Xuân này, nhớ ngược lên phía Bắc

VHO- Theo thông tin từ các công ty lữ hành, các hướng dẫn viên du lịch, trên toàn quốc, hoạt động du lịch dịp tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vô cùng nhộn nhịp. Ở miền Bắc, người dân và du khách khởi hành, du xuân đông tới mức nhiều nơi quá tải, cư dân mạng, hướng dẫn viên thậm chí còn dùng từ “thất thủ”.

Nhộn nhịp xuất hành đầu năm

Đại diện công ty du lịch Vietravel cho biết: “Mùa du lịch Tết nguyên đán năm nay, có gần 40 ngàn lượt khách du xuân cùng Vietravel”.

Lý giải về xu hướng khách đăng ký đi du lịch qua các công ty lữ hành không ngừng tăng qua mỗi năm, ông Phạm Văn Bảy, phó giám đốc Vietravel Hà Nội chia sẻ: “Du khách đi theo tour sẽ không phải lo lắng gặp phải tình trạng chặt chém, thiếu dịch vụ thường gặp phải trong các dịp lễ cao điểm như tết cổ truyền. Chi phí tour trọn gói có mức giá niêm yết cụ thể giúp các gia đình dự tính được khoản ngân sách rõ ràng khi chi tiêu trong Tết”.

Theo đó, với tour du lịch trọn gói, các công ty du lịch sẽ giúp xây dựng toàn bộ lịch trình, lo trọn gói dịch vụ di chuyển, khách sạn, nhà hàng, vé vào các điểm tham quan… trong hành trình. Vì vậy, dù bận rộn với công việc cuối năm, khách hàng đăng ký tour tại Vietravel vẫn sẽ được thoải mái du xuân ngay trong dịp nghỉ Tết với một chuyến đi thảnh thơi, thực sự mang tính chất vui chơi, nghỉ dưỡng với gia đình, bạn bè.

Sáng mùng 1 Tết hàng năm, công ty Vietravel đã tổ chức lễ xuất hành đầu năm tại các văn phòng trên toàn quốc. Du khách xuất hành du xuân đầu năm sẽ nhận “lộc xuân” là những phong bao lì xì may mắn có giá trị đến 100 USD và lá bồ đề thỉnh về từ Ấn Độ như lời tri ân và chúc phúc của công ty. 

Không chỉ đông khách chọn tour nội địa, các tour nước ngoài dịp tết cũng được khách du lịch quan tâm. Có 5.000 khách du xuân bằng tour du lịch nước ngoài bằng hình thức bay charter (thuê bao chuyến) khởi hành đến Ấn Độ, Bhutan, Fukushima (Nhật Bản). Sự liên kết chặt chẽ với các đối tác hàng không, Tổng cục Du lịch các nước đã mang đến cho du khách những sản phẩm chất lượng với mức giá thấp hơn tới 30% so với chi phí thông thường.

Tuyến Ấn Độ- Bồ Đề Đạo Tràng có hành trình 3 đến 4 ngày, chỉ mất 3 giờ bay thẳng bằng chuyên cơ Vietnam Airlines so với 8 tiếng bay quá cảnh. Chương trình bay thẳng từ Hà Nội đi Bhutan giúp du khách tiết kiệm tới 20 tiếng di chuyển, chỉ mất 4 giờ bay thay vì bay quá cảnh tại Thái Lan hoặc Singapore. Đến với đất nước bí ẩn Bhutan những ngày đầu xuân, du khách sẽ thưởng ngoạn sắc hồng của hoa anh đào, sắc tím của hoa phượng tím, màu đỏ rực như lửa của những cây đỗ quyên. Khám phá con người, văn hóa địa phương qua các đền đài, tu viện, các thành phố nổi tiếng nhất của Bhutan như: Thimphu, Punakha, Tu Viện Tiger’s Nest, đèo Chele La, dùng bữa trưa picnic giữa thiên nhiên núi rừng hoang sơ và đặc biệt hơn là tham dự buổi lễ cầu may mắn, bình an và hạnh phúc.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông & marketing công ty du lịch TST cho biết: “Mồng 1 tết, công ty đã chọn đoàn khách du xuân Thái Lan để chúc tết và làm lễ xuất hành đầu năm mới. Tính từ cuối tháng 2 cho đến tháng 5, sẽ có trên 60 đoàn trên dưới 200 khách xuất hành đi các hành trình trong và ngoài nước. Cao điểm các đoàn khách xuất hành du xuân bắt đầu từ ngày mùng 2 đến mùng 5 tết, tỷ lệ khách tăng trưởng vượt 10% so với cùng kỳ. Đối với những tour du lịch đường dài như Châu Âu, Châu Úc thì ngay từ cuối tháng Chạp năm 2018 đã có các đoàn khách xuất hành du xuân xuyên tết”.

