Vui Tết độc lập ở Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam

(Tổ Quốc) – Từ 1 đến 31/9/2017, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn với chủ đề “Vui Tết Độc lập”.

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Quốc khánh (2-9-1945/2-9-2017), từ ngày 1 đến 31/9/2017, Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn với chủ đề “Vui Tết Độc lập”.

Điểm nhấn của chuỗi hoạt động “Vui Tết Độc lập” tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam là không gian chợ vùng cao “Đến với Hà Giang – Chợ Tết cao nguyên đá Đồng Văn” được tái hiện chân thực, mang đậm sắc màu văn hóa tỉnh Hà Giang, nơi mua bán, trao đổi hàng hoá, gặp gỡ giao lưu… Bên cạnh đó, nhiều Lễ hội đặc sắc cũng được tái hiện như “Lễ hội Khèn Mông của đồng bào dân tộc Mông huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang”, “Lễ vào nhà mới” của đồng bào dân tộc Mông”. Đặc biệt, “Tết rằm tháng Bảy” của đồng bào dân tộc Dao, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội cũng sẽ được giới thiệu với đông đảo du khách.Cũng trong dịp này, Làng sẽ lần đầu tiên tái hiện “Lễ hội bơi chải truyền thống tỉnh Phú Thọ”. Đây là một lễ hội thể hiện tinh thần thượng võ của ông cha ta, tinh thần kiên cường bất khuất quyết tâm bảo vệ sự yên bình của quê hương, đất nước, tinh thần rèn luyện không ngừng nghỉ của thủy quân thời xưa.

Ngoài ra, không gian tổ chức lễ hội – Sân khấu nổi sẽ giới thiệu, trưng bày 100 bức ảnh với chủ để “Văn hóa đất Tổ – Cội nguồn văn hóa các dân tộc Việt Nam”, các chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ, trình diễn xiếc, múa rối nước… thú vị hứa hẹn tạo nên nhiều ấn tượng cho du khách về nét văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Khoảng 300 đồng bào các dân tộc, nghệ sỹ, diễn viên, sinh viên của 12 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer, Chăm, Kinh) của 11 tỉnh, thành sẽ có hoạt động hàng ngày tại Làng trong tháng 9./.

(Nguồn: Hồng Hà – Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)

Khai mạc Ngày Quốc gia Việt Nam tại Expo – 2017

VH- Ngày 29.8 trong khuôn khổ Expo 2017 Astana đang diễn ra ở Kazakhstan, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì Ngày Quốc gia Việt Nam.

Tham dự Lễ khai mạc Ngày Quốc gia Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Kazakhstan Đoàn Thị Xuân Hiền; ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng đại diện Việt Nam tại EXPO-2017 và đại diện một số cơ quan liên quan. Về phía Kazakhstan có ngài Bozhko Vladimir, Phó Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan, lãnh đạo Bộ Văn hóa và Thể thao Kazakhstan, đại diện Ban Tổ chức EXPO-2017, Astana, Đại sứ các nước tại Kazakhstan, Tổng đại diện, Giám đốc các Nhà Triển lãm của hơn 100 quốc gia và các tổ chức quốc tế tham gia EXPO-2017 tại Astana.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, với mục đích hướng đến phát triển đất nước bền vững, Chính phủ Việt Nam đặt ra nhiều mục tiêu, chương trình trọng điểm trong đó có các chương trình về phát triển năng lượng.Việt Nam đặc biệt coi trọng phát triển nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và có nhiều nguồn năng lượng khác nhau, có tiềm năng phát triển như: năng lượng nước, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối, năng lượng tái tạo… và các nguồn năng lượng này đã được Chính phủ đưa vào chương trình phát triển nguồn năng lượng quốc gia giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn 2030.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì Ngày Quốc gia Việt Nam. Phó Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan cùng nhiều quan chức cấp cao của Kazakhstan tham dự sự kiện.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì Ngày Quốc gia Việt Nam. Phó Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan cùng nhiều quan chức cấp cao của Kazakhstan tham dự sự kiện.

Ngoài ra, năm 2015 Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Xuất phát từ quan điểm sẵn sàng phát triển nguồn năng lượng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên chính thức đăng ký tham gia EXPO 2017 tại Astana, Kazakhstan với chủ đề “Truyền thống và hiện đại – Năng lượng tương lai Việt Nam”.“Không gian Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2017, Astana đã thể hiện được tổng hòa các nguồn năng lượng sạch của Việt Nam cũng như chủ đề của Việt Nam khi tham gia EXPO 2017 tại Kazakhstan lần này, đồng thời giới thiệu với bạn bè quốc tế các giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam với nhiều di sản đã được UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện và các đại biểu xem chương trình nghệ thuật tại Lễ khai mạc

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, tham gia EXPO 2017 cũng thể hiện sự ủng hộ của Việt Nam với nước chủ nhà Kazakhstan. Điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn đối với quan hệ song phương Việt Nam-Kazakhstan khi năm 2017 hai nước cùng kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Quan hệ hữu nghị Việt Nam- Kazakhstan thời gian qua có bước phát triển không ngừng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa… thông qua các chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước…

Sau bài phát biểu xúc động và ý nghĩa của Bộ trưởng đã diễn ra chương trình nghệ thuật ca múa nhạc truyền thống Việt Nam do các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam biểu diễn. Chương trình gồm nhiều tiết mục đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống của văn hóa nghệ thuật Việt Nam với nhiều thể loại ca múa nhạc, độc tấu… đã thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều khách tham quan tại đây.

