Bế mạc Liên hoan chèo toàn quốc 2019: Tôn vinh nghệ thuật chèo truyền thống

VHO-Tối qua 28.9, Liên hoan chèo toàn quốc 2019 đã khép lại sau 14 ngày tổ chức với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, nhạc công của 16 đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc. Liên hoan đã trao 5 Huy chương  vàng, 6 Huy chương Bạc cho các vở diễn, 1 giải xuất sắc về đề tài lịch sử, 1 giải xuất sắc về đề tài dân gian; 1 giải cho mỗi thành phần sáng tạo xuất sắc nhất: tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, dàn nhạc cùng 41 Huy chương Vàng, 61 Huy chương Bạc cho các cá nhân tham gia Liên hoan. PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL đã dự và phát biểu tại Lễ bế mạc. 

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương trao Huy chương vàng cho các vở diễn

Phát biểu tổng kết, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật PGS.TS Trần Trí Trắc nhận định: Thông qua 26 tác phẩm, tuy chủ yếu là đề tài quá khứ (24/26) và mỗi vở có chủ đề, phong cách, màu sắc khác nhau nhưng đều đề cập tới những nội dung có liên quan tới hiện thực, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay với bao tình cảm vui buồn nóng bỏng, nổi cộm, bức xúc của nghệ sĩ chúng ta trước những hành xử của cơ chế thị trường như vấn đề công danh với tình yêu, tình riêng với nghĩa nước, tình yêu với lời nguyền thù hận, tham vàng bỏ ngãi…tất cả đều hướng tới: ca ngợi tài năng, đức độ, liêm chính, trung thực của lẽ sống làm người; ca ngợi những phẩm chất cao đẹp, hi sinh hạnh phúc cá nhân cho non sông đất nước, đồng loại và phê phán những nhân cách nhỏ nhen, ích kỷ hại nước, hại dân của thói hư, tật xấu ở đời…Từ nội dung tư tưởng ấy các tác giả đã thể hiện nhiều hình thức phong phú, đa dạng theo thể tài chính kịch tâm lý xã hội, chính kịch sinh hoạt tả thực, chính kịch anh hùng ca và cả bi kịch, bi hài kịch lẫn luận đề trong kết cấu tự sự – kịch tính – trữ tình – có hậu của truyền thống với những lớp trò nối tiếp lớp trò bằng thủ pháp ước lệ – cách điệu – tượng trưng theo mô hình nhân vật thiện ác phân minh, nghĩa tình rành mạch, tính cách đặc định…

Vở Trọn nghĩa non sông của Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình
Vở Điều còn lại của Nhà hát Chèo Hà Nội
Chuyện tình Hàn Sĩ – Đào Nương của  Nhà hát Chèo Hải Dương

 Thành quả của 26 tác phẩm trên là do bản lĩnh của các tác giả “lão tướng”: Hoàng Cầm, Hoàng Công Khanh, Hoài Giao, Trần Đình Ngôn, Bùi Đức Hạnh, Huy Cờ, Bùi Vũ Minh, Lê Duy Hạnh, Lê Chí Trung, Đăng Chương cùng những gương mặt trẻ: Lê Thế Song, Nguyễn Toàn Thắng, Mai Văn Lạng, Nguyễn Sĩ Sang, Nguyễn Văn Thịnh, Lê Mạnh Huấn, Vũ Huy Thành, Lê Ngọc Ánh…và đặc biệt trong đó có nữ tác giả Xuân Hồng, Trần Phương Hạnh đã làm cho sân khấu Liên hoan thêm nhiều giọng điệu, màu sắc, sinh động.

26 tác phẩm văn học ấy được thăng hoa, hoàn mỹ trên sân khấu Liên hoan bởi có bàn tay “phù thủy” của các đạo diễn. Đó là những nghệ sĩ đã có danh, có kinh nghiệm, có phong cách và có tâm huyết với nghiệp chèo như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSND Trương Hải Thọ và các nghệ sĩ trẻ đang được giới chèo khẳng định: NSƯT Lê Tuấn Cường, NSƯT Thanh Tùng, NSƯT Đoàn Vinh, NSƯT Tạ Quang Lẫm, NSƯT Nguyễn Quang Thập, NSND Hàn Hải… Đặc biệt dịp này đã xuất hiện những nữ đạo diễn: NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Trần Thị Hoàng Mai. Những lớp, những màn diễn đã tạo nên những ấn tượng khó quên trong lòng khán giả, có thể kể đến như lớp Thái giám đọc chiếu chỉ trong Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, lớp múa mở màn trong Rồng phượng, lớp trận chiến đầm lầy trong Đất thiêng nơi mả dấu, lớp nước cuốn lũ quan bạo tàn trong Người con gái Kinh Bắc

Đặc biệt, cảm động biết bao khi chứng kiến những nghệ sĩ hằng ngày phải “lấy ngắn nuôi dài” bằng nhiều công việc khác để nuôi dưỡng niềm đam mê chèo, vậy mà họ đã cùng nhau vượt qua khó khăn để đến với hội chèo cho bằng anh, bằng chị, xứng với tổ nghề, xứng với truyền thống. Vì vậy, khán giả khó quên được những sáng tạo của các nghệ sĩ đã rất xuất sắc trong các vai diễn của mình, đó là: Quỳnh Mai, Hà Thị Thảo, Xuân Du, Nguyễn Thị Trắc, Trần Thị Hiền, Mạnh Thắng, Mai Lan, Đình Anh, Bích Nhạn, Nguyễn Thị Thái Quỳnh, Ánh Diện, Thủy Hà, Mạnh Đáng, Phương Nhàn, Bùi Văn Thiện, Xuân Dương, Hồng Năm, Nông Thị Quỳnh Sen, Thu Hài, Thanh Nga, Thùy Dung, Hà Bắc, Quốc Phòng, Chử Long, Hoài Thu, Bá Toản, Thu Huyền, Việt Thắng…

