Gala Xiếc ba miền 2020

VHO-Tối 29.5, tại Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm Quảng Ninh đã chính thức diễn ra khai mạc Gala Xiếc ba miền 2020. Chương trình Gala Xiếc ba miền 2020 do UBND tỉnh Quảng Ninh  chỉ đạo, Sở Văn hóa – Thể thao tổ chức thực hiện với sự phối hợp của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Chương trình khai mạc được dàn dựng công phu

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết: Trong thời gian vừa qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, tỉnh, sự đồng hành, trách nhiệm và quyết tâm của toàn thể nhân dân, Quảng Ninh đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid -19 và nhanh chóng khởi động hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, kích cầu du lịch thông qua chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao đặc sắc.

Chương trình Gala Xiếc ba miền 2020 là sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia, lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) với sự hội tụ của hơn 80 nghệ sĩ, diễn viên xiếc tài năng đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhằm giới thiệu đến công chúng các tiết mục xiếc đặc sắc, phong phú, hấp dẫn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu và lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam tặng hoa các nghệ sĩ 

Chương trình khai mạc giới thiệu đến công chúng 11 tiết mục biểu diễn xiếc đặc sắc, phong phú, hấp dẫn như: Đu dây, đế kiếm, uốn dẻo, tung hứng, lắc vòng, trượt patin, ảo thuật, xiếc thú… được dàn dựng công phu mang đậm phong cách văn hóa vùng miền đan xen với các yếu tố dân gian, đương đại quốc tế; tạo cơ hội để các nghệ sĩ, diễn viên xiếc tài năng đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam trình diễn những tiết mục mới.

Tiết mục trong chương trình khai mạc

Gala xiếc ba miền được Liên đoàn Xiếc Việt Nam xây dựng và tổ chức thường niên, là hoạt động hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch hè Hạ Long – Quảng Ninh 2020 nhằm mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sự hấp dẫn cho điểm đến du lịch, tạo thành sản phẩm du dịch mới tại Quảng Ninh.

Nguồn: THẮNG ANH – Báo Điện tử Văn hóa

Hà Nội đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Đền – Chùa – Đình Hai Bà Trưng

VHO- Sáng 28.5, Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đã được tổ chức trang trọng tại di tích kiến trúc nghệ thuật Đền – Chùa – Đình Hai Bà Trưng (Phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội). Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã dự và trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với cụm di tích này cho lãnh đạo TP. Hà Nội và quận Hai Bà Trưng.

Hà Nội đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền, Chùa, Đình Hai Bà Trưng
Hà Nội đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đền, Chùa, Đình Hai Bà Trưng

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, Quần thể di tích Đền – Chùa – Đình Hai Bà Trưng là di sản văn hóa quý giá của Thủ đô Hà Nội; gắn liền với sự hình thành phát triển của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội; là điểm sáng về văn hóa, có giá trị cao về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, là nơi thu hút nhân dân, du khách trong và ngoài nước tìm hiểu về lịch sử Hai Bà Trưng và thăm quan du lịch.

Cụm di tích Đền-Chùa-Đình Hai Bà Trưng là một quần thể di tích kiến trúc nghệ thuật phong phú đặc sắc. Cùng với hồ nước ở trước mặt chính giữa khuôn viên cụm di tích là 3 hạng mục kiến trúc: Đền Hai Bà Trưng có kiến trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc” là nơi đặt tượng thờ Hai Bà và tượng 6 nữ tướng dàn hai bên. Trong đền còn bảo lưu nhiều di vật quý như 27 đạo sắc phong của triều Lê và triều Nguyễn, 8 pho tượng thờ, 2 tấm bia đá cổ ghi sự tích của Hai Bà, 2 bộ kiệu thời Nguyễn cùng nhiều cửa võng, hoành phi, câu đối, hương án… có giá trị lịch sử nghệ thuật và thẩm mỹ.

Các đại biểu dâng hương

Chùa Viên Minh nằm bên trái đền. Trong chùa Viên Minh hiện còn lưu giữ tấm bia cổ có tiêu đề viên “Viên Minh Thiền tự kỷ niệm bi chí” được tạc dưới triều Bảo Đại thứ 7 năm 1932. Hiện trong chùa Viên Minh còn bảo lưu được nhiều di vật, hiện vật có giá trị như 76 pho tượng thờ được tạo tác dưới triều Nguyễn, trong đó có 34 pho tượng Phật, 35 pho tượng Mẫu, 7 pho tượng Tổ, 1 quả chuông đồng đúc vào năm Gia Long 11 (1812), 20 bia đá…

Đình Đồng Nhân nằm sát bên phải đền Hai Bà Trưng, thờ thần Cao Sơn đại vương, Quốc Vương Thiên tử, thần Đô Hồ đại vương. Ngoài 3 vị thần này, đình còn thờ các vị thủy thần có công phụ trợ cho cư dân sống ở ven sông. Đình Đồng Nhân có diện mạo như ngày nay là sản phẩm của lần trùng tu vào năm Bảo Đại Canh Thìn 1940. Giá trị tiêu biểu đặc sắc của di tích là 17 đạo phong sắc, trong đó có 5 đạo sắc của triều Lê, 2 pho tượng phỗng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, 2 tấm bia đá ghi lại quá trình trùng tu đình.  Các di vật quý, tượng thờ; bia đá cổ, hoành phi, câu đối,  cửa võng đều được tạo tác tinh xảo với bàn tay tạo tài hoa của các nghệ nhân dân gian dưới các triều Lê, triều Nguyễn.

Trong không gian cụm di tích còn có các hạng mục kiến trúc như gác chuông, nhà mẫu, nhà tổ, các công trình phụ trợ và cảnh quan khuôn viên, sân vườn khang trang. Đây cũng là nét hiếm thấy ở giữa Thủ đô, còn bảo tồn gần như nguyên vẹn một quần thể kiến trúc với đầy đủ các loại hình kiến trúc tiêu biểu đền, chùa, đình của văn hóa tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam.

