Hòa nhạc đương đại Tấm gương ký ức

(Tổ Quốc) – Nhóm nhạc đương đại Hà Nội và Đông Kinh Cổ Nhạc sẽ phối hợp giới thiệu chương trình hòa nhạc Tấm gương ký ức tại Phòng Hòa nhạc lớn- Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, lúc 20g ngày 24/10.

Chương trình hòa nhạc Tấm gương ký ức gồm các tiết mục được viết bởi Nguyễn Minh Nhật, Vũ Nhật Tân và Tôn Thất Tiết.

Nhạc cổ “Tiếng làng” biểu diễn bởi Nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc: Là khúc nhạc dạo đầu bằng tiết tấu và âm sắc của các nhạc cụ truyền thống Việt Nam, dựa trên chất liệu của những không gian diễn xướng cổ truyền như Chèo, Tuồng và Nhạc Cửa Đình.

“Ca trù” Prelude dành cho piano solo, biểu diễn bởi Dr. Nguyễn Minh Anh, thể hiện sự luyến láy và sâu sắc trong lối hát của ca trù trên cây đàn piano. Piano là nhạc cụ chỉ có quãng nhỏ nhất là nửa cung và trên lý thuyết không thể nào có thể chơi những quãng nhỏ hơn thế, khác với giọng hát mà ca sĩ có thể luyến láy qua các quãng rất nhỏ một cách tinh tế và linh hoạt. Vậy, làm nhòe âm thanh bằng các chùm nốt một cách chớp nhoáng trên đàn piano liệu có hiệu quả không? Tác phẩm mang theo những điệu trong lời hát, các khổ đàn và tiếng trống chầu quen thuộc làm chất liệu để phát triển các ý nhạc.

“Tấm gương ký ức” được viết vào năm 2011 và được dành tặng cho Jeff Von der Schmidt, Jan Karlin và Southwest Chamber Music. Tác phẩm được trao tận tay ở Paris như là một món quà gây ngạc nhiên dành cho những cống hiến của Jeff Von der Schmidt, Jan Karlin và Southwest Chamber Music cho âm nhạc đương đại Việt Nam. Tác phẩm gồm 3 chương ngắn, lặng lẽ và kiên nhẫn, đôi lúc cao trào nhưng luôn trở về với sự yên bình. Để cảm nhận được tác phẩm, người nghe phải ít nhất hiểu được Phật giáo, Đạo giáo và Hindu giáo, đây là một hành trình tâm linh thấm đượm tư tưởng Á Châu kết hợp với nhạc cụ phương Tây.

“Kim” viết chung cho Nhóm nhạc đương đại Hà Nội và Nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc. Tác phẩm được viết tặng Stephen Lesser, biểu diễn bởi Nhóm Nhạc Đương Đại Hà Nội và Nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc.

“Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ” là năm nguyên tố tự nhiên cấu thành vạn vật trong quan niệm của triết học cổ Á Đông. Năm nguyên tố này chuyển động qua lại theo hướng tích cực (tương sinh) hay hướng tiêu cực (tương diệt) để bằng sự vận hành của nó mà làm ra sự sống trên trái đất. Đây cũng là tên một bài thơ có nhiều tâm sự về các vấn đề con người, cuộc sống và môi trường của thế kỷ 20, được viết bởi Nguyễn Duy một nhà thơ đương đại với những sáng tác thể hiện được hồn cốt dân tộc trong văn học hiện đại Việt Nam. “Kim” là bản nhạc được sáng tạo trong những tư duy triết học và những ý tứ của bài thơ trên. “Kim” là nguyên tố đầu tiên của Ngũ Hành. Kim cũng là bản nhạc đầu tiên được viết kết hợp giữa Nhạc đương đại và Nhạc cổ Việt. Tác phẩm mong muốn mở cửa cho những chuyển động của âm thanh và của tư duy sáng tạo.

Chương trình do nhạc trưởng Jeff Von der Schmidt chỉ huy; cố vấn chương trình Jan Karlin. Các thành viên của Nhóm Nhạc Đương Đại Hà Nội: Phạm Trường Sơn, violin; Vũ Thị Khánh Linh, violin; Khúc Văn Khoa, viola; Đào Tuyết Trinh, cello; Nguyễn Quốc Bảo, clarinet; Nguyễn Trọng Bằng, flute; Nguyễn Nhật Quang, bộ gõ; Trần Thu Thủy, hát. Nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc gồm các nghệ sĩ: NSND Xuân Hoạch; NSND Minh Gái; NSND Thanh Hoài; NSUT Thúy Ngần; NSUT Tuấn Cường; Hiền Thảo, hát; NSUT Văn Chính; NSUT Đức Mười; Nghệ nhân Đàm Quang Minh; Nghệ sĩ Hữu Đạt; Nghệ sĩ Thế Quang; Nghệ sĩ Nguyễn Hải Đăng; Nhà thơ Nguyễn Duy, đọc thơ.

Hanoi New Music Ensemble (HNME) (Nhóm nhạc đương đại Hà Nội) được thành lập từ tháng 8/2015 theo sáng kiến của các nhà soạn nhạc Vũ Nhật Tân, Trần Kim Ngọc, nghệ sĩ violon Phạm

Nhóm nhạc đương đại Hà Nội
Nhóm nhạc đương đại Hà Nội

Trường Sơn và nhạc trưởng Jeff Von der Schmidt. HNME là một nhóm nhạc mới thành lập với mục tiêu đưa âm nhạc đương đại Việt Nam và thế giới đến với công chúng Việt Nam, đồng thời trở thành một đại sứ của âm nhạc đương đại Việt Nam trên trường quốc tế. Thông qua việc giới thiệu các tác phẩm âm nhạc đương đại Việt Nam và quốc tế, HNME đã góp phần quan trọng làm thay đổi thói quen thẩm âm của công chúng Việt Nam.

Đông Kinh Cổ Nhạc là một nhóm các nghệ nhân, nghệ sĩ gạo cội của nhạc cổ Việt Nam như NSND Thanh Hoài, NSND Minh Gái, NSND Xuân Hoạch, NSND Mạnh Phóng… họ gặp nhau trong đam mê gìn giữ âm nhạc cổ truyền và làm việc để chia sẻ những giá trị đẹp của di sản với cộng đồng. Từ năm 2015 tới nay, nhóm đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn trong và ngoài nước, trong đó các đêm nhạc “Chuyện nhạc phố cổ”, “Tiếng trúc tiếng tơ”, “Tố nữ dân ca”… những buổi biểu diễn định kỳ tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội thu hút đông khán giả đam mê âm nhạc dân tộc.

