“Nếu coi văn hóa là nền tảng thì phải dành ngân sách đầu tư cho văn hóa”

VHO- “Nếu coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thì phải dành ngân sách cố định đầu tư cho văn hóa. Bởi đầu tư văn hóa là đầu tư lâu dài, mang hiệu quả cao, tránh suy thoái văn hóa dân tộc…”, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã nhấn mạnh điều này tại chương trình Đối thoại Văn hóa với chủ đề “Giải pháp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, hướng tới xây dựng TP.HCM – Thành phố Văn hóa”, diễn ra vào cuối tuần qua.

Đây là lần đầu tiên Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM phối hợp với Sở VHTT và Đài Truyền hình TP tổ chức chương trình đối thoại này để bàn luận giữa lãnh đạo TP và các tầng lớp nhân dân về những vấn đề cốt lõi, thực trạng các mặt đời sống văn hóa đang tác động đến môi trường văn hóa và đời sống của người dân TP.

Vì sao phải quan tâm xây dựng Thành phố văn hóa?

Mở đầu, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, chương trình “Đối thoại Văn hóa” là chủ trương của Thường trực Thành ủy cụ thể hóa Chương trình hành động số 45-CTr/TU nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về “Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và được thực hiện trong bối cảnh TP chọn chủ đề năm 2020 “Đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, văn hoá bên trong đó chính là đặc điểm của dân tộc, triết lý sống của cộng đồng dân cư, nếp sống trở thành chuẩn mực của cộng đồng, đem lại sức mạnh quốc gia. Sức mạnh quốc gia không chỉ đo bằng sức mạnh kinh tế, mà còn bằng sức mạnh văn hóa. Ông Nhân cũng cho biết, trong Dự thảo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP cũng xác định mục tiêu “Xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc; vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ có sức lan tỏa cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á”. Với tinh thần này, Bí thư yêu cầu các chuyên gia, nhà quản lý, lực lượng văn nghệ sĩ và các tầng lớp nhân dân cùng trao đổi, hiến kế để lãnh đạo TP có những giải pháp đúng đắn hơn về phát triển văn hóa.

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng, giảng viên cao cấp Trường ĐH KHXHNV (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng khi nói tới văn hóa là nói tới ý thức con người, bao gồm: Lý trí, tức khả năng suy nghĩ, phân biệt đúng, sai, phải, trái để biết cái gì là quy luật; là Chân lý, đó là cơ sở của mọi sáng tạo; là Tâm linh, tức khả năng hướng tâm thức về những đạo lý sống xoay quanh những điều Thiện, những cái thiêng liêng, gồm cả đạo đức, tín ngưỡng, tôn giáo; là Tình cảm, tức khả năng rung động của trái tim con người đối với cái Đẹp, là cơ sở của sự cảm thụ thẩm mỹ và sáng tạo về văn học nghệ thuật. Mặt khác, về nguyên lý mỗi người sinh ra không phải ai cũng có văn hóa ngay, cộng đồng xã hội cũng vậy, về nguyên tắc văn hóa phải có quá trình tích lũy đi từ thấp lên cao. Ngoài nỗ lực tự thân của mỗi người, văn hóa có thể có sự kế thừa từ thế hệ trước để lại cho thế hệ sau thông qua gen di truyền về mặt sinh học hoặc sự trao truyền vốn truyền thống về mặt xã hội. Nhưng, tất cả phải trên cơ sở chúng ta cần có ý thức bảo tồn và phát huy mọi thành tựu văn hóa vốn có, tránh được tình trạng vô ý thức/tự đánh mất những thế mạnh văn hóa do bản thân, gia đình và cộng đồng dân tộc đã tích lũy được…

Như vậy, xây dựng Thành phố Văn hóa thực chất là những hoạt động chủ động nhằm làm cho định hướng Chân – Thiện – Mỹ vốn là ba hệ thống giá trị văn hóa cao nhất được hiện thực hóa và được bảo tồn, phát huy tốt tác dụng tích cực của nó trong đời sống, thông qua những hình thức hoạt động cụ thể, trước hết là của toàn bộ hệ thống chính trị lãnh đạo và quản lý TP.

Chương trình ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu

Cần có ngân sách cố định cho văn hóa

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm, “đời sống thực tiễn TP luôn sôi động, ẩn chứa nhiều điều mới mẻ nhưng các tác phẩm văn học nghệ thuật hiện nay lại chưa phản ánh được thực tế đó, chưa có những tác phẩm xứng tầm. Do đó, việc tổ chức một kênh đối thoại văn hóa định kỳ là một việc làm hết sức cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay”. Ông Liêm đề nghị các Sở, ngành quan tâm, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp về giáo dục gắn với xây dựng nền tảng văn hóa, giáo dục để phát triển toàn diện con người. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP, có giải pháp giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hoá truyền thống, văn hoá gia đình, những phẩm chất đặc trưng của con người TP trong bối cảnh xã hội hiện đại.

Tại buổi đối thoại, nhiều văn nghệ sĩ tiếp tục băn khoăn khi một số bộ môn nghệ thuật truyền thống không có đất diễn, thiếu lực lượng kế thừa, có khả năng dẫn đến nguy cơ mai một. Bên cạnh đó là những vướng mắc trong chính sách tuyển dụng, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, tài chính để bảo vệ, phát huy những bộ môn này đang gặp vô vàn khó khăn…

Lắng nghe những tâm tư của các đại biểu, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đồng tình và nhấn mạnh: “Nếu chúng ta chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà quên đi văn hóa thì tệ nạn và những hệ lụy xã hội sẽ xảy ra,… Điều này chúng ta đã nhận thức sớm nhưng việc thực thi còn trễ”. Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị, “nếu coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thì phải dành ngân sách cố định đầu tư cho văn hóa. Bởi đầu tư văn hóa là đầu tư lâu dài, mang hiệu quả cao, tránh suy thoái văn hóa dân tộc. Đề nghị HĐND tìm giải pháp để có cơ cấu ngân sách cứng cho ngành văn hóa có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất và hoạt động biểu diễn. Cần phải có một tỉ lệ cố định ngân sách dành cho văn hóa”. Bí thư cũng đề nghị các cơ quan truyền thông, trong đó cụ thể là Đài Truyền hình TP.HCM phải dành một tỉ lệ phát sóng cố định về văn hóa dân tộc.

Trước những băn khoăn về đào tạo văn hóa – nghệ thuật cho thế hệ trẻ, người đứng đầu Thành ủy cho rằng cần đưa nghệ thuật truyền thống dân tộc vào các trường học phổ thông càng sớm càng tốt. Nhấn mạnh vấn đề này, ông cho biết, đào tạo văn hóa hay các bộ môn nghệ thuật truyền thống liên quan mật thiết đến năng khiếu của mỗi người. Do vậy, muốn phát hiện tài năng phải đào tạo từ sớm, khi các em còn nhỏ để có điều kiện nuôi dưỡng tài năng. Từ phân tích trên, ông Nhân đề nghị TP.HCM nghiên cứu xây dựng trường phổ thông năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật. “ĐH Quốc gia TP.HCM cũng đã có trường phổ thông năng khiếu với thế mạnh đào tạo những tài năng khoa học – kỹ thuật thì các cơ sở đào tạo khác như Nhạc viện TP hoặc các trường ĐH, CĐ văn hóa cần nghiên cứu để thành lập trường phổ thông năng khiếu nghệ thuật, tuyển sinh và đào tạo các em từ nhỏ. Các học sinh này vừa học văn hóa phổ thông song song với đào tạo và phát triển tài năng để ươm mầm trong tương lai”, Bí thư Thành ủy mong muốn rằng các trường phổ thông này cũng sẽ không nhiều học sinh, đào tạo khoảng 100 em nhưng cần phải chất lượng. “TP.HCM chi ngân sách đầu tư cho trường phổ thông năng khiếu nghệ thuật vì nó xứng đáng để TP đầu tư”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng mong muốn các đơn vị cần nghiên cứu thực trạng về đời sống văn hoá trên địa bàn TP dưới góc độ hình thành hệ sinh thái về nghệ thuật; hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, năng lực sáng tạo, thể chất, trách nhiệm của mỗi người dân với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

 … Cần nghiên cứu để thành lập trường phổ thông năng khiếu nghệ thuật, tuyển sinh và đào tạo các em từ nhỏ. Các học sinh này vừa học văn hóa phổ thông song song với đào tạo và phát triển tài năng để ươm mầm trong tương lai. TP.HCM chi ngân sách đầu tư cho trường phổ thông năng khiếu nghệ thuật vì nó xứng đáng để TP đầu tư.

(Bí thư Thành ủy TP.HCM NGUYỄN THIỆN NHÂN)

 

 Nguồn: THÙY TRANG – Báo Điện tử Văn hóa

Ngắm những bộ áo dài đặc sắc tại chương trình “Áo dài – Di sản văn hoá Việt Nam”

VHO – 21 bộ sưu tập Áo dài của 21 nhà thiết kế trong cả nước đã được trình diễn trong chương trình “Áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam” tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Chương trình do Bộ VHTTDL và Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức; hình ảnh, vẻ đẹp của 20 Di sản văn hóa Việt Nam được UNESCO công nhận được đưa lên những tà áo dài truyền thống, đầy tinh tế và mang nhiều thông điệp.

Tối 28.6, Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở nên lung linh trong 400 chiếc đèn lồng trắng và sen hồng. Khúc ca truyền thống của các di sản cũng sẽ được xuất hiện cùng những chiếc ao dài và 60 người mẫu chuyên nghiệp, 100 sinh viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam, 50 trẻ em, người nước ngoài sống tại Hà Nội là phu nhân các Đại sứ, và đặc biệt có sự tham gia của các NSND: Thanh Tú, Thanh Loan, Lan Hương và Trà Giang.

