Lễ phục cho nam giới: Vẫn nhiều ý kiến trái chiều

VH – Đó là một trong những nội dung được Bộ VHTTDL đề cập tại các văn bản trả lời kiến nghị cử tri của một số địa phương, liên quan đến nhiều lĩnh vực được dư luận quan tâm.

Đề nghị sớm ban hành quy định về lễ phục của dân tộc, cử tri TP Hồ Chí Minh đề nghị chọn “áo dài, khăn đóng” là quốc phục với lý do đây là trang phục phù hợp với người Việt Nam cũng như tập quán, phong tục của dân tộc. Đặc biệt, theo ý kiến của cử tri, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước nên mặc áo dài khăn đóng trong các buổi lễ quan trọng hay khi tiếp các đoàn khách quốc tế, bởi nó thể hiện đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam.

Kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An cũng cho rằng cần sớm lựa chọn quốc phục, qua đó khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc của quốc gia. Tiếp tục cập nhật các nội dung thông tin liên quan đến vấn đề lựa chọn quốc phục, Bộ VHTTDL cho biết, Bộ đã chỉ đạo, tổ chức lựa chọn thiết kế quốc phục, lễ phục. Sau nhiều lần tổ chức lựa chọn, hội thảo lấy ý kiến nhân dân, đa số đồng thuận chọn áo dài là nữ quốc phục, lễ phục cho nữ giới. Tuy nhiên, đối với bộ quần áo làm quốc phục, lễ phục của nam giới thì còn rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái chiều.

Cũng theo Bộ VHTTDL, do pháp luật chưa quy định thẩm quyền phê duyệt quốc phục, lễ phục Việt Nam nên chưa có căn cứ để tiếp tục thực hiện.

Bộ VHTTDL cũng đã tiếp tục cập nhật, trả lời các thông tin liên quan đến kiến nghị của cử tri tỉnh Tiền Giang cho rằng đạo đức xã hội đang xuống cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là kênh truyền hình, các ca sĩ, diễn viên vẫn còn sử dụng các trang phục biểu diễn phản cảm; nội dung các bộ phim Việt Nam có nhiều cảnh nhạy cảm… không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam và “cử tri đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp với Bộ TT&TT tiếp tục tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và khắc phục tình trạng này để bảo tồn bản sắc dân tộc, tránh các ảnh hưởng tiêu cực từ việc hội nhập quốc tế”.

Việc quản lý đối với các chương trình nghệ thuật biểu diễn trên truyền hình hiện nay có sự phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Bộ TT&TT. Đối với các chương trình ghi hình, phát sóng, vừa qua Bộ TT&TT đã có nhiều biện pháp chấn chỉnh các Đài Truyền hình về mặt nội dung trong hoạt động này. Bộ VHTTDL được Chính phủ giao quản lý đối với các chương trình nghệ thuật biểu diễn trực tiếp trước khán giả, trong đó có các chương trình do các cơ quan phát thanh, truyền hình tổ chức.

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo thanh tra chuyên ngành văn hóa tổ chức kiểm tra, thanh tra hoạt động nghệ thuật biểu diễn, kịp thời chấn chỉnh những bất cập và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Vào tháng 2.2018, Bộ VHTTDL cũng đã có công văn gửi Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành đề nghị tăng cường công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu. Bộ cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, dự kiến trình Chính phủ năm 2019.

Trong lĩnh vực điện ảnh, Bộ đã chỉ đạo đơn vị liên quan thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra việc nhập khẩu, phổ biến, lưu chiểu, lưu trữ phim theo quy định; hướng dẫn, kiểm tra việc phổ biến phim trên hệ thống rạp, chiếu phim lưu động và kịp thời có ý kiến đối với tác phẩm điện ảnh phát trên truyền hình nhưng không tuân thủ quy định của Luật Điện ảnh; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động điện ảnh; kiểm tra, phối hợp thanh tra việc thực hiện pháp luật về hoạt động điện ảnh; kiến nghị xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật; thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện, xử lý pháp luật về phổ biến phim.

Bộ VHTTDL cũng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20.3.2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP của Chính phủ xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Theo đó, một số hành vi như tổ chức các chương trình có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn, trình diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống Việt Nam sẽ bị xử phạt tiền ở mức cao hơn và đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 3 đến 6 tháng. Việc bổ sung các chế tài xử lý vi phạm này là biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước và ngăn chặn, phòng ngừa và hạn chế hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

 MAI HÀ

Nghệ thuật sân khấu: Bao giờ thống nhất về tiêu chí hoạt động?