(Nguồn: Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)

Bộ VHTTDL là Bộ duy nhất có hai nữ Thứ trưởng

(Tổ Quốc) -Sáng 18/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – Trịnh Thị Thủy đã đến dự buổi nói chuyện chuyên đề: Công tác phụ nữ và cán bộ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tham dự buổi nói chuyện còn có ông Hà Ngọc Anh – Phó trưởng ban Dân vận Trung ương, bà Phan Phương Hạnh – Phó Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam, ông Phùng Minh Cường – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ VHTTDL, bà Trần Thị Thanh Thảo – Phó trưởng ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Tuấn Linh – Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL, ông Nguyễn Hữu Giới – nguyên Chủ tịch Công đoàn Bộ VHTTDL và đại diện các lãnh đạo, cán bộ công đoàn các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL…

Tại buổi nói chuyện, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch – Trịnh Thị Thủy khẳng định: Công tác cán bộ nữ luôn được lãnh đạo Bộ quan tâm. Trong những năm vừa qua công tác phụ nữ và cán bộ nữcủa Bộ đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Hiện nay, Bộ VHTTDL là Bộ duy nhất có hai nữ Thứ trưởng. Và trong dàn lãnh đạo của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ VHTDL  thời điểm hiện nay, phụ nữ chiếm số lượng đông đảo nhất, như: Cục Điện ảnh, Vụ Thư viện, Vụ Gia đình, Vụ Văn hóa dân tộc… và nhiều đơn vị khác nữa. Tuy nhiên, cũng có một số đơn vị, lực lượng lãnh đạo nữ còn thiếu hoặc chưa có. Tới đây, trong quy hoạch, Bộ sẽ bồi dưỡng rèn luyện tạo điều kiện để chị em đáp ứng được các tiêu chuẩn, trình độ, đảm nhiệm một số vị trí lãnh đạo.

Các đại biểu tham dự buổi nói chuyện. Ảnh: Minh Khánh
Các đại biểu tham dự buổi nói chuyện. Ảnh: Minh Khánh

Với chuyên đề: Công tác phụ nữ và cán bộ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ông Hà Ngọc Anh đã mang đến buổi nói chuyện những nội dung bổ ích, thiết thực, phong phú và dí dỏm.

Trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Thời kỳ đổi mới, chủ trương của Đảng về công tác phụ nữ và bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội Đảng, các nghị quyết và chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quần chúng, công tác vận động phụ nữ, công tác cán bộ nữ. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.

Ông Hà Ngọc Anh đã nêu bật vai trò, vị trí của người phụ nữ trong tương quan xưa và nay. Mặc dù ngày xưa phụ nữ phải chịu nhiều định kiến, thiệt thòi, bị chi phối bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ…  nhưng họ vẫn vươn lên, tự khẳng định mình, có đóng góp tích cực cho gia đình và xã hội ở mọi mặt đời sống: giáo dục, khoa học, nghệ thuật,  kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Nhiều phụ nữ đã ghi danh tên tuổi của mình vào lịch sử, trở thành những tấm gương sáng cho các thế hệ phụ nữ noi theo.

Ông Hà Ngọc Anh - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương tại buổi nói chuyện
Ông Hà Ngọc Anh – Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương tại buổi nói chuyện

Tuy vậy, trước yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, công tác phụ nữ còn nhiều mặt hạn chế, đồng thời lại có những vấn đề mới đặt ra với nhiều thách thức. Ông Hà Ngọc Anh đã chỉ ra những nguyên nhân đồng thời nêu các văn bản thể hiện quan điểm, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ, cán bộ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Buổi nói chuyện đã cung cấp nhiều kiến thức, nội dung quan trọng để các đại biểu hiểu biết, nỗ lực phấn đấu cũng như tin tưởng vào các chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với công tác phụ nữ và cán bộ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Buổi nói chuyện do Ban vì sự tiến bộ phụ nữ phối hợp với Công đoàn Bộ VHTTDL tổ chức chào mừng 87 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam.

(Nguồn: Hà Anh – Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)

Đêm nhạc thiện nguyện hướng về vũng lũ: Thành công hơn cả mong đợi

(Tổ Quốc) – Đêm nhạc đã quyên góp được 210 triệu đồng tiền mặt, 3,5 tấn gạo, 04 máy lọc nước, 1000 cuốn vở viết, cùng nhiều hiện vật khác như: thuốc chữa bệnh, đồ dùng gia dụng, thực phẩm… với tổng trị giá gần 400 triệu đồng.

Nhằm chia sẻ khó khăn với những người dân vùng mưa lũ, các nghệ sỹ Hà Nội cùng nhóm thiện nguyện Hương Thiện Tâm, Hội cựu học sinh Dân Lam Sơn, Hội quán Trái tim yêu tổ chức đêm nhạc “Chung tay” với mong muốn góp phần nào hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ.

Chỉ có hai ngày chuẩn bị, đêm nhạc đã được tổ chức vào 20g ngày Chủ nhật – 15/10/2017 tại Hà Nội với sự tham gia của các nghệ sỹ: NSƯT Kim Tiến, NSƯT Hồng Liên; ca sỹ Văn Giáp, Hương Mơ, Cẩm Tú, Trần Tuấn Hòa, Mai Trần Lâm, Guitare Phương Phạm; MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng…

Đêm nhạc đã thu hút nhiều khán giả là cựu học sinh trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) đến ủng hộ chương trình với mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình chia sẻ với người người dân vùng lũ. Họ thực sự xúc động trước tình cảm của các nghệ sỹ khi cháy hết mình cho những ca khúc lắng đọng dành cho chương trình. Đặc biệt, ca khúc Thương về Miền Trung do ca sỹ Hương Mơ (người Huế, hiện định cư tại CHLB Đức) cùng những hình ảnh vô cùng thương tâm về miền Trung đang oằn mình chịu lũ đã khiến không ít khán giả rơi lệ.

NSƯT Kim Tiến – người khởi xướng chương trình cho biết, trước khi diễn ra đêm nhạc 2 tiếng, ông Hồ Huy – Chủ tịch HĐQT/ Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh đang đi công tác nước ngoài nhưng khi biết tin có chương trình của anh chị em nghệ sỹ, ông Hồ Huy đã gọi điện về vận động anh chị em cán bộ nhân viên Mai Linh, Quỹ An toàn Giao thông và Phát triển cộng đồng (TCF) cùng chung tay ủng hộ chương trình 100 triệu đồng. Tập đoàn Mai Linh cũng sẽ hỗ trợ xe chở nghệ sỹ và các anh chị em thực hiện chương trình đến các địa phương để trao quà sau đêm nhạc.

MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng, người đã tham gia rất nhiều chương trình thiện nguyện và cũng là thành viên tích cực trong BTC chia sẻ: Đây là chương trình khởi đầu cho chuỗi những chương trình tiếp theo của anh chị em nghệ sỹ chúng tôi. Với mong muốn trực tiếp được chia sẻ với người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão lũ, sau đêm nhạc tại Hà Nội này, chúng tôi sẽ đến Thanh Hoá, trực tiếp trao quà cho các hộ gia đình thuộc các thôn, xã khó khăn nhất trên địa bàn hai huyện Thọ Xuân và Yên Định (Thanh Hóa).

Cũng tại đêm nhạc, bức tranh “Mùa xuân” của luật sư, hoạ sỹ Nguyễn Thị Hạnh – người con của quê hương xứ Thanh, người đã từng tặng tranh cho cựu Tổng thống Mỹ Obama đã được bán đấu giá với mức giá khởi điểm là 0 đồng. Người sở hữu bức tranh này là anh Lê Thế Ngân (Lê Văn Lương – Hà Nội) đã trả giá cao nhất bức tranh này với mức 25 triệu đồng. Bế trên tay cô con gái nhỏ, anh Ngân chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi tham gia đấu giá từ thiện, lần đầu tiên khi con trai tôi 3 tuổi, và lần này, sau mười lăm năm, khi con gái thứ hai cũng mới ba tuổi. Tôi mua bức tranh Mùa Xuân với mong muốn dạy các con mình biết thương yêu và biết chia sẻ tấm lòng đối với những hoàn cảnh khó khăn”.