Buổi trình diễn là “cuộc ra quân” về áo dài lớn nhất từ trước đến nay với ý tưởng gắn kết các di sản vào chiếc áo dài để tạo ra một diện mạo mới sinh động hơn và quan trọng là áo dài không bao giờ nhầm lẫn với bất kỳ một trang phục nào khác trên thế giới.

Thông qua những sáng tạo nghệ thuật, các nhà thiết kế đầy tâm huyết sẽ góp phần định danh, định vị áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. 21 bộ sưu tập tham dự lần này được các nhà thiết kế lấy cảm hứng từ các di sản như “ Vịnh Hạ Long” (NTK Nguyễn Thúy); “Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc” (NTK Vũ Trần Đức Hải); “Danh thắng Tràng An”(NTK Hùng Việt); “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”(NTK Minh Minh); “Cao nguyên đá Đồng Văn” (NTK Hoài Nguyễn); “Hoàng thành Thăng Long” (NTK Nhi Hoàng); “Ca trù” (NTK Hà Duy); “Tín ngưỡng thờ mẫu”(NTK Trần Thiện Khánh); “Hát xoan”(NTK Công Huân); “Dân ca Quan họ Bắc Ninh” (NTK Trịnh Bích Thủy); “Thành nhà Hồ” (NTK Lan Hương); “Dân ca Ví, dặm Nghệ Tĩnh” (NTK Thanh Thúy); “ Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng” (NTK Trần Thanh Mẫn); “Quần thể di tích Cố Đô Huế” (NTK Phương Thanh); “Nhã Nhạc Cung đình Huế” (NTK Ngọc Hân); “ Phố cổ Hội An” (NTK Chula); “Bài chòi” (NTK Cao Minh Tiến); “Thánh địa Mỹ Sơn” (NTK Cao Duy); “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” (NTK Trung Beret); “Đờn ca tài tử Nam Bộ” (NTK Huệ Thi); “ Đờn ca tài tử Nam Bộ” (NTK Minh Hạnh).

NTK Cao Minh Tiến: “Bài Chòi là một di sản độc đáo và thông qua chiếc áo dài với phong cách trẻ trung phóng khoáng mà không làm mất đi vẻ đẹp truyền thống”

NTK Nhi Hoàng: “Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Tôi muốn diễn đạt vẻ đẹp Hoàng thành Thăng Long  qua lăng kính của một công dân trẻ của Thủ đô”

NTK Trần Thiện Khánh: “Tín ngưỡng thờ Mẫu là ý tưởng thiêng liêng mà tôi tâm đắc nhất”

NTK Công Huân: “Tôi rất thích hình ảnh những cô bé nhỏ hát Xoan trong bộ áo dài màu đỏ gụ  và chiếc khăn mỏ quạ rất đáng yêu và những lời thơ ý nhạc rất mộc mạc, sâu sắc”

NTK Minh Hạnh: “Với mục đích và mong muốn áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam và Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là địa điểm lựa chọn số một của tôi”

Nguồn: T.LAM – Báo Điện tử Văn hóa

Hà Nội: Hàng nghìn sản phẩm du lịch ưu đãi để kích cầu du lịch

VHO- Nhằm khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn, đồng thời hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa do Bộ VHTTDL phát động với chủ đề “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Quảng bá điểm đến văn hóa- du lịch Hà Nội năm 2020” tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm), từ ngày 26-28.6.2020.

Các đại biểu cắt băng khai mạc chương trình “Quảng bá điểm đến – du lịch Hà Nội năm 2020” và hoạt động Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu đồ uống không cồn

Hơn 1.000 sản phẩm tour du lịch đặc sắc giảm giá từ 20-50% sẽ được giới thiệu và bán cho khách du lịch, người dân. Các sản phẩm du lịch được trưng bày giới thiệu tại 50 gian hàng của hơn 70 doanh nghiệp lữ hành và khu điểm du lịch cùng đại diện du lịch 3 tỉnh: Quảng Bình, Lạng Sơn, Hà Giang. Ngoài ra còn có không gian giới thiệu đồ uống không cồn gồm 30 gian hàng, với các sản phẩm mang đặc trưng của Hà Nội như: Trà sen Hồ Tây, Chè long nhãn hạt sen, Cà phê, nước xấu, tào phớ, các loại đồ uống pha chế tổng hợp, các loại chè đặc sản vùng miền… Trong thời gian diễn ra sự kiện, nhân dân Thủ đô và khách du lịch có cơ hội thưởng thức nhiều hoạt động, như: Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu đồ uống không cồn; chương trình biểu diễn nghệ thuật; lễ hội đường phố với sự tham gia của 3.000 người; tham gia cuộc thi tìm hiểu về Thủ đô Hà Nội…

Phát biểu tại chương trình, ông Bùi Duy Quang, Phó giám đốc trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội cho biết: Trong bối cảnh Việt Nam chưa thể đón khách du lịch quốc tế do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã và đang tập trung chú trọng khai thác thị trường tại chỗ. Để thu hút khách du lịch trong nước tới Hà Nội, các quận, huyện đều chú trọng đẩy mạnh phát triển dịch vụ, khai thác giá trị điểm đến, cải thiện môi trường du lịch để sẵn sàng cung cấp dịch vụ chất lượng cao, đa dạng tới du khách. Qua chương trình này, nhân dân thủ đô được tiếp cận những sản phẩm, tour du lịch nội địa với các gói ưu đãi, hấp dẫn. Đồng thời, đây là cơ hội quảng bá những giá trị văn hóa, các điểm đến du lịch hấp của Thủ Đô, là dịp tôn vinh những y bác sĩ, chiến sĩ, cán bộ, nhân dân thủ đô đã chung sức, đồng lòng để “Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng”.

Các đại biểu thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm du lịch

Đánh giá cao việc tổ chức chương kích cầu du lịch và giới thiệu đồ uống không cồn của UBND thành phố Hà Nội, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục Trưởng, Tổng cục Du lịch nhận định: “Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch của cả nước, khi đến Hà Nội là đến với Việt Nam và cũng từ Thủ đô sẽ lan tỏa tới nhiều vùng miền. Chính vì vậy, hoạt động kích cầu du lịch Hà Nội thời điểm này sẽ góp phần quan trọng để kích cầu du lịch Việt Nam, nhanh chóng phục hồi du lịch cả nước. Sự chung tay của UBND thành phố Hà Nội phối hợp cùng các tỉnh lân cận, doanh nghiệp trên địa bàn, hai hãng hàng không lớn Vietnam Airlines, Vietjetair đã tạo ra một sự kiện vô cùng hấp dẫn, tích cực khôi phục, phát triển du lịch. Tổng cục Du lịch đánh giá cao vai trò của trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng các doanh nghiệp, hãng hàng không trong hoạt động kích cầu du lịch, đặc biệt là giới thiệu đồ uống không cồn Hà Nội 2020, một tiêu điểm hấp dẫn của chương trình này”.

Người dân Thủ đô được tiếp cận với các gói du lịch ưu đãi, hấp dẫn, đa dạng

Hưởng ứng Lễ hội kích cầu Du lịch của Thành phố Hà Nội, bà Nguyễn Thị Vân, Phó Tổng Giám Đốc Tổng công ty Du lịch Hà Nội cho biết: “Nhận thấy rõ ý nghĩa vô cùng to lớn của lễ hội, Hanoitourist tham gia và mang đến rất nhiều sản phẩm du lịch với 6 gian hàng tại khu vực chính của lễ hội cũng như tại gian hàng của Vietnam Airlines. Các sản phẩm đó là chuỗi tour du lịch trọn gói khuyến mại hấp dẫn, trong đó có nhiều sản phẩm du lịch đặc thù như: Tour trải nghiệm ban đêm tại khu di tích nhà tù Hỏa lò với tên gọi “Đêm linh thiêng- sáng ngời tinh thần Việt”; tour tham quan khám phá khu di tích Hoàng Thành với những trải nghiệm hoàn toàn mới; tour nghỉ dưỡng tại khu du lịch Tản Đà với dịch vụ dành riêng cho người cao tuổi; tour sinh thái Tây Yên Tử- Bắc Giang mùa vải ngọt; tour khám phá Hạ Long bằng thủy phi cơ nhằm mang đến trải nghiệm ngắm toàn cảnh Hạ Long bằng thủy phi cơ cho du khách…”

Nhằm đẩy mạnh liên kết hợp tác để thu hút khách du lịch nội địa tới Hà Nội và đưa ra giải pháp phục hồi thị trường quốc tế, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội mong muốn được phối hợp với các cơ quan ban ngành du lịch Hà Nội xúc tiến mạnh mẽ về du lịch Hà Nội an toàn, thân thiện, tiếp nối chương trình du lịch “Cảm xúc Hà Nội” đã thực hiện rất thành công; định hướng các doanh nghiệp khách sạn, vận chuyển, điểm đến, liên kết giảm giá đồng bộ, không giảm chất lượng.

Nguồn: HÀ THAO – Báo Điện tử Văn hóa

Sẽ thu hồi danh hiệu NSND, NSƯT nếu…

VHO- Góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận là đề xuất xem xét việc bổ sung quy định thu hồi danh hiệu trong trường hợp nghệ sĩ sau khi được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT bị vi phạm, sai phạm mà phải xử lý hình sự, hoặc có hành động, việc làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội.

Hội nghị Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89 đã được Bộ VHTTDL tổ chức ngày 25.6 tại Hà Nội, do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải chủ trì Hội nghị.

Băn khoăn chuyện quy đổi

Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89 cho biết, bên cạnh ưu điểm, quá trình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo Nghị định này đã bộc lộ một số vướng mắc về cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp; tiêu chuẩn giải thưởng; số lượng thành viên Hội đồng các cấp và cơ cấu thành phần Hội đồng; tỉ lệ phiếu bầu tại các Hội đồng xét tặng danh hiệu; tỉ lệ % số lượng thành viên Hội đồng có mặt tại cuộc họp Hội đồng.