Không chỉ lưu giữ những giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, cụm di tích đền thờ Hai Bà Trưng còn là địa chỉ đỏ cách mạng. Chùa Viên Minh đã được công nhận là địa điểm địa điểm lưu giữ sự kiện cách mạng kháng chiến. Đây là niềm vinh dự và tự hào về truyền thống cách mạng của TP. Hà Nội và quận Hai Bà Trưng.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích  kiến trúc nghệ thuật Đền- Chùa- Đình Hai Bà Trưng đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt ngày 31.12.2019.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền- Chùa- Đình Hai Bà Trưng có giá trị cao về thẩm mỹ, không gian kiến trúc do hệ khung gỗ tạo nên một chỉnh thể cân bằng, ổn định và hài hòa. Vẻ độc đáo của di tích còn thể hiện ở sự phong phú về trang trí điêu khắc trên các bộ phận kiến trúc, các cấu kiện gỗ, sự kết hợp tinh tế các thành phần trang trí, các mảng chạm khắc làm tăng thêm vẻ đẹp của công trình, góp thêm tư liệu cho việc nghiên cứu kiến trúc dân gian ở Thủ đô Hà Nội”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy phát biểu tại buổi lễ

Giá trị nghệ thuật của Di tích còn được thể hiện qua hệ thống các di vật phong phú, được chạm khắc tinh xảo với các đề tài trang trí truyền thống, chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật độc đáo và mang ý nghĩa tượng trưng, có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Di tích còn là một quần thể kiến trúc cảnh quan đẹp, là nơi hội tụ các công trình nghiên cứu về lịch sử văn hóa của nhiều học giả trong nước và quốc tế, đã trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh, lịch sử hấp dẫn của Thủ đô.

“Việc xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền- Chùa- Đình Hai Bà Trưng là Di tích quốc gia đặc biệt đã thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp bảo vệ  và phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng đóng góp của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hà Nội trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Để phát huy giá trị di tích hiệu quả, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị  chính quyền địa phương triển khai lập quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích, làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lâu dài. BQL di tích cần triển khai việc cắm mốc giới bảo vệ di tích, kiện toàn bộ máy quản lý, bảo vệ kiến trúc và các hiện vật tuyệt đối an toàn.

Bên cạnh đó, tuyên truyền sâu rộng về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ của di tích. Tiếp tục xây dựng kế hoạch hằng năm tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích đang xuống cấp, sử dụng hiệu quả mọi nguồn thu từ di tích vào việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, định hướng việc công đức đối với những tổ chức, cá nhân nhằm đảm bảo đúng với nội dung, tính chất tín ngưỡng của di tích.

Thứ trưởng lưu ý, về lễ hội, cần duy trì nghi thức, nghi lễ truyền thống, thể hiện vai trò chủ thể văn hóa trong lễ hội. Không gian văn hóa liên quan đến lễ hội phải được bảo vệ, có biện pháp giữ gìn, tôn tạo cảnh quan của di tích để đảm bảo không gian linh thiêng, thuận tiện cho việc thực hành hội và dự hội của nhân dân. Qua đó, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của lễ hội; kiên quyết ngăn chặn các hành vi phản cảm, bạo lực, lợi dụng lễ hội để thực hành mê tín dị đoan, làm biến dạng lễ hội truyền thống.

Nguồn: THẢO NHI, ảnh: QUỲNH ANH – Báo Điện tử Văn hóa

Ngày 1.6 sắp đến rồi: Dạt trôi về tuổi thơ với loạt phim hoạt hình siêu dễ thương

VHO- Ngày Quốc tế thiếu nhi 1.6 đã kề cận. Còn chờ gì nữa mà không sẵn sàng cùng các bé khám phá thế giới tuổi thơ thông qua thế giới phim hoạt hình.  Nội dung siêu dễ thương, âm nhạc tuyệt vời và tạo hình làm tan chảy biết bao con tim… đó là những phim nào? Cùng điểm danh những siêu phẩm từng làm mưa gió phòng chiếu  và bộ phim dự kiến công chiếu  ngày 1.6 tới nhé.

Winnie The Pooh

Gấu Pooh là chú gấu do nhà văn người Anh A. A. Milne sáng tạo nên dựa theo nguyên mẫu chú gấu bông đồ chơi của con trai ông – Christopher Robin. Bản thân cậu bé cũng trở thành một nhân vật trên trang sách của cha mình, là người bạn thân thiết của gấu Pooh và các nhân vật như cô rùa nhím tatu màu hồng Piglet, chú lừa Eeyore, chú kangaroo tên Roo, chủ thỏ tên Rabbit và chú hổ Tiger trong truyện.

Hàng triệu thiếu nhi nhiều thế hệ trên khắp thế giới biết đến và yêu mến “Winnie The Pooh” qua các tập phim truyền hình kéo dài từ năm 1983 cho đến tận 2014 và qua các bộ phim truyện điện ảnh như The Many Adventures of Winnie the Pooh (1997), The Tiger Movie (2000), Piglet’s Big Movie (2003)Pooh’s Heffalump Movie (2005). Đặc biệt hơn cả, phiên bản điện ảnh ra mắt năm 2011 với tựa đề “Winnie The Pooh” ghi được dấu ấn sâu sắc và mang về cơn mưa lời khen từ giới chuyên môn. Phim đạt đánh giá 91% từ các nhà phê bình và nằm trong top 100 phim hoạt hình có điểm số cao nhất trên chuyên trang Rotten Tomatoes.

Shaun The Sheep

Shaun the Sheep” là một trong những bộ phim hoạt hình đình đám, gắn liền với ký ức tuổi thơ của hàng triệu khán giả màn ảnh nhỏ trên toàn thế giới. Còn phần lớn khán giả Việt Nam biết tới chú cừu Shaun đáng yêu và không kém phần tinh quái này khi phim được chiếu trên kênh truyền hình Disney Channel từ năm 2007 cho đến 2016.