Tiến sỹ Vũ Thị Hoà (cựu học sinh Lam Sơn Thanh Hoá, giảng viên Học viện Tư pháp) – thành viên Ban Tổ chức chương trình cho hay, mặc dù  chỉ có hai ngày chuẩn bị cho một chương trình nhưng đã hội tụ được rất nhiều các anh chị em nghệ sỹ tham gia và tự nguyện hát không lấy cát xê để ủng hộ. Chúng tôi thật sự xúc động và cảm ơn tấm chân tình của các nghệ sỹ, đặc biệt là ca sỹ – NSƯT Kim Tiến và ca sỹ – MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng đã khởi xướng chương trình này.

Còn ông Lê Việt Thuỷ, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội – Chủ tịch Hội cựu học sinh Lam Sơn xúc động nói: “Chúng tôi, những cựu học sinh Lam Sơn (Thanh Hoá) đến đây với mong muốn được góp phần nhỏ bé của mình cho người dân quê tôi và mong rằng, sau chương trình này, chúng tôi sẽ làm được nhiều hơn nữa để không chỉ ủng hộ cho quê hương mình mà còn để ủng hộ người dân những vùng miền khác cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai…”

Kết thúc chương trình, TS Vũ Hòa – thành viên BTC cho biết: “”Đêm nhạc đã quyên góp được 210 triệu đồng tiền mặt, 3,5 tấn gạo, 04 máy lọc nước, 1000 cuốn vở viết, cùng nhiều hiện vật khác như: thuốc chữa bệnh, đồ dùng gia dụng, thực phẩm… với tổng trị giá gần 400 triệu đồng. Chương trình đã thành công hơn mong đợi bởi số tiền này không chỉ hỗ trợ riêng cho Thanh Hóa mà chúng tôi sẽ còn đến hỗ trợ cho bà con khó khăn ở những vùng lũ khác như: Sơn La, Hoà Bình, và đặc biệt là Yên Bái, nơi có một nhà báo và hàng chục người dân đã bị lũ cuốn trôi trong đợt lũ lịch sử này.

Nhà báo Hà Linh Ngọc – trưởng nhóm thiện nguyện Hương Thiện Tâm cũng xúc động cảm ơn các anh chị em nghệ sỹ và những tấm lòng hảo tâm cả trong nước và kiều bào ở xa Tổ quốc đã chung tay ủng hộ chương trình. Với hành trình 9 năm của nhóm Hương Thiện Tâm, những trái tim thiện tâm luôn có mặt tại những nơi khó khăn và mong muốn được “mang lửa yêu thương thắp trên mọi miền”.

Chương trình vẫn tiếp tục nhận sự ủng hộ của người dân ở khắp mọi miền cho đến khi đi trao quà thực tế tại địa phương (dự kiến từ ngày 18-20/10).

(Nguồn: Tuấn Minh – Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)

Liên hoan Múa rối ASEAN 2017: Rối Việt Nam và sự nỗ lực tìm kiếm thị trường biểu diễn

VH- Trong đêm bế mạc Liên hoan Múa rối ASEAN 2017 tối 14.10 tại Nhà hát Múa rối Việt Nam, khán giả và các nghệ sĩ múa rối ASEAN đã cùng được trải nghiệm một sự kết hợp đầy thú vị giữa loại hình nghệ thuật múa rối đa dạng của các nền nghệ thuật rối ASEAN như rối bóng Campuchia, rối dây của Thái Lan, rối tay của Philippines với loại hình nghệ thuật múa rối nước độc đáo, được coi là “đặc sản” riêng của người Việt Nam.

Trong 5 ngày diễn ra Liên hoan với sự tập luyện và phối hợp ăn ý, đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng và 34 nghệ sĩ đến từ 10 quốc gia thành viên ASEAN: Campuchia, Brunei, Myanmar, Thái Lan, Lào, Singapore, Philippines, Indonesia, Việt Nam và những nghệ sĩ múa rối Nhật Bản (khách mời của liên hoan) đã cống hiến cho khán giả một chương trình nghệ thuật đầy thú vị và bất ngờ. Khó có ai có thể nghĩ nghệ sĩ rối bóng Campuchia lại có thể đùa vui bên những chú rùa hay chú rối que của Philippines lại thò tay để bắt được chú cá trong hồ nước…

Nghệ sĩ Paskorn Sun Thornmonkol của Đoàn rối Hunchangforn (Thái Lan) chia sẻ: “Những người làm nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp quốc tế đều dành cho nghệ thuật múa rối Việt Nam sự ngưỡng mộ đặc biệt. Đó là lý do chúng tôi vô cùng hào hứng khi đạo diễn Việt Nam xử lý cho nghệ sĩ chúng tôi được lội nước và diễn với các nghệ sĩ Việt Nam. Trên mặt nước những con rối của chúng tôi trở nên kì ảo và hấp dẫn lên rất nhiều. Cuộc chơi đầy sáng tạo này càng làm cho chúng tôi khâm phục hơn cách dàn dựng và biểu diễn của nghệ sĩ Việt Nam. Tính chuyên nghiệp của các bạn Việt Nam thể hiện rất rõ ở sự phối hợp biểu diễn tập thể. Hơn thế, nghệ sĩ Việt Nam cũng đã rất năng động khi thực hiện điều khiển được đủ các thể loại rối từ rối nước cho tới nhiều thể loại rối cạn như rối dây, rối tay, rối bóng…”.

Trong cộng đồng ASEAN, Việt Nam được các đồng nghiệp đánh giá rất cao về những bứt phá gần đây từ cách dàn dựng chương trình, tiết mục cho tới trình độ biểu diễn. Đó là lý do mà Hiệp hội Múa rối ASEAN đã quyết định 2 năm gần đây lựa chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức Liên hoan thường niên. Bà Ngô Thanh Thuỷ, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tham gia Hiệp hội Múa rối ASEAN. Năm nào, Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng tham gia Liên hoan múa rối ASEAN ở bất kì quốc gia nào trong cộng đồng ASEAN. Chúng tôi muốn các nghệ sĩ của mình thử lửa và có những trải nghiệm mới. Và nghệ sĩ Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm kỹ thuật biểu diễn và dàn dựng cho các đồng nghiệp bạn. Sự hội nhập này giúp cho các đạo diễn, nghệ sĩ múa rối Việt Nam có thêm những kiến thức về múa rối, đồng thời đây cũng là dịp để nhà hát mở rộng thị trường biểu diễn”.

