VH- Hai chương trình của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Huế đã khép lại Tháng nghệ thuật truyền thống trong chuỗi chương trình biểu diễn những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao từ Nhà hát Lớn.
Các tác phẩm được công diễn trong tháng 5 và tháng 6.2017 đã một lần nữa khẳng định thương hiệu Nhà hát Lớn Hà Nội – không gian văn hóa sang trọng bậc nhất của Thủ đô, địa chỉ đỏ để khán giả VN và quốc tế thưởng thức các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao, tiêu biểu.
Theo chủ trương của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện với chủ điểm nghệ thuật truyền thống trong tháng 5, theo đó không chỉ các nhà hát thuộc Bộ mà các nhà hát tại địa phương đã tích cực tham gia biểu diễn gồm: Nhà hát Cải lương Việt Nam diễn vào tối 4 và 5.5 (Cung phi Điểm Bích, Hừng đông), Nhà hát Múa rối VN diễn vào tối 6 và 7.5 (Aladanh và cây đèn thần, Tôn Ngộ Không 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh), Nhà hát Chèo VN diễn vào tối 24.5, 28.5 (Súy Vân, Dây tràng hạt diệu kỳ), Nhà hát Tuồng VN diễn vào tối 26.5 (Hồ Quý Ly), Nhà hát Chèo Hà Nội diễn vào tối 27.5 (Vương nữ Mê Linh), Nhà hát Chèo Nam Định diễn vào tối 31.5 (Không phải là vụ án), Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế diễn vào tối 22.6 (Vụ án Lệ Chi Viên), tối 23.6 (Dòng sông đỏ). Như vậy, các thể loại sân khấu truyền thống đặc sắc là cải lương, tuồng, chèo, múa rối, ca kịch Huế đã lần lượt được đưa vào công diễn tại Nhà hát Lớn.

Điều ghi nhận lớn nhất của Tháng nghệ thuật truyền thống biểu diễn tại Nhà hát Lớn là sức hút của các vở diễn đối với khán giả thủ đô Hà Nội và du khách. Tất cả các vở diễn được lựa chọn đều được các đơn vị nghệ thuật lựa chọn kỹ càng, đầu tư nâng cao công phu với đội ngũ diễn viên trẻ tài năng. Không nườm nượp đông như các show diễn nghệ thuật giải trí, hiện đại nhưng khán giả đến với nghệ thuật truyền thống phần lớn là những khán giả trung thành, yêu quý và trân trọng nghệ thuật truyền thống.

Bên cạnh những vở đề tài lịch sử, dã sử, mảnh đất thuận cho sân khấu truyền thống thì các vở diễn về đề tài cách mạng, về xã hội hiện đại cũng rất hay, rất hấp dẫn. Giữ nguyên vẹn những giá trị đặc trưng của sân khấu tuồng, chèo, cải lương, ca kịch Huế… nhưng các vở diễn của các Nhà hát Cải lương VN, Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Chèo Nam Định, Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế… mang đầy tính thời đại từ cách khai thác đề tài cho tới phong cách dàn dựng, biểu diễn của nghệ sĩ. Tạo nên một sinh khí, một diện mạo cho sân khấu truyền thống hôm nay phải kể tới sự đóng góp của các đạo diễn trẻ như NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSND Nguyễn Tiến Dũng, NSƯT Triệu Trung Kiên, Lê Tuấn Cường…

Những vở diễn sân khấu truyền thống kinh điển như Suý Vân, Hồ Quý Ly của các đạo diễn NSND nổi tiếng tên tuổi như Trần Bảng, Đình Quang… đã từng vang bóng một thời được phục dựng vẫn còn nhiều giá trị thời sự. Trong đợt diễn này sự xuất hiện của các đơn vị nghệ thuật địa phương như Nhà hát nghệ thuật truyền thống Huế, Nhà hát Chèo Nam Định cũng đã tạo dấu ấn tốt với khán giả và đồng nghiệp bởi những đặc trưng nghệ thuật truyền thống riêng của địa phương.
Từ những tác phẩm sân khấu truyền thống cũng nổi lên một thế hệ nghệ sĩ trẻ có tài năng, có bản lĩnh nghề nghiệp và tự tin khi đảm nhiệm những vai diễn chính của từng đơn vị, được ghi nhận ở hàng loạt các tên tuổi như: Quang Khải, Minh Lý, Minh Hải, Đoàn Hoa Mai, Hoàng Tùng (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Kim Liên, Tuấn Tài, (Nhà hát Chèo VN), Lộc Huyền, Vũ Linh, Đức Anh (Nhà hát Tuồng VN), NSƯT Hoài Thu, NSƯT Thảo Quyền, Quốc Phòng (Nhà hát Chèo Hà Nội)… Riêng với các nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối VN thì khó có thể quên được hạnh phúc khi ngắm nhìn cảnh khán giả nô nức vào xem múa rối tại Nhà hát Lớn. Trên fanpage, trên facebook của nhà hát cũng như các nghệ sĩ tham gia biểu diễn đều ngập tràn những lời cảm ơn, những chia sẻ đầy chân tình của khán giả với người nghệ sĩ sân khấu truyền thống.
NSƯT Triệu Trung Kiên, Phó giám đốc Nhà hát Cải lương VN, đạo diễn vở cải lương Hừng đông chia sẻ: “Hơn một tháng nghệ thuật truyền thống được tôn vinh ở Nhà hát Lớn Hà Nội đã mang lại hiệu quả rất lớn đối với nghệ sĩ sân khấu truyền thống. Cơ hội được diễn ở một sân khấu lý tưởng như Nhà hát Lớn đã khiến mỗi đơn vị, mỗi nhà hát phải tự nâng tầm tác phẩm của mình lên, đạo diễn chỉnh sửa gia công dàn dựng kỹ lưỡng hơn, nghệ sĩ chăm chút cho vai diễn… Đây là sự khởi đầu, bệ phóng cho những khao khát sáng tạo và là môi trường cho những tác phẩm có chất lượng cao. Niềm vui sẽ trọn vẹn hơn nữa nếu các đêm diễn có nhiều khán giả mua vé để vào xem nhưng chúng tôi, những người lãnh đạo các nhà hát nghệ thuật truyền thống đều hiểu rằng việc bán vé chương trình nghệ thuật truyền thống luôn là thách thức của các nhà hát, không riêng các chương trình ở Nhà hát Lớn. Chủ trương bán vé xem ở Nhà hát Lớn của Bộ VHTTDL là hoàn toàn đúng nhưng chúng ta cũng phải từ từ để tạo thói quen cho khán giả có nhu cầu đi xem thì bỏ tiền mua vé.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho rằng: Từ trước đến giờ, Nhà hát Tuồng vẫn biểu diễn định kỳ hai buổi thứ Hai và thứ Năm tại rạp Hồng Hà nhưng chỉ có khách du lịch nước ngoài xem. Khách trong nước thì mời cũng còn ít khán giả. Vì vậy khi ra Nhà hát Lớn, tuồng khó để bán được vé cũng là điều dễ hiểu. Nghệ thuật truyền thống là vậy, dù không có khán giả vẫn phải diễn để bảo tồn. Không phải riêng chúng ta, các nước phát triển như Nhật, Hàn Quốc… nghệ thuật truyền thống cũng không thể tự sống được mà rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ. Những ghi nhận của chúng tôi trong các đêm diễn tuồng tại Nhà hát Lớn, khán giả rất thích, đây đã là một thành công đáng ghi nhận cho việc trở lại với sân khấu truyền thống nói chung, nghệ thuật tuồng nói riêng của khán giả thủ đô rồi”.
Hơn một tháng các nhà hát, các nghệ sĩ của các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật truyền thống đã được khoe tài, khoe sắc còn khán giả thì được thưởng thức một bữa tiệc nghệ thuật hấp dẫn, đó là lý do không ít khán giả chờ đón để tới với tháng 8, tháng chuyên đề những vở kịch hay nổi tiếng một thời gồm cả kinh điển thế giới và kịch hiện đại của Việt Nam. Chủ trương giới thiệu quảng bá những tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao được diễn tại Nhà hát Lớn mới chỉ ở chặng đầu nhưng rõ ràng hiệu quả đã mang lại một sinh khí mới cho nghệ thuật biểu diễn, nuôi dưỡng những cảm hứng sáng tạo cho nghệ sĩ và cảm hứng hưởng thụ nghệ thuật cho công chúng. Con đường để khẳng định vị thế của nghệ thuật chính thống, chất lượng tại một điểm diễn cố định tại Nhà hát Lớn còn dài và đòi hỏi sự nỗ lực từ ban tổ chức cho tới các đơn vị nghệ thuật và cá nhân nghệ sĩ. Nhưng rõ ràng công chúng, những người yêu mến nghệ thuật thực thụ là đối tượng được hưởng lợi nhiều từ các chương trình này khi họ đã được xem những tác phẩm nghệ thuật chất lượng tốt ở Nhà hát Lớn, một thánh đường thực thụ lý tưởng của nghệ thuật biểu diễn.
(Nguồn: Báo Điện tử Văn hóa – Bộ VHTTDL)