Phim truyền hình Shaun The Sheep đã phát sóng tổng cộng 5 mùa. Trong đó là 40 tập ở mỗi mùa 1 và 2, 20 tập ở mỗi mùa 3 và 5, và 30 tập ở mùa 4. Mỗi tập phim dài 7 phút. Năm 2015, nhà sản xuất mạnh dạn mang cừu Shaun cùng bè bạn lên màn ảnh rộng với bộ phim điện ảnh đầu tiên “Shaun the Sheep Movie” (tựa Việt: Shaun the Sheep Movie: Cừu quê ra phố). Đến mùa thu năm 2019, phim điện ảnh thứ 2 của phim mang tên “Shaun the Sheep Movie: Farmageddon” (tựa Tiếng Việt: Shaun the Sheep Movie: Người bạn ngoài hành tinh) tiếp tục được ra mắt và được rất nhiều khán giả yêu thích cũng giành đề cử BAFTA cho phim hoạt hình xuất sắc nhất.

Minions

Không cần phải bàn cãi khi nói về sức công phá siêu khủng của đội quân Minion nhí nhố đáng yêu này. Sau khi xuất hiện và đốn tim hàng triệu khán giả trong hiện tượng toàn cầu “Despicable Me” (tựa Việt: Kẻ trộm mặt trăng) ra mắt công chúng vào năm 2010 và 2013, năm 2015, những “tiểu yêu” nhỏ bé màu vàng này tiếp tục công phá màn ảnh rộng với bộ phim điện ảnh đầu tiên của mình.

Không chỉ sở hữu ngoại hình “màu chuối” dễ thương ngộ nghĩnh, Minion còn đem đến niềm vui cho tất cả các nhân vật trong phim lẫn khán giả theo dõi với loạt ngôn từ bi bô lắp bắp vô nghĩa cùng loạt biểu cảm ngu ngơ ngờ nghệch cực “cute phô mai”. Cùng với đó, cốt truyện không quá phức tạp nhưng cũng ngập tràn tiếng cười giúp đội quân Minion thành công chinh phục người khán giả mọi lứa tuổi.

The Boss Baby

Boss Baby” (tựa Việt: Nhóc Trùm) xoay quanh cậu bé 7 tuổi Tim, bỗng chốc phải học làm anh và san sẻ tình yêu của bố mẹ cho đứa em “từ trên trời rơi xuống”. Không ngờ, đứa trẻ ấy có biệt danh Nhóc Trùm (Boss Baby), là thành viên của Tập đoàn Nhóc, đang “nằm vùng” để ngăn chặn sự ra mắt của một loài cún cưng có khả năng tước đoạt tình yêu của mọi người dành cho các em bé. Thế là Tim và em trai “hờ” bắt tay hợp tác để Nhóc Trùm có thể mau chóng rời mái nhà chung hiện tại.

Xuất hiện trong bộ vest “lịch lãm”, đeo cà vạt đàng hoàng, giọng nói toát lên vẻ “ông cụ non”, Nhóc Trùm luôn khiến người xem phải cười “té ghế rụng răng” mỗi lần xuất hiện.

SamSam

SamSam vốn là loạt phim hoạt hình nổi tiếng và rất được yêu thích của hãng Araneo hợp tác cùng Tiji, Gulli sản xuất từ năm 2007. Dù không quá quen thuộc với khán giả Việt Nam nhưng anh hùng nhí của dải ngân hà SamSam với tạo hình đáng yêu và những cuộc phiêu lưu kỳ thú là một trong những nhân vật được nhiều khán giả trên toàn cầu yêu mến khi phim phát sóng ở nhiều quốc gia trên thế giới khi được phát sóng trên các kênh truyền hình lớn bao gồm ITV4, CITV, Pop, Tiny Pop tại Anh, trên kênh ABC tại Australia, France 5 và Zouzous tại Pháp, kênh truyền hình TV Tokyo của Nhật Bản, cùng nhiều quốc gia khác bao gồm Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Đài Loan, Hàn Quốc, Pakistan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Nga, Ba Lan, Israel, Mỹ, Canada…

Và sắp tới đây, khán giả nhí Việt Nam cũng có cơ hội gặp gỡ cậu nhóc nổi tiếng này qua phiên bản điện ảnh có tựa đề : SamSam: Anh hùng nhí tập sự (tựa gốc: SamSam)

Phim xoay quanh nhóc SamSam, sống trên hành tinh Sam cùng gia đình gồm Sam Bố (còn gọi là SamDaddy), Sam Mẹ (SamMummy) và thú cưng có tên SamTeddy. Bố mẹ là hai siêu anh hùng nổi tiếng, bản thân thì học tập ở một ngôi trường danh giá chuyên đào tạo các thế hệ siêu nhân tương lai, nhưng trong khi bạn bè cùng trang lứa có thể bay, biến hình, phóng to, thu nhỏ hay di chuyển đồ vật bằng suy nghĩ, SamSam lại không có chút siêu năng lực đặc biệt nào. Bố mẹ lo lắng, bè bạn trêu ghẹo, cậu bé cùng người bạn mới có tên Mega quyết tâm tìm kiếm sức mạnh riêng cho chính mình.

Không chỉ ghi dấu với tạo hình dễ thương, lôi cuốn đầy màu sắc, SamSam còn là câu chuyện nhân văn về tình bạn, tình thân cùng những thông điệp tuyệt vời giúp các em nhỏ nhận ra, trân trọng và tự tin hơn vào khả năng cũng như giá trị riêng của bản thân mình.

SamSam: Anh hùng nhí tập sự  sẽ đến với khán giả Việt Nam qua suất chiếu sớm đặc biệt các ngày 30 – 31.05 và 01.06; và chính thức khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 05.06.2020.