 

Chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ, giảng viên đến từ Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam biểu diễn

Bộ trưởng cho biết, theo thông lệ của Ban Tổ chức, mỗi thành viên tham gia EXPO-2017 được quyền chọn cho mình ngày để tổ chức Ngày Quốc gia. Và lý do người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam chọn ngày 29.8 là Ngày Quốc gia Việt Nam tại Kazakhstan vì gắn với sự kiện 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2.9. Vào ngày này, toàn bộ các hoạt động chính của EXPO – 2017 sẽ dành cho Việt Nam.“Đây là sự kiện quan trọng nhất của Việt Nam tại EXPO-2017.

Và tại đây, trên cơ sở chủ đề của EXPO là “Năng lượng tương lai”, Việt Nam chọn chủ đề là kết nối giữa truyền thống và hiện đại – năng lượng tương lai của Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu hội nhập và phát triển vì một tương lai bền vững và tốt đẹp nhất. Chúng ta đã kết hợp rất hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Và chính vì điều đó, chúng ta đã thu hút được mỗi ngày trung bình 7.000 – 8.000 người đến tham quan Nhà Triển lãm Việt Nam.

Kể từ ngày mở cửa, đã có hơn nửa triệu người đến tham quan gian trưng bày của Việt Nam. Có thể nói, Nhà triển lãm Việt Nam đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với nhân dân Kazakhstan. Và tôi hy vọng sau triển lãm này nhân dân Kazakhstan và bạn bè quốc tế sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đặc biệt, khách du lịch sẽ đến Việt Nam nhiều hơn”, Bộ trưởng chia sẻ.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan Bozhko Vladimir đánh giá cao sự tham gia của Việt Nam tại EXPO- 2017 và Nhà Triển lãm Việt Nam được trưng bày với nhiều sản vật văn hóa độc đáo. Sự tham gia của Việt Nam tại EXPO – 2017 góp phần phát triển hơn nữa quan hệ Việt Nam-Kazakhstan về nhiều mặt và coi đây là sự kiện có ý nghĩa lớn trong năm 2017 khi Việt Nam và Kazakhstan cùng kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trên diện tích 403 m2, Nhà Triển lãm Việt Nam được thiết kế thành một tổng thể thống nhất giới thiệu những nét đẹp truyền thống từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam và để hướng đến thông điệp mang tính chủ đề: Coi trọng sự “Kết nối truyền thống và hiện đại” trong phát triển tương lai. Theo đó, thông qua ngôn ngữ triển lãm, mô hình khổ lớn như thật, pano, ảnh khổ lớn, những khu trưng bày đề cao tương tác sinh động, Nhà Triển lãm Việt Nam đưa khách tham quan trải nghiệm những nét đẹp của cảnh quan đất nước, văn hoá, tập quán sống, tâm hồn và nhân sinh quan của con người Việt Nam; kết thúc khu giới thiệu nét đẹp truyền thống Việt Nam là khu vực giới thiệu vùng đồng bằng sông Mekong trù phú, với thông điệp cảnh báo về những vấn đề mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt, trong đó có biến đổi khí hậu v.v… qua đó, cam kết và kêu gọi sự chung tay, hợp tác của cộng đồng thế giới cho một tương lai tốt đẹp hơn, tìm những giải pháp về năng lượng tương lai mà Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có tiềm năng phát triển vào bậc nhất khu vực Đông Nam Á (năng lượng gió và năng lượng mặt trời).

Khách tham quan được chứng kiến những hình ảnh đẹp mắt về cảnh quan đặc sắc, về nền văn hoá đa dạng và con người thân thiện của Việt Nam; tìm hiểu những sản phẩm du lịch tiềm năng của Việt Nam, những sản phẩm làng nghề truyền thống độc đáo được làm từ bàn tay khéo léo của con người Việt Nam; tìm hiểu nét đẹp và những đặc trưng văn hoá vùng miền. Xem những thước phim sinh động, đẹp mắt của du lịch Việt Nam, khách tham quan còn có thể chụp hình ghép với những cảnh quan tiêu biểu của Việt Nam để làm bưu thiếp gửi cho bạn bè, người thân để giữ lại kỷ niệm với Việt Nam.

