VH – Đêm thứ hai trong đợt diễn thứ tư trong khuôn khổ dự án Đưa các chương trình nghệ thuật chất lượng cao vào Nhà hát Lớn một lần nữa khán giả Thủ đô được thưởng thức một không gian sân khấu chèo ấn tượng với vở Bắc Lệ đền thiêng. Có thể nói đây là vở diễn phá cách táo bạo của Nhà hát Chèo Việt Nam trên con đường tự làm mới mình.
Cảnh trong vở “Bắc Lệ đền thiêng”
“Bắc Lệ đền thiêng” xoay quanh câu chuyện gìn giữ di sản văn hóa của ông cha – tập tục thờ Mẫu và hát văn ở ngôi đền Bắc Lệ trên mảnh đất vùng biên ải Lạng Sơn trong những năm thực dân Pháp đô hộ. Kẻ xâm lược bắt người dân phá đền, cải đạo hòng phá hoại văn hóa truyền thống ngàn đời nơi đây. Nhưng làm sao phá nổi khi lời ca, tiếng hát và niềm thành kính vốn đã ăn sâu trong tâm trí người dân Việt? Người dân miền biên ải đã liên kết với nghĩa quân của thủ lĩnh Cai Kinh chờ ngày nhất tề giết giặc. Kế hoạch bại lộ, giặc đàn áp dã man nghĩa quân, bắt bà con dân làng lựa chọn hoặc phá đền, hoặc phải chết. Và dân làng đã chọn sự hy sinh.
Rất ngạc nhiên khi NSƯT Triệu Trung Kiên lại được đích thân Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đặt hàng viết kịch bản. Đây là một sản phẩm được viết từ Chợ kịch trên mạng do anh và một nhóm tác giả lập nên. Chủ đề tư tưởng xuyên suốt mà tác giả muốn gửi gắm là đất nước có thể bị xâm lăng, bị chiếm đóng nhưng bản sắc văn hóa Việt, tâm hồn Việt không bao giờ bị khuất phục. Việc tôn vinh bảo vệ nghi lễ hầu đồng, nghệ thuật hát văn chỉ là cái cớ mà trong sâu thẳm là việc bảo vệ bản sắc văn hóa, và cao hơn cả là bảo vệ Tổ quốc ngàn năm văn hiến.
Dùng phương tiện hát chèo để tôn vinh tiếng hát chầu văn mà không làm mất đi những đặc trưng của nghệ thuật chèo là một thử nghiệm thành công đáng ghi nhận của vở chèo Bắc Lệ đền thiêng. Qua vở diễn, ê kíp sáng tạo muốn gửi gắm những quan điểm làm chèo với tư duy rất mới. Một sân khấu được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng với những cảnh diễn múa hát đông người. Một vở diễn đề tài cận đại nhưng rõ ràng vẫn phảng phất những mô típ nhân vật từ truyền thống như chánh tổng, lý trưởng, bên cạnh đó sự xuất hiện của những nhân vật mới trong chèo như nhân vật “ông Tây” cũng được xử lý hát múa rất khéo. Những tràng vỗ tay của khán giả khi được chứng kiến cảnh chàng trung úy Pháp hát chầu văn rất… ngọt. Diễn tả tình ái trên sân khấu chèo là điều vô cùng khó với sân khấu chèo nhưng chỉ cần một điệu múa và một giai điệu chèo cổ người xem đã “thấy” được phần nào mà không hề bị thô giữa Thị Ngọ và viên quan công sứ Pháp.
Cảnh kết là một trong những cảnh diễn thành công nhất của vở khi giặc Pháp ra lệnh đàn áp việc hát múa hầu đồng hay phá bỏ ngôi đền, dân làng nhất tề theo bà đền chọn việc giữ đền. Cảnh múa nhịp nhàng uyển chuyển xen trong tiếng hát văn thỉnh thoảng bị ngắt quãng khi các nhân vật bị giặc bắn chết dần. Hình ảnh về cái chết tập thể đã gây những xúc cảm rất mạnh đối với người xem bởi cách xử lý đậm chất bi hùng. Và đặc biệt giữa sự mất mát, đau thương và khốc liệt là sự sống sót duy nhất của một cháu bé. Lời ca được cất lên non nớt nhưng cũng thể hiện ý chí, sức sống mãnh liệt của người dân Việt. Từng lớp người ngã xuống nhưng những lớp thế hệ tiếp nối lại sẵn sàng đứng lên nối tiếp sứ mệnh của cha ông để văn hóa Việt nói riêng và dân tộc Việt mãi mãi trường tồn.
Thúy Hiền
Ảnh: Trần Huấn
(Trích đăng lại tin từ Báo văn hóa điện tử)