Nguồn: Thiên An – Báo Điện tử Văn hóa

Bảo tàng Vatican sắp đón khách trở lại

VHO- Sau 3 tháng buộc phải ngừng hoạt động vì đại dịch Covid-19, Bảo tàng Vatican ở thành phố Roma, Italia đã thông báo rằng họ sẽ mở cửa trở lại đón du khách vào ngày 1.6.

Một khu trưng bày tại Bảo tàng Vatican Ảnh: GEEKY EXPLORER

Bảo tàng Vatican mở cửa trở lại trùng với kế hoạch của Chính phủ Italia về việc gỡ bỏ lệnh khóa sau gần 3 tháng, cho phép nhiều doanh nghiệp và các hoạt động khác khởi động. Việc mở lại các biệt thự giáo hoàng của Nhà thờ Gandolfo và một tour du lịch xe buýt mở mới cũng đã được công bố. Do tình hình đại dịch, Bảo tàng Vatican sẽ đưa ra các biện pháp đảm bảo sức khỏe cho du khách mà không làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của họ xuyên suốt quá trình tham quan. Vì vậy, các yêu cầu về vệ sinh hay giữ khoảng cách sẽ được thực hiện. Nhân viên bảo tàng sẽ đo thân nhiệt du khách và tất cả mọi người phải đeo khẩu trang. Giá vé tham quan bảo tàng khi mua trực tiếp là 17 euro, và du khách sẽ phải trả thêm 4 euro nếu đặt vé trực tuyến.

bao-tang-vatican-13-1440x1080Bảo tàng Vatican đã được đưa vào danh sách các bảo tàng quan trọng nhất trên thế giới. Bên trong Bảo tàng Vatican, chúng ta có thể chiêm ngưỡng bộ sưu tập những kiệt tác vĩ đại mà các Giáo hoàng của Giáo hội Công giáo đã tích lũy suốt nhiều thế kỷ. Được thành lập vào thể kỷ 16, Bảo tàng Vatican là nơi lưu giữ 70.000 tác phẩm nghệ thuật và trong số đó, 20.000 tác phẩm hiện đang được trưng bày.

Bảo tàng Vantican tự hào với các tác phẩm vô giá của Raphael, Michelangelo và Picasso, thu hút một con số khổng lồ 6 triệu du khách mỗi năm. Chiêm ngưỡng Bảo tàng Vatican là một hành trình vô cùng độc đáo mà mỗi chúng ta nên trải nghiệm ít nhất một lần trong đời. Hành trình này là một chuyến đi dài và thú vị, sẽ lấp đầy cảm xúc của du khách qua hơn hai mươi thế kỷ của lịch sử và nghệ thuật.

Bao-tang-Vatican-co-the-gioi-han-luong-du-khach-ghe-tham-vao-nam-2019-2Nhà nguyện Sistine, các căn phòng của Raphael và phòng trưng bày nghệ thuật (Pinacoteca) chỉ là một phần của một số lượng lớn các bộ sưu tập vô giá. Bạn có thể mua vé bảo tàng trực tuyến và làm theo hướng dẫn hoặc ghé thăm những bảo tàng tuyệt vời này trong một tour du lịch tư nhân nhỏ. Một điểm hấp dẫn khác khi ghé thăm Bảo tàng Vatican đó là sau khi kết thúc chuyến hành trình, du khách có thể tham quan Nhà thờ Gandolfo, Vườn Vatican và Vương cung thánh đường Thánh Peter, nằm trong một đô thị của thế kỷ thứ nhất. Đây là ngôi đền tôn giáo quan trọng nhất của Công giáo. Vương cung thánh đường này được đặt theo tên của Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử của Công giáo – Thánh Peter.

Thành phố Vatican là một nơi mang lại cảm xúc rất phong phú cho du khách đến thăm, kể cả họ là người không theo tôn giáo. Kiến trúc của bảo tàng luôn khiến cho du khách thả hồn theo từng bước đi. Đã lỡ đặt chân đến Bảo tàng Vatican, du khách sẽ mải mê trong thế giới nghệ thuật cho đến khi kết thúc hành trình. Những du khách đã từng trải nghiệm Bảo tàng Vatincan chia sẻ rằng nơi đây thật sự vĩ đại, có quá nhiều thứ để chiêm ngưỡng, như những pho tượng, bức họa, đồ trang sức và thậm chí là các xác ướp. Sau một vài phút tham quan, họ nhận ra còn phải bỏ thêm thời gian để nán lại thưởng thức những tác phẩm mà họ yêu thích. Du khách đến với Bảo tàng Vatican cũng thừa nhận, để khám phá hết tất cả các tác phẩm nơi đây thì cần phải mất vài ngày.

Một trong những điều khiến du khách mê mẩn ở Bảo tàng Vatican đó là “Khu trưng bày bản đồ”. Đó là một hành lang dài 100 mét với nhiều bản đồ được khâu vào một loại vải chất lượng tốt. Chi tiết trên những tác phẩm này rất đáng kinh ngạc với các thông tin địa lý thực sự gọn gàng về Italia thời trung cổ. Nhà nguyện Sistine cũng là một nơi du khách mong chờ để được đến thăm. Tuy nhiên, để có thể đến với nhà nguyện Sistine, du khách phải đi bộ hết chiều dài của Bảo tàng Vatican. Vậy nên du khách cần chuẩn bị tâm lý cũng như sức khỏe từ trước để có thể trải nghiệm trọn vẹn chuyến hành trình đầy thú vị này. Vương cung thánh đường Thánh Peter được du khách đánh giá là một trong những nhà thờ đẹp nhất. Nơi đây trưng bày tác phẩm nổi tiếng “Pieta” (Đức Mẹ sầu bi) của nhà điêu khắc Michelangelo. Đây là tác phẩm duy nhất được bảo vệ bởi một lớp kính chống đạn.

Nguồn: BÌNH PHƯƠNG – Báo Điện tử Văn hóa

VNA khôi phục nhiều dịch vụ với tiêu chí “An toàn là số 1”

NDĐT – Nằm trong chiến dịch “We are back” nhằm tiến tới phục hồi thị trường nội địa, hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) đã và đang khôi phục nhiều dịch vụ trên không và mặt đất, nâng cao trải nghiệm của hành khách. Cùng với đó, hãng tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm hành trình bay an toàn nhất cho hành khách và phi hành đoàn.