Theo ông Mẫn: “Tour tết nguyên đán năm nay phân khúc tour du lịch nước ngoài tăng mạnh, tỷ lệ du lịch nước ngoài chiếm 60%. Và các tour xa chiếm tỷ lệ 40% với các điểm đến hấp dẫn như châu Âu, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm ưu thế”.

Hấp dẫn tết vùng núi phía Bắc

Ở trong nước, những điểm đến phía Bắc với đậm nét văn hóa cổ truyền được nhiều người lựa chọn. Trong đó, không thể không kể đến những điểm tâm linh nổi tiếng: chùa Hương (Hà Nội), Bái Đính (Ninh Bình), chùa Keo (Thái Bình), đền Trần (Nam Định), Yên Tử (Quảng Ninh)…

Những vùng rừng núi thơ mộng như Mộc Châu, Hà Giang, Sa Pa… cũng là những nơi mà nhiều người rỉ tai nhau khi khởi hành đầu năm: “Xuân này, nhớ đi trên những cung đường hoa phía Bắc”. Trên ấy, mùa này, từ Quản Bạ đến Yên Minh, sang Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), đâu đâu cũng thấy hoa đào thắm đỏ, hoa lê trắng tinh khôi. Ở Mộc Châu, cải vàng, cải trắng, hoa mận bung nở khắp cao nguyên.

Mỗi mùa hoa Tây Bắc lại để lại ấn tượng với du khách bởi vẻ đẹp yên bình khác nhau. Trong hành trình du xuân, khi dừng ở Sa Pa (Lào Cai), lạc vào thiên đường hoa Tây Bắc, đắm mình giữa mênh mông núi rừng, bạt ngàn hoa xuân sẽ cảm nhận rõ nhất phút giao hòa của trời đất. Nhưng đôi khi, chỉ cần thấy những bông thược dược đỏ rực bên bậu cửa trước hiên nhà; một vạt cải ở sân vườn vàng óng; một đám hồng ri ở hàng rào trước ngõ cũng có thể làm du khách rộn nhịp tim mà dừng chân ngắm.

THÚY HÀ, Ảnh: VŨ ANH DŨNG – Báo Điện tử Văn hóa

“Festival Văn hóa truyền thống Việt giao lưu quốc tế 2019” tại Hoàng thành Thăng Long

“Festival Văn hóa Truyền thống Việt – Giao lưu Quốc tế 2019” sẽ diễn ra trong 5 ngày từ 6/3 đến 10/3, tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội). Lễ hội được tổ chức nhằm bảo tồn và phát triển di sản văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh và khẳng định những tinh hoa văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.

Ngày đầu tiên (6/3), chương trình diễn ra lễ tái hiện nghi thức và rước Tứ Trấn linh thiêng về Hoàng thành Thăng Long làm đại lễ cầu quốc thái dân an, đất nước hưng thịnh, phát triển và lễ tri ân, báo công. Festival khai mạc với những tiết mục nghệ thuật độc đáo của Liên đoàn Võ thuật Việt Nam, UNESCO phối hợp với chương trình múa rối tác phẩm “Hồn quê” của đạo diễn, NSND Vương Duy Biên.