Thăm Nhà Triển lãm Việt Nam, khách tham quan còn được thưởng thức các tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật Rối nước và những màn trình diễn của những nghệ sĩ âm nhạc dân tộc.

Tham dự EXPO – 2017 Astana, Việt Nam muốn truyền tải thông điệp coi trọng kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện văn minh hiện đại để tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại. Thực hiện đô thị hóa nhanh, bền vững, bên cạnh việc duy trì lối sống hòa hợp với thiên nhiên ở nông thôn và tạo lập thói quen tiêu dùng bền vững trong bối cảnh hội nhập với thế giới toàn cầu.

Nhà Triển lãm Việt Nam hằng ngày tổ chức ba chương trình biểu diễn nghệ thuật diễn ra trong suốt ba tháng với những tiết mục độc đáo do những giảng viên, nghệ sĩ có kinh nghiệm đến từ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhà hát Múa rối Việt Nam.

(Nguồn: Hà Giang – Nguyễn Thắng – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Chuông Vàng Vọng cổ 2017: Chờ đợi những nhân tố mới

VH- Chuông Vàng Vọng cổ mùa thứ 12- 2017 chuẩn bị bước vào giai đoạn Vòng Chung kết xếp hạng (CKXH). Bốn đêm thi của Vòng tuyển chọn dẫu đã có khá nhiều đổi mới trong cách tổ chức, chấm thi… nhưng nỗi lo thì vẫn còn đó.

So với mùa thi năm 2016, thí sinh năm nay có nhiều lợi thế hơn về mặt sắc vóc, đặc biệt là các thí sinh nữ. Tuy nhiên cho đến lúc này, những gương mặt được chọn vào vòng CKXH vẫn chưa tạo được dấu ấn nào đặc biệt cho khán giả cả về cá tính trong giọng ca lẫn bản lĩnh sân khấu. Nhược điểm lớn nhất của hầu hết thí sinh sau các đêm thi ở vòng Tuyển chọn là cách vô câu vọng cổ thiếu sự sự mượt mà, thậm chí có cả trường hợp còn bị “chênh”, “phô”- điều tối kỵ khi đã đi đến vòng Tuyển chọn.

Một nỗi buồn khác, khi có mặt NSƯT Thanh Tuấn ở vị trí giám khảo khách mời, không biết do vô tình hay cố ý mà một số thí sinh đã chọn cho mình cách thể hiện bài ca rất giống với NSƯT Thanh Tuấn?

Vẫn biết, thí sinh ở vòng này chỉ như những viên ngọc thô, cần được mài dũa mới có thể thực sự toả sáng, nhưng kỳ vọng có thể tìm được một giọng ca đặc biệt từ những thí sinh năm nay, e chừng là điều không đơn giản.

Chất lượng TS ở mùa giải năm nay có lẽ cũng không nằm ngoài dự đoán khi vài năm trở lại đây, CVVC ngày càng hiếm hoi những giọng ca lạ. Nhiều TS đoạt giải cao cũng chỉ dừng ở mức có giọng ca khỏe, vô vọng cổ ngọt ngào, ca lòng câu tốt, nhịp vững, còn sự khác biệt trong làn hơi, chất giọng để có thể nhận ra “chủ nhân” của giọng ca đó giữa bao nhiêu giọng ca vọng cổ khác lại là điều cực kỳ hiếm.

Năm nay CVVC càng “bất lợi” hơn khi thiếu vắng hẳn những TS của khu vực miền Bắc, miền Trung do vòng sơ tuyển diễn ra trùng thời điểm các đoàn cải lương phía Bắc bận tập trung cho Liên hoan Tài năng Trẻ diễn viên sân khấu cải lương 2017. Con số chỉ hơn 250 thí sinh đăng dự thi khiến không ít người quan tâm lo ngại cho một cuộc thi đã là thương hiệu của Đài Truyền hình TP.HCM với hơn mười mùa giải.

Có ý kiến cho rằng lượng TS tham gia ít do CVVC ngày càng giảm sức hấp dẫn. Nhưng ở góc khác, cũng lý luận độ khó, tính chuyên nghiệp của CVVC ngày càng cao nên chỉ có những thí sinh có đủ tự tin và bản lĩnh mới dám mạnh dạn thử sức ở CVVC. Nhưng dù ở góc nhìn nào thì số TS đăng ký dự thi CVVC năm nay vẫn là điều đáng để những người tổ chức phải suy ngẫm.

(Nguồn: Khánh Vân – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Triển lãm ảnh và phim phóng sự – tài liệu trong Cộng đồng ASEAN

VH- Thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về tuyên truyền, quảng bá ASEAN, về sự hình thành của Cộng đồng ASEAN và các lợi ích do Cộng đồng mang lại, chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 22 năm Việt Nam gia nhập ASEAN trong năm 2017, Bộ TT&TT và UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo giao Trung tâm Báo chí và Hợp tác truyền thông quốc tế phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Ninh Bình tổ chức Triển lãm ảnh và phim phóng sự – tài liệu trong Cộng đồng ASEAN tại Việt Nam ở Trung tâm Hội nghị tỉnh Ninh Bình từ ngày 28 đến 31.8.