Với mục tiêu phục hồi toàn bộ mạng bay nội địa từ tháng 6-2020 và từng bước khôi phục chất lượng dịch vụ quốc tế 4 sao theo tiêu chí “An toàn là số 1”, VNA đang theo dõi sát tình hình dịch bệnh và nhu cầu thị trường, đưa ra các phương án phục vụ hành khách phù hợp nhất.

Từ ngày 15-5, VNA phục vụ trở lại suất ăn trên chuyến bay, gồm đồ ăn nấu chín (suất ăn nóng trên khay, bánh mì, bánh nóng kẹp thịt), đồ ăn đóng gói (các loại bánh, hạt rang) và đồ uống nguyên chai, giảm thiểu tiếp xúc.

Các suất ăn được phục vụ khác nhau tùy vào khung giờ bay và hạng dịch vụ, đồng thời được thay đổi theo chu kỳ hai lần mỗi tháng để hành khách được đổi mới khẩu vị liên tục. VNA cũng tạm ngừng phục vụ các loại đồ uống có cồn và bổ sung nước hoa quả tươi trên khoang hạng thương gia, tăng cường sức khỏe cho hành khách.

Nhằm hạn chế vật phẩm dùng nhiều lần, hãng tiếp tục tạm ngừng phục vụ báo, tạp chí và các loại tờ rơi hướng dẫn thông tin giải trí. Tai nghe chỉ được cung cấp trên các chuyến bay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh khai thác bằng tàu Boeing 787 hoặc Airbus A350. Số lượng chăn trên chuyến bay cũng được giới hạn tối thiểu và chỉ phục vụ khi hành khách có yêu cầu, ưu tiên người già, trẻ em và hành khách có vấn đề sức khỏe.

Từ ngày 8-5 vừa qua, VNA đã mở cửa trở lại các phòng khách Bông Sen tại sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất và phòng chờ thương gia tại các sân bay trong nước. Quy trình phục vụ tại các phòng chờ được triển khai nghiêm ngặt hơn, như: đo thân nhiệt tất cả hành khách; bố trí dung dịch sát khuẩn tay ở nhiều khu vực; thường xuyên vệ sinh, khử trùng trang thiết bị và phun khử trùng toàn bộ phòng chờ vào cuối ngày.

Khu vực quầy buffet được bố trí để hành khách giữ khoảng cách khi lấy đồ ăn; thực phẩm luôn được đậy nắp kín hoặc chứa trong tủ bảo quản; các dụng cụ ăn uống được vệ sinh, tiệt trùng theo quy trình trước khi phục vụ hành khách.

Tại cửa khởi hành, VNA đã trang bị thêm thảm tẩm dung dịch diệt khuẩn để hành khách bước qua trước khi lên máy bay. Thảm được phun dung dịch khử khuẩn với định mức 150-250 ml cho mỗi chuyến bay (tùy vào loại tàu khai thác) và được chia làm nhiều lần phun tương ứng số lượng hành khách.

Để bảo đảm an toàn vệ sinh máy bay, VNA tiếp tục bảo dưỡng hệ thống màng lọc không khí HEPA và khử khuẩn bề mặt trang thiết bị sau mỗi chuyến bay, đặc biệt tại các vị trí khách tiếp xúc nhiều, như: bàn ăn, khóa ngăn hành lý, thanh tỳ tay, màn hình giải trí… Hiện nay, VNA là hãng hàng không duy nhất tại Việt Nam phun khử trùng và ủ thuốc qua đêm đối với toàn bộ đội máy bay khai thác trong ngày.

Trong quá trình phục vụ hành khách, tất cả nhân viên của VNA đều được đo thân nhiệt trước khi làm nhiệm vụ và được trang bị đồ bảo hộ y tế thiết yếu như khẩu trang, găng tay, nước xịt khuẩn… Hành khách đi máy bay trong thời gian này cũng được yêu cầu đeo khẩu trang trang trong suốt quá trình làm thủ tục, sử dụng phòng chờ và trên chuyến bay theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam.

Nguồn: MINH TRANG – Báo Điện tử Văn hóa

Quảng Ninh: Thêm 3 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia

VHO- UBND tỉnh Quảng Ninh vừa công bố ba hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 8/2019 và ra mắt website Di sản Quảng Ninh.

Ba hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia trong đợt này bao gồm: Trống Đồng Quảng Chính, Thống Đồng thời Trần và Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh chính thức có 5 hiện vật được công nhận Bảo vật Quốc gia, đều đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh: Bình gốm Đầu Rằm, Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử, Trống đồng Quảng Chính, Thống đồng thời Trần, Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu.

Các Bảo vật Quốc gia mới được công nhận tại Quảng Ninh

Trống đồng Quảng Chính là hiện vật bằng kim loại, niên đại khoảng thế kỷ III – II trước Công nguyên, được phát hiện tại xã Quảng Chính, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Trống có bố cục hoa văn độc đáo với ngôi sao 6 cánh và hình tượng chim hạc bay xuôi theo chiều kim đồng hồ. Đây là trống đồng duy nhất đến thời điểm hiện nay được phát hiện tại Quảng Ninh, khẳng định chủ quyền về quốc gia, lãnh thổ và văn hóa của vùng đất phên giậu Tổ quốc. Thống đồng là hiện vật bằng kim loại, có niên đại khoảng thế kỷ XIII – XIV, là vật dụng lễ khí (tế khí) sử dụng trong các hoạt động nghi lễ (tế lễ) của đời sống cung đình (miếu/đường) thời Trần. Đây là hiện vật có hình thức độc đáo, hoa văn trang trí điển hình văn hóa nhà Trần và là tác phẩm nghệ thuật quý hiếm. Mâm bồng gốm men vẽ nhiều màu là hiện vật bằng gốm, có niên đại khoảng thế kỷ XV,sử dụng để đặt các lễ vật trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo. Đây là hiện vật có hình thức độc đáo, phần trên mặt trong và ngoài hiện vật trang trí 42 cánh sen tạo tổ hợp các dải băng hoa sen đơn và kép với các lớp so le giống hình một bông hoa sen đang nở rộ.