Liên hoan phản ánh đúng thực trạng của nghệ thuật chèo

 Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 diễn ra tại Thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang từ ngày 14 đến ngày 28.9 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Trải qua 14 ngày, chúng ta được thưởng thức 26 vở diễn với sự tìm tòi, sáng tạo, đua tài hào hứng, sôi nổi, lòng say mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm cao, tạo nên sức truyền cảm và ấn tượng sâu sắc, những giá trị thẩm mỹ đến với người xem.
26 vở diễn với chất lượng chuyên môn đã phần nào phản ánh đúng thực trạng của mỗi đơn vị nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp tại Liên hoan lần này. Mỗi vở diễn có sắc thái, diện mạo riêng, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, những vấn đề đang bức xúc trong đời sống xã hội. Một lần nữa, Liên hoan mang ý nghĩa quan trọng của một ngày hội lớn – nơi gặp gỡ, trao đổi, học hỏi của bạn bè, đồng nghiệp, cũng như sẻ chia những trăn trở trong hoạt động thực tiễn để cùng nhau gìn giữ, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước.

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL TẠ QUANG ĐÔNG)

Tuy nhiên, không quá lạc quan với những gì đã đạt được, PGS.TS Trần Trí Trắc cũng đã chỉ rõ những điểm còn khuyết thiếu, hạn chế: “26 tác phẩm trên sân khấu liên hoan rất hiếm có “tích hay, trò lạ” làm say lòng, ngỡ ngàng khán giả mà hầu hết đều mang xu hướng “hoài cổ”, đi tìm đề tài quá khứ và sử dụng những tác phẩm ở thời quá khứ. Đội ngũ tác giả trẻ đã xuất hiện nhưng chưa đông, chưa mạnh và bản lĩnh nghề nghiệp chưa cao ngang tầm đòi hỏi của khán giả. Không ít vở kết cấu thiếu logic: lớp dài, lớp ngắn, lớp thừa, lớp thiếu; mở đầu thắt nút ở tuyến này, cởi nút lại chạy sang tuyến khác; có vở diễn hết cảnh 2 rồi mà người xem không biết tên nhân vật là gì; tính văn chương ở một số vở còn hạn chế, chưa được trau chuốt công phu, nếu không gọi là tục tằn, thô thiển… Nhiều nhân vật sơ sài, mỏng, thiếu tính cách, thiếu số phận, tạo ra hình tượng nhạt nhòa, làm nghệ sĩ tài năng khó diễn được tròn vai, khó thể hiện bản lĩnh của mình. Các đạo diễn còn lúng túng và rơi vào tình trạng mâu thuẫn trong xử lý giữa tả ý với tả chân; giữa ước lệ, cách điệu, tượng trưng với sinh hoạt tả thực; giữa kịch nói với chèo truyền thống đã tạo ra những hình thức: hát cải biên, hát vocal, hát bè, hát đuổi rồi múa hiện đại và khói mù mịt lẫn sấm, chớp cùng nhiều trang trí tả thật như đời thực…

Về nghệ sĩ biểu diễn, không ít diễn viên còn hát chênh, non, phô, chệch nhịp, quên lời, rơi đạo cụ, quên đạo cụ ở sàn diễn mà không biết xử lý phù hợp, hoặc hát không bật mic hay gây tiếng rú, tiếng lạo xạo làm nhòe lời…rất nghiệp dư”…
Liên hoan đã khép lại, nhưng dư âm về những vai diễn, những tình cảm của khán giả Bắc Giang sẽ còn đọng mãi trong lòng các nghệ sĩ, những người làm nghề như một vết dấu cho sự chuyển giao thời đại tích cực cho chèo.

 Kết quả giải thưởng Liên hoan 
Liên hoan đã trao 5 Huy chương  vàng, 6 Huy chương Bạc cho các vở diễn, 1 giải xuất sắc về đề tài lịch sử, 1 giải xuất sắc về đề tài dân gian; 1 giải cho mỗi thành phần sáng tạo xuất sắc nhất: tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ, họa sĩ, dàn nhạc cùng 41 Huy chương Vàng, 61 Huy chương Bạc cho các cá nhân tham gia Liên hoan. 5 Huy chương Vàng cho vở diễn: Điều còn lại (Nhà hát Chèo Hà Nội), Công lý không gục ngã (Nhà hát Chèo Quân đội), Trọn nghĩa non sông (Nhà hát Chèo tỉnh Thái Bình), Chuyện tình Hàn Sĩ – Đào Nương (Nhà hát Chèo Hải Dương), Người con gái Kinh Bắc (Nhà hát Chèo tỉnh Bắc Giang). Cùng trong dịp này, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng đã trao giải thưởng cho các đơn vị và cá nhân đạt những thành tích nổi bật tại Liên hoan.

Nguồn: THUÝ HIỀN – Báo Điện tử Văn hóa

Bánh cay Sài Gòn – món ăn đậm đà được lòng thực khách

VHO- Không chỉ bởi vị cay và sự giòn tan, vàng rộm trong miệng khi thưởng thức, bánh cay còn được chọn làm món phụ khi gia đình mở tiệc chiêu đãi bạn bè vì cách chế biến dễ dàng.

Quà vặt ở Sài Gòn không thiếu nhưng bánh cay vẫn luôn là món ăn đậm đà được lòng thực khách. Không chỉ bởi vị cay và sự giòn tan, vàng rộm trong miệng khi thưởng thức, bánh cay còn được chọn làm món phụ khi gia đình mở tiệc chiêu đãi bạn bè vì cách chế biến dễ dàng và thành phẩm cực kỳ bắt mắt người nhìn.

Ở nhiều góc đường tại Sài Gòn như Trần Quốc Thảo, chợ Bà Chiểu… không khó để bắt gặp hình ảnh của các cô chú bán hàng một tay vừa nặn bánh, tay kia rảnh một chút là thoăn thoắt đảo bánh cay thơm lừng trong chảo dầu nóng bỏng.