“Ban soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89 do Bộ VHTTDL thành lập đã nghiên cứu, soạn thảo và thảo luận nhiều nội dung của dự thảo trên cơ sở thực tiễn hai đợt xét tặng năm 2015, 2018 cũng như qua rà soát ý kiến của các chuyên gia, nghệ sĩ…”, ông Cẩn cho biết. Theo đó, Dự thảo sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là nội dung được dư luận và giới nghệ sĩ đặc biệt quan tâm. Đối với tiêu chuẩn giải thưởng của danh hiệu NSND, dự thảo bổ sung quy định “ có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó phải có 1 giải Vàng của cá nhân) sau khi được phong tặng danh hiệu NSƯT. Đối với tiêu chuẩn giải thưởng của danh hiệu NSƯT, bổ sung quy định, “có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc 1 giải Vàng quốc gia và 2 giải Bạc quốc gia, trong đó phải có 1 giải thưởng của cá nhân”. Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi về số lượng thành phần Hội đồng các cấp theo hướng giảm đại diện các cơ quan, tổ chức hành chính và tăng thêm các nhà chuyên môn, chuyên gia, chuyên ngành nhằm đánh giá chính xác hơn về những cống hiến, đóng góp và tài năng nghệ thuật của nghệ sĩ ở từng chuyên ngành, đảm bảo chất lượng của công tác xét tặng, tôn vinh tài năng của nghệ sĩ.

Một nội dung cũng được xem xét, sửa đổi trên cơ sở thực tế của hai mùa xét tặng danh hiệu là tỉ lệ phiếu bầu đồng ý của thành viên Hội đồng. Lĩnh vực nghệ thuật khó đạt được tính thống nhất tuyệt đối trong đánh giá tài năng nghệ thuật của nghệ sĩ, quy định “được ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng có mặt tại cuộc họp bỏ phiếu đồng ý”, vì vậy để thực hiện rất khó khăn. Tại dự thảo, Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi thành tỉ lệ 80% cho phù hợp với thực tiễn công tác xét tặng danh hiệu… Quy đổi giải thưởng là nội dung nhận được nhiều ý kiến quan tâm. Đại diện Bộ Công an bày tỏ, cần có những quy định cụ thể về chuyện quy đổi Huy chương, giải thưởng để việc áp dụng chính xác hơn. “Bộ Công an sắp tới tổ chức Liên hoan Sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ công an. Vậy mức quy đổi Giải thưởng, Huy chương sẽ được tính 100% như ở các Liên hoan sân khấu toàn quốc hay chỉ 50% theo cách tính với Liên hoan sân khấu của lực lượng công an. Bởi ở Liên hoan này các đơn vị chuyên nghiệp tham gia còn đông đảo hơn các đơn vị công an…”. Đại diện này cũng băn khoăn, trong các thành phần đề nghị quy đổi lĩnh vực sân khấu không có chức danh chỉ đạo nghệ thuật, người làm âm nhạc, âm thanh ánh sáng. Đây là vấn đề cần xem xét lại, bởi ở thời đại công nghiệp 4.0, vai trò của người làm âm thanh, ánh sáng rất quan trọng.

NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng băn khoăn về những bất cập trong việc quy đổi giải thưởng với các đối tượng chỉ đạo nghệ thuật, biên đạo múa và nhạc công. Ông đơn cử, chỉ huy hợp xướng, chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch trong âm nhạc có một vai trò vô cùng quan trọng, vừa là đạo diễn, vừa là nghệ sĩ trong mỗi chương trình. Tuy nhiên hiện nay có sự thiệt thòi là những nghệ sĩ này không được tham gia một cuộc thi nào, dẫn đến việc không thể có huy chương. “Chính thiệt thòi ấy dẫn đến việc xét tặng, đặc biệt là danh hiệu NSND là vô cùng khó khăn. Tài năng của họ thực tế chỉ được đánh giá thông qua các đồng nghiệp, khán giả nhưng nếu xét về những yêu cầu về danh hiệu hay giải thưởng thì hoàn toàn “bế tắc”…, NSND Phạm Ngọc Khôi nói .

NSƯT Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình cho rằng, trong lĩnh vực sân khấu, việc xét tặng danh hiệu đang gặp vấn đề. Dù trong bản quy đổi đã thêm thành phần giải thưởng xuất sắc nhưng lại bỏ đi một số chức danh. Đơn cử như đạo diễn âm thanh, ánh sáng hiện đã được Trường Đại học Sân khấu – điện ảnh đưa vào ngành học chính thức. Vậy lại bị lược bỏ trong các thành phần quy đổi thì có phù hợp hay không? NSƯT Quang Thập cũng cho rằng, đối với sân khấu truyền thống, chỉ đạo nghệ thuật là người đầu tiên đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đường hướng của tác phẩm có đến được đích hay không là sự kết nối của vị trí này. “Ban soạn thảo nên cân nhắc vai trò của chỉ đạo nghệ thuật trong việc xét tặng danh hiệu. Hiện nay những người chỉ huy biểu diễn sân khấu thường là những nghệ sĩ có tên tuổi, chuyên môn cao, nếu bỏ qua là bất công”, ông bày tỏ.

NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam cũng cho rằng, NSND, NSƯT là danh hiệu cao quý, do đó chỉ nên dành cho các nghệ sĩ xuất sắc. “Không nên tính tới việc quy đổi huy chương với xét tặng danh hiệu cao quý này. Cái gì khó, đắt, thì mới quý…”, NSƯT Xuân Bắc nhấn mạnh.

Xem xét thu hồi danh hiệu nếu sai phạm

Nhiều ý kiến đề cập đến nội dung đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các “trường hợp đặc biệt”, hoặc tiêu chí được coi là trường hợp đặc biệt để Hội đồng các cấp xem xét, đánh giá đạt các danh hiệu NSND, NSƯT, từ đó Hội đồng xét tặng có cơ sở xem xét, biểu quyết và trình Thủ tướng Chính phủ, tránh việc lạm dụng, bổ sung quá nhiều trường hợp đặc biệt. NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN cho rằng, thực tế các nghệ sĩ thuộc diện “trường hợp đặc biệt” còn rất ít. Chủ yếu việc xét tặng danh hiệu NSƯT bây giờ là dành cho lớp trẻ. Vì vậy, tiêu chí chuyên môn cần phải được đặt lên hàng đầu, không nên “xuống” thấp quá, ảnh hưởng đến chất lượng danh hiệu.

Đề xuất thu hút sự quan tâm của nghệ sĩ và công chúng là việc xem xét bổ sung quy định thu hồi danh hiệu trong trường hợp NSND, NSƯT sau khi được phong tặng danh hiệu bị vi phạm, sai phạm mà phải xử lý hình sự, hoặc có những hành động, việc làm ảnh hưởng xấu ở phạm vi rộng. NSND Hoàng Dũng bày tỏ, ông ủng hộ bổ sung về việc thu hồi danh hiệu. “Nghệ sĩ nhận danh hiệu NSND, NSƯT thì ngoài đóng góp cho nghề nghiệp còn phải trau dồi đạo đức, lối sống. Vậy nên, nếu NSND, NSƯT vi phạm hoặc sai phạm và phải xử lý thì việc tước bỏ là hoàn toàn đúng. Bổ sung quy định này là để nhắc nhở người nghệ sĩ khi được phong danh hiệu, ngoài cống hiến về chuyên môn thì cần sống đúng, có chuẩn mực đạo đức hơn, có ý thức hơn với cộng đồng…”.

NSƯT Xuân Bắc cũng cho rằng đây là điều cần thiết: “Nếu có việc trao tặng, phong tặng danh hiệu thì cũng cần phải có xử lý, thu hồi để đảm bảo tính cao quý của danh hiệu. Tuy nhiên, để mọi việc được minh bạch, rõ ràng thì cần có hội đồng trước khi đưa ra quyết định đối với việc thu hồi danh hiệu…”. Cũng theo nghệ sĩ này, các nghệ sĩ là gương mặt, là hình ảnh vì thế bên cạnh các hoạt động chuyên môn cũng cần xét tới yếu tố tham gia tích cực với cộng đồng. Các nghệ sĩ cần có ý thức và trách nhiệm đưa ảnh hưởng của cá nhân của mình để phục vụ cộng đồng.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Khánh Hải, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định sửa đổi cho biết, các ý kiến góp ý cũng như những vấn đề còn băn khoăn sẽ được Ban soạn thảo lắng nghe và tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi bổ sung trên cơ sở đảm bảo sự tôn vinh chính xác, không bỏ sót những tài năng, cống hiến của các nghệ sĩ với nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Cũng theo Thứ trưởng, những nội dung sửa đổi, bổ sung cần được làm rõ để Hội đồng các cấp dễ thực hiện. Chẳng hạn, làm rõ thế nào là “trường hợp đặc biệt”, hoặc tiêu chí được coi là trường hợp đặc biệt, tránh việc lạm dụng, bổ sung quá nhiều trường hợp đặc biệt.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết thêm, Ban soạn thảo, Tổ thư ký sẽ tiếp tục làm việc với các Hội đồng chuyên ngành ở các lĩnh vực để xem xét, hoàn thiện những nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tôn vinh đúng thành phần, đúng đối tượng. Nghị định sửa đổi cần thiết thực, có tầm nhìn, đảm bảo thực thi hiệu quả trong nhiều năm tới.