Trong 4 ngày còn lại là những tiêu đề tác phẩm mang câu chuyện hấp dẫn từ các đạo diễn gạo cội và các diễn viên, người mẫu, đạo cụ dân gian, trình diễn trang phục truyền thống của các nhà thiết kế đình đám về trang phục áo dài cổ trang, áo dài truyền thống của nhà thiết kế Sen.

Đây sẽ là một sự kiện văn hóa tổng hòa bao gồm thiết kế không gian vô cùng độc đáo, công phu với các cảnh tái hiện về làng xưa, chợ quê, nhà cổ. Đặc biệt, Ban tổ chức sẽ lồng ghép phối cảnh hoàng cung xưa để du khách có cơ hội tham quan triển lãm, chụp hình từ dân gian cổ truyền đến khung cảnh và trang phục Vua Chúa hoàng cung xưa, nhằm ghi dấu một cột mốc đáng nhớ của năm Kỷ Hợi.

Nguyễn Thanh – Báo Điện tử Dân sinh

Tết Nguyên đán – nét văn hóa của người Việt

Đối với người Việt, tết cổ truyền không chỉ thiêng liêng, mà còn là những ngày trọng đại nhất trong một năm. Dù thành thị hay nông thôn, miền núi hay miền xuôi, đất liền hay đảo xa, trong nước hay mưu sinh trên toàn thế giới, cứ Tết đến xuân về là mỗi người lại nhớ về quê hương nguồn cội. Tết cổ truyền đã trở thành một nét đẹp văn hóa, một lẽ sống bản ngã tự nhiên in sâu vào tâm thức người Việt.

Việt Nam – một đất nước yêu chuộng hòa bình có 54 dân tộc anh em sống trong một cộng đồng dân cư phân bố 63 tỉnh, thành trên mọi miền Tổ quốc. Mỗi tộc người đều có một nét văn hóa, lễ tết đặc trưng riêng, song tết nguyên đán diễn ra từ mùng một đến mùng ba tháng một âm lịch hằng năm là tết chung, và đây cũng là những ngày linh thiêng nhất của mỗi người Việt Nam. Dù khác nhau về thành phần dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo, giai tầng xã hội; song phong tục tảo mộ, tất niên, giao thừa, tân niên, mừng tuổi thì cơ bản giống nhau. Những phong tục ấy, như một bản ngã mang đậm sắc thái thuần Việt, đậm triết lý tôn giáo nhưng không nhuốm màu mê tín dị đoan. Ngược lại, những phong tục ấy thực sự là những nét đẹp truyền thống, răn dạy con người nhớ về nguồn cội, sống hiếu nghĩa với cha mẹ, thuận hòa với anh em người thân, có trách nhiệm với cộng đồng, tình làng nghĩa xóm.

Tet_Thanh_Minh_DsplTảo mộ. Đây là nét đẹp của người Việt, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ về những người đã khuất, hoặc là cha mẹ, hoặc là những người thân trong gia đình đã về với “thế giới vĩnh hằng”. Thực chất của việc tảo mộ là dọn dẹp phần mộ của người đã khuất cho sạch sẽ tươm tất, và mời họ về ăn tết cùng con cháu trong gia đình. Đối với các tỉnh miền Bắc, thời gian tảo mộ thường diễn ra vào ngày 23 tháng 12 âm lịch, tức trước tết nguyên đán bảy ngày. Đây là thời gian hợp lý nhất. Cũng có nơi việc tảo mộ được thực hiện vào dịp đầu năm, tức là tết thanh minh. Tuy nhiên, tảo mộ trước tết nguyên đán được người Việt thực hiện nhiều hơn, ý nghĩa hơn,  thể hiện sự trân trọng hơn đối với người đã khuất.