Triển lãm giới thiệu người xem hơn 300 tác phẩm ảnh và gần 60 phim phóng sự – tài liệu đoạt giải và vào vòng chung khảo của Liên hoan quốc tế ảnh và Phim phóng sự – tài liệu về đất nước con người trong Cộng đồng ASEAN năm 2010 (là năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN), Liên hoan ảnh và phim phóng sự – tài liệu về Bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu trong Cộng đồng ASEAN năm 2013, Liên hoan ảnh – phóng sự và phim tài liệu về các dân tộc trong Cộng đồng ASEAN năm 2015 do Bộ TT&TT tổ chức.

Các tác phẩm phản ánh nhiều chủ đề phong phú của vẻ đẹp đất nước, con người các quốc gia ASEAN, văn hóa truyền thống các nước ASEAN, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu… Đến với Triển lãm, khán giả sẽ hiểu biết hơn về văn hóa, con người, môi trường sống của các quốc gia trong khu vực ASEAN. Qua đó, sự kiện cũng tạo cơ hội, điều kiện cho các dân tộc ngày càng xích lại gần nhau vì một nền văn hóa ASEAN đầy bản sắc, đa dạng trong thống nhất.

Triển lãm còn góp phần kêu gọi nhân dân Việt Nam cùng chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN, một cộng đồng vì mục tiêu hòa bình, ổn định, phát triển và hướng tới người dân; nâng cao nhận thức của công chúng về sự hình thành Cộng đồng ASEAN. Sau Triển lãm, toàn bộ ảnh và phim phóng sự – tài liệu sẽ được trao tặng lại UBND tỉnh Ninh Bình để tiếp tục tuyên truyền, quảng bá về cộng đồng ASEAN.

Triển lãm ảnh và phim phóng sự – tài liệu trong Cộng đồng ASEAN

Trước đó, trong khuôn khổ Chương trình Lễ hội vàng ASEAN, ngày 26.8 tại Hà Nội đã diễn ra Trưng bày ảnh “Đất nước, con người ASEAN”. Bộ ảnh được lựa chọn trưng bày rất đặc sắc, có chất lượng nghệ thuật tốt. Mỗi tác phẩm là những khoảnh khắc đẹp và sinh động về đất nước, con người, văn hóa của mỗi quốc gia trong khối ASEAN. Thông qua bộ ảnh, công chúng có cơ hội hiểu hơn về các quốc gia, dân tộc khác trong khu vực, góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN đoàn kết, năng động, phát triển, một khu vực hòa bình, thịnh vượng.

(Nguồn: P.Thảo – Báo Điện tử Văn hóa, Bộ VHTTDL)

Tiếp cận di sản tư liệu triều Nguyễn tại Văn Miếu

(Tổ Quốc) – Sáng ngày 26/8, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám chủ trì phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV tổ chức triển lãm với chủ đề “Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã đến dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.

Triển lãm giới thiệu về 3 di sản tư liệu triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu Thế giới (còn gọi là Chương trình Ký ức Thế giới) của UNESCO ra đời từ năm 1992 gồm Mộc bản triểu Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế.

Triển lãm "Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn” khai mạc sáng 26/8 tại Văn Miếu
Triển lãm “Tiếp cận Di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam qua di sản tư liệu triều Nguyễn” khai mạc sáng 26/8 tại Văn Miếu

Trong đó, Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên tại Việt Nam do UNESCO công nhận. Ðây là những bản khắc gỗ dùng để in sách chữ Hán, chữ Nôm với nhiều loại hình khác nhau như sách lịch sử, địa chí, văn chương… đặc biệt là những trang về lịch sử triều Nguyễn cũng như lịch sử Việt Nam. Mộc bản vừa phản ánh những giá trị về thông tin vừa mang những giá trị nghệ thuật bởi lẽ chúng đã thể hiện nghệ thuật điêu khắc gỗ rất tinh xảo của người thợ thủ công xưa.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên tham quan triển lãm
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên tham quan triển lãm

Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thứ hai của triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Đây là những văn bản hành chính của triều Nguyễn do các cơ quan chính quyền từ trung ương đến địa phương soạn thảo và thông qua hoàng đế “ngự lãm”, “ngự phê” bằng mực son để truyền đạt ý chỉ hoặc giải quyết những vấn đề về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nội dung của Châu bản phản ánh đầy đủ, toàn diện các quan điểm, chính sách đối nội, đối ngoại của triều Nguyễn trên tất cả các lĩnh vực của xã hội đương thời.

