Bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng con người

VH- Chuẩn bị cho Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTTDL tổ chức tại thành phố Thanh Hóa vào đầu tháng 8 tới, các nghệ sĩ trẻ của 15 đơn vị nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp đang ra sức tập luyện với quyết tâm cao độ.

Các thí sinh dự thi năm nay đông đảo và đều trẻ về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Như Nhà hát Chèo Thái Bình có 9 diễn viên; Nhà hát Chèo Việt Nam có 8 diễn viên; Nhà hát Chèo Hải Dương có 7 diễn viên; Nhà hát Chèo Quân đội có 6 diễn viên; Nhà hát Chèo Hà Nội và Nhà hát Chèo Bắc Giang có 4 diễn viên dự thi… Phần lớn các em đều thuộc thế hệ 9x. Thậm chí có em vừa mới tốt nghiệp, đi làm được mấy tháng như diễn viên Thanh Tân của Nhà hát Chèo Hà Nội, diễn viên Phương Tuấn của Nhà hát Chèo Bắc Giang. Tất cả các em đều có tố chất tốt, giọng hát hay, diễn xuất đầy thanh xuân, tươi tắn và yêu nghề, sẽ là nguồn nhân lực trẻ kế cận đầy tiềm năng của ngành Chèo.

Những vai diễn được các đơn vị lựa chọn cho các diễn viên trẻ dự thi năm nay phần lớn nằm trong các trích đoạn Chèo cổ như Tuần Ty – Đào Huế, Xúy Vân giả dại, Thị Màu lên chùa, Hề cu Sứt, Thầy bói đi chợ, Dương Lễ chia tay Châu Long, Lưu Bình hợp ẩm cùng Châu Long, Thị Phương dắt mẹ chồng chạy giặc… Ngoài ra, một số vai diễn trong các trích đoạn chèo mới tiêu biểu cũng được các em đăng ký dự thi như Vợ chồng ông chài, Đôi lứa xứng đôi, Thị Hến kén chồng, Hoàng Trìu kén vợ, Chôn hề… Ngoại trừ vai Chí Phèo – Thị Nở trong trích đoạn Đôi lứa xứng đôi là thuộc đề tài cận đại, còn lại các vai diễn đăng ký dự thi đều thuộc đề tài dân gian, huyền thoại, lịch sử. Điều này cho thấy khoảng trống những vai diễn mẫu mực đề tài hiện đại trên sân khấu chèo.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng chuyên môn cho các diễn viên trẻ, lãnh đạo nhiều đoàn, nhà hát còn mời các nghệ sĩ tài năng, có bề dày kinh nghiệm trong chính vai diễn mà các em dự thi về dàn dựng, hướng dẫn và truyền vai. Như Nhà hát Chèo Hà Nội mời NSƯT Thúy Ngần, NSƯT Mai Hương, NSƯT Thu Huyền; Nhà hát Chèo Hải Dương mời NSƯT Minh Thu, NSƯT Thanh Bình, NSƯT Đoàn Vinh, NSƯT Kim Hoàn; Nhà hát Chèo Bắc Giang mời NS Lê Mạnh Huấn, NSƯT Đoàn Vinh; Nhà hát Chèo Thái Bình mời NSƯT Vũ Ngọc Cải, NSƯT Ánh Điện, NSƯT Thanh Hiện; Nhà hát Chèo Quân đội mời NSND Ngọc Viễn, NSND Mạnh Tiến, NSƯT Thanh Bình, NSƯT Thúy Ngần, NSƯT Ngọc Minh… Để các em đi thi đạt kết quả cao, có lãnh đạo đoàn, nhà hát còn bố trí thời gian tập luyện sớm cho các em ngay từ tháng 5, 6 (như Nhà hát Chèo Hải Dương).

Đánh giá về chất lượng của các thí sinh, lãnh đạo các đoàn, nhà hát đều có nhiều tin tưởng, hi vọng vào thế hệ kế cận. Theo NSƯT Bùi Quang Toàn (Giám đốc Nhà hát Chèo Hải Dương): “Mặc dù Nhà hát gặp nhiều khó khăn, nhưng Ban lãnh đạo vẫn tạo mọi điều kiện để cho các nghệ sĩ trẻ vào Thanh Hóa tham dự Cuộc thi. Điều đáng mừng là Nhà hát hiện nay quy tụ được một lực lượng nghệ sĩ trẻ có tố chất, say nghề, được đào tạo từ chính “chiếc nôi” của Nhà hát. Dù các em có tuổi đời còn trẻ nhưng đã tham gia nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật, thường xuyên được Ban lãnh đạo Nhà hát cho rèn luyện về chuyên môn”. Còn theo NSƯT Vũ Ngọc Cải (Giám đốc Nhà hát Chèo Thái Bình): “Với phương châm bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống bằng con người, Nhà hát Chèo Thái Bình luôn định hướng đào tạo các nghệ sĩ trẻ theo lối “chuẩn chỉ”, tức là phải giữ đúng chèo truyền thống để các em hiểu và gìn giữ giá trị của nghệ thuật chèo không bị mai một. Trên cơ sở đó, Nhà hát đã có được một lực lượng diễn viên trẻ vững chuyên môn và đặc biệt nhiều em có giọng hát hay, quý hiếm trong ngành chèo như Hồng Vân, Thu Hà, Văn Hùng”. Trong khi đó, đạo diễn Lê Mạnh Huấn, một trong những người được mời hướng dẫn dàn dựng cho các tiết mục dự thi của Nhà hát Chèo Bắc Giang đã đánh giá: “Nhà hát Chèo Bắc Giang, đơn vị duy nhất của chiếng chèo xứ Kinh Bắc có 4 diễn viên trẻ dự thi có nhiều triển vọng tốt, trong đó Hồng Liên có chất giọng hay, vào loại hiếm của ngành chèo. Nếu các em bố trí thêm thời gian tập luyện, chắc chắn sẽ đạt chất lượng hiệu quả hơn nữa”.

Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức hai năm một lần, là dịp để phát hiện tài năng và khuyến khích, động viên các diễn viên trẻ tiếp tục cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp sân khấu chèo; đồng thời là dịp để các nhà quản lý đánh giá thực trạng đội ngũ diễn viên trẻ hiện nay, từ đó có những giải pháp thúc đẩy, bồi dưỡng, đào tạo lực lượng nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, đào tạo được một đội ngũ diễn viên trẻ có tài năng kế cận nghiệp Chèo đã khó, vấn đề giữ chân các nghệ sĩ trẻ để các em tiếp tục bám nghề, gìn giữ nghệ thuật Chèo truyền thống lại càng khó khăn hơn. Đây cũng là bài toán “hóc búa” đối với tất cả lãnh đạo các đoàn nghệ thuật sân khấu chèo nói riêng và sân khấu kịch hát dân tộc nói chung trong cơ chế thị trường hiện nay.

(Nguồn: Báo Điện tử Văn hóa – BỘ VHTTDL)

Xúc động chương trình nghệ thuật “Màu hoa đỏ”

Dân trí – Chương trình nghệ thuật “Màu hoa đỏ” chính là những lời tri ân gửi tới các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, các mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với cách mạng.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), tối 22/7, tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam- Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật “Màu hoa đỏ” lần thứ 10.

Chương trình nhằm tưởng nhớ, ghi ơn và đền đáp công lao to lớn của các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình có công với cách mạng.

NSND Thái Bảo ôm đàn guitar thể hiện ca khúc “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến (Ảnh: Nguyễn Hùng).
Đến dự trong chương trình “Màu hoa đỏ” có bà Lâm Phương Thanh – Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, ông Nguyễn Thế Kỷ – Ủy viên Trung ương Đảng – Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành.

“Màu hoa đỏ” gồm 3 phần: Phần 1 với chủ đề Mẹ Việt Nam anh hùng với chùm ca khúc ca ngợi người mẹ Việt Nam. Phần 2 với chủ đề Dáng đứng Việt Nam đã ôn lại lịch sử bất khuất, hào hùng của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước, sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ và các thương bệnh binh trong các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Phần 3 là Ngàn năm vang mãi.

Chương trình là sự đan xen giữa các tác phẩm ca múa nhạc với những phóng sự truyền hình, qua đó giúp cho khán giả được hòa mình vào không gian âm nhạc, nghệ thuật đặc sắc và thêm trân trọng, tự hào về công ơn to lớn của các liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình có công với cách mạng.

NSƯT Mai Hoa thể hiện ca khúc Mẹ của Phan Long (Ảnh: Nguyễn Hùng).
NSƯT Mai Hoa thể hiện ca khúc “Mẹ” của Phan Long (Ảnh: Nguyễn Hùng).

Rất nhiều ca khúc đi cùng năm tháng được vang lên khiến khán giả cả nước xúc động như: “Màu hoa đỏ”, “Vết chân tròn trên cát”, “Lời ru cỏ non”, “Trái tim người lính”, “Dáng đứng Việt Nam”, “Huyền thoại mẹ”, “Mẹ”, “Người mẹ của tôi”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”… qua phần thể hiện của các nghệ sĩ: NSND Thái Bảo, NSƯT Đăng Dương, Việt Hoàn, Khánh Hòa, Đăng Thuật, Mai Hoa…

Tại chương trình, nhạc sĩ Doãn Nguyên đại diện ban tổ chức chương trình chia sẻ rằng, những người nghệ sĩ của Đài tiếng nói Việt Nam luôn cống hiến hết mình để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sỹ, đã hy sinh vì đất nước. Những chương trình trên sóng vẫn thường xuyên có những bài ca ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi người lính, những chiến công, ca ngợi sự hy sinh của họ…

Cũng trong chương trình, ban tổ chức cũng đã trao tặng sổ tiết kiệm và nhiều phần quà ý nghĩa cho một số thương binh, bệnh binh tiêu biểu của Trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Bà Lâm Phương Thanh và ông Nguyễn Thế Kỷ trao quà cho một số thương binh, bệnh binh tiêu biểu của Trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (Ảnh: Nguyễn Hùng).
Bà Lâm Phương Thanh và ông Nguyễn Thế Kỷ trao quà cho một số thương binh, bệnh binh tiêu biểu của Trung tâm điều dưỡng thương binh huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam (Ảnh: Nguyễn Hùng).

“Tôi rất vinh dự được tham dự chương trình nghệ thuật“màu hoa đỏ”. Hôm nay, thấy tinh thần, nhiệt huyết cả nước hướng về ngày 27/7, anh em chúng tôi vô cùng phấn khởi”, thương binh Đinh Vạn Phúc, quê Ninh Bình chia sẻ niềm vinh dự được tham gia chương trình.

Được tổ chức lần đầu tiên năm 2008, sau 10 lần tổ chức, ban tổ chức chương trình “Màu hoa đỏ” đã huy động được 45 tỷ đồng, trao tặng hơn 12.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa, gần 526 nhà tình nghĩa, gần 600 con bò giống tới các gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương binh, các Mẹ Việt Nam Anh hùng và trên 4000 suất học bổng cho các học sinh nghèo vượt khó của nhiều địa phương trên cả nước.

Một số hình ảnh khác trong chương trình (Ảnh: Hoa Nguyen Mai).

(Nguồn: Nguyễn Hằng – Báo Điện tử Dân trí)

Cuộc thi Tài năng biểu diễn múa: Lắm khát khao và nhiều khoảng trống

VH- Tối 20.7, cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2017 đã khép lại tại Hà Nội. Cuộc đua tài sau 9 năm gián đoạn đã cho thấy một thế hệ nghệ sĩ múa đầy tài năng và khát khao sáng tạo. Tuy nhiên, người ta cũng nhìn thấy ở đó những khoảng trống thế hệ ở nhiều đoàn nghệ thuật.

 Không ngại làm mới

Được tổ chức lại sau 9 năm, cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2017 trở thành một sự kiện được rất nhiều diễn viên múa mong chờ. Đa số các thí sinh tham dự cuộc thi lần này đều còn rất trẻ, phần lớn thuộc thế hệ 9X, một số thí sinh còn sinh năm 2000. Sự háo hức, mong chờ và khát khao cống hiến của tuổi trẻ được thể hiện rõ nét qua từng bài thi của các thí sinh. Nếu ở những kì thi trước, thí sinh thường lựa chọn các tác phẩm đã nổi tiếng của các biên đạo gạo cội để đua tài, những tác phẩm thuộc hàng kinh điển của múa Việt như Cánh chim và ánh sáng Mặt trời (NSND Thái Ly), Khát vọng (NSND Đặng Hùng), Khúc biến tấu từ pho tượng cổ (NSND Ứng Duy Thịnh), Bên dòng Lô năm xưa (NSND Công Nhạc)… được lặp đi lặp lại trong mỗi kỳ thi, thì lần này, chỉ duy nhất 1 thí sinh lựa chọn Cánh chim và ánh sáng Mặt trời. Phần lớn thí sinh tham dự Tài năng biểu diễn múa 2017 đều lựa chọn các sáng tác mới của các biên đạo trẻ như Trần Ly Ly, Tuyết Minh, Thùy Chi, Thanh Tùng, Hải Trường, Xuân Chiến, Thanh Hằng, Thúy Hằng…

Nhiều thí sinh mạnh dạn sử dụng chính tác phẩm của mình như Phạm Minh Tuấn (Trường Múa TP.HCM) với Tình quê và Độc thoại, Phạm Như Thắng (Đoàn Văn công Quân khu 3) với Bản thể và Tự truyện, Tống Mai Len, Lê Hoàng Phương Linh (Trường Múa Việt Nam) với Nỗi đau ở lại và Lầu Ngưng Bích, Hoàng Thái Sơn (Trường Đại học VHNT Quân đội) với Tình bạn… Có thể nói, sau 9 năm, làng múa VN đã hình thành một thế hệ nghệ sĩ trẻ đa năng và dám thử sức mình với cái mới. Nó cũng cho thấy, cuộc thi Tài năng biểu diễn múa giờ đây không chỉ là nơi để các diễn viên múa khẳng định tài năng, mà nó còn là nơi để các biên đạo trẻ lan tỏa sức sáng tạo.

tietmuc2_jwiwtietmuc4_qlncTuy nhiên, bên cạnh những tác phẩm tạo được đất diễn lý tưởng để các diễn viên thể hiện kĩ thuật, tài năng, thì vẫn còn không ít tác phẩm lại trở thành lực cản hạn chế năng lực biểu diễn của diễn viên. Điều này đã để lại không ít tiếc nuối cho Hội đồng giám khảo và khán giả.

Đánh giá chung về năng lực của các thí sinh tham gia cuộc thi lần này, NSND Minh Thông – Trưởng phòng nghệ thuật Cục NTBD, thành viên Hội đồng giám khảo cuộc thi cho biết: “So với các lần trước thì trình độ thí sinh tham dự cuộc thi lần này đạt tới đỉnh cao hơn hẳn. Nhiều thí sinh mạnh dạn chọn múa solo. Đặc biệt, ở cuộc thi này, lần đầu tiên có thí sinh thể hiện tốt dòng múa pas de deux – một dòng ballet cổ điển đỉnh cao đòi hỏi sự khổ luyện và kĩ thuật xuất sắc. Các thí sinh như Quỳnh Chi và Thế Phương (Vũ đoàn Arabesque), Phạm Thế Chung (Trường Múa TP.HCM) đã đạt được những điều này. Đây là một tín hiệu vui khẳng định sự tự tin và tài năng của các diễn viên trẻ”.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên trao giải cho các cá nhân đạt Huy chương Vàng
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên trao giải cho các cá nhân đạt Huy chương Vàng

Những khoảng trống

Trong số 15 đơn vị nghệ thuật có thí sinh tham dự cuộc thi lần này, ba đơn vị có lực lượng hùng hậu nhất đều là ba cơ sở đào tạo múa lớn trong cả nước: Trường Múa Việt Nam, Đại học VHNT Quân đội, Trường Múa TP.HCM. Điều này cũng không có gì bất ngờ vì những nôi đào tạo luôn có lực lượng trẻ đông vượt trội so với các đoàn nghệ thuật. Tuy nhiên, sự vắng bóng gần như hoàn toàn của các đơn vị nghệ thuật lớn, từng có thương hiệu về múa như Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM và một số tỉnh trung du và miền núi như Yên Bái, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Đắk Lắk… cùng nhiều tỉnh thành khác đã tạo nên một thiếu hụt lớn cho cuộc thi. Có lẽ, 9 năm gián đoạn và sự thiếu vắng sân chơi dành cho nghệ thuật múa đã tạo nên khoảng trống không nhỏ này.

“Tuổi nghề của một diễn viên múa rất ngắn nên 9 năm là một quãng thời gian quá dài với họ. Điều này có ảnh hưởng không nhỏ đến không khí làm nghề và nhu cầu sáng tạo của diễn viên. Tất nhiên các cháu vẫn có thể đi biểu diễn chạy “sô” ở bên ngoài, nhưng rất ít có cơ hội để diễn những tác phẩm có yếu tố chuyên môn cao. Bên cạnh đó, nhiều diễn viên cũng bị thiệt thòi trong việc xét tặng các danh hiệu vì không có cơ hội để thi thố thì sẽ không có huy chương. Mong rằng từ nay trở đi, cuộc thi này sẽ được tổ chức thường xuyên và đều đặn hơn để thúc đẩy sự phát triển của múa”, một khán giả là người nhà của thí sinh chia sẻ bên lề cuộc thi. Đây có lẽ cũng chính là mong mỏi chung của những ai quan tâm đến nghệ thuật múa Việt Nam.

(Nguồn: Báo Điện tử Văn hóa – Bộ VHTTDL)

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam – 25 năm đào tạo tiến sĩ văn hóa – nghệ thuật

VH- Từ năm 1991 đến nay, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã có một quá trình 25 năm đào tạo tiến sĩ. 25 năm không phải là một quá trình quá dài nhưng đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Bộ VHTTDL.

Văn hóa nghệ thuật là một lĩnh vực hết sức quan trọng và nhạy cảm đối với sự phát triển đất nước. Để tạo nền tảng cho sự phát triển này, Việt Nam cần có một đội ngũ trí thức dẫn dắt sự sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Trong nhiều năm qua, hoạt động đào tạo trí thức bậc cao này gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những lý do quan trọng nhất là hoạt động đào tạo tiến sĩ – những người thầy, máy cái của một nền học vấn gặp nhiều khó khăn. Sự khó khăn này càng trở nên cấp bách khi các qui định đào tạo của Bộ GD&ĐT ngày càng khắt khe hơn để nâng cao chất lượng đào tạo đại học, khiến cho đội ngũ cán bộ cơ hữu của các trường văn hóa nghệ thuật trên cả nước lâm vào khó khăn nghiêm trọng do thiếu đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Nhiều trường đối mặt với tình trạng không đủ điều kiện để đạt chuẩn trường đại học; một số trường không đủ tiêu chuẩn để nâng cấp từ cao đẳng lên đại học văn hóa nghệ thuật, nhiều ngành học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật quan trọng của đất nước, trong đó có những ngành giúp khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc như kịch hát dân tộc (tuồng, chèo, cải lương), mỹ thuật truyền thống… có khả năng dừng tuyển sinh, không được phép đào tạo do thiếu một tiêu chuẩn chung: Không đủ giảng viên có trình độ tiến sĩ. Áp lực và trách nhiệm này đè nặng lên hoạt động đào tạo tiến sĩ của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khi Viện là cơ sở đào tạo tiến sĩ duy nhất của ngành cho tới thời điểm năm 2013, khi một số trường ĐH thuộc Bộ VHTTDL mở mã ngành đào tạo tiến sĩ.

Là cơ sở đào tạo tiến sĩ đầu tiên của ngành văn hóa, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã tự tìm cách học tập kinh nghiệm, xây dựng nên các chương trình đào tạo tiến sĩ văn hóa nghệ thuật cho cả nước. Trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành gặp rất nhiều khó khăn do thiếu nguồn lực bổ sung từ các nước xã hội chủ nghĩa (vốn là nơi đào tạo tiến sĩ chính), ngay từ năm 1991, được sự đồng ý của Chính phủ, Viện được phép đào tạo nghiên cứu sinh với hai chuyên ngành: Lịch sử Văn hóa và Nghệ thuật và chuyên ngành Nghệ thuật Âm nhạc (Năm 2000, chuyên ngành Nghệ thuật Âm nhạc được chuyển về Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đào tạo). Năm 2003, Bộ GD&ĐT ban hành danh mục các chuyên ngành đào tạo tiến sĩ mới. Viện đã được Bộ GD&ĐT cho phép mở sáu chuyên ngành đào tạo: Văn hóa học, Văn hóa dân gian, Quản lý văn hóa thuộc khoa Văn hóa học; Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Lý luận và Lịch sử nghệ thuật sân khấu, Lý luận và Lịch sử nghệ thuật điện ảnh, truyền hình thuộc khoa học Nghệ thuật. Những chuyên ngành này đều là những chuyên ngành đầu tiên được phép đào tạo tại Việt Nam tại thời điểm đó. Viện đã tiến hành xây dựng hệ thống chương trình, đào tạo đội ngũ, tạo nền tảng cho việc đào tạo nguồn nhân lực có học vị cao nhất về văn hóa nghệ thuật cho nước nhà.

Là người mở đường, hoạt động đào tạo của Viện gặp rất nhiều khó khăn, từ giảng viên (vừa tự tạo nguồn cho chính Viện, vừa mời các giảng viên trong và ngoài nước, đặc biệt là các giảng viên ngoài nước từ Anh, Mỹ, Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc…), chương trình đào tạo (cho hai mã ngành Lịch sử Văn hóa và Nghệ thuật, Nghệ thuật Âm nhạc), và sau này là sáu mã ngành (Văn hóa học, Văn hóa dân gian, Quản lý văn hóa, Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, Lý luận và Lịch sử nghệ thuật sân khấu, Lý luận và Lịch sử nghệ thuật điện ảnh, truyền hình), tới việc lựa chọn đối tượng đào tạo, vượt qua những khó khăn do kinh phí luôn luôn thấp hơn so với thực tế đào tạo, và đòi hỏi về chất lượng đào tạo tiến sĩ ngày càng cao của xã hội.

Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là cơ sở đào tạo tiến sĩ có bề dày kinh nghiệm đào tạo tiến sĩ, trong đó có kinh nghiệm đào tạo nghiên cứu sinh đến từ các nước trong khu vực và trên thế giới. Viện cũng tiếp nhận một số nghiên cứu sinh, thực tập sinh từ các nước Pháp, Ý, Hoa Kỳ, Đức, Trung Quốc, Lào sang học tập và nghiên cứu tại Viện. Tính đến tháng 7.2017, Viện đã và đang đào tạo 20 khóa nghiên cứu sinh các chuyên ngành thuộc khoa Văn hoá học và khoa Nghệ thuật học gồm 326 nghiên cứu sinh, trong đó đã có 153 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Cho đến nay, rất nhiều hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học văn hóa nghệ thuật trên cả nước đã và đang là nghiên cứu sinh của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Những cán bộ được đào tạo tại Viện đã và đang phát huy tốt vai trò của một tiến sĩ chuyên ngành trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học về văn hóa nghệ thuật của ngành, tiêu biểu như: GS.TS Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia VN; PGS.TS Nguyễn Phúc Linh, nguyên Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam; PGS.TS Trần Văn Ánh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Văn hóa TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM; PGS.TS Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM; PGS.TS Đỗ Lai Thúy, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật; PGS.TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; TS Phạm Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; TS Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh; TS Vũ Phương Hậu, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III; PGS.TS Văn Thị Minh Hương, nguyên Giám đốc Nhạc viện TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM; PGS.TS Phan Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM; TS Nguyễn Văn Tình, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế; TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh; PGS.TS Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Đồng Nai; TS Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi; TS Phan Quốc Anh, nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Thuận; PGS.TS Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Đại học Nghệ thuật Huế; PGS.TS Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam; TS Trương Phi Đức, Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên, Phó Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TP.HCM; TS Nguyễn Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật TP.HCM; PGS.TS Vũ Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh TP.HCM; TS Nguyễn Khắc Khanh, Thiếu tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa; PGS.TS Nguyễn Văn Cần, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; TS Hoàng Minh Khánh, Hiệu trưởng Trường Trung học Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam; TS Phạm Bá Toàn, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Quân đội; TS Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; PGS.TS Triệu Thế Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội…

Công tác đào tạo của Viện đã xây dựng được quy trình cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ. Chất lượng đào tạo luôn được cơ sở đào tạo đặt lên hàng đầu. Đội ngũ giảng viên của Viện từ chỉ năm tiến sĩ giai đoạn đầu thì đến năm 2017 đã có ba giáo sư, chín phó giáo sư, 19 tiến sĩ, về cơ bản có đủ số lượng, cơ cấu hợp lý và đều là những cán bộ khoa học đầu ngành của Bộ VHTTDL. Viện có đội ngũ giảng viên có học hàm học vị được đào tạo từ các nước: Nga, Mỹ, Anh, Úc, có trình độ chuyên môn tốt, có ngoại ngữ, đáp ứng một phần những nhu cầu của thực tế. Để nâng cao chất lượng đào tạo, Viện đã mời một số các nhà khoa học nước ngoài từ Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Nhật Bản, Philippines, Đức, Thái Lan, Lào, Trung Quốc… tới Viện tham gia nghiên cứu, giảng dạy, hướng dẫn luận án, phản biện độc lập cho nghiên cứu sinh.

Công việc xây dựng chương trình, nội dung các chuyên đề đào tạo tiến sĩ được đặc biệt chú trọng. Viện đã tranh thủ sự tài trợ của quỹ Ford để xây dựng chương trình đào tạo tiến sĩ cho chuyên ngành Văn hóa học. Một số các công trình kinh điển của khoa học văn hóa như các công trình của B. Mali¬nowski (1884-1942), A.L.Kroeber (1876-1942), Leslie A.White (1900-1975), v.v… đã được dịch ra tiếng Việt làm tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu viên và nghiên cứu sinh của Viện.

Bên cạnh hoạt động đào tạo, Viện cũng chú trọng đến hoạt động của hội đồng xét chức danh giáo sư, phó giáo sư cấp cơ sở. Viện đã tổ chức hội đồng xét chức danh GS cấp cơ sở từ năm 2009 và xét liên tục hằng năm từ năm 2011 đến nay. Nhiều nghiên cứu sinh của Viện sau khi tốt nghiệp nhận được học vị tiến sĩ, khi đủ điều kiện đã trở lại cơ sở đào tạo làm nhiệm vụ giảng dạy và hướng dẫn khoa học cho các nghiên cứu sinh khóa sau và đăng ký xét học hàm giáo sư, phó giáo sư. Hội đồng Chức danh giáo sư cơ sở Viện luôn luôn là hội đồng có số ứng viên xét học hàm cao nhất trong tất cả các hội đồng cơ sở thuộc liên ngành Văn hóa, Nghệ thuật, Thể dục – Thể thao.

Nhìn lại chặng đường 25 năm đào tạo tiến sĩ của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, có thể nói, các thế hệ nhà khoa học và giảng viên của Viện đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực cho hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa. Ghi nhận những đóng góp này, năm 2017, Viện đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là sự ghi nhận những đóng góp đối với sự nghiệp đào tạo của Viện, là nguồn cổ vũ to lớn đối với đội ngũ giảng viên và các nhà nghiên cứu tại Viện, cũng như các giảng viên thỉnh giảng trong và ngoài nước của Viện. Để đáp ứng với vinh dự đó, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam luôn cố gắng hết sức mình để trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu tư vấn chính sách có uy tín của Bộ VHTTDL, ngang tầm với các viện nghiên cứu trong khu vực.

(Nguồn: PGS.TS Bùi Hoài Sơn

Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

Khai mạc Những ngày Văn hóa Du lịch Việt Nam tại Lào 2017

VH- Chiều 17.7 tại Cung Văn hóa quốc gia Lào đã diễn ra Lễ Khai mạc Những ngày Văn hóa Du lịch Việt Nam tại Lào 2017.

Tới dự có ông Saysomphone Phomvihane, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước; bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội và các các Bộ ngành của hai nước.

Phát biểu tại Lễ Khai mạc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Việt Nam Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ, mối quan hệ đoàn kết mẫu mực thủy chung, đậm nghĩa nặng tình gắn bó đặc biệt giữa hai đất nước, hai dân tộc anh em đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công gây dựng, gìn giữ và vun đắp đã không ngừng phát triển trở thành tài sản chung vô giá của hai dân tộc, là quy luật sống còn, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của hai dân tộc Việt Nam và Lào. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Việt Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long”.

Còn Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã nhiều lần khẳng định: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào Việt mãi mãi vững bền hơn núi hơn sông”. Ngày nay quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển, mối quan hệ hợp tác đã đi vào cả chiều sâu và chiều rộng, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục… Sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương của Việt Nam và Lào luôn được tăng cường, có kết quả, hiệu quả thiết thực, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân hai nước Việt Nam và Lào.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, Những ngày Văn hóa, Du lịch Lào tại Việt Nam và Những ngày Văn hóa, Du lịch Việt Nam tại Lào được tổ chức thường niên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu văn hóa, thúc đẩy tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần phát triển KT-XH của mỗi nước.

Bộ trưởng Bộ VHTTDLV Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Lễ khai mạc
Bộ trưởng Bộ VHTTDLV Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại Lễ khai mạc
Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Bosengkham Vongdala
Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Bosengkham Vongdala phát biểu tại lễ khai mạc
Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng và Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane cắt băng Khai mạc Những ngày Văn hóa Du lịch Việt Nam tại Lào 2017
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane cắt băng Khai mạc Những ngày Văn hóa Du lịch Việt Nam tại Lào 2017

Năm 2017, Bộ VHTTDL Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào tổ chức Những ngày Văn hóa, Du lịch Việt Nam tại Lào với mong muốn giới thiệu tới nhân dân Lào anh em vẻ đẹp Việt Nam thông qua các tác phẩm về phong cảnh, văn hóa, con người, đặc biệt là các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thế giới cùng các hiện vật văn hóa đặc trưng của Việt Nam, giới thiệu những chương trình biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc Việt Nam, các hoạt động giới thiệu xúc tiến du lịch chung Việt Nam – Lào nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tin tưởng việc tổ chức đồng thời Những ngày Văn hóa, Du lịch Lào tại Việt Nam cũng như Những ngày Văn hóa Du lịch Việt Nam tại Lào năm 2017 nhân sự kiện trọng đại trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục góp phần củng cố, tăng cường quan hệ truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.

Trong phát biểu đáp từ, ông Bosengkham Vongdala, Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào xúc động cho biết, Những ngày Văn hóa và Du lịch Việt Nam tại Thủ đô Viêng Chăn lần này được bắt đầu bằng triển lãm giới thiệu về phong cảnh chung của đất nước Việt Nam cùng với những thành tích to lớn trong công cuộc giữ gìn bảo vệ và xây dựng đất nước của mình dưới dự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 Cùng với triển lãm ảnh, công chúng Lào còn được thưởng thức chương trình biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam, trình diễn với tất cả tấm lòng, tình cảm thân thiết và tình đoàn kết yêu quý như anh em một nhà. Những ngày Văn hóa được tổ chức đồng thời ở cả hai nước trong cùng một khoảng thời gian đã thể hiện cho thấy tình hữu nghị to lớn, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào anh em trong suốt thời gian qua cũng như ngày nay.

Sau bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào, ông Saysomphone Phomvihane và bà Tòng Thị Phóng đã cắt băng khai mạc Những ngày Văn hóa Du lịch Việt Nam tại Lào 2017 và tham quan triển lãm “Sắc màu Việt Nam” cùng triển lãm sách.

Giải quyết những vấn đề “nóng” của nghệ thuật biểu diễn

VH- Quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn phải khắc phục những hạn chế và xây dựng Nghị định mới về quản lý nghệ thuật biểu diễn nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các loại hình nghệ thuật phát triển; Các đơn vị nghệ thuật phải tự làm mới mình ngay từ việc xây dựng tác phẩm. Điều chỉnh lại thời hạn cấp phép cho chương trình nghệ thuật…

 Đây là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nghệ thuật biểu diễn được ưu tiên giải quyết đã được Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác nghệ thuật biểu diễn 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2017.

Trong công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, Cục NTBD đã có văn bản gửi Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh/ thành đề nghị tăng cường công tác quản lý hoạt động NTBD, trong đó tập trung vào các nội dung như: Thẩm định thành phần hồ sơ, nội dung chương trình trước khi cấp Giấy phép tổ chức biểu diễn, trình diễn thời trang; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trước và sau khi kết thúc các chương trình đã được cấp phép biểu diễn, xử lý nghiêm các vi phạm của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Qua đường dây nóng và phản ánh của dư luận báo chí, Cục NTBD đã phát hiện kịp thời đề nghị Thanh tra Sở VHTTDL, Sở VHTT một số tỉnh/thành phố kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động NTBD.

Về công tác phát triển sự nghiệp, Cục NTBD cũng đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các Hội VHNT chuyên ngành từ TƯ đến địa phương để triển khai một số công tác cụ thể: Triển khai kế hoạch tuyển sinh diễn viên, nhạc công Cải lương và Dân ca Kịch năm 2017; Tổ chức Lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu” tại Hà Nội và TP.HCM: Lớp bồi dưỡng kiến thức Định hướng và Chỉ đạo nghệ thuật; Triển khai đặt hàng tác phẩm đối với các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ…

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Tuồng VN đã ghi nhận những nỗ lực của Cục NTBD ở vai trò quản lý nhà nước đã tạo nên những chuyển biến rõ rệt của ngành. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đặt ra một số vấn đề mà quản lý nhà nước cần quan tâm giải quyết như: Cần có văn bản điều chỉnh rõ ràng với các chương trình, vở diễn không thay đổi nội dung thì không phải xin cấp phép lại; Có đề án đào tạo biên kịch sân khấu để bổ sung nguồn kịch bản cho các đơn vị nghệ thuật; Trẻ hóa ban giám khảo tại các cuộc thi, liên hoan NTCN toàn quốc để có được những quan điểm cởi mở hơn cho các yếu tố sáng tạo nghệ thuật mới; Có quy định cụ thể cho việc nâng hạn, nâng ngạch lương riêng cho nghệ sĩ không thể áp dụng chung với các đối tượng khác trong Luật Viên chức; Việc đào tạo theo đề án đào tạo kết hợp giữa các nhà hát và các cơ sở đào tạo của Bộ cần phải được nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập…

Lắng nghe các ý kiến đóng góp của đại diện các nhà hát và một số cán bộ của Cục NTBD, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho biết trong thời gian tới Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo và có biện pháp thực hiện để làm sao giải quyết thấu đáo những vấn đề vướng mắc của ngành NTBD trong đó có các ý kiến mà các nhà hát đã nêu ra tại Hội nghị. Ngay như việc cấp phép một tác phẩm sân khấu, có thể điều chỉnh theo hướng bỏ luôn cấp phép đối với các nhà hát của Bộ bởi lẽ Hội đồng nghệ thuật của Cục NTBD đã xuống tận từng nhà hát để xem duyệt các chương trình mới và sau những đóng góp, chỉnh sửa sẽ có biên bản. Biên bản đó có thể coi như là sự đồng ý cho công diễn rồi thì không cần tới thủ tục xin cấp phép sau đó nữa.

Việc quan trọng đối với ngành NTBD là tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hay, hấp dẫn khán giả. Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh: “Các đơn vị nghệ thuật, các nhà hát phải thay đổi và làm mới mình và bản thân hội đồng nghệ thuật duyệt vở cũng cần phải thay đổi cách đánh giá. Bởi trên thực tế không phải vở diễn, tác phẩm nào hội đồng nghệ thuật thấy tốt là đã bán được vé. Nghệ thuật là phải đến được với công chúng và muốn đến với công chúng thì phải thỏa mãn được yếu tố hấp dẫn. Sẽ khó kéo được cả một gia đình người dân thường đi xem nếu tác phẩm cứ rao giảng đạo đức, nặng nề mà thiếu đi yếu tố giải trí, giúp người dân xả stress. Các nhà hát hiện nay hoàn toàn chủ động về việc lựa chọn kịch bản và xây dựng tác phẩm, vì vậy việc xây dựng làm sao để tác phẩm hấp dẫn tùy thuộc vào chính bản thân sự nỗ lực của từng nhà hát. Cục NTBD chỉ có trách nhiệm hậu kiểm để xem vở diễn nào có vấn đề thì mới nhắc nhở, không có chuyện gây khó dễ gì. Mặt khác, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cũng như Cục NTBD cần phải làm ngay đó là phải có chiến lược truyền thông đối với các tác phẩm, các chương trình nghệ thuật”.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm mà Cục NTBD tập trung là phải khắc phục những hạn chế và xây dựng Nghị định mới về quản lý nghệ thuật biểu diễn trên cơ sở Nghị định 79 và Nghị định 15 nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các loại hình nghệ thuật phát triển.

“6 tháng cuối năm 2017 sẽ có nhiều cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức: Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc 2017, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Kịch nói; Triển khai tổ chức các cuộc thi sắp tới như Cuộc thi tài năng biểu diễn Múa 2017; Cuộc thi tài năng diễn viên trẻ sân khấu Tuồng và Chèo 2017; Liên hoan các ban, nhóm nhạc toàn quốc 2017; Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca 2017; Liên hoan nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Khối ASEAN”.

(Nguồn: Báo Điện tử Văn hóa – Bộ VHTTDL)

Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch Việt – Lào

Ngày hội là dịp để đồng bào, nhân dân hai nước Việt Nam, Lào ôn lại truyền thống cách mạng, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou và đại biểu hai nước giao lưu vòng xòe truyền thống. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou và đại biểu hai nước giao lưu vòng xòe truyền thống. Ảnh: TTXVN

Tối 5/7, tại TP. Sơn La, Bộ VHTT&DL phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức lễ khai mạc Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ 2 năm 2017.

Đây là hoạt động trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962-5/9/2017) và 40 năm Ngày ký kết Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2017).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương hai nước Việt Nam, Lào; lãnh đạo các tỉnh của hai nước Việt Nam, Lào và đông đảo nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La dự lễ khai mạc.

Các tiết mục biểu diễn văn nghệ chào mừng Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào. Ảnh: TTXVN
06 Các tiết mục biểu diễn văn nghệ chào mừng Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội diễn ra với nhiều nội dung đa dạng, phong phú và sinh động, như: Giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch; triển lãm, giới thiệu ảnh nghệ thuật về con người và tiềm năng 10 tỉnh của Việt Nam có chung tuyến biên giới Việt Nam-Lào; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống dân tộc; giới thiệu lễ hội nghi thức, sinh hoạt văn hóa của đồng bào nhân dân các dân tộc có chung đường biên giới Việt Nam-Lào…

Ngày hội là dịp để đồng bào, nhân dân hai nước Việt Nam, Lào ôn lại truyền thống cách mạng, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào.

Đây còn là cơ hội để giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và di sản văn hóa các dân tộc vùng biên giới hai nước Việt Nam, Lào trong công cuộc hội nhập và phát triển.

Các hoạt động trong khuôn khổ của Ngày hội do các già làng, trưởng bản và đồng bào nhân dân các dân tộc vùng biên giới hai nước Việt Nam, Lào thể hiện có sức lan tỏa mạnh mẽ; là sự hội tụ, tỏa sáng về nét đẹp của các giá trị văn hóa truyền thống, giàu bản sắc, chắc chắn sẽ để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh đất nước, con người, tình đoàn kết, hữu nghị hợp tác hai nước Việt Nam, Lào.

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh nhấn mạnh: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam-Lào lần thứ II là nơi tôn vinh, quảng bá, giới thiệu với nhân dân các dân tộc trong và ngoài nước, bạn bè quốc tế một cách tổng quát về lịch sử đấu tranh, những giá trị văn hóa dân gian đầy tính nhân văn của nhân dân hai nước.

Đặc biệt là tinh thần đoàn kết, hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam được phát triển từ quan hệ truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng nền móng và chính Người đã cùng đồng chí Kaysone Phomvihane, đồng chí Souphanouvong và các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp.

Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Bài ca hữu nghị Việt-Lào” gồm 3 chương được xây dựng công phu, hoành tráng, quy mô theo hình thức bán sử thi thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật ca múa nhạc phối hợp với lời bình, hình ảnh phim tư liệu.

Trong đó, chương I “Nghĩa tình son sắc thủy chung” đã khái quát lại toàn bộ lịch sử hình thành và phát triển mối quan hệ hữu nghị hai nước Việt Nam, Lào từ ngày đầu cho đến nay trên tất cả các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.

“Thắm tình biên giới Việt Nam-Lào” là nội dung chương II giới thiệu về mảnh đất, con người Sơn La trong quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước hôm nay. Đồng thời, thể hiện thế mạnh, tiềm năng phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của đồng bào các dân tộc vùng biên giới cũng như nhân dân hai nước Việt Nam, Lào; tình nghĩa gắn bó keo sơn của đồng bào các dân tộc vùng biên giới, cùng nhau đoàn kết, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào hòa bình, hữu nghị và bền vững.

Khép lại chương trình nghệ thuật là chương III “Việt-Lào chung bước tương lai” tiếp tục khẳng định tình đoàn kết hữu nghị truyền thống lâu đời, sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào; khẳng định quan điểm, đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong việc duy trì, củng cố và tăng cường mối quan hệ đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước.

* Trước đó, chiều 5/7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thắp hương tại Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Nhà tù Sơn La nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

Cũng chiều 5/7, Thường trực Tỉnh ủy Sơn La đã gặp mặt Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Lào tại Việt Nam Thongsavanh Phomvihane; các đoàn đại biểu cấp cao của 16 tỉnh nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến thăm và dự các sự kiện “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào” tại Sơn La.

Theo TTXVN/Chinhphu