Tất niên: Đó là bữa cơm cuối cùng khép lại một năm cũ, là lễ cúng xúc động nhất của mỗi gia đình Việt. Sau một năm làm lụng vất vả, mưu sinh, những người con xa quê lại trở về quây quần quanh mâm cơm tất niên, kể cho nhau nghe chuyện đời, chuyện nghề, chuyện mưu sinh khó nhọc. Dù mâm cỗ cuối năm đầy đủ cao sang, hay nghèo khó, thì mỗi người vẫn đong đầy tình yêu thương. Mỗi địa phương nghi thức cúng khác nhau, nhưng dù người Bắc hay Nam, người miền Trung hay miền Tây sông nước, bữa cơm tất niên bao bao giờ cũng trân trọng, nghĩa tình. Bao giận hờn, oán trách được trút bỏ; bao mưu sinh nhọc nhằn gác lại vào dĩ vãng; chúc nhau bước sang một năm mới sức khỏe, làm ăn phát đạt, cuộc sống an lành, gặp nhiều may mắn.

Gói bánh chưng ngày Tết
Gói bánh chưng ngày Tết

Giao thừa: Là thời khắc thiêng liêng nhất giữa năm cũ và năm mới, là sự giao hòa của đất trời vạn vật, mà con người là chủ thể của sự xoay vần ấy. Mặc dù mỗi miền quê có văn hóa nghi lễ cúng giao thừa khác nhau, song đều có cái chung là sắm mâm cơm thịnh soạn, đặt lên bàn thờ tổ tiên cầu tài, cầu lộc, cầu an lành, sức khỏe. Công việc này thường người chủ gia đình, cũng có khi là người mẹ. Trước bàn thờ tổ tiên, con cháu quay quần bên nhau, hướng lên bàn thờ thành tâm khấn cúng. Dù người thiện, người lành, kẻ ác tâm; dù người nghèo khó hay người giàu có; dù người quyền cao chức trọng đến người lao động chân lấm tay bùn… đều có một tâm nguyện: cầu năm mới sức khỏe phát đạt an lành. Đó là nét văn hóa nhân bản nhất của người Việt mà trên thế giới hiếm đất nước nào có.

Tết Nguyên đán - nét văn hóa của người Việt - Ảnh 4
Con cháu chúc tuổi ông bà, cha mẹ –  đẹp truyền thống nhân sinh giữa các thế hệ.

hong-bao

Ngoài mâm cơm cúng tổ tiên, mỗi gia đình cũng sắm một mâm cơm chay  hoa quả, tiền vàng mã, muối, gạo cúng thần linh trời đất. Tại lễ cúng này, những người mắc lỗi lầm trong năm thường “sám hối” về quá khứ. Những người “có hạn” trong năm mới, được kêu cầu giải hạn. Tuy đây chỉ là nghi thức tâm linh, song nó giải quyết căn bản về tâm lý “sao, hạn” cho người sống, thậm chí cả người đã khuất.

Chúc Tết, Mừng tuổi: Là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt. Chẳng ai nhớ tục mừng tuổi chính thức có từ thời gian nào, song, trải qua thăng trầm của lịch sử, nó đã trở thành nét đẹp nhân sinh hướng thiện trong tâm thức mỗi người. Chúc tết và mừng tuổi không nhất thiết lễ nhiều vật trọng đắt tiền, mà chủ yếu mang tinh thần tượng trưng. Có thể là đồng tiền mới giá trị không cao, cũng có thể là bao chè, đồng bánh chưng, tấm áo mới. Con cái chúc tết mừng tuổi bố, mẹ ông bà thể hiện sự hiếu nghĩa, quí trọng, đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục, sống khỏe, sống lâu. Ông bà, bố mẹ chúc tết, mừng tuổi con cháu thể hiện sự yêu thương đùm bọc, mong học hành tiến bộ, ngoan ngoãn và trưởng thành. Người thân, hàng xóm chúc tết mừng tuổi nhau thể hiện mối quan hệ tôn trọng, thân cận, giao hòa trong cuộc sống. Chúc tết, mừng tuổi cũng là dịp để mỗi người thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, động viên nhau, gạt bỏ những tật hư, việc xấu, điều gở, bước sang một năm mới với tinh thần phấn chấn.