 Nghệ sĩ nhận danh hiệu NSND, NSƯT thì ngoài đóng góp cho nghề nghiệp còn phải trau dồi đạo đức, lối sống. Vậy nên, nếu NSND, NSƯT vi phạm hoặc sai phạm và phải xử lý thì việc tước bỏ là hoàn toàn đúng. Bổ sung quy định này là để nhắc nhở người nghệ sĩ khi được phong danh hiệu, ngoài cống hiến về chuyên môn thì cần sống đúng, có chuẩn mực đạo đức hơn, có ý thức hơn với cộng đồng…

(NSND HOÀNG DŨNG)

  Nguồn: HOÀNG NGÂN – Báo Điện tử Văn hóa

Lấy ý kiến sửa đổi quy định xét tặng NSND, NSƯT: Tôn vinh đúng, trúng và không bỏ sót tài năng

VHO- “Để tôn vinh đúng người và không để sót, lọt tài năng, Hội đồng các cấp không chỉ ngồi chờ nghệ sĩ đến nộp đơn để được xét phong tặng mà chúng ta phải đến tận nhà làm hồ sơ cho nghệ sĩ”, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã phát biểu nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị – Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân” (NSND), “Nghệ sĩ ưu tú” (NSƯT) do Bộ VHTTDL tổ chức tại TP.HCM.

Cùng dự còn có đại diện các Cục, Vụ, các Sở VHTT, Sở VHTTDL, các hãng phim, nhà hát, đoàn nghệ thuật, cơ sở đào tạo nghệ thuật, các chuyên gia trong lĩnh vực văn học – nghệ thuật khu vực phía Nam.

Tránh lạm dụng, bổ sung quá nhiều “trường hợp đặc biệt”

Báo cáo quá trình triển khai thực hiện xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VHTTDL, Phó trưởng Ban soạn thảo cho biết, tính đến ngày 9.6.2020, Bộ VHTTDL đã nhận được 102 văn bản góp ý của các cơ quan, đơn vị, trong đó có 63 văn bản đồng ý và 39 văn bản góp ý.

Theo đó, nhiều ý kiến tập trung vào đề nghị Ban soạn thảo làm rõ về thời gian các nghệ sĩ, diễn viên hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật chuyên nghiệp, không quy định mốc thời gian vì có nhiều trường hợp cá nhân tốt nghiệp trường nghệ thuật sau nhiều năm mới tham gia hoạt động chuyên nghiệp. Quy định như trên sẽ dẫn đến tình trạng “cào bằng” khi thời gian làm nghề chỉ vài năm mà vẫn được xem xét tặng danh hiệu là không phù hợp. Các ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các “trường hợp đặc biệt” hoặc “tiêu chí được coi là trường hợp đặc biệt” để Hội đồng xét duyệt có cơ sở đánh giá, biểu quyết và trình Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các góp ý còn đề nghị Ban soạn thảo xem xét việc bổ sung quy định về việc thu hồi danh hiệu (hoặc có hình thức xử lý phù hợp) trong trường hợp các nghệ sĩ có vi phạm, sai phạm phải xử lý hình sự hoặc có những hành động, việc làm gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội sau khi được phong tặng.

Theo Ban soạn thảo, các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89 bao gồm: Sửa đổi, bổ sung cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp; Sửa đổi, bổ sung về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; Sửa đổi, bổ sung số lượng, thành phần Hội đồng các cấp; Sửa đổi về tỷ lệ phiếu bầu đồng ý của tổng số thành viên các cấp Hội đồng; Sửa đổi về tỷ lệ % số lượng thành viên có mặt tại cuộc họp Hội đồng và Sửa đổi, bổ sung Phụ lục II Bảng quy đổi giải thưởng.

Theo đó, ngoài quy định “Thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp được tính từ thời điểm cá nhân tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở”, bổ sung thêm quy định “hoặc tính từ thời điểm cá nhân được ký hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật về lao động tại một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đến thời điểm xét tặng hồ sơ danh hiệu NSND, NSƯT tại Hội đồng cấp cơ sở”. Việc bổ sung thêm quy định này sẽ tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ sĩ tài năng, có nhiều đóng góp ở một số lĩnh vực nghệ thuật truyền thống (nghệ sĩ được tuyển vào các đoàn nghệ thuật vừa được truyền nghề tại đoàn và vừa tham gia biểu diễn cùng các nghệ sĩ của đoàn). Đối với tiêu chuẩn giải thưởng của danh hiệu NSND, bổ sung quy định “… có ít nhất 2 giải Vàng Quốc gia (trong đó phải có 1 giải Vàng của cá nhân) sau khi được phong tặng danh hiệu NSƯT”. Đối với tiêu chuẩn giải thưởng của danh hiệu NSƯT, bổ sung quy định “… có ít nhất 2 giải Vàng Quốc gia hoặc 1 giải Vàng Quốc gia và 2 giải Bạc Quốc gia (trong đó phải có 1 giải thưởng của cá nhân)”. Việc bổ sung thêm quy định này vì một số ý kiến cho rằng đã có nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nhưng bản thân họ không đạt được bất kỳ huy chương Vàng hay Bạc của cá nhân nào; các huy chương của họ đang có đều được quy đổi từ giải thưởng của tập thể nên chưa thực sự thuyết phục. Ban soạn thảo cũng thống nhất cần giảm bớt đại diện các cơ quan, tổ chức hành chính; tăng thêm các nhà chuyên môn, chuyên gia…

Cần tính thêm yếu tố đặc thù

Tại hội nghị – hội thảo, hầu hết các đại biểu bày tỏ sự đồng tình khi dự thảo qua nhiều lần góp ý đã có sự điều chỉnh đáng kể, tạo sự đồng thuận cao. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng có một số quy định vẫn còn cứng nhắc, bất cập khi áp dụng cho tất cả các ngành và các địa phương. Do vậy, cần có sự linh hoạt để phù hợp hơn với thực tế.

NSƯT Phi Vũ, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam băn khoăn, tại Điểm d Khoản 1 Điều 9 của dự thảo quy định “Phải có ít nhất 2 giải Vàng Quốc gia hoặc 1 giải Vàng và 2 giải Bạc Quốc gia, trong đó phải có 1 giải thưởng cá nhân”, đối với các loại hình nghệ thuật khác thì là hợp lý, riêng đối với loại hình xiếc thì giải thưởng dành cho cá nhân chỉ phù hợp với vai trò đạo diễn, còn giải thưởng dành cho cá nhân diễn viên biểu diễn thì cực kỳ hiếm, bởi trên thực tế, chỉ có vài trường hợp biểu diễn tiết mục đơn, còn lại hầu hết đều biểu diễn từ hai người trở lên. “Vì đây là loại hình nghệ thuật mang tính tập thể cao. Đơn cử tiết mục Sức mạnh đôi tay của hai nghệ sĩ Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp đã đạt đến trình độ nghệ thuật “thượng thừa”, không chỉ trong nước mà cả trên đấu trường quốc tế, như vậy thành công của tiết mục này là sự kết hợp của hai nghệ sĩ… Do đó, quy định mới phải có 1 giải thưởng của cá nhân rất cần được xem lại ở chuyên ngành xiếc”, NSƯT Phi Vũ tâm tư.

Ông Hồng Quốc Khánh, Giám đốc Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ đề nghị Bộ nên có đặc cách cho các nghệ sĩ trẻ. “Đơn cử tại Cần Thơ, có nghệ sĩ đã dư số huy chương cần thiết theo quy định, tuy nhiên, tuổi nghề lại chưa đủ, do vậy mà đến nay nghệ sĩ này vẫn phải ngồi… đợi cho đủ thời gian mới được xem xét phong tặng. Tôi thiết tha mong muốn Bộ có cơ chế quy đổi để tránh thiệt thòi cho các nghệ sĩ”, ông Khánh bày tỏ. Đồng tình với quan điểm này, NSND Mai Trung Kiên, Phó Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh, Bình Thuận cho biết, hoàn toàn tán thành số lượng huy chương theo danh mục của Bộ VHTTDL, nhưng tính về thời gian cần xem xét lại, nhất là diễn viên múa và xiếc, chỉ riêng thời gian đào tạo đã mất 7 năm cho hệ trung cấp. Do đó, kiến nghị quy định về thời gian không nên ghi “cứng” 5 năm hay 10 năm mà nên linh hoạt, chẳng hạn danh hiệu NSƯT về múa có thể từ 7-10 năm, NSND từ 12-15 năm, còn nếu có thành tích đột xuất hoặc có cống hiến xuất sắc thì phải được xét đặc cách…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết, dự thảo Nghị định mới đã bám sát đặc thù từng lĩnh vực nghệ thuật, bám sát đặc thù từng địa phương, đồng thời chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tổng hợp đầy đủ những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn chỉnh hơn nữa dự thảo. “Mong muốn làm sao sau khi sửa Nghị định, mỗi lần xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT là một ngày hội, ai được phong tặng cũng xứng đáng, vừa tiếp nối truyền thống vừa tôn vinh những đóng góp của các thế hệ nghệ sĩ”, Thứ trưởng chia sẻ và cho rằng, “Tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá cầu toàn, vì thế trong thực tiễn đời sống xuất hiện những vấn đề mới và những quy định không còn phù hợp, cần điều chỉnh thì sẽ tiếp tục lấy ý kiến bổ sung. Nhưng hy vọng dự thảo Nghị định sửa đổi lần này có tầm nhìn xa để phù hợp trong một thời gian dài, ít nhất là 10 năm trở lên… Để tôn vinh đúng người, không bỏ sót tài năng, bây giờ Hội đồng không chỉ ngồi chờ nghệ sĩ mang đơn đến nộp để được phong tặng, mà chúng ta phải đến tận nơi, tận nhà làm hồ sơ cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên, việc quy đổi hay xét đặc thù cũng đảm bảo chất lượng, khách quan, để công chúng không đặt câu hỏi vì sao các thế hệ nghệ sĩ sau cũng danh hiệu đó mà yếu hơn thế hệ nghệ sĩ trước là không được”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

 Để tôn vinh đúng người và không bỏ sót, lọt tài năng Hội đồng các cấp không chỉ ngồi chờ nghệ sĩ đến nộp đơn để được xét phong tặng mà chúng ta phải đến tận nơi, tận nhà làm hồ sơ cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên, việc quy đổi hay xét đặc thù cũng đảm bảo chất lượng, khách quan, để công chúng không đặt câu hỏi vì sao các thế hệ nghệ sĩ sau cũng danh hiệu đó mà yếu hơn thế hệ nghệ sĩ trước?…

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL LÊ KHÁNH HẢI)

 Nguồn: THÙY TRANG – Báo Điện tử Văn hóa

“Chúng tôi đã trở lại”: Sự trở lại mạnh mẽ của các nghệ sĩ sau đại dịch

VHO – Tối 19.6, chương trình hòa nhạc đặc biệt mang tên “Chúng tôi đã trở lại” (We return) đã đem lại nguồn năng lượng tích cực cho khán giả, đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của các nghệ sĩ sau ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tới dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng lãnh đạo các cơ quan ban ngành của Việt Nam, các vị Đại sứ, đại diện các phái đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chụp ảnh cùng các nghệ sĩ trong đêm diễn

“Chúng tôi đã trở lại” do Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam phối hợp tổ chức như lời cảm ơn ý nghĩa dành cho các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19.