Trong khuôn khổ chương trình, tỉnh Quảng Ninh giới thiệu đến công chúng website Di sản Quảng Ninh ở địa chỉ www.disanquangninh.gov.vn. Đây là website đầu tiên của cả nước về di sản xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đồng bộ, thống nhất về các di sản tại 1 địa phương; số hóa các hồ sơ, tài liệu về di sản văn hóa; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời phục vụ cho việc quản lý, bảo tồn, quảng bá di sản văn hóa…

Nguồn: ĐĂNG HÙNG – Báo Điện tử Văn hóa

Truyền thông thế giới ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo Ciudad Caracas của Venezuela đã đăng bài viết điểm lại những nét lớn trong cuộc đời và sự nghiệp của Người, trong đó nhấn mạnh những đóng góp to lớn của Bác Hồ đối với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam.

Bài báo cũng nêu bật tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời khẳng định tư tưởng của Người trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, soi đường cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Bài báo kết luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nỗ lực xây dựng tình đoàn kết về chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính, tìm ra các giải pháp đấu tranh giải phóng loài người. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao quý của tinh thần cách mạng, độc lập, yêu nước, tình yêu đối với nhân dân, công lý. Người đã để lại một tình yêu bao la, một trí tuệ anh minh, một tầm nhìn sâu sắc và trường tồn.

* Tờ AJU của Hàn Quốc mới đây đăng bài viết của Giáo sư An Kiêng Hoan tại Trường đại học Chosun ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài báo khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết nên một trang sử mới của Việt Nam, được nhân dân Việt Nam kính trọng như vị anh hùng vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Bài viết của Giáo sư An Kiêng Hoan khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của lý tưởng yêu nước, Người đã dành cả cuộc đời cho độc lập, tự do dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, là một nhà lãnh đạo vĩ đại được toàn thể nhân dân Việt Nam kính trọng. Tác giả bài viết cho rằng những hiểu biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan trọng đối với việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

* Ngày 17-5, nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Việt Nam tại Canada tổ chức trang trọng buổi lễ dâng hương lên bàn thờ Bác tại Đại sứ quán ở thủ đô Ottawa. Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong kêu gọi cán bộ, nhân viên sứ quán Việt Nam tại Canada phát huy sức mạnh tinh thần yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Lòng yêu nước, tinh thần yêu nước phải trở thành động cơ để gắn kết mọi người dân Việt Nam trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại sứ quán Việt Nam tại Canada đang nỗ lực chuẩn bị để có thể khánh thành Phòng trưng bày Hồ Chí Minh tại Nhà Việt Nam ở thủ đô Ottawa vào dịp Quốc khánh 2-9.

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ vĩ đại trọn đời hy sinh cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân

NDĐT – Khi nói về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng – một học trò xuất sắc, một cộng sự thân thiết, gần gũi của Người đã viết, đó là “cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”.

Hồ Chí Minh không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Trong con người Hồ Chí Minh có đầy đủ phẩm chất hội tụ của một lãnh tụ thiên tài, đồng thời Người còn là hiện thân của một lãnh tụ kiểu mới của nhân dân: Vĩ đại mà không cao xa; thanh cao mà vô cùng giản dị, gần gũi, thân thiết và gắn bó với quần chúng; hết lòng, hết sức chăm lo cho sự nghiệp độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; mong muốn xây dựng một nước Việt Nam mạnh giàu; nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và chính bản thân Người là tấm gương tiêu biểu.

Nhớ lại những năm, tháng đất nước ta bị đô hộ bởi giặc ngoại xâm, nhân dân cực khổ, lầm than chịu thân phận của kiếp người nô lệ, Hồ Chí Minh đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Vượt qua muôn trùng khó khăn, thử thách, Hồ Chí Minh đã hiến dâng trọn đời mình cho dân tộc, như Người đã tự sự: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”. Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người chỉ có một tâm nguyện và ham muốn: “…ham muốn đến tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”; cho đến khi phải từ biệt thế giới này, Người chỉ tiếc: “…tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Chính ham muốn và mục đích vô cùng cao đẹp ấy, đã tạo cho Người một ý chí và nghị lực vô cùng mãnh liệt để: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”; đó là điểm tựa giúp Người vượt qua mọi khổ ải, khó khăn, dẫn dắt nhân dân ta đến bến bờ hạnh phúc. Hình ảnh của Hồ Chí Minh là hình ảnh của một lãnh tụ vĩ đại về trí tuệ lãnh đạo, mẫu mực về mối liên hệ thân thiết, gắn bó với nhân dân, hết lòng thương yêu nhân dân, dựa vào dân, vì “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, vì sức mạnh của nhân dân là vô địch, do đó phải “lấy dân làm gốc”. Người nói:

“Dễ mười lần không dân cũng chịu;

Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Trên quan điểm đó, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, đến mỗi cán bộ, đảng viên, đều phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Người phân tích: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Cho nên, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm tốt trách nhiệm: “là người lãnh đạo và là người đầy tớ thật sự trung thành của nhân dân”; cán bộ phải gần dân, hiểu nguyện vọng của dân, để kịp thời giúp đỡ và “giải quyết các mắc mớ ở nơi dân”. Người đả phá quyết liệt những tư tưởng quan liêu, xa dân, lên mặt “quan cách mạng”, cơ hội, cậy quyền thế, “đè đầu, cưỡi cổ nhân dân”.