Mâm cỗ ngày Tết
Mâm cỗ ngày Tết

Tết Nguyên đán thực chất là Tết cổ truyền lâu đời của dân tộc ta. Nó không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống, thể hiện bản ngã cốt cách của người Việt trong cộng đồng dân cư mang tính lịch sử lâu đời, mà còn là thời điểm để mỗi người Việt “soi” lại chính mình với khát vọng hoàn thiện hơn khi xuân về tết đến.

Mặc dù đất nước đổi mới, những nghi lễ tập tục cũng được “uyển chuyển” để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, song phong tục tảo mộ, tất niên, giao thừa, chúc tết, mừng tuổi vẫn là nép đẹp trường tồn mãi mãi. Và nó là giá trị bất biến vĩnh hằng in đậm trong mỗi trái tim người dân Việt Nam, dù ở trong nước hay mưu sinh ở nước ngoài. Mỗi khi tết đến xuân về, người Việt lại có dịp lưu truyền, chiêm nghiệm và phát triển làm phong phú hơn. Dù thời đại có tiến bộ bao nhiêu, xã hội có đổi thay thế nào, thì tảo mộ, giao thừa, chúc tết, mừng tuổi vẫn là những nét đẹp văn hóa thuần khiết có tính lịch sử truyền tụng từ đời này qua đời khác, đồng thời, nó là niềm tự hào của người Việt Nam.  

Nguồn: Internet

Chiêm bái xá lợi Phật trong lòng Đại Tượng Phật cao nhất Việt Nam

VHO- Ngày 02.2, trong không khí đón một mùa xuân tràn đầy sức sống mới trên miền cao Tây Bắc, du khách và Phật tử bốn phương hoan hỉ chiêm bái xá lợi Phật linh thiêng được đặt trang trọng và tôn nghiêm trong lòng Đại tượng Phật A Di Đà, bức tượng Phật bằng đồng cao nhất Việt Nam nằm trong quần thể tâm linh kỳ vĩ trên đỉnh Fansipan. 

Ngày 02/2/2019, trong không khí đón một mùa xuân tràn đầy sức sống mới trên miền cao Tây Bắc, du khách và Phật tử bốn phương hoan hỉ chiêm bái xá lợi Phật linh thiêng được đặt trang trọng và tôn nghiêm trong lòng Đại tượng Phật A Di Đà, bức tượng Phật bằng đồng cao nhất Việt Nam nằm trong quần thể tâm linh kỳ vĩ trên đỉnh Fansipan.

Đây là Ngọc Xá lợi Phật được các cao tăng Myanmar trao tặng tổ đình Vĩnh Nghiêm, và được tổ Đình Vĩnh Nghiêm cúng dường Đại Tượng Phật tại Fansipan, nguyện cầu Quốc thái Dân an.

Chiêm bái xá lợi Phật trong lòng Đại Tượng Phật cao nhất Việt Nam - 1

Ngọc Xá lợi Phật được cất giữ trong tháp đồng nhỏ, đặt trang trọng trong tháp pha lê lưu ly 7 tầng, tỏa sáng lung linh giữa không gian trang nghiêm mà lộng lẫy trong lòng Đại Tượng Phật A Di Đà ở độ cao 3000m.

Chiêm bái xá lợi Phật trong lòng Đại Tượng Phật cao nhất Việt Nam - 2

Theo văn hóa Phật giáo, xá lợi Phật là “Phật bảo”, “Pháp bảo” của nhà Phật, giống như một nước có ấn, kiếm của vua là “quốc bảo” của một triều đại vậy. Chính vì vậy, Phật bảo luôn được giữ gìn tôn nghiêm với tấm lòng thành kính nhất.