VH – Hiện nay, ở nước ta có 32 nhà hát nghệ thuật sân khấu công lập gồm các thể loại tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, kịch dân ca, múa rối; trong đó, có 6 nhà hát cấp trung ương, 24 nhà hát cấp địa phương và 2 nhà hát trực thuộc Tổng cục Chính trị. Mặc dù có nhiều nhà hát như vậy, nhưng lại thiếu thống nhất về tiêu chí hoạt động.

Trước đây, Nhà nước đã từng ban hành điều lệ tổ chức nhà hát, đó là: xây dựng, biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật; đào tạo nguồn nhân lực, giúp đỡ phong trào văn nghệ quần chúng; quảng bá, giới thiệu và giao lưu với nước ngoài…

Tuy nhiên, trên thực tế, không một nhà hát sân khấu nào ở nước ta đáp ứng đầy đủ yêu cầu trên và có sự thiếu thống nhất.

Trong số 32 nhà hát thì 1 nhà hát có 4 đoàn biểu diễn, 8 nhà hát có 3 đoàn/đội biểu diễn, 21 nhà hát có 2 đoàn biểu diễn và 2 nhà hát có 1 đoàn biểu diễn. Đối với các nhà hát chuyên biểu diễn một loại hình/loại thể, từng đoàn biểu diễn vẫn chưa có định hướng phân chia nhiệm vụ riêng biệt để cùng thực hiện chức năng, nhiệm vụ và làm nên phong cách của đơn vị. Thậm chí, có đơn vị được nâng cấp lên thành nhà hát với cơ cấu 2 đoàn biểu diễn, nhưng thực tế ngân sách chỉ cấp duy trì một đoàn biểu diễn (như NH Chèo Hải Dương). Hơn nữa, ở địa phương, không ít nhà hát được thành lập trên cơ sở hợp nhất các đoàn/đội thuộc nhiều loại hình, loại thể khác nhau như: chèo và ca múa nhạc dân gian (Nhà hát Chèo Bắc Giang); chèo, ca múa nhạc dân gian và múa rối (Nhà hát Chèo Ninh Bình); tuồng và kịch dân ca (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa); kịch dân ca và ca múa nhạc (Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế); múa cung đình, nhạc cung đình và tuồng cung đình (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế); tuồng, chèo và cải lương (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa); ca, múa và kịch nói (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn); cải lương, múa rối, ca múa nhạc (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai)… hoặc chuyển chức năng, nhiệm vụ từ biểu diễn cải lương sang biểu diễn chèo (Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc). Ngay Phòng Nghệ thuật, bộ phận quan trọng tác động trực tiếp đến chất lượng nghệ thuật của các nhà hát lại hoạt động ít hiệu quả và không đủ nhân sự để gánh vác nhiệm vụ.

Trong công tác chuyên môn, nhiều nhà hát ở các địa phương có 2 đoàn biểu diễn nhưng hằng năm chỉ được cấp ngân sách dựng vở mới cho 1 đoàn. Có nhà hát không có kinh phí bảo tồn, phục hồi các vở diễn truyền thống (như NH Chèo Hải Dương). Không ít nhà hát không còn chỉ chuyên biểu diễn một loại hình/loại thể nghệ thuật như đúng chức năng, nhiệm vụ, mà tổng hợp nhiều loại hình/loại thể khác nhau. Việc đào tạo nguồn nhân lực trước đây do các nhà hát phụ trách, thì nay chuyển hoàn toàn về các trường, do các nhà hát không có thẩm quyền cấp bằng. Kết quả các học sinh không được bám sàn diễn, đào tạo “cầm tay chỉ ngón” theo phong cách của nhà hát, dẫn đến các nhà hát phải tiến hành đào tạo lại và hàng năm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho diễn viên. Song kinh phí đào tạo không phải nhà hát nào cũng được cấp. Nhiều nhà hát phải vất vả xoay sở kinh phí để thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực trẻ.

