Tháng: Tháng Hai 2017
Khai trương vở diễn mới: “Thị Hến”
Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn và trên cơ sở nhiệm vụ, kế hoạch của Nhà hát Chèo Việt Nam năm 2017, sáng ngày 21/02/2017, Nhà hát Chèo Việt Nam đã tổ chức khai trương vở Chèo “Thị Hến”. Tới dự Lễ khai trương có Ban Giám đốc, ê-kip sáng tạo, các đồng chí lãnh đạo các phòng, ban, Đoàn biểu diễn cùng toàn thể nghệ sĩ diễn viên, nhạc công Đoàn Nghệ thuật 2 Nhà hát Chèo Việt Nam.
Sau thời gian thẩm định kịch bản, vở Chèo “Thị Hến” của tác giả Trần Đình Văn được chọn lựa dàn dựng để bổ sung cho dàn kịch mục Đoàn Nghệ thuật 2. Dự kiến sau 2 tháng, vở diễn sẽ được hoàn thành nhằm phục vụ công diễn đúng theo kế hoạch chỉ đạo của Ban Lãnh đạo Nhà hát và kế hoạch năm 2017.
Một số hình ảnh Lễ khai trương vở Chèo “Thị Hến”.
Biểu diễn nghệ thuật ở Nhà hát Lớn: Nhà hát phải vào cuộc bán vé
VH- Đã tới lúc các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn không thể đứng ngoài cuộc và phó mặc công tác bán vé, doanh thu ở các chương trình nghệ thuật diễn ở Nhà hát Lớn mà cần phải chủ động tích cực vào cuộc.
Đã tới lúc cần có một cơ chế quy định rõ trách nhiệm trong công tác phát hành bán vé doanh thu cho các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật. Không ai hiểu giá trị và chất lượng tác phẩm của mình bằng chính những người sáng tạo ra nó, vậy tại sao không để các nhà hát cùng san sẻ trách nhiệm quảng bá, bán vé cùng với Ban quản lý Nhà hát Lớn, Văn phòng Bộ…
Sau thông báo Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện về kế hoạch tổ chức các chương trình nghệ thuật chất lượng cao năm 2017, Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa có cuộc họp thống nhất với các nhà hát trực thuộc Bộ và Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội về kế hoạch này. Sẽ có hai đợt diễn gồm 12 chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống luân phiên diễn vào tháng 5/2017 và 12 chương trình biểu diễn nghệ thuật kịch nói luân phiên diễn vào tháng 8/2017.
Trong tháng 5 sẽ có 6 nhà hát nghệ thuật truyền thống tham gia biểu diễn gồm: Nhà hát Cải lương Việt Nam diễn vào tối 4 và 5/5 (Cung phi Điểm Bích, Hừng đông), Nhà hát Múa rối Việt Nam diễn vào tối 6 và 7/5 (Aladanh và cây đèn thần, Tôn Ngộ Không 3 lần đánh Bạch Cốt Tinh), Nhà hát Chèo Hà Nội diễn vào tối 8 và 9/5 (Nàng thứ phi họ Đặng, Vương nữ Mê Linh), Nhà hát Tuồng Việt Nam diễn vào tối 13 và 14/5 (Nữ tướng Đào Tam Xuân, Chuyện bịa của Làng Vồm), Nhà hát Ca kịch Huế diễn tối 20 và 21/5 (Vụ án Lệ Chi Viên, Dòng sông đỏ), Nhà hát Chèo Việt Nam diễn vào tối 22 và 28/5 (Súy Vân, Dây tràng hạt diệu kỳ).
Trong tháng 8, chương trình biểu diễn các vở kịch chất lượng cao mang tên Những vở kịch còn mãi với thời gian với sự tham gia của 5 nhà hát và đoàn nghệ thuật: Nhà hát Tuổi trẻ diễn vào tối 5, 6 và 7/8 (Vòng phấn Kavkaz, Tất cả đều là con tôi, Công lý không gục ngã), Nhà hát Kịch Hà Nội diễn vào các tối 8, 9 và 10/8 (Những mặt người thấp thoáng, Bỉ vỏ, Cát bụi), Nhà hát Kịch Việt Nam diễn vào các tối 11, 12 và 13/8 (Hamlet, Kiều, Lâu đài cát), Đoàn Kịch nói Công an nhân dân sẽ diễn vào các tối 17 và 18/8 (Đường đua trong bóng tối, Quyết đấu giữa sương mù), Nhà hát Kịch nói Quân đội diễn vào tối 20/8 (Dưới cát là nước).