Chương trình biểu diễn với quy mô hoành tráng, quy tụ sự tham gia của 150 nghệ sĩ thuộc 3 đơn vị đầu ngành về đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc hàn lâm tại Việt Nam. Đặc biệt là bốn nghệ sĩ độc tấu tham gia chương trình hòa nhạc là Nguyễn Huy Phương và Nguyễn Trinh Hương (đàn piano), Hoàng Mạnh Lâm (kèn oboe) và Nguyễn Thiện Minh (đàn violin).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, các đại biểu cùng đông đảo khán giả

Các nghệ sĩ đã trình diễn nhiều nhạc phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc lừng danh thế giới. Khúc mở đầu là vở opera La Gazza Ladra (Con chim ác là ăn cắp) của Nhà soạn nhạc người Ý Gioachino Rossini. Tiết mục có sự tham gia của 120 nghệ sĩ – một sân khấu hoành tráng hiếm có của nhạc cổ điển hàn lâm Việt Nam. Tiết mục này cũng đánh dấu sự quay trở về ngôi trường thân thương Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (HVANQGVN) của các nghệ sĩ.

Tiết mục tiếp theo là bản concerto cho kèn oboe và violin của nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach. Tiết mục có sự tham gia trình diễn của lớp nghệ sĩ, giảng viên trẻ đầy tài năng của HVANQGVN là giảng viên, nghệ sĩ violin Nguyễn Thiện Minh và giảng viên, nghệ sĩ kèn oboe Hoàng Mạnh Lâm. Bản concerto viết cho kèn oboe, đàn violin và dàn nhạc được nhà soạn J.S. Bach (1685-1750) viết từ năm 1717 đến năm 1723. Sự tương phản về màu sắc giữa hai nhạc cụ solo đã tạo nên sự lôi cuốn ở các chủ đề đối đáp trong tác phẩm. Nhà soạn J.S. Bach đã cân bằng các tương đồng và đối nghịch về kỹ thuật, âm điệu của hai nhạc cụ độc tấu, khiến cho phần mở đầu của tác phẩm trở nên thú vị, đầy cảm hứng.

Tiết mục thứ 3 trong chương trình là bản concerto dành cho hai piano và dàn nhạc của nhà soạn nhạc người Pháp, Francis Poulenc. Tác phẩm có sự tham gia trình diễn của giảng viên, nghệ sĩ piano Nguyễn Huy Phương và giảng viên, nghệ sĩ piano Nguyễn Trinh Hương.

Quá tuyệt vời! Những tràng pháo tay không ngớt sau mỗi tiết mục là cảm xúc của khán giả trong khán phòng hòa nhạc lớn của HVANQGVN. Còn đối với các nghệ sĩ, cảm giác được chơi nhạc cùng các đồng nghiệp trên cùng một sân khấu lớn thật ý nghĩa và chắc chắn sẽ là một kỷ niệm khó quên đối với tất cả anh em nghệ sĩ và khán giả.

NSƯT Bùi Công Duy, Phó Giám đốc HVANQGVN cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, do những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên các hoạt động biểu diễn nghệ thuật bị ngưng trệ. Cho đến nay, nhiều dàn nhạc giao hưởng trên thế giới vẫn chưa thể trở lại hoạt động. Theo kế hoạch, trong năm 2020, nhiều dàn nhạc Giao hưởng lớn của thế giới sẽ tới biểu diễn tại Việt Nam. Một trong số đó là Dàn nhạc Giao hưởng Minnesota của Mỹ, dự kiến có chương trình biểu diễn vào chính khoảng thời gian tháng 6 này tại sân khấu HVANQGVN, nhưng kế hoạch đó đã không thể được thực hiện. Chính vì vậy, việc chúng ta có chương trình hòa nhạc “Chúng tôi đã trở lại” vào thời điểm này, với sự kết hợp của 3 đơn vị nghệ thuật hàng đầu là một điều may mắn và kỳ diệu. Chúng ta càng đánh giá cao hơn nỗ lực và thành công của Chính phủ VN trong việc kiểm soát dịch Covid-19 để chúng ta có thể sớm trở lại cuộc sống và công việc bình thường như hiện nay.

“Hiện nay, nhạc cổ điển Việt Nam so với những năm trước đã và đang phát triển mạnh mẽ hơn. Mặc dù sự đầu tư từ các nguồn tài trợ cho âm nhạc cổ điển ở Việt Nam vẫn chưa nhiều nên đâu đó vẫn có những hạn chế, nhưng học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam cũng như Dàn nhạc Vũ Kịch Hà Nội hằng năm vẫn ra mắt rất nhiều concert, tạo cảm hứng cho lớp trẻ hiện nay, cũng như dần khẳng định và kéo gần khoảng các giữa âm nhạc cổ điển Việt Nam với Thế Giới. Thế hệ trẻ chúng tôi đang cố gắng, và cũng rất mong chờ vào những thế hệ sau sẽ tiếp tục tiếp nối và phát triển nền âm nhạc cổ điển nước nhà”, nghệ sĩ violon Nguyễn Thiện Minh chia sẻ.

Nghệ sĩ trẻ violon Bùi Tú Uyên cảm thấy vô cùng may mắn và tự hào khi được biểu diễn trong một chương trình hòa nhạc lớn và nhiều ý nghĩa chưa từng có ở Việt Nam như thế này. “Đây là lần thứ hai Tú Uyên được tham gia trong chương trình hòa nhạc lớn. So với lần đầu tiên tham gia, thì lần này Tú Uyên bớt bỡ ngỡ hơn nhưng cảm giác hồi hộp, lo lắng khi cùng đứng trong một dàn nhạc lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam vẫn không thay đổi. Chương trình lần này chắc chắn là động lực lớn giúp Tú Uyên nỗ lực học tập hơn nữa trong thời gian tới”, nghệ sĩ trẻ violon Bùi Tú Uyên chia sẻ.

“Chúng tôi đã trở lại” một lần nữa khẳng định đẳng cấp trình diễn và sự sáng tạo cũng như những thông điệp âm nhạc mà Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam muốn gửi đến khán giả. Đồng thời cũng đã mang tới cho quý khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau từ cổ điển sang trọng đến hoành tráng, đồ sộ như trong những ngày đại lễ hội, đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của âm nhạc cổ điển hàn lâm Việt Nam sau thời gian tương đối dài ngưng trệ do tác động của dịch Covid-19.

Chương trình hòa nhạc “WE RETURN – Chúng tôi đã trở lại” đã được ghi hình trực tiếp và phát lại trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, giúp quý khán thính giả trên khắp cả nước cũng như bạn bè quốc tế có cơ hội thưởng thức.

Nguồn: THANH NGỌC; ảnh: ĐỨC ANH – Báo Điện tử Văn hóa

Bộ VHTTDL chúc mừng các cơ quan báo chí ngày 21.6

VHO- Ngày 19.6, các Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Khánh Hải, Lê Quang Tùng, Tạ Quang Đông đã đến thăm và chúc mừng các cơ quan báo chí: Báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Tuổi trẻ, Báo Tiền phong và các cơ quan báo chí thuộc Bộ: Báo Văn hóa, Điện tử Tổ quốc, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2020).

Thứ trưởng Lê Khánh Hải chúc mừng Báo Quân đội Nhân dân 

Sáng 19.6, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã đến thăm và chúc mừng các cơ quan báo chí: Báo Quân đội Nhân dân, Báo Văn Hóa và Báo điện tử Tổ quốc nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925- 21.6.2020).

Chúc mừng Báo Quân đội nhân dân, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đánh giá cao những nỗ lực của tập thể báo trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ là tiếng nói của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt trong thời gian qua, khi cả đất nước gồng mình chống đại dịch Covid-19, hình ảnh những người lính bộ đội Cụ Hồ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, vì nhân dân quên mình đã để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ đối với người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ các khu cách ly đến miền núi, biên cương, hải đảo… “Không chỉ là tờ báo có uy tín trong ngành Quân đội, Báo Quân đội nhân dân còn là tờ báo nhận được sự tin yêu của độc giả trên khắp cả nước, là vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Thứ trưởng Lê Khánh Hải nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn Báo Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục gắn bó, phối hợp  cùng Bộ VHTTDL trong công tác tuyên truyền cho các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải chúc mừng Báo Quân đội Nhân dân

Thay mặt Báo Quân đội nhân dân, Đại tá Ngô Anh Thu, Phó Tổng Biên tập cảm ơn lãnh đạo Bộ VHTTDL đã tới thăm và chúc mừng Báo nhân kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, đồng thời đã có những đánh giá, ghi nhận đối với những nỗ lực, cố gắng của các cán bộ, phóng viên, biên tập viên trong công tác truyền thông về các lĩnh vực, trong đó có văn hóa, thể thao và du lịch. Phó Tổng Biên tập Ngô Anh Thu cũng chia sẻ mong muốn lãnh đạo Bộ VHTTDL và các cơ quan trực thuộc tiếp tục tạo điều kiện cho đội ngũ người làm báo Quân đội Nhân dân tiếp cận và có những bài viết tốt về các vấn đề thuộc phạm vi quản lý của ngành.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải trò chuyện với lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên Báo Văn Hóa

Thăm và chúc mừng ngày 21.6 tại Báo Văn Hoá và Báo Điện tử tổ quốc, Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã đánh giá cao những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, các phóng viên, biên tập viên của hai cơ quan báo chí thuộc Bộ trong thời gian qua.