Triển lãm đem đến cho công chúng thưởng lãm và giới nghiên cứu những trải nghiệm thú vị qua các di sản tư liệu triều Nguyễn

Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu thứ ba của triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. So với Mộc bản là những tài liệu ván khắc âm bản dùng để in sách thì thơ văn chạm khắc trên các cấu kiện gỗ của kiến trúc cung đình Nguyễn là ván khắc dương bản, một tác phẩm chạm khắc hoàn chỉnh rất có giá trị, nhất là tính độc bản của nó.

Phát biểu tại buổi lễ TS Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết “Triển lãm giới thiệu về các di sản tư liệu qua một số chủ đề nổi bật như Quốc hiệu đất nước qua Mộc bản; Khoa cử thời Nguyễn qua Châu bản và Tinh thần dân tộc qua Thơ trên kiến trúc cung đình Huế. Triển lãm được khái quát qua hơn 70 tài liệu hình ảnh về mộc bản, châu bản, thơ trên triến trúc cung đình Huế cùng 16 phiên bản mộc bản. Hy vọng triển lãm sẽ đem đến cho công chúng thưởng lãm và giới nghiên cứu những trải nghiệm thú vị qua các di sản tư liệu triều Nguyễn”./.

(Tin, ảnh: Hoàng Nguyên – Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)

Tổng giám đốc UNESCO thăm quần thể danh thắng Tràng An

Đến thăm Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình), bà Irina Bokova – Tổng Giám đốc UNESCO cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời, kỳ vĩ của “di sản kép” – nơi hội tụ được cả yếu tố thiên nhiên và văn hóa hiếm nơi nào có được.

Chiều 24/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) bà Irina Bokova đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Bình – nơi có Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Đến thăm chùa Bái (nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An), Tổng Giám đốc UNESCO được ông Đinh Văn Điến – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình bày tỏ sự vui mừng khi được đón tiếp lãnh đạo cao nhất của UNESCO.

Bà Irina Bokova - Tổng Giám đôc UNESCO thăm và làm việc tại Ninh Bình chiều 24/8.
Bà Irina Bokova – Tổng Giám đôc UNESCO thăm và làm việc tại Ninh Bình chiều 24/8.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã giới thiệu về những giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, lịch sử và địa chất, địa mạo của Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi danh và “di sản kép” của nhân loại.

Ông Đinh Văn Điến nhấn mạnh, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, không chỉ là niềm tự hào của tỉnh Ninh Bình mà còn là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về một đất nước Việt Nam giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và thiên nhiên.

Chuyến thăm và làm việc lần này sẽ giúp bà Irina Bokova cùng Đoàn hiểu rõ hơn những giá trị của Di sản Tràng An đã đạt được và mong muốn UNESCO sẽ dành sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa đến công tác bảo tồn di sản tại Việt Nam nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng.

Tổng Giám đốc UNESCO thăm chùa Bái Đính - Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An.
Tổng Giám đốc UNESCO thăm chùa Bái Đính – Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An.

Tổng Giám đốc UNESCO đã cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình dành cho đoàn. Bà Irina Bokova bày tỏ, đây là lần thứ 3 đến Việt Nam và là lần đầu tiên đến thăm Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An và đã cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời, kỳ vĩ của một “di sản kép” – nơi hội tụ được cả yếu tố thiên nhiên và văn hóa hiếm nơi nào có được.

Tổng Giám đốc UNESCO cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ di sản vật thể và phi vật thể, đảm bảo tự phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Việt Nam và tỉnh Ninh Bình đã thực hiện tuân thủ nghiêm các khuyến nghị và các quy định của tổ chức quốc tế trong giữ gìn bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Bà Irina Bokova vui mừng trong lần đầu đến thăm danh thắng Tràng An.
Bà Irina Bokova vui mừng trong lần đầu đến thăm danh thắng Tràng An.

Nhân chuyến thăm, ông Đinh Văn Điến – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã tặng Tổng Giám đốc UNESCO đồng tiền thời nhà Đinh và giới thiệu đây là đồng tiền xưa nhất, khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao và văn hóa chế độ phong kiến từ thế kỷ thứ X. Bà Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova cũng tặng tỉnh Ninh Bình cuốn sách “Các Di sản Thế giới”.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Tổng Giám đốc UNESCO cùng các đại biểu đã trồng cây lưu niệm tại Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính – Ngôi chùa lớn nhất Việt Nam hiện đang lưu giữ nhiều kỷ lục Việt Nam, châu Á và Đông Nam Á.

Những hình ảnh về chuyến thăm Ninh Bình của Tổng Giám đốc UNESCO ngày 24/8.

Trụ trì chùa Bái Đính chào đón Tổng Giám đốc UNESCO đếm thăm chùa.
Trụ trì chùa Bái Đính chào đón Tổng Giám đốc UNESCO đếm thăm chùa.
Tổng Giám đốc UNESCO dâng hương tại chùa Bái Đính.

Tổng Giám đốc UNESCO dâng hương tại chùa Bái Đính.