Chiêm bái xá lợi Phật trong lòng Đại Tượng Phật cao nhất Việt Nam - 3

Ngự tại nơi mạch nguồn linh khí quốc gia, giữa đỉnh thiêng Fansipan hùng vĩ, xá lợi Phật tại Fansipan càng khiến điểm đến tâm linh Fansipan thêm phần linh thiêng ý nghĩa.   

Chiêm bái xá lợi Phật trong lòng Đại Tượng Phật cao nhất Việt Nam - 4

Trong ngày cung rước xá lợi Phật lên đỉnh thiêng Fansipan, sau phần lễ, các sư thầy và nhiều Phật tử cùng du khách bốn phương đã hoan hỉ thành tâm chiêm bái, chắp tay nguyện cầu bình an cho gia đình, cho đất nước trước xá lợi Phật linh thiêng…

Chiêm bái xá lợi Phật trong lòng Đại Tượng Phật cao nhất Việt Nam - 5

… và tham quan, chiêm bái các công trình kỳ vĩ trong quần thể văn hóa tâm linh trên đỉnh Fansipan, thuộc khu du lịch Sun World Fansipan Legend.

Chiêm bái xá lợi Phật trong lòng Đại Tượng Phật cao nhất Việt Nam - 6

Trải dài từ độ cao hơn 1600m tới chóp tháp 3143m huyền thoại được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương”, quần thể bao gồm các công trình kiến trúc tâm linh được chia thành từng cụm, mang nét kiến trúc đặc trưng của những nếp chùa Việt, nép vào núi, lẫn vào mây, tạo nên một tuyệt tác tâm linh giữa chốn địa đầu tổ quốc. 

Chiêm bái xá lợi Phật trong lòng Đại Tượng Phật cao nhất Việt Nam - 7

Đây là điểm đến tâm linh được du khách và Phật tử bốn phương tìm đến hàng năm, nhất là vào mùa xuân, bởi sự linh thiêng nơi mạch nguồn linh khí và các lễ hội, hoạt động tâm linh và văn hóa Tây Bắc quy mô, đặc sắc được tổ chức đầu tháng Giêng hàng năm như Hội xuân Mở cổng trời, Lễ hội khèn hoa,…

Chiêm bái xá lợi Phật trong lòng Đại Tượng Phật cao nhất Việt Nam - 8

Quần thể văn hóa tâm linh tại Sun World Fansipan Legend hội tụ nhiều công trình Phật giáo tiêu biểu như Vọng lĩnh Cao đài, Bảo An Thiền Tự, Bích Vân Thiền Tự, Kim Sơn Bảo Thắng Tự, Đường La Hán, tượng Quan Thế Âm Bồ Tát… 

Chiêm bái xá lợi Phật trong lòng Đại Tượng Phật cao nhất Việt Nam - 9

Đặc biệt nhất trong quần thể là Đại tượng Phật A Di Đà cao 21,5 mét, được đúc bằng đồng theo phương pháp chưa từng được thực hiện tại Việt Nam trước đó, bằng cách ốp những miếng đồng nhỏ dày 5mm lên một kết cấu khung sắt có thể tích gần 1000m3. 

Trong lòng Đại tượng Phật, nơi đặt Ngọc Xá lị Phật được ốp đá hoa cương nhập khẩu từ châu Âu. Đây có lẽ cũng là nơi đặt xá lợi Phật cao nhất và đặc biệt nhất Việt Nam. 

Chiêm bái xá lợi Phật trong lòng Đại Tượng Phật cao nhất Việt Nam - 10

Đầu xuân năm mới, hành hương lên đỉnh thiêng của dân tộc, dạo bước an nhiên giữa những công trình tâm linh sừng sững trong mây vờn, thành tâm chiêm bái xá lợi Phật, cúi đầu cầu nguyện trước đức Phật thiêng liêng, không có hành trình tâm linh nào ý nghĩa hơn thế.