 Các nghệ sĩ quốc tế và Việt Nam trên sân khấu múa rối nước Việt Nam

Đạo diễn, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam nhận định: “Khi tham gia biểu diễn ở các quốc gia như Thái Lan, Indonesia… chúng tôi thấy nền nghệ thuật của họ phát triển mạnh bởi bộ môn múa rối được người dân nước họ rất ưa chuộng. Ngay cả khi đặt chân tới sân bay của nước bạn thôi cũng đã bắt gặp những hình ảnh quảng bá cho nghệ thuật múa rối ở khắp mọi nơi. Điều này khiến chúng tôi rất trăn trở khi mà múa rối vẫn chỉ là món đặc sản đối với khách quốc tế. Thi thoảng những dịp rằm trung thu, tết thiếu nhi thì mới có những suất diễn phục vụ đối tượng khán giả trong nước, chủ yếu là khán giả thiếu nhi. Đào tạo khán giả trẻ cho nghệ thuật múa rối đang là một trong những bước đi mà chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu bằng mọi cách”.

Trong khuôn khổ Liên hoan Múa rối ASEAN 2017, Hiệp hội Múa rối ASEAN đã phối hợp thực hiện dự án Puppets & Passages đào tạo giúp một số học sinh của Việt Nam tiếp cận với nghệ thuật múa rối.

 Một nhóm nghệ sĩ quốc tế do Hiệp hội tuyển chọn từ các nước Singapore, Malaysia, Campuchia, Thái Lan đã trực tiếp tới trường THCS và THPT M.V Lômônôxốp để dạy cho học sinh cách tạo hình và điều khiển các con rối. Cô Nguyễn Tuyết Mai, giáo viên ngoại ngữ của Trường Lômônôxốp cho biết: “Nhà trường đã lựa chọn 45 học sinh từ khối lớp 6 đến khối lớp 12 để tham gia dự án. Không chỉ các em mà giáo viên chúng tôi cũng thấy rất hào hứng với việc có thể tự thiết kế con rối và biểu diễn. Chúng tôi rất mong các cơ quan có trách nhiệm của ngành nghệ thuật sẽ có sự bắt tay vào cuộc với ngành giáo dục để tạo nên những dự án đầy ý nghĩa giáo dục như thế này. Tôi tin chắc rằng nếu cứ luôn được tiếp xúc với loại hình nghệ thuật truyền thống múa rối thì sẽ có nhiều em đi theo con đường làm nghệ thuật”.

Hội nhập để tìm cho mình phong cách riêng, một bản sắc riêng mới tạo được dấu ấn với khán giả. Sự “được mùa” xuất ngoại mỗi năm tới cả chục chuyến lưu diễn khắp các khu vực trên thế giới đã cho thấy phần nào những nỗ lực của ngành múa rối Việt Nam. Và điều đáng ghi nhận hơn là trong những kịch mục biểu diễn cho khán giả quốc tế không chỉ có múa rối nước mà có sự góp mặt của những chương trình rối cạn hay, có chất lượng.

(Nguồn: Đào Anh – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Xung quanh cuốn “Họa sĩ khóa kháng chiến”: “Tôi sẽ dập đầu xin lỗi…”?

VH- Họa sĩ khóa kháng chiến 1950- 1954 là một ấn phẩm vừa mới được NXB Mỹ Thuật ấn hành, và ngay lập tức đã gặp phải phản ứng gay gắt của họa sĩ Nguyễn Trần Minh, con trai cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm, người được dựng “chân dung” qua một bài phỏng vấn in trong cuốn sách này. Theo họa sĩ Trần Minh, họ đã “bóp méo sự thật, bôi nhọ vong linh bố tôi”.

Không giấu được nỗi niềm và sự bức xúc của mình, cuối tháng 9 vừa qua họa sĩ Nguyễn Trần Minh, hội viên Hội Mỹ thuật VN đã viết đơn kiến nghị gửi đến nhiều cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp và NXB, trong đó đề nghị dừng và thu hồi cuốn sách Họa sĩ khóa kháng chiến 1950-1954 “vì đã ảnh hưởng đến danh dự của bố tôi là họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm (đã mất)”.

Cũng trong đơn này họa sĩ Trần Minh nói rõ, “tác giả bài viết đã từng đến nhà tôi xin tư liệu về bố tôi nhưng vì tác giả không đưa ra được lý do chính đáng để in sách (trong bối cảnh tranh giả tranh nhái rất nhiều) nên tôi không đồng ý cung cấp tư liệu. Tác giả này sau đó đã tự ý đi phỏng vấn họa sĩ Nguyễn Đức Hòa để lấy thông tin tư liệu về bố tôi để in sách nhưng những thông tin mà họa sĩ Nguyễn Đức Hòa phát ngôn là không đúng, xúc phạm đến người đã khuất”.

Bỏ cụm từ “Giáo sư âm nhạc” của ca sĩ Ngọc Sơn
Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam vừa cho biết, Hội này không phong tặng danh hiệu “Giáo sư âm nhạc” cho ông Phạm Ngọc Sơn (tức ca sĩ Ngọc Sơn), đồng thời quyết định hủy bỏ cụm từ Giáo sư âm nhạc đã được đề trong bằng khen đã cấp trước đó. Với lý do là ca sĩ này không cung cấp được giấy tờ chứng minh chức danh là “Giáo sư âm nhạc”.

Trước câu chuyện thực ra là rất không đáng có này, người viết đã liên lạc với họa sĩ Lê Trí Dũng, và ông than vãn “đây là điều đáng tiếc”. Họa sĩ Lê Trí Dũng cho biết, khi biết được lá đơn của con trai cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm gửi đi nhiều nơi, ông buộc lòng phải xem kỹ đồng thời liên hệ một số nơi để kiểm tra và đọc đi đọc lại nhiều lần bài viết về họa sĩ Trọng Kiệm trong cuốn sách. “Chủ đích cuốn sách này thật tốt nếu nó làm theo tôn chỉ, tôn vinh các giá trị nghệ thuật của cá nhân họa sĩ hoặc tác phẩm nghệ thuật! Nhưng lời lẽ trong bài nói về cố danh họa Nguyễn Trọng Kiệm đã không làm được việc đó. Bị phản tác dụng. Phân tích không khách quan, đưa một thói tật sinh hoạt đời thường rất cá nhân…

Trong cuốn sách in một số tranh của cố danh họa Nguyễn Trọng Kiệm nhưng không được sự đồng ý của gia đình họa sĩ. Tôi, một người khi trẻ từng được tiếp xúc với chú Trọng Kiệm (một người với cha tôi như anh em) và rất yêu tài năng của chú, tự thấy viết về chú ấy như thế này là không ổn”, họa sĩ Trí Dũng nói.

Chuẩn bị đi gặp một số họa sĩ khác để làm rõ hơn về câu chuyện “kiện tụng” này thì họa sĩ Lê Trí Dũng thông báo qua điện thoại, “họa sĩ Nguyễn Đức Hòa bày tỏ đã rất ân hận về bài viết của mình. Anh ấy nói đã từng không cho đăng nhưng biên tập viên kiên quyết dùng. Đây là thông tin mà chị Đặng Thị Bích Ngân, Giám đốc NXB Mỹ thuật vừa cho biết”.

Cũng theo họa sĩ Lê Trí Dũng, chị Ngân đã loan báo như sau: “Chào cả nhà. Tôi vừa nhận được message của họa sĩ Đức Hòa, anh rất ân hận về bài viết của mình và đã nhận lỗi, muốn gỡ bài viết đó trong cuốn sách. Đặc biệt anh nói, “anh ở xa, nếu gặp Nguyễn Trần Minh sẽ dập đầu xin lỗi”.