Về cơ sở vật chất, nhiều đơn vị “mang tiếng” là nhà hát, nhưng lại không có rạp biểu diễn. Một số nhà hát có rạp biểu diễn nhưng khai thác chưa hiệu quả hoặc được nâng cấp không phù hợp với đặc thù của sân khấu (như rạp biểu diễn của Nhà hát Tuồng Đào Tấn đã cũ, nhỏ hẹp, không có hệ thống làm mát, khiến rạp nóng bức, chật chội khi huy động đông diễn viên và ảnh hưởng đến tâm lý biểu diễn của các nghệ sĩ; rạp biểu diễn của Nhà hát Chèo Thái Bình không được nâng cấp sàn diễn, dẫn đến tình trạng không kéo được phông màn sân khấu)…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu thống nhất nói trên. Trước hết, do các nhà hát thiếu nhân lực vững chuyên môn để thực hiện, nhất là khi đội ngũ những người làm nghề ở tất cả các phương diện am hiểu sâu loại hình/ loại thể đang ngày càng khan hiếm. Kinh phí nhà nước còn khó khăn, hạn hẹp nên dẫn đến đầu tư còn nhỏ giọt, chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương xã hội hóa, giảm gánh nặng ngân sách, không ít địa phương chọn giải pháp sáp nhập các đoàn để rút gọn số lượng đơn vị, nhồi nhét các loại hình/loại thể nghệ thuật vào chung một “rọ” mà ít có sự đầu tư thích đáng cho nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật sân khấu truyền thống… khiến nhà hát bị biến thành trung tâm biểu diễn “tổng hợp”, mất tính chuyên nghiệp, mai một đi phong cách và đặc trưng nghệ thuật của từng địa phương. Ngoài ra, trong cơ chế tự chủ, lấy thu bù chi, áp lực phải có doanh thu trong hoàn cảnh sân khấu bị cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình giải trí khác; thiếu vắng khán giả và nguồn nhân lực; cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn; đồng lương thấp… khiến các nhà hát phải vất vả xoay xở mọi cách để có được nguồn thu, do đó khó có thể giữ được phong cách, định hướng nghệ thuật. Đối với các nhà hát, sự sinh tồn để đảm bảo đời sống của anh em nghệ sĩ và hoàn thành nhiệm vụ còn quan trọng và cần thiết hơn việc xây dựng, giữ gìn phong cách, định hướng nghệ thuật hay bất kì tiêu chí nào khác.

TRẦN THỊ MINH THU

Quảng bá văn hóa qua Nàng thơ xứ Huế

VH- Ê kíp thực hiện sêri chương trình Nàng thơ xứ Huế vừa tổ chức buổi ra mắt và trình chiếu những tập đầu tiên tại rạp BHD Star.

Chương trình gồm 20 tập phim theo thể loại lifestyle, trong đó một nửa được quay ở Huế (với thời lượng từ 8-10 phút/tập) đã khai thác vẻ đẹp của các danh thắng địa phương như chùa chiền, nhà vườn An Hiên, làng cổ Phước Tích… Nhân vật chính của chương trình là Hoa khôi du lịch Huế năm 2015 Lê Trần Ngọc Trân. Cô gái Huế này đã chuyển tải đến người xem những nét đặc sắc về văn hóa của vùng đất kinh kỳ qua những tiếp biến trong cuộc sống. Đó là không gian khu nhà vườn quanh năm cây trái, là hình ảnh con sông, bến đò… và gắn liền với nếp sinh hoạt của nhân vật như cách chế biến các món ăn Huế, đạp xe dọc con đường đầy bóng cây xanh, lên chùa lễ Phật… Từng hoạt động của Nàng đã thể hiện được phong cách sống của con người xứ Huế.

Chương trình Nàng thơ xứ Huế là dự án hợp tác văn hóa Việt Nam – Hàn Quốc do Công ty Namcito Creative (Việt Nam) phối hợp sản xuất cùng Công ty Furmo DT (Hàn Quốc), nhằm giới thiệu và quảng bá những nét đẹp của văn hóa, ẩm thực, du lịch và phong cách sống của con người kinh đô Huế đến xứ sở Kim chi và ngược lại. Song song với việc trình chiếu tại Huế, chương trình cũng được công chiếu tại Seoul (Hàn Quốc).

Tin, ảnh: THÙY AN

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện:​ Quà tháng 5 dâng Người đang định hình “thương hiệu”

VH- Cơn mưa giông kéo dài vào tối 18.5 đã không ngăn bước chân của hàng trăm khán giả đến với Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) để thưởng thức những ca khúc sâu lắng, đong đầy xúc cảm trong chương trình nghệ thuật Quà tháng 5 dâng Người.

