Có lẽ, nên bắt đầu bài viết này từ câu nói: “Nếu tôi có chết, tôi cũng trở thành “ma Chèo”!”– một câu nói thực sự ám ảnh – trích lời Giáo sư Trần Bảng trong cuộc trò chuyện sáng ngày 20 tháng Chạp năm 2016 tại buổi gặp gỡ cuối năm dành cho nghệ sĩ, cán bộ đã nghỉ hưu được tổ chức thường niên vào dịp áp Tết của Nhà hát Chèo Việt Nam.
(Giáo sư Trần Bảng)
Phát biểu của Giáo sư Trần Bảng thật ngắn nhưng đã nói hộ cả tâm tư nhiều người. Nhạc sĩ – NSƯT Bùi Đức Hạnh thì trăn trở đối với vấn đề “trả nghệ thuật Chèo về không gian làng quê”. Đành rằng quá rõ, Chèo sinh ra ở làng quê nhưng không vì thế, cứ về quê Chèo mới có đất sống. Vả lại trình độ cảm thụ nghệ thuật luôn luôn bao giờ cũng tương ứng với trình độ nhận thức. Con người thời hiện đại dù là ai nếu còn thẩm mĩ chân chính thì dẫu ở thị thành cũng vẫn vào rạp để thưởng thức nghệ thuật, thụ hưởng điều kiện vật chất hiện đại nhưng tái giữ được không gian nơi nó tồn tại và ra đời. Khác NSƯT Bùi Đức Hạnh, Nguyên Giám đốc Vũ Đình Quân lại quan tâm tới vấn đề tổ chức. Cá nhân ông bày tỏ tin tưởng vào Ban lãnh đạo đương nhiệm. Còn nghệ sĩ tiền bối Duy Đính thì thương yêu dặn dò các em học sinh không lãng phí sức khỏe, chú ý chăm chút nhan sắc, giọng hát. Các em cần nhớ rằng, giọng hát – nhan sắc là phương tiện của biểu hiện nghệ thuật. NSND Diễm Lộc tuy không nói trước tập thể nhưng bà ngồi dưới hết sức nhiệt thành tâm tình với diễn viên trẻ kinh nghiệm diễn xuất của mình. Muốn diễn giỏi trên sân khấu nhất định phải rèn rũa làm sao tới mức đủ “độ”, không thiếu hụt lại càng không nên vượt quá “ngưỡng” tính cách mình nhập vai…Cứ như vậy, nhiều câu chuyện, nhiều tâm tư cả một năm đọng lại mà cảm thấy khoảng thời gian nửa ngày quá ngắn ngủi để nói! Nhưng đã chạm tới nghề thì nói biết đến bao giờ cho đủ?! Bữa tiệc cuối năm, “đủ” ở đây có chăng là đủ đầy tình cảm giữa thầy và trò; giữa anh em đồng nghiệp gắn bó cùng nhau. Nhịp sống xô bồ hối hả hiện nay, cứ ngày 20 tháng Chạp, ở Nhà hát Chèo Việt Nam bây giờ, lúc này và ngày mai, vẫn mãi giữ truyền thống chân quý ấy!
Trở lại câu nói của GS Trần Bảng. Thực ra, với một nhà lý luận gạo cội như ông thì chuyện “ma” thuộc về duy tâm, không thể tồn tại trong ý thức khoa học duy vật. Câu nói đó trước hết đơn giản hiểu như cách diễn đạt gần gũi, thân thuộc để gửi gắm toàn bộ niềm tin và tình yêu đối với nghệ thuật Chèo. Sống vì Chèo, chết đi cũng vẫn ở trong Chèo. Chèo đã hóa thành linh hồn, nguyên khí. Thực thể con người không ai cưỡng lại được quy luật hữu hạn nhưng nguyên khí thì vẫn mãi còn, không bao giờ mất. Và “ma Chèo” ở đây, không gì khác ngoài nguyên khí vô hình mà giáo sư đã vận dụng thành quả từ vật lý – y học; chứng minh ở đó, luôn chứa đựng khả năng tái sinh sức mạnh, có thể tiếp sức, khơi dậy năng lượng sáng tạo nơi đời sống tinh thần những ai tâm thành, chung thủy với con đường khẳng định chân lý sinh tồn của tinh hoa nghệ thuật truyền thống!
“Ma Chèo” sau nữa nếu hiểu từ góc độ văn hóa – đạo đức, với uy tín, nhân cách của người thầy, thầy Trần Bảng đã ân cần, độ lượng nhắc nhở lớp lớp thế hệ học trò bài học “tiên học lễ, hậu học văn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”… “Làm nghề” quan trọng, nhưng “làm người” phải đặt lên trước hết. Nhớ ơn tiên tổ rồi mới đến việc, làm thế nào để xứng đáng với tổ tiên, âu cũng là mong mỏi mà nếu chẳng may một ngày thầy về với các cụ thì thầy vẫn mãi dõi theo, Chèo ở đâu, thầy ở đó!
Nói lại về nguồn cội nghi lễ ngày Tết, xin lược trích sau đây vài điều sơ giản. Ai cũng biết rằng trên thế giới, nhiều quốc gia ăn Tết “tây” – tết Dương lịch, một số nước khác trong đó có Việt Nam ăn Tết “ta” – tết Âm lịch hay còn gọi là tết Nguyên đán. Từ xưa người Việt Nam coi tết Nguyên đán là một trong những dịp lễ truyền thống quan trọng nhất của năm. Nguyên nghĩa của từ “tết” là “tiết”. Sở dĩ vì đất nước ta thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước, xuất phát từ nhu cầu sản xuất, cha ông đã phân chia thời gian trong một năm thành những “tiết” và ứng với mỗi “tiết” có khắc “giao thời”. Trong những “tiết” ấy thì tiết Nguyên đán (bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 Âm lịch) khởi đầu một chu kì canh tác, gieo trồng, được chọn làm dịp lễ- sau này dân gian thường gọi chệch bằng tên: tết Nguyên đán.
Dân tộc Việt bắt đầu ăn Tết từ khi nào tới nay chưa có tài liệu xác định chính xác. Tuy nhiên, tìm hiểu truyền thuyết và lịch sử, vào khoảng cuối thiên niên kỉ thứ ba trước Công nguyên, thủy tổ dân tộc Việt Nam là Kinh Dương Vương Lộc Tục sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân lên ngôi vua kết hôn cùng Âu Cơ sinh ra trăm trứng nở thành trăm người con. Người con trưởng trở thành Vua Hùng. Hùng Vương có tất cả 18 đời. Đến đời thứ 6, người con trai thứ 18 của Vua Hùng mang tên Lang Liêu đã làm bánh chưng bánh giầy để dâng lên cúng thờ tiên tổ, bày tỏ tấm lòng thành kính. Và Tết Việt Nam cho rằng, có gốc rễ từ đó.
Theo lịch sử, Tết nước ta sớm hình thành như một nét văn hoá mang bản sắc riêng của người Việt. Ý niệm Tết là dịp hướng về cội nguồn từ thuở sơ khai đã ăn sâu vào tiềm thức hết thế hệ này sang thế hệ khác. Một trong những phong tục đẹp đẽ nhất ngày Tết còn gìn giữ được đến nay là tri ân tổ tiên. Dân gian truyền tụng câu “mồng Một tết cha, mồng Hai tết chú, mồng Ba tết thầy”, ẩn ý ghi nhớ công đức sinh thành dưỡng dục của bậc tiền nhân bằng cả tấm lòng biết ơn sâu sắc.
Trở về với Nhà hát Chèo Việt Nam, đã từ lâu thành lệ, cứ vào cuối năm, dù bận rộn thế nào Ban Giám đốc cũng sắp xếp tổ chức một buổi gặp gỡ như thế. Buổi tụ họp các bậc lão thành làm nghề là Tết nghề, tết dành cho những ai từng công tác tại nhà hát đầu ngành. Phong tục ngày Tết nghề,trên ban thờ tổ tại rạp có mâm lễ cùng tuần hương khẩn cầu linh hồn các cụ; trên sân khấu có chương trình nghệ thuật chọn lọc kính trình thế hệ đi trước thành quả một năm lao động phấn đấu. Mỗi năm mỗi khác, các thầy vui mừng vì sự tiến bộ của con cháu, còn cháu con lại thấy an lòng vì mình lại như về nhà, được nương tựa, sẻ chia mọi khó khăn vất vả. Có thể nói, nếu như Chèo – một trong những biểu trưng cho cái đẹp của nghệ thuật truyền thống thì Tết Chèo ở Nhà hát Chèo Việt Nam là “văn hóa trong văn hóa”, thấm đượm yêu thương, ân tình!
Như thế, khi cái tên Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn xướng lên thì cũng có nghĩa nghệ thuật Chèo không thể mất đi. Khi nghệ thuật Chèo không mất đi, Tết Chèo chắc chắn vẫn còn. Buổi gặp mặt hôm nay đã mãi vắng nghệ sĩ nào đó, sang năm có thể lại vắng thêm nhưng rồi sẽ lại được bổ sung một cây đa tỏa bóng. Nguyên khí nghề nghiệp mà GS Trần Bảng đã nói – tích tụ theo bề dày lịch sử bởi những bóng “ma Chèo” – dần trở thành khối năng lượng lớn. Nó tựu chung lại ở ý thức nghề nghiệp, tình yêu. Tình yêu, ý thức nghề nghiệp lớn đến đâu sẽ quyết định đạo đức, tinh thần xả thân vì nghề đến đó! Đấy là dư âm vang vọng khó quên trên chuyến hành hương về nguồn dịp Tết 2017 tại Nhà hát Chèo Việt Nam.
Nghĩa từ vựng, “nguyên” chỉ sự khởi đầu, “đán” là buổi sớm mai. Ghép lại, tết Nguyên đán mang nét nghĩa: thời điểm khởi đầu niềm tin niềm hi vọng. Với truyền thống “văn hóa trong văn hóa”, “uống nước nhớ nguồn”; với sự tiếp sức mạnh mẽ của thế hệ cha ông, tin rằng một mùa xuân mới tràn đầy sức sống hơn, đẹp hơn, sẽ ở lại với Nhà hát Chèo Việt Nam nói riêng và, nghệ thuật Chèo nói chung!
Một số hình ảnh tại buổi gặp mặt các thế hệ diễn viên Nhà hát nhân dịp Xuân Đinh Dậu 2017:
Th.S Ninh Thanh Hà
(Phòng Nghệ thuật)