Với những thông tin trên, người viết đã trao đổi với họa sĩ Nguyễn Trần Minh, rằng có rút đơn kiến nghị không, họa sĩ Trần Minh nói, không những không rút mà sẽ tiếp tục làm đơn kiến nghị để làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan. “Nghe những thông tin như vậy tôi cũng cảm thấy đã nguôi ngoai phần nào, nhưng đó là họ trao đổi với nhau chứ cá nhân tôi và gia đình chưa nhận được bất kỳ thông tin gì hay lời xin lỗi nào từ phía họa sĩ Nguyễn Đức Hòa”. Họa sĩ Trần Minh còn nói rõ, “nếu họ không đến xin lỗi và có những bồi hoàn về danh dự cho bố tôi thì mọi việc sẽ do cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Được biết, NXB Mỹ thuật đã có những “thương lượng” với gia đình nhưng chưa đi đến sự đồng thuận nào.

(Nguồn: Lâm Sơn – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Một cuộc đời vĩ đại đằng sau những khiếm khuyết

“Câu chuyện đời tôi” – tự truyện của người mù, điếc đầu tiên trên thế giới tốt nghiệp đại học.

“Tính cách không thể phát triển một cách dễ dàng trong bình lặng. Chỉ qua thử thách và gian khổ, tâm hồn ta mới trở nên mạnh mẽ hơn, hoài bão hình thành, công danh thành tựu”. Đó là chia sẻ của Helen Keller, nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội, diễn giả người Mỹ. Bà là người khiếm thị và khiếm thính đầu tiên của nước Mỹ đạt được học vị Cử nhân Nghệ thuât.

Helen Keller (1880-1968), bị mất thính giác và thị giác do bạo bệnh khi 19 tháng tuổi. Suốt gần 6 năm sau đó là quãng thời gian thinh lặng tuyệt đối và đầy bóng tối đối với bà. Nhưng bắt đầu từ năm 7 tuổi, dưới sự hướng dẫn và tình yêu của cô Anne Sullivan, Helen Keller đã học để có thể đọc, viết và nói được. Sự kiên quyết nỗ lực với tinh thần bền bỉ của bà trong việc truy cầu kiến thức đã giúp Hellen bước vào giảng đường đại học và sau đó đóng góp nhiều cho xã hội cũng như cộng đồng người khuyết tật. Nghị lực phi thường của Helen Keller được tái hiện một cách chân thực và đầy cảm xúc trong cuốn tự truyện “Câu chuyện đời tôi”.

Theo chia sẻ của dịch giả Nguyễn Thành Nhân, trong quá trình đi tìm những tác phẩm hay, có giá trị nhưng chưa được dịch ở Việt Nam, ông tình cờ bắt gặp một tác phẩm tưởng đã chìm vào lớp bụi lãng quên, đó chính là Câu chuyện đời tôi – The Story of My Life của Helen Keller. “Đọc qua vài chương, tôi mới giật mình nhận ra mình còn quá nhiều điều chưa biết. Helen Keller là một con người vĩ đại, càng vĩ đại hơn nữa khi bà là một người phụ nữ, bị mù và điếc khi mới 19 tháng tuổi, nhưng đã làm được những điều vô cùng kỳ diệu và vĩ đại. Vậy mà mãi đến lúc đó tôi mới biết về bà!”, dịch giả Nguyễn Thành Nhân bày tỏ niềm ngưỡng mộ với nữ văn sĩ Helen Keller.

Có lẽ, không riêng gì dịch giả Nguyễn Thành Nhân mà bất cứ ai đọc tự truyện “Câu chuyện đời tôi” cũng có chung niềm ngưỡng mộ đó.

(Nguồn: T.Lê – Báo Điện tử Vietnamnet)

Sóng gió gia đình Hoàng Hoa Thám trong hồi ký “Kỷ niệm thời ấu thơ”

“Kỷ niệm thời thơ ấu” được viết năm 1963 tại Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang). Đây là những dòng hồi ức chân thực về tuổi thơ về cuộc sóng gió của gia đình, đánh dấu những giai đoạn đấu tranh và trốn tránh trong núi rừng Yên Thế.

“Kỷ niệm thời thơ ấu” là cuốn Hồi ký của con gái Hoàng Hoa Thám dịch từ nguyên bản viết tay bằng tiếng Pháp.

Hoàng Hoa Thám tức Đề Thám, một trong những gương mặt quan trọng nhất của lịch sử Việt Nam, ông để lại một nguời con gái, Hoàng Thị Thế đã có một vận mệnh khác thường, cùng một người con trai sinh năm 1908, Hoàng Hoa Phồn, còn có tên Hoàng Bùi Phồn hay Hoàng Văn Vi, đã qua đời năm 1945.

Sinh ngày 31-3-1901 ở Phồn Xương, Hoàng Thị Thế được hứa hôn với một người con của hoàng đế Trung Hoa lúc lên ba. Tháng 6 năm 1909, bà cùng mẹ bị người Pháp bắt. Lúc đầu được Bouchet nhận trông nom, sau giao cho nhà tư sản Nguyễn Hữu Thu ở Hải Phòng chăm sóc. Sau khi theo học trường Tây ở Bắc kỳ, bà bị đưa sang Pháp năm 1917. Bà được Albert Sarraut (Toàn quyền Đông Dương) nhận làm con nuôi, và cho theo học ở trường nội trú Jeanne D’Arc ở Biarritz. Bà lấy tên là Marie Beatrice Destham.

Năm 1925, học xong tú tài phần một, bà được đưa về Việt Nam làm thủ thư ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ. Năm 1927, bà được đưa trở lại Pháp. Trở lại Paris, Albert Sarraut giới thiệu bà như là công chúa. Tổng thống nước Cộng hòa Paul Doumer, trở thành người cha đỡ đầu và cấp cho bà một khoản trợ cấp gây nên nhiều tranh cãi. Năm 1930, bà bắt đầu đóng phim. Vai diễn đầu tiên là vai một công chúa Trung Hoa tên là Li-Ti trong phim La Lettre (Bức thư) do hãng Paramout sản xuất tại Paris. Năm 1931 bà kết hôn với ông Robert Bourgès – người Pháp gốc Bỉ, sinh được một con trai là Jean Marie Bourgès (1935), bà tiếp tục có các vai diễn trong các phim La donna Bianca (1931), Le secret de l’émeraude (1935).

Năm 1940 bà ly hôn. Năm 1959, bà được Tổng thống Ngô Đình Diệm, người kế nhiệm vua Bảo Đại, mời về Sài Gòn. Trong một chuyến công cán sang Paris, người em dâu của tổng thống, bà Ngô Đình Nhu, định thuyết phục bà trở về, nhưng không có kết quả.

Khoảng năm 1960-1961 Bà quyết định trở về Hà Nội với sự giúp đỡ của Phan Kế Toại, Phó Thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, vì thấy đây là một lợi thế về chính trị với danh nghĩa Đề Thám.

“Kỷ niệm thời thơ ấu” được viết năm 1963 tại Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang). Đây là những dòng hồi ức chân thực về tuổi thơ về cuộc sóng gió của gia đình, đánh dấu những giai đoạn đấu tranh và trốn tránh trong núi rừng Yên Thế.