Khẳng định cả hai cơ quan báo chí đang có bước phát triển không ngừng, Thứ trưởng Lê Khánh Hải mong muốn Báo Văn Hoá, Báo Điện tử tổ quốc, tiếp tục phát huy vai trò là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hoá tư tưởng, ngày càng được bạn đọc tin yêu, đón nhận.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải chúc mừng Báo Điện tử Tổ quốc

Thứ trưởng lưu ý, để phát huy tính xung kích, các cơ quan báo chí thuộc Bộ cần mạnh mẽ lên tiếng bảo vệ cái đúng, phản biện trước những sai trái. Trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch  ngày càng có nhiều vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi người cầm bút phải rèn luyện bản lĩnh, dũng khí, dám nói, dám bộc lộ chính kiến. Theo Thứ trưởng, Bộ VHTTDL sẽ luôn tạo điều kiện và những hỗ trợ cần thiết để các cơ quan báo chí thuộc Bộ phát huy tối đa sức mạnh, vai trò truyền thông của mình. “Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.  Các cơ quan báo chí của Bộ cần nỗ lực tiếp tục thực hiện vai trò của mình trong lĩnh vực truyền thông, đóng góp vào cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam phù hợp với giai đoạn mới…”, Thứ trưởng Lê Khánh Hải nhấn mạnh.

Đối với Báo Văn Hóa, Thứ trưởng Lê Khánh Hải khẳng định, trong những năm qua, bằng nhiều nỗ lực, Báo Văn Hóa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL. Tờ báo là cầu kết nối tin cậy đến với  độc giả cả nước với lượng thông tin phong phú, đa dạng, góp phần định hướng và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ về các lĩnh vực thuộc phạm  vi quản lý của  Bộ, ngành. “Báo Văn Hóa hãy tiếp tục phát huy sức mạnh cơ quan ngôn luận của Bộ  VHTTDL. Trên nền tảng uy tín đã được gây dựng, trong bối cảnh hiện nay, Báo Văn Hóa cần nỗ lực, đoàn kết, thực hiện tốt hơn nữa vai trò tiên phong của những người cầm bút, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng”, Thứ trưởng Lê Khánh Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải lưu ý Báo Văn Hóa cần nỗ lực, tiếp tục phát huy vai trò cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL

Cảm ơn lãnh đạo Bộ VHTTDL đã luôn quan tâm, động viên và tạo mọi điều kiện cho hoạt động của Báo, bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa khẳng định, thời gian tới, Báo Văn Hóa sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu, thực hiện tốt những nhiệm vụ được giao để tiếp tục khẳng định thương hiệu, uy tín của tờ báo.

Cũng trong sáng 19.6, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng đã đến thăm và chúc mừng các cơ quan báo chí: Báo Nhân Dân, báo Tiền Phong và Tạp chí Văn hoá nghệ thuật. Thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Lê Quang Tùng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Bộ Biên tập, các cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên của báo Nhân Dân. Thứ trưởng cảm ơn báo Nhân Dân đã luôn đồng hành, chia sẻ với Bộ VHTTDL trong công tác tuyên truyền các lĩnh vực mà Bộ quản lý và có nhiều bài viết sắc bén, thông tin kịp thời các vấn đề văn hoá, thể thao, du lịch, gia đình; giúp Bộ gặt hái nhiều thành công trong năm qua, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, nghệ thuật của nhân dân.

Thay mặt tập thể những người làm báo Nhân Dân, ông Đinh Như Hoan, Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của Bộ VHTTDL và cho biết, sắp tới báo Nhân Dân sẽ phát triển trở thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện của Đảng và Nhà nước. Trong đó, mảng văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình là mảng rất quan trọng sẽ được báo đẩy mạnh truyền thông thời gian tới.

Thứ trưởng Lê Quang Tùng và Phó Tổng biên tập Đinh Như Hoan mong muốn thời gian tới sự phối hợp giữa hai bên sẽ thêm bền chặt và hiệu quả hơn; cùng nhau thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao; cùng phục vụ tốt nhân dân.

Đến thăm và chúc mừng báo Tiền Phong nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cảm ơn Báo thời gian qua đã có nhiều bài viết đề cập đến các vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà Bộ quản lý, phản biện trên tinh thần xây dựng, được bạn đọc và dư luận đánh giá cao; giúp Bộ truyền tải những thông tin quan trọng đến người dân, bạn đọc. Thứ trưởng mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, sát cánh của báo Tiền Phong để thời gian tới Bộ VHTTDL hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Chia sẻ với Bộ VHTTDL thời gian qua ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn khẳng định sẽ chỉ đạo tăng cường thông tin về việc ngành văn hoá, thể thao, du lịch bước vào giai đoạn hồi phục sau đại dịch, truyền thông mạnh mẽ hơn về điểm đến Việt Nam an toàn và những vấn đề khác thuộc lĩnh vực Bộ quản lý.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam cho các nhà báo của Tạp chí Văn hóa nghệ thuật

Chia vui với cán bộ, nhân viên, phóng viên, biên tập viên, người lao động của Tạp chí Văn hoá nghệ thuật nhân dịp kỷ niệm, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho rằng Tạp chí không chỉ là cơ quan báo chí mà còn là cơ quan nghiên cứu về văn hoá, nghệ thuật. Rất nhiều vấn đề quan trọng của Bộ, đời sống văn hoá, nghệ thuật của văn nghệ sĩ và người dân cả nước đã được đề cập, đăng tải trên Tạp chí. Thời gian tới, ngoài việc theo dõi sát sao các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, Thứ trưởng đề nghị Tạp chí Văn hoá nghệ thuật quan tâm, tuyên truyền nhiều hơn cho lĩnh vực du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong phát triển du lịch và công nghiệp văn hoá. Đồng thời, tiếp tục ổn định bộ máy sau khi sáp nhập, phát huy điểm mạnh, lợi thế của đơn vị để tạo ra một tập thể vững mạnh trong làng báo; có nhiều cây viết sắc sảo, tinh tế, nghiên cứu sâu về văn hoá, nghệ thuật.

Cảm ơn sự quan tâm, động viên của lãnh đạo Bộ, ông Hoàng Hà, Quyền Tổng biên tập Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật xin tiếp thu ý kiến chỉ đạo sát sao của Thứ trưởng Lê Quang Tùng và hứa sẽ tiếp tục phát triển Tạp chí ngày càng vững mạnh.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông thăm và chúc mừng Đài Tiếng nói Việt Nam

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã tới thăm và chúc mừng ngày 21.6 tại Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Tuổi trẻ.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã gửi lời chúc mừng đến tập thể lãnh đạo, các bộ, biên tập viên, phóng viên, người lao động tại các cơ quan báo chí và bày tỏ lời cảm ơn với các cơ quan báo chí đã luôn thông tin kịp thời, chính xác, khách quan về các hoạt động của Bộ VHTTDL và các lĩnh vực mà Bộ quản lý. Đặc biệt trong các lĩnh vực “nóng”, liên quan đến đời sống như  điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, bảo tồn di sản, lễ hội, nghệ thuật biểu diễn, du lịch, thể thao…

Thông tin phản ánh, phản biện trên các báo ấn phẩm của Đài Tiếng nói Việt Nam và báo Tuổi trẻ thời gian qua đã góp phần quan trọng trong công tác quản lý, điều hành, xử lý các vụ việc cụ thể trong các lĩnh vực do Bộ quản lý; qua đó giúp Bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông thăm và chúc mừng Báo Tuổi trẻ

Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang chia sẻ, tình cảm và sự quan tâm của lãnh đạo Bộ VHTTDL trong ngày vui của đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam chính là động lực để đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên và người lao động của Đài tiếp tục phát huy sức mạnh của báo chí chính thống, có tiếng nói phản biện để thể hiện sức mạnh xung kích của báo chí trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Trưởng Văn phòng đại diện Báo Tuổi trẻ tại miền Bắc Dương Đức Đà Trang cũng chia sẻ, các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch luôn được các phóng viên của báo theo sát, phản ánh dưới nhiều góc nhìn riêng. Cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Bộ VHTTDL, ông Dương Đức Đà Trang cũng cho biết, thời gian tới,  tờ báo sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh truyền thông để chuyển tải đến bạn đọc nhiều thông tin hữu ích trên các lĩnh vực, trong đó các mảng do Bộ VHTTDL quản lý sẽ được quan tâm với dung lượng phù hợp.

Nguồn: PHƯƠNG ANH-THÚY HÀ, ảnh: TRẦN HUẤN- MINH KHÁNH

(Báo Điện tử Văn hóa)

Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa: Văn hóa là trụ cột của phát triển

VHO- Nhiều đại biểu đã nhận định như vậy tại Hội thảo tham vấn Rà soát công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam diễn ra sáng 18.6 tại Hà Nội. Hội thảo do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với nhiều đơn vị liên quan thực hiện.

Hội thảo cũng là dịp để tham vấn, hoàn thiện báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2016-2019 về việc thực hiện Công ước 2005 của UNESCO trong bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa.

Văn hóa là nguồn lực mạnh phát triển kinh tế

Theo dự thảo báo cáo, Công ước là nền tảng quan trọng để Việt Nam thúc đẩy và cụ thể hóa chính sách kinh tế, xã hội hóa trong văn hóa. Kinh nghiệm của các nước phát triển có ngành công nghiệp văn hóa lớn mạnh cho thấy, muốn thành công, phải gắn văn hóa với tiến trình hiện đại hóa; phải coi văn hóa là nguồn lực phát triển quan trọng thay vì chỉ dựa vào nguồn lực truyền thống.