Một khán phòng đủ kín, với sự hiện diện của hàng trăm khán giả ở mọi lứa tuổi đã nhanh chóng khỏa lấp tâm trạng lo lắng, hồi hộp của BTC ngay trước khi chương trình chính thức diễn ra.

Quyết định lùi giờ biểu diễn thêm 10 phút để chờ những khán giả đang trên đường đội mưa đến Nhà hát, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Chu Thu Hằng chia sẻ, những cuộc điện thoại vừa gọi đến nói rằng sẽ đến muộn vì cơn mưa quá lớn khiến BTC thực sự cảm động. Sát giờ biểu diễn, tiền sảnh Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ ngày càng đông hơn với sự xuất hiện của những khán giả nhiệt thành. Ông Phạm Văn Hưng cùng vợ đến Nhà hát với đôi vé ướt mưa trên tay, cười bảo: “Đi chứ. Mưa lớn cũng không bằng cơ hội được nghe hát về Bác Hồ. Với thế hệ chúng tôi, những điều này thiêng liêng lắm”.

Thế hệ của ông là thế hệ mà danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được giữ gìn ở một vị trí thiêng liêng nhất.

Cũng mang tâm trạng chờ đón đêm nhạc đã thôi thúc ông Trần Thế Vọng không ngại chặng đường từ Cầu Diễn đến Nhà hát Âu Cơ, khi cơn mưa vẫn đang xối xả. Ông đi xem chương trình cùng một người bạn với đôi vé do người quen công tác ở Bộ VHTTDL tặng. “Các ca khúc trong chương trình đều là những bài hát quen thuộc nhưng mỗi lần được nghe lại thì không chỉ riêng tôi mà với mỗi người Việt Nam, dù ở thế hệ nào thì cũng không khỏi trào dâng những xúc cảm thiêng liêng. Vì thế, cho dù trời mưa to, chúng tôi vẫn quyết tâm đến Nhà hát để một lần nữa được nghe những giọng ca đi cùng năm tháng hát lại các ca khúc về Người…”, ông Trần Thế Vọng tâm sự.

Gọi điện tới Báo Văn Hóa khi chỉ còn vài giờ đồng hồ là chương trình bắt đầu, một nữ khán giả ở Đông Anh (Hà Nội) xúc động nhận đôi vé từ phóng viên Báo Văn Hóa gửi tặng. Dù nhà ở cách xa Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ mười mấy cây số nhưng hai mẹ con khán giả này đã có mặt tại khán phòng gần như sớm nhất. “Cảm ơn Báo Văn Hóa, cảm ơn những giọng ca đi cùng năm tháng đã mang đến cho chúng tôi những xúc cảm tuyệt vời trong một tháng 5 nhiều ý nghĩa, nữ khán giả chia sẻ cảm xúc.

Sự hiện diện của khán giả đủ mọi lứa tuổi trong khán phòng vì thế cũng đã trở thành niềm hạnh phúc lớn lao đối với các nghệ sĩ tham gia biểu diễn. NSƯT Phương Thảo, giọng ca Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác tiết lộ, điện thoại và facebook cá nhân của Thảo mấy ngày qua liên tục báo tin nhắn của khán giả hỏi chương trình nghệ thuật về Bác Hồ. “Điều đó khiến cho các nghệ sĩ vô cùng xúc động, là động lực thôi thúc chúng tôi chăm chút tỉ mỉ cho tiết mục của mình”, NSƯT Phương Thảo chia sẻ.

Quà tháng 5 dâng Người mở màn với tiết mục hát múa Hào khí Đại Việt do ca sĩ Vương Long, nhóm Thăng Long và tập thể nghệ sĩ trình diễn. Bố cục gọn gàng với những bản nhạc tha thiết, những giai điệu mượt mà cùng các giọng ca đẹp: NSND Thái Bảo, NSƯT Quốc Hưng, NSƯT Ngọc Khang, NSƯT Phương Thảo, NSƯT Lan Anh, NSƯT Ploong Thiết và các ca sĩ Minh Đức, Hồng Nhung, nhóm Pha Lê, nhóm Thăng Long, ca sĩ người Mỹ Lilianna Pedroni… đã đưa người nghe lần lượt đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ sự thành kính, tự hào đến nỗi nhớ thương da diết.

Ca ngợi Hồ Chủ tịch, Người Hà Nội, Dấu chân phía trước, Tình đất đỏ miền Đông, Đôi dép Bác Hồ, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Mùa thu nhớ tiếng Bác, Bác Hồ một tình yêu bao la, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Bác Hồ sống mãi cùng Tây Nguyên, Lời ca dâng Bác, Giai điệu Tổ quốc, Người là Hồ Chí Minh, liên khúc kết Việt Nam ngàn năm gấm hoa… là dàn nhạc mục được xây dựng với kết cấu chặt chẽ, mang đến cho chương trình một diện mạo tổng thể nhuần nhuyễn, với nhiều sắc màu xúc cảm.

Vị khách đặc biệt của chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã có mặt rất sớm tại Nhà hát Âu Cơ và ở lại đến khi những nghệ sĩ cuối cùng rời sân khấu. Chúc mừng Báo Văn Hóa và BTC chương trình đã tổ chức thành công một đêm nghệ thuật ý nghĩa, mang nhiều cảm xúc, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Quà tháng 5 dâng Người sau nhiều lần tổ chức đang dần định hình “thương hiệu” và trở thành một chương trình có tên gọi sống trong lòng công chúng.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho rằng, lựa chọn xây dựng thành thương hiệu định kỳ một chương trình nghệ thuật về Bác Hồ là một hướng đi mà Báo Văn Hóa nên làm, và làm bằng được. “Thị trường âm nhạc dù luôn sôi nổi và có nhiều lựa chọn nhưng những chương trình nghệ thuật về đề tài Bác Hồ và tấm gương đạo đức của Người luôn luôn có sức thu hút mãnh liệt đối với công chúng yêu âm nhạc…”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Đầu tư nâng cao hơn nữa nhằm chất lượng nghệ thuật, tạo các điểm nhấn cũng như tăng cường tuyên truyền, quảng bá, kết nối hơi thở nghệ thuật trong từng ca khúc với thông điệp Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… là lưu ý mà Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện dành cho Báo Văn Hóa và BTC chương trình. Bộ trưởng cũng cho rằng, sẽ là niềm hạnh phúc khó có thể đong đếm nếu như mỗi dịp tháng 5 về, BáoVăn Hóa lại có những khán giả luôn chờ đón đêm nhạc Quà tháng 5 dâng Người.

Cảm ơn những chia sẻ, động viên của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng Biên tập Chu Thu Hằng thay mặt những người làm báo ở Báo Văn Hóa bày tỏ, Quà tháng 5 dâng Người luôn được mong mỏi sẽ thực sự trở thành món quà ý nghĩa dâng tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Người. Bằng ngôn ngữ tuyệt vời là âm nhạc, Báo Văn Hóa cùng tập thể nghệ sĩ luôn khao khát quà tặng ý nghĩa này sẽ được khán giả đón nhận với những tình cảm chân thành.

  Trong đêm nhạc ý nghĩa Quà tháng 5 dâng Người, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Phó Trưởng ban Đối ngoại TƯ Đảng Nguyễn Tuấn Phong đã chia sẻ niềm vui và chúc mừng các nghệ sĩ đã mang đến một chương trình nghệ thuật thành công, giàu xúc cảm.

 Quà tháng 5 dâng Người 2018 có sự đồng hành của các nhà tài trợ: Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGAS), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank).

TÂM ANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Áo dài Việt Nam tạo ấn tượng mạnh ở Cannes 2018

VH- Sự xuất hiện của tà áo dài Việt Nam trên thảm đỏ LHP Cannes 2018 đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè quốc tế.

Xuất hiện với tà áo dài truyền thống thêu hoa sen nổi 3D, một thiết kế đẹp nền nã và không kém phần quý phái của NTK Đinh Văn Thơ, sự tham gia của Lý Nhã Kỳ tại LHP Cannes 2018 tiếp tục khiến dư luận chú ý bởi thông điệp về văn hóa truyền thống Việt Nam được đưa đến bạn bè quốc tế với vẻ đẹp áo dài.

Lý Nhã Kỳ cho biết, cô vô cùng bất ngờ trước những câu hỏi của bạn bè quốc tế về áo dài Việt: “Bạn bè trên thảm đỏ không ngừng trầm trồ vì vẻ đẹp của chiếc áo dài Việt Nam. Mong rằng thông qua những sự kiện như thế này, áo dài Việt Nam tiếp tục được bạn bè quốc tế nhớ đến như một trong những biểu tượng văn hóa truyền thống của đất nước và con người Việt Nam”.

Lý Nhã Kỳ cũng tâm sự: “Tham dự những kỳ LHP, trực tiếp làm việc với những diễn viên, đạo diễn hàng đầu đã giúp tôi có nhiều thêm kinh nghiệm trong hoạt động điện ảnh. Bên cạnh đó, những nhân vật tham gia LHP Cannes thường trao đổi lẫn nhau về văn hóa, du lịch của đất nước mình. Khi tôi trò chuyện với diễn viên, người mẫu kiêm ca sĩ Naomi Campbell, cô ấy nói rằng áo dài Việt rất đẹp và sẽ đến khám phá Việt Nam trong tương lai gần”.

Trở lại với điện ảnh, Lý Nhã Kỳ khẳng định dù bộ phim Angel Face có đoạt giải hay không thì đây cũng là bộ phim đánh dấu lần đầu tiên cô tham gia Cannes với vai trò đồng đầu tư và sản xuất phim. Hiện Angel Face đang nhận được rất nhiều ý kiến, trong đó có nhiều nhận xét tích cực, đặc biệt bộ phim được sự quan tâm lớn của phái nữ.

Sêri phim “Mẹ Việt – Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” ra mắt

VH-  Sau hơn một năm chuẩn bị, điền dã khảo cứu, tối 12.5 tại Nhà hát Chèo Việt Nam, sêri phim Mẹ Việt – Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã chính thức ra mắt. Tập đầu tiên trong sêri phim nhiều trông đợi này cũng đã được chiếu tại buổi ra mắt.

Mẹ Việt – Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt với nhiều góc nhìn và góc độ tiếp cận sẽ mang đến cho công chúng cái nhìn toàn cảnh, đặc biệt về những chuẩn mực trong tín ngưỡng, cách thực hành tín ngưỡng, những nét đẹp, đặc trưng của Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Từng tập phim cũng được kỳ vọng sẽ góp phần cung cấp cho cộng đồng cái nhìn đúng đắn nhằm giải quyết, khắc phục các hoạt động biến tướng trong thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu thời gian qua.

Mẹ Việt – Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt được chia thành các chủ đề: Quá trình hình thành tín ngưỡng; Vai trò của Tứ phủ trong Tín ngưỡng thờ Mẫu; Tín ngưỡng thờ Mẫu xưa và nay… Theo bà Đàm Lan, Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa Nhật Nguyệt, đơn vị sản xuất sêri phim, bộ phim mong muốn mang đến những hiểu biết cơ bản và thống nhất cho công chúng về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, đồng thời cố gắng giữ nguyên tính chất vùng miền. Cố vấn chương trình gồm nhiều chuyên gia về di sản, các nhà nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu. Bên cạnh đó, êkip thực hiện còn có sự trợ giúp của các thủ nhang, đồng đền tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu trong cả nước.

“Cha cõng con” có suất chiếu đặc biệt làm từ thiện

VH-  Bộ phim Việt về đề tài phụ tử Cha cõng con của đạo diễn Lương Đình Dũng đã từng chiếm trọn tình cảm của khán giả trong suốt thời gian phát hành tại các cụm rạp trên toàn quốc cũng như liên tiếp chinh phục hàng loạt giải thưởng danh giá tại các LHP Quốc tế: LHP Quốc tế Arizona, LHP Quốc tế Houston, LHP Quốc tế Boston, LHP Quốc tế Tallin Black Nights (Top 15 LHP lớn nhất thế giới), trở thành đại diện của Việt Nam tham gia Oscar, LHP danh giá bậc nhất toàn cầu. Mới đây nhất là chiến thắng của bộ phim tại hạng mục Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Iran.

Như một lời cảm ơn gửi tới sự cổ vũ, động viên của khán giả sau một năm, thông tin từ nhà sản xuất cho biết, bộ phim Cha cõng con sẽ có suất chiếu đặc biệt vào ngày 27.5.2018 (từ 14h30-16h00) tại Rạp Tháng 8 (số 45 Hàng Bài, Hà Nội). Số tiền bán vé từ buổi chiếu sẽ được trích làm từ thiện dành cho các bé làng trẻ SOS Việt Trì, diễn viên nhí trong phim.

Vinh danh nghệ thuật Bài Chòi là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

VH- Tối 5.5 tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn, Bình Định, Bộ VHTTDL phối hợp UBND tỉnh Bình Định tổ chức Lễ đón bằng UNESCO công nhận nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trao lại bằng công nhận của UNESCO cho đại diện 9 địa phương

Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện; lãnh đạo các bộ, ngành và 9 tỉnh Trung Bộ có chung di sản.

 Tại buổi lễ, ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã trao bằng UNESCO công nhận nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (bằng công nhận) cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL và đại diện lãnh đạo 9 tỉnh Trung Bộ.

Lễ đón nhận bằng công nhận của UNESCO

Trước đó, nghệ thuật Bài Chòi đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ đón Bằng Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam thực sự là ngày hội lớn, là niềm vinh dự của nhân dân các tỉnh miền Trung. Từ đây, nghệ thuật Bài Chòi sẽ kết nối, đồng hành với “con đường di sản miền Trung” để làm tăng thêm giá trị các di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể trên vùng đất Trung Bộ, góp phần làm giàu cho đất nước quê hương.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng có mặt ở mảnh đất Bình Định kiên trung, quê hương của anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ, để chia sẻ niềm vui to lớn với toàn thể cộng đồng thực hành nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ.

“Trong suốt 10 năm qua, hai chữ Việt Nam thân thương luôn được xướng lên tại các hội nghị của tổ chức UNESCO; khi một di sản thiên nhiên, một di sản văn hoá hay một di sản ký ức thế giới của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được thế giới vinh danh lại trào dâng lòng tự tôn dân tộc. Từ một điểm khởi đầu, Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, hiện hữu với cả một hệ thống các loại di sản văn hoá đa dạng và phong phú trên bản đồ di sản thế giới của Liên Hợp Quốc”, Thủ tướng khẳng định.

Nghệ thuật Bài Chòi gắn liền với nghề đánh cá

Thủ tướng cho rằng, thông qua việc UNESCO ghi danh nghệ thuật Bài Chòi, cộng đồng thế giới đã tái xác nhận và khẳng định kho tàng di sản văn hóa phong phú của Việt Nam và trân trọng ghi nhận những đóng góp của dân tộc chúng ta vào việc làm giàu hơn nữa kho tàng văn hoá của nhân loại. Đây chính là thương hiệu quốc gia mà thế giới dành cho chúng ta, qua đó góp phần giới thiệu với bạn bè quốc tế phẩm chất cần cù, sáng tạo và nhân ái của con người miền Trung, Việt Nam.

Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật Bài Chòi trước quốc tế vì từ nay di sản này không chỉ của riêng Việt Nam mà đã trở thành tài sản chung của nhân loại. Trách nhiệm đối với các bậc tiền nhân để di sản này toả sáng xứng đáng với vùng đất của một thời văn hoá Sa Huỳnh rực rỡ, xứng đáng với nền văn minh Chămpa một thời vàng son, một bộ phận không thể tách rời của văn hoá Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ.

Trăng sáng ngư dân miền Trung ra khơi, nghệ thuật Bài Chòi ăn sâu vào đời sống
Người dân miền Trung tảo tần mưa nắng

“Chính phủ Việt Nam long trọng cam kết cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ, cộng đồng thực hành di sản, các cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy bền vững giá trị di sản “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” cũng như các di sản khác mà UNESCO đã công nhận, đảm bảo rằng “cái gì thuộc cộng đồng sẽ trả về cho cộng đồng” và qua đó chia sẻ các bài học thành công với các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng trên thế giới. Chưa bao giờ vị thế quốc tế của Việt Nam ta lại cao như hiện nay và cũng chưa bao giờ đóng góp của dân tộc ta vào công việc chung của thế giới trong đó có lĩnh vực bảo tồn và tôn vinh giá trị văn hoá lại lớn như thế. Một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh là mục tiêu phấn đấu và đang trở thành hiện thực mỗi ngày. Đó là nhờ điểm khởi đầu của nghìn năm văn hiến Việt Nam.

Nghệ nhân Bài Chòi với bằng vinh danh của UNESCO

Chúng ta hãy cùng nhau gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để nền Văn hiến Việt Nam rạng danh muôn thuở, để tinh hoa văn hóa Việt Nam hòa quyện, tỏa sáng cùng tinh hoa văn hóa nhân loại. Riêng đêm nay hãy để: “Gió Xuân phảng phất cành tre/Bà con cô bác cùng lắng nghe Bài Chòi”, Thủ tướng chia sẻ. “Hãy để tiếng ca Bài Chòi được vang lên trong từng gia đình, ngõ xóm của toàn bộ vùng đất miền Trung Việt Nam, để tiếng cười lan toả khắp muôn nơi, mang cho chúng ta niềm lạc quan về thế và lực mới của dân tộc Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam.

(Nguồn: Xuân Hướng – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Tuyên truyền không đốt đồ mã, vàng mã tại di tích, lễ hội

VH-  Bộ VHTTDL vừa có văn bản 1695/TB-BVHTTDL thông báo kết luận của Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Mậu Tuất, diễn ra ngày 20.4.2018 tại Hà Nội.

Hội nghị đã đánh giá những kết quả đạt được trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội Xuân Mậu Tuất năm 2018. Theo đó, các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ; chính quyền các địa phương đã nêu cao vai trò, trách nhiệm trong công tác chỉ đạo tổ chức lễ hội; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại. Công tác truyền thông đã góp phần quan trọng quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp; kịp thời phản ánh những hiện tượng thương mại hóa, biến tướng, tiêu cực trong lễ hội, qua đó đề xuất các giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2018 còn một số hạn chế như: hiện tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy, giành lộc; đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn; khai ấn, phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử, hồ sơ của di tích; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi lễ hội trong giờ hành chính; hiện tượng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch…

Tại Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chỉ đạo một số nội dung, nhiệm vụ trong thời gian tới. Theo đó, các nhiệm vụ được nhấn mạnh gồm: Tiếp tục thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tập trung hoàn thiện Dự thảo Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành trong quý II năm 2018. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc, nhận diện đúng giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội kích động bạo lực, trái với truyền thống; không cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu, chọi dê, chọi bò… Có định hướng điều chỉnh quy mô, giảm tần suất tổ chức lễ hội VHTTDL, lễ hội ngành nghề. Không sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong tổ chức lễ hội VHTTDL, lễ hội ngành nghề. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau khi tổchức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, kích động bạo lực…

Lãnh đạo Bộ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Cục, Vụ, đơn vị chức năng. Trong đó, giao Cục Văn hóa cơ sở tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến nghị người dân không đốt đồ mã, vàng mã tại di tích, cơ sở thờ tự và lễ hội; Cục Di sản văn hóa tiếp tục kiểm tra, chấn chỉnh các hiện tượng phản cảm, sai lệch với bản chất của di sản văn hóa phi vật thể, thực hiện nghiêm chương trình hành động quốc gia bảo vệ di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Viện VHNT quốc gia Việt Nam chủ trì, nghiên cứu, đề xuất giải pháp hạn chế một số tập tục mang yếu tố bạo lực, phản cảm…

Các Sở VHTTDL, Sở VHTT quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực; chỉ đạo BQL di tích, BTC lễ hội sắp xếp khu vực dịch vụ, nơi sắp lễ, đặt hòm công đức đúng quy định, có phương án quản lý tiền công đức công khai, minh bạch…

(Nguồn: Minh Ngọc – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Chùa Đọi Sơn đón nhận bằng Di tích Quốc gia đặc biệt

VH- Sáng 03/5, Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt và khai hội chùa Đọi Sơn đã được tổ chức tại chùa Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đến dự có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên.

Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hoá công bố quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt         
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên trao bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Trải qua 900 năm kể từ khi khởi dựng với nhiều biến thiên của lịch sử, cho đến nay khu di tích chùa Đọi Sơn đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được nhiều nét mỹ thuật, kiến trúc của đời Lý.

Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt được rước trang trọng vào chùa Đọi Sơn
Tam quan chùa Đọi Sơn giữ được nhiều vẻ cổ kính

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt và khai hội chùa Đọi Sơn là dịp để tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích chùa Đọi Sơn; khơi dậy, phát huy lòng tự hào về quê hương, đất nước; đồng thời góp phần khẳng định, giáo dục truyền thống lịch sử – văn hóa của quê hương, đất nước; tuyên truyền, giới thiệu quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, độc đáo của di tích lịch sử – văn hóa chùa Đọi Sơn và văn hóa truyền thống của tỉnh với bạn bè trong và ngoài nước; thu hút du khách thập phương về với di tích; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Hà Nam.

(Nguồn: Phúc Nghệ – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)