 Từ ngày 7.2 (tức mùng 3 Tết Kỷ Hợi), khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội khèn hoa và Hội xuân mở cổng trời Fansipan đón khách về miền linh thiêng Fansipan du xuân, bái Phật, chiêm bái xá lợi Phật và cầu an, may mắn đầu năm. 

Lễ hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với nhiều hoạt động đặc sắc như giã bánh dày, làm bánh cốm, thi múa khèn, rộn ràng với các trò chơi truyền thống như đua heo, bịt mắt bắt lợn, đi cà kheo… giữa không gian tràn đầy sự sống của 50.000 cây tulip, 4000 cây cúc lá nho, hàng nghìn cây thu hải đường, cúc mâm xôi, xác pháo…xen lẫn giữa đào, mận bung nở khắp nơi.

Phật tử và du khách thập phương sẽ hội tụ về Bảo An Thiền Tự, Bích Vân Thiền Tự, Kim Sơn Bảo Thắng Tự… để tụng kinh niệm Phật cầu an, hoan hỉ nhận giấy đỏ may mắn, quà tặng tâm linh, tham dự chương trình biểu diễn tâm linh và khởi đầu mùa Hội xuân Mở Cổng trời ý nghĩa, linh thiêng.

Trong dịp này, từ 07.2 – 19.2, Sun World Fansipan Legend áp dụng ưu đãi giảm giá vé cáp treo chỉ còn 200.000 đồng/người cho bà con dân tộc thiểu số tại Lào Cai.

P.V

Năm thăng hoa của Bóng đá Việt Nam

VHO- Tròn 10 năm sau chức vô địch AFF Cup, bóng đá Việt Nam tiếp tục xác lập vị thế thống trị ở ngôi đầu khu vực. Nhưng chưa hết, đội tuyển (ĐT) của HLV Park Hang Seo lại làm nức lòng cổ động viên (CĐV) nước nhà khi chỉ dừng bước ở tứ kết sân chơi hàng đầu châu Á. Bóng đá Việt Nam thực sự đã vươn tầm sau nhiều năm được đầu tư bài bản cùng với vịHLV có tầm.

 Thành công nối tiếp thành công

Lật lại lịch sử trước khi có mặt HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam đã trải qua cơn khủng hoảng tưởng chừng không có hồi kết. Chấm dứt triều đại các HLV nội, bóng đá Việt lại bước trên con đường tìm những HLV ngoại quốc với mong mỏi hồi sinh. Việc ông Park đến với dải đất hình chữ S như một sự tình cờ và không ai có thể ngờ, vị HLV bị cho là “Mr ngủ gật” khi dẫn dắt các ĐT tập luyện những ngày đầu đã thay đổi toàn diện bộ mặt nền bóng đá.

HLV Park Hang Seo chứng tỏ ông không hết thời như những gì người Hàn Quốc đã đối xử với ông từ sau World Cup 2002. Ông Park đã khiến người Hàn Quốc giờ đây phải coi ông như một “đại sứ thiện chí” để quan hệ hai nước Việt – Hàn trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết. Đến với Việt Nam, ông Park đã thay đổi toàn diện nền bóng đá từ chỗ tự ti không ý thức được tiềm năng của mình trở thành một chú “ngựa ô” mạnh mẽ ở mọi giải đấu.