Có thể thấy, từ năm 2016 đến nay, nhìn chung, các chính sách liên quan đến văn hóa của Việt Nam đều hướng đến việc xem xét các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong nền kinh tế thị trường; chú ý đến nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân và quan tâm nhiều hơn đến vai trò của các tổ chức phi chính phủ ở một số lĩnh vực văn hóa. Chính việc có những chính sách phù hợp, cùng với đó là sự nỗ lực thực hiện Công ước 2005 đã giúp phát triển văn hóa tại nước ta đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Kết quả rõ nhất trong việc thực thi Công ước giai đoạn 4 năm vừa qua là ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Điều này là để thực hiện đúng cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với UNESCO. Theo đó, Chiến lược giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò và vị trí của công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chiến lược đã xác định Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, du lịch, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm… Mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng; đóng góp tích cực vào tăng cường kinh tế và giải quyết công ăn việc làm. Nhờ vậy, các sản phẩm, dịch vụ thuộc các ngành công nghiệp văn hóa giúp đẩy mạnh quảng bá đất nước, con người Việt Nam; xác lập được thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, hướng đến ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam. Chiến lược cũng đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đến năm 2030. Từ Chiến lược này của Chính phủ, 3 Bộ và 43 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã ban hành kế hoạch riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của mình.

Một kết quả khác được dự thảo báo cáo đưa ra là Việt Nam đã trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Đi kèm với việc công nhận thành viên là nhiều chương trình hành động mà các cơ quan, ban ngành liên quan của TP Hà Nội sẽ thực hiện nhằm hiện thực hóa các mục tiêu màHà Nội đã cam kết, bao gồm 3 sáng kiến như: Thành lập Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng và củng cố các Không gian sáng tạo tại Hà Nội; Dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội… Ba sáng kiến, dự án cấp độ quốc tế cũng được Hà Nội đưa ra là Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà NộiTuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội và Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ.

Chú trọng phát triển thương hiệu văn hóa

Dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, nhưng thực tế, việc thực hiện Công ước 2005 vẫn còn nhiều khó khăn. PGS. TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nêu trong dự thảo Báo cáo thực hiện Công ước 2005 rằng, do nhận thức chưa đầy đủ nên các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo chưa chủ động áp dụng các biện pháp theo quy định để bảo vệ những quyền liên quan. Từ đó, người sáng tạo và các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ sáng tạo ít có cơ hội thu được lợi nhuận chính đáng từ việc sản xuất và phân phối sản phẩm sáng tạo, phá hỏng các mô hình kinh doanh sáng tạo chuyên nghiệp và gây khó khăn cho sự phát triển các doanh nghiệp sáng tạo ở nhiều ngành như âm nhạc, thiết kế thời trang…

Trước tình hình đó, để tăng cường phát triển văn hóa, gắn với lợi ích phát triển kinh tế – xã hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo dựng môi trường pháp lý phù hợp và thuận lợi cho các hoạt động sáng tạo, sản xuất và thụ hưởng các giá trị văn hóa nghệ thuật. Cụ thể là đổi mới, cập nhật và thúc đẩy thực thi có hiệu quả các quy định pháp lý về việc sở hữu trí tuệ, quy định về thẩm định và kiểm duyệt việc ban hành, phổ biến các tác phẩm nghệ thuật để các chủ thể được hưởng lợi. “Việc xây dựng, hoàn thiện chính sách là rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là phải áp dụng thật hiệu quả. Không thể để tình trạng chính sách rất “cao siêu” nhưng thực hiện lại không đến đâu”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu rõ. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa, sáng tạo tiêu biểu: “Tôi lấy ví dụ việc phim mang thương hiệu của Hollywood đã mang đến doanh thu “khủng” như thế nào trong phát triển văn hóa và kinh tế – xã hội nước bạn. Gần chúng ta hơn là nhóm nhạc BTS (Hàn Quốc), một buổi bán vé biểu diễn của nhóm đã đem lại lợi nhuận cao ra sao. Từ những dẫn chứng đó, chúng ta có thể thấy việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa, sáng tạo tiêu biểu có vai trò quan trọng như thế nào. Có được thương hiệu, phát triển văn hóa tại Việt Nam sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, khẳng định được văn hóa hoàn toàn là trụ cột trong phát triển kinh tế – xã hội”.

Bên cạnh đó, trong dự thảo báo cáo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nêu thêm, cần lồng ghép các vấn đề về phát triển văn hóa và sáng tạo văn hóa trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình hợp tác phát triển quốc tế. Cụ thể, phát triển văn hóa phải đi đôi với phát triển kinh tế, giáo dục, đào tạo, xóa đói giảm nghèo…

ĐÌNH TOÁN; ảnh: MINH KHÁNH

Thú vị với Cảm xúc tháng Sáu

VHO- Với 45 tác phẩm của 14 tác giả được chọn ra từ 198 các bản in của trại sáng tác đồ họa in độc bản, triển lãm Cảm xúc tháng sáu  sẽ mang đến nhiều thú vị cho công chúng yêu mỹ thuật. Triển lãm sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 20-22.6 tại Nhà Triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Được tổ chức thường niên trong vòng hơn chục năm trở lại đây, các Trại sáng tác đồ họa của Hội Mỹ thuật Việt Nam là dịp để  các nghệ sĩ trao đổi, học hỏi  những kiến thức mới từ đồng nghiệp. Trong số đó, các trại sáng tác đồ họa độc bản thường đem lại các kết quả bất ngờ cho chính nhà tổ chức cũng như các họa sĩ tham dự.

Giữa cái nắng hè oi ả của những ngày cuối tháng 5, mùi mực in như quánh đặc cả không gian hẹp ở căn phòng sáng tạo của Trung tâm mỹ thuật đương đại. Cùng với đó là mùi xăng, mùi dầu, mùi axeton. Ấy vậy mà 14 nghệ sĩ như những kẻ “nghiện in”, lăn xả vào làm bất kể ngày hay đêm.

Loa kèn xanh, họa sĩ Trang Thanh Hiền

Điểm đặc biệt của trại sáng tác đồ họa độc bản năm nay là sự hội tụ của đa số các nghệ sĩ không thuộc ngành đồ họa, nên việc sáng tác tranh in là khá bỡ ngỡ. Một số là các nghệ sĩ khá thành đạt với các thể loại hội họa như họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương với chất liệu sơn mài, Đỗ Thúy Hằng, Trần Thị Doanh, Lê Thị Thu Dung, Nguyễn Hồng Phương, Doãn Hoàng Kiên với chất liệu sơn dầu, phấn màu Acrylic, các họa sĩ vẽ truyện tranh như Tạ Huy Long, họa sĩ nhà báo như Nguyễn Mạnh Hà, họa sĩ thiết kế Nguyễn Thu Thủy, các họa sĩ trẻ như Vương Linh, Phạm Duy Quỳnh, Nguyễn Hán Anh và cả những nghệ sĩ thuộc ngành nghiên cứu phê bình nghệ thuật như Vũ Mai Thơ, Trang Thanh Hiền.

Nhưng có lẽ, chính sự bỡ ngỡ “lần đầu của những lần đầu” này đã đem kết quả sáng tác của trại đến một thái cực khác. Ở đó là sự đa dạng về cá tính, phong cách, hình thức tạo hình kết hợp với những hiệu ứng bất ngờ trong việc xử lý chất liệu và kỹ thuật in ấn.

Quê tôi, họa sĩ Đỗ Thúy Hằng

Phương pháp in đồ họa độc bản là một trong những kỹ thuật khá đặc biệt của nghệ thuật đương đại. Khác với hầu hết các thể loại tranh đồ họa nhân bản cho phép in được nhiều bản giống nhau, đồ họa độc bản lại chỉ cho ra một tác phẩm độc nhất từ một bề mặt in không thể sử dụng lại lần thứ hai giống với lần đầu. Kỹ thuật này cũng ít nhiều gần gũi với cách sáng tác hội họa, nó cho phép người nghệ sĩ mở rộng biên độ sáng tạo với các kỹ thuật in ấn nhưng lại có thể thể hiện cảm xúc trực tiếp bằng vẽ, vạch, lau chùi trên khuôn in. Bên cạnh đó, phương pháp in này cũng cho phép người nghệ sĩ có thể sử dụng những vật thể có sẵn để tạo hình như lá cây, vải, nilon, thậm chí cả những trang sách, trang báo tùy theo ý đồ của người nghệ sĩ để sáng tạo mà không cần phải mô tả bằng cách khắc, cắt như đồ họa truyền thống. Chính những vật liệu gián tiếp đó đã giúp thể loại tranh in này những giá trị khác biệt trong quá trình tạo hình.

Chủ đề chính cho Trại sáng tác đồ họa độc bản năm nay là Tĩnh vật và Phong cảnh. Đây cũng là hai thể loại phổ thông nhưng không hẳn là sở trường sáng tác các nghệ sĩ tham gia.

 14 nghệ sĩ, 14 phong cách, 14 sự trải nghiệm vừa lạ vừa quen như được hội tụ, sẻ chia trong một niềm xúc cảm mới. Tĩnh vật, hay phong cảnh thông qua quá trình ấn và xử lý chất liệu của mỗi tác giả lại cho ra những diện mạo mới. Đôi bức như tiệm cận đến ranh giới của nghệ thuật trừu tượng. Tất cả như tìm thấy trong mình một khả năng bứt phá khác, khỏi những sự quen thuộc để sáng tạo.

Phiêu ly, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy

Với 45 tác phẩm của 14 tác giả được chọn ra từ 198 các bản in trong vòng 12 ngày của trại sáng tác đồ họa in độc bản, triển lãm “Cảm xúc tháng sáu” có thể xem là một kết quả ít nhiều thuyết phục. Triển lãm sẽ được diễn ra trong 3 ngày từ 20-22. 6 tại 16 Ngô Quyền Hà Nội.