Bà Bokova tham quan Bảo Tháp...
chụp ảnh lưu niệm...
trồng cây lưu niệm tại chùa.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng đồng tiền nhà Đinh cho Tổng Giám đốc UNESCO.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tặng đồng tiền nhà Đinh cho Tổng Giám đốc UNESCO.

(Nguồn: Thái Bá – Báo Điện tử Dân trí)

Trình diễn xiếc quốc tế ấn tượng tại Việt Nam dịp Quốc khánh 2/9

Ngoài các tiết mục do nghệ sĩ hai nước Việt Nam và Nhật Bản trình diễn, dịp Quốc khánh 2/9 này khán giả Việt Nam còn được thưởng thức tài nghệ trình diễn của các nghệ sĩ đến từ Châu Mỹ: Braizil, Argentina, Ecuador, Chile, Mexico, Columbia…

Hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Nhật Bản (1973 – 2018) đồng thời tham gia vào việc tăng cường hiểu biết, giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước; thắt chặt hơn quan hệ hợp tác, học hỏi lẫn nhau giữa nghệ sĩ xiếc Việt Nam với nghệ sĩ xiếc Nhật Bản và quốc tế; đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày một cao của khán giả yêu mến nghệ thuật xiếc trong cả nước; được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn xiếc Việt Nam hợp tác với công ty xiếc Nhật Bản Happy Dream Circus giới thiệu chương trình xiếc quốc tế đặc sắc.

Các nghệ sĩ quốc tế sẽ biểu diễn trong chương trình (Ảnh: Khánh Huyền)

Chương trình xiếc quốc tế được diễn ra từ ngày 1/9 đến ngày 1/12 tại Hà Nội; sau đó biểu diễn tại các tỉnh, thành phố trên toàn quốc từ ngày 2/12/2017- 1/4/2018.

NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, tại chương trình, khán giả sẽ được thưởng thức những màn trình diễn đầy kịch tính, mạo hiểm, táo bạo, hấp dẫn, mang tính nghệ thuật cao của các nghệ sĩ quốc tế như: Đu bay, Nhào lộn trên không, Vòng quay tử thần, Moto bay trong lồng, Phun lửa, đu trên cao…

Tiết mục xiếc ngựa của các nghệ sĩ Việt Nam cũng được khán giả chờ đợi.

Các nghệ sĩ hài quốc tế cũng đem lại tiếng cười sảng khoái với những tiết mục trình diễn hài hước. Góp mặt trong chương trình nghệ thuật ý nghĩa và đặc sắc này, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng giới thiệu những tiết mục xiếc thú, tiết mục hài đặc sắc.

(Nguồn: Nguyễn Hằng – Báo Điện tử Dân trí)

Bộ VHTTDL lấy ý kiến góp ý sửa đổi 3 Nghị định quan trọng

(Tổ Quốc) – Chiều 22/8 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác triển khai thực hiện Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (Nghị định 62/2014/NĐ-CP); Nghị định xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” (Nghị định 89/2014/NĐ-CP); Nghị định xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật (Nghị định 90/2014/NĐ-CP).

Theo Báo cáo của Vụ Thi đua khen thưởng, Nghị định 62 là văn bản có tính pháp lý và nhân văn sâu sắc, kịp thời ghi nhận và tôn vinh nghệ nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể. Đây là lần đầu tiên các nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được xét tặng danh hiệu vinh dự nhà nước, danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.

Các quy định về nguyên tắc, đối tượng, trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị xét tặng tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP rõ ràng, minh bạch, công khai, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát.

Trên cơ sở các quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về việc hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, Nghị định 62 còn một số nội dung chưa phù hợp như Về đối tượng xét tặng; thành viên tham gia Hội đồng cấp tỉnh; hồ sơ của Hội đồng cấp tỉnh; hồ sơ cá nhân phải nộp lên cấp tỉnh; về thành viên tham gia Hội đồng các cấp.

Với Nghị định 89 về Công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” được ban hành với các nội dung, quy định rõ ràng, có nhiều quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn cho các nghệ sĩ. Tuy nhiên, sau 8 lần thực hiện, Nghị định 89 bộc lộ một số nội dung chưa phù hợp thực tiễn được Bộ VHTTDL chỉ ra như: Bản xác nhận Giải thưởng của tập thể để tính quy đổi thành tích cho cá nhân tại một số hồ sơ được thực hiện chưa đúng quy định về thẩm quyền xác nhận hoặc quy đổi chưa đúng thành phần theo quy định; Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp tỉnh: Một số Hội đồng được thành lập chưa theo đúng quy định, thiếu các đại diện có uy tín về chuyên ngành nghệ thuật.

Với Nghị định số 90 quy định việc xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, Giải thưởng Nhà nước” về Văn học nghệ thuật, qua thực hiện nổi lên hai nội dung chưa phù hợp là Quy định về tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng và Quy định về tỉ lệ phiếu đồng ý của Hội đồng các cấp.