Ăn bánh cay đến hai đĩa một cách ngon lành trong một lúc là chuyện rất bình thường của bất cứ cô cậu học trò nào sau mỗi buổi tan trường.

Các bạn vừa ăn bánh, vừa rôm rả cười nói không ngớt bên cạnh những gánh hàng ăn vặt dậy mùi thơm không biết từ bao giờ đã trở thành kỷ niệm không thể quên trong ký ức thời học sinh Sài Thành.

Nguyên liệu chính của món ăn vặt được yêu thích này gồm bột sắn và bột gạo. Khâu chế biết trước tiên là bóc vỏ củ khoai mì hay còn gọi là củ sắn tươi. Củ sắn sẽ ngâm trong nước cho sạch rồi bào nhuyễn lấy bột. Bột ấy đem trộn cùng bột mỳ, bột ớt, thêm hành lá và lá thì là rồi nặn đều đem bột chiên trong chảo dầu nóng với lửa đượm đều để bánh khi vớt ra được vàng giòn, thơm ngon.

Bánh cay Sài Gòn còn rất được lòng các du khách nước ngoài, đặc biệt là giới trẻ Hàn Quốc, Nhật Bản… thích khám phá văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Nguồn: Internet

Phim truyền hình lại “dậy sóng​​​​​​​”: Liệu có vượt qua “Về nhà đi con”?

VHO- Chuyện ngoại tình với những mối quan hệ tay ba, tay tư đầy rắc rối đang “chiếm lĩnh” màn ảnh nhỏ. Mảng đề tài tưởng như quá quen thuộc này vẫn có sức hút đối với khán giả.

Sau bộ phim gia đình Về nhà đi con, nhiều phim có câu chuyện khác nhau nhưng lại xoay quanh chuyện ngoại tình, người thứba… đồng loạt lên sóng truyền hình.

Nhiều clip đạt triệu view

Trong đó, được chú ý hơn cả là Hoa hồng trên ngực trái, tác phẩm của đạo diễn Vũ Trường Khoa, phát sóng VTV3 lúc 21h30 thứ Tư và thứ Năm hằng tuần. Phim xoay quanh nhân vật Thái (diễn viên Ngọc Quỳnh đóng), một người đàn ông ích kỷ, gia trưởng, lăng nhăng. Trong quá khứ, Thái yêu hai người cùng lúc và khiến cho cả hai cô gái có bầu. Thái kết hôn với Khuê (Hồng Diễm đóng) theo lời tư vấn của thầy tử vi. Anh đưa cô bạn gái còn lại đi pháthai rồi không may, cô gái chết trên bàn mổ.

Suốt 10 năm, Khuê ở nhà làm nội trợ, chăm sóc chồng và 2 con gái. Trong khi Thái trở thành doanh nhân thành đạt, coi thường vợ, ngang nhiên cặp kè với một cô gái trẻ. Lúc người tình có thai, Thái mong đó là con trai và anh sỉ nhục Khuê, muốn ly hôn, đuổi vợ khỏi nhà để cưới Trà. Chuyện phim Hoa hồng trên ngực trái kịch tính ngay từ những phút đầu, nói đúng hơn, phim gây ức chế cao độ cho khán giả, lôi kéo họ phải theo dõi để biết câu chuyện sẽ được kết thúc ra sao.

Cùng thời điểm, bộ phim Bán chồng của đạo diễn Lê Hùng Phương với đề tài về miền Tây sông nước cũng khá“ăn khách”. Phim phát sóng VTV3 lúc 21h30 thứ Hai và thứ Ba hằng tuần, với nhân vật Nương (Oanh Kiều), một cô gái miền Tây chân thành, mộc mạc đã gặp một biến cố lớn trong chuyện tình cảm với Hưng (Tim), một gã điển trai, hào hoa, thành đạt ở thành phốnhưng đã có gia đình. Nương tìm đến cái chết vì Hưng ruồng bỏ và gặp hàng loạt những biến cố. Trong lúc tuyệt vọng nhất, Nương được Vui (Anh Tú), anh hàng xóm ở bên cạnh động viên. Nương và Vui trở thành vợ chồng bởi một lý do bất đắc dĩ nhưng họ dần có tình cảm với nhau. Bỏ Nương, Hưng lại tán tỉnh và khiến cho Ngọc có thai. Biết Hưng có vợ là Nga, Ngọc tìm Vui trút bầu tâm sự. Cuối cùng, mối quan hệ giữa 5 người là Hưng, Nga, Ngọc, Vui và Nương trở nên vô cùng rắc rối. Bởi thế mà phim lôi cuốn khán giả dõi theo những bi kịch lẫn niềm hạnh phúc trong cuộc sống của người dân miền Tây Nam Bộ sẽ được hóa giải như thế nào.

Các trích đoạn phim Hoa hồng trên ngực trái và Bán chồng thu hút lượng người xem lớn, nhiều clip đạt triệu view. Theo thông báo mới đây của trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình TVAD, giáquảng cáo của phim Hoa hồng trên ngực trái được ấn định 180 triệu đồng cho mỗi spot quảng cáo 30s. Phim Bán chồng cũng đạt mức khácao, với 150 triệu đồng cho mỗi spot quảng cáo 30s. Giáquảng cáo phản ánh rõ độ “hot”, rating của bộ phim cũng như sự quan tâm của khán giả.

Phim “Bán chồng” mang đậm hơi thở miền Tây sông nước chinh phục khán giả

“Ngay cả diễn viên cũng không biết kết ra sao”

Không “hot” bằng Hoa hồng trên ngực trái và Bán chồng, nhưng bộ phim Đánh cắp giấc mơ đang phát sóng VTV3 lúc 14h thứBảy và Chủ nhật hằng tuần cũng nhận được sự quan tâm của khán giả. Thẳng thắn thừa nhận thì những bộ phim đề tài ngoại tình, người thứba không mới. Trước đó, những bộ phim đề tài này cũng được các nhà làm phim truyền hình Việt khai thác rất nhiều trong các phim: Zippo, mù tạt và em; Ngược chiều nước mắt; Cả một đời ân oán; Về nhà đi con…

Không riêng màn ảnh Việt, mùa hè 2019, màn ảnh châu Á chứng kiến sự đổ bộ của loạt phim truyền hình khai thác chủ đề người thứba, ngoại tình như: Chiếc lá cuốn bay (Thái Lan), Một đêm xuân (Hàn Quốc), Chúng ta không thể là bạn (Đài Loan)… Điểm chung là các tác phẩm này đều xây dựng chân dung nhân vật chính là người thứba với nhiều mối quan hệ chồng chéo, phức tạp. Dù vậy, nét khác biệt ở cách kể chuyện cũng như diễn xuất của diễn viên khiến cho những bộ phim cùng đề tài vẫn chinh phục đông đảo người xem. Theo lý giải của NSND Hoàng Cúc, ngôi sao một thời của màn ảnh trở lại với vai “mẹ chồng quốc dân” phim Hoa hồng trên ngực trái: “Phim truyền hình Việt Nam hiện giờ rất hấp dẫn bởi có cả một nhóm viết kịch bản chứkhông phải một người. Cách làm phim hiện giờ cũng rất hiện đại là vừa quay vừa phát sóng và lắng nghe ý kiến từ phía khán giả. Từ đó, người làm phim sẽ có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với thị hiếu của sốđông khán giả. Đôi khi biên kịch, đạo diễn, diễn viên… cũng chưa chắc chắn kết phim sẽ như thế nào. Chúng tôi quay đến thời điểm ra mắt phim vẫn chưa biết kết ra sao, điều đó tạo bất ngờ và kịch tính cho người theo dõi”.

Thành công của phim gia đình Về nhà đi con đã khiến nhiều người lo lắng, màn ảnh nhỏ có thể sẽ vắng bóng các bộ phim hấp dẫn. Tuy nhiên, các đạo diễn thừa nhận họ có gặp áp lực nhưng không phải để so sánh độ “hot” với “bom tấn” truyền hình trước đó mà để có một tác phẩm chất lượng chinh phục khán giả. Và sự thật là vẫn có những tác phẩm truyền hình có sức hút nhất định, vượt qua áp lực phim “bom tấn”. Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC), đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ: “Sau phim gia đình Về nhà đi con, phim cảnh sát hình sự Mê cung, chúng tôi có Hoa hồng trên ngực trái cũng là phim đề tài hôn nhân gia đình nhưng có những góc nhìn đa chiều, nhấn mạnh vào hành trình gìn giữ và tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình của những người phụ nữ hiện đại. Câu chuyện phim chân thực, trọn vẹn với đầy đủ những cung bậc cảm xúc về thế giới phụ nữ. Hoa hồng trên ngực trái đề cập tới đời sống gia đình ngột ngạt với sự “bạo hành”, ngược đãi về tinh thần của những người tri thức. Đặc biệt, bộ phim khai thác triệt để, nhấn mạnh tính nữ quyền và hầu hết những người phụ nữ trong phim đều như vậy”.

“Thị hiếu của khán giả thì luôn thay đổi, đòi hỏi chất lượng tác phẩm truyền hình ngày càng cao. Chúng tôi liên tục tìm tòi, đổi mới với mong muốn đem những “món ăn” tinh thần mới lạ, hấp dẫn đến với khán giả”, NSƯT Đỗ Thanh Hải cho biết. 

 LAM ANH

Phở cuốn Ngũ Xã – đặc trưng cho ẩm thực Hà Thành

VHO- Khác với món phở nước, phở cuốn thu hút thực khách ở cái mát thanh và đậm đà của nước chấm chua cay, được pha chế khéo léo theo những bí quyết riêng của người làm.

Phở là món ăn đặc trưng nổi tiếng trong ẩm thực của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.

Bằng sự biến tấu trong nguyên liệu ăn kèm để trở thành món ăn dân dã trong những ngày Hè nắng nóng, người dân phố Ngũ Xã, Hà Nội, đã sáng tạo ra món phở cuốn và trở thành đặc trưng cho ẩm thực đất Hà Thành.

Phở cuốn không quá cầu kỳ trong cách chế biến. Để làm một đĩa phở cuốn ngon cần có một xấp bánh phở, vài ba lạng thịt bò băm nhỏ xào thơm với gừng và tỏi điểm thêm mấy món rau sống quen thuộc như xà lách, rau mùi, rau húng… Tất cả cuốn tròn lại trong lá bánh phở mỏng.

Khác với món phở nước, phở cuốn thu hút thực khách ở cái mát thanh và đậm đà của nước chấm chua cay, được pha chế khéo léo theo những bí quyết riêng của người làm.

Sau này, ngoài con phố Ngũ Xã, trên bản đồ địa chỉ ăn ngon Hà Nội cũng xuất hiện những địa danh gắn liền với món phở cuốn như Hồ Tây, Trúc Bạch… Qua những địa danh ấy phở cuốn đã từ lúc nào trở thành một trong những món ngon đãi khách của người Hà Nội, đặc biệt vào những ngày Hè nắng nóng với giá 6.000 đồng/chiếc.

Là món ăn dân dã, giản dị nhưng lại khá hấp dẫn nên không chỉ có khách trong nước ở miền Trung, miền Nam tìm đến thưởng thức món phở cuốn mà còn rất nhiều khách nước ngoài chọn phở cuốn làm món nhất định phải thưởng thức ẩm thực khi đến du lịch Hà Nội.

Giống như một nét chấm phá cho ẩm thực Hà Nội, phở cuốn đã làm tô điểm cho bức tranh ẩm thực của mảnh đất nghìn năm văn hiến ngày càng hấp dẫn bao thực khách mỗi lần đặt chân đến.

Nguồn: Internet

Louis Vuitton chọn Việt Nam làm bối cảnh cho chiến dịch The spirit of travel

VHO- Những điểm đến du lịch nổi tiếng của Việt Nam: Hạ Long, Sapa, Ninh Bình, Hội An vừa được thương hiệu thời trang cao cấp Louis Vuitton (LV) lấy làm bối cảnh cho toàn bộ hình ảnh của chiến dịch quảng bá mới mang tên The spirit of travel (tạm dịch: linh hồn của những chuyến đi).

Thương hiệu thời trang cao cấp lấy bối cảnh tại Việt Nam cho chiến dịch quảng bá mới

Ngày 10.9.2019, Louis Vuitton đã công bố chiến dịch mới này trên các phương tiện truyền thông chính thức của hãng. Trong đó, những hình ảnh vô cùng tươi đẹp của Hạ Long, Sapa, Ninh Bình, Hội An (Việt Nam) đã được lấy làm bối cảnh chính nhằm tôn vinh những mẫu túi xách kinh điển của hãng.

Thông qua clip quảng bá và bộ ảnh Louis Vuitton thực hiện, có thể thấy bối cảnh được thực hiện tại Việt Nam và họa tiết monogram đơn sắc truyền thống, tông trầm sang trọng của các sản phẩm túi xách của Louis Vuitton đã hòa quyện và tôn vinh nhau một cách bất ngờ.

Di sản thế giới Hội An là điểm đến thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm

Trên trang website chính thức của hãng, trong lời giới thiệu về chiến dịch này, hãng cũng đánh giá cao cảnh sắc của Du lịch Việt Nam. Nhiếp ảnh gia Angelo Pennetta đã chụp người mẫu Rianne van Rompaey, Fei Fei Sun và Kit Butler tại những cảnh đẹp của Việt Nam, từ vịnh Hạ Long đến Ninh Bình. Thông qua những phong cảnh ngoạn mục của Việt Nam, nhiếp ảnh gia Angelo Pennetta đã ghi lại vẻ đẹp thanh bình và kỳ diệu của du lịch, hiện diện bên cạnh những sản phẩm bằng da cao cấp của LV.

Sự kết hợp này cũng đã nhận được nhiều lời khen trên các trang mạng xã hội: “Tôi biết nơi này. Nó là Hạ Long”, Voha Rtl (Nga) bình luận. “Khung cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời”, Mayte Flores (Mexico) viết.

Hạ Long được chọn là nơi check in sang chảnh của giới trẻ

Việc Louis Vuitton lựa chọn các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam, trong đó có những điểm đến được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, làm nền quảng bá cho sản phẩm cao cấp của mình, tạo ra sự thu hút rất lớn từ công chúng toàn cầu. Đồng thời, qua đó gián tiếp truyền đi thông điệp Việt Nam là điểm đến đẳng cấp, hướng đến khách du lịch hạng sang, có mức chi trả cao trên khắp thế giới.

Trước Louis Vuitton, Việt Nam cũng là điểm đến được nhiều nhà làm phim quốc tế quan tâm, lấy làm bối cảnh phim như: Kong: Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu), Pan của đạo diễn Joe Wright… điều này khẳng định nỗ lực quảng bá thương hiệu quốc gia nói chung và thương hiệu Du lịch Việt Nam nói riêng đang đi đúng hướng và mang lại thành công nhất định.

Theo Tổng cục Du lịch, trong thời gian tới, đây là phương pháp xúc tiến, quảng bá mà Du lịch Việt Nam sẽ quan tâm, khai thác nhiều hơn nhằm tìm kiếm các thương hiệu phù hợp để hợp tác quảng bá hình ảnh, thương hiệu Du lịch Việt Nam đến với thế giới.

Nguồn: THÚY HÀ – Báo Điện tử Văn hóa

Các nghệ sĩ Pháp đưa Truyện Kiều lên sân khấu nhạc kịch

VHO- Nhạc kịch Kim Vân Kiều sẽ được các nghệ sĩ Pháp trình diễn bằng tiếng Pháp và phụ đề tiếng Việt vào tối 20.9 tại Trung tâm Văn học nghệ thuật TP.HCM và 21.9 tại Sân khấu kịch IDECAF (TP. HCM).

Sau đó, vở sẽ được công diễn tại Hà Nội vào 20h ngày 25.9 tại L’Espace (Hà Nội). Lần đầu tiên được đưa lên sân khấu nhạc kịch, Kim Vân Kiều được chuyển thể và soạn kịch bản bằng tiếng Pháp từ những nghiên cứu, phân tích các bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Viện.

Dưới bàn tay của đạo diễn tài năng Christophe Thiry, đoàn nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ opera chuyên nghiệp của Nhà hát L’Attrape Théâtre (Paris-Pháp), Truyện Kiều của Nguyễn Du sẽ được tái hiện với một ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo, với góc nhìn mới, hiện đại nhưng vẫn rất trung thành với số phận nàng Kiều. Vở nhạc kịch Kim Vân Kiều được thể hiện bằng ngôn ngữ nghệ thuật đa quốc tịch, từ cổ điển đến hiện đại. Phần âm nhạc là một thể nghiệm độc đáo khi các nghệ sĩ vừa hát opera, pop, vừa diễn kịch lại vừa diễn tấu các nhạc cụ Tây phương như violin, piano, guitar. Hòa quyện với màu sắc nghệ thuật Tây phương là những sắc màu rất Việt Nam từ những nhạc khí dân tộc như trống, sáo, đàn nguyệt, đàn bầu qua phần trình diễn của hai nhạc sĩ Mai Thanh Sơn và Mai Thành Nam (Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và Đoàn nhạc Gõ Phù Đổng).

Nguồn: TRẦN TRUNG – Báo Điện tử Văn hóa

Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công đoàn Bộ VHTTDL: Bất ngờ và ấn tượng

VHO-Là một cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng không chuyên nhưng Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công đoàn Bộ VHTTDL lần thứ VIII  được tổ chức vào chiều 18.9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã để lại những ấn tượng khá đẹp trong lòng khán giả. Có thể khẳng định, về chất lượng nghệ thuật, so với các cuộc liên hoan trước đây, liên hoan lần này đã được nâng lên một bậc và đồng đều hơn.

Phó chủ tịch Thường trực Công đoàn Viên chức VN Nguyễn Giang Tuệ Minh và Phó bí thư Thường trực Đảng uỷ Bộ VHTTDL Phùng Minh Cường trao giải Đặc biệt cho đại diện của Khối điện ảnh

NSND Thanh Ngoan, Trưởng Ban giám khảo Liên hoan nhận định: “Các thành viên của Ban giám khảo đã bị bất ngờ và ấn tượng bởi liên hoan đã mang lại cho chúng tôi quá nhiều cung bậc cảm xúc, quá nhiều tiết mục hay, đầu tư công phu. Có rất nhiều đơn vị đã thể hiện rất tốt chương trình của mình, hơn thế còn dàn dựng lồng ghép được những đặc thù công việc của đơn vị mình làm việc, những tình cảm của mình vào trong chương trình. Sự đầu tư bài bản, hoành tráng, nghiêm túc cũng như xuất hiện nhiều giọng ca rất xuất sắc từ phong trào văn nghệ quần chúng đã khiến Ban giám khảo phải rất vất vả để lựa chọn ra những cột cờ xứng đáng tại Liên hoan lần này”.

Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL Nguyễn Tuấn Linh và NSND Thanh Ngoan, Trưởng Ban giám khảo trao giải A cho các đơn vị

Liên hoan đã trao 1 giải đặc biệt, 4 giải A, 8 giải B, 4 giải khuyến khích cho 17 chương trình, tiết mục tham gia. Giải đặc biệt thuộc về Khối Điện ảnh. 4 giải A thuộc về Trường cán bộ quản lý VHTTDL, Ban quản lý Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Tổng cục Thể dục thể thao, Viện phim Việt Nam.

Những chương trình, tiết mục đoạt giải cao tại Liên hoan đã có sự đầu tư công phu, hoành tráng, kỹ lưỡng từ kịch bản, trang phục, đạo cụ, dàn dựng, đạo diễn đến diễn viên thể hiện… Với chủ đề Sáng mãi niềm tin, các tiết mục tham gia đúng chủ đề, nội dung mà Ban tổ chức nêu ra, trong đó nhiều ca khúc ca ngợi về Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, về quê hương, đất nước, con người Việt Nam; phản ánh cuộc sống lao động sáng tạo của công nhân, Công đoàn Việt Nam trong quá trình 90 năm xây dựng và phát triển.

Ban tổ chức và đại diện các đơn vị tham gia Liên hoan

Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công đoàn Bộ VHTTDL lần thứ VIII được tổ chức nằm trong kế hoạch công tác năm 2019 của Công đoàn Bộ, nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sáng tạo trong tổ chức Công đoàn Bộ VHTTDL; đặc biệt lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và 25 năm Ngày thành lập Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Phát biểu tại Liên hoan, Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL Nguyễn Tuấn Linh cho biết, Liên hoan đạt kết quả tốt cả về chất lượng và nội dung là nhờ Công đoàn Bộ đã có công văn chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời, thống nhất cho các Công đoàn cơ sở và các khối Công đoàn từ mục đích, yêu cầu, đối tượng tham gia đến nội dung, hình thức, thời gian, các bước tiến hành tổ chức Liên hoan. Liên hoan nghệ thuật quần chúng Công đoàn Bộ lần thứ VIII được chia làm 2 vòng, vòng sơ khảo được tổ chức tại các khối để lựa chọn các tiết mục đặc sắc tham gia vòng chung kết. “Điều đáng ghi nhận là Liên hoan đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi, đoàn kết trong các cơ quan, đơn vị, góp phần duy trì và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo nghệ thuật trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh”, Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL Nguyễn Tuấn Linh nhấn mạnh.

Với đặc thù văn nghệ không chuyên, những điệu múa, lời ca, tiếng hát có thể chưa được điêu luyện nhưng các chương trình, tiết mục dự thi là tình cảm, là công sức và nỗ lực của hơn 300 cán bộ, đoàn viên Công đoàn tham gia liên hoan lần này, chính điều này đã làm nên sự thành công và bất ngờ đối với một liên hoan nghệ thuật không chuyên.

Nguồn: HIỀN LƯƠNG; ảnh: TRẦN HUẤN – Báo Điện tử Văn hóa

Khai mạc Liên hoan Chèo toàn quốc 2019

VHO- Tối 14.9, Liên hoan Chèo toàn quốc 2019 đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang với sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên từ 16 đơn vị nghệ thuật chèo cả nước.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương tặng hoa Hội đồng nghệ thuật

Ngay sau Lễ khai mạc, Nhà hát Chèo Bắc Giang đã dự thi vở Gọi đò, một tác phẩm được chuyển thể từ kịch thơ Kiều Loan của tác giả Hoàng Cầm. Tiếp sau là Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh với vở Danh tướng sáng trời Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam với vở Rồng phượng.

Phát biểu khai mạc Liên hoan, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông khẳng định: Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2019 với mục tiêu góp phần tôn vinh các giá trị của nghệ thuật Chèo, các đơn vị, cá nhân nghệ sĩ, diễn viên có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển sân khấu Chèo chuyên nghiệp nước nhà. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật Chèo, các nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau, phát hiện những tìm tòi mới trong lao động sáng tạo nghệ thuật, tìm các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp với tình hình, để có thêm nhiều tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao, thiết thực phục vụ nhân dân trong thời kỳ mới.

 Ban Tổ chức tặng hoa các đơn vị tham gia Liên hoan
Vở chèo “Gọi đò” – Nhà hát Chèo Bắc Giang   

Liên hoan là hoạt động định kỳ được tổ chức 3 năm/lần và thực sự là những ngày hội nghề đối với các đơn vị và đông đảo nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công chèo trên cả nước. Liên hoan còn nhằm phát hiện những sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật, từ đó tìm ra các giải pháp và phương thức hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của mỗi đơn vị. Với tiêu chí không hạn chế đề tài nên Liên hoan đã tạo sự đa dạng cho các vở diễn tham dự. Ban tổ chức khuyến khích các tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hưởng ứng Nghị quyết Trung ương IV khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Nguồn: HIỀN LƯƠNG – Báo Điện tử Văn hóa

Lần đầu tiên tổ chức cuộc thi Hoa hậu Di sản Quốc tế – Pháp 2019: Lan truyền thông điệp bảo vệ di sản toàn cầu

VHO- Ngày 10.9, tại TP.HCM đã diễn ra buổi họp báo công bố cuộc thi Hoa hậu Di sản quốc tế – Pháp 2019 do Công ty Sarl Van Nam (Van Brows) giữ quyền đăng cai tổ chức lần đầu tiên tại Paris – Pháp.

Thông tin tại buổi họp, bà Van Jeanson, Trưởng Ban tổ chức cho biết, cuộc thi tuyển sinh toàn cầu, đối tượng tham gia là các bạn nữ có độ tuổi từ 18 đến 28, chưa lập gia đình, chưa đạt danh hiệu hoa hậu tại các cuộc thi trước đó…

Hoa hậu có vai trò là đại sứ về di sản văn hóa

“Quan trọng nhất là thí sinh phải có ý thức tốt về việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa toàn cầu”, bà Van Jeanson cho hay. Cuộc thi sẽ chọn ra hoa hậu với vai trò như một đại sứ, truyền cảm hứng cho các giá trị di sản văn hóa tại Việt Nam và trên thế giới, tham gia vào các hoạt động vì giá trị cộng đồng, truyền tải những thông điệp tích cực về di sản, thúc đẩy sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, sự hiểu biết đa dạng về văn hóa và du lịch, tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ của giới trẻ toàn cầu…

Thí sinh đăng ký dự thi bằng hình thức gửi ảnh và các thông tin cá nhân đến Ban tổ chức, kèm theo đoạn clip giới thiệu về một loại hình di sản tại quốc gia mình. Đồng thời trong hồ sơ cá nhân này, thí sinh trình bày suy nghĩ xung quanh việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa hiện nay. Sau vòng thi này, Ban tổ chức chọn ra tối đa 25 thí sinh vào vòng Gala chung kết, sẽ diễn ra từ ngày 16-20.10.2019. Đêm Gala chung kết tại Paris (Pháp) dự kiến diễn ra ngày 20.10.2019 tại Nhà hát De la Madeleine.

Ban tổ chức cho biết, cuộc thi được tổ chức định kỳ mỗi năm 1 lần, địa điểm đăng cai tổ chức sẽ được thay đổi theo từng quốc gia. Ban tổ chức luôn có các hoạt động đồng hành để truyền tải thông điệp đến với cộng đồng, cuộc thi dưới sự giúp đỡ hỗ trợ của ông Dominique Beaufrere, Giám đốc Bảo tàng Hàng không Safran Pháp và UNESCO. “Sau đêm Gala chung kết, chúng tôi có chương trình “Hành trình đến với di sản quốc tế” đi qua 3 quốc gia Pháp – Thụy Sĩ – Ý, hoạt động này sẽ phối hợp cùng với đơn vị điều phối du lịch Hasa Travel nghiên cứu thiết kế dành riêng cho cuộc thi”, bà Van Jeanson cho hay. Thông qua cuộc thi, Ban tổ chức mong muốn truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, có đủ điều kiện và năng lực, có ý thức tốt về việc bảo tồn gìn giữ di sản chung của nhân loại, để cùng chung tay, tham gia đóng góp tích cực cho các hoạt động quảng bá, bảo tồn các di sản văn hóa lịch sử. Bên cạnh đó cuộc thi nhằm thúc đẩy sự giao lưu văn hóa – xã hội giữa các thế hệ trẻ tại các các quốc gia.

Vì ý nghĩa văn hóa nên cuộc thi phải sạch

Thành phần Ban giám khảo cuộc thi, theo Ban tổ chức cho biết, gồm nhà thiết kế Sỹ Hoàng (Việt Nam) cùng các chuyên gia, nhà hoạt động văn hóa – nghệ thuật tại Pháp, Đức. Nhà thiết kế Sỹ Hoàng cho hay, sau cuộc thi, Ban tổ chức sẽ liên hệ và phối hợp với Hội Di sản các địa phương tại các nước đề ra các chương trình hoạt động, nhằm truyền tải thông điệp trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

Ông Nguyễn Khoa Nam, đạo diễn cuộc thi thông tin thêm, trong phần thi chung kết, các thí sinh sẽ trình diễn các loại trang phục (áo dài, dạ hội, thể thao), trả lời câu hỏi của Ban giám khảo xung quanh việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đây là tiêu chí chính để lựa chọn danh hiệu. Giải thưởng dành cho Hoa hậu trị giá 1 tỉ đồng, bao gồm vương miện và hiện vật, hiện kim. Cuộc thi cũng đồng thời trao giải cho 4 Á hậu cùng một số giải thưởng phụ. Tính đến thời điểm này, có thí sinh của khoảng 10 quốc gia đăng ký dự thi, Ban tổ chức cho biết tại mỗi quốc gia sẽ chọn 2 thí sinh vào chung kết, dự kiến tối đa khoảng 25 thí sinh vào vòng chung kết.

Ông Nguyễn Công Khế, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Thanh niên – trong vai trò bảo trợ truyền thông cho biết, di sản đang bị xâm hại và có nguy cơ “tan vụn”, trường hợp hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà ở Paris vừa qua là một minh chứng, do đó cuộc thi có một ý nghĩa rất lớn, đó là phát động những phong trào, truyền thông điệp tích cực trong việc bảo vệ di sản đến thế hệ trẻ. Đặc biệt, thông điệp đó được bảo vệ bởi những người đẹp thì sẽ lan tỏa nhanh hơn, có ý nghĩa hơn.

“Vì thế, chúng tôi mong rằng cuộc thi sẽ chọn ra được những đại sứ thật sự am hiểu và yêu quý di sản văn hóa thì cuộc thi sẽ càng nâng giá trị”, ông Khế mong muốn. Cũng trong một chia sẻ khác tại buổi họp báo, ông Khế nói rằng: “Đây là một cuộc thi rất hay nhưng cũng rất lạ, rất khác với các cuộc thi khác. Là người từng tham gia khá nhiều cuộc thi hoa hậu lớn, nên tôi rất thận trọng và cân nhắc kỹ khi tham gia cuộc thi này, vì thấy được tâm huyết của những người tổ chức là nhằm mục đích bảo vệ di sản văn hóa. Với tâm huyết của những người tổ chức, tôi mong rằng cuộc thi sẽ không có tiêu cực chứ hiện tại theo tôi được biết, hiện nay những cuộc thi có thể tin cậy được cũng không nhiều đâu”. Trong khi đó, nhà thiết kế Sỹ Hoàng cũng nói rằng: “Toàn cầu đang lên tiếng bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, vì ý nghĩa văn hóa nên cuộc thi phải sạch, vì ý nghĩa văn hóa đó nên tôi mới tham gia”.

 Nguồn: THÙY TRANG – Báo Điện tử Văn hóa

Nhiều thế hệ nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng tụ hội trong Ngày Sân khấu Việt Nam

VHO-Ngày 10.9, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã tổ chức Ngày Sân khấu Việt Nam đúng vào ngày truyền thống (12.8 âm lịch) của ngành sân khấu tại Rạp Đại Nam, Hà Nội. Đông đảo các thế hệ nghệ sĩ sân khấu gồm những tác giả được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT, các NSND, NSƯT và đông đảo các nghệ sĩ ở tất cả các loại hình sân khấu đã về dự.

Tiết mục chào mừng tại Ngày Sân khấu Việt Nam

Đây là năm thứ 10 kể từ ngày Đảng và Nhà nước cho phép lấy ngày này làm Ngày Sân khấu Việt Nam để giới sân khấu có cơ hội tôn vinh nghề tổ, có dịp nhìn lại sau một năm hoạt động, đánh giá những thành tích đã đạt được và những hạn chế để khắc phục, đoàn kết, phấn đấu, sáng tạo nhiều tác phẩm có nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, góp phần xây dựng đời sống tinh thần, cổ vũ toàn dân đoàn kết, phấn đấu đưa đất nước ta ngày càng phát triển lên tầm cao mới.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam trao Giải thưởng vở diễn xuất sắc cho các đơn vị

Báo cáo hoạt động của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch cho biết năm 2019 Hội đã mở 3 trại sáng tác với 45 lượt tác giả tham gia, tổ chức cho 5 tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ đi thực tế ở Trường Sa, 50 tác giả đi thực tế với bộ đội hải quân tại 6 vùng biển đảo, Phối hợp với Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương tổ chức Hội thảo đánh giá chất lượng nghệ thuật sân khấu, tìm giải pháp phát triển và tôn vinh các tác giả Xuân Trình, tác giả Nguyễn Trung Phong, tổ chức và phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức nhiều liên hoan sân khấu có chất lượng; Tích cực tham gia các Hội đồng xét tặng danh hiệu,  Thành lập “Quỹ hỗ trợ phát triển Nghệ thuật và Nghệ sĩ sân khấu”.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu tặng hoa các nghệ sĩ cao tuổi 

Đặc biệt tại buổi lễ, Hội đã tổ chức trao giải thưởng hàng năm cho 15 kịch bản xuất sắc, 13 vở diễn xuất sắc, 8 diễn viên xuất sắc và 5 giải xuất sắc cho sách lý luận phê bình. Trong đó giải thưởng kịch bản sân khấu xuất sắc cao nhất có giải B được trao cho các kịch bản: Nợ Việt Nam lời xin lỗi (Lê Thu Hạnh), Khi con tốt sang sông (Xuân Đức), Hòa giải (Hà Đình Cẩn), Ký ức đỏ (Vương Huyền Cơ). Giải vở diễn sân khấu xuất sắc cao nhất là giải B được trao cho các tác phẩm: Thầy Ba Đợi (Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Kiếp tằm (Đoàn NT Quảng Ninh), Khi con tốt sang sông (Nhà hát Kịch nói Quân đội). Các nghệ sĩ sân khấu đạt danh hiệu xuất sắc có : NS Minh Hiếu (Nhà hát Kịch VN), Hoàng Thị Xuân Thu (Nhà hát Kịch Quân đội), NSƯT Mạnh Hùng (Nhà hát Cải lương VN), NSƯT Quế Trân (Nhà hát Cải lương VN – Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), NS Thúy Nga (Nhà hát Chèo Quân đội), NSƯT Linh Kha, Đạt Hiển (NH Múa rối VN), Chu Hồng Thúy, Vũ Thanh Tuấn (Liên đoàn Xiếc VN).

Trao giải thưởng nghệ sĩ đạt danh hiệu xuất sắc
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN đọc chúc văn tại lễ dâng hương
Ngày Sân khấu Việt Nam là dịp để các thế hệ nghệ sĩ sân khấu bên nhau chia sẻ tâm tư về nghề

Trong không khí vui mừng hân hoan chào đón Ngày Sân khấu Việt Nam, các thế hệ nghệ sĩ đã cùng nhau dâng hương Tổ nghiệp, ghi nhớ công ơn đóng góp của các tiền nhân đã khai sáng nghề hát.Cùng với hội nghề nghiệp thì nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật, nhóm nghệ sĩ cũng đã tổ chức cúng Tổ nghề tại nhiều địa điểm tạo nên không khí giỗ Tổ rộn ràng như một ngày Tết riêng của giới sân khấu.

Nguồn: THÚY HIỀN – Báo Điện tử Văn hóa