Sinh thời, trên cương vị đứng đầu Đảng, Nhà nước, dù bận nhiều công việc, nhưng để hiểu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn bố trí tiếp dân tại Phủ Chủ tịch; dành thời gian để đi xuống cơ sở, tìm hiểu, “lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người không quan trọng”. Những chuyến công tác về địa phương trực tiếp làm việc với nhân dân, đã giúp Người nắm sát công việc, hiểu đúng tình hình, từ đó đưa ra những quyết định chỉ đạo đúng đắn, hợp lý, hợp tình, phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, các cuộc gặp gỡ giữa Người với các tầng lớp đồng bào, là dịp để đồng bào trao đổi, bày tỏ tâm tư nguyện vọng với người đứng đầu Nhà nước, đồng thời là nguồn động viên to lớn đối với nhân dân, là cơ sở thắt chặt hơn niềm tin giữa Đảng với dân.

Với Hồ Chí Minh, không bao giờ Người coi mình đứng cao hơn nhân dân, mà chỉ tâm niệm suốt đời là người phục vụ trung thành và tận tuỵ của nhân dân, “như một người lính vâng mệnh quốc dân ra trước trận”. Đối với nhân dân, từ các vị nhân sĩ trí thức đến bà con lao động, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương đạo đức vô song, là tượng đài toả ra ánh sáng của một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn, ai cũng thấy ở Người sự gần gũi, ấm áp tình thương và sự bao dung, nếp sống giản dị và đức tính khiêm nhường. Cuộc đời Người coi khinh sự xa hoa, không ưa chuộng những nghi thức trang trọng. Từ lúc làm thợ ảnh ở ngõ Côngpoăng (Pari –Thủ đô nước Pháp), đến khi làm Chủ tịch nước ở Thủ đô Hà Nội, Người vẫn sống một cuộc đời thanh bạch, tao nhã. Hòa bình lập lại, Người về Hà Nội, ngôi dinh thự của Phủ toàn quyền Đông Dương được lấy làm Phủ Chủ tịch, nhưng Người chỉ dùng khi tiếp khách là nguyên thủ nước ngoài. Ngôi nhà sàn đơn sơ, chỉ có hai phòng nhỏ là nơi Người vừa ở vừa làm việc. Phương tiện sinh hoạt của một vị Chủ tịch nước chỉ là một chiếc giường đơn, một tủ quần áo, một chiếc máy thu thanh, một đôi dép lốp, hai bộ ka-ki… một sự giản dị thật vĩ đại, bởi vì Người đã hy sinh tất cả cho Tổ quốc, cho nhân dân.

Nói về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tinh thần tận tuỵ phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân của Người, Đảng ta khẳng định: “Cuộc đời của Hồ Chủ tịch trong như ánh sáng. Đó là tấm gương tuyệt vời về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân thắm thiết, đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Tư tưởng và đạo đức của Người mãi mãi soi sáng và nâng cao tâm hồn chúng ta” .

Thời gian đã hơn 50 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, ghi nhớ công lao vĩ đại của vị lãnh tụ kính yêu, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tích cực thi đua lập thành tích, thiết thực chào mừng kỷ niệm 130 năm ngày sinh của Người; quyết tâm hoàn thành thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra. Nhớ đến Người, các thế hệ người Việt Nam mãi mãi tự hào về một con người bất tử, như Đảng ta đã khẳng định: “Dân tộc ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

PGS, TS TRẦN MINH TRƯỞNG

Viện Trưởng Viện Hồ Chí Minh – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Lễ Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

VHO- 9h sáng 18.5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2020) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh ngày 19.5.1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An; mất ngày 2/9/1969 tại Hà Nội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Lễ Kỷ niệm. Ảnh VGP

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người đã hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình cho độc lập của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân, người chiến sĩ cộng sản quốc tế mẫu mực và người bạn thân thiết của các dân tộc đã và đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Dự kiến, tham dự Lễ Kỷ niệm có khoảng 2.000 đại biểu gồm các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng công tác tại Hà Nội; đại diện lãnh đạo các Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; đại biểu các tỉnh, thành phố; trưởng các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế tại Hà Nội…

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh VGP

Chương trình Lễ kỷ niệm bao gồm: Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng; Lễ Chào cờ; diễn văn kỷ niệm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; phát biểu của nhân chứng đã từng làm việc hoặc có nhiều kỷ niệm được gặp Bác; phát biểu của đại diện thế hệ trẻ…

Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trước buổi lễ, vào 7h30, Đoàn đại biểu Trung ương viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ (đường Bắc Sơn, quận Ba Đình).

Nguồn: CHINHPHU.VN

Chuyện ghi tại triển lãm “Luôn có Bác trong tim”: “Thành tích của các cháu còn đẹp hơn…”

VHO- Hơn 50 năm trôi qua nhưng kỷ niệm những lần được gặp Bác vẫn mãi là phần ký ức thiêng liêng nhất trong cuộc đời Anh hùng LLVTND Trương Thị Khuê, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Gặp bà đứng lặng yên bên tấm ảnh chụp Bác Hồ tặng hoa phong lan trưng bày tại triển lãm “Luôn có Bác trong tim”, chúng tôi được nghe người nữ anh hùng kể lại câu chuyện cảm động năm xưa. 

Giọng run run, bà Khuê nói, những lời căn dặn của Bác luôn là hành trang vô giá mà bà mang theo suốt cuộc đời mình. Triển lãm “Luôn có Bác trong tim” được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước khai mạc cuối tuần qua, kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Bác .

Lặng lẽ đứng ở một góc phòng, bà Khuê ngắm mãi không thôi tấm ảnh được Bác Hồ tặng hoa phong lan hơn nửa thế kỷ trước, khi bà mới ngoài 20 tuổi. “Bác đã dạy cho tôi nhiều lắm. Dạy về tình yêu thương, đức tính giản dị, tiết kiệm và tinh thần luôn cố gắng… Đến tận bây giờ, tôi luôn vô cùng thấm thía”, bà Khuê tâm sự. Sinh năm 1945 ở Quảng Trị, bố mẹ mất sớm, hoàn cảnh gia đình đã rèn luyện ở cô bé Khuê một bản lĩnh kiên cường. Trong kháng chiến chống Mỹ, Vĩnh Linh là một trong những trọng điểm địch đánh phá ác liệt. Và chính thời kỳ ác liệt đó đã hình thành nên ở Trương Thị Khuê một cá tính mạnh mẽ, quả cảm.