Tại Hội nghị, các nghệ sĩ, nhà quản lý đã góp ý kiến về những vấn đề còn tồn tại trong quá trình xét tặng các danh hiệu trên ở cơ sở. Theo đó, những quy định về thời gian được xét phong tặng từ Nghệ sĩ ưu tú lên Nghệ sĩ nhân dân, về sự cần thiết của giá trị “thước đo” công chúng khi phong Nghệ sĩ nhân dân hơn là thành tích huy chương…

Quy định về huy chương đang bộc lộ nhiều bất cập trong xét danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân. Như với trường hợp Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, gần 20 năm nay, không có cuộc thi, liên hoan cấp quốc gia nào được tổ chức về nhạc giao hưởng, bởi vậy, các nghệ sĩ của Dàn nhạc không được xét danh hiệu, điều này là bất công, thiệt thòi cho nghệ sĩ.

Thứ trưởng Lê Khánh Hải cho biết: “Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Nghị định số 62/2014/NĐ-CP, Nghị định số 89/2014/NĐ-CP, Nghị định 90/2014/NĐ-CP tại Hà Nội và tới đây sẽ tổ chức tại TP HCM với mong muốn được lắng nghe ý kiến thảo luận, đánh giá của Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp Bộ, tỉnh; các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể về công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể; các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ có uy tín trong từng lĩnh vực nghệ thuật về công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”. Trên tinh thần cầu thị lắng nghe, tiếp thu ý kiến tại Hội nghị và sau đợt xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể; danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, Nghệ sĩ Ưu tú” năm 2018, Bộ VHTTDL sẽ tổng hợp, rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, có ý kiến chỉ đạo để công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể; danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, Nghệ sĩ Ưu tú” được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tôn vinh các nghệ nhân có công bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hoá phi vật thể của đất nước; tôn vinh các văn nghệ sĩ có nhiều cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà trong tình hình thực tế hiện nay”./.

(Nguồn: Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)

Triển lãm Hội chợ sách Quốc tế – Việt Nam 2017: cơ hội cho sách Việt xuất ngoại

(Tổ Quốc) – Dù 2 năm diễn ra một lần, nhưng Triển lãm – Hội chợ sách Quốc tế – Việt Nam đã và đang mang đến những cơ hội cho sách Việt xuất ngoại.

Lâu nay, nhìn vào thị trường sách Việt Nam không khó để nhận ra “cán cân” không cân bằng giữa sách nước ngoài được nhập vào Việt Nam và sách Việt Nam được xuất ra nước ngoài.

Mặc dù cũng là một Hội sách nhưng điểm đặc biệt ở Triển lãm – Hội chợ sách Quốc tế – Việt Nam lần này độc giả có thể thấy sự xuất hiện của nhiều ấn phẩm nước ngoài hoặc sách trong nước được chuyển ngữ ra nước ngoài.

Trong lời phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã cho rằng: Ngành Xuất bản Việt Nam đã chủ động hơn trong việc trao đổi, hợp tác bản quyền với nước ngoài, từng bước tiếp cận với công nghệ xuất bản hiện đại của các nước. Tại Triển lãm – Hội chợ sách Quốc tế – Việt Nam đã, đang và sẽ diễn ra các hoạt động trao đổi, giao dịch về bản quyền giữa các đơn vị xuất bản trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của sách và Internet, xu thế đọc sách điện tử đã và đang có những bước tiến. “Sách điện tử của Việt Nam đang bắt đầu hình thành và phát triển mạnh, giới thiệu tới bạn đọc ngày càng nhiều xuất bản phẩm với phương án xuất bản linh hoạt và cập nhật hơn. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đã ký biên bản hợp tác với một số nước trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực xuất bản. Đồng thời, Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức như: Hiệp hội xuất bản Châu Á – Thái Bình Dương, Hiệp hội Xuất bản Asean và Tổ chức mã số sách tiêu chuẩn quốc tế ISBN. Điều đó cho thấy ngành Xuất bản Việt Nam đang từng bước hội nhập vững chắc trong quá trình phát triển”- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay.Nhìn lại 5 lần tổ chức Triển lãm – Hội chợ sách Quốc tế, ông Trương Minh Tuấn nhận định: xuất bản Việt Nam đã từng bước tham gia vào thị trường xuất bản phẩm khu vực và quốc tế. Mỗi lần tổ chức sự kiện này, những người làm công tác xuất bản Việt Nam lại được đón bạn bè quốc tế đến tham gia ngày một nhiều, cho thấy thị trường xuất bản phẩm của Việt Nam có một tiềm năng, sự thu hút ngày một tăng đối với các nhà xuất bản, tổ chức phát hành nước ngoài. 

Các hoạt động sách “hướng ngoại”

Tại Triển lãm – Hội chợ sách Quốc tế – Việt Nam 2017 sẽ có hơn 90 đơn vị trong và ngoài nước tham gia, trong đó có các nhà xuất bản lớn, uy tín của nước ngoài như Oxford, Macmillan, Express, John Wiley & Sons, Cengage, Pearson… Gần 40.000 tên sách với hàng vạn bản. Trong đó, có trên 7.500 tên sách ngoại văn với trên 20.000 bản.

Bên cạnh đó, hàng loạt các hoạt động giao lưu về sách tại Triển lãm – Hội chợ sách Quốc tế – Việt Nam không chỉ hướng đến độc giả trong nước mà còn hướng đến độc giả nước ngoài.Lần đầu tiên Trung tâm Văn hóa Nga có gian hàng tham dự Hội sách. Đại diện của gian hàng này cho biết, không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của văn học Nga tới văn học Việt Nam trong nhiều năm qua nên số đầu sách dịch từ Nga vào Việt Nam nhiều hơn so với con đường ngược lại. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, phát triển và giao lưu văn hóa thì các đầu sách Việt Nam được dịch tại Nga cũng có xu thế tăng lên.

Song song với tọa đàm trên là tọa đàm “Những cánh thư nối vòng tay lớn” về cuốn sách tập hợp những lá thư đoạt giải nhất Việt Nam trong suốt 30 năm Việt Nam tham gia Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU. Những lá thư sau khi đạt giải nhất đã được dịch sang ngôn ngữ khác để dự thi quốc tế.Có thể thấy rõ ngay sau khi Lễ khai mạc kết thúc, đã diễn ra tọa đàm về cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 là cuốn sách từng được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng văn học ASEAN. Đây cũng là cuốn sách đã được dịch sang tiếng Anh để đến với bạn đọc nước ngoài.

Những hoạt động về sách có xu hướng “hướng ngoại” diễn ra trong Hội chợ sách Quốc tế – Việt Nam năm nay có thể ví như một cú “nhích dần” từng bước cho độc giả trong nước làm quen với tác giả, độc giả nước ngoài và ngược lại – độc giả, tác giả nước ngoài xích lại gần hơn với độc giả Việt Nam. Đây chính là cơ hội để sách Việt xuất ngoại.Bên cạnh đó, còn có các chương trình: Ra mắt sách Hành trình xa xứ – Giấc mơ khởi nghiệp, tọa đàm Trao đổi kinh nghiệm về bản quyền xuất bản, giao lưu “80 ngày ăn khắp thế giới”, tọa đàm Bí quyết giúp trẻ bứt phá tiếng Anh trong năm học mới, ký tặng Hộ chiếu xanh đi quanh thế giới, giao lưu với nhà văn J. C. Michaels…

(Nguồn: Hà Anh – Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)

Thí sinh đến từ Philippines đoạt giải nhất Cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3

(Tổ Quốc) -Tối 20/8 tại Thanh Hóa đã diễn ra đêm chung kết Cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 với sự góp mặt của 10 thí sinh đến từ các nước ASEAN và các ca sĩ khách mời.

Tới dự đêm chung kết có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cùng lãnh đạo một số ban, ngành Trung ương và địa phương, đại diện Đại sứ quán.

Các thí sinh thi tại đêm chung kết đã thể hiện ca khúc tiếng Anh hoặc ca khúc của quốc gia mình với nhiều phong cách. Kết thúc cuộc thi Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ trao Cúp, bằng chứng nhận và tặng hoa cho thí sinh giải Nhất Darlin Joy Baje đến từ Philippines.Sau đêm bán kết, BGK đã chọn ra 10 thí sinh góp mặt vào đêm chung kết: Thu Lan, Tiến Mạnh, Kiên Trung (Việt Nam), Marutida Boonmongkol (Thái Lan), Alvir Anthony Subrado, Darlin Joy Baje (Philippines), Ni Ni Khin Zaw (Myanmar), Bilyana Lathisya (Indonesia), PhoneSaVanh Inthavong (Lào), Chamroeun Sophea (Campuchia).

Ngoài ra các giải nhì được trao cho thí sinh đến từ Việt Nam, Myanmar, giải ba cho thí sinh đến từ Philippines, Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ trao giải nhất cho thí sinh đến từ Philippines. Ảnh: vov.vn

Cuộc thi Tiếng hát ASEAN+3 do Đài TNVN tổ chức, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (1967-2017) và 72 năm thành lập Đài TNVN. Đây được coi là sự kiện giao lưu văn hóa giữa các nước ASEAN và các khách mời đến từ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm thúc đẩy tình hữu nghị giữa các quốc gia thành viên ASEAN, đồng thời là cơ hội để các nghệ sĩ quảng bá các nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình và tài năng âm nhạc./.Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao các giải do BTC bình chọn, trang phục phong cách, giọng hát triển vọng, thí sinh thân thiện, biểu diễn ấn tượng, giải do khán giả bình chọn.

(Nguồn: Báo Điện tử Tổ quốc, Bộ VHTTDL)