Chia sẻ về trại sáng tác và triển lãm, họa sĩ Hoàng Nghĩa Hiệp, Giảng viên Trường ĐHMT Công nghiệp Hà Nội, người hướng dẫn chuyên môn cho trại sáng tác 2020 “Tranh in độc bản” bộc bạch, triển lãm rất thú vị , bởi nó mang được rất nhiều năng lượng đến với người xem. Mỗi tác giả là một sự khám phá mới, rất riêng, rất độc bản. Có người rất riêng tư như họa sĩ Trần Thị Doanh. Có người thì cháy bùng như Nguyễn Hồng Phương , Nguyễn Thu Thủy. Có người thì bất ngờ khám phá mình và vỡ oà thành công, thấy bản thân mình hay hơn mình tưởng như Trang Thanh Hiền, Vũ Mai Thơ …. Đây là cuộc triển lãm phong phú cảm xúc, nhiều cách tiếp cận với nghệ thuật in độc bản.

Vườn đêm, họa sĩ Lê Thị Thu Dung

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho biết, hằng năm Hội Mỹ Thuật Việt Nam phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức nhiều các trại sáng tác cho các nghệ sĩ. Riêng với nghệ thuật đồ họa thì Hội tổ chức trung bình khoảng hai cuộc, mỗi cuộc khoảng 15 nghệ sĩ tham gia . Tuy nhiên mấy năm gần đây do điều kiện vật chất và điều kiện lưu trú nên các trại sáng tác đồ họa chủ yếu chỉ dành cho các họa sĩ ở Hà Nội mà không mời thêm được anh em nghệ sĩ các tỉnh về. Các năm trước, bên cạnh các họa sĩ Việt Nam, Hội còn mời thêm các nghệ sĩ nước ngoài tham dự.

“Các trại sáng tác như vậy đã tạo nên những hoạt động giao lưu rất hữu ích. Kết quả của trại sáng tác lần này khá bất ngờ, các nghệ sĩ tham gia đã có được những tác phẩm đầy cảm xúc và phong phú…”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn nói.

Nguồn: HIỀN TRANG – Báo Điện tử Văn hóa

Giải thưởng “Khoảnh khắc báo chí 2019”: Ấn tượng thuộc về​​​​​​​ Những người chiến sĩ của nhân dân

VHO- Bức ảnh chiến sĩ cảnh sát cơ động nén đau cứu cháu bé đang lên cơn co giật của tác giả Nguyễn Tiến Anh Tuấn đã đoạt giải Ấn tượng, giải thưởng cao nhất cuộc thi “Khoảnh khắc báo chí 2019”…

Tác phẩm đoạt giải Ấn tượng “Những người chiến sĩ của nhân dân”, tác giả Nguyễn Tiến Anh Tuấn

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định, giải ảnh “Khoảnh khắc báo chí 2019” tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng không thể thiếu của ảnh báo chí, một thể loại luôn đòi hỏi sự sáng tạo, tài năng và tâm huyết của các tay máy. Đây chính là thông điệp bằng hình ảnh đến từ cuộc sống.

Tôn vinh những khoảnh khắc ấn tượng

Cuối tuần qua, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế số 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội đã diễn ra buổi Gala Báo chí lần thứ hai 2020, với hoạt động chính là Lễ trao giải “Khoảnh khắc báo chí năm 2019”. Được phát động từ ngày 30.10.2019 đến ngày 31.1.2020, giải đã thu hút được đông đảo các tác giả từ nhiều cơ quan báo chí trong cả nước gửi tác phẩm tham dự. Ban Giám khảo đã lựa chọn được 50 tác phẩm xuất sắc vào danh sách top 50 rồi lựa chọn tiếp top 10 “Khoảnh khắc báo chí 2019”, trong đó có 1 giải Ấn tượng, 1 giải A, 2 giải B và 3 giải C. Đây là những tác phẩm phản ánh chân thực, sinh động các sự kiện, hoạt động đang hằng ngày, hằng giờ diễn ra sôi động trên khắp mọi miền Tổ quốc trong năm vừa qua.

Đánh giá về chất lượng các tác phẩm, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết, các tác phẩm vừa thể hiện phong phú, đa dạng về đề tài, vừa khắc họa rõ nét mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của đất nước. Cuộc thi nhằm tôn vinh những khoảnh khắc báo chí đặc sắc, nổi bật trong năm, đồng thời tạo sân chơi riêng cho các phóng viên ảnh thể hiện kỹ năng nghiệp vụ cũng như cái nhìn đa chiều trên mọi lĩnh vực. Ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhấn mạnh, trước kia, ảnh báo chí ở Việt Nam chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Nhưng những năm gần đây, ảnh báo chí đã và đang trở thành một trong những nội dung quan trọng của nhiều tờ báo, nhiều kênh thông tin, bởi tính thuyết phục, khách quan, trung thực và tạo cảm xúc trực diện đối với người xem.

Tác phẩm nhận giải Ấn tượng Những người chiến sĩ của nhân dân, giải thưởng cao nhất cuộc thi, tác giả Nguyễn Tiến Anh Tuấn, là một ví dụ. Bức ảnh đã gây xôn xao trên mạng xã hội vào tối 4.8.2019, ghi lại cảnh một em nhỏ có dấu hiệu mất ý thức được một chiến sĩ cảnh sát bế, một chiến sĩ khác lấy tay cho vào miệng em để phòng cắn vào lưỡi, gương mặt anh lộ rõ đau đớn do cậu bé cắn chặt hai hàm răng. Theo nội dung được đăng tải, khi trận đấu giữa CLB Nam Định và Hoàng Anh Gia Lai đang diễn ra trên Sân vận động Thiên Trường (Nam Định) thì một cổ động viên nhí có dấu hiệu bị động kinh, co giật. Lúc này, lực lượng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) đang làm nhiệm vụ bảo vệ đã nhanh chóng đưa cháu bé đi cấp cứu. Bức ảnh đã tạo ra sự lan tỏa, hiệu ứng tốt trong cộng đồng.

Sức mạnh của sự thực và chân lý

Đối với ảnh báo chí, tính hiện thực là tiêu chí quan trọng nhất. Nhiều phóng viên cùng chiếc máy ảnh đã thu thập được những bằng chứng chân thực về lẽ phải và công lý, thậm chí có những bức hình đã làm xoay vần cả thế giới, làm chuyển hướng bánh xe của lịch sử. Đó là sức mạnh của sự thực và chân lý mà nhiếp ảnh truyền tải. Chụp được một bức ảnh đẹp đã khó, nhưng để có một bức ảnh báo chí đẹp còn khó hơn rất nhiều. Bởi những tác phẩm ảnh báo chí thành công phải chứa đựng thông tin và phản ánh đúng hiện thực khách quan, không những cần tài năng của người bấm máy mà còn cần đến đạo đức nghề nghiệp và thái độ tôn trọng sự thật của phóng viên ảnh.

Ảnh báo chí không cho phép chỉnh sửa bất cứ một chi tiết nào. Bởi bạn chỉ cần thêm hoặc bớt một chi tiết nhỏ thôi thì ý nghĩa thông tin đã hoàn toàn sai khác. Đã có không ít những bức hình sau khi đăng bị phát hiện là ảnh ghép và sẽ không được xem là ảnh báo chí nữa. Xét cho cùng, tính nghệ thuật của ảnh báo chí nằm ở con mắt, sự nhạy cảm và cảm xúc của người chụp chứ không phải lệ thuộc vào những xử lý hậu kỳ. Nhưng, để có cảm xúc tốt thì người chụp cần có nhiều trải nghiệm, vốn sống, kiến thức và nhất là sự rung động của tâm hồn.

Tại Triển lãm Ảnh báo chí thế giới 2019 diễn ra tại HN gần đây, Giám tuyển và Quản lý triển lãm Sanne Schim van der Loeff cho rằng, trong mọi thời điểm, ảnh báo chí là phương tiện đưa người xem trở về không gian diễn ra sự kiện, cho nên yêu cầu về tính trung thực của thể loại này rất khắt khe. “Giống như một nguyên tắc, ảnh báo chí không cho phép, cũng không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp, chỉnh sửa nào làm sai lệch, ảnh hưởng đến tính khách quan của hiện thực. Tạo ra những bức ảnh đẹp luôn là mong muốn của tất cả các nhiếp ảnh gia, song với ảnh báo chí, mong muốn ấy không đồng nghĩa với việc tác động để gia tăng tính nghệ thuật mà làm sai lệch giá trị thông tin của tác phẩm”, bà nhấn mạnh.

Đồng tình với Giám tuyển Sanne Schim van der Loeff, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh VN Vũ Quốc Khánh cũng cho rằng, muốn có một tác phẩm ảnh báo chí tốt, người phóng viên phải đi sâu vào đời sống xã hội, lăn lộn cùng với người dân trong các hoạt động thường nhật thì mới có được những góc nhìn đa dạng và chân thực. Làm báo ảnh không bao giờ là dễ dàng, nhất là trong thời buổi thị trường ảnh báo chí ngày càng cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, phải thực sự đam mê và sống chết với nghề, nếu không người phóng viên ảnh rất dễ bỏ cuộc.

 … như một nguyên tắc, ảnh báo chí không cho phép, cũng không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp, chỉnh sửa nào làm sai lệch, ảnh hưởng đến tính khách quan của hiện thực. Tạo ra những bức ảnh đẹp luôn là mong muốn của tất cả các nhiếp ảnh gia, song với ảnh báo chí, mong muốn ấy không đồng nghĩa với việc tác động để gia tăng tính nghệ thuật mà làm sai lệch giá trị thông tin của tác phẩm.

(Giám tuyển và Quản lý triển lãm SANNE SCHIM VAN DER LOEFF)

 Nguồn: HÀ MINH – Báo Điện tử Văn  hóa