Ông Park làm CĐV nước nhà rạo rực khó tin với ngôi Á quân U23 châu Á lịch sử. Thành tích mà U23 Việt Nam tạo được năm 2018 như một mốc son chói lọi, đưa bóng đá nước nhà vươn vai lên tầm châu lục. Bằng chứng là ở Asiad 18 diễn ra sau đó, đội bóng của HLV Park Hang Seo làm bất ngờ tất cả với vị trí thứ 4 châu Á. Đến AFF Cup, thầy trò ông Park lại cho thấy sức mạnh thuyết phục của họ để xoa tan những hoài nghi với tấm HCV lần thứ 2 cho bóng đá nước nhà. Và thành công tiếp tục đến cùng ĐT Việt Nam ở Asian Cup 2019, giải đấu mà tưởng chừng Việt Nam chỉ là kẻ lót đường cho những ông lớn châu lục. Tất cả đối thủ đã được thầy trò Park Hang Seo giải mã bằng lối chơi hợp lý, toan tính, khôn ngoan. Bóng đá Việt Nam hiện tại hiên ngang nằm trong TOP 8 đội hàng đầu châu Á, một điều mà những CĐV lạc quan không dám nghĩ đến cách đây chỉ hơn một năm.

Hàng vạn cổ động viên cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam

Mục tiêu vàng SEA Games 2019

Diện mạo nền bóng đá thay đổi toàn tập khi đặt trong tay một HLV phù hợp. Bóng đá Việt Nam cho thấy tiềm năng phát triển to lớn, không đơn thuần chỉ lai vãng trong ao làng khu vực. ĐT Việt Nam hiện tại có sức trẻ để khát khao, có đầy đủ sự tự tin do liên tục được cọ xát quốc tế, được đào tạo bài bản để không sợ bất cứ đối thủ nào bắt nạt và một HLV biết mình, biết ta, biết phát huy ý chí, lòng tự hào dân tộc của các cầu thủ.

Những hoài nghi về năng lực nền bóng đá được HLV Park Hang Seo thay đổi một cách mạnh mẽ và ông Park đang xây dựng một nền móng vững chắc cho các ĐTQG. Ở Asian Cup 2019, Việt Nam là đội bóng có tuổi trung bình thấp nhất giải và trong tương lai, ĐT ấy có thừa khả năng để chinh phục thêm những danh hiệu lớn cho bóng đá nước nhà.

Năm 2019, bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu lớn cho SEA Games tại Philippines. Sau đúng 60 năm chờ đợi, mục tiêu giành Vàng SEA Games mà thầy Park hướng tới để làm đẹp lòng hàng triệu CĐV nước nhà là có cơ sở. Tiếp đó là vòng loại U23 châu Á mà Việt Nam có lợi thế trên sân nhà. Nếu tiếp tục phát huy những gì đã làm được ở sân chơi này như năm 2018, vé dự một kỳ Olympic Tokyo 2020 lịch sử sẽ đến với Việt Nam.

Tuy nhiên, cái đích lớn nhất chính là World Cup khi sắp tới, có thể FIFA sẽ nâng số đội tham dự giải đấu lớn nhất hành tinh từ 32 lên 48. Với màn trình diễn thăng hoa của ĐT dưới thời ông Park, tất cả các đối thủ trong châu lục đều đã phải nhìn Việt Nam với cặp mắt e dè. Và không có lý do gì để Quang Hải cùng các đồng đội không nhắm tới ước mơ đó.

2018 với bóng đá Việt Nam có quá nhiều kỷ niệm đẹp và đẳng cấp nền bóng đá ngay lập tức được xác định ở tháng 1.2019 khi ĐT thi đấu ở UAE. Những gì thầy trò HLV Park Hang Seo đã trải qua khiến CĐV nước nhà không ngừng hy vọng và tất cả tin tưởng rằng giới hạn của bóng đá nước nhà vẫn là dấu hỏi lớn. Trong niềm vui chung những ngày Xuân mới về, cùng hy vọng những tín hiệu khởi sắc trước đó sẽ là nền tảng cho những thành công vang dội hơn. Bóng đá cho thấy sự kỳ diệu khi kéo người dân xuống đường chung vui, kết nối dân tộc. Và cũng ở môn thể thao này, trong thời đại số này, người ta cảm thấy yêu mến dân tộc, tự hào đất nước mình hơn. 

VÂN LINH; ảnh: TRẦN HUẤN (Báo Điện tử Văn hóa)