Một số đơn vị nghệ thuật biểu diễn không nằm trong hai đợt diễn theo chuyên đề trên cũng có lịch diễn tại Nhà hát Lớn trong năm 2017: Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc.
Tiêu chí lựa chọn các vở tham gia biểu diễn tại Nhà hát Lớn trong năm 2017 vẫn là những vở diễn, chương trình nghệ thuật đạt chất lượng cao về tư tưởng và nội dung nghệ thuật tiêu biểu của từng nhà hát, từng loại hình nghệ thuật. Ông Nguyễn Đăng Chương, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết việc chuyển hướng biểu diễn ở Nhà hát Lớn theo từng chủ đề chuyên biệt theo tháng, cụ thể là chuyên đề biểu diễn nghệ thuật truyền thống và biểu diễn kịch nói là theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.
Mỗi chuyên đề đều hướng tới một cách giới thiệu quảng bá riêng. Chuyên đề kịch nói sẽ giới thiệu những tác phẩm kinh điển của sân khấu kịch nói VN, một loại hình sân khấu tiếp thu mạnh mẽ sân khấu phương Tây và có sức lan tỏa trực diện khi đặt ra những vấn đề nóng bỏng của xã hội, đóng góp tính dự báo cho toàn xã hội.
Tháng chuyên đề biểu diễn nghệ thuật truyền thống là triển khai thực hiện Chương trình hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, đẩy mạnh hơn nữa việc phát huy, đưa nghệ thuật truyền thống đến với công chúng, tăng tần suất các chương trình biểu diễn để thúc đẩy quảng bá nghệ thuật truyền thống đến với công chúng, làm tốt công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển nghệ thuật truyền thống.
Rút kinh nghiệm của công tác tổ chức biểu diễn, đặc biệt là bán vé trong các chương trình của năm 2016 trong kế hoạch quảng bá tác phẩm tại Nhà hát Lớn, ông Phạm Đình Thắng, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn tham gia vào kế hoạch năm 2017 không thể đứng ngoài cuộc và phó mặc việc bán vé, doanh thu cho Ban quản lý Nhà hát Lớn mà phải chủ động tích cực để vào cuộc.
Năm 2016, một số nhà hát cũng đã có ý thức và tiến hành rất tốt công tác phát hành vé cùng với Nhà hát Lớn Hà Nội như Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam nhưng cũng có những nhà hát chỉ bán được một vài vé. Mỗi nhà hát đều có bộ phận tổ chức biểu diễn, marketing và bộ phận này cần phải góp sức cùng với Nhà hát Lớn chứ không nên phó mặc hết cho Ban quản lý Nhà hát Lớn làm công tác bán vé. Ông Nguyễn Thế Vinh, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng cần có một cơ chế rõ ràng về công tác bán vé, quy định cụ thể cả việc trích % hoa hồng bán vé một cách đàng hoàng cho các nhà hát chứ không phải là việc nhà hát chỉ đi bán hộ vé.
Đã tới lúc các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật không thể đứng ngoài cuộc nữa mà phải coi công tác bán vé doanh thu là một trong những vấn đề sống còn để khẳng định vị thế của mình đối với đời sống xã hội thay vì việc diễn miễn phí, phát hành vé mời. Chính vì vậy mà giá vé bán xem chương trình nghệ thuật ở Nhà hát Lớn sẽ giảm xuống so với giá của năm 2016. Dự kiến ở mức từ 300.000 đồng đến 700.000 đồng/vé.
Chỉ trong 5 tháng cuối năm 2016 khi Bộ VHTTDL tổ chức đợt biểu diễn các tác phẩm chất lượng cao tại Nhà hát Lớn đã tạo nên bầu không khí phấn khích trong giới nghệ sĩ cũng như sự phản hồi tích cực từ phía khán giả yêu nghệ thuật chân chính, sự quan tâm của dư luận xã hội và báo chí. Trong kế hoạch biểu diễn tại Nhà hát Lớn năm 2017 có nhà hát chỉ có một chương trình, có nhà hát tối đa có ba chương trình. Sự xuất hiện tại Nhà hát Lớn trong những đợt biểu diễn lớn này là dịp để các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật quảng bá thương hiệu cho đơn vị mình và dĩ nhiên để khẳng định được chất lượng của tác phẩm cũng như thể hiện được phong cách riêng của đơn vị mình. Từ đó để có thêm nhiều khán giả, nhiều hợp đồng biểu diễn được đặt hàng trực tiếp tại các đêm diễn thường kỳ tại địa điểm riêng của mỗi đơn vị. Việc sắp xếp cùng một loại hình nghệ thuật trên cùng một địa điểm biểu diễn là Nhà hát Lớn cũng như trong cùng thời điểm cũng đòi hỏi một không khí cạnh tranh lành mạnh trong sáng tạo nghệ thuật.
(Nguồn: Báo điện tử Văn hóa – Bộ VHTTDL)
Đưa các chương trình nghệ thuật vào tour du lịch: “Làm đến khi thành công mới thôi”
VH- “Cần sớm xây dựng các chương trình nghệ thuật biểu diễn thường xuyên, các sản phẩm du lịch văn hóa phong phú để thu hút du khách. Phải làm đến khi thành công mới thôi”. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện chỉ đạo trong cuộc họp hôm qua 9.2 tại Hà Nội với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ về việc tăng cường gắn kết các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với du lịch.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta ở giữa Thủ đô Hà Nội, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước; chúng ta quản lý rất nhiều nhà hát, nhiều bảo tàng, có nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc mà không phát huy được, không kết nối vào các chương trình tour du lịch để phục vụ người dân và du khách thì quả là đáng tiếc. Tôi đề nghị Tổng cục Du lịch (TCDL), Văn phòng Bộ, Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các đơn vị liên quan nhanh chóng vào cuộc xây dựng các đề án, kế hoạch, chương trình để đẩy mạnh việc gắn kết hoạt động văn hóa với hoạt động du lịch, đưa các sản phẩm văn hóa vào tour du lịch phục vụ du khách”.
“Phải xây dựng được những chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, thời lượng vừa phải (45 phút), sử dụng những loại hình nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, quan họ, đàn ca tài tử, hòa tấu nhạc dân tộc, múa rối cạn…) nhưng không quá hàn lâm mà nhẹ nhàng, thư thái, thiên về giải trí, tạo cảm hứng cho khán giả. Nhà hát thì để không, diễn viên thì khao khát diễn, người dân và du khách thì khao khát đến xem mà bao nhiêu năm chúng ta không làm nổi thì là thế nào?.” (Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện) |
Trên thế giới đã có rất nhiều nước vô cùng thành công trong việc khai thác các tác phẩm nghệ thuật, sản phẩm văn hóa, công trình kiến trúc… trong hoạt động du lịch. Những nhà hát Paris Opera hay còn gọi là Palais Garnier (Pháp) với vở “Bóng ma trong nhà hát”, nhà hát Bolshoi (Nga), nhà hát Teatro Olimpico (Ý), nhà hát Opera Sedney (Úc)…; những bảo tàng Louvre (Pháp), bảo tàng Vantican, bảo tàng nghệ thuật Hermitage (Nga)… là các địa chỉ vàng mà du khách nước ngoài khi đến các quốc gia này không thể bỏ qua. Nhiều nước khác lại khai thác du lịch hiệu quả những chương trình nghệ thuật biểu diễn.
Các chương trình biểu diễn nghệ thuật đương đại, không lời của Hàn Quốc như Bibap, Jump, Fanta Stick, Fire Man, Kung, Pangshow, DrumCat, Bibimbap… với các tiết mục hấp dẫn, tương tác giữa diễn viên với khán giả… tạo ra sự phấn khích cho hàng triệu khách du lịch mỗi năm. Hay các chương trình giải trí của Thái Lan với Alcazar show, Tiffany Show, Simon Cabaret show, Phuket Fantasea… đều là những chương trình ca múa, nhạc, kịch tổng hợp diễn ra trong khoảng 90 phút với màu sắc và trang phục rất rực rỡ, hấp dẫn, truyền cảm hứng và niềm vui thích cho người xem.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL cho rằng: “Việc kích hoạt để khai thác công trình Nhà hát Lớn Hà Nội và các tác phẩm nghệ thuật, biểu diễn thường xuyên, định kỳ trong Nhà hát Lớn để phục vụ du khách là rất trúng và khả thi mà lâu nay chúng ta chưa làm được. Nếu kết hợp tham quan nhà hát với thưởng thức nghệ thuật truyền thống Việt Nam thì đây có thể là điểm nhấn để thu hút khách nước ngoài đến Hà Nội, Việt Nam”.
Ông Tuấn dẫn ra việc Nhà hát Múa rối Thăng Long hiện nay mỗi ngày 7-8 suất diễn, anh chị em diễn viên mệt lử. Sản phẩm du lịch quanh khu vực phố cổ thì không thay đổi mấy, nhiều năm nay vẫn thế, khách không biết đi đâu xem gì khi tới Hà Nội. “Theo tôi, cần xây dựng đề án về các chương trình tham quan và xem biểu diễn nghệ thuật tại Nhà hát Lớn và Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong đó đưa ra nhiều phương án (có thời lượng, địa điểm…) để du khách lựa chọn.
Đồng thời chuẩn bị lực lượng thuyết minh viên tại điểm tham quan Nhà hát Lớn, bài giới thiệu, tập gấp, tờ rơi…; xây dựng và công bố sớm các chương trình nghệ thuật truyền thống sẽ diễn trong Nhà hát Lớn để các công ty lữ hành đưa vào chương trình tour, quảng bá cho du khách.
Sau khi có sản phẩm hoàn thiện, sẽ tổ chức cho đại diện các công ty lữ hành, cơ quan báo chí đến khảo sát sản phẩm, góp ý, quảng bá và đưa vào khai thác”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn cũng cho biết, việc kết hợp giữa văn hóa và du lịch không phải bây giờ mới làm, cũng có một số nhà hát đã xây dựng chương trình, các công ty lữ hành hợp tác đưa khách đến nhưng chưa thành công. Khi thực hiện chương trình mới này cũng vậy, phải chấp nhận việc thời gian đầu có thể ít khách và phải tăng cường công tác marketing, quảng bá, truyền thông cho sản phẩm mới.
Đồng ý với ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng phải xây dựng được những chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, thời lượng vừa phải (45 phút), sử dụng những loại hình nghệ thuật truyền thống (tuồng, chèo, cải lương, quan họ, đàn ca tài tử, hòa tấu nhạc dân tộc, múa rối cạn…) nhưng không quá hàn lâm mà nhẹ nhàng, thư thái, thiên về giải trí, tạo cảm hứng cho khán giả. Thậm chí, ngoài việc xây dựng những tour trọn gói tham quan phố cổ, tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tham quan Nhà hát Lớn, xem nghệ thuật trong nhà hát còn có thể có những gói sản phẩm phục vụ khách xem nghệ thuật và dùng bữa nhẹ trong phòng Gương. Các đơn vị liên quan cần nghiên cứu, đề xuất những phương án hợp lý để thực hiện và phải kiên trì làm đến khi thành công mới thôi.
“Nhà hát thì để không, diễn viên thì khao khát diễn, người dân và du khách thì khao khát đến xem mà bao nhiêu năm chúng ta không làm nổi thì là thế nào?”- Bộ trưởng băn khoăn. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan sử dụng các nguồn lực, các chuyên gia trong ngành để thực hiện ý tưởng này. Hết tháng 2.2017 phải xây dựng xong đề án về các chương trình nghệ thuật biểu diễn trong Nhà hát Lớn, những nội dung về sản phẩm văn hóa du lịch này và đề án thu hút khách du lịch và kêu gọi các doanh nghiệp du lịch hưởng ứng chương trình này. Tháng 3.2017 tổ chức marketing, quảng bá truyền thông cho chương trình, sản phẩm mới; mời doanh nghiệp và báo chí đến khảo sát, lấy ý kiến về sản phẩm. Tháng 4.2017 đưa vào khai thác ngay.
Thúy Hà
(Báo Văn hóa điện tử)