Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn và trên cơ sở kế hoạch của Nhà hát Chèo Việt Nam năm 2017, sáng ngày 23.3.2017, Nhà hát Chèo Việt Nam đã tiến hành khai trương vở chèo Bà Chúa Kho. Hiện diện tại buổi lễ có Ban Giám đốc; lãnh đạo các phòng, ban; lãnh đạo hai đoàn nghệ thuật cùng tập thể Đoàn Nghệ thuật 1 Nhà hát Chèo Việt Nam.
Bà Chúa Kho là vở diễn thứ hai được khai trương trong năm 2017, nằm trong kế hoạch dàn dựng các tác phẩm mới, bên cạnh việc phục hồi những vở Chèo cổ mẫu mực. Bà Chúa Kho sẽ lên sàn tập ngay sau khai trương nhằm hoàn thiện vở, công diễn phục vụ khán giả đúng theo tiến độ dự định của Ban lãnh đạo nhà hát.
Một số hình ảnh Lễ khai trương vở Chèo Bà Chúa Kho.
VH- Đưa nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu truyền thống trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc là một xu hướng và mục tiêu mà ngành du lịch cũng như các đơn vị nghệ thuật hướng đến. Tuy nhiên vì sao để sự gắn kết này thật sự chặt chẽ, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam vừa hấp dẫn, thu hút khách du lịch là điều không dễ.
Mới đây, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, các đơn vị có trách nhiệm thuộc Bộ đang bắt tay vào xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn thường xuyên, đa dạng hoá các sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch. Vấn đề đặt ra là làm sao để nghệ thuật và du lịch gắn kết thực sự chứ không chỉ là chuyện đánh trống bỏ dùi…
Cú “bắt tay” còn chưa chặt?
Từ năm 2008, Bộ VHTTDL đã tổ chức hai cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo, nghệ sĩ của 12 nhà hát trung ương với gần 100 doanh nghiệp lữ hành, khách sạn 3 -5 sao trên địa bàn Hà Nội nhằm tạo một cơ hội lớn trong việc hợp tác các đơn vị du lịch trong nước để phát triển, các nhà hát gắn kết với ngành du lịch để bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá, thu hút khán giả, các công ty lữ hành cũng rất cần sự hỗ trợ của các nhà hát để làm phong phú sản phẩm du lịch. Vậy mà từ đó đến nay đã gần 10 năm thì hai ngành này vẫn chưa thực sự “bắt tay” chặt chẽ để đạt hiệu quả như mong muốn? Phải chăng vì chương trình của các đơn vị nghệ thuật hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách hay các công ty lữ hành, du lịch đang tìm đủ mọi cớ để “né” việc đưa khách du lịch đến xem tại các rạp hát để giảm tối đa thời gian và kinh phí? Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra từ chính những người trong cuộc.
Khẳng định chương trình của Nhà hát Tuồng VN là rất đặc sắc về chất lượng cũng như phù hợp cả về thời lượng, ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng cho biết: “Nhà hát đã có 3 chương trình phục vụ khách du lịch với thời lượng không quá 1 tiếng đồng hồ và khoe được những gì hay, tinh tuý nhất, cô đọng nhất của nghệ thuật tuồng truyền thống. Tuy nhiên đúng là các doanh nghiệp về du lịch, lữ hành tư nhân rất hờ hững bắt tay với nhà hát đơn giản là vì họ không muốn tốn thêm thời gian và tiền bạc để đưa đón khách tới rạp hát xem chương trình nghệ thuật của chúng tôi. Có lẽ chỉ có thể trông chờ vào sự tích cực hơn nữa của các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước hoặc các đơn vị chịu sự quản lý trực tiếp Bộ VHTTDL thì mới có cơ may tác động được”.
Phải là thương hiệu nghệ thuật “xịn”…
Bà Ngô Thanh Thuỷ, Giám đốc Nhà hát Múa rối VN cho biết hiện nay rất ít các công ty du lịch, lữ hành, khách sạn chịu bắt tay với các nhà hát tầm cỡ quốc gia như Nhà hát Múa rối Việt Nam đơn giản là do họ rất ngại đưa khách tới xem ở rạp hát của Nhà hát Múa rối vì địa điểm biểu diễn quá xa và vì vậy họ đã chọn hợp tác với những nhóm nghệ sĩ rối tư nhân nhỏ để phục vụ khách trong tour của họ, không cần biết đến chất lượng quan trọng đối với những đơn vị này đó là giá vé biểu diễn càng rẻ càng tốt để có lợi nhuận cao lại không mất thời gian đi lại quá xa. Vô cùng bức xúc khi nói về các chương trình biểu diễn nghệ thuật rối nước hiện nay trong các tour du lịch, bà Ngô Thanh Thuỷ cho biết: “Hiện nay một số địa điểm biểu diễn đã để cho các nhóm rối tư nhân biểu diễn và làm biến tướng đi nghệ thuật rối nước truyền thống. Tôi không thể nghĩ rằng một địa điểm biểu diễn lớn như Tuần Châu lại có thể cho một đoàn rối vào biểu diễn với chất lượng cực kém, điều đáng nói là nhà thuỷ đình biểu diễn còn được họ ốp cả đá vào”.
Ngoài những yếu tố bên ngoài tác động thì theo phản hồi của đại diện nhiều công ty lữ hành và người hướng dẫn du lịch thì hiện nay các chương trình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương khi xây dựng còn quá dàn trải cũng như các tiết mục đôi khi còn quá khó hiểu và nặng nề khiến khách du lịch không hiểu và không hào hứng với nghệ thuật. Phụ trách Nhà hát Múa rối Thăng Long, một điểm dừng chân ăn khách nhất của nghệ thuật hiện nay tại thủ đô Hà Nội, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn chia sẻ: “Tôi cho rằng muốn nghệ thuật đặc biệt là truyền thống ăn khách, thu hút khách du lịch thì cần phải có một địa điểm ở trung tâm nằm trong quần thể các tour du lịch ở Hà Nội giống như Nhà hát Múa rối Thăng Long. Điều thứ hai mà tôi thấy các đồng nghiệp cần quan tâm hơn đó là làm sao rút ngắn độ dài cũng như thoại trong các chương trình phục vụ khách du lịch. Những tuồng tích của tuồng truyền thống rất hay nhưng nếu chúng ta cứ giữ nguyên sẽ rất khó hiểu ngay từ việc dịch để khách quốc tế hiểu các tuồng tích từ các trích đoạn”. NSND Nguyễn Hoàng Tuấn cho rằng nên các chương trình nghệ thuật truyền thống như tuồng cần có sự mạnh dạn thay đổi hình thức và kết cấu chương trình ví dụ như trong một thời gian 40 phút đến với tuồng không nên quá chú trọng tới việc đưa quá nhiều trích đoạn với nhiều tuồng tích mà nên chọn lọc 1, 2 trích đoạn thật kiệm lời và dễ hiểu, kèm theo là màn giới thiệu các vũ đạo tuồng, trang phục tuồng, giới thiệu về cách hoá trang mặt nạ tuồng theo tính cách nhân vật… sẽ hấp dẫn hơn với khán giả quốc tế.
Qua trao đổi với nhiều công ty lữ hành du lịch thì họ rất muốn có một trung tâm nghệ thuật biểu diễn tập hợp nhiều loại hình nghệ thuật để tiện cho việc đi lại của du khách quốc tế chứ không thể muốn xem múa rối thì phải ngược lên Nhà hát Múa rối Trung ương ở tận đường Trường Chinh, muốn xem chèo lại về Rạp Kim Mã… Trung tâm nghệ thuật biểu diễn ấy cần phải nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh và di tích của Hà Nội thì càng tốt. Cách đây gần chục năm, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đã từng xây dựng đề án thành lập Trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia với quy mô khoảng 30.000 – 40.000 m2 bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình. Cụm công trình khép kín bao gồm nhiều khu vực như biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương… và một số hạng mục bổ trợ như bảo tàng sân khấu, khu vui chơi giải trí, thư viện, nhà khách, nhà dịch vụ… nhưng rốt cuộc thì đề án cũng chỉ nằm trên giấy…
Có rất nhiều những vấn đề để làm sao ngành du lịch có được những cú bắt tay thật chặt với nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên nhìn vào chính nội tại của các chương trình nghệ thuật hiện nay vẫn còn vô số những bất cập đặt ra như các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật vẫn còn chưa biết cách làm sao để quảng bá nghệ thuật của mình một cách có hiệu quả, chưa biết chắt lọc và mạnh dạn thay đổi để làm sao chương trình tiết mục của mình phù hợp với nhu cầu của khách du lịch… Nhìn về phía ngành du lịch thì cũng rất cần có một cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn với ngành nghệ thuật để làm sao khách quốc tế đến Việt Nam không những được hưởng những tour du lịch giá rẻ, chất lượng và đặc biệt là thưởng thức những chương trình nghệ thuật hay, đặc sắc xứng đáng là thương hiệu nghệ thuật nhà hát của quốc gia thực hiện.
Ngày 7/3, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), Công đoàn Bộ phối hợp với Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” Bộ VHTTDL tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và khen thưởng Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” hai năm (2015-2016). Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã tới tham dự chương trình.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên
Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngoan, Trưởng Ban nữ công Bộ VHTTDL cho biết: “Lễ gặp mặt kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại những chặng đường vẻ vang của phụ nữ Việt Nam và bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc đối với những người phụ nữ, người mẹ, người vợ – những người đã và đang âm thầm, bền bỉ góp sức mình làm đẹp cho gia đình, cho cuộc đời”.
Đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngoan – Trưởng Ban nữ công Bộ VHTTDL
Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ nữ của ngành VHTTDL đã tăng cả về số lượng và chất lượng, với nhận thức đầy đủ về vai trò của đội ngũ cán bộ nữ, Đảng bộ chính quyền, đoàn thể Bộ VHTTDL đã kịp thời triển khai, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, của Nhà nước, liên quan đến sự tiến bộ của phụ nữ, thông qua các công tác đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, sử dụng cán bộ nữ, tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân viên chức phấn đấu rèn luyện, đóng góp nhiều hơn nữa tài năng, trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển của ngành.
Tham dự chương trình, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã bày tỏ sự vui mừng trước những thành quả mà chị em cán bộ, công chức, đoàn viên Công đoàn Bộ VHTTDL đã đạt được trong những năm qua. Trên tinh thần Quốc tế Phụ nữ 8/3 và tinh thần quật khởi của Hai Bà Trưng anh hùng, Thứ trưởng mong rằng các nữ cán bộ, công chức, đoàn viên Công đoàn Bộ VHTTDL, trên cương vị công tác của mình sẽ luôn nỗ lực phấn đấu, đoàn kết tương trợ lẫn nhau; năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong công việc; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; quyết tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước; đồng thời cần phát huy tinh thần và truyền thống của người phụ nữ Việt Nam luôn “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”, để chủ động giải quyết tốt công việc cơ quan, công việc gia đình, xứng đáng là người phụ nữ: “Giỏi việc nước – đảm việc nhà”.
Kết thúc phần lễ kỷ niệm, các đại biểu đã được lắng nghe GS.TS Trần Lâm Biền trình bày về chuyên đề “Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt” – Di sản văn hóa phi vật thể mới nhất được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Chương trình nghệ thuật minh họa cho phần nói chuyện chuyên đề “Tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt”
Bên cạnh phần kỷ niệm Ngày quốc tế Phu nữ, chương trình còn biểu dương, tôn vinh những tập thể và cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua hai giỏi của công đoàn Bộ VHTTDL. Theo Báo cáo tổng kết công tác nữ công Bộ VHTTDL, đều đặn hàng năm, Công đoàn Bộ đều có các văn bản hướng dẫn các công đoàn cơ sở triển khai công tác nữ công, chú trọng đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Phong trào đã và đang được các nữ đoàn viên thực hiện có hiệu quả, thể hiện được phẩm chất và năng lực, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng mỗi cơ quan đơn vị của ngành. Phát huy những thành tích đã đạt được, năm 2017, Ban công tác nữ công Bộ VHTTDL sẽ thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; Tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và chương trình hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình đến 2020; Nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, tôn vinh khen thưởng kịp thời những nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; Phối hợp với Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” giới thiệu tới chính quyền, cơ quan những nữ cán bộ có đủ điều kiện để đào tạo, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; Kiểm tra giám sát thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đẩy mạnh hoạt động xã hội;…
Tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào
Tại buổi lễ, 10 tập thể đã được Tặng bằng khen phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” của Công đoàn viên chức Việt Nam; 12 cá nhân được tặng Bằng khen phong trào thi đua 2 giỏi của Công đoàn viên chức Việt Nam; 11 tập thể, 66 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã được tặng Giấy khen của Công đoàn Bộ VHTTDL./.
VH- Tới đây, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn tại Nhà hát Lớn sẽ phải tự lo “phát hành” từ 30 đến 40% số ghế mỗi đêm diễn. Sẽ điều chỉnh giá cho phù hợp với từng chương trình và loại hình nghệ thuật. Dẫu là dàn dựng mới hay phục dựng thì các chương trình cũng sẽ phải được chỉnh sửa, nâng cao để xứng tầm là một tác phẩm thật sự có chất lượng cao khi diễn ở Nhà hát Lớn…
Đó là những định hướng được Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu ra tại cuộc họp với các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật về chủ trương biểu diễn các tác phẩm chất lượng cao tại Nhà hát Lớn vào sáng 28/02/2017.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, Cục đã bàn bạc và thống nhất với các đơn vị nghệ thuật về kế hoạch biểu diễn tại Nhà hát Lớn trong năm 2017. Chính thức sẽ có hai đợt biểu diễn lớn vào tháng 5 và tháng 8 năm 2017. Tháng 5 sẽ có 12 chương trình thuộc các loại hình sân khấu truyền thống và tháng 8 sẽ có 12 chương trình thuộc loại hình sân khấu kịch nói. Số lượng chương trình được lựa chọn vào các đợt biểu diễn gồm những tác phẩm mới và cả những tác phẩm đã từng nổi đình đám trong kịch mục của đơn vị.
Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chỉ đạo các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật sẽ phải chỉnh sửa, nâng cao những tác phẩm đã dàn dựng trước đây bằng việc dành thời gian để tập luyện, sửa sang làm mới cảnh trí, trang phục, đạo cụ… để làm sao việc khôi phục dàn dựng lại không những đảm bảo về giá trị nội dung mà cả về hình thức cho xứng đáng với quy mô biểu diễn tại Nhà hát Lớn.
Đại diện lãnh đạo của một số nhà hát cũng đã có những chia sẻ về giá vé, về những khó khăn và thuận lợi của mỗi đơn vị trước chủ trương bán vé các chương trình tại Nhà hát Lớn. Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch VN, NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch VN cho rằng với giá vé từ 700.000 đến 1.000.000 đồng sẽ rất khó để các nhà hát mời gọi các đối tác vì vậy cần có sự điều chỉnh. Bàn về chủ trương khoán % số lượng vé bán cho các nhà hát phối hợp cùng với công tác bán vé của Nhà hát Lớn cũng được các nhà hát thuộc loại hình kịch nói, ca múa nhạc… đồng tình nhưng với các nhà hát sân khấu truyền thống thì cho rằng sẽ gặp khó khăn. Bởi lẽ với giá vé rất thấp 100.000 đến 200.000 đồng thì ngay tại rạp hát của mình các Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Chèo VN cũng thấy khó để thu hút được đông khán giả. Mỗi buổi diễn của tuồng hay chèo trung bình chỉ được vài chục khán giả và chủ yếu là phục vụ đối tượng khách du lịch.
Lắng nghe những ý kiến chia sẻ của đại diện các nhà hát về công tác tổ chức biểu diễn, bán vé doanh thu hiện nay tại Nhà hát Lớn cũng như tại các địa điểm biểu diễn thường xuyên của từng đơn vị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã chia ra hai nhóm đơn vị nghệ thuật. Một nhóm sẽ tiên phong thực hiện việc bán vé doanh thu như Nhà hát Kịch VN, Nhà hát Tuổi Trẻ, Dàn nhạc giao hưởng VN, Nhà hát Nhạc vũ kịch VN… Một nhóm khác sẽ vẫn phối hợp bán vé doanh thu cùng với Nhà hát Lớn nhưng sẽ tùy theo tình hình thực tiễn để điều phối vé cho phù hợp như Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Tuồng VN, Nhà hát Cải lương VN. Câu hỏi đặt ra có nên hạ giá vé nhiều cho các chương trình sân khấu truyền thống thuộc diện khó bán vé khi diễn ở Nhà hát Lớn, NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo VN và một số đại diện các nhà hát này cũng đã tỏ rõ quyết tâm sẽ không giảm giá quá thấp so với mặt bằng các chương trình nghệ thuật khác trong đợt biểu diễn để khẳng định giá trị của tác phẩm và thương hiệu của đơn vị.
“Nếu hạ giá vé quá thấp thì nghệ thuật sẽ tự hạ thấp giá trị của mình, chi bằng phải dần dần nâng giá vé lên để buộc xã hội chấp nhận. Các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống cũng cần thấy rằng địa bàn hoạt động của mình không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà còn phải khẳng định được vị thế và vị trí của mình ngay tại trung tâm thành phố. Ngay như quan niệm nghệ thuật múa rối chỉ dành cho thiếu nhi cũng là sai, trên thực tế khi tới các suất diễn thường xuyên hiện nay thì đối tượng tới xem rối lại là người lớn và vì vậy chương trình biểu diễn cũng phải mở rộng đối tượng chứ không chỉ bó hẹp với mục tiêu phục vụ trẻ em”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhận định. Tác phẩm biểu diễn là sản phẩm của mỗi đơn vị nghệ thuật và vì vậy sẽ không thể phó thác toàn bộ công tác tổ chức bán vé cho Nhà hát Lớn.
Để các nhà hát tự lựa chọn nhóm biểu diễn tích cực năng động hay vào nhóm sân khấu truyền thống khó bán vé, khó thích ứng với cơ chế thị trường; Đề nghị các nhà hát phải suy nghĩ về nhiệm vụ, vai trò cũng như cách làm để làm sao nâng cao chất lượng chương trình và thu hút được những đối tượng khán giả riêng cho mình; Sẽ duy trì các chương trình biểu diễn theo các chủ đề riêng theo kế hoạch hằng năm… Đề ra những biện pháp trên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng đề nghị các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật cần năng động hơn, tạo phong cách riêng cho thương hiệu của mình không chỉ từ việc xây dựng tác phẩm mà còn ở phương thức tổ chức biểu diễn, kinh doanh.
Cùng một loại hình nghệ thuật, cùng được xếp lịch diễn liên tiếp trong tháng… thì rõ ràng bản thân những người trong cuộc cũng sẽ tự đánh giá được mình qua số lượng khán giả đến xem chương trình, qua doanh thu biểu diễn và đặc biệt là sự hào hứng của khán giả là thước đo cho giá trị của mỗi chương trình cũng như thương hiệu của từng nhà hát. “Cuộc chơi” mới đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật, đặc biệt là sân khấu truyền thống phải có cách tư duy mới trong sáng tạo cũng như cách quảng bá, tiếp thị cho tác phẩm của mình.