhau. Sự khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thể kể đến như: đặc điểm loại hình di sản, hiện trạng thực hành, sức sống của di sản; khả năng tiếp cận cộng đồng, công chúng của di sản,… Thường thì những nghệ nhân uyên thâm nghề có nhiều “ngón nghề” trong thực hành di sản. Hay nói cách khác, họ làm chủ việc thực hành di sản tốt hơn. Với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể  là nằm trong con người, sống cùng đời sống của con người, di sản văn hóa phi vật thể có còn được lưu giữ, thực hành hay không hoàn toàn phụ thuộc vào con người nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể đó.

Việc nhận diện rõ hơn về nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể sẽ góp phần thực hiện tốt các quy định của Nghị định 62/2014/NĐ-CP, Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba – 2021, đồng thời góp phần vào việc đề xuất các chính sách liên quan tới nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong tương lai.

PHẠM CAO QUÝ

Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL