(Tổ Quốc) – Tuần Phim APEC Việt Nam 2017 sẽ trình chiếu miễn phí 11 bộ phim đặc sắc.
Tuần Phim APEC Việt Nam 2017 chào mừng Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam 2017 sẽ diễn ra từ ngày 11-16/10 tại Hà Nội và từ 12-16/10 tại Đà Nẵng.
Tuần Phim APEC do Ủy ban Quốc gia APEC 2017 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo; Cục Điện ảnh chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế, Ban Thư ký APEC 2017, Tiểu ban Vật chất – Hậu cần APEC, Tiểu ban An ninh – Y tế APEC 20172017, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức thực hiện.
Tuần Phim APEC Việt Nam 2017 có khẩu hiệu“Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” được tổ chức với tiêu chí kết nối các nền văn hóa của các nền kinh tế thành viên APEC, góp phần xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng; là sự kiện chào mừng Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương tại Việt Nam 2017. Trong Tuần Phim APEC Việt Nam 2017 sẽ giới thiệu các tác phẩm đặc sắc từ các nền điện ảnh của các nền kinh tế thành viên APEC.
Tại Hà Nội, Lễ Khai mạc Tuần Phim APEC Việt Nam 2017 được tổ chức vào lúc 19h00, ngày 11/10/2017 (Thứ Tư) tại Phòng chiếu số 1, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, 87 Láng Hạ. Tại Đà Nẵng, Lễ Khai mạc được tổ chức lúc 19h00, ngày 12/10/2017 (Thứ Năm) tại Rạp Lê Độ, 46 Trần Phú. Bộ phim “Mỹ nhân” (Công ty CP Phim Giải phóng sản xuất) được chiếu Khai mạc Tuần phim.
Phim APEC Việt Nam 2017 sẽ chiếu miễn phí 11 bộ phim, trong đó có 02 bộ phim tài liệu là Tôi vẫn ở đây (Peru) và Kỳ quan ẩm thực Tsukiji (Nhật Bản); 09 bộ phim truyện, gồm: Danh ca Paparotti của tôi (Hàn Quốc), Những đứa con Trung Hoa (Trung Quốc), Blue Moon (Đài Bắc-Trung Quốc), Nokas (Indonesia), Thời đại của những người đầu tiên (Nga), Jack of the red hearts (Hoa Kỳ), Violeta đã lên thiên đường (Chile), Cô thợ may (Australia) và Mỹ nhân (Việt Nam)./.
VH- Thời gian gần đây nhiều ca sĩ, nhạc sĩ từ trẻ đến gạo cội đều chọn làm mới các ca khúc xưa, cũ để ra mắt khán giả. Trào lưu này đang được xem là hợp thời trong thời buổi nhiều ca khúc hit, ít ca khúc hay.
Tuy nhiên, việc làm mới ca khúc cũ mang lại sự lo lắng cho thực trạng hiện tại của nhạc Việt: Ca khúc mới nhiều nhưng nhạt và nhanh chóng bị quên lãng. Trong khi đó, các ca khúc có chất lượng nghệ thuật và được công chúng đón nhận lại rất hiếm.
Những cái tên Bích Phương, Phương Vy, Thuỳ Chi, Hà Anh Tuấn, Nguyễn Hải Yến… đều đã chọn việc cover những ca khúc cũ. Họ đã đầu tư bài bản, chọn lựa kĩ càng các ca khúc nhạc của những thập niên 90-2000 để đem đến cho khán giả. Sự lựa chọn này được tính toán kĩ càng và thăm dò thị hiếu của khán giả. Nguyễn Hải Yến trước khi giới thiệu album “Top hit Làn sóng xanh 90-2000” đã có tour diễn toàn quốc. Sự thăm dò này phần nào đem lại sự chắc chắn cho sự trở lại của Yến. Các ca khúc cô chọn đều thuộc top hit của những thập niên 90-2000 như Ta chẳng còn ai; Dòng sông lơ đãng; Tình cờ; Có quên được đâu… Không chỉ vậy, ê kíp chịu trách nhiệm âm nhạc cho toàn bộ album là nhạc sĩ trẻ Huỳnh Quốc Huy, người được coi là “nhạc sĩ tạo hit của Noo Phước Thịnh”. Phần hoà âm phối khí do nhạc sĩ thế hệ 9X đảm trách. Có thể nói lựa chọn này là làm mới hoàn toàn theo tư duy của những người trẻ hiện đại. Chia sẻ về ý tưởng hòa âm cho album “Top Hit 90 – 2000”, nhạc sĩ trẻ Huỳnh Quốc Huy cho biết: “Album được lên ý tưởng dựa trên chất giọng của Hải Yến và được biên tập thứ tự theo quá trình biến chuyển tâm lý của một người phụ nữ khi yêu thông qua những ca khúc từng làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng Làn sóng xanh những năm đỉnh cao của nhạc nhẹ Việt Nam. Để không bị nhàm chán cho người nghe, những ca khúc sẽ được làm mới nhưng vẫn giữ lại 70% chất liệu của version cũ”.
Hải Yến cho biết: “Để chuẩn bị cho sự trở lại bằng việc ra mắt các ca khúc cũ, tôi đã lựa chọn một ê kíp nhạc sĩ trẻ để làm theo tinh thần mới. Có những ca khúc cũ dù đã bỏ tiền và công sức thu âm trước rồi tôi đều thay đổi để mang lại cảm giác mới cho người nghe. Tôi không ngại bị so sánh khi thể hiện lại những ca khúc đã nổi tiếng, ghi dấu ấn của các anh chị đi trước. Nhưng tôi tin màu sắc âm nhạc, sự thể hiện trẻ trung, hiện đại của mình sẽ mang lại cho khán giả những cảm nhận thú vị mới”.
Trước đó, dự án “See, sing, share” của Hà Anh Tuấn gồm những bản cover được thực hiện chỉn chu từ âm thanh đến hình ảnh. Hàng loạt các hit một thời: Tuyết rơi mùa hè; Tình thôi xót xa; Vài lần đón đưa; Em về tinh khôi; Tiếng gió xôn xao… một lần nữa được người nghe đón nhận. Những bản nhạc được phối mới với chất acoustic giản dị, cảm xúc được người nghe đón nhận. Ngoài ra còn rất nhiều các gương mặt trẻ khác chọn việc làm mới ca khúc cũ, dù không phải ai cũng thành công với việc làm mới mà giữ được tinh thần của bài hát gốc. Có những bản mới khiến người nghe phản ứng bởi sự phá cách quá đà khiến cho ca khúc thiếu đi sự hấp dẫn, cảm xúc vốn có. Ca sĩ Uyên Trang chia sẻ: “Chọn làm lại những ca khúc xưa không bị áp lực bởi các ca sĩ đàn anh, chị đi trước bởi vì mỗi người có cảm xúc và sự sáng tạo riêng. Ví dụ như cũng một bài trữ tình, bolero có người hát nghe buồn, uỷ mị nhưng có người hát lại không như vậy. Tất nhiên, việc sáng tạo ấy phải được người nghe chấp nhận”.
Việc làm mới ca khúc được giới chuyên môn đánh giá đã góp phần làm sôi động thêm thị trường âm nhạc trong bối cảnh nhạc Việt hiện nay, nhất là nhạc trẻ vượt trội về số lượng nhưng chất lượng gần như tỉ lệ nghịch. Nhiều ca khúc mới ra đời nhưng nội dung ca từ, nghệ thuật không có gì nổi bật. Nếu không muốn nói là nhạt và thiếu sự sáng tạo, nhanh nhớ và mau quên.
Việc lựa chọn làm mới những ca khúc cũ đã đi vào lòng người rõ ràng chỉ là sự tạm thời. Thị trường âm nhạc vẫn cần những tác phẩm mới, hay. Làm mới ca khúc cũ chỉ nên coi là giải pháp tạm thời trong “cơn khát” và thiếu vắng những ca khúc hay, chất lượng nghệ thuật. Điều này phải trông chờ vào các nhạc sĩ, ca sĩ, nhất là những người trẻ. Chứ không chỉ trông chờ vào việc “ăn xổi”, nổi nhanh nhưng chìm cũng chóng…
(Nguồn: Mai Linh – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)
VH- Triển lãm Sắc màu Việt Nam, một trong những hoạt động điểm nhấn ở Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2017 đã khai mạc chiều ngày 4.10 tại sảnh Nhà hát Chaktomuk (Thủ đô Phnom Penh). Bộ trưởng Bộ Văn hóa & Nghệ thuật Campuchia Phoeurng Sackona, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Vương Duy Biên, Đại biện lâm thời nước CHXHCN Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Trác Toàn đã dự và cắt băng khai mạc triển lãm.
Cắt băng khai mạc triển lãm Sắc màu Việt Nam
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL Việt Nam) khẳng định, với nền tảng quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống tốt đẹp lâu đời giữa Việt Nam và Campuchia, giao lưu văn hóa đang ngày càng trở nên quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc phát triển quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia. Các chương trình giao lưu văn hóa của hai bên có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, triển lãm “Sắc màu Việt Nam” trong khuôn khổ Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2017 được tổ chức với mong muốn giới thiệu tới nhân dân Campuchia và bạn bè quốc tế vẻ đẹp về đất nước, con người Việt Nam thông qua các bức ảnh về phong cảnh, văn hóa, con người, đặc biệt là các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới, cùng các hiện vật văn hóa đặc trưng của Việt Nam.
“Triển lãm Sắc màu Việt Nam không chỉ giới thiệu về vẻ đẹp Việt Nam mà còn góp phần tạo nên thành công chung của Tuần Văn hóa Việt Nam tại Campuchia năm 2017”, Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Triển lãm Sắc màu Việt NamChương trình nghệ thuật trong đêm khai mạc
Ông Hab Touch (Quốc Vụ khanh Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia) nhấn mạnh, cùng với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, triển lãm Sắc màu Việt Nam có ý nghĩa như cây cầu nối nền văn hóa của hai dân tộc Việt Nam và Campuchia; góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giao lưu văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa hiện nay. “Sẻ chia những kiến thức và giá trị văn hóa thông qua các triển lãm nghệ thuật là cơ sở quan trọng kết nối quan hệ giữa hai đất nước, giúp hai dân tộc hiểu nhau hơn, qua đó củng cố và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia…”, ông Hab Touch khẳng định.
Những bức ảnh cùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ gốm… giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của đất nước Việt Nam ngay trong buổi khai mạc đã thu hút sự quan tâm, hứng thú của đông đảo quan khách, công chúng Phnom Penh và bạn bè quốc tế. Có mặt tại triển lãm từ rất sớm, bà Neth Phoumary, Phó Quốc Vụ khanh, Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia đi xem từng hình ảnh, hiện vật và dừng chân khá lâu trước những tấm hình chụp các di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới. “Vịnh Hạ Long, Phong Nha – Kẻ Bàng, các hình ảnh chụp tại Tây Nguyên, Nam Bộ… đều rất đẹp. Triển lãm đã mang đến cho Phnom Penh một không gian nhiều màu sắc tươi đẹp. Chắc chắn sẽ có rất nhiều người dân Campuchia và du khách mong muốn được đến đất nước Việt Nam sau khi xem triển lãm”, bà nói.
Tiết mục của đoàn nghệ thuật Campuchia tại đêm khai mạc
Còn với bà Som Channbo, một người dân sống tại Thủ đô Phnom Penh, những hình ảnh tại triển lãm này có một ý nghĩa đặc biệt với bà khi chúng khơi gợi lại những ký ức của hơn 10 năm sinh sống tại Sóc Trăng. Chỉ tay vào bức hình chụp lễ hội đua ghe ngo, bà Som Channbo nhỏ nhẹ: “Nhớ lắm!”. Bà cũng bảo rằng, nhất định sẽ quay trở lại Việt Nam.
Giản dị như thế, mỗi hình ảnh, hiện vật tại cuộc triển lãm có quy mô không lớn này đều mang lại nhiều xúc cảm với người xem. Nhất là khi chúng đã được đưa đến từ đất nước Việt Nam với nhiều kỳ công và tâm huyết.
(Nguồn: Ngân Anh – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)
VH- Hãng Universal vừa đã tung ra teaser trailer mới của bộ phim tình cảm đình đám Năm mươi sắc thái tự do (Tựa gốc: Fifty Shades Freed) hứa hẹn sẽ tiếp tục công phá phòng vé trong dịp Lễ tình nhân 2018.
Tiếp nối thành công vang dội của hai phần trước cực kỳ ăn khách là Năm Mươi Sắc Thái Xám (2015) và Năm Mươi Sắc Thái Đen (2017), chuyên phim của Năm mươi sắc thái tự do xoay quanh chuyện tình cảm của chàng tỷ phú Christian Grey (Jamie Dornan) và cô nàng “lọ lem” Anastasia Steele (Dakota Johnson). Giờ đây chuyện tình cảm của họ đã tiến lên một nấc thang mới bằng một đám cưới hào nhoáng và xa hoa.
Trailer phim mở đầu bằng hình ảnh cô dâu Anastasia xinh đẹp trong chiếc váy cưới và khăn voan trùm đầu màu trắng muốt tinh khôi đang chờ “chàng hoàng tử” của mình tới. Nếu như trong phần phim trước, Christian đã xác định rất rõ tình cảm mà anh dành cho Anastasia giờ là tình yêu đích thực chứ không còn đơn thuần là trò chơi thể xác thì trong phần cuối này, các fan có thể thở phào nhẹ nhõm bởi “happy ending” cuối cùng cũng đã tới.
Khoảnh khắc trong đám cưới, khi chàng thốt lên lời thề nguyền gắn kết 2 người có lẽ cũng chính là một trong những khoảnh khắc khiến khán giả xúc động nhất trong phim.“Anh hứa sẽ tin tưởng, tôn trọng và bảo vệ em đến chừng nào hai ta còn sống. Tất cả những gì anh có giờ là của em”. Lời thề không thể ngọt ngào hơn của Christian đã khiến con tim của các fan phải tan chảy.
Sau hôn lễ, cặp đôi cùng nhau đi thẳng tới sân bay để cùng tận hưởng kỳ nghỉ trăng mật. Khi chiếc xe Audi sang trọng chở cặp đôi dừng lại trước một chuyên cơ khổng lồ, cô dâu Anastasia không thể giấu được bất ngờ trước khối tài sản đồ sộ đang hiện hữu trước mắt mình. Cô thích thú hỏi anh: “Anh sở hữu cái này à?”. Đáp lại là lời khẳng định chắc nịch của Christian: “Chúng ta cùng sở hữu nó”.
Câu nói này của Christian vừa là minh chứng cho lời thề của anh với cô “Tất cả những gì anh có giờ là của em”, đồng thời cũng là lời nhắn nhủ nhẹ nhàng với Anastasia rằng giờ đây cô đã chính thức trở thành bà Grey, là vợ của một tỷ phú. Có thể nói Christian chưa bao giờ để Ana phải thôi choáng ngợp về mọi thứ anh dành cho cô, cả về vật chất và tình cảm.
Nhưng cuộc sống hôn nhân của họ dường như không chỉ có màu hồng của những câu yêu đương đầy cảm xúc, những cử chỉ ngọt ngào hay những màn tình tứ nóng bỏng mà còn có cả bóng tối bủa vây. Đó là hình ảnh của những thứ vũ khí “chết người” như dao, súng ống và đặc biệt là sự trở lại của một nhân vật tưởng chừng đã biến mất vĩnh viễn – Jack Hyde (Eric Johnson). Cảnh gã sếp cũ đột nhập vào trong nhà và khống chế Ana bằng dao, màn đấu súng của Christian với một nhân vật bí ẩn, và còn cả pha rượt đuổi bằng xe ô tô khi Ana đang tự lái xe một mình thực sự đã làm khán giả hồi hộp và phải tự đặt ra câu hỏi: Đôi vợ chồng trẻ sẽ phải đối mặt với những hiểm nguy nào? Liệu họ có thể cùng nhau vượt qua những khó khăn, trở ngại đó.
Là phần kết cho loạt bom tấn Năm Mươi Sắc Thái với hai phần đã ra mắt vào năm 2015 và 2017 thu về 950 triệu đô-la toàn cầu, Năm mươi sắc thái tự do tiếp tục có sự tham gia hai gương mặt quen thuộc: Nam diễn viên điển trai Jamie Dornan trong vai Christian Grey và “quả bom sex” Dakota Johnson trong vai Anastasia. Bên cạnh đó là sự góp mặt của các diễn viên tên tuổi như: chủ nhân tượng vàng Oscar Kim Basinger, nữ ca sĩ Rita Ora, nam tài tử người Canada Eric Johnson…
Năm mươi sắc thái tự do cũng đón chào sự trở lại của đạo diễn James Foley – đạo diễn Năm Mươi Sắc Thái Đen tiếp tục quay trở lại đảm nhiệm vị trí “cầm trịch” cho phần cuối của loạt phim. Kịch bản do chính chồng của tác giả E. L. James – Niall Leonard chắp bút dựa trên cuốn tiểu thuyết của bà.
Năm mươi sắc thái tự do dự kiến khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày 16.02.2018.
VH- “Trên thực tế hiện nay, hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang diễn ra rất sôi nổi. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc VN đã được đề cập trong Luật Sở hữu trí tuệ nhưng lại không mấy được quan tâm”, đó là một phần nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận tại “Diễn đàn bản quyền Việt Nam – Hàn Quốc năm 2017” diễn ra ngày 28.9.
Trên thế giới, các tổ chức đại diện tập thể ở Việt Nam (CMO) có lịch sử phát triển lâu đời và đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa các quy định của pháp luật về bản quyền đi vào đời sống. Tại Việt Nam, các tổ chức CMO mới được hình thành, non trẻ và được ít người biết đến. Theo khoản 1, điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ: “Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức phi lợi nhuận do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan”.
Đến nay, Việt Nam đã có một số tổ chức đại diện tập thể đi vào hoạt động và bước đầu thu được những thành công nhất định, trong đó Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) là một trong những tổ chức đại diện tập thể ra đời muộn nhất (tháng 2.2016). Tuy nhiên, sau 18 tháng hoạt động, đến nay APPA đã tiến hành học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức nước ngoài; tham gia các cuộc hội thảo do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức để có thêm hiểu biết và kinh nghiệm; xây dựng cơ sở thu phí quyền liên quan để bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ biểu diễn với sự hỗ trợ của luật sư; làm việc với các đoàn nghệ thuật để phát triển hội viên.
Chia sẻ về những khó khăn sau hơn một năm hoạt động, NSND Thanh Hoa, Chủ tịch APPA cho rằng: Bất kỳ tổ chức nào cũng hi vọng bảo vệ quyền cho các hội viên của mình nhiều nhất. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, ý thức của người dân cũng chưa thực sự hiểu được trách nhiệm phải trả quyền lợi cho người biểu diễn. Nói là sản phẩm nhưng là trí tuệ của nghệ sĩ. Cho nên, thu là đúng nhưng cách thu như thế nào là một vấn đề. Thu là đúng nhưng thu như thế nào, để làm cho người ta trả tiền mình cảm thấy đồng tiền đó là minh bạch, đến đúng người được ủy quyền mới là điều đáng quan tâm”, NSND Thanh Hoa khẳng định.
Cũng theo NSND Thanh Hoa, trong Luật Sở hữu trí tuệ ai được hưởng phải rõ ràng bởi trong Luật Sở hữu trí tuệ chưa rõ trách nhiệm người phải trả là ai…
Đồng tình với ý kiến của NSND Thanh Hoa, ông Phạm Vũ Khánh Toàn, Văn phòng Luật sw Phạm và Liên danh cho rằng, trong Luật Sở hữu Trí tuệ có một số bất cập trong việc thực quyền của người biểu diễn. Cụ thể, tại Điều 29 nêu rõ: “Người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có quyền nhân thân và chủ đầu tư có quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn”. Với quy định này, thì người biểu diễn sẽ hầu như không có quyền tài sản của họ, bởi vì các nghệ sĩ biểu diễn thường không phải là chủ đầu tư của chương trình biểu diễn. Chính vì thế, theo ông Hoàng Thái Dũng, Phó Giám đốc NXB Văn hóa Dân tộc, khi sản xuất một chương trình ghi âm hay ghi hình thì đương nhiên phải có các nghệ sĩ biểu diễn. Tuy nhiên, mặc định từ trước tới nay, các nhà sản xuất chỉ trả tác quyền cho người sáng tạo ra tác phẩm, còn những nghệ sĩ biểu diễn thì đều được thỏa thuận với nhau bằng hợp đồng, đôi khi chỉ là hợp đồng miệng, vì như hát một ca khúc trả bao nhiêu tiền và dừng lại ở đó, dù chương trình đó có tiếp tục được phát sóng trên truyền hình hay nhà hàng, khách sạn sử dụng thì các nghệ sĩ biểu diễn sẽ không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì. “Muốn tạo động lực cho cả người sáng tạo ra các sản phẩm và người biểu diễn thì quyền của người biểu diễn hay tác giả phải được tôn trọng và bảo vệ như nhau”, ông Thái Dũng nhấn mạnh.
(Nguồn: Thanh Ngọc – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)
VH- Kể cả dã sử là lịch sử theo tính chất truyện kể hay lịch sử được nêu trong sách giáo khoa, trong tư liệu chính thống có trở nên hấp dẫn hay không còn phụ thuộc vào độ “khéo” của từng họa sĩ vẽ và thổi hồn vào mỗi tác phẩm.
Đồng điệu nhờ sự sống động
Sách Lĩnh Nam chích quái do NXB Kim Đồng ấn hành được nhiều người đánh giá là một trong những cuốn sách ấn tượng trong năm 2017. Với hơn 200 minh họa, họa sĩ Tạ Huy Long đã thổi hồn vào tác phẩm văn học trung đại, đưa nó trở lại sống động, tươi mới với bạn đọc Việt Nam hiện đại. Mỗi hình vẽ mang đến hấp dẫn cho câu chuyện bằng cách làm nét đời sống nhân vật, thôi thúc sự tò mò về một thời đã qua, gợi rất nhiều thắc mắc liệu trong lịch sử, người ta nói với nhau chuyện gì, bằng ngôn ngữ nào và trong khung cảnh ra sao…
Không phải cái gì cũng tìm ra trên mạng được mà phải qua sách vở. Vì vậy, nhà văn viết về lịch sử chẳng những quần thảo với quá khứ, tôn trọng, bám sát tính chân thực của lịch sử mà còn biết cách hòa chúng vào cuộc sống: Điều có trong mỗi người là luôn đặt ra các câu hỏi và tìm tòi cách trả lời ta là ai, ta từ đâu đến, tổ tiên ta từng như thế nào… Đứng ở những góc độ khác nhau sẽ có câu trả lời với sức hấp dẫn khác nhau. (TS NGUYỄN TÔ LAN – Viện Hán Nôm)
Bởi vậy, tác phẩm được bạn đọc trẻ đón nhận nồng nhiệt. “Khi vẽ, tôi tự làm mới mình bằng cách thoát khỏi cách tỉa tót trước đây. Hướng tới người trẻ, tôi chọn cách thể hiện đồ họa mạnh hơn, có tính ứng dụng tốt hơn, thậm chí ai thích có thể in ấn được”, họa sĩ Tạ Huy Long cho biết.
Đây là cách thể hiện một cái nhìn mới mẻ về truyền thống văn hóa, lịch sử của dân tộc. Để làm được điều này, theo họa sĩ Tạ Huy Long, quá trình vẽ, anh luôn cố gắng để độc giả, nhất là các bạn trẻ được sống trong thế giới của một thời đã qua. Nhưng cái nhìn ấy đã được “rọi” qua tình yêu lịch sử của riêng tác giả. Sự đồng điệu, vì vậy cũng nằm ở chỗ ấy. “Tôi không cố gắng gồng lên để dạy cho các em bài học lịch sử nào. Truyện lịch sử chỉ cần cho người ta cảm giác sống được trong thời kỳ ấy, hòa cùng không gian đấy”.
Với Tạ Huy Long, câu chuyện gói ghém trong hình vẽ, mảng màu còn “tham vọng” của nhà văn – người viết tiểu thuyết lịch sử là để dẫn dắt độc giả vào hành trình chu du lịch sử theo câu chữ. Sức hấp dẫn của bộ tiểu thuyết lịch sử Bão táp triều Trần (2005) và Tám triều vua Lý tái bản mới đây là một ví dụ. Nhập tâm vào những trang tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải, người đọc tưởng như chính tác giả đã sống ở thời ấy, là nhân chứng của những sự kiện lịch sử, được trải nghiệm sức hút mà sự kết hợp văn chương và lịch sử tạo nên.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ kinh nghiệm: Viết về lịch sử nhưng ngôn ngữ ấy không thể “cổ” đến mức người đọc không hiểu gì, cũng không hiện đại tới độ chẳng thấy “thời xưa” nữa. “Bộ Tám triều vua Lý, tôi viết với tốc độ nhanh vì tâm lý của độc giả hiện đại không chịu được sự dề dà, làm sao bộ sách 3.600 trang nhưng đọc không thấy chán. Nhiều khúc hùng tráng nhưng không nhằm tán tụng mà đủ để hình dung ra bức tranh toàn diện về lịch sử”.
Một trong số hơn 200 bức tranh minh họa tác phẩm “Lĩnh Nam chích quái” của họa sĩ Tạ Huy Long
Kéo độc giả đến với lịch sử
Bão táp triều Trần, Tám triều vua Lý; Lĩnh Nam chích quái, Trần Khánh Dư, Trần Quốc Toản (tác giả Lưu Sơn Minh); Sử Việt 12 khúc tráng ca (tác giả Dũng Phan)… đều lấy xoay quanh đề tài lịch sử quen thuộc, nhân vật cũng được nhắc tới nhiều. Nhưng điểm khác biệt của những tác phẩm này là hoan nghênh nồng nhiệt của độc giả, trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Sự đồng điệu với các cách diễn giải lịch sử ấy cho thấy, rõ ràng người trẻ không quay lưng lại với các giá trị truyền thống. Vấn đề là họ cần một cách tiếp cận khác.
Khi vẽ, tôi tự làm mới mình bằng cách thoát khỏi cách tỉa tót trước đây. Hướng tới người trẻ, tôi chọn cách thể hiện đồ họa mạnh hơn, có tính ứng dụng tốt hơn, thậm chí ai thích có thể in ấn được. (Họa sĩ TẠ HUY LONG)
TS Nguyễn Tô Lan, Viện Hán – Nôm dẫn chứng: Các bạn trẻ thời nay hay đùa: Dân ta phải biết sử ta/ Cái gì không biết thì tra google! Nhưng không phải cái gì cũng tìm ra trên mạng được mà phải qua sách vở.
Vì vậy, nhà văn viết về lịch sử chẳng những quần thảo với quá khứ, tôn trọng, bám sát tính chân thực của lịch sử mà còn biết cách hòa chúng vào cuộc sống: “Điều có trong mỗi người là luôn đặt ra các câu hỏi và tìm tòi cách trả lời ta là ai, ta từ đâu đến, tổ tiên ta từng như thế nào… Đứng ở những góc độ khác nhau sẽ có câu trả lời với sức hấp dẫn khác nhau”, TS Tô Lan nói.
Nhà văn Lưu Sơn Minh cho rằng, đứng ở góc độ của mình, tác giả phải làm cho “khéo” để thuyết phục được các nhóm độc giả khác nhau. “Bạn đọc trưởng thành rất lý tính, đòi hỏi phải gần với cái gì họ đã hình dung, bạn đọc trẻ tuổi cần cái đủ mạnh để chiến thắng những cám dỗ của trò chơi, điện ảnh…”.
Đấy là về sức hấp dẫn, còn một cuốn sách còn đòi hỏi phải có giá trị, đến từ trữ lượng văn hóa dày dặn. Như nói về ngòi bút của nhà văn Hoàng Quốc Hải, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá: “Tiểu thuyết lịch sử hư cấu trên cái có thật. Từng con chữ, hình tượng đều phải dựa trên hiểu biết lịch sử. Muốn vậy, người ta phải đọc từ lúc đầu xanh tuổi trẻ, nhưng đọc không chỉ để biết vậy mà còn dựng họ thành nhân vật văn học. Công phu với lịch sử là thế”.
(Nguồn: Thu Nguyễn – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)
VH- Ngày 26.9, Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN đã tổ chức Hội thảo khoa học Quan niệm và cách tiếp cận âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở VN và trên thế giới – thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với di sản âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số VN hiện nay. Nhiều tiếng chuông đã được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học cảnh báo về những ngộ nhận đối với âm nhạc cổ truyền của dân tộc.
Biết rồi khổ lắm nói mãi… và sẽ phải nói nhiều hơn nữa
Hội thảo khoa học này là một hoạt động quan trọng thuộc đề tài khoa học cấp nhà nước Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở VN được Ủy ban Dân tộc giao cho Viện Âm nhạc thực hiện. PGS TS Nguyễn Bình Định, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc, Chủ nhiệm đề tài khẳng định: “Mặc dù cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số còn có nhiều khó khăn, hạn chế về điều kiện kinh tế, dân trí, giao thông, cơ sở hạ tầng… nhưng âm nhạc truyền thống của họ vẫn luôn toát lên sự phong phú, đặc sắc. Trong tình hình hiện nay, việc tìm ra các giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số nước ta, trước mắt là cho đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được xác định là một nhiệm vụ rất cần thiết”.
Cũng như dân tộc Kinh, 53 dân tộc thiểu số đều có phong tục tập quán, bản sắc văn hóa riêng và đặc biệt là họ sở hữu nền âm nhạc mang sắc thái riêng của từng tộc người… tạo nên nền âm nhạc cổ truyền phong phú được cấu thành từ 54 dân tộc. Bảo tồn âm nhạc cổ truyền của dân tộc là một việc làm quan trọng để bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc. Từ nhiều năm qua, các cơ quan quản lý văn hóa, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc học… đã dày công sưu tầm, điền dã, nghiên cứu cũng như tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học về bảo tồn kho tàng đồ sộ, quý báu này của dân tộc. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho biết: “Hội thảo, báo cáo nhiều đến nỗi có người khi nghe đến cụm từ “bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân gian” thì lập tức thốt lên “biết rồi, khổ lắm, nói mãi…”. Dẫu là vậy, nhưng suy cho cùng thì vấn đề bảo tồn vẫn phải nói, còn phải nói và sẽ phải nói nhiều hơn nữa”.
Kho tàng đồ sộ và phong phú của âm nhạc cổ truyền
Âm nhạc dường như có mặt trong mọi sinh hoạt hằng ngày của mọi tộc người thiểu số ở VN. GS.TS Tô Ngọc Thanh ví von rằng, ngay từ trong bụng mẹ, chúng ta đã tiếp cận với âm nhạc văn hóa dân gian qua những câu hát ru của mẹ. Âm nhạc cứ thế lần theo từng năm tháng của đời người, thậm chí đến cả khi trở về với thế giới bên kia thì âm nhạc cũng tiễn đưa với nhạc hiếu, lễ bỏ mả… Trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, âm nhạc của dân tộc những năm qua, nhiều giá trị của văn hóa dân tộc mà cụ thể là thể loại âm nhạc cổ truyền của dân tộc đã được tôn vinh. Có thể kể đến nhiều di sản văn hóa phi vật thể của VN đã được UNESCO vinh danh như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên của người Êđê, Gia rai… Hay nghi lễ Then Tày – Nùng – Thái và Xòe Thái đang được xây dựng Hồ sơ đệ trình UNESCO…
Viện Âm nhạc suốt 67 năm qua cũng đã miệt mài tiến hành công tác sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc cổ truyền trên cả nước bao gồm cả nhạc hát và nhạc đàn, dân ca, dân nhạc của toàn bộ 54 dân tộc trên cả nước. Nhiều tư liệu, hình ảnh, văn bản… cũng đã được tư liệu, số hóa thành kho dữ liệu đồ sộ của âm nhạc dân tộc ở Viện Âm nhạc để phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn. Bên cạnh đó, nhiều băng ghi âm cũng đã được Phòng Công nghệ lưu trữ âm thanh của Đài Tiếng nói VN (VOV) bảo tồn, lưu giữ suốt nhiều thập kỷ qua về âm nhạc cổ truyền dân tộc. ThS Nguyễn Quang Vinh, Đài Tiếng nói VN cho biết: “Tính tới tháng 1.2014, chúng tôi đã thống kê có 451 bài hát dân ca các dân tộc thiểu số VN cho người lớn, trong đó có 194 bài dân ca thiểu số lời cổ và 257 bài dân ca thiểu số lời mới. Dân ca thiếu nhi có 70 bài, trong đó có 21 bài dân ca thiểu số lời mới và 49 bài dân ca thiểu số lời cổ”…
Xin đừng ngộ nhận
Đứng trước những biến đổi về môi trường diễn xướng, âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số VN đang đứng trước nhiều thách thức, mai một. Nhà nghiên cứu Nguyễn Vương Hoàng, Viện Âm nhạc đã từng tham gia điền dã, sưu tầm nghiên cứu ở vùng núi phía Bắc nhiều năm qua thảng thốt lo ngại về sự thay đổi hoặc biến mất của không gian diễn xướng dân gian. Cụ thể như loại hình Hát ống (hát giao duyên) của người dân tộc H’Mông tại Chiền Tương, Yên Châu, Sơn La đối mặt với nguy cơ mất đi trong cuộc sống hiện đại hay như dân ca Hò kéo gỗ của những người khai thác lâm nghiệp ở Lệ Thủy, Quảng Bình và Hò sông Mã ở Thanh Hóa hiện cũng không còn mấy ai hát được… Đáng ngại hơn, xu hướng Âu – Tây hóa không chỉ ảnh hưởng tới bộ phận nhạc mới mà nó còn nhiều tác động đến âm nhạc cổ truyền của một số tộc ít người. PGS.TS Nguyễn Thụy Loan chỉ rõ, trong VCD mang tên Độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân gian VN 2 do một số nghệ nhân của một tộc ít người trình diễn bài dân ca của tộc mình trên một nhạc cụ dân gian nhưng có chen cadenza và kết bài theo mô hình D – T rất quen thuộc trong âm nhạc cổ điển phương Tây. Đó là minh chứng rõ nét về sự ảnh hưởng, tác động làm mất đi tính nguyên vẹn của âm nhạc cổ truyền VN dễ làm người nghe và xem ngộ nhận về bản sắc âm nhạc dân tộc cổ truyền…
Lẽ dĩ nhiên, trong bối cảnh mới của đời sống văn hóa nghệ thuật cần có những chính sách, giải pháp mới để bảo tồn và phát huy các giá trị của âm nhạc dân tộc cổ truyền. ThS Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VHTTDL đề xuất: “Đổi mới phương thức bảo tồn, truyền dạy âm nhạc truyền thống trở thành vấn đề cấp bách”. Gần đây, nhạc sĩ Đặng Hoành Loan đã thử nghiệm đưa lên Youtube một số video trích đoạn lễ then của các thầy then Bế Sơn Chung ở Cao Bằng, Hoàng Đức Dục ở Bắc Kạn và Chu Thị Hồng Vân ở Bắc Giang… đã có kết quả bất ngờ với 5.165 lượt người xem. Nhạc sĩ Đặng Hoành Loan kiến giải: “Không cần có kế hoạch và giải pháp bảo tồn các hình thức nghệ thuật tín ngưỡng, bởi cộng đồng các dân tộc còn và tôn sùng những tín ngưỡng của họ nên họ tự giữ, tự bảo tồn, tự thực hành”.
(Nguồn: Phúc Nghệ – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)
(Tổ Quốc) – Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Sân khấu Việt Nam, sáng 1/10.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Rất nhiều tác phẩm sân khấu đã và đang tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tôn vinh cái đẹp, đấu tranh với cái xấu
Theo Phó Thủ tướng, trong nền văn hóa Việt Nam đặc sắc, phong phú và đầy tính nhân văn, nghệ thuật sân khấu luôn có vị trí đặc biệt. Đây là nơi khát vọng cùng những giá trị chân – thiện – mỹ của người Việt Nam được thể hiện hết sức sinh động, tinh tế và gần gũi.
Qua 60 năm, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo vượt qua nhiều khó khăn, thử thách trở thành “mái nhà chung” ấm áp tình người của các thế hệ văn nghệ sĩ. Đến hay Hội đã quy tụ 2.500 hội viên, đại điện cho hơn 1 vạn người làm nghệ thuật sân khấu cả nước.
Bằng tất cả tình yêu và tài năng nghệ thuật, tấm lòng và trách nhiệm, các văn nghệ sĩ sân khấu đã góp phần bảo tồn, phát huy và làm giàu di sản văn hóa vô giá của cha ông trao truyền lại; phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, các hội viên đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Lớn hơn cả, quý hơn cả là những ký ức, kỷ niệm về những tác phẩm, nhân vật, nghệ sĩ, điệu nhạc, lời ca, tiếng cười… trong trái tim của triệu, triệu người Việt Nam.
Đó là những giá trị tốt đẹp mà sân khấu, mà các nghệ sĩ đã mang đến, gieo vào trong mỗi tâm hồn Việt. Nhiều bè bạn quốc tế cũng thêm hiểu, thêm yêu đất nước, con người Việt Nam qua cái duyên được tao ngộ với sân khấu Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trân trọng ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương, những đóng góp to lớn, vô cùng quý báu của các thế hệ văn nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật sân khấu nước nhà và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Đó là thế hệ nghệ sĩ sân khấu “văn công xung kích” không quản ngại hy sinh, gian khổ có mặt trên các chiến trường ác liệt nhất, “tiếng hát át tiếng bom”, động viên bộ đội, thanh niên xung phong. Đến những “tượng đài” của nền sân khấu cách mạng như Thế Lữ, Học Phi, Ba Du, Sáu Lai, Ái Liên, Bạch Trà, Lộng Chương, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Đào Hồng Cẩm, Chu Nghi, Thanh Hương, Lưu Quang Vũ…
Cùng hàng trăm, hàng ngàn tác giả, nghệ sĩ khác đã làm lên, đã để lại cho sân khấu Việt Nam, cho di sản văn hóa Việt Nam những tác phẩm nghệ thuật hết sức giá trị. Trong đó có nhiều người hết sức bình dị, không ít phần lam lũ, vượt lên những vất vả đời thường, không ngừng sáng tạo, đem nghệ thuật đến với quần chúng cả ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, biên giới, hải đảo…
Rất nhiều tác phẩm sân khấu đã và đang tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tôn vinh cái đẹp, đấu tranh với cái xấu. Đồng thời phản ánh sinh động hơi thở cuộc sống, xu thế thời đại cũng như tâm tư, nguyện vọng của nhân dân… Qua đó góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam, sự nghiệp xây xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
“Những đóng góp ấy càng giá trị, càng cần thiết khi sự cọ sát, sự đấu tranh đúng – sai, tích cực – tiêu cực trong mọi lĩnh vực, tầng nấc ngày càng đa dạng, nhiều khi không dễ nhận biết; khi những giá trị cốt lõi, giá trị tốt đẹp không hiếm khi bị sao nhãng trước sức ép của vật chất, của thị trường”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Tuy nhiên, sự vận động của thời cuộc, mong muốn và yêu cầu chính đáng của nhân dân đặt ra những yêu cầu mới đối với sân khấu Việt Nam. Đó là làm sao để mọi người dân, mọi gia đình được tham gia, thụ hưởng các hoạt động nghệ thuật. Trong khi nghệ thuật sân khấu đang phải đối mặt với những vấn đề nghệ thuật, nghề nghiệp và cơ chế hoạt động trong giai đoạn mới.
Đặc biệt là những vướng mắc, thiếu hụt về nguồn lực trong tất cả các khâu từ đào tạo, tuyển dụng, sáng tác, phê bình, biểu diễn, quản lý… đến điều kiện sinh sống, làm việc của văn nghệ sĩ cũng như sự xuống cấp, thậm chí “chuyển mục đích” các thiết chế văn hóa.
Phó Thủ tướng cho rằng những khó khăn, bất cập ấy chỉ có thể được vượt qua, được khắc phục bằng sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự tham gia, ủng hộ của toàn xã hội. Các ngành, các cấp thấm nhuần sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần trong hoạch định chính sách phát triển. Từ đó có những cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho phát triển văn hóa, nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng.
Trong đó đặc biệt phải chú trọng công tác đào tạo nhân lực, nhất là đối với các chuyên ngành khó thu hút người học. Triển khai các chương trình phát triển sân khấu các dân tộc ít người, sân khấu không chuyên.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tự chủ trong các đơn vị nghệ thuật sân khấu. Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng kèm theo nguồn lực để vừa phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị hoạt động nghệ thuật; vừa tạo điều kiện để các nghệ sĩ yên tâm sáng tác, cống hiến, có các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, có tính định hướng tư tưởng sâu sắc.
Phó Thủ tướng tin tưởng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ để “mái nhà chung” của các thế hệ nghệ sân khấu ngày càng to đẹp, nồng ấm tình người, tình yêu nghệ thuật và ngập tràn khao khát cống hiến, sáng tạo. Nơi tình yêu cùng những giá trị nghệ thuật được lan tỏa trong xã hội, được trao truyền cho các thế hệ mai sau.
“Nền sân khấu Việt Nam sẽ tiếp tục kế thừa những giá trị nghệ thuật truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa nghệ thuật sân khấu thế giới, làm nổi bật những giá trị sân khấu Việt Nam đương đại. Có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, góp phần làm giàu thêm những di sản văn hóa Việt Nam và để nền văn hiến Việt Nam tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại”.
(Nguồn: Đình Nam – Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)
Dân trí – Tối ngày 29/9, Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam và 98 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Vũ – Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh, thời gian qua, mảnh đất Bạc Liêu vẫn luôn giữ được sự ổn định trên lĩnh vực sân khấu nghệ thuật, luôn sinh ra những bậc hiền tài làm rạng rỡ xứ sở.
Xưa có các bậc tiền nhân Lê Tài Khí, Cao Văn Lầu,… đến Trọng nguyễn, Yên Lang,… và nay là những thế hệ trẻ nối nghiệp như Ngọc Đợi, Lâm Ngọc Hoa, Hoàng Dững,… đầy nhiệt huyết, năng động.
Theo ông Vũ, chương trình kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam và 98 năm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” còn là ngày để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu tưởng nhớ đến tổ nghiệp, thể hiện sự biết ơn, trân trọng của các thế hệ hậu bối dành cho các bậc tiền nhân đã dày công sáng tạo, gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu.
Bản “Dạ cổ hoài lang” (có nghĩa là đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng) của nhạc sĩ Cao Văn Lầu ra đời vào năm 1919. Tác giả muốn qua tâm sự của người phụ nữ nhớ chồng để nói điều lớn hơn. Đó là nỗi niềm của những người dân trên vùng đất mới được khẩn hoang trước biết bao những bất công của xã hội và những đau khổ do chiến tranh gây ra.
Buổi lễ kỷ niệm đã diễn ra với chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sĩ Đoàn cải lương Cao Văn Lầu thể hiện qua các tiết mục như múa hát, đơn ca, tốp ca, trích đoạn cải lương,… đã mang đến cho khán giả những cảm xúc khó quên.