Hoàng Thị Thế – con gái thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế Hoàng Hoa Thám. Mẹ là Đặng Thị Nho, tục gọi là bà Ba Cẩn, vợ ba đồng thời là cộng sự của thủ lĩnh Đề Thám. Năm 1909 bà cùng mẹ bị bắt trong chiến dịch tấn công cuối cùng của quân Pháp vào Yên Thế. Mẹ bà bị kết án đày sang đảo Guyanne (Nam Mỹ) thuộc Pháp, rồi qua đời vì bệnh lao ở trại cách ly Alger trên đường đi, ngày 25-11-1910.

Năm 16 tuổi (1917) Hoàng Thị Thế được Albert Sarraut, Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ đưa sang Pháp. Năm 1931 bà lấy người chồng Pháp tên là Robert Bourgès. Năm 1932, bà là người sơ cứu đầu tiên cho cha đỡ đầu, Paul Doumer, Tổng thống Cộng hòa Pháp bị ám sát.

Năm 1961, bà về sống ở Việt Nam. Hồi ký Kỷ niệm thời thơ ấu được bà viết ở Hà Bắc năm 1963.

(Nguồn: T.Lê – Báo Điện tử Vietnamnet)

Hoa cỏ may- phim đình đám hấp dẫn thế hệ 8x chuẩn bị lên sóng

(Tổ Quốc) – Phần 3 bộ phim đình đám một thời “Hoa cỏ may” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh sẽ trở lại với khán giả màn ảnh nhỏ từ ngày 11/10 trên sóng VTV1.

Phần 3 bộ phim đình đám một thời “Hoa cỏ may” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh sẽ trở lại với khán giả màn ảnh nhỏ từ ngày 11/10 trên sóng VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam sau khi bộ phim “Giao mùa” kết thúc.

Hơn 10 năm sau thành công vang dội của “Hoa quả may“, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã bắt tay sản xuất phần 3 của bộ phim này. “Hoa cỏ may” phần 3 sẽ kể tiếp cho khán giả câu chuyện của nhóm bạn thân Na, Bình, Thái, Thủy, Tiến, Hương, Hùng ở thời điểm 10 năm sau câu chuyện của phần 2.

Với 39 tập phim “Hoa cỏ may” phần 3 sẽ kể về những con người trẻ tuổi bước vào cuộc sống với biết bao khát vọng, đam mê, tình yêu. Trong cuộc sống đó, họ cũng gặp không ít sóng gió, bão táp tưởng chừng muốn gục ngã; phim còn đề cập tới tình yêu với hơi thở của thời đại.

Dù là tiếp nối 2 phần trước nhưng nội dung của “Hoa cỏ may” phần 3 có thay đổi, toàn bộ nhân vật nữ được thay mới, chỉ giữ nguyên tuyến nhân vật nam. Ngoài những tên tuổi đã gắn liền với khán giả như nghệ sĩ Trung Anh, Hải Anh… phần 3 “Hoa cỏ may” còn có sự góp mặt của nhiều gương mặt mới Thiện Tùng, Thân Thanh Giang, Lương Giang, Vân Anh, Mỹ Hạnh…

“Hoa cỏ may” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh là bộ phim đã gây tiếng vang từ năm 2001. Phần 1 của “Hoa cỏ may” mang tên “Thời niên thiếu”, kể về hành trình của những bạn trẻ đến từ nhiều vùng quê. Họ gặp nhau tại Thủ đô và lập ra một nhóm bạn thân thiết.

Phần 2 mang tên “Những tháng ngày bình yên” là câu chuyện tình yêu của các bạn trẻ đan xen giữa tình bạn, được miêu tả nhẹ nhàng, sâu lắng. “Hoa cỏ may” phần 3 hứa hẹn sẽ đem tới cho khán giả nhiều cảm xúc mới.

Sau khi phần 2 của bộ phim khép lại vào năm 2001, Hoa cỏ may đã để lại nhiều dấu ấn với khán giả truyền hình, đặc biệt là những người thuộc thế hệ 8x. đã đưa tên tuổi của rất nhiều gương mặt đến gần hơn với khán giả như: Hồ Ngọc Hà, Hải Anh, Quyết Thắng, Vi Cầm… Ngay khi phát sóng, “Hoa cỏ may” đã thực sự tạo nên một “cơn sốt” trên màn ảnh nhỏ, nhận được phản hồi tích cực của khán giả truyền hình. Gắn liền với bộ phim cùng tên, ca khúc “Hoa cỏ may” do ca sĩ Hằng Nga thể hiện có giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng. Là sáng tác của nhạc sĩ Dương Đức Thụy, ca khúc “Hoa cỏ may” đã góp phần tạo nên sức hút và dấu ấn sâu đậm cho bộ phim truyền hình của đạo diễn Lưu Trọng Ninh…

Những điều này khiến phần 3 của Hoa cỏ may được nhiều người mong đợi. Chính ê-kíp làm phim cũng nóng lòng chờ đón phần tiếp theo này với nhiều ý tưởng mới mẻ được gửi gắm.

Chia sẻ về Hoa cỏ may 3 đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết: “Tôi nghĩ phần 3 của bộ phim không có trách nhiệm nối tiếp phần 2 mà phải phát triển nội dung mạnh mẽ hơn. Phần 3 bộ phim có vẻ đẹp cuộc đời lãng mạn hơn phần 2 rất nhiều”.

“Thời bình yên đã qua, các nhân vật của tôi cần phải bước vào cuộc đời với những giá trị và nhu cầu khác nhau. Họ cần phải lựa chọn những lối đi riêng, không còn đơn thuần mơ mộng về tình yêu hay những chuyện ganh ghét, tủi hờn”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ.

Đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng tâm sự ông được truyền cảm hứng từ nhân vật Quasimodo và Esmeralda trong Thằng gù nhà thờ Đức Bà. Chính vì vậy, ông đã tạo ra hai nhân vật với mối quan hệ tương tự trong phim của mình./.

(Nguồn: Hồng Hà – Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)

Tháng 10, nhớ người ca sĩ hát rất hay về Hà Nội

(Tổ Quốc) – Như viên ngọc ẩn mình trong cát và tháng năm tự hoàn thiện mình, đến một ngày phát lộ thì ánh sáng rực rỡ vô cùng. Sân khấu nào cũng phải nhất mực có Ngọc Tân, địa phương nào cũng yêu cầu tiếng hát Ngọc Tân…

Tôi quen thân với Ngọc Tân sau ngày miền Nam giải phóng, khi từ mặt trận trở về Thủ đô Hà Nội. Lúc này, Ngọc Tân còn đang là một hợp xướng viên thầm lặng trong dàn hợp xướng Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Mặc dù chỉ khiêm tốn vậy, nhưng khi tiếp xúc với anh, ai cũng thấy một vẻ quyến rũ, một sức hấp dẫn lạ lùng. Không chỉ bởi dáng vẻ hào hoa, lịch lãm, tri thức với cặp kính trắng đeo thường trực trên mắt, mà còn bởi một giọng hát trữ tình với âm sắc rất đẹp của anh. Câu hỏi đặt ra, với nhiều thiên phú như vậy, tại sao con người và tiếng hát này vẫn còn khiêm tốn thế, vẫn còn thầm lặng thế?

Cũng phải nói thêm rằng, Hà Nội lúc này có nhiều giọng hát, nhiều gương mặt nghệ thuật trẻ đặc sắc. Hầu như tất cả họ đều được đào tạo cơ bản qua hệ thống kinh viện là Nhạc viện Hà Nội (trong khi đó Ngọc Tân lại không được thuận lợi này). Có thể kể đến những Quang Huy, Quang Thọ, Ái Vân, Lệ Quyên (Nhà hát Ca múa nhạc trung ương), Dương Minh Đức, Lê Dung, Doãn Tần… (của Đoàn nghệ thuật Quân đội), Trọng Nghĩa, Bích Thảo, Huyền Châu… (của đoàn Ca múa Hà Nội) và ngay ở đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam nơi Ngọc Tân công tác, cũng lại có những Thanh Hoa, Vân Khánh (chưa kể lớp đàn anh đã tên tuổi như Trần Khánh, Trần Thụ, Tuyết Thanh, Thu Phương…).

Thế nhưng rồi như viên ngọc ẩn mình trong cát và tháng năm tự hoàn thiện mình, đến một ngày phát lộ thì ánh sáng rực rỡ vô cùng, một dịp may đã đưa Ngọc Tân bước ra khỏi dàn hợp xướng, phát lộ ánh sáng của mình và tiếng hát của anh ngay lập tức được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Chỉ một thời gian ngắn, nhất là từ sau khi từ cuộc thi: “Con người và biển cả” với giải đặc biệt trở về, một “cơn sốt Ngọc Tân” nóng bỏng trên các sân khấu văn nghệ.

Sân khấu nào cũng phải nhất mực có Ngọc Tân, địa phương nào cũng yêu cầu tiếng hát Ngọc Tân. Các nhà hát, các đoàn nghệ thuật mở rộng cửa đón chào anh. Với đông đảo khán thính giả, đêm nào bật lên làn sóng phát thanh hay truyền hình mà thiếu đi tiếng hát Ngọc Tân, lại cảm thấy như thiếu hụt một điều gì, nhớ nhung một điều gì. Có thể nói những ngày tháng ấy, ít một ca sỹ nào vinh quang như Ngọc Tân. Anh thành niềm yêu mến, tôn thờ, ngưỡng mộ, thành thần tượng của không biết bao nhiêu con tim. Anh thực sự là một viên ngọc quý của nền nghệ thuật của chúng ta.

Nhưng thật bất ngờ rằng, giữa lúc vinh quang tột đỉnh ấy, Ngọc Tân lại ra đi…

Ngày Ngọc Tân ra đi, tôi ở thành phố Hồ Chí Minh chứ không còn ở Hà Nội.

Thế rồi một buổi chiếu khi tôi cùng một số anh em văn nghệ sỹ TP. Hồ Chí Minh lên thăm chiến khu Đ Mã Đà, nhạc sỹ Trần Tiến bỗng ghé tai tôi thì thầm: “Ngọc Tân vượt biên rồi”. Thú thực tôi sững sờ, choáng váng. Và suốt đêm ấy, giữa gió rừng đại ngàn Mã Đà, tâm trí tôi chỉ nghĩ về Ngọc Tân, về lớp lớp sóng gió nơi biển khơi…

…Bạn ra đi tôi đã mất bạn rồi

Ta mất nhau trong tình yêu thứ nhất

Ta mất nhau trong tình yêu Tổ quốc

Ngã ba nào nơi ta phải chia ly?

 

Cho sóng hãy bình yên

Cho gió hãy bình yên

Xin tất cả dồn vào tim tôi hết

Dẫu lầm lỗi mạng người là quý nhất

Biển khơi ơi, xin bão tố bình yên…

Bão và tố đã không bình yên. Ít ngày sau, tôi hay tin con tàu gặp giông bão. Ngọc Tân dìu được con vào bờ, nhưng người vợ thân yêu của anh thì mãi mãi nằm lại giữa biển khơi…

Năm ấy Ngọc Tân 31 tuổi. Đỉnh cao và vực thẳm. Vinh quang và cay đắng. Cái được cũng nhiều mà cái mất càng kinh khủng hơn. Từ đây, anh phải nhận một hệ lụy mà cuộc đời anh không bao giờ ngờ tới.

Mùa thu Hà Nội
Mùa thu Hà Nội

Ở trại giam, như Ngọc Tân kể, cũng bởi nhờ tiếng hát mà anh được ưu ái hơn. Nhưng nỗi dày vò tinh thần thì thật nặng nề. Dù vậy, cũng còn đỡ hơn những ngày được trả tự do. Vẫn sân khấu ấy, con đường kia, ngôi nhà nọ… mà bỗng chốc mất tất cả. Hai bàn tay trắng. Gia đình tan nát. Con thành côi cút. Khát vọng trở lại với nghệ thuật không thể thực hiện. Không công ăn việc làm. Trong cảnh ngộ ấy, có thể ai đó đã tìm tới cái chết. Nhưng Ngọc Tân thì khác. Anh cắn chặt răng và quyết làm lại cuộc đời…

Năm 1984, chúng tôi gặp lại nhau ở TP. Hồ Chí Minh… Lúc này, Đoàn nghệ thuật Bông Sen TP.HCM đã dang rộng vòng tay đón Ngọc Tân, hỗ trợ cho anh trở lại với con đường nghệ thuật, giúp anh làm lại cuộc đời. Một sinh khí mới trong con người Ngọc Tân, bởi trước đó anh đã quá bôn ba, thăng trầm…

Từ đây, anh đĩnh đạc trở lại sân khấu, với đúng dáng vẻ lịch lãm, hào hoa của mình. Anh tha thiết dâng hiến cho đời tiếng hát nồng nàn tình yêu sau những bão giông. Anh yêu khán giả Sài Gòn và khán giả Sài Gòn cũng dành cho chàng trai Hà Nội này những tình cảm đặc biệt. Cùng với ca sỹ Sỹ Thanh, các anh làm nên một cặp “bài trùng” rất đẹp của Đoàn nghệ thuật Bông Sen ngày ấy. Ngọc Tân đi diễn ở TP.HCM, ở các tỉnh phía Nam, phía Bắc, trở ra Hà Nội… Và cả những chuyến lưu diễn nước ngoài, điều mà chính anh cũng không ngờ tới vì sau lần vượt biên bất thành, anh đã nghĩ cánh cửa quốc tế đã vĩnh viễn khép lại với mình…

Cũng từ đây, anh xây dựng tổ ấm của mình, cũng với một cô gái Hà Nội, họ sinh hạ được một cô con gái xinh đẹp. Thế là với Ngọc Tân, có đủ nếp, đủ tẻ. Anh yêu gia đình mình, và hết lòng với tổ ấm này…

Số phận của anh từ đây kể như yên. Cuộc đời của anh từ đây kể như sang những trang mới tươi đẹp. Và phải nói, tiếng hát Ngọc Tân từ đây qua những thăng trầm, mất mát càng như thiết tha hơn, cháy bỏng hơn, càng hay hơn rất nhiều… Anh thực hiện live show đầu tiên của mình, cũng là đầu tiên của một ca sỹ Việt Nam – “Biển của một thời” được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Doanh thu rất có lãi. Anh được ghi nhận là ca sỹ hát hay nhất về Hà Nội, về biển, về tình yêu và những nỗi day dứt của cuộc đời… Không còn thật trẻ, nhưng anh vẫn có được một lượng người hâm mộ đông đảo, được kể như một “Ông hoàng” của sân khấu ca nhạc. Mỗi ngày càng thêm nhiều người yêu quý tiếng hát của anh, ngưỡng mộ anh, và coi anh như thần tượng của mình…

Bước vào tuổi 50, Ngọc Tân vẫn còn rất sung sức trong nghệ thuật. Anh vẫn ra Bắc, vào Nam, đi các nước trình diễn. Nhưng lá gan của anh bắt đầu có vấn đề. Một cuộc chiến đấu mới của anh với bệnh tật lại bắt đầu. Lặng lẽ, âm thầm, quyết liệt. Một lần nữa anh quyết không đầu hàng số phận, quyết chiến đấu với bệnh tật bằng tất cả ý chí, niềm lạc quan và tình yêu nồng nàn với cuộc sống của mình…

Nhưng đáng tiếc thay, trong cuộc chiến đấu này, người nghệ sỹ thân yêu của chúng ta đã bất lực. Cuộc đời anh khép lại ở tuổi 56. Khép lại một số phận có đủ vinh quang và đắng cay, nhưng trên hết vẫn là một tiếng hát tuyệt vời, một tiếng hát minh chứng cho một cuộc đời tuy nhiều thăng trầm chìm nổi nhưng luôn giàu ý chí vươn lên…

Thế hệ nghệ sỹ của anh có nhiều người sớm ra đi như Tiến Thành, Hữu Nội, Lê Dung, Sỹ Thanh… cũng nhiều người bôn ba “chân trời góc bể” như Vân Khánh, Huyền Châu, Ái Vân, Lệ Quyên… Và cũng còn nhiều người đến hôm nay vẫn tiếp tục mang tiếng hát dâng hiến cho cuộc đời như Quang Thọ, Quang Lý, Quang Huy, Dương Minh Đức, Thanh Hoa, Trung Đức, Thu Hiền…

Tất cả đều bàng hoàng về sự ra đi của Ngọc Tân. Thực sự không ai ngờ tới. Trước đó ở Tuần Châu, tiếng hát của anh vẫn còn đầy ma lực khiến nhiều người nghe kinh ngạc, rồi khi về Hải Phòng, anh vẫn được công chúng chào đón nồng nhiệt như ngày nào, có những người lái xe taxi chở anh đi mà nhất quyết không lấy tiền vì quá hâm mộ tiếng hát của anh… Và ở album cuối cùng của anh “Hà Nội ngày chia xa”, tiếng hát của anh vẫn tha thiết, nồng nàn, sang trọng và tươi trẻ. Không ai nghĩ đấy là tiếng hát báo trước nỗi chia lìa mãi mãi của anh với cuộc đời lắm vinh quang nhưng cũng nhiều nước mắt của một nghệ sỹ đã 56 tuổi, và càng không ai nghĩ rằng đó là tiếng hót cuối cùng của một con chim khổng tước kiêu sa…

(Nguồn: Triệu Phong – Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)

Bất ngờ cô gái Nùng giành quán quân sao mai 2017, nhận “cơn mưa” giải thưởng

Dân trí Cùng với Đỗ Tố Hoa giành quán quân dòng Thính phòng, cô gái dân tộc Nùng khả ái Sèn Hoàng Mỹ Lam đã về nhất dòng Dân gian. Không chỉ có vậy, Mỹ Lam cũng nhận “cơn mưa” giải thưởng và được đặc cách vào Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam công tác.

Tối 7/10, đêm chung kết xếp hạng giải Sao mai 2017 đã diễn ra tại Thanh Hoá, được phát sóng trực tiếp trên VTV1. Không nằm ngoài dự đoán, cùng với Đỗ Tố Hoa giành quán quân dòng Thính phòng, Nguyễn Thị Thu Thủy giành quán quân dòng nhạc nhẹ, cô gái dân tộc Nùng khả ái Sèn Hoàng Mỹ Lam đã về nhất dòng Dân gian. Không chỉ có vậy, Mỹ Lam cũng nhận “cơn mưa” giải thưởng và được đặc cách vào Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam công tác.

Trước đó, Mỹ Lam cũng đã được đông đảo khán giả dự đoán sẽ giành ngôi vị quán quân dòng Dân gian mùa giải năm nay khi theo dõi suốt hành trình dự thi của cô.

Sèn Hoàng Mỹ Lam là người dân tộc Nùng, đến từ Lào Cai, cô được xem là một trong những gương mặt khả ái nhất của mùa giải năm nay, cùng giọng hát tươi sáng, trong veo, thánh thót, mỗi khi Mỹ Lam xuất hiện, sân khấu luôn dường như sáng bừng theo tiếng hát của cô. Rất nhanh chóng, Mỹ Lam đã được ví von như hoạ mi của dòng nhạc dân gian.

Trong đêm chung kết, sự xuất hiện của Mỹ Lam đặc biệt thu hút với phong cách biểu diễn mang tố chất của một nghệ sĩ. Mỹ Lam chọn cho mình 1 ca khúc khó của nhạc sĩ Trần Ngọc Quang, “Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên”. Cô gái Nùng cất giọng cao vút , tinh tế , vừa uyển chuyển vừa hào sảng…

Mỹ Lam vừa “bắt tai” phần nghe, vừa “bắt mắt” phần nhìn khi cô diện trang phục được thiết kế vừa mang đậm màu sắc dân tộc lại vừa mang âm hưởng hiện đại. Cô gái mảnh mai như mang cả những nét rạng rỡ, thanh xuân nhất của núi rừng đến với khán giả.

Sinh năm 1993 sở hữu giọng hát dân gian thính phòng với hình thức sáng sân khấu cùng phong cách biểu diễn chuyên nghiệp, cô gái họ Sèn hứa hẹn sẽ là ngôi sao mới của làng nhạc dân gian.

Chiến thắng thuyết phục của Mỹ Lam không chỉ đem về cho cô ngôi vị quán quân dòng nhạc Dân gian, còn giúp cô giành giải “Ngôi sao hy vọng” – giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam, giải thưởng của Ban Truyền hình tiếng Dân tộc Đài THVN.

Rơi nước mắt trong giây phút công bố trở thành quán quân dòng nhạc Dân gian Sao mai 2017, Sèn Hoàng Mỹ Lam chia sẻ, cô thực sự vô cùng xúc động và không ngừng hồi hộp sau khi kết thúc cuộc thi gần 2 tiếng đồng hồ trống ngực cô vẫn còn đập thình thịch. Mỹ Lam tin, giải thưởng sẽ là “bệ phóng” để cô phát triển mạnh mẽ trên con đường âm nhạc của mình. Ngay sau cuộc thi, Mỹ Lam sẽ bắt tay vào các dự án nghệ thuật thật nhanh chóng.

(Nguồn: Báo Điện tử Dân trí)