Kể chuyện những lần được gặp Bác Hồ, bà Khuê nói rằng đó là phần thưởng quý giá nhất của mình. “Sau khi đi dự Đại hội Liên hoan thanh niên và sinh viên thế giới ở Xô-phi-a về đến Hà Nội được vài ngày, tôi và Trần Thị Bưởi (quê Vĩnh Linh), Nguyễn Thị Xuân (quê Quảng Bình) nhận được thông báo chuẩn bị đến gặp Bác. Khoảng 9h ngày 11.9.1968, xe đưa 3 chị em tôi vào Phủ Chủ tịch. Xe dừng lại trước ngôi nhà, ngoài cửa có cây hoa phong lan, Bác tiếp chúng tôi ở đó”. Bà Khuê kể tỉ mỉ từng chi tiết, những câu chuyện ân tình như mới ngày hôm qua. Bác Hồ đã ân cần hỏi thăm từng người. Riêng với Trương Thị Khuê, Bác hỏi: “Cháu ở Vĩnh Linh có bị máy bay B52 đánh nhiều không?”. Bà Khuê thưa với Bác: “Dạ thưa Bác, máy bay B52 đánh Vĩnh Linh nhiều lắm…”. Rồi Bác hỏi chuyện bà con ở Vĩnh Linh ăn ở như thế nào, có bị đói không… “Khi nghe tôi thưa chuyện tình hình chiến đấu, sản xuất và đời sống của bà con, Bác cười bảo: Thế thì tốt, Bác mừng lắm!..”. Bữa đó, chúng tôi còn được Bác mời ăn kẹo và chuối, rồi mỗi chúng tôi hát tặng Bác một bài. Chúng tôi được chụp ảnh kỷ niệm với Bác, được Người tặng ba chùm hoa phong lan thật đẹp”, bà Khuê nhớ lại.

Chực trào nước mắt, nữ anh hùng Trương Thị Khuê nói: Bác đưa tay ngắt ba chùm hoa phong lan tặng cho ba chúng tôi, rồi ân cần bảo: “Hoa phong lan của Bác rất đẹp, nhưng thành tích của các cháu còn đẹp hơn hoa phong lan của Bác. Bác mong các cháu luôn giữ và phát huy thành tích của mình, về phải học tập tốt, mạnh khỏe, chiến đấu giỏi và sản xuất giỏi”. Lần thứ hai được gặp Bác chỉ cách đó mấy ngày, Bác cho mời ba nữ dân quân vào xem văn công tại Phủ Chủ tịch. Khi về Bác dặn: “Các cháu phải học, học không phải ở trường, ở lớp mà phải học trong đường đời, học trong thực tế, học những người đi trước…”.

Và ký ức về bữa cơm được ăn cùng Bác trước lúc trở về địa phương được bà Khuê kể lại: “Cho đến hôm nay tôi vẫn còn nhớ mãi từng hương vị món ăn, thái độ ân cần của Bác khi tận tay Người đơm cơm cho chúng tôi. Cả ba chúng tôi đều mất cha mẹ, luôn phải tự chăm sóc cho mình. Thái độ ân cần của Bác khiến chúng tôi quá cảm động, nhìn nhau mà không ăn được. Nhưng để Bác còn về nghỉ, chúng tôi cố nén xúc cảm ăn hết bát cơm. Ăn xong, tôi đứng dậy, Bác nói tôi ăn nốt ba quả cà còn lại. Tôi ăn hết và mãi đến bây giờ tôi vẫn nhớ về ba quả cà đó. Bác không nói tiết kiệm nhưng lời Bác nhắc nhở rất thấm thía. Thấm đến bây giờ, suốt cuộc đời hoạt động 43 năm, tôi không bao giờ cho phép mình lãng phí…”.

Lần cuối cùng là khi Bác mất. “Ngày 2.9.1969, tôi được lệnh mùng 3 phải có mặt ở Hà Nội. Tôi đi mà không biết có việc gì. Ra đến nơi tôi mới biết rằng Bác mất. Tôi được phân công túc trực 15 phút bên linh cữu của Bác cùng với 3 nữ anh hùng khác là Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Chiên, Ngô Thị Tuyển. Chúng tôi phải làm tư tưởng dữ lắm, rằng không được ngất, không được khóc. Sau 15 phút đó, chị Ngô Thị Tuyển bị ngất đưa đi cấp cứu, còn chúng tôi thì khóc sướt mướt. Những kỷ niệm, hình ảnh của Bác cứ thế ùa về. Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa một phút quên đi những điều thiêng liêng đó…”, anh hùng Trương Thị Khuê xúc động.

Gần 300 tài liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu ở cuộc triển lãm “Luôn có Bác trong tim” đều mang đến cho người xem những câu chuyện cảm động và thông điệp sâu sắc về những lời dạy giản dị, chan chứa ân tình của Người. Trung tá Lê Vũ Huy, Phụ trách Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chia sẻ, triển lãm chuyên đề “Luôn có Bác trong tim” nhằm tôn vinh, ngợi ca những cống hiến vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam, thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn vô hạn đối với Người. Qua triển lãm nhằm động viên cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân tích cực đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”; giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.

Sau phần mở đầu giới thiệu những hình ảnh, tài liệu tiêu biểu phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo và tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh với QĐND Việt Nam; sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội trong việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc trưng bày thu hút người xem với hàng trăm hiện vật, hình ảnh đặc biệt qua ba phần nội dung: Vị Cha già dân tộc, Người là niềm tin tất thắng, Xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”…

 Nguồn: HOÀNG VY, ảnh: MINH LÊ – Báo